Tin Việt Nam – 29/08/2017

Tin Việt Nam – 29/08/2017

Quân đội, hãy buông tay khỏi Đồng Tâm

“Tát nước theo mưa”
Trong khi hàng chục giấy triệu tập của Công an Hà Nội gửi về Đồng Tâm còn chưa ráo mực, như thể “tát nước theo mưa” nhằm tăng thêm sức ép, mấy ngày nay Bộ Quốc Phòng lại gửi giấy triệu tập cụ Lê Đình Kình và con của cụ là trưởng thôn Lê Đình Công.
Lý do triệu tập được đưa ra là “để làm rõ vụ án”. Nhưng vụ án ở đây là vụ án nào? Bộ Quốc phòng vừa khởi tố vụ án mới hay là đang khơi lại vụ án cũ – tức vụ án Chống người thi hành công vụ mà nhân đó Bộ Quốc phòng đã cùng Công an Hà Nội đánh gãy chân cụ Kình trong quá trình bắt giữ vào ngày 15/4? Vụ bắt người sai quy trình tố tụng, không lập biên bản, không đọc lệnh, còn gây thương tích nghiêm trọng cho cụ Kình tới nay vẫn chưa được xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cũng cần nhắc lại là Bộ Quốc phòng còn có dấu hiệu lạm quyền khi tiến hành khởi tố bất kỳ vụ án nào liên quan tới tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm bởi lẽ theo Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự 2015 thẩm quyền của Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc Phòng chỉ giới hạn trong “những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.” (Khoản 2, Điều 26)
Những gì diễn ra ở Đồng Tâm cho tới giờ phút này không phải tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lại chẳng xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu, mà cũng chẳng xuyên quốc gia, thì lãnh đạo Bộ Quốc Phòng lấy lý do gì để biện minh cho việc khởi tố vụ án ở Đồng Tâm?
Quan trọng hơn, những người dân quê Đồng Tâm góp gạo góp quân là để Quân đội bảo vệ lãnh thổ quốc gia trước ngoại xâm, chứ không phải là để nhăm nhe vào đất đai – nguồn sống của họ, hoặc sử dụng bộ máy điều tra, tòa án quân sự để bỏ tù họ khi họ chỉ đang cố gắng giữ lại nguồn sống cho mình.
Súng là dân giao cho các anh, dù có thế nào đi chăng nữa, dù có dưới lệnh ai đi chăng nữa, các anh cũng không được phép chĩa nó vào những nơi mà các anh từ đó đi ra, vào những người đang đổ mồ hôi nuôi các anh.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Triệu tập dân Đồng Tâm:

dân và chính quyền trái quan điểm

Ai đúng ai sai?
Vụ việc Đồng Tâm lại khiến dư luận xôn xao khi cơ quan chức năng cả Công An và Quân Đội gửi giấy triệu tập đến người dân.
Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm bị triệu tập liên quan đến các hành vi mà cơ quan chức năng cho là vi phạm pháp luật trong vụ tranh chấp đất:
“Chuyện triệu tập là hết sức bình thường, cơ quan điều tra của Thành phố họ triệu tập theo luật, có vấn đề gì đâu.”
“Bọn em đừng có nghe người dân, họ nói thế thôi, chứ bây giờ bắt giữ công an trái phép và giam giữ người trái pháp luật từ ngày 15 đến ngày 22, mà cứ bảo là không vi phạm pháp luật.”
- ông Lê Xuân Văn, Trưởng công an Mỹ Đức
Một người dân ở xã Đồng Tâm, xin giấu tên xác nhận với chúng tôi thông tin nhiều người địa phương bị cơ quan chức năng triệu tập và cũng nói rằng người dân sẽ không làm theo nội dung tờ giấy này bởi vì họ không làm gì nên tội.
Ngoài ra, anh cũng bày tỏ sự không hài lòng khi chính quyền chỉ muốn quy kết tội cho dân Đồng Tâm vì vụ giam giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động hồi tháng 4, mà không màng đến nguyên nhân vì đâu người dân phản ứng như vậy:
“Nếu người ta triệu tập rồi cố đàn áp thì người ta phải tự hỏi mình xem nguồn cơn từ đâu, chứ đâu có phải cứ như vậy về bắt người là bắt được đâu. Dân người ta không nghe đâu. Sao người ta không khởi tố những người đánh cụ Kình trước đi. Làm như thế là bất công.”
Cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người bị công an Hà Nội bắt giữ hồi tháng 4 vừa qua, vào sáng ngày 27/8, xác nhận thông tin cụ nhận được giấy triệu tập từ Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng cũng như nhiều người khác nhận giấy từ phía Công an Hà Nội.
“Tất cả các giấy triệu tập thực ra bây giờ họ cứ đi làm nhũng nhiễu rất đông. Đến hàng trăm người lận. Cả công an huyện, cả công an thành phố, cả công an xã không những đưa giấy triệu tập mà còn bảo đi đầu thú.”
Tuy nhiên theo lập luận của vị cao niên lâu nay theo đuổi vụ việc tại Đồng Tâm, người dân bảo vệ đất nông nghiệp họ nên không có tội gì mà đi đầu thú. Cụ cho rằng phía chính quyền không có quyết định thu hồi đất, giao đất, không giải phóng mặt bằng, đền bù nhưng định lấy đất của người ta thì không sao; đó là một điều hết sức vô lý.
Khi được hỏi vậy người dân có dự tính đến gặp cơ quan chức năng theo nội dụng giấy triệu tập không, cụ Kình cho biết:
“Dân Đồng Tâm người ta bảo người ta không đi đâu cả, người ta chả có tội gì mà đi đâu cả! Bây giờ muốn giải quyết cái gì thì về văn phòng Đảng ủy xã Đồng Tâm và mời cán bộ và công dân ra đó để đối thoại. Nếu Viettel hay Mỹ Đức mà vẫn cố về tranh chấp, đến khi xảy ra án mạng thì anh nào sai anh ấy chịu trách nhiệm. Mà dân Đồng Tâm thì không bao giờ sai cả.”
Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm có thể sẽ không đến gặp cơ quan chức năng theo giấy triệu tập:
“Theo luật, người ta triệu tập 3 lần mà không đến thì người ta sẽ áp giải.
Nếu có tội thì người ta sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Bọn em đừng có nghe người dân, họ nói thế thôi, chứ bây giờ bắt giữ công an trái phép và giam giữ người trái pháp luật từ ngày 15 đến ngày 22, mà cứ bảo là không vi phạm pháp luật.
Thứ hai, đất là đất quốc phòng. Kết luận thanh tra của Chính phủ và Thành phố có rồi lại cứ bảo là đất của Đồng Tâm.
Người dân cứ ngồi ở nhà bảo không vi phạm gì, nhưng vụ án có hồ sơ, có căn cứ chứ sao bảo không vi phạm gì được.
Còn phạm tội gì thì công an Thành phố và cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng đang thụ lý.
Triệu tập có rất nhiều dạng, có thể triệu tập người bị hại, nhân chứng, có thể anh có liên quan vụ án, có thể anh là bị can, bị cáo,…
Một số đối tượng như ông Kình chẳng hạn, ông đã bị công an thành phố khởi tố rồi. Hay thằng Công, thằng Ba, những nhân vật chính, người ta cũng khởi tố và ra lệnh bắt rồi. Bây giờ người ta tạm thời cho tại ngoại thôi.
Bây giờ người ta triệu tập là theo luật thôi. Nếu anh không chấp hành thì sau này người ta sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.”
Quyết giữ đất đến cùng!
Đáp lại những thắc mắc của chúng tôi khi một bên chính quyền muốn gặp người dân để điều tra làm rõ vụ án, còn người dân lại lên tiếng nói rằng họ sẽ không đến gặp, luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội giải thích một số khía cạnh pháp lý. Thứ nhất, ông nói rằng phía công an thành phố đã khởi tố vụ án bắt và giam giữ người trái phép và cố ý phá hoại tài sản đối với một số người dân Đồng Tâm. Vì vậy, theo ông, công an có quyền hợp pháp triệu tập người dân. Ông nói thêm:
“Phía Quốc phòng thì tôi không biết người ta đã có quyết định khởi tố hay chưa. Chỉ biết là trong giấy triệu tập người ta ghi là làm rõ vụ án thôi. Nếu có quyết định khởi tố rồi thì triệu tập là hợp pháp.
Trường hợp nếu người dân không đến thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải.”
Vị luật sư này cũng gợi ý người dân dân nên thuê luật sư để giúp bảo vệ mình ngay giai đoạn đầu. Thêm nữa, nếu việc đi lại đến trụ sở cơ quan điều tra quá xa, ảnh hưởng đến công việc, đời sống hằng ngày thì có thể làm đơn đề nghị với cơ quan điều tra cho phép làm việc hay hỏi cung tại trụ sở công an xã cho gần. Theo ông, điều này luật pháp cho phép.
“Dân Đồng Tâm người ta bảo người ta không đi đâu cả, người ta chả có tội gì mà đi đâu cả!”
- Cụ Lê Đình Kình
Ngày 25/7 vừa qua, Thanh tra thành phố Hà Nội chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.
Ngay sau đó người dân Đồng Tâm đã bày tỏ bất bình với kết luận này và làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng. Đến thời điểm này là hơn một tháng, cụ Kình cho biết thông tin về việc này:
“Đơn khiếu nại gửi lên Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Thủ tướng nhưng người ta chỉ gửi lại giấy nói là họ đã nhận được thôi chứ người ta về để đối thoại với mình hay trả lời mình là chưa có.”
Cụ Kình nói với chúng tôi rằng dân Đồng Tâm sẽ cương quyết giữ đất đến cùng, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra:
“Chỉ có khi nào Nhà nước có quyết định thu hồi đúng thẩm quyền đúng pháp luật, giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng thì lúc đó sẽ giải quyết. Còn bây giờ cứ cái kiểu nhận đất nhưng không có quyết định thu hồi gì cả thì người ta sẽ quyết giữ đến cùng. Nếu cố tình như vậy sẽ xảy ra xung đột.”
Cụ ông 82 tuổi này cũng tiết lộ rằng hiện tại khu đất đồng Sênh và sân bay Miếu Môn người dân Đồng Tâm đã tiến hành trồng cây để thể hiện quyết tâm giữ đất của họ.

Dân Đồng Tâm ‘giữ đất đến hơi thở cuối cùng’

Trưởng thôn Hoành cho biết khi liên tiếp nhận được giấy mời triệu tập liên quan đến vụ tranh chấp đất đai, người dân Đồng Tâm đã quyết định không nhượng bộ chính quyền.
Ông Lê Đình Công, cho biết BBC rằng từ tháng Bảy tới nay có khoảng 70 người dân Đồng Tâm đã nhận được nhiều giấy mời triệu tập liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai hồi tháng Tư tại xã Đồng Tâm.
Bản thân ông và cũng đã nhận được ba giấy mời triệu tập của Công an TP Hà Nội và Bộ Quốc Phòng, về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”.
Ông Công, con trai cụ Lê Đình Kình, cho BBC biết rằng hôm 27/8 đã có một “cuộc họp toàn thể nhân dân xã đồng tâm, khẳng định đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của nhân dân Đồng Tâm.”
“Thứ nhất, nếu chính quyền Hà Nội, công an Hà Nội mà cố tình cướp đi quyền lợi đất đai của người dân thì người dân Đồng Tâm sẽ giữ đến hơi thở cuối cùng.”
“Thứ hai nếu chính quyền mà bắt một người Đồng Tâm, thì người dân Đồng Tâm cũng sẽ sẵn sàng đổ máu.”
“Họ coi thường kỉ cương phép nước, coi thường pháp luật thì nhân dân đồng Tâm sẽ cho họ thấy thế nào là coi thường kỷ cương phép nước, và coi thường pháp luật.
“Nhân dân Đồng Tâm sẽ xử toàn bộ người làm sai, không kể bất kì một ai từ huyện đến thành phố, người dân sẽ quyết tâm chiến đấu đổ máu.”
‘Hội nghị công dân’
Video quay trực tiếp qua Facebook cho thấy rất nhiều người dân đã tụ tập tại nhà của cụ Lê Đình Kình hôm 27/8, và lập một “Biên bản hội nghị công dân đồng tâm, chống tham nhũng”.
Trong đoạn video, một người dân đã đọc to một phần của biên bản như sau:
“Thực hiện lời nói của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ‘Bọn tham nhũng là giặc ngoại xâm’, vậy nhân dân xã Đồng Tâm kiên quyết chiến đấu đến cùng. Dù có phải hi sinh cũng phải giữ bằng được đất nông nghiệp của mình. Không để cho bọn tham nhũng huyện và thành phố Hà Nội cướp.”
Ông Công cũng cho biết đã nhờ người gửi đơn gồm gần 1000 chữ ký của người dân Đồng Tâm đến các đại sứ quán các nước để nhờ giúp đỡ người dân Đồng Tâm.
Ông cho biết đã gửi đơn đến đại sứ quán Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Thụy Điển… và sẽ tiếp tục gửi đơn.
Ông Lê Đình Công, cùng cha mình là cụ Lê Đình Kình bị bắt lên xe hôm 15/4, và được thả vài ngày sau trong lúc cuộc đối kháng giữa chính quyền và người dân diễn ra khoảng giữa tháng Tư năm nay.
Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng của Việt Nam mới đây cũng có giấy triệu tập cụ Lê Đình Kình lên làm việc về ‘các nội dung, vấn đề liên quan’ tới tranh chấp đất đai Đồng Tâm.
Luật sư Trần Vũ Hải, người có nhiều lần làm việc với người dân Đồng Tâm, từ chối đưa ra bình luận khi BBC liên lạc vào hôm 29/08 và chỉ cho biết ông cùng một nhóm luật sư đang cố gắng tư vấn cho người dân Đồng Tâm giải quyết vụ việc theo cách mà ông gọi là “êm ả”.
BBC cũng đã liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Hoạt nhưng ông từ chối bình luận.

Vụ VN Pharma: Bộ Y tế nói đã ‘làm đúng quy trình’

Bộ Y Tế lần đầu tiên giải trình về trách nhiệm của cơ quan quản lý dược liên quan đến bê bối thuốc giả của công ty dược VN Pharma hôm 29/8.
Bài có tựa “Bộ Y tế lần đầu công bố chi tiết diễn biến cấp phép vụ thuốc giả của VN Pharma” của báo Dân Trí dẫn giải thích của Bộ Y Tế khẳng định “đã thực hiện cấp phép nhập khẩu thuốc theo đúng quy định hiện hành”.
Theo bài báo này, Bộ Y Tế đã nhận đơn hàng thuốc H-Capita 500mg của VN Pharma từ 16/10/2013 và tiến hành thẩm định.
Hai tháng sau, Bộ Y Tế cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu loại thuốc này, nói rằng “Việc cấp phép hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái”.
Bảy tháng sau khi cấp phép nhập thuốc, 31/7/2014 Bộ Y Tế mới yêu cầu giám đốc VN Pharma giải trình sau khi phát hiện giá thuốc rẻ ‘bất thường’.
Ngày 1/8/2014 Cục Quản lý Dược ra quyết định không cho phép thuốc H-Capita bán ra thị trường. Bài báo này của báo Dân trí, khẳng định “không có một viên thuốc H-Capita nào trong lô thuốc nhập khẩu được bán trên thị trường”.
Hôm 14/8, Cục Quản lý Dược ra quyết định tiến hành niêm phong toàn bộ số thuốc H-Capita 500mg.
Về việc thẩm định, Bộ Y tế nói vì các giấy tờ liên quan của VN Pharma được giả mạo tinh vi, 10 chuyên gia thẩm định của trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Cục Quản lý Dược không thể phát hiện.
Về việc xử lý hành chính, báo này cho biết bộ đã yêu cầu các cán bộ liên quan “báo cáo, giải trình và rút kinh nghiệm sâu sắc,” và thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo, thẩm định.
Bộ Y Tế cũng đã bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến nhập khẩu, đấu thầu thuốc, một cách được báo Dân Trí mô tả là “rất chi tiết, chặt chẽ tại Luật Dược 2016.”
Cộng đồng ung thư gửi tâm thư đến Bộ trưởng Y tế
Tuy vậy, hôm nay báo Gia Đình Mới cũng đưa tin cộng đồng ung thư đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Báo này dẫn lời lại bà Đồng Thị Luyện viết: “Chúng tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền điều tra lại thật rõ ràng và xử thật công bằng đúng người đúng tội, phải trả giá đúng những gì chúng đánh cắp lấy đi của những người bệnh khốn khổ.
“Ai đã chống lưng đằng sau sự việc và có đường dây, có tổ chức mới trót lọt 1 việc tày trời như vậy?
“Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi quyền được hy vọng và quyền được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau: Ung thư không phải là dấu chấm hết!”.

Bão Harvey gây ngập nặng khu cộng đồng người Việt

“Trong hai ngày bão Harvey đánh vào Houston gây nguy hiểm cho đập [Addicks] nên chính quyền địa phương đã quyết định phải xả lũ, mở cửa đập để nước đi qua Bufalo Bayou ra biển,” ông Thọ Nguyễn, một cư dân Houston nói với BBC Tiếng Việt.
“Khoảng 20 khu dân cư xung quanh đập được lệnh phải di tản bắt buộc trước 11 giờ đêm qua, giờ địa phương.”
“Tình hình cư dân người Mỹ gốc Việt ở thành phố Houston, theo tôi biết thì khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là khu vực phía nam thành phố, ở Đường 45 và chỗ khu chợ Hong Kong 2 – có những chỗ nước ngập hết xe. Những người ở đó đã được lệnh di tản, nhưng một số bạn bè gốc Việt của tôi quyết định ở lại, không đi.”
Tại nơi ông Thọ Nguyễn sinh sống, khu vực gần Cypress Texas, “nước bắt đầu dâng lên từ lúc 3 giờ chiều hôm qua ngập đường đi [driveway], dâng gần sát đến thềm nhà”.
Tuy nhiên, “may mắn là chừng 10 giờ đêm thì trời ngớt mưa, nước bắt đầu rút xuống,” ông cho biết.
“Sáng nay tôi ra kiểm tra, thấy nước đã rút lại xuống lòng đường,” ông Thọ Nguyễn nói thêm.

Về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện VN hơn 1 tỷ USD

Phiên xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris đã bắt đầu từ hôm 21/8/2017 và được dự trù sẽ kéo dài tới ngày 31/8 nhưng dường như đã kết thúc sớm hơn vào hôm Chủ nhật ngày 27/8.
Video được đăng tải trên YouTube cho thấy ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Kiều mang quốc tịch Hà Lan, bước ra khỏi Tòa Trọng tài tại Pháp, với vẻ mặt tươi cười và hai tay giơ cao, nhưng ông từ chối không trả lời báo chí.
Số tiền mà một số nguồn tin cho hay ông Bình đang đòi chính phủ Việt Nam phải bồi thường lên tới 1,25 tỷ đô la.
Đây là lần thứ nhì ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế, khởi đầu từ tháng 1/2015 với lý do chính phủ Việt Nam đã không thực hiện các cam kết mà hai bên đã thỏa thuận ngoài tòa năm 2005 trong vụ kiện lần đầu.
Khởi nguồn vụ kiện
Vụ việc có nguồn gốc từ những năm 1990-1996 khi ông Bình mang số tiền được cho là ba triệu đô la về đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai của Việt Nam.
Nhưng sau đó ông đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết án tù vì vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đất đai, đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn kiện phía Việt Nam ra một Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặt tại Stockholm (Thụy Điển) mà theo đơn kiện khi đó, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu USD.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt năm 2005, ông Trịnh Vĩnh Bình nói ông đã bị bỏ tù oan và tài sản của ông mang về đầu tư ở Việt Nam đã bị tịch thu trái phép trong những năm 90 vì những hành động mà ông nói là sai trái ở tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, cáo buộc doanh nghiệp của ông trốn thuế và đầu tư bất động sản trái phép.
Vụ kiện lần đầu này dự kiến sẽ được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Stockholm xét xử vào tháng 12 năm 2006 nhưng phía nhà nước Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình ngoài tòa để ký một thỏa thuận tại Singapore năm 2006.
Theo một số tin tức cho hay thì nhà nước Việt Nam đã chấp thuận bồi thường các chi phí phát sinh việc theo đuổi phiên tòa, miễn án cho ông Trịnh Vĩnh Bình, hứa trả lại toàn bộ tài sản của ông và tạo điều kiện cho ông trở lại Việt Nam đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Vĩnh Bình trả lời truyền thông, vì phía Việt Nam đã không thực hiện cam kết trả lại tài sản cho ông, đã buộc ông phải khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai này.
Không ràng buộc nên không thực thi?
Vì Thỏa thuận giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và Việt Nam được dàn xếp tại Singpapore là không ràng buộc nên có lẽ vì thế phía Việt Nam đã không thực thi các cam kết này kể từ năm 2006 dẫn tới việc ông Bình phải đưa Việt Nam ra Tòa trọng tài quốc tế lần hai này.
Lần này, vụ việc thu hút một số sự chú ý của các nhà báo tại Việt Nam, những người còn nhớ về vụ việc xảy ra đã khá lâu này.
Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế có viết trên Facebook cá nhân:
“Vụ này nhiều người thấy trước, đã cảnh báo, nhưng không ăn thua. Bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh, Chủ Tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng bị “vạ lây” vì đã viết một tâm thư gởi Bộ Chính Trị nói về vụ này.”
Ông Nguyễn Công Khế đăng lại một bài của nhà báo Hoàng Hải Vân ‘Nhớ lại vụ Trịnh Vĩnh Bình’, trong đó có nội dung rằng:
“Hồi diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình, các báo khác tôi không theo dõi kỹ nên không dám bình luận, nhưng riêng Thanh Niên là tờ báo trước sau không đồng tình với bản án.”
Vụ này nhiều người thấy trước, đã cảnh báo, nhưng không ăn thuaNhà báo Nguyễn Công Khế
Còn blogger Phạm Lê Vương Các viết trên trang Facebook của ông:
“Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản “hợp lý” cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài Singapore, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài.
“Nói dễ hiểu sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn “tiền tố tụng” – tức tòa trọng tài chuẩn bị xử, hai bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử.
“Vì vậy, thỏa thuận này sẽ không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba.
“Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ “lơ là” không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành Thỏa thuận đã ký ở Singapore.
“Vì vậy không còn cách nào khác ông Bình phải đi kiện lại ra Tòa trọng tài nhằm có một bản án chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba.”
1976: Vượt biên đến Hà Lan
1980s: Trở thành doanh nhân thành đạt tại Hà Lan và được mệnh danh ‘vua chả giò’
1990: Trở về Việt Nam đầu tư
1996: Bị chính quyền Bà Rịa Vũng Tàu kết tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, bị tịch thu tài sản, đất đai
Từng bị tạm giam và quản chế .
1999: Bị kết án 11 năm tù.
2000: Vượt biên sang Campuchia, trở về Hà Lan khi được tại ngoại
2005: Kiện trước Tòa Trọng tài Quốc tế Stockhom
2006: Thỏa thuận ngoài tòa với chính phủ Việt Nam tại Singapore
2015: Kiện chính phủ Việt Nam tại Tòa trọng tài Quốc tế lần hai
2017: Tòa Trọng tài Quốc tế xét xử tại Paris
Blogger Phạm Lê Vương Các cũng trích dẫn Điều 6, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan, đã nêu rõ: “Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia” và cho rằng đây là cơ sở để cho rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có nhiều khả năng sẽ thắng trong vụ kiện này.
Và một khi Tòa Trọng tài ở Paris đã ra phán quyết, chứ không phải dàn xếp ngoài tòa như thỏa thuận tại Singapore, thể theo đúng các thủ tục tố tụng, “nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài”.
Trong trường hợp nếu thua kiện, và bên thua không tự nguyện thi hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật sư của bên thắng kiện sẽ có quyền yêu cầu Tòa án ở các quốc gia tham gia Công ước phong tỏa tài sản của bên thua kiện trên lãnh thổ nước họ và thi hành bản án của Tòa trọng tài.
Khác biệt giữa Tòa án và Tòa Trọng tài
Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài cũng có những đặc thù khác với Tòa án truyền thống và luôn đảm bảo yếu tố bí mật của vụ việc vì thế thường xử trong phòng kín, những người không liên quan vụ việc sẽ không được phép tham dự và đặc biệt trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí.
Ông Nguyễn Đình Cống, một người từng là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế của Việt Nam, trên trang Facebook của mình đã chỉ ra một số điểm giống và khác nhau giữa xử tại Tòa án và tại Tòa Trọng tài Quốc tế.
Theo ông Cống, tuy cũng được gọi là vụ kiện, có nguyên đơn và bị đơn, và mỗi bên đều có thể tự bảo vệ hoặc thuê luật sư nhưng có khác biệt như với Tòa án, thì các bên không được chọn chánh án và thẩm phản và luật do Tòa chọn, trong khi ở Tòa Trọng tài thì các bên có quyền chọn Trọng tài viên và chọn luật của các quốc gia.
“Nhưng khác biệt quan trọng nhất có lẽ là không giống tòa truyền thống, bản án thường được công bố công khai trong khi quyết định của Tòa Trọng Tài không được công bố ngay vào cuối phiên xét xử mà chỉ được công bố cho 2 bên sau một thời gian, được gọi là Phán quyết Trọng tài (không công khai).”
Đồng thời với bản án của Tòa án cấp dưới thì có thể được khiếu nại lên Tòa án cấp trên để được xét xử phúc thẩm trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài là quyết định cuối cùng, theo ý kiến này.
Việc giữ bí mật này còn được áp dụng cả khi thi hành quyết định của Tòa Trọng tài vì thế khó có thể nói được liệu công chúng cuối cùng có được biết chính xác khi nào có Phán quyết Trọng tài và phán quyết này sẽ là như thế nào trong những ngày tới.

‘Cá Voi xanh’ của Exxon chính thức hoạt động

khi khai mạc APEC?

Dự án khí đốt của hãng Exxon Mobil Corp tại mỏ Cá Voi xanh sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 11, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm thứ Ba.
Đây là dự án khai thác khí lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay, và cũng là một trong hai dự án khai thác ngoài khơi của Việt Nam mà Trung Quốc quan ngại.
Mỏ Cá Voi Xanh nằm tại Lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, có trữ lượng ước tính đạt 150 triệu mét khối.
Trung Quốc luôn phản đối hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của các hãng nước ngoài với Việt Nam ở những vùng nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” (đường Lưỡi Bò), tức nơi mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của mình.
Theo phóng viên BBC Bill Hayton, đường Lưỡi Bò đi vào giữa Lô 118, nơi có mỏ khí Cá Voi Xanh, cách bờ khoảng 88 cây số.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc thì “Exxon tự tin rằng họ có đủ quyền về luật pháp để khai thác dự án Cá voi Xanh,” phóng viên Bill Hayton nói với BBC Tiếng Việt hồi tháng 6.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Ba nói với Exxon Mobil rằng ông hy vọng dự án sẽ chính thức khởi động vào lúc khai mạc hội nghị thượng đỉnh APEC trong tháng 11, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các quan chức Hoa Kỳ được trông đợi là sẽ tham dự, VTV nói.
Jon Gibbs, phó chủ tịch của Exxon Mobil tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, nói rằng hãng dầu khí của Mỹ muốn bắt đầu sản xuất khí đốt cho các nhà máy điện của Việt Nam vào năm 2023, theo VTV.
Đối tác của Exxon Mobil trong dự án là PetroVietnam, nói rằng dự án sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la cho ngân sách nhà nước.

Nhũng lạm cả kinh phí cho người nghèo

Hòa Ái, phóng viên RFA
Tình trạng ăn chặn hoặc trục lợi công khai từ nguồn quĩ cho diện nghèo tiếp tục bị báo chí phanh phui.
Nhũng lạm bằng nhiều cách
Tin cho biết chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, Ông Nguyễn Văn Hải thừa nhận  số tiền ngân sách 5, 7 tỷ đồng phân bổ cho học sinh nghèo năm học 2014-2015 đến nay vẫn chưa đến tay các em. Theo ông Hải thì lãnh đạo của huyện đã “quên” chi trả số tiền vừa nêu và ông Hải gọi vụ việc này là sự cố đáng tiếc cũng như sẽ khẩn trương hoàn trả số tiền 5, 7 tỷ đồng cho các em trong tuần cuối của tháng 8 năm nay.
Tin cũng nói Phòng Lao Động-Thương Binh & Xã Hội của Huyện Nga Sơn, Tỉnh Thanh Hóa cho biết đã xác minh được phản ánh của người dân liên quan thực trạng nhiều bà vợ của lãnh đạo Xã Nga Thanh ghép tên trong sổ hộ nghèo để hưởng tiền phúc lợi xóa đói giảm nghèo. Vụ việc này không phải mới xảy ra lần đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa, mà trước đó vào năm 2015, 12 con dê cấp cho các hộ nghèo đã được giao cho gia đình Bí thư Huyện Thạch Thành, ông Đỗ Minh Quý.
Tôi đăng ký hộ khẩu cho hai vợ chồng và được xét cho diện hộ nghèo. Lúc họ cấp thì một năm trước nhưng đến cuối năm thì họ mới giao cho mình. Họ cho mình được 350 ngàn đồng. Mình có hộ nghèo thì được trợ cấp hay muốn vay mượn tiền của nhà nước cũng được. Nhưng sau khi họ giao cho mình thì lại nói lúc đó đã hết hạn rồi. Họ giao cho mình nhưng mình không làm được gì nữa
-Người dân nghèo tại Gia Lai
Một trường hợp khác được nêu ra theo cáo giác của người dân ở Huyện Tiền Hải, Tỉnh Thái Bình là tiền xóa đói giảm nghèo bị biến thành tiền cho vay nóng từ những tháng đầu năm 2014. Người dân thuộc diện nghèo tại Huyện Tiền Hải nói với RFA thân nhân, người quen biết của cán bộ ngân hàng lập hồ sơ giả để vay tiền theo mức lãi suất ưu đãi dành cho hộ nghèo, từ 0 đến 0, 04% rồi cho dân chúng vay lại với lãi suất xấp xỉ 20% và thậm chí lên đến hơn 100%. Ông Nguyễn Trung Hải, một người dân địa phương nói với chúng tôi:
“Quanh đây, không có ai được vay cả. Bí thủ bí dĩ phải đi vay nóng của họ, lãi suất tới một trăm mấy phần trăm ấy chứ!”
Có những câu chuyện “dở khóc, dở cười” khác như trình bày của các hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, tại Thôn Kenh Hmek, Xã Iale, Huyện Chư Puh, Tỉnh Gia Lai. Theo lời một số người dân thuộc diện hộ nghèo ở đây cho Đài Á Châu Tự Do biết họ chỉ được nhận sổ hộ nghèo sau khi sổ này đã hết hạn. Một người sắc tộc Gia Rai kể lại:
“Hồi năm 2013, lúc đó tôi đăng ký hộ khẩu cho hai vợ chồng và được xét cho diện hộ nghèo. Lúc họ cấp thì một năm trước nhưng đến cuối năm thì họ mới giao cho mình. Họ cho mình được 350 ngàn đồng. Mình có hộ nghèo thì được trợ cấp hay muốn vay mượn tiền của nhà nước cũng được. Nhưng sau khi họ giao cho mình thì lại nói lúc đó đã hết hạn rồi. Họ giao cho mình nhưng mình không làm được gì nữa.”
Giải quyết thế nào?
Chính sách hỗ trợ giảm nghèo là một chủ trương lớn ở tầm vĩ mô của Nhà nước Việt Nam, nhưng bị đánh giá là không mang lại hiệu quả đích thực cho những người dân nghèo và trước thực trạng bị lạm dụng ngày một nghiêm trọng hơn, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh từng tuyên bố trong một hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện chương trình giảm nghèo là tiếng nói của nhiều người dân thuộc các hộ nghèo mong được chính phủ lắng nghe và cần phải chấn chỉnh lại tệ trạng này. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh còn nhấn mạnh nếu Nhà nước để lâu dài thì rất nguy hiểm.
Đài RFA nêu vấn đề với Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình và câu hỏi của chúng tôi dành cho ông là “Làm thế nào chương trình hỗ trợ người nghèo của chính phủ đạt được hiệu quả thực tiễn cho đời sống người dân?” Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho biết kiến nghị của ông với Chính phủ:
Nếu như có thể kiến nghị, đặt vấn đề gì đó với cấp vĩ mô thì chúng tôi vẫn yêu cầu quá trình thực hiện thì phải thông suốt và phải thường xuyên có kiểm tra, giám sát trong guồng máy hoạt động của Nhà nước
-TS. Trịnh Hòa Bình
Nếu như có thể kiến nghị, đặt vấn đề gì đó với cấp vĩ mô thì chúng tôi vẫn yêu cầu quá trình thực hiện thì phải thông suốt và phải thường xuyên có kiểm tra, giám sát trong guồng máy hoạt động của Nhà nước.”
Tuy nhiên Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình khẳng định dù kiến nghị này của ông được lắng nghe và thực hiện thì cũng không thể nào giải quyết triệt để trong một sớm một chiều.
Trở lại hai vụ việc vừa mới phát hiện tại Tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Tương Dương tuyên bố sẽ xử lý đối với những ai sai trái trong việc không chi trả hơn 5 tỷ đồng tiền ngân sách phân bổ cho học sinh nghèo năm học 2014-205 cũng như Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Nga Sơn quả quyết không bao che và sẽ đưa ra hướng xử lý về đảng và chính quyền khi có kết quả thanh tra.
Qua các trang Fanpage của hai tờ báo mạng VnExpress.net và Người Lao Động Online, nhiều độc giả yêu cầu Nhà nước phải nghiêm trị các quan tham trong những vụ như ở Huyện Tương Dương và Huyện Nga Sơn, xét xử công khai theo quy định của pháp luật để tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng và quản lý chính sách hỗ trợ người nghèo đạt hiệu quả.
Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vào năm 2013 từng phát biểu “họ ăn của dân không từ thứ gì”. Điều đáng nói là nguồn quĩ hỗ trợ cho những thành phần nghèo khó trong xã hội cũng bị cắt xén, lạm dụng một cách không thương xót.

Tổng Bí thư kêu gọi đẩy lùi ‘tự diễn biến’

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 29 tháng 8 lên tiếng kêu gọi phải đẩy lùi cái được thủ lĩnh đảng cầm quyền gọi là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.
Kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng được đưa ra tại hội nghị Quân uỷ Trung ương sáng 29 tháng 8, tổ chức tại Trụ sở Bộ Quốc phòng. Hội nghị có sự tham dự của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Vấn đề được đảng cộng sản Việt Nam nói đến lâu nay là ‘tự diễn biến hòa bình’ nhằm nhắc nhở những thành phần trong đảng nhận chân ra những sai trái của đảng cộng sản Việt Nam. Một số người lên tiếng kêu gọi cải tổ những sai lầm của đảng đối với dân tộc, đất nước. Tuy vậy, đảng cộng sản Việt Nam gọi đó là ‘tự diễn biến hòa bình’ và dùng mọi biện pháp để ngăn chặn, vô hiệu hóa những tiếng nói đó.

Bộ Công thương đang xem xét cho bà Thoa nghỉ việc

Nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương bị kỷ luật, bà Hồ Thị Kim Thoa, không đến cơ quan làm việc.
Một lãnh đạo của Bộ Công thương ngày 29/8 nói rằng nguyên Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa vẫn muốn nghỉ việc sau khi bị kỷ luật nên Bộ này đang xem xét nguyện vọng của bà Thoa.
Trước đó, ngày 28/7, khi còn giữ chức Thứ trưởng Công thương, bà Thoa đã nộp đơn xin thôi việc nhưng không được chấp nhận vì đang trong thời gian kỷ luật.
Ngày 16/8 vừa qua, bà Thoa bị miễn nhiệm chức Thứ trưởng do các sai phạm liên quan đến công ty Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản không trung thực nhiều lần. Quyết định kỷ luật bà Thoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng sau khi bà bị thôi chức Thứ trưởng sẽ được Bộ Công thương giao cho nhiệm vụ mới.
Một nguồn tin khác từ Bộ này nói rằng có khả năng Bộ sẽ không bổ nhiệm vị trí Thứ trưởng thay thế cho bà Thoa vì hiện đã đủ số lượng.

Đại án Oceanbank và vấn đề Nợ xấu của Việt Nam

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội chiều ngày 28/8 mở phiên sơ thẩm xét xử những sai phạm liên quan tới hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương- tức Oceanbank.
51 bị cáo sẽ bị mang ra xét xử, hai bị cáo được chú ý nhiều nhất là ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank, và ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, PetroVietnam. Cùng bị xét xử với hai ông có khoảng 50 doanh nhân và cựu nhân viên của PetroVietnam cũng như nhân viện của Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây Dựng Việt Nam và nhân viên ngân hàng Oceanbank.
Vụ án lớn kỷ lục đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với bài tường trình của AP đăng trên nhiều tờ báo lớn kể cả the New York Times, và nhiều tờ báo có uy tín khác như Deutche Welle của Đức.
Báo chí trong nước nói vụ án này nắm kỷ lục về số người tham gia tố tụng, với hơn 700 người ‘có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan’, trong đó có hơn 50 luật sư.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Thắm bị truy tố về 4 tội danh: “tham ô tài sản”, “lạm dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Thắm cùng các bị cáo khác bị tố cáo là vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông- trong đó có nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ.
Với tài sản ước tính vượt ngưỡng 1 tỉ đôla vào năm 2014, thời còn trên đỉnh cao sự nghiệp, ông Hà Văn Thắm được xếp hạng là người giàu có thứ nhì, chỉ đứng sau Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Trong số những bị can bị truy tố bổ sung trong vụ án lần này, đáng chú ý có ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, người đang thọ án tù 30 năm.
Báo Deutche Welle nói ông Thắm bị cáo buộc đã phê chuẩn khoản tiền cho vay lên tới 23,5 triệu USD cho ông Danh mà không đòi hỏi tài sản thế chấp như quy định.
Vào tháng 5 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp quản Ocean Bank sau khi ngân hàng này báo cáo lỗ 445 triệu USD, với nợ xấu chiếm gần 50% các khoản cho vay chưa thanh toán.
Gần đây, nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực chống tham ô nhũng lạm, với một số vụ án trong đó một số giám đốc điều hành bị tuyên án tử hình.
Những đại án trong ngành tài chính ngân hàng nêu bật một số lỗi hệ thống, từ lâu đã tạo điều kiện cho tham nhũng và cho phép xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã bị buộc phải mua lại một số ngân hàng, trong đó có Oceanbank, Ngân hàng Xây Dựng, và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu do ông Nguyễn Xuân Sơn điều hành. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói những sai phạm trong ngành ngân hàng đã bị ‘bưng bít từ lâu’, và trách nhiệm có thể quy một phần, cho Thanh tra NHNN đã không phát hiện những dấu hiệu báo trước, như mức nợ xấu trầm trọng, đã nổi lên từ thời ông Nguyễn Văn Bình còn là Thống đốc NHNN, khi diễn ra những vụ sáp nhập ngân hàng vào khoảng năm 2011.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói trong cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn văn Bình, giờ là Ủy viên Bộ Chính trị và Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cũng phải chịu trách nhiệm.
Phân tích về nợ xấu của Việt Nam và trách nhiệm của ngân hàng trung ương, ông Phạm Chí Dũng nói:
“Ba đại án này nó liên quan tới món nợ xấu khổng lồ, mà vào năm 2014, đã gấp đôi vốn điều lệ của các ngân hàng bị mua với giá không đồng. Món nợ xấu đó đã lên tới ít nhất là 20,000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của cả ba ngân hàng chỉ lên tới 10,000 tỉ đồng. Như vậy thì ngân hàng nhà nước phải bỏ ra ít nhất 10,000 tỉ đồng nợ xấu để mua với giá không đồng. Vậy lấy tiền đâu ra? Chắc chắn là phải lấy tiền từ ngân sách, tức là tiền đóng thuế của người dân.”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng vụ án liên quan tới Oceanbank chỉ là một phần không đáng kể trong tình hình nợ xấu nói chung của Việt Nam.
“Tình hình nợ xấu ở Việt Nam hiện nay là 900,000 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đại án Hà Văn Thắm cũng như ngân hàng xây dựng, ngân hàng dầu khí toàn cầu, nó ảnh hưởng trầm trọng tới hoạt động của khối ngân hàng, và từ đó người ta nhìn thấy một khuôn mặt khác của ngành ngân hàng, nghĩa là thay vì là nơi trú ẩn an toàn cho những đồng tiền tiết kiệm, trong ngân hàng có quá nhiều những tiêu cực, một số ngân hàng lớn, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Nông thôn Agribank vv… có những quan chức tiêu cực tham nhũng, khách hàng gửi tiền vào đó, sau một thời gian thì tiền mình ‘không cánh mà bay’, thì làm sao người dân có thể tin tưởng ngân hàng? Điều đó chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch huy động vàng và đôla trong dân chúng của chính phủ bây giờ.”
Báo Deutche Welle của Đức nói ông Thắm bị cáo buộc đã chấp thuận khoản tiền vay lên tới 23,5 triệu USD cho ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, mà không cần tài sản thế chấp.
Các ngân hàng liên can tới đại án được cho là đã gây thiệt hại tổng cộng 69 triệu USD.
Vào tháng 5 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp quản Ocean Bank sau khi ngân hàng này báo cáo lỗ 445 triệu USD, với nợ xấu chiếm gần 50% các khoản cho vay chưa thanh toán.
Liệu tình hình này có làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư nước ngoài? Tiến sĩ Phạm Chí Dũng:
“Vấn đề đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2017 tới nay thì chủ yếu vẫn là các nước Châu Á như Singapore, Hồng Kông… Các nước Châu Âu và Mỹ ít đầu tư vào Việt Nam, thậm chí có khuynh hướng rút vốn ra, ví dụ từ năm 2017 đến nay đã có 3 ngân hàng Úc thoái vốn khỏi Việt Nam. Đó là một hiện tượng mà tôi cho là đáng lo ngại cho môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng và môi trường kinh tế Việt Nam nói chung.”
Vụ án xét xử lãnh đạo và nhân viên của Oceanbank diễn ra ngay sau khi tòa án quốc tế ở Paris bắt đầu xét xử vụ án một doanh nhân Việt gốc Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện chính phủ Việt Nam.
Ông Phạm Chí Dũng nói vụ án ‘xuyên thế kỷ’ đang gây bão mạng này, cũng làm cho giới đầu tư nước ngoài ngần ngại, vì đây có thể là một minh chứng cho thấy môi trường làm ăn ở Việt Nam có rủi ro cao, thậm chí, không an toàn.
“Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình khiến cho báo giới nước ngoài cũng như các nhà đầu tư nước ngoài họ có một cái nhìn khác đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nó sẽ ảnh hưởng tới ý định đầu tư của họ trong tương lai. Thực ra, điều này đã xảy ra trong lĩnh vực đầu tư của người Việt ở hải ngoại rồi.”
Ông Hà Văn Thắm, 45 tuổi, xuất thân từ tỉnh Bắc Giang, tốt nghiệp cử nhân Đại học Thương mại, Thạc sĩ trường Đại học Columbia Commonwealth, và có bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Công nghệ Paramount, Hoa Kỳ.
Mới 21 tuổi, ông đã mở công ty và nắm chức vụ Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Năm 2007, ông Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đại Dương.
Phiên xử ông và các đồng phạm dự kiến sẽ kéo dài 20 ngày.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?