Xứ Ấn Độ đầy mâu thuẫn

Ngô Nhân Dụng 

Thứ Bảy, ngày 27 tháng 2 năm 2016


“Ấn Độ là một quốc gia chứa mâu thuẫn.” Bình thường, nói như vậy đã là cố giảm bớt những xung khắc bên trong xứ sở của hơn một tỷ người này. Nói “Ấn Độ là một khối mâu thuẫn khổng lồ” nghe  sát sự thật hơn. Nhưng vẫn chưa nói chính xác đúng thực tế khối mâu thuẫn đó như thế nào. Cần thêm mấy chữ cho rõ nghĩa: “Ấn Độ là một khối mâu thuẫn khổng lồ luôn luôn đe dọa bùng nổ.”
Một người đến xứ Ấn Độ vào tháng Hai năm 2016 phải liên tiếp đọc hai tin tức lớn đầy các báo, đài.  Tin nóng bỏng nhất là những người thuộc đẳng cấp Jat tại Tiểu bang Haryana biểu tình bạo động, họ đạt được mục đích chính trị sau khi làm 28 người chết và hơn 200 người bị thương. Tin nổi bật thứ hai là Thủ tướng Narendra Modi mới phát động phong trào “Làm tại Ấn Độ” (Made in India) trước khi công bố ngân sách quốc gia cho tài khóa tới, với mục đích thúc đẩy Ấn Độ phát triển các công nghiệp chế tạo, biến xứ Ấn Độ thành một “cơ xưởng của thế giới,” vai trò mà Trung Quốc đã chiếm giữ từ thập niên 1980 cho tới gần đây.


Gần đây thế giới vẫn nhiều người muốn so sánh Trung Quốc với Ấn Độ. Nhưng đó là hai quốc gia khác nhau triệt để, từ mấy ngàn năm. Trung Hoa đã thống nhất thành một quốc gia từ hơn 2,200 năm nay. Ấn Độ là một quốc gia trẻ, chỉ chính thức ra đời năm 1947. Nước Ấn Độ còn trẻ theo nghĩa 47% dân số dưới 24 tuổi, trong khi ở Trung Quốc chỉ có 32% trong lứa tuổi này. Dân Ấn Độ tăng nhanh gấp ba lần dân Trung Hoa (1.24% và 0.44%) ; trong mươi năm nữa dân số Ấn Độ hơn 1 tỷ 2 sẽ cao bằng Trung Quốc, hiện có hơn 1,3 tỷ người. Trung Quốc là một nước thuần nhất về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc, so sánh với Ấn Độ như là một khối hỗn mang. Năm 1947 khi đế quốc Anh rút khỏi bán đảo Ấn Độ, Pakistan lập quốc, thì chính phủ lâm thời Ấn Độ phải thuyết phục hơn 500 “chính quyền” các quốc gia và lãnh thổ hợp nhất thành một liên bang mới. Có bốn, năm nhóm ngôn ngữ chính khác nhau, mỗi nhóm hàng trăm triệu người sử dụng, trong khi còn hàng ngàn ngôn ngữ ít người nói hơn nhưng họ cũng giữ được những lịch sử văn chương hàng ngàn năm, đông người hơn những ngôn ngữ quốc gia ở châu Âu.
Hợp nhất một quốc gia phức tạp đầy các lực ly tâm như vậy đã là một kỳ công. Nhưng xây dựng quốc gia đó theo một thể chế tự do dân chủ là chuyện khó tưởng tượng nổi. Đại sứ Mỹ ở Ấn Độ năm 1950 đã tiên đoán rằng chế độ dân chủ tại Ấn Độ không thể kéo dài quá vài năm; sẽ phải kết thúc với một chế độ độc tài kiểu Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Nhưng khi hàng trăm triệu cử tri Ấn Độ đi bàu quốc hội lần đầu tiên năm 1951 (80% không biết đọc biết viết) thì ông Đại sứ Chester Bowles phải công khai tỏ lòng ngưỡng mộ sau khi đi quan sát nhiều nơi bỏ phiếu. Nước Ấn Độ vẫn giữ được nền nếp tự do dân chủ đó Trong gần 70 năm qua.
Nhưng đó vẫn là một khối mâu thuẫn khổng lồ chờ bùng nổ bất cứ lúc nào. Những cuộc nổi loạn gần đây của người đẳng cấp Jat tại Haryana là một thí dụ. Nguồn gốc sâu xa phải kể từ hệ thống đẳng cấp đã mọc gốc rễ trong tôn giáo Ấn Độ từ mấy ngàn năm rồi. Khi Ấn Độ độc lập, hiến pháp dân chủ xóa bỏ các đẳng cấp, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Cho đến nay quy tắc trên vẫn được tôn trọng nhưng óc kỳ thị vẫn còn trong đầu óc và cách cư xử của hàng trăm triệu người.
Tiểu bang Haryana, bao quanh ba mặt của thủ đô New Delhi chỉ có 26 triệu dân nhưng lại là một vùng giầu có, lợi tức bình quân đứng thứ nhì trong nước. Người thuộc đẳng cấp Jat chiếm 29% cũng là nhóm dân đông đúc nhất; xưa người Jat không được xếp hạng vào số những đẳng cấp thấp hèn, hạ tiện nhất cần được nâng đỡ. Vì chiếm tỷ lệ cao nhất cho nên họ cũng gây được ảnh hưởng chính trị nhiều nhất. Đảng Quốc Đại ở tiểu bang vẫn dựa một phần vào khối cử tri này để thắng phiếu, cho nên một người Jat thường đóng vai thủ hiến tiểu bang.
Những cuộc biểu tình bạo động của người Jat gần đây nhằm một mục đích có thể khó hiểu đối với những người không… sống ở Ấn Độ. Dân Jat biểu tình đòi được coi là một đẳng cấp hạ tiện! Tại sao lại có những người muốn được ghi rõ trong chính sách, trên giấy tờ, rằng họ thuộc loại người… thấp kém? Có những nguyên nhân lịch sử.
Khi Ấn Độ độc lập, đảng Quốc Đại cầm quyền theo chủ trương của thánh Gandhi đã thiết lập các định chế nhằm nâng cao những người thuộc các đẳng cấp thấp nhất để xóa bỏ những bất công mà họ phải chịu đựng hàng ngàn năm. Hai trong các chính sách nâng đỡ là dành một số công việc trong chính quyền cho người thuộc các đẳng cấp này và giành một số chỗ trong ngành giáo dục cho học sinh, sinh viên thuộc các đẳng cấp vốn bị bạc đãi.
Trong hơn nửa thế kỷ áp dụng, các chính sách trên không đem lại kết quả mà các nhà lập quốc mong đợi.  Một hậu quả bất ngờ là một số nhỏ đã biết cách lợi dụng những chính sách ưu đãi trên để chiếm lấy địa vị, quyền hành và tài sản, trong khi đa số dân thuộc các đẳng cấp thấp vẫn sống lầm than như cũ.
Trong cuộc bàu cử năm 2014, đảng BJP của thủ tướng Modi thắng đảng Quốc Đại khắp nước và cũng thắng tại tiểu bang Haryana. Họ đã đưa một chính khách không thuộc đẳng cấp Jat lên chức thủ hiến. Các chính khách Jat nhân cơ hội kêu gọi những người cùng đẳng cấp nổi loạn đốt phá và chém giết!
Trong chính quyền và trong các trường học ở tiểu bang, 47% các chỗ vẫn được dành cho các đẳng cấp thấp hèn, trong đó đẳng cấp Dalits, thường gọi là “không ai dám đụng chạm” chiếm 20% dân số. Có 27% chỗ vẫn được dành cho các đẳng cấp thấp nhất, với những tên gọi như Ahirs, Gujjars and Lodhas. Năm 2013, chính phủ thuộc đảng Quốc Đại đã nâng đỡ một số đẳng cấp khác, trong đó có những đẳng cấp nằm trong khối người Jat, tăng tổng số chỗ dành riêng thành 57%. Sau đó, đảng Quốc Đại còn tăng thêm 10% nữa gồm những người kinh tế yếu, tổng số có 67% các ghế được dành cho các đẳng cấp cần nâng đỡ. Một chính sách nâng đỡ người Jat năm ngoái đã bị Tối Cao Pháp Viện Ấn Độ bác bỏ vì vi hiến.
Người Jat nổi loạn vì được các nhà chính trị cùng đẳng cấp thúc đẩy với óc cuồng tín nhuốm màu tôn giáo, vì hệ thống đẳng cấp trong lịch sử Ấn Độ có nguồn gốc tôn giáo. Người Jat đi biểu tình hung hãn đốt nhà, cướp của, không khác gì cảnh thường diễn ra trong những cuộc xung đột giữa tín đồ Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo trong nửa thế kỷ lâu lâu lại bùng lên!
Chính quyền Ấn Độ phải cai trị một tỷ dân với những xung đột quyền lợi thực tế và xung khắc tín ngưỡng sâu xa như vậy. Các nhà chính trị thuộc nhiều đảng phái, có nhiều đảng chỉ hoạt động hoàn toàn tại địa phương nhưng có hai đảng lớn toàn quốc là đảng Quốc Đại và BJP (Bharatiya Janata Party). Đảng BJP  thành hình từ năm 1977 nhưng mới nổi lên trong vài chục năm qua khi kích thích tinh thần đề cao dân tộc và tín ngưỡng cổ truyền theo Ấn Độ giáo. Trong 70 năm từ khi lập quốc, đảng Quốc Đại cai trị hơn nửa thế kỷ, bị đảng BJP lật đổ hai lần, năm 1998 và 2014. Thủ tướngNarendra Modi thắng cử hai năm trước vì dân Ấn Độ, một lần nữa, lại chán ngán các chính sách “có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa” của đảng Quốc Đại.
Những người cầm quyền ở Ấn Độ ngay sau khi độc lập, như Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Phó thủ tướng Sardar Patel đều muốn thiết lập một hệ thống kinh tế theo lối “chủ nghĩa xã hội” mặc dù cả hai đều “chống độc tài,” đặc biệt là chế độ cộng sản. Bà Indira Gandhi, con gái ông Nehru còn nghiêng sang chủ nghĩa xã hội nhiều hơn bố, bắt đầu quốc hữu hóa các ngân hàng. Nhưng khi bà thất cử thì vẫn giữ tinh thần dân chủ, thản nhiên chấp nhận chính sách của mình bị dân chúng gạt bỏ qua những lá phiếu tự do.
Ấn Độ chỉ “cải tổ kinh tế” sau năm 1990, chậm hơn đảng cộng sản ở Trung Quốc hơn chục năm! Đảng BJP đã thúc đẩy công cuộc thay đổi cơ cấu kinh tế ngay từ khi lên cầm quyền lần thứ nhất, và hiện nay ông Modi đang đề xướng một chương trình “cải tổ kinh tế” khác, phát động phong trào “Làm tại Ấn Độ.”
Cả hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đều đang muốn “cải tổ cơ cấu” nền kinh tế. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ ảnh hưởng mạnh trên đời sống loài người trong thế kỷ 21.
Trong một bài trước, mục này đã nêu ra các khó khăn mà ông Tập Cận Bình đang gặp trong chương trình thay đổi kinh tế nước Trung Hoa. Trong bài tới, chúng tôi sẽ trình bầy thêm về những khó khăn và triển vọng trước mặt ông Narendra Modi ở Ấn Độ. Cả hai quốc gia đều có thể cho người Việt Nam học được nhiều kinh nghiệm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù