Tương lai chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?
BBC
Trong một diễn biến bất ngờ vào thứ Sáu tuần trước, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bí mật rời khỏi đất nước vào lúc bà đáng lẽ phải ra tòa về các cáo buộc hình sự. Phán quyết đã được hoãn lại cho đến ngày 27/09.
Jonathan Head, phóng viên BBC tại Bangkok, trả lời một số câu hỏi chính về những gì đang diễn ra ở đất nước này.
Tại sao bà Yingluck phải ra tòa?
Cựu Thủ tướng bị buộc tội sao nhãng bổn phận dẫn đến thâm hụt ngân sách và tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo khi bà là người điều hành chính phủ.
Nếu bị tòa tuyên có tội, bà sẽ phải chịu án 10 năm tù.
Chính phủ của bà Yingluck bị quân đội lật đổ vào năm 2014, và sau một năm bà đã bị luận tội về vai trò của của mình trong chương trình trợ giá gạo.
Bà Yingluck khẳng định vụ xét xử có động cơ chính trị.
Bà Yingluck được bầu làm thủ tướng vào năm 2011 và là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng đã bị quân đội lật đổ bằng đảo chính vào năm 2006.
Giống như anh trai mình, người vẫn duy trì ảnh hưởng lớn với Đảng Pheu Thai, bà Yingluck đã triển khai chính sách giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân ở vùng nông thôn phía bắc và đông bắc Thái Lan. Một trong những chính sách đó là đưa ra kế hoạch mua lúa gạo của nông dân với mức giá cao. Chính phủ quân đội nói rằng chính sách này làm thâm hụt ngân sách nhà nước 8 tỷ đô la và có dấu hiệu tham nhũng.
Phóng viên của BBC nói rằng không thể phủ nhận vụ xét xử có hơi hướng chính trị: "Quân đội đã lật đổ chính phủ của bà trong cuộc đảo chính và vì chính quyền hiện tại khó có thể được cho là bất thiên vị và luôn có nghi vấn rằng nhánh tư pháp có thể bị chi phối.
"Không có gì ngạc nhiên khi bà Yingluck và những người ủng hộ bà nói rằng toàn bộ quá trình đưa bà ra xét xử có động cơ chính trị."
Việc bà lẩn trốn ra nước ngoài có được chính phủ giúp hay không?
Bà Yingluck dự kiến ra hầu tòa vào thứ Sáu 25/08 và việc bà biến mất đột ngột đã gây sững sờ cho những người ủng hộ và ngay cả một số thành viên trong gia đình. Trong nhiều tháng, bà đã kiên định, không chịu rời khỏi đất nước, cho dù người ta tin rằng bà đã được âm thầm khuyến khích là nên ra đi.
Nhưng phóng viên Jonathan Head cho rằng việc bà ra đi "sẽ được hoan nghênh nhiều trong hàng ngũ chóp bu, bất kể có sự thông đồng thực sự hay không".
"Nhìn vào cách bà Yingluck ra khỏi đất nước một cách nhanh lẹ và vào phút chót, để chạy trốn đến Dubai, thì hiển nhiên là phải có sự hậu thuẫn từ cấp cao".
Chính phủ Thái Lan phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào nhưng nhiều người ở tất cả các phe phái chính trị ở Thái Lan nói rằng thật khó tưởng tượng rằng bà ấy có thể ra đi mà không ai biết.
Tại sao chính phủ lại cho phép bà rời Thái Lan?
Trước phiên tòa, chính phủ quân đội đã phải đối mặt với tình thế khó xử: Bất kể phán quyết là thế nào, nó có thể đã gây ra một phản ứng tức giận từ cả hai phía. Nếu bà được tha bổng, những người phản đối bà, với lập trường cứng rắn, sẽ rất phẫn nộ. Nếu bà bị kết án tù, những người ủng hộ bà sẽ tức giận tương tự như thế.
Do đó, nhiều người nghĩ việc bà trốn chạy là lựa chọn tốt nhất cho chính phủ và giảm khả năng có phản ứng giận dữ.
Jonathan Head nói: "Tất cả sự việc này xảy ra ở một thời điểm rất nhạy cảm đối với đất nước.
"Việc hỏa táng Vua Bhumibol Adulyadej được dự kiến diễn ra vào tháng Mười, và chính phủ muốn ổn định, đây là một khoảnh khắc có tính biểu tượng rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với chế độ quân chủ. Nhà chức trách không muốn có rắc rối."
Phản ứng của những người ủng hộ bà là gì?
Những ủng hộ viên của bà đã có một cú sốc khi phát hiện là bà đã rời khỏi đất nước.
Đảng Pheu Thái Lan của bà dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 2001 nhưng hiện nay đang phải đối mặt với một vấn đề: Không có ai khác trong gia đình Shinawatra có thể gánh vác vai trò lãnh đạo mà bà và trước đó là anh trai bà, ông Thaksin, đã đảm nhận.
Tuy nhiên, với thế mạnh về số đông thì đảng này gần như chắc chắn sẽ vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất tại Thái Lan.
Điều gì sẽ xảy ra với nền dân chủ Thái Lan tới đây?
Không có đảng nào khác có thể thay thế đảng Pheu Thai, phóng viên Jonathan Head nói.
Đảng này đang nắm giữ phần lớn sự ủng hộ tại phía bắc và đông bắc, chiếm khoảng 40% cử tri Thái Lan. Tuy nhiên, những bất lợi đang xảy ra với Pheu Thai có thể làm giảm đáng kể khả năng thành lập chính phủ.
Hiến pháp mới, được ký bởi tân vương Thái Lan vào tháng Tư năm nay làm giảm quyền lực của các đảng được bầu. Với hệ thống bầu cử mới, sẽ rất khó cho đảng Pheu Thai để giành được đa số tuyệt đối như họ đã làm được trong quá khứ.
Vì vậy sự thống trị trước đây của Pheu Thai sẽ được thay thế bằng một bức tranh chính trị đa dạng hơn, với quân đội và giới chóp bu thân hoàng gia bấy lâu nay sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.
Một phán quyết có tội sẽ dẫn tới những bất ổn và biểu tình?
Rất có ít khả năng bà sẽ được tha bổng. Bằng việc bỏ trốn, bà đã tự khiến mình có tội.
Nhưng thực tế việc bà Yingluck trốn khỏi Thái Lan đã tước đi biểu tượng mà những người ủng hộ của bà.
"Thái Lan đã bị chia cắt và phân cực trong 12 năm qua", Jonathan Head nói. "Giới quân đội và phe bảo thủ đã không thể xóa sổ được gia đình Shinawatra và gia đình này đã không thể giành lại vị thế thống trị mà họ từng có.
"Giả định chung là không có một bên nào phải bị triệt tiêu, hoặc phải có một sự mặc cả lớn nào đó. Kịch bản sau dường như không khả thi ở thời điểm này, nhưng đồng thời cũng không rõ nếu tình hình này đánh dấu sự kết thúc sức ảnh hưởng của gia đình Shinawatra."
Nhận xét
Đăng nhận xét