Tin khắp nơi – 30/08/2017

Tin khắp nơi – 30/08/2017

Bão Harvey di chuyển khỏi Texas, lũ lụt vẫn nghiêm trọng

Dân cư thành phố Houston hôm thứ Tư 30/8 đã bớt lo lắng khi bão Harvey cùng trận mưa lịch sử di chuyển ra khỏi miền đông bang Texas và hướng tới bang Louisiana ở kế cận.
Các nhà dự báo thời tiết nói khu vực thành phố Houston sẽ nhận lượng mưa lên tới 2 cm trong ngày 30/8, trời sẽ có nắng và ấm lên vào ngày 1/9. Tuy nhiên khu vực này vẫn đối mặt với tình trạng lũ lụt trên diện rộng do bão di chuyển chậm và lượng mưa vượt mức 130 cm ở một số nơi từ ngày 24/8 cho đến nay.
Thành phố Beaumont, ở phía đông Houston, bang Texas, hôm thứ Tư 30/8 phải hứng chịu cơn mưa nặng nhất khi tâm bão Harvey đi ngang qua bang Louisiana. Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ cho hay bão có thể đổ một lượng mưa từ 15 đến 30 cm ở phía tây nam Louisiana giữa lúc cơn bão tiếp tục di chuyển sâu hơn vào trong đất liền.
Các quan chức địa phương nói rằng nhân viên cứu hộ đã đưa được hơn 13.000 người ra khỏi các căn nhà bị ngập lụt, và hàng ngàn người đang tạm trú ở trung tâm hội nghị của thành phố Houston, sân vận động của đội bóng rổ Houston Rockets và sân vận động của đội bóng Houston Texans.
Lũ lụt do bão nhiệt đới Harvey gây ra đã tác động tới gần một phần năm công suất lọc dầu của Mỹ, gây ra những lo lắng về nguồn cung cấp xăng dầu giữa lúc cơn bão đang di chuyển chậm đi qua trung tâm ngành công nghiệp hóa dầu của Mỹ, theo Reuters.
Trong tình huống rất nhiều người phải bỏ nhà cửa ra đi tránh lụt, và các tin tức cho hay đã xảy ra một số vụ cướp bóc lẻ tẻ, Thị trưởng thành phố Houston Sylvester Turner đã ra lệnh giới nghiêm qua đêm bắt đầu từ sáng thứ Tư, để ngăn chặn các hành vi phạm tội có thể xảy ra.
Ông Turner khen ngợi Houston như một thành phố nơi mà những người hàng xóm trông chừng nhà cửa cho nhau và cùng nhau chống chọi thiên tai.
Ông Turner viết trên Twitter: “Bất cứ ai đánh giá thấp tinh thần của thành phố này đều chưa biết đến Houston. Houston thống khổ à? Điều này chỉ giúp tăng thêm nghị lực cho chúng ta mà thôi.”
Tin tức cho hay cho đến nay đã có 13 người thiệt mạng trong cơn bão Harvey. Nhà chức trách chưa xác nhận con số tử vong cao như thế nhưng cho biết con số thương vong có thể tăng một khi lũ rút dần.
Bà Elaine Duke, quyền Bộ trưởng Bộ an ninh Nội địa Hoa Kỳ, cho hay trong chuyến thăm Texas hôm 29/8 rằng thách thức lớn nhất vẫn là các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi nước rút hết. Tôi thực sự không nghĩ là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cho tới khi nào đã biết tung tích của tất cả mọi người.”
Bà nói một khi hết mưa, các giới chức sẽ tập trung vào việc đảm bảo rằng những người không thể trở về nhà có thể dời nơi tạm trú hiện giờ sang khu nhà ở chuyển tiếp.
Bà Duke là một trong số nhiều quan chức đã bay đến Texas cùng với Tổng thống Donald Trump, gặp các lãnh đạo địa phương và tiểu bang để tận mắt thanh sát công tác ứng phó trước bão.
Ông Trump nói nỗ lực phục hồi, ước tính tốn kém hàng chục tỷ đôla, có thể sẽ là một trong những các nỗ lực phục hồi có kinh phí cao nhất mà Hoa Kỳ từng chứng kiến.
Đến thăm một trung tâm hành động khẩn cấp tại thành phố Austin, Texas, ông Trump nói chính quyền của ông và Quốc hội sẽ tìm ra giải pháp đúng đắn để giúp đỡ các nạn nhân trận bão.
Ông Trump cũng tới thăm Corpus Christi, nơi cơn bão ập vào bờ biển Texas, ông đánh giá các nỗ lực ứng phó của chính phủ liên bang để giúp nạn nhân trận bão này là “tốt hơn bao giờ hết.”
Ông Trump không đến thăm thành phố Houston hay các khu vực khác bị tác động nặng nề nhất trong trận bão để tránh làm gián đoạn công tác cứu nạn khẩn cấp.
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sarah Sanders cho các phóng viên biết Tổng thống Trump sẽ trở lại Texas vào ngày thứ Bảy 1/9 để thăm các khu vực mà ông chưa thể đến thăm hôm thứ ba, và để gặp một số người phải bỏ nhà cửa đi lánh bão.
Bà Sanders cho biết chuyến đi có thể bao gồm một điểm dừng chân tại bang Louisiana, tùy thuộc vào các điều kiện ở đó.

Tổng thống Trump thanh sát lũ lụt ở Texas

Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump ngày 29/8 đến Texas để mục kích sở thị bão lụt trong lúc bão Harvey tiếp tục gây mưa lớn trong vùng.
Ông Trump nói với các nhân viên cứu hộ tại Corpus Christi rằng ông “rất, rất hãnh diện” về những nỗ lực cứu hộ và giúp dân thoát lụt.
Lãnh đạo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang FEMA, Brock Long, cảnh báo còn nhiều khó khăn trước mắt, ngay cả khi bão đi qua.
“Việc phục hồi sẽ rất khó khăn,” ông Long nói, trong khi đảm bảo với cư dân trong tiểu bang là “Chúng tôi sẽ có mặt tại đây với quí vị.”
Rời Corpus Christi, ông Trump, đội mũ bóng chày có dòng chữ “USA” và một áo khoác ngoài chống gió của Tổng thống, cùng đệ nhất phu nhân tới thủ phủ Austin để nghe các cấp lãnh đạo tiểu bang và địa phương thuyết trình và đi thăm một trung tâm hoạt động khẩn cấp.
Ông Trump không có kế hoạch đi thăm Houston, nơi nước lụt dâng cao đã khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa, để tránh cản trở những nỗ lực cứu hộ tại thành phố lớn thứ tư của nước Mỹ. Tuy nhiên Tòa Bạch Ốc nói ông Trump có kế hoạch trở lại Texas ngày 2/9 để thanh sát tình hình thiệt hại.
Hơn 3.500 người được giải cứu tại Houston vì nước dâng cao nhấn chìm nhà cửa. Các nhân viên cứu hộ của chính phủ và những người tình nguyện với thuyền, bè cao su đi từ nhà này sang nhà khác để tìm người muốn sơ tán. Nhân viên cứu hộ trên các máy bay trực thăng cứu người bị kẹt trên mái nhà và cũng cứu được 300 chó mèo gặp nguy hiểm vì nước lụt.
“Đây là một trận bão có tầm vóc lịch sử,” thị trưởng Houston, Sylvester Turner, nói.
Những thiệt hại do bão gây ra gia tăng vào ngày 29/8 khi các giới chức tại hạt Brazoria, phía nam Houston, cho biết nước lụt đã phá vỡ một con đê tại Hồ Columbia.
Trước chuyến viếng thăm Texas, ngày 28/8 ông Trump hứa chính phủ liên bang sẽ trợ giúp và cung cấp tài chánh cần thiết để giúp Texas và tiểu bang láng giềng Louisana phục hồi hàng chục tỉ đô la thiệt hại.
“Chúng ta là một gia đình Mỹ,” ông Trump nói. “Quý vị sẽ có những gì quý vị cần và việc này sẽ rất nhanh chóng.”
Ông Trump hứa là chính phủ liên bang sẽ có mặt tại chỗ để giúp trên “con đường phục hồi dài lâu và khó khăn.”
Hội Chữ thập Đỏ nói hơn 17.000 người cư ngụ tại các trại tạm trú vào tối ngày 28/8, và các giới chức cho hay 30.000 người có thể được chuyển đến các tòa nhà chính phủ, nhà thờ và những cơ sở khác để được an toàn.

Vỡ đê, cư dân Houston tiếp tục sơ tán

Một con đê dọc theo sông Brazos River phía Nam thành phố Houston, bang Texas, Mỹ bị vỡ hôm 29/8 do các đợt mưa lớn từ bão nhiệt đới Harvey khiến giới hữu trách kêu gọi cư dân sơ tán đến các vùng cao hơn.
Ông Matt Sebesta, người quản lý hạt Brazoria, thúc giục cư dân xung quanh khu vực Columbia Lakes rời bỏ nhà cửa đi tìm nơi trú ẩn an toàn.
Columbia Lakes cách thành phố Houston chừng 80 cây số, gần sông Brazos.
Các con sông trong khu vực thành phố Houston đã bắt đầu ngập lụt.
Trước đó, trong ngày 29/8, giới chức hạt Harris đã khuyến cáo cư dân sáu khu vực phía Bắc Houston sơ tán ra khỏi khu vực hai hồ chứa đã tràn nước.

Giáo sư bị đuổi việc vì xúc phạm nạn nhân bão Harvey

Trường đại học Tampa vừa sa thải một giáo sư thỉnh giảng sau khi vị này đăng bình luận trên Twitter rằng bão Harvey tàn phá Texas là ‘báo ứng tức thời’ vì tiểu bang này bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.
Giáo sư xã hội học Kenneth L. Storey chia sẻ trên Twitter tin nhắn và 2 phản hồi hôm chủ nhật trước khi gỡ toàn bộ nội dung lẫn ảnh cá nhân xuống khỏi trang xã hội này.
Phát ngôn nhân của đại học, Eric Cardenas, ngày 29/8 loan báo giáo sư Storey bị đuổi việc sau khi trường đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng về những bình luận của vị giáo sư này.
Nhật báo Tampa Bay tường trình rằng đầu tuần này, giáo sư Storey đã có lời cáo lỗi rằng ông không bao giờ có ý ‘trù’ bất kỳ một cộng đồng nào.
Trên Facebook, đại học Tampa khẳng định ‘hết lòng đoàn kết với những nạn nhân bị bão Harvey.’
Trường sẽ cho thay thế chỗ trống của giáo sư Storey bằng một giáo sư khác.

Lo ngại tăng nguy cơ Mỹ trả đũa vụ phóng tên lửa Bắc Hàn

Việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay ngang qua Nhật Bản có thể tăng áp lực lên Washington phải cân nhắc giải pháp bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên trong tương lai, mặc dù không có gì đảm bảo bắn chặn sẽ thành công, giữa lúc các giới chức Mỹ tỏ ra thận trọng về tình trạng căng thẳng leo thang với Bình Nhưỡng tới mức đô nguy hiểm.
Theo một quan chức chính phủ Mỹ, mọi chú ý đang đổ dồn vào triển vọng Mỹ có thể đánh chặn một tên lửa đang bay, sau khi Bắc Triều Tiên một lần nữa thực hiện một trong các vụ phóng thử tên lửa táo bạo nhất từ nhiều năm qua hôm thứ Ba 29/8.
Một quyết định quan trọng như vậy chắc chắn phải được suy nghĩ chín chắn, trước bối cảnh những căng thẳng do các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên gây ra.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump vẫn lặp đi lặp lại rằng “tất cả mọi sự lựa chọn đều đang được xem xét,” không có dấu hiệu nào cho thấy có thay đổi chính sách về hành động quân sự của Mỹ.
Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa Hwasong-12 tầm trung bay ngang qua đảo Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản, nêu bật sự kiện những lời lẽ cứng rắn của ông Trump, và việc ông theo đuổi các biện pháp chế tài gắt gao, và đôi khi phô trương lực lượng quanh bán đảo Triều Tiên, vẫn không răn đe được lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Ông David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á nhận định: “Khi thực hiện vụ phóng tên lửa này, ông Kim Jong Un đã thách thức người Mỹ và người Nhật.”
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố quân đội sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào được cho là mối nguy nhắm tấn công lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh.
Hiện chưa rõ liệu Washington có sẵn sàng sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng để đánh chặn một tên lửa như tên lửa đã bay ngang qua Nhật Bản, nhưng không trực tiếp đe dọa lãnh thổ Mỹ.
Về cơ bản, làm như vậy là một hành động của Hoa Kỳ nhằm phô trương lực lượng chứ không là một hành động để tự vệ.
Ông Shear nói:
“Tôi nghĩ rằng trong những sự lựa chọn đang được chính phủ xem xét thì có phần chắc giải pháp đó là một trong những giải pháp đang được xem xét.”
Một số nhà phân tích nói có nguy cơ Bắc Triều Tiên coi đó là một hành động chiến tranh và sẽ trả đũa quân sự, gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc, nước láng giềng và đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên, có phần chắc sẽ phản đối một hành động quân sự trực tiếp của Mỹ.
Nguồn: Reuters

Bắc Hàn: ‘Tên lửa bắn qua Nhật là bước đầu’

Bắc Hàn nói việc phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản là “bước đầu tiên” của các hành động quân sự ở Thái Bình Dương, báo hiệu kế hoạch cho nhiều lần phóng tên lửa khác.
Truyền thông Bắc Hàn cũng lặp lại các lời đe doạ đối với hòn đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, mà nó gọi là “một căn cứ tân tiến của sự xâm lược”.
Tên lửa phóng hôm 29/8 đã bay ngang qua hòn đảo Hokkaido phía bắc của Nhật, kích hoạt hàng loạt cảnh báo an toàn, trước khi rơi xuống biển.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí lên án Bắc Hàn vì các hành động của nước này.
Họp mặt vào cuối ngày 29/8 tại New York, Hội đồng Bảo an LHQ nói việc phóng tên lửa “là quá quắt”, và yêu cầu Bắc Hàn ngừng tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa.
Tuy nhiên, tuyên bố này không đe dọa có thêm lệnh trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn đã nhiều lần tiến hành phóng tên lửa trong những tháng gần đây, bất chấp việc bị cấm theo luật của Liên Hợp Quốc.
Tên lửa gần đây nhất là loại Hwasong-12 được phóng vào sáng thứ Ba ở một địa điểm phóng gần Bình Nhưỡng.
Tên lửa đã bay xa khoảng 2,700km ở một độ cao thấp bất thường so với các vụ thử tên lửa gần đây của Bắc Hàn.
Tên lửa bay ngang qua Hokkaido trước khi rơi xuống ở một khu vực ngoài khơi cách bờ biển phía đông của Nhật Bản khoảng 1,180km.
Đây là lần đầu tiên, KCNA, cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Hàn thừa nhận đã cố tình phóng tên lửa đạn đạo qua phía Nhật Bản. Những vụ phóng về phía Nhật trước đây được cho là các vụ phóng vệ tinh.
Đây được cho là phản ứng trực tiếp đối với các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn hiện đang diễn ra, cũng như đánh dấu kỷ niệm ngày Hiệp ước Nhật-Hàn năm 1910.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nói rằng “giống như một cuộc chiến tranh thực sự”, cuộc bắn thử tên lửa mới đây nhất là “bước đầu tiên trong hành động quân sự của [Quân đội Nhân dân Triều Tiên] KPA tại Thái Bình Dương và một khúc dạo đầu có ý nghĩa để khống chế Guam” .

Bắt được nghi can hỗ trợ cuộc tấn công Barcelona

Nhà cầm quyền Ma-rốc bắt một người đàn ông bị nghi cung cấp những bình ga cho một tổ thánh chiến đã thực hiện cuộc tấn công kép tại Catalonia trước đây trong tháng làm 16 người thiệt mạng, một nguồn tin từ cuộc điều tra của Tây Ban Nha cho biết.
Tổ khủng bố này gom được khoảng 120 bình khí butan và chứa tại một ngôi nhà trong một thị trấn phía nam Barcelona để lập kế hoạch tấn công bằng bom rộng lớn hơn.
Cảnh sát tin là tổ này vô tình làm nổ các bình ga vào ngày 16/8, đêm trước cuộc tấn công Barcelona, phá hủy ngôi nhà tại thị trấn Alcanar.
Những kẻ tấn công còn lại sau đó quyết định sử dụng một chiếc xe van thuê để càn vào một đám đông dọc theo một đại lộ nổi tiếng nhất của Barcelona và sau đó tấn công vào thị trấn nghỉ mát Cambrils.
Cảnh sát Ma-rốc bắt người đàn ông vừa kể tại thành phố Casablanca, nguồn tin nói nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, Juan Ignacio Zoido, ngày 29/8 loan báo nhà cầm quyền Ma-rốc đã bắt giữ hai người có liên hệ đến những cuộc tấn công nhưng từ chối cung cấp chi tiết về 2 người này.
Thông tấn xã Tây Ban Nha EFE nói người đàn ông thứ hai bị bắt tại thành phố Oujda và là bà con của một trong những thành viên của tổ khủng bố tại Barcelona.
Bộ trưởng Nội vụ Zoido, phát biểu sau một cuộc họp với Bộ trưởng Nội vụ Ma-rốc tại thủ đô Rabat rằng chính quyền Tây Ban Nha và Ma-rốc làm việc chặt chẽ với nhau trong cuộc điều tra này.
Hầu hết những nghi can tấn công là người Ma-rốc và một giáo sĩ Hồi Giáo bị tình nghi đã cực đoan hóa tổ khủng bố này đã đến đây không lâu trước khi cuộc tấn công xảy ra.
Sáu người trong số những kẻ tấn công bị cảnh sát bắn chết và hai người thiệt mạng trong vụ nổ tại ngôi nhà ở Alcanar.
Bốn người khác bị bắt trong những vụ tấn công, hai người trong số này được phóng thích kèm theo một số điều kiện.

Ấn Độ: Lũ lụt tàn phá, 514 người chết

Ấn Độ ngày 29/8 báo cáo 514 người thiệt mạng vì lũ lụt tại tỉnh Bihar.
Mưa kéo dài nhiều ngày khiến các dòng sông trong tỉnh như Bagmati, Lakhandayee và Falgu tràn bờ, cư dân phải bỏ nhà cửa sơ tán.
Các giới chức cho hay hoạt động tìm kiếm cứu hộ đang được tiến hành để giúp đỡ các nạn nhân của trận lũ lụt tệ hại nhất tại Ấn Độ trong nhiều năm nay.
Tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi đánh giá tình hình ở Bihar và loan báo gói cứu trợ trị giá 78 triệu đô la.

Đôla không còn được xem là ngoại tệ có giá trị bảo đảm

Cho tới nay, mỗi khi xảy ra khủng hoảng lớn, các nhà đầu tư thường đổ vốn vào những đơn vị tiền tệ có giá trị « bảo đảm » như đồng franc Thụy Sĩ hay đồng đôla, hoặc mua vàng. Thế nhưng kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, với chính sách tiền tệ hiện nay của Mỹ, đồng đôla đang mất dần giá trị, nhất là so với đồng euro.
Sau vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngang qua không phận Nhật Bản hôm qua, khiến thế giới lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột lớn, đồng euro đã vượt qua ngưỡng tỷ giá 1,20 đôla lần đầu tiên từ tháng 01/2015.
Như ghi nhận của ông Brad Bechtel, đặc trách thị trường hối đoái của công ty đầu tư Jeffreires, Mỹ, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, cũng giống như các trái phiếu của Mỹ, đôla thường được xem là một ngoại tệ có giá trị bảo đảm, nhưng nay chẳng ai muốn giữ đôla.
Theo giải thích của ông Bechtel, lý do là vì mọi người không tin tưởng vào chính quyền Mỹ hiện nay, trong khi đó Cục Dự trữ Liên bang ( Ngân hàng Trung ương Mỹ ) lại không tỏ vẻ gì là sẽ nhanh chóng tăng các lãi suất, một biện pháp sẽ giúp đôla tăng giá trở lại.
Vào cuối năm 2016, đồng đôla đã tăng giá mạnh nhờ ứng cử viên Donald Trump lúc đó đã hứa hẹn nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Nhưng kể từ khi lên cầm quyền cho tới nay, ông đã không thể thực hiện được bất cứ cải tổ nào.
Trong khi đó, đồng euro lại thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Nhờ chính sách tiền tệ rất linh động của Ngân hàng Trung ương châu Âu, các lãi suất tại khu vực đồng euro vẫn còn rất thấp, thậm chí ở mức âm.
Cho nên, theo lời chuyên gia Greg Anderson, thuộc Ngân hàng Montréal BOM, đồng tiền duy nhất của châu Âu nay trở nên hấp dẫn không thua gì đồng yen Nhật Bản hay đồng franc Thụy Sĩ. Các nhà đầu tư vay bằng đồng euro với chi phí rất thấp rồi dùng tiền đó vào những đầu tư có mức lợi nhuận rất cao.
Tình hình chính trị của Liên Hiệp Châu Âu cũng đã ổn định trở lại sau các cuộc bầu cử ở Pháp và Hà Lan năm 2017. Theo nhận định của chuyên gia Anderson, « trong 5 năm trở lại đây, châu Âu đã chứng tỏ khả năng giải quyết một cuộc khủng hoảng, trong khi tình hình chính trị hiện nay ở Hoa Kỳ quá lộn xộn ».
Về phần mình, bà Sireen Harajlin, thuộc ngân hàng Mizuho, Nhật Bản, cũng ghi nhận là tăng trưởng của châu Âu trong những tháng qua rất vững chắc và Ngân hàng Trung ương châu Âu chuẩn bị giảm bớt những biện pháp hỗ trợ tiền tệ. Những yếu tố đó sẽ giúp làm tăng thêm giá trị của đồng euro.
Tuy vậy, theo bà Harajlin, đôla dầu sao vẫn là ngoại tệ có giá trị vững chắc lâu dài. Chỉ cần Ngân hàng Trung ương Mỹ bắn đi một tín hiệu tích cực, hoặc tình hình việc làm ở Hoa Kỳ khả quan hơn hoặc lạm phát tăng trở lại là đồng đôla khởi sắc ngay.

Nga tập trận, Mỹ đưa phi cơ bảo vệ các nước Baltic

Hai tuần trước cuộc tập trận của Nga tại vùng biên giới phía tây, giáp với các nước Baltic, Hoa Kỳ đưa nhiều chiến đấu cơ bảo vệ không phận các quốc gia thành viên NATO.
AFP dẫn nguồn tin của bộ Quốc Phòng Litva hôm 29/08/2017 cho hay 7 máy bay tiêm kích F-15 của Mỹ đã hạ cánh tại sân bay quân sự Siaulia, để thay thế bốn phi cơ Ba Lan, tiếp tục nhiệm vụ tuần tra, được tiến hành từ bốn tháng nay.
Cơ quan tình báo Litva cảnh báo là cuộc tập trận, mang mã số Zapad-2017 mà Nga tổ chức cùng với Belarus, mô phỏng “một cuộc xung đột vũ trang với phương Tây”. Theo Litva, sẽ có khoảng 100.000 quân tham gia vào cuộc tập trận quy mô lớn nói trên. Trong khi đó, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Belarus Alexandre Fomine, thì tuyên bố cuộc tập trận nhằm đối phó với kịch bản gây bất ổn đến từ một “liên minh các nước phía Tây”.
Về phần mình, Nga bác bỏ các cáo buộc, và khẳng định đây chỉ là một cuộc tập trận “chống khủng bố”, mang tính tự vệ thuần túy, và không nhằm vào một đối tượng cụ thể nào. Và số lượng binh sĩ tham gia chỉ là 12.700 người.
Kể từ năm 2004, tức từ khi gia nhập khối NATO, ba nước Baltic – Litva, Estonia và Latvia – thường xuyên yêu cầu NATO hỗ trợ bảo vệ không phận, do sự hiện diện của không quân Nga ngay sát vùng trời quốc gia. Theo bộ Quốc Phòng Litva, hồi tuần trước, các phi công NATO đã bốn lần ngăn chặn máy bay Nga.
Để trấn an các nước Baltic trước đe dọa từ Nga, năm nay NATO triển khai thêm tại các nước này một tiểu đoàn đa quốc gia, với khoảng 1.000 binh sĩ.

TQ chê Hải quân Mỹ chỉ ham ‘câu cá và đánh bài’

Vụ va chạm chết người của tàu khu trục USS McCain với một tàu hàng ở ngoài khơi Singapore mới đây cho thấy hải quân Hoa Kỳ đang phải đối diện với hàng loạt các vấn đề, báo Trung Quốc bình luận.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bài đăng hôm 29/8 nói rằng cho dù quân đội Mỹ có kỷ luật viên tư lệnh Hạm đội 7 đi chăng nữa thì những tổn hại của hải quân Mỹ cũng vẫn đã xảy ra.
Số các thủy thủ thiệt mạng trong những vụ tai nạn của tàu chiến Mỹ gần đây là cao hơn so với số lính Mỹ tử trận tại Afghanistan trong năm nay.
Nhân dân Nhật báo nói trong tình trạng như thế thì ‘Hải quân Mỹ hãy nên tự trách mình’.
Tờ báo đánh giá rằng Hải quân Mỹ đang phải dàn trải quá mỏng lực lượng, đồng thời đối phó với nạn gian dối, tham nhũng, kỷ luật lỏng lẻo và huấn luyện tồi.
“Với bốn vụ tai nạn nghiêm trọng trong chưa đầy một năm, quả là không có gì đáng ngạc nhiên khi thế giới bắt đầu coi Hải quân Mỹ như mối đe dọa thay vì lực lượng bảo vệ an ninh hàng hải.”
Báo này cũng nói rằng các bức hình được đăng trên trang Facebook của tàu USS McCain không lâu trước khi xảy ra vụ tai nạn cho thấy thủy thủ ngồi câu cá, đánh bài trên boong, chứng tỏ “kỷ luật trong hải quân Mỹ là quá lỏng lẻo”, và đó là “l‎ý do chính gây ra thảm kịch”.
Trung Quốc cũng bác bỏ những bình luận nói Bắc Kinh có thể đã tấn công tin tặc vào hệ thống định vị dẫn đường trên các tàu Mỹ, hoặc tiến hành cuộc tấn công mạng cyberattack để gây ra các vụ va chạm đó.
Nhân dân Nhật báo nói đó là những lời thêu dệt vô căn cứ và lố bịch của truyền thông về “thuyết âm mưu ‘mối đe dọa Trung Quốc’”.
Tuy nhiên, Nhân dân Nhật báo nói, “ngay cả khi những vụ tai nạn đó xảy ra do mức độ tinh vi giỏi giang của Trung Quốc trên không gian mạng, thì các tàu chiến Mỹ lẽ ra vẫn phải đủ khả năng tránh được va chạm.”
Gọi các vụ tai nạn mới đây là tình trạng Hải quân Hoa Kỳ “chạy quanh Thái Bình Dương như con gà cụt đầu”, Bắc Kinh nói các vụ đâm va với tàu hàng khiến thế giới phải đặt câu hỏi về sức mạnh quân sự mà Mỹ muốn phô trương với bên ngoài.
“Đây cần được coi như những dấu hiệu cảnh báo rằng sức mạnh của Hoa Kỳ là có hạn.”
“Bài học mà Hải quân Mỹ cần rút ra là các tàu của họ cần phải tuân theo cùng “luật đi đường” trên biển như tất cả những người khác,” Nhân dân Nhật báo bình luận sau khi nhắc tới tuyên bố của Hải quân Mỹ rằng các vụ tai nạn gần đây sẽ không làm ảnh hưởng tới việc duy trì hoạt động ‘tự do đi lại’ của Mỹ ở vùng Biển Đông có tranh chấp.

Pháp nói với TT Phi: nhân quyền quan trọng

Nhằm mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền và pháp quyền, Pháp hôm 30 tháng 8 bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng người ta vẫn bị cho là có tội cho đến khi được hệ thống pháp luật chứng minh vô tội.
Tin AFP cho biết Đại sứ quán Pháp tại Manila đã ra tuyên bố trên sau khi ông Duterte có ý kiến về hệ thống tư pháp ở Pháp hôm 28 tháng 8, khi ông này tiếp tục bảo vệ cuộc chiến tranh chống ma tuý vốn gây nhiều tranh cãi của mình.
Tuyên bố của Đại sứ quán Pháp tại Philippines nêu rõ: “Chúng ta, cũng như Philippine phải biết rằng, suy đoán về sự vô tội cho đến khi bị kết tội là cốt lõi của hệ thống tư pháp Pháp, dựa trên các nguyên tắc được ghi trong Tuyên ngôn Pháp về Nhân quyền và Công dân ngày 26 tháng 8 năm 1789. Do đó, nước Pháp tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của nền pháp trị, cũng như quy trình xét xử đúng đắn và tôn trọng nhân quyền ở tất cả các nước, bao gồm cả Philippines.”
Hôm thứ Hai vừa qua, trong một cuộc họp báo, tổng thống Duterte lại phản ứng giận dữ với ý kiến Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các vụ giết người bị cho là phi pháp, trong đó có cáo buộc cảnh sát đã giết một thiếu niên 17 tuổi trong chiến dịch chống ma túy.
Agnes Callamard, nữ báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc đã viết trên tài khoản Twitter của bà là “kẻ giết người” để ám chỉ vụ việc trên và kêu gọi một cuộc điều tra, nói rằng cái chết của người thiếu niên 17 tuổi kia phải là “sự việc cuối cùng”.
Sau khi biết nữ Báo cáo viên đặc biệt này mang quốc tịch Pháp, ông Duterte, phát biểu rằng ở Pháp vẫn bị xem có tội trừ khi được chứng minh là vô tội.

Con trai ông Trump sắp ra điều trần

Con trai trưởng của Tổng thống Donald Trump, Donald Trump Jr., đã đồng ý điều trần kín trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện giữa lúc ủy ban đang điều tra về những cáo buộc là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 của Mỹ, đài CNN loan tin ngày 29/8.
Phát ngôn viên của các nhà lãnh đạo trong ủy ban không trả lời yêu cầu bình luận về tin này.
CNN cũng loan tin là Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã gởi trát ra hầu tòa cho bà Melissa Laurenza, luật sư làm việc cho công ty luật Akin Gump, trước đây đại diện cho ông Paul Manafort cựu quản lý chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và cũng gởi trát mời ông Jason Maloni, phát ngôn viên của ông Manafort.
CNN nói ông Maloni và một phát ngôn viên của ông Mueller từ chối bình luận và những câu hỏi liên hệ đến bà Laurenza gởi đến một phát ngôn viên cũng không được trả lời.
Vấn đề Nga nổi bật trong 6 tháng đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận là Nga làm việc để hướng cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái có lợi cho ông Trump.
Ông Mueller được bổ nhiệm làm Công tố viên Đặc biệt vào tháng 5 năm nay. Hiện ông đang lãnh đạo cuộc điều tra. Ông cũng xem xét việc có thể có sự thông đồng của chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.
Một vài ủy ban khác của Quốc hội cũng đang cứu xét vấn đề này.
Moscow phủ nhận can thiệp bầu cử Mỹ.
Ông Trump khẳng định không có sự cấu kết nào từ chiến dịch tranh cử của ông với Nga và thường xuyên lên án những cuộc điều tra là khủng bố chính trị.

“Liên hiệp quốc phải hành động quyết liệt

chống Bắc Triều Tiên”

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, ngày 29/8 nói việc Bắc Triều Tiên phóng phi đạn bay ngang qua Nhật Bản “tuyệt đối không chấp nhận được và là hành động vô trách nhiệm” , đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cần có hành động quyết liệt.
“Không nước nào phải chịu để phi đạn bay ngang qua như 130 triệu dân Nhật Bản đã bị như thế. Điều này không chấp nhận được,” bà Haley nói với các phóng viên.
Bắc Triều Tiên “đã vi phạm tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mà chúng ta có và do đó tôi nghĩ phải có hành động nghiêm khắc,” bà Haley nhấn mạnh.
Đại sứ Mỹ nói “Đã quả đủ” và bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục làm việc với các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an khi Hội đồng họp vào chiều ngày 29/8 để thảo luận có thể làm gì thêm nữa đối với chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Mỹ tinh giảm đặc sứ để tiết kiệm ngân sách

Hầu hết các vị trí đặc sứ Mỹ sẽ bị bãi bỏ và trách nhiệm của họ sẽ được giao cho Bộ Ngoại giao, kể cả đặc sứ về biến đổi khí hậu và đặc sứ về thỏa thuận với Iran, Ngoại trưởng Rex Tillerson thông báo với Quốc hội ngày 28/8.
Đặc sứ về Afghanistan-Pakistan, đặc sứ về quyền của người khuyết tật và đặc sứ phụ trách đóng cửa trung tâm giam giữ Vịnh Guantanamo sẽ bị bãi bỏ theo kế hoạch này. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự trù giữ lại đặc sứ về tự do tôn giáo, đặc sứ chống chủ nghĩa bài Do Thái và đặc sứ về quyền của những người đồng tính luyến ái, chuyển đổi giới tính, dù có lời đồn đoán của những người chỉ trích là chính quyền sẽ tìm cách hạ giảm những ưu tiên này.
Các nhà lập pháp của cả hai đảng, các cơ quan nghiên cứu và ngay cả hội các nhà ngoại giao từ lâu đã kêu gọi đưa các đặc sứ và đại diện đặc biệt vào các văn phòng liên hệ để giúp giảm bớt sự trùng lặp tại Bộ Ngoại giao nổi tiếng là quan liêu. Tuy nhiên, ý kiến này thu hút thêm chỉ trích giữa lúc chính quyền ông Trump có kế hoạch cắt giảm mạnh mẽ ngân sách Bộ Ngoại giao và những quan ngại là ông Trump giảm bớt việc cổ súy những giá trị của nước Mỹ tại nước ngoài.
Trong khi các giới chức Bộ Ngoại giao nhấn mạnh là những thay đổi trong sơ đồ tổ chức không nhất thiết là chỉ dấu cho thấy một sự thay đổi về ưu tiên, nhưng trong một số trường hợp, ảnh hưởng đối với chính sách là rõ rệt. Tổng thống đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu Paris và cũng đe dọa tương tự đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong số 66 đặc sứ hay đại diện, 30 người được giữ lại, tỉ lệ cắt giảm là 55%. Chín chức vụ sẽ được bãi bỏ ngay lập tức. Hai mươi chức vụ sẽ được hội nhập vào những văn phòng khác, một sẽ được chuyển sang Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Trong mỗi trường hợp, nhân viên và ngân sách của các đặc sứ sẽ chuyển giao cho các văn phòng nhận lãnh trách nhiệm. Việc thay đổi này sẽ giúp ông Tillerson có được một khoản tiền đáng kể khi ông tái cấu trúc những phần khác của Bộ Ngoại giao.
Trong thư gởi Quốc hội, ông Tillerson nói ông tin là Bộ Ngoại giao có thể “thi hành nhiệm vụ tốt hơn” bằng cách sáp nhập một số chức vụ, và ông đưa ra những quan ngại là hệ thống hiện hành làm giảm hiệu năng của chính phủ bằng cách thành lập nhiều trung tâm quyền lực đối phó với cùng một vấn đề. Con số các đặc sứ đã gia tăng trong những năm qua.

Mỹ dọa hủy NAFTA, Mexico tìm cách ứng phó

Mexico thấy rõ nguy cơ nghiêm trọng khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định NAFTA và đang lên kế hoạch cho kịch bản này, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo tuyên bố ngày 29/8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã 3 lần đe dọa hủy bỏ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA, nói rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phải khởi động tiến trình rút lui khỏi NAFTA để đạt được một thỏa thuận công bằng cho quốc gia.
Ông Trump đã cam kết sẽ mang lại một thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động Mỹ và hai nước đã ‘lời qua tiếng lại’ trước vòng thương thuyết thứ nhì khởi sự vào thứ sáu tại Mexico City để đàm phán lại hiệp định 1994 ràng buộc Mỹ, Canada, và Mexico.
Ông Guajardo cùng Ngoại trưởng Mexico, Luis Videgaray, ngày 29/8 tới Washington DC để họp với các giới chức thương mại Mỹ và giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc.
Lâu nay, Bộ trưởng Kinh tế Mexico kêu gọi cần phải có kế hoạch phòng hờ trường hợp Mỹ rút khỏi NAFTA, vốn là điều mà ông cho là có khả năng rất cao.
Một phần trong kế hoạch đó là tìm kiếm các cơ hội và những thị trường khác.
Song song với các cuộc đàm phán về tái thương thuyết NAFTA, Mexico cũng sẽ có các cuộc họp thương mại riêng với Australia và New Zealand ở Peru và cuối tuần này, Tổng thống Enrique Pena Nieto sẽ công du Trung Quốc.
Trong khi đó Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, cho hay chính phủ Canada, một bên trong NAFTA, sẽ tiếp tục làm việc hết sức cẩn trọng để cải thiện Hiệp ước này.

Ngày Thế giới lên án nạn bắt cóc

Hôm nay 30/08/2017 là Ngày Thế Giới chống nạn bắt cóc. Nhân dịp này, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc một lần nữa hối thúc các quốc gia chưa phê chuẩn Công Ước chống bắt cóc, khẩn trương tham gia.
Hiện tại mới có 57 quốc gia thành viên ký kết (Danh sách các nước phê chuẩn và ký kết Công Ước). Liên Hiệp Quốc khởi sự chiến dịch tuyên truyền, nhắm hướng tới tăng gấp đôi số nước tham gia trong năm năm tới.
Liên Hiệp Quốc nhắc lại là bắt cóc được sử dụng như một thủ đoạn nhằm gieo rắc hoảng sợ trong xã hội. Tâm trạng bất an không chỉ giới hạn trong phạm vi thân nhân của những người bị bắt, mà còn lan rộng ra toàn cộng đồng.
Bắt cóc trước đây vốn chỉ phổ biến trong các chế độ độc tài quân sự, tuy nhiên hiện tại, nạn này ngày càng diễn ra nhiều hơn trong các tình huống xung đột nội bộ phức tạp, đặc biệt được sử dụng để trấn áp đối lập.
Syria, Irak và Bắc Triều Tiên là ba quốc gia mà chủ tịch nhóm làm việc của LHQ, Houria Es-Slami, đánh giá là những nơi tình hình trầm trọng nhất. Theo bộ Ngoại Giao Pháp, dẫn thông tin từ Liên Hiệp Quốc, chỉ riêng Bắc Triều Tiên đã có 200.000 người bị cưỡng bức đưa đi mất tích.
Năm 1992, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ra Tuyên bố chung chống nạn cưỡng bức người đưa đi mất tích (tên đầy đủ là The International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance).
Công Ước Liên Hiệp Quốc về lĩnh vực này được thông qua năm 2006, và chính thức có hiệu lực từ năm 2010, được coi là một công cụ pháp lý thực sự chống lại mọi hình thức cưỡng bức đưa người đi mất tích, trong thời chiến cũng như trong thời bình, cho phép lấp được khoảng trống pháp lý quốc tế lâu nay.

Brexit: Thủ tướng Anh đến Nhật Bản trấn an doanh nghiệp

Thủ tướng Anh Theresa May đã đến Nhật Bản ngày 30/08/2017 trong chuyến công du mang đậm mầu sắc kinh tế. Chương trình làm việc chính của bà May là trấn an các doanh nghiệp Nhật thời hậu Brexit và tìm kiếm một hiệp định tự do mậu dịch song phương.
Bà Theresa May đã đến thành phố Osaka (phía tây Nhật Bản) trước khi tham gia một buổi trà đạo với đồng nhiệm Shinzo Abe ở cố đô Kyoto, sau đó cả hai cùng dự bữa tối không chính thức.
Các cuộc đối thoại sẽ được bắt đầu vào ngày 31/08 tại Tokyo, tập trung chủ yếu vào quá trình đàm phán, hiện đang giậm chân tại chỗ, giữa Luân Đôn và Bruxelles về thủ tục Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thời gian trở nên gấp gáp đối với hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Anh Quốc và sử dụng đến 140.000 lao động.
Trước tình hình bất trắc hiện nay, các doanh nghiệp Nhật có trụ sở tại Luân Đôn đang tính đến nhiều lựa chọn khác nhau, đặc biệt là các ngân hàng lớn lo ngại Brexit có thể khiến họ mất « giấy phép tài chính » châu Âu.
Các nhà sản xuất ô tô Toyota và Nissan không thể đóng cửa nhà máy một sớm một chiều nên vẫn tiếp tục thực hiện cam kết song hy vọng chính phủ Anh đưa ra những đảm bảo chắc chắn.
Một hồ sơ khác sẽ được thủ tướng Anh đề cập trong buổi làm việc là hiệp định trao đổi mậu dịch song phương. Tuy nhiên, Nhật Bản muốn trước mắt hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế với Liên Hiệp Châu Âu, mà thỏa thuận về nguyên tắc đã được thông báo vào đầu tháng 07/2017. Ngoài ra, theo một kinh tế gia của Viện Nghiên cứu Daiichi Life, « không thể bắt đầu thảo luận chính thức với Luân Đôn một khi Brexit chưa có hiệu lực ».
Ngoài ra, vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng vì hồ sơ hạt nhân Triều Tiên cũng nằm trong chương trình nghị sự của chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Anh tại Nhật Bản.

Miến Điện :

Hơn 18 ngàn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh

Hôm nay, 30/08/2017, Tổ chức Di dân Quốc tế ( OIM ) thông báo là đã có ít nhất 18.500 người, chủ yếu là người Hồi Giáo Rohingya vượt biên sang tị nạn bên nước láng giềng Bangladesh kể từ khi nổ ra các trận giao tranh giữa quân nổi dậy Rohingya với quân đội Miến Điện ngày 25/08.
Một phát ngôn viên của OIM nói thêm còn nhiều người tị nạn đang kẹt lại ở biên giới, nhưng họ không biết chính xác là bao nhiêu. Trong những ngày gần đây, một phần trong số người tị nạn Rohingya đã không được Bangladesh cho đi qua biên giới.
Còn tại Malaysia, quốc gia có đa số dân là người Hồi Giáo, hôm nay, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ủng hộ người Rohingya ở Miến Điện và kêu gọi chấm dứt các vụ bạo lực nhắm vào cộng đồng thiểu số này. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có gần 60 ngàn người Rohingya tị nạn ở Malaysia.
Trong khi đó, hôm qua, tại Genève, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al Hussein đã lên án các vụ vi phạm quyền của người Rohingya và theo ông, đó chính là nguồn gốc khiến bạo động bùng phát ở bang Rakhine, Miến Điện. Ông Zeid cho rằng chính quyền Miến Điện lẽ ra đã có thể ngăn chận những vụ bạo động đó.
Từ ngày 25/08 đến nay, các trận giao tranh giữa quân nổi dậy Rohingya với quân đội Miến Điện đã khiến hơn 100 người chết, trong đó có khoảng 80 chiến binh Rohingya.

Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ thử thêm nhiều tên lửa

Bất chấp cộng đồng lên án vụ bắn tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản, ngày 30/08/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định đó mới chỉ là hành động « mở màn » cho những vụ thử tên lửa khác.
Tuyên bố của ông Kim Jong Un được hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đăng tải, theo đó « sẽ có nhiều vụ bắn thử tên lửa đạn đạo trong tương lai với mục tiêu là Thái Bình Dương ». Vẫn theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vụ bắn thử sáng sớm thứ Ba 29/08 (giờ địa phương) mới chỉ là « lời tiên triệu quan trọng để kiềm chế Guam » và « mở màn » cho hàng loạt biện pháp chống lại các cuộc tập trận giữa quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng, trong ấn bản ngày 30/08, đã đăng khoảng 20 bức ảnh vụ bắn thử tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản, trong đó có một bức cho thấy Kim Jong Un đang cười sảng khoái, xung quanh là đội ngũ cố vấn, với một tấm bản đồ Tây Bắc Thái Bình Dương đặt trên bàn.
Một tấm hình khác cho thấy lãnh đạo của Bắc Triều Tiên đang quan sát tên lửa được bắn từ Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng. Tên lửa này đã bay được 2.700 km, đạt độ cao tối đa khoảng 550 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Mỹ và Hàn Quốc bổ nhiệm các đại sứ mới
Ngày 30/08, Hàn Quốc cùng lúc bổ nhiệm ba nhà ngoại giao kỳ cựu làm đại sứ tại Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo thông cáo của phủ tổng thống Hàn Quốc, được Reuters trích dẫn, ông Cho Yoon Je, một nhà ngoại giao kiêm cố vấn kinh tế cho tổng thống Moon Jae In, được cử làm đại sứ tại Mỹ. Ngoài ra, luật gia Noh Young-Min làm đại sứ tại Trung Quốc và chuyên gia về chính sách đối ngoại Lee Su Hoon làm đại sứ ở Nhật Bản.
Phía Mỹ cũng tuyên bố ngày 29/08 bổ nhiệm ông Victor Cha làm tân đại sứ tại Hàn Quốc. Từng là giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông Cha còn là trợ lý trưởng đoàn Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán đa phương với Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này dưới thời tổng thống George W. Bush.
Nhật báo Washington Post ngày 29/08, trích một số nguồn tin ẩn danh, cho biết Nhà Trắng cũng đang cân nhắc bổ nhiệm đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, làm đại sứ Mỹ tại Úc. Đô đốc Harris có kinh nghiệm trong các hồ sơ về Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và có quan hệ chặt chẽ với Úc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?