Tin Việt Nam – 30/08/2017
TPP sẽ không có Hoa Kỳ và Việt Nam?
Việt Nam có thể trở thành ‘mắt xích yếu nhất’ trong triển vọng cứu vãn thỏa thuận mậu dịch tự do ở Thái Bình Dương, theo giới quan sát.
Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu năm nay, nhưng 11 quốc gia còn lại, bao gồm cả Australia và New Zealand, đang đàm phán để tiến tới một thỏa thuận.
Bộ trưởng Thương mại Australia, Steve Ciobo, hiện đang họp với các người đồng nhiệm của các nước ở Sydney trong tuần này.
Người ta cho rằng nhìn chung các nước này mong muốn đạt được một thỏa thuận tại cuộc họp của giới lãnh đạo APEC vào tháng 11 tại Việt Nam.
Matthew Goodman, cựu quan chức chính quyền của Tổng thống Obama, người hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, tin rằng thỏa thuận mậu dịch mới có những chỗ khó tháo gỡ.
Ông nói với các phóng viên tại Canberra rằng “Thỏa thuận đối với Việt Nam về cơ bản là họ sẽ phải thực hiện những cải cách khó khăn đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng như cải cách về lao động và các lĩnh vực khác… để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn, đặc biệt là về mảng dệt may và giày dép”.
“Nếu không có những điều khoản này, người ta có thể hỏi lý do tại sao Việt Nam sẽ muốn tham gia?”
Được biết cũng có những thách thức với việc giữ Malaysia lại để tham gia thỏa thuận.
Ông Goodman nói rằng một thỏa thuận không có Việt Nam và Hoa Kỳ – được gọi là TPP 10 – sẽ là lựa chọn tốt thứ ba, nhưng còn hơn là không có sự lựa chọn nào”.
Ông tin rằng Hoa Kỳ đã ngầm khuyến khích Australia và Nhật Bản hâm nóng lại thỏa thuận này và “giữ chỗ” để Hoa Kỳ tìm cách quay trở lại tham gia.
ExxonMobil sẽ bắt đầu khai thác
Mỏ khí Cá Voi Xanh vào tháng 11
Dự án khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh tại vùng thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông có thể sẽ chính thức được khởi động bởi tập đoàn dầu khí đa quốc gia Hoa Kỳ ExxonMobil, nhân dịp Hội Nghị Cấp Cao APEC vào tháng 11 tới đây.
Thông tin vừa nêu được Đài Truyền Hình Việt Nam loan đi vào tối ngày 29 tháng 8 sau cuộc nói chuyện tại Hà Nội giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với phó chủ tịch Jon Gibbs phụ trách Châu Á- Thái Bình Dương và Trung Đông của tập đoàn này.
Thủ tướng Việt Nam cam kết chính phủ Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh được sớm khởi động. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết tại cuộc gặp giữa lãnh đạo ExxonMobil và bản thân ông ở New York hồi tháng 6 vừa qua, ông đồng ý với nhiều đề nghị của tập đoàn này.
Ông Jon Gibbs được dẫn lời rằng sau lần gặp người đứng đầu chính phủ Hà Nội vào tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Exxon Mobil cho triển khai nhiều hạng mục của dự án.
Vào tháng 3 vừa qua, Exxon Mobil ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh với Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam- PVN và tỉnh Quảng Nam.
Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh nằm tại các lô 117,118, 119 và 120 thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Exxon Mobil đã đầu tư 600 triệu đô la vào dự án và theo kế hoạch đến cuối năm 2023, dòng khi đốt đầu tiên của dự án Cá Voi Xanh sẽ được đưa vào bờ.
Phần lớn lượng khí đó sẽ được sử dụng cho các nhà máy sản xuất điện ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Theo dự kiến bên lề Hội Nghị APEC diễn ra vào tháng 11 tới đây ở Việt Nam, thì sẽ có lễ công bố hợp đồng bảo lãnh Chính Phủ tại Quảng Nam trước sự chứng kiến của chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Bộ Công Thương của chính phủ Hà Nội có trách nhiệm soạn thảo hợp đồng bảo lãnh chính phủ về việc mua khí của dự án mỏ Cá Voi Xanh.
Tính toán cho thấy hằng năm chừng từ 9 đến 11 tỷ mét khối khí được khai thác từ mỏ này, mang lại cho tỉnh Quảng Nam khoản thu gần 1 tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra dự án sẽ sử dụng từ 3 ngàn đến 4 ngàn lao động có trình độ cao.
Trong khi đó, vào ngày 29 tháng 8, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc có bài bình luận nhắc lại việc vào tháng 7 vừa qua Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha dừng khoan thăm dò khí đốt tại Biển Đông với Việt Nam sau khi có sự can thiệp của Trung Quốc.
Bài bình luận với tựa đề ‘Việt Nam đừng để Phương Tây làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc’. Bài bình luận dẫn một số ý kiến đăng trên tờ Wahsington Post với kết luận là báo này hy vọng Việt Nam giữ lập trường chống Trung Quốc, cũng như nhiều người Phương Tây muốn thấy Việt Nam đóng một vai trò hàng đầu trong việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng nếu Hà Nội làm như thế thì sẽ trở thành một quân cờ để Hoa Kỳ và Nhật Bản giành được được lợi thế địa chính trị. Tuy nhiên theo Hoàn Cầu Thời Báo thì giải pháp ôn hòa cho vụ việc khoan thăm dò như vừa nêu đầu bản tin phản ánh sự chín chắn trong mối quan hệ Việt- Trung.
Hoàn Cầu Thời Báo thừa nhận là ủng hộ của Phương Tây cho Việt Nam trong việc cứng rắn hơn với Trung Quốc về các vấn đề biển phần nào cũng hấp dẫn Hà Nội. Tuy vậy nổ lực như thế của một số nước trong thực tế là vô ích.
Cơ quan ngôn luận này của Trung Quốc nhắc lại hai nước là láng giềng của nhau. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội; và cả hai đều theo chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
Hội nghị tư pháp biên giới Việt Nam – Campuchia
Hội Nghị Tư pháp về biên giới Việt Nam – Campuchia được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, Việt Nam vào ngày 29 tháng 8.
Hội nghị do Bộ trưởng Tư Pháp Việt Nam ông Lê Thành Long đồng chủ tọa với người đồng cấp Campuchia, ông Ang Vong Vathana.
Ông Long nói rằng sau khi Bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp giữa hai nước được ký vào năm 2009, đã có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao của viên chức và chuyên gia hai bên. Nhiều thỏa thuận về trợ giúp tư pháp và dẫn độ đã được ký kết.
Ông Long cũng nói rằng các tỉnh biên giới của Việt Nam đã nổ lực tuyên truyền pháp luật cho dân chúng, giải quyết những bất đồng giữa người Việt và Campuchia sống ở khu vực biên giới.
Trong bản tin tiếng Anh của báo chí nhà nước Việt Nam nói rằng hơn 100 đại biểu tham gia hội thảo thúc giục hai nước hoàn tất các thủ tục trao đổi tội phạm hình sự qua biên giới mà hai bên đã ký kết vào tháng 12 năm ngoái.
Việt Nam và Campuchia vẫn đang hoàn tất việc phân định đường biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước. Việc này đôi khi bị phe đối lập tại Phnom Penh chỉ trích là chính quyền Campuchia hiện nay nhân nhượng Việt Nam.
Ngoài ra tại vùng biên giới hai nước còn xảy ra nạn buôn lậu gỗ từ Campuchia, cũng như còn có một số người thiểu số từ vùng Tây nguyên Việt Nam nói bị đán áp tôn giáo chạy sang Campuchia.
Một hội thảo tương tự được dự trù diễn ra ở Campuchia vào năm 2019.
Đối thoại chính sách quốc phòng
Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5
Cuộc đối thoại Chính sách Quốc phòng giữa Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 diễn ra ngày 30 tháng 8 tại Nha Trang, thảo luận về tình hình thế giới, đánh giá kết quả hợp tác hai bên đã thực hiện trong lần đối thoại thứ 4, tổ chức tháng 11 năm ngoái tại Tokyo, Nhật Bản.
Tin trong nước cho biết trong buổi đối thoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự tin tưởng về mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước sẽ có những tiến triển mới. Đồng thời ông đề nghị Nhật Bản xem xét hỗ trợ ODA để hợp tác thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc Dioxin tại sân bay Biên Hoà, giúp Việt Nam thực hiện các dự án rà phá bom mìn.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Manabe Ro, nhất trí khả năng hợp tác xây dựng dự án Trung tâm công nghệ thông tin và Ngoại ngữ của Trường Đại học Thông tin liên lạc, thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Nhật Bản hiện đang giúp cho Việt Nam cũng như Philippines tăng cường khả năng tuần tra biển, vào khi tranh chấp lãnh hải tại khu vực Biển Đông vẫn tiếp diễn giữa Trung Quốc, Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Phát biểu đầu tiên của Việt Nam về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình
Một đại diện của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, khi được hỏi về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình hôm 30/8, khẳng định quan điểm của Thủ tướng Việt Nam là “tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam”.
Đây là phát biểu chính thức đầu tiên của một đương chức chính phủ Việt Nam liên quan đến vụ kiện đang gây chấn động dư luận này.
Theo báo Dân Trí, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, một phóng viên đã đặt câu hỏi với ông Mai Tiến Dũng về vụ kiện của doanh nhân Hà Lan gốc Việt, Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ Việt Nam tại Tòa trọng tài Quốc tế tại Paris, Pháp, đòi bồi thường ít nhất 1,25 tỷ đôla vì đã chiếm đoạt tài sản và nhốt tù ông oan sai.
“Trong vụ này thì Tòa quốc tế đang xem xét, chúng ta cũng phải đợi thôi. Nhưng quan điểm của Thủ tướng là chúng ta tạo môi trường minh bạch, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài”, báo Dân Trí dẫn lời ông Mai Tiến Dũng.
Cuộc họp báo diễn ra 3 ngày sau khi phiên xử đầu tiên kết thúc tại Paris hôm 27/8.
Trước đó (18/8), VOA cũng nhận được trả lời tương tự từ Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà đối với gần 10 câu hỏi liên quan đến vụ kiện này rằng: “Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.
Đây là lần thứ hai ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế.
Hiện chưa có kết quả chính thức của vụ kiện này.
Theo thủ tục thông thường, Tòa án Quốc tế đôi khi phải mất đến vài tháng để nghị án và đưa ra phán quyết.
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một doanh nhân thành công ở Hà Lan với biệt danh “Vua Chả Giò”. Đầu năm 1990, ông Bình mang gần 2,5 triệu đôla và 96 kg vàng về Việt Nam đầu tư theo chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam.
Sau những thành công nhanh chóng trong kinh doanh, năm 1996, ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”. Sau đó, ông Bình bị kết án 11 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ”, bị phạt 400 triệu đồng và bị tịch thu tất cả tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.
Trong lần kiện đầu tiên, ông Trịnh Vĩnh Bình và Chính phủ Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa ngay trước phiên xử dự kiến sẽ diễn ra ở Stockholm, Thụy Điển, vào tháng 12/2006.
Theo thỏa thuận này, phía Việt Nam đồng ý bồi thường cho ông Bình 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình về Việt Nam tiếp tục kinh doanh và trả lại toàn bộ tài sản cho ông, với điều kiện ông Trịnh Vĩnh Bình phải yêu cầu dừng vụ kiện và không tiết lộ tin tức cho truyền thông.
Phía Việt Nam sau đó đã thực hiện việc bồi thường, miễn án và cho phép ông Bình ra vào Việt Nam dễ dàng, nhưng không hoàn trả bất cứ tài sản nào cho ông. Đây là lý do mà ông Bình khởi kiện Chính phủ Việt Nam lần thứ hai.
VOA sẽ cập nhật thông tin ngay khi có kết quả chính thức từ những người trực tiếp tham gia trong phiên xử kín của vụ kiện này. Mời quý vị theo dõi thêm trên Facebook và website: voatiengviet/trinhvinhbinh
Mẹ bệnh nhân ung thư gốc Việt
được cấp visa Mỹ để gặp con lần cuối
Nguyện vọng cuối cùng của nữ bệnh nhân ung thư Trinh Phan, là được nhìn thấy mẹ cười và cầm tay mẹ lần cuối, rốt cuộc đã được đáp ứng.
Mẹ của chị Trinh Phan mới được cấp visa để gặp con trước khi căn bệnh ung thư phổi cướp đi mạng sống của chị.
Trước đó, mơ ước của nữ bệnh nhân 33 tuổi sống ở San Jose đã biến thành ác mộng khi đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Việt Nam bác đơn xin visa tạm thời của mẹ chị để đến Mỹ thăm chị.
Hôm 29/8, có tin phái bộ ngoại giao Mỹ đã đảo ngược quyết định, và tin này làm cho gia đình chị hết sức vui mừng. Lúc này, kế hoạch đi lại đang được hoàn tất.
Chị Phan hiện nằm tại khu hồi sức của bệnh viện O’Connor và đang ở vào giai đoạn cuối trong cuộc chiến chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Gia đình cho hay chị không còn nhiều thời gian.
Trinh Phan định cư ở Mỹ năm 2002 và trở thành công dân Mỹ năm 2010. Chị có chồng và một con trai 8 tuổi. Lần cuối được gặp mẹ là vào năm 2012.
Theo lời gia đình, mẹ chị Phan – bà Nguyễn Thị Hoa – bị từ chối visa mấy lần vì các viên chức lãnh sự lo ngại bà sẽ tìm cách ở lại Mỹ bất hợp pháp.
Những người thân của chị Phan đã nhờ nữ dân biểu Zoe Lofgren của vùng Vịnh San Francisco giúp đỡ. Họ cũng tiến hành một cuộc thỉnh cầu trên trang Change.org, kêu gọi lãnh sự quán và Tổng thống Trump cấp visa cho bà Hoa. Tính đến hôm 28/8, họ đã thu thập được gần 16.000 chữ ký.
Cũng hôm 28/8, dân biểu Lofgren đã ra tuyên bố cho biết bà sẽ làm mọi điều có thể để giúp cho gia đình chị Phan. Một phát ngôn viên cho văn phòng của bà Lofgren nói trường hợp bà Nguyễn Thị Hoa không đặt ra một mối nguy tiềm tàng là bà sẽ ở lại quá hạn visa, bởi vì bà còn phải chăm sóc cho chồng ở Việt Nam.
Bản thân nữ dân biểu đã đăng một bức thư trên trang Change.org, cảm ơn những người đã ký thỉnh nguyện thư của gia đình chị Phan. Những cuộc vận động của dân biểu Lofgren hình như đã mang lại hiệu quả.
Chị Phan – một người không hút thuốc – nhận kết quả chẩn đoán hồi tháng 7 là chị bị ung thư phổi di căn giai đoạn 4 và mắc hội chứng suy hô hấp cấp. Tình trạng bệnh của chị đang thay đổi nhanh chóng và hiện chị hoàn toàn lệ thuộc vào thở oxy.
Điều duy nhất gia đình có thể làm là chờ đợi và hy vọng mẹ của chị Phan nhận được visa trước khi quá muộn.
(theo CBSLocal, ABC7News)
Giới bất đồng trên Facebook
thử thách giới hạn của nhà nước VN
“Ở đây không giống như Trung Quốc”, nhà hoạt động Việt Nam ‘Anh Chí’ nói tại một quán bar ồn ào trên một trong những con phố hẹp của khu phố cổ Hà Nội. “Họ không thể chặn Facebook ở đây.”
Với 40.000 người theo dõi Facebook của ông, ‘Anh Chí’ là một trong những người chỉ trích nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng chắc chắn không phải là người có đông người theo dõi nhất tại nước cộng sản Việt Nam. Những nỗ lực của nhà nước nhằm trấn áp giới bất đồng chính kiến đã va vào sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội nước ngoài.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong tháng này kêu gọi phải kiểm soát internet nghiêm ngặt vì theo lời ông “các thế lực thù địch” không chỉ đe dọa đến an ninh mạng mà còn “phá hoại uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước”.
Nhưng kiểm soát internet ở một quốc gia phát triển nhanh có dân số trẻ không hề dễ, đặc biệt là khi các công ty cung cấp dịch vụ lại có tầm cỡ toàn cầu. Trái lại, Trung Quốc chỉ cho phép các công ty internet trong nước hoạt động theo các quy định nghiêm ngặt.
Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu về số lượng người sử dụng Facebook. Theo kết quả nghiên cứu mà Reuters nhận được từ các tổ chức truyền thông xã hội We Are Social và Hootsuite, Việt Nam có hơn 52 triệu tài khoản đang hoạt động. YouTube thuộc Google và Twitter cũng rất phổ biến.
Giống như các nơi khác ở Đông Nam Á, truyền thông xã hội giúp sức cho kinh doanh và truyền thông cũng như những người chỉ trích chính phủ.
Một số nhà bất đồng chính kiến đăng bài trên truyền thông xã hội đã bị bắt trong một cuộc trấn áp lớn tiếp sau những thay đổi trong bộ máy đảng cầm quyền. Ít nhất 15 người đã bị bắt năm nay.
Các blogger nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là “Mẹ Nấm”, và Trần Thị Nga đã bị kết án tù lần lượt là 10 và 9 năm. Những người chỉ trích chính phủ cũng kêu ca về việc bị những kẻ không rõ danh tính hành hung và và hăm dọa.
LƯỢNG NGƯỜI THEO DÕI LỚN
Nhưng hàng chục nhà hoạt động vẫn đăng những lời chỉ trích hàng ngày.
Một số nhà hoạt động có hơn 100.000 người theo dõi và ít nhất một người có trên 400.000 – gấp đôi so với trang Facebook của chính phủ và gần bằng 1/10 số đảng viên cộng sản trên cả nước.
“Chúng tôi sử dụng bất kỳ cơ hội nào có được để lên tiếng: về vấn đề môi trường, vấn đề lãnh thổ, vấn đề đất đai”, ‘Anh Chí’ nói. Nhà hoạt động Việt Nam này tên thật là Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, ông còn là một nhà giáo, một dịch giả và nhà xuất bản.
Tháng 3 năm nay, Việt Nam đã cố gây áp lực với Facebook và Google để gỡ hàng ngàn nội dung bị cho là chống chính phủ bằng cách dựa vào các nhà quảng cáo, các bài viết tiếp tục được phổ biến, cho thấy thành công của chính phủ vẫn hạn chế.
Một lý do rất khó hành động mạnh hơn là vì kinh doanh: từ các hãng bia đến các hãng bảo hiểm cho đến các hãng sản xuất xe máy ở Việt Nam, truyền thông xã hội là một con đường tiếp thị quan trọng đến với người tiêu dùng trẻ và ngày càng giàu có hơn trong một nền kinh tế có đà tăng trưởng hơn 6%, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều này rất quan trọng: một cửa hàng hoa lụa mới ở Hà Nội nói với Reuters rằng 95% khách hàng biết đến cửa hàng qua Facebook hoặc Instagram.
Simon Kemp, người sáng lập công ty tư vấn tiếp thị Kepios, nói: “Chúng ta thấy các bạn trẻ đang mở doanh nghiệp trên những nền tảng này và đạt những thành công đáng kể”.
Jeff Paine, giám đốc điều hành của Liên minh Internet Châu Á, có các thành viên bao gồm Facebook, Google và Twitter, nói kiểm soát internet chặt chẽ hơn có thể chặn đường đổi mới và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam, cũng như khả năng cạnh tranh của nó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với Reuters rằng chính phủ ủng hộ internet, nhưng cố giảm thiểu “các hành vi gây hại cho người sử dụng và các hành vi bất hợp pháp như kích động bạo lực và lối sống đồi trụy”.
BÀI HỌC TRUNG QUỐC
Trung Quốc đã chặn Facebook vào năm 2009 và chỉ cho phép các trang web trong nước như WeChat và Weibo hoạt động theo những luật cấm các nội dung khiêu dâm, bạo lực hoặc xúc phạm Đảng Cộng sản.
Facebook thỉnh thoảng bị chặn ở Việt Nam – đôi khi vào những thời điểm nhạy cảm – nhưng không bao giờ kéo dài.
Shawn Crispin, đại diện tại Đông Nam Á của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo, nói: “Chính quyền Việt Nam đã cố gắng trong nhiều năm và cho đến nay vẫn không ngăn được các nhà báo và blogger độc lập sử dụng internet. Đó là một trận đánh nghiêng về phần thua”.
Điều đó không ngăn việc bắt bớ các nhà hoạt động.
Blogger Phạm Đoan Trang viết trên Facebook rằng một số nhà hoạt động dường như đã rút lui trong bối cảnh có những trấn áp, nhưng bà nói sẽ không nản chí.
Nhà hoạt động này nói với Reuters:
“Tự do có một quy tắc rất thú vị. Một khi người ta biết được giới hạn tự do, họ sẽ không bao giờ quay lại”.
Nhận xét
Đăng nhận xét