Tin Biển Đông – 31/08/2017

Tin Biển Đông – 31/08/2017

Thủ tướng Anh bày tỏ quan ngại bất ổn ở Biển Đông

Thủ tướng Anh Theresa May hôm 31 tháng 8 nói rằng ổn định ở khu vực Biển Đông là mối quan tâm toàn cầu và thúc giục các bên có một giải pháp hòa bình cho những khác biệt tại khu vực này.
Bà Theresa May nói điều này nhân chuyến thăm Nhật Bản tham dự cuộc họp của an ninh cấp cao với Nhật Bản.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Anh lên tiếng quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông. Hôm 27 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói với hãng tin Reuters của Anh rằng nước này sẽ gia tăng sự hiện diện của mình ở khu vực Biển Đông bằng cách gửi tàu chiến tham gia tuần tra chung với Mỹ tại đó vào năm tới. Ông Michaal Fallon nói mục đích của việc tham gia tuần tra chung với Mỹ ở biển Đông là thực hiện quyền tự do hàng hải của Anh ở đây.
Hồi năm ngoái, máy bay RAF Typhoons của Anh cũng đã bay qua Biển Đông.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông nơi một số nước châu Á cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton từ năm 2010 đã lên tiếng khẳng định quyền lợi của nước Mỹ về tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này. Từ năm 2015, Hoa Kỳ đã nhiều lần cho tàu chiến của mình đi qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông để thách thức những đòi hỏi về chủ quyền quá mức của nước này và khẳng định quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Trung Quốc bác bỏ tin châu Phi đứng về phía Nhật

trên Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tin cho rằng các nước châu Phi đang đứng về phía Nhật Bản trong nỗ lực của nước này nhằm bảo vệ vùng biển quốc tế trước cách hành xử ngày càng hung hãn của Trung Quốc.
Phát biểu tại một họp báo thường kỳ hôm 28/8, bà Hoa Xuân Oánh nói thông tin đó ‘sai lệch một cách nghiêm trọng so với sự thật’. Trước đó, một bản tin của hãng thông tấn Kyodo, và tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói rằng các quốc gia châu Phi đứng về phía Nhật Bản trong các vấn đề liên quan tới luật lệ hàng hải trong một cuộc gặp ở Mozambique hồi tuần trước.
Bà Hoa nói vấn đề này đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận tại cuộc họp tiếp nối Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi cấp bộ trưởng ở thành phố Maputo, nhưng “chưa bao giờ vượt qua cái gọi là thông cáo của chủ tịch.”
“Đó chỉ là việc ghi lại nội dung các cuộc thảo luận dưới hình thức biên bản cuộc họp. Các nội dung liên quan đến các vấn đề trên biển là do Nhật đơn phương bịa đặt ra. Không chỉ không có quốc gia châu Phi nào đồng ý với lập trường của Nhật mà nhiều nước châu Phi còn lần lượt công khai phản đối,” bà Hoa nói.
Bà Hoa lưu ý rằng khi ngoại trưởng hai nước Nhật Bản và Mozambique xuất hiện cùng nhau tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mozambique Oldemiro Julio Marques Baloi nói rằng diễn đàn Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi không thể bị chính trị hóa.
Nữ phát ngôn nhân của Trung Quốc nói bất cứ cuộc thảo luận nào về các vấn đề trên biển đều được giới hạn ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, và điều này có nghĩa là Biển Đông và Thái Bình Dương, là vùng biển đang làm Tokyo ngày càng quan ngại, không nằm trong các nội dung được thảo luận tại diễn đàn này và cũng không có liên quan gì tới các nước châu Phi.
“Nhật Bản cần phải thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với các nước châu Phi và phải dành cho họ sự giúp đỡ chân thành. Nhật Bản không nên áp đặt ý muốn của họ lên các nước châu Phi hay tìm cách chia rẽ các nước này với nước khác,” bà Hoa nói.
Hôm 25/8, hãng tin Kyodo đưa tin rằng tại Maputo, ngoại trưởng Nhật và các nước châu Phi khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói duy trì trật tự trên biển dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như tự do hàng hải, là thiết yếu để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nhật Bản sẽ “làm việc hết lòng để tăng cường kết nối giữa châu Á và châu Phi,” Ngoại trưởng Kono hứa. Ông cho biết Tokyo sẽ cố gắng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Phi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?