Về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện VN hơn 1 tỷ USD -
BBC
29/08/2017
Phiên xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris đã bắt đầu từ hôm 21/8/2017 và được dự trù sẽ kéo dài tới ngày 31/8 nhưng dường như đã kết thúc sớm hơn vào hôm Chủ nhật ngày 27/8.
29/08/2017
Phiên xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris đã bắt đầu từ hôm 21/8/2017 và được dự trù sẽ kéo dài tới ngày 31/8 nhưng dường như đã kết thúc sớm hơn vào hôm Chủ nhật ngày 27/8.
Video được đăng tải trên YouTube cho thấy ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Kiều mang quốc tịch Hà Lan, bước ra khỏi Tòa Trọng tài tại Pháp, với vẻ mặt tươi cười và hai tay giơ cao, nhưng ông từ chối không trả lời báo chí.
Số tiền mà một số nguồn tin cho hay ông Bình đang đòi chính phủ Việt Nam phải bồi thường lên tới 1,25 tỷ đô la.
Đây là lần thứ nhì ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế, khởi đầu từ tháng 1/2015 với lý do chính phủ Việt Nam đã không thực hiện các cam kết mà hai bên đã thỏa thuận ngoài tòa năm 2005 trong vụ kiện lần đầu.
Khởi nguồn vụ kiện
Vụ việc có nguồn gốc từ những năm 1990-1996 khi ông Bình mang số tiền được cho là ba triệu đô la về đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai của Việt Nam.
Nhưng sau đó ông đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết án tù vì vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đất đai, đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn kiện phía Việt Nam ra một Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặt tại Stockholm (Thụy Điển) mà theo đơn kiện khi đó, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu USD.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt năm 2005, ông Trịnh Vĩnh Bình nói ông đã bị bỏ tù oan và tài sản của ông mang về đầu tư ở Việt Nam đã bị tịch thu trái phép trong những năm 90 vì những hành động mà ông nói là sai trái ở tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, cáo buộc doanh nghiệp của ông trốn thuế và đầu tư bất động sản trái phép.
Vụ kiện lần đầu này dự kiến sẽ được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Stockholm xét xử vào tháng 12 năm 2006 nhưng phía nhà nước Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình ngoài tòa để ký một thỏa thuận tại Singapore năm 2006.
Theo một số tin tức cho hay thì nhà nước Việt Nam đã chấp thuận bồi thường các chi phí phát sinh việc theo đuổi phiên tòa, miễn án cho ông Trịnh Vĩnh Bình, hứa trả lại toàn bộ tài sản của ông và tạo điều kiện cho ông trở lại Việt Nam đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Vĩnh Bình trả lời truyền thông, vì phía Việt Nam đã không thực hiện cam kết trả lại tài sản cho ông, đã buộc ông phải khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai này.
Không ràng buộc nên không thực thi?
Vì Thỏa thuận giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và Việt Nam được dàn xếp tại Singpapore là không ràng buộc nên có lẽ vì thế phía Việt Nam đã không thực thi các cam kết này kể từ năm 2006 dẫn tới việc ông Bình phải đưa Việt Nam ra Tòa trọng tài quốc tế lần hai này.
Lần này, vụ việc thu hút một số sự chú ý của các nhà báo tại Việt Nam, những người còn nhớ về vụ việc xảy ra đã khá lâu này.
Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế có viết trên Facebook cá nhân:
"Vụ này nhiều người thấy trước, đã cảnh báo, nhưng không ăn thua. Bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh, Chủ Tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng bị "vạ lây" vì đã viết một tâm thư gởi Bộ Chính Trị nói về vụ này."
Ông Nguyễn Công Khế đăng lại một bài của nhà báo Hoàng Hải Vân 'Nhớ lại vụ Trịnh Vĩnh Bình', trong đó có nội dung rằng:
"Hồi diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình, các báo khác tôi không theo dõi kỹ nên không dám bình luận, nhưng riêng Thanh Niên là tờ báo trước sau không đồng tình với bản án."
Còn blogger Phạm Lê Vương Các viết trên trang Facebook của ông:
"Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản "hợp lý" cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài Singapore, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài.
"Nói dễ hiểu sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn "tiền tố tụng" - tức tòa trọng tài chuẩn bị xử, hai bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử.
"Vì vậy, thỏa thuận này sẽ không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba.
"Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ "lơ là" không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành Thỏa thuận đã ký ở Singapore.
"Vì vậy không còn cách nào khác ông Bình phải đi kiện lại ra Tòa trọng tài nhằm có một bản án chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba."
Blogger Phạm Lê Vương Các cũng trích dẫn Điều 6, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan, đã nêu rõ: "Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia" và cho rằng đây là cơ sở để cho rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có nhiều khả năng sẽ thắng trong vụ kiện này.
Và một khi Tòa Trọng tài ở Paris đã ra phán quyết, chứ không phải dàn xếp ngoài tòa như thỏa thuận tại Singapore, thể theo đúng các thủ tục tố tụng, "nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài".
Trong trường hợp nếu thua kiện, và bên thua không tự nguyện thi hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật sư của bên thắng kiện sẽ có quyền yêu cầu Tòa án ở các quốc gia tham gia Công ước phong tỏa tài sản của bên thua kiện trên lãnh thổ nước họ và thi hành bản án của Tòa trọng tài.
Khác biệt giữa Tòa án và Tòa Trọng tài
Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài cũng có những đặc thù khác với Tòa án truyền thống và luôn đảm bảo yếu tố bí mật của vụ việc vì thế thường xử trong phòng kín, những người không liên quan vụ việc sẽ không được phép tham dự và đặc biệt trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí.
Ông Nguyễn Đình Cống, một người từng là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế của Việt Nam, trên trang Facebook của mình đã chỉ ra một số điểm giống và khác nhau giữa xử tại Tòa án và tại Tòa Trọng tài Quốc tế.
Theo ông Cống, tuy cũng được gọi là vụ kiện, có nguyên đơn và bị đơn, và mỗi bên đều có thể tự bảo vệ hoặc thuê luật sư nhưng có khác biệt như với Tòa án, thì các bên không được chọn chánh án và thẩm phản và luật do Tòa chọn, trong khi ở Tòa Trọng tài thì các bên có quyền chọn Trọng tài viên và chọn luật của các quốc gia.
"Nhưng khác biệt quan trọng nhất có lẽ là không giống tòa truyền thống, bản án thường được công bố công khai trong khi quyết định của Tòa Trọng Tài không được công bố ngay vào cuối phiên xét xử mà chỉ được công bố cho 2 bên sau một thời gian, được gọi là Phán quyết Trọng tài (không công khai)."
Đồng thời với bản án của Tòa án cấp dưới thì có thể được khiếu nại lên Tòa án cấp trên để được xét xử phúc thẩm trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài là quyết định cuối cùng, theo ý kiến này.
Việc giữ bí mật này còn được áp dụng cả khi thi hành quyết định của Tòa Trọng tài vì thế khó có thể nói được liệu công chúng cuối cùng có được biết chính xác khi nào có Phán quyết Trọng tài và phán quyết này sẽ là như thế nào trong những ngày tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét