Những mẻ lưới đầu năm



Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-02-25
Đầu Xuân, theo tập tục và truyền thống của tổ nghề truyền lại, ngư dân bắt đầu làm lễ Cầu Ngư, lễ ra khơi và đánh mẻ lưới đầu năm. Đây là mẻ lưới cầu may và cũng là mẻ lưới khởi sự cho một năm lao động, khai thác trong nghề biển. Tuy rằng mẻ lưới đầu năm của ngư dân từ Bắc chí Nam đều đầy ắp cá và tôm hùm giống nhưng ngư dân lại không thấy vui. Hoặc nếu có vui thì niềm vui cũng chỉ tạm bợ trong chốc lát. Vì sao?

Được cá vẫn thấy buồn

Như lời của một ngư dân tên Phụng ở tỉnh Bình Định chia sẻ: “Đầu tiên là nghinh Thần, rước Thần ngoài biển về, sau đó đến cùng heo tức giết heo, rồi sau đó là lễ khởi ca bằng hát tuồng. Sau đó còn có các trò chơi dân gian. Lễ cầu ngư đây là lễ hằng năm, theo dịch lý là mở hướng đi đánh bắt đó. Lễ này cũng giống như lễ mở cửa biển của Sa Huỳnh, mọi người sẽ tập trung thờ cúng ông Nam Hải, tức là cá voi, cá heo dạt vào biển rồi chết.”
Lễ cầu ngư đây là lễ hằng năm, theo dịch lý là mở hướng đi đánh bắt đó. Lễ này cũng giống như lễ mở cửa biển của Sa Huỳnh, mọi người sẽ tập trung thờ cúng ông Nam Hải, tức là cá voi, cá heo dạt vào biển rồi chết.
-Ông Phụng
Ông Phụng cho biết thêm là theo chỗ ông biết được thì hầu hết các bạn chài làm biển của ông từ Bắc chí Nam đều trúng vụ trong mẻ lưới đầu tiên. Điều này mang lại niềm vui không nhỏ cho ngư dân. Ông chỉ thấy buồn cho những ngư dân Phú Yên bị mắc kẹt trong sông vì cửa biển Đà Rằng bị bồi lấp, họ phải chờ thủy triều lên cao trong những ngày cận Rằm hoặc Rằm tháng Giêng mới có thể thoát ra khỏi bãi cạn mà tính chuyện đánh bắt.
Nhưng trong giai đoạn Rằm, trăng sáng và tôm cá sẽ lặn sâu dưới đáy để tránh khúc xạ mặt trăng, e rằng khó mà đánh bắt cho tốt được như những ngày từ Mồng Ba Tết đến Mồng Mười tháng Giêng. Và ngoài nỗi buồn cho bạn nghề, có một nỗi buồn khác mà hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ đều thấy lo lắng. Đó là hiện tại đang là mùa Xuân, sản lượng đánh bắt sẽ rất cao. Hơn nữa vì đang dịp Tết nên mọi ngư trường trên biển Đông đều không bị cấm, ít nhất là cho đến ngày Mồng Mười tháng Giêng.
Sau ngày Mồng Mười tháng Giêng, mọi chuyện sẽ khác đi, các ngư trường nóng, tức là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa sẽ bị cấm đoán và gây khó trong vài ngày tới. Và mọi chuyện đâu cũng vào đấy, ngư dân Việt nam lại bị rượt đuổi, bắt bớ và hành hạ, bị mất trắng…
Đặc biệt là mẻ lưới đầu mùa lại cho rất nhiều cá, điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là ngư dân Trung Quốc sẽ chú ý hơn các vùng biển cho nhiều cá, họ sẽ xua tàu vào đánh bắt trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Chuyện này không phải là lần đầu tiên mới diễn ra mà đã nhiều lần như vậy. Hễ đầu năm, ngư dân Việt Nam đánh trúng vụ thì chắc chắn trong năm đó, số lượng tàu đánh bắt của ngư dân Trung Quốc sẽ xuất hiện dày đặc trên ngư trường Hoàng Sa và vùng biển Việt Nam.
Và cũng khác với mọi năm, dường như mọi buổi lễ Cầu Ngư thời bây giờ đều đá sang vấn đề chính trị chứ không hoàn toàn chứa lời cầu khẩn thần linh giúp đỡ con người mưa thuận gió hòa, trời êm bể lặng như trước đây.
danh-ca-400B.jpg
Sơn lại thúng chài chuẩn bị đánh bắt cá. RFA PHOTO.
Ông Phụng nói rằng lời cầu khẩn của các vị Chủ lễ trong lễ Cầu Ngư trước đây chỉ xin thần biển giúp đỡ cho con người được bình an, xin tôm cá đầy thuyền và xin mưa thuận gió hòa, trời êm bể lặng để ngư dân giữ vững cột buồm mà tay lèo tay lái ra khơi, đánh bắt xong lại tay lèo tay lái vào bờ.
Nhưng trong lời khấn vái bây giờ, người Chủ Tế phải cầu mong trời đất, thần linh phù hộ cho ngư dân Việt Nam được bình an, không bị những kẻ vô lương tâm hành hạ, cướp bóc và giết hại trên biển. Và trong lời khấn vái có cả mong ước biển Việt Nam vẫn mãi là biển Việt Nam, biển Việt Nam không bị xâm chiếm, không bị hẹp lại và người Việt Nam không bị kẻ khác đến xua đuổi ngay trên biển của cha ông để lại.
Không biết thần linh có nghe thấy những điều mà ngư dân đã cầu nguyện trong buổi lễ Cầu Ngư hay không nhưng dẫu sao thì các ngư dân vẫn thấy bình an trong lòng một chút nào đó. Và ít ra họ tin rằng có thần linh che chở cho mình trong lúc lênh đênh kiếm cơm giữa trùng dương.
Ông Phụng cho rằng lời cầu nguyện của ngư dân sẽ đánh động đến thần linh trong những ngày đầu năm. Bởi chỉ có thần linh mới thấu hiểu nỗi cô đơn, cô độc của ngư dân Việt Nam khi họ gặp nạn, gặp tàu Trung Quốc đến đâm húc, bắt bớ và cướp bóc, thậm chí bắn người. Những lúc như thế, ngư dân Việt Nam chỉ mong chờ vào sự che chở của thần linh. Bởi ngoài thần linh, không có bất kỳ lực lượng nào dám đến che chở cho ngư dân Việt Nam.

Nhìn lưới rồi nhìn bờ

Một ngư dân khác tên Hạnh, sống ở thành phố Qui Nhơn, chia sẻ: “Dân đánh biển đã đi bình thường, đánh cá bình thường. Trước Tết nghỉ không đi gì nhưng giờ đi vừa vừa rồi.”
Theo ông Hạnh, một ngư dân giỏi là một người biết nhìn trời, nhìn đất, nhìn hướng gió và các vì sao để đoán thời tiết sẽ diễn biến ra sao tìm ra một niên biểu khả dĩ để đánh bắt trong năm. Đương nhiên là niên biểu đánh bắt chỉ có giá trị tương đối, còn tùy thuộc vào những đột biến thời tiết trong năm mà lựa chọn lịch trình ra khơi.
Dân đánh biển đã đi bình thường, đánh cá bình thường. Trước Tết nghỉ không đi gì nhưng giờ đi vừa vừa rồi.
-Ông Hạnh
Nhưng đó đã là chuyện của ngày xưa, ngư dân bây giờ, theo ông Hạnh, không cần phải hiểu biết hay có kinh nghiệm gia truyền về thiên văn địa lý làm gì cho mệt óc. Những thứ đó dựa vào đài khí tượng thủy văn trong nước và nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản là đủ.
Vấn đề của ngư dân hiện tại là phải có nhiều vốn hoặc nếu không có thì vay thật nhiều vốn để đóng tàu công suất lớn, có khả năng trốn thoát nhanh nhất, hiệu quả nhất khi bị Trung Quốc rượt đuổi. Và khả năng quan sát của ngư dân hiện tại không phải là nhìn trời mây, nhìn trăng sao mà chỉ cần nhìn trên bờ, hễ thấy có nhiều người Trung Quốc xuất hiện trên bờ thì phải coi lại lịch trình đánh bắt dưới biển. Điều này như một thứ kinh nghiệm xương máu của ngư dân.
Và có vẻ như ngư dân là người am hiểu chính trị hơn hết, bởi họ có riêng một công thức chính trị. Nghĩa là tổng số ngư dân Việt Nam bị hành hạ ngoài biển Đông sẽ tăng tương đương 2% tổng số người Trung Quốc xuất hiện trong bờ nhân cho tổng số diện tích đất họ mua được tại Việt Nam. Số tổng càng cao thì nguy cơ bị rượt đuổi, bắt bớ, cướp tàu, đánh đập ngoài biển của ngư dân Việt sẽ càng cao.
Như để kết thúc câu chuyện về mẻ lưới đầu năm, ông Hạnh nói rằng mặc dù mẻ lưới đầu năm  rất hiệu quả, phấn khởi và mặc dù nhìn mây, nhìn trời đêm giao thừa đều hiền lành, yên tĩnh, điều này dự báo một năm mưa thuận gió hòa. Nhưng khi nhìn lên mặt đất tromng những ngày đầu năm, ông chỉ thấy lo lắng nhiều hơn.
Lại một mùa đánh bắt đầy gian truân và đau khổ của ngư dân Việt Nam bắt đầu. Chúng tôi xin cầu chúc các ngư dân luôn vững tay lái giữa trùng khơi và luôn gặp may mắn, luôn mạnh khỏe, bình an để sau mỗi chuyến ra khơi, dù có thế nào chăng nữa cũng trở về bình yên với vợ con, người thân và được nhìn thấy nụ cười ấm áp, mừng vui của người thân khi bước lên bờ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?