Tin Việt Nam – 28/08/2017


‘Đàn áp dân chủ không có lợi cho kinh tế VN’

Với tình trạng đàn áp dân chủ nhân quyền gia tăng, Việt Nam có thể sẽ phải trả giá bằng nền kinh tế, một tác giả đưa ra nhận định trên Bloomberg hôm 25/8.
Nhà báo Ilaria Maria Sala chuyên về Trung Quốc và Châu Á nhận định nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở 2,3%.
Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế phát triển, chính trị của Việt Nam đã trở nên khắt khe hơn. Ngày càng có nhiều nhà bất đồng chính kiến bị kết án nặng hơn.
Tác giả cho rằng những sự đàn áp này đang đe dọa tiến trình phát triển kinh tế vốn đã rất khó khăn để đạt được của Việt Nam.
Và có thể chế độ Cộng sản cầm quyền sẽ bắt đầu để ý đến điều này.
‘Thiếu dân chủ sẽ phải trả giá bằng kinh tế’
Chỉ trong năm nay, blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – “Mẹ Nấm” – bị tuyên án 10 năm tù vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Trần Thị Nga, một nhà bất đồng chính kiến khác, cũng chịu chín năm tù với cùng tội danh trên.
Năm ngoái, blogger Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên án 5 năm tù giam vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.” Trợ lý của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, được trả tự do vào tháng Năm năm nay.
Mặc dù tất cả những trường hợp này đều bị các nhóm nhân quyền lên tiếng chỉ trích, nhưng có ít dấu hiệu cho thấy chế độ Cộng sản cầm quyền có ý định thuyên giảm các vụ bắt giữ.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng nghi vấn bắt cóc cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh có thể là một bước ngoặt.
Khi quan chức Đức còn đang xem xét đơn xin tị nạn của ông Thanh thì ông bị bắt cóc ở Berlin bởi tình báo Việt Nam, theo cáo buộc của chính phủ Đức.
Vụ việc này có thể gây nguy hiểm cho một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, thương mại giữa hai bên tăng từ 10 tỷ đôla lên hơn 48 tỷ đôla.
Thỏa thuận thương mại được đề xuất sẽ cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm từ hàng dệt may, giày dép đến hải sản cho Việt Nam – một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu – tiếp cận thị trường với hơn 500 triệu người. Ước tính thỏa thuận sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên khoảng 2,7% mỗi năm.
Ngay cả trước khi có nghi vấn bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một số quốc gia EU đã tranh cãi rằng thỏa thuận thương mại này chỉ nên được phê chuẩn với điều kiện Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Việc khiến nền kinh tế mạnh nhất EU nổi giận bằng cách tiến hành bắt giữ trái phép ngay trên lãnh thổ của nước này không hề giúp cải thiện tình hình. Các chiến thuật như vậy cũng có thể cản trở đầu tư, tác giả ghi nhận thêm.
Những đối thủ canh trạnh vốn đầu tư nước ngoài – như Indonesia và Philippines – là các nền dân chủ. Hai quốc gia này tất nhiên cũng có vấn đề riêng.
Nhưng các nghiên cứu cho thấy các thể chế dân chủ có thể làm giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam có thể gia tăng đáng kể FDI bằng cách mở rộng nền dân chủ, nhà báo Sala nhận định.
Việc đàn áp thêm, nói cách khác, sẽ là một bất lợi trong cạnh tranh.

Kết thúc phiên toà xét xử

vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính quyền CSVN

Doanh nhân gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình lần thứ hai kiện nhà cầm quyền CSVN. Toà Án Trọng Tài Quốc Tế mới đây đã kết thúc phiên xử vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình. Dù kết quả chưa chính thức được công bố nhưng nét mặt của ông Bình đã nói lên tất cả.
Phiên toà của Toà Án Trọng Tài Quốc Tế xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, doanh nhân người Hoà Lan gốc Việt, kiện CSVN đã bất ngờ kết thúc sớm vào chiều Chủ Nhật 27/8/2017 tại Paris sau bảy ngày xét xử.
Các luật sư phương tây thường rất kín kẽ, họ thường không nói điều gì khi không bị bắt buộc và họ thường khuyên khách hàng như vậy.
Kết quả chính thức chưa được tòa công bố. Tuy nhiên nhìn nét mặt hớn hở của các luật sư phía ông Bình và bản thân ông Bình, với kinh nghiệm làm việc với các luật sư trong các lần ra tòa, tôi biết chắc phía ông Bình đã thắng lớn trong phần đưa ra và tranh tụng các bằng chứng, phương pháp trình bày và phần chốt lại vấn đề trước khi kết thúc (closing argument).
Dự tính, đến thứ tư tuần này (30/8) tòa quốc tế sẽ chính thức công bố kết quả và tất cả các điều kiện ràng buộc tương đối dài.
Sau khi có thông tin này, tôi đã liên lạc được với một người bên bộ tài chính VN và nhận được câu trả lời ngắn gọn:
“Ngân sách giờ đang rỗng ruột Việt Nam lấy tiền đâu mà trả”.

Chủ tịch Trần Đại Quang xuất hiện trở lại

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 28/8 tiếp Đại sứ Cuba – ông Herminio Lopez Diaz tại Phủ Chủ tịch, và những hình ảnh về buổi gặp mặt đã được đăng tải rộng rãi trên website Chính phủ cùng các báo trong nước.
Việc Chủ tịch Quang xuất hiện trở lại trước công chúng sau hơn một tháng vắng bóng giúp chấm dứt những tin đồn về sức khỏe cũng như vị thế trên chính trường của ông, Reuters bình luận.
Lần gần nhất ông có mặt trong một sự kiện công khai trước buổi tiếp Đại sứ Cuba là hôm 25/7, khi ông gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.
Báo điện tử Nikkei của Nhật Bản hôm 25/8 có bài báo nói về biểu hiện được cho là bất thường về nghi lễ ngoại giao trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi lịch trình nghị sự bị thay đổi đột ngột và không đề cập tới cuộc gặp với Chủ tịch Quang như được dự kiến ban đầu.
Bài báo đăng trên Nikkei hôm 25/8 mô tả thường thì những quốc khách tới Việt Nam luôn gặp “tứ trụ” và rằng chủ tịch nước thường có mặt trong các nghi lễ đón tiếp như vậy.
Nikkei nói rằng ông Quang đang có mặt trong nước vào thời điểm Việt Nam đón vị khách Thổ Nhĩ Kỳ, do đó việc ông không xuất hiện càng làm gia tăng những đồn đoán, khó hiểu.
Chủ tịch Trần Đại Quang cũng vắng bóng tại những sự kiện quan trọng như dịp kỉ niệm Ngày Truyền thống của Lực lượng Công an Nhân dân, lực lượng từng dưới sự chỉ đạo của ông khi còn là bộ trưởng.
Tuy không xuất hiện trực tiếp, nhưng hôm 21/8, Chủ tịch Quang có bài phát biểu được đăng tải rộng rãi trên các báo trong nước, trong đó ông kêu gọi cần quản lý mạng Internet chặt chẽ hơn.

Tòa mở lại phiên xử ‘đại án’ Hà Văn Thắm

Ngày 28/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm ‘đại án’ Hà Văn Thắm cùng 50 doanh nhân và nhân viên ngành ngân hàng.
Trong phiên sơ thẩm dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày này, ông Thắm và các bị cáo khác bị truy tố nhiều tội danh khác nhau.
Theo nội dung cáo trạng, có một số bị cáo bị đề nghị mức án tử hình, AFP nói.
Ngoài tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Thắm còn bị truy tố tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hồi cuối tháng 2/2017, phiên xét xử sơ thẩm đã được mở, nhưng sau ít ngày Tòa án Nhân dân TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung sau khi có đề nghị của Viện Kiểm sát.
Phiên tòa lần này có sự tham gia ‘kỷ lục’ của hơn 50 luật sư bào chữa và gần 750 nhân chứng.
Ông Thắm bị cáo buộc đã duyệt cho ông cho Phạm Công Danh vay khoản 500 tỷ đồng thông qua công ty Trung Dung mà không có tài sản đảm bảo, dẫn đến sự sụp đổ của Ocean Bank, nơi ông Thắm từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Ông Phạm Công Danh hiện đang chịu án tù vì những sai phạm về quản lý kinh tế trong một vụ án khác.
Sau khi ông Thắm bị bắt hồi 2014, hầu hết các chi nhánh của Oceanbank đã phải đóng cửa, và Ngân hàng Nhà nước sau đó mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã truy tố và bỏ tù hàng chục cán bộ quản lý ngành ngân hàng trong nhiều vụ đại án ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các lãnh đạo tham nhũng cũng phải bị truy tố trước pháp luật.
“Trong các vụ án kinh tế, chỉ có chủ doanh nghiệp hay những người quản lý doanh nghiệp bị truy tố, không có những người làm luật hay cán bộ nhà nước…việc trừng phạt (quan chức) đảng và nhà nước là chưa đủ mạnh,” chuyên gia về luật kinh tế Nguyễn Viết Khoa nói với hãng AFP.
Vụ OceanBank là một trong sáu “đại án” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý”.

Mỹ hỗ trợ VN tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Chính phủ Mỹ hỗ trợ hơn 10 triệu USD cho hoạt động của VN tham gia lực lượng Gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc.
Lễ bàn giao toà nhà giảng đường S5 và trang thiết bị do Chính phủ Mỹ tài trợ diễn ra tại Trung tâm Gìn giữ hoà bình (GGHB) Việt Nam ở Hà Nội vào sáng 28 tháng 8, đưa tổng mức hỗ trợ cho Việt Nam tham gia GGHB Liên Hiệp Quốc lên hơn 10 triệu USD.
Tham gia buổi lễ có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, các đại diện lãnh đạo cơ quan liên quan trong và ngoài quân đội, và nhiều đại diện các tổ chức quốc tế khác tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm GGHB cho biết toà nhà giảng đường S5 sẽ phục vụ cho công tác nâng cao huấn luyện, đào tạo cho lực lượng GGHB của Việt Nam nói chung và cho Trung tâm GGHB Việt Nam nói riêng.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng toà nhà này không chỉ là biểu tượng về mối quan hệ đối tác Mỹ – Việt Nam mà còn là biểu tượng về những đóng góp của Việt Nam cho hoà bình và ổn định quốc tế.
Tin tức cho biết toà nhà giảng đường S5 là một phần nằm trong hai gói hỗ trợ tài chính do Văn phòng Hợp tác Quốc phòng Mỹ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ ngày 6 tháng 2 năm 2015. Đây là khoản viện trợ nằm trong ngân sách Chương trình Sáng kiến hoà bình toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong một diễn tiến liên quan, Không Quân Hoàng Gia Úc (RAAF) sẽ giúp triển khai một nhóm binh sĩ gìn giữ hoà bình Việt Nam đến Nam Sudan trong 12 tháng và cung cấp thêm một số quân bị cho họ.
Tờ The Australian của Úc đưa tin dẫn nguồn từ Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne nhân chuyến thăm của bà đến Việt Nam ngày 24 tháng 8 như vừa nêu .
Bà Payne cho biết các chuyên gia huấn luyện của Úc tại Việt Nam đang giúp đỡ giai đoạn chuẩn bị, bao gồm dạy tiếng Anh để đảm bảo khả năng ngoại ngữ của binh sĩ tham gia đạt chuẩn theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đối với các chiến dịch lớn.
Cũng theo tin từ tờ The Australian, ngay sau khi các binh sĩ Việt Nam hoàn thành khoá học, RAAF có thể dùng máy bay vận tải C-17 để chở họ đến Châu Phi.
Bà Bộ trưởng Payne nhấn mạnh rằng Úc đã nhiều lần gửi thông điệp ủng hộ Việt Nam và Camberra rất nhất quán trong điều này. Bà đánh giá đây là dấu hiệu tốt cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Châu Lập Thể, thuyền nhân Việt thăng tướng Mỹ

Một thuyền nhân Việt được một cặp vợ chồng Mỹ nhận làm con nuôi rồi nỗ lực trở thành chuẩn tướng cho biết rằng ông luôn mong gia nhập quân ngũ để trả ơn Hoa Kỳ.
Ông Lapthe Flora (tên Việt là Châu Lập Thể) từng là đại tá trong lực lượng Vệ binh Quốc gia của tiểu bang Virginia ở đông bắc Hoa Kỳ, và đã được thăng hàm cấp tướng năm ngoái.
Tôi luôn nỗ lực làm việc hết sức mỗi ngày, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một ngày nào đó mình lại trở thành một vị tướng. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ, rất hứng thú, nhưng đồng thời cũng lo lắng vì có nhiều sự kỳ vọng. Hy vọng là tôi sẽ làm việc tốt không chỉ cho đất nước mà còn cho cả cộng đồng.
Tướng Châu Lập Thể nói.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Thể cho biết rằng bản thân ông cũng không thể ngờ được mình lại nhận được vinh dự này.
Ông nói thêm: “Tôi luôn nỗ lực làm việc hết sức mỗi ngày, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một ngày nào đó mình lại trở thành một vị tướng. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ, rất hứng thú, nhưng đồng thời cũng lo lắng vì có nhiều sự kỳ vọng. Hy vọng là tôi sẽ làm việc tốt không chỉ cho đất nước mà còn cho cả cộng đồng”.
Trước ông Thể, năm 2014, Đại tá lục quân Hoa Kỳ Lương Xuân Việt đã được thăng hàm chuẩn tướng, trở thành quân nhân Mỹ gốc Việt đầu tiên có cấp bậc cao nhất.
Cả hai vị tướng gốc Việt này từng là thuyền nhân, và được nước Mỹ nhận làm người tị nạn sau khi rời Việt Nam.
Ông Thể sinh năm 1962 tại Việt Nam trong một gia đình gốc Hoa, và thân phụ của ông từng là một thủy thủ trong đội Hải vận của Việt Nam Cộng hòa.
Khi ông lên hai tuổi, cha ông hy sinh, bỏ lại mẹ ông và 6 người con. Khi mới 11 tuổi, ông đã phải đi làm trong một nhà máy để phụ mẹ kiếm sống.
Lúc 18 tuổi, ông cùng người thân vượt biên sang Mỹ bằng thuyền. “Chúng tôi rời Long An tháng Năm năm 1979, và mất 5 ngày mới tới được Indonesia cũng như từng bị hải quân Indonesia bắn phía trước tàu, ngăn cản tàu không được cập bến”, ông kể. “Lúc đó, chúng tôi hết sức tuyệt vọng, không đồ ăn, nước uống trong năm ngày mà trên boong lại có trẻ nhỏ gần như chết đói, nên cả tàu cứ cố tiến vào bờ. Hải quân Indonesia sau đó buộc phải đàm phán với chúng tôi và chúng tôi có gì, nhẫn cưới hay đồng hồ, thì cho hết họ để được lên bờ”.
Một năm sau, ông được phép sang Hoa Kỳ, và sau đó đã được cặp vợ chồng người Mỹ John và Audrey Flora nhận làm con nuôi.
Khi được hỏi lý do gia nhập quân ngũ, liệu có phải để trả ơn nước Mỹ, vị chuẩn tướng nói:
“Chắc chắn là vậy. Đó là lý do số một. Ta phải trả ơn đất nước đã cho chúng ta cơ hội thứ hai trong cuộc đời. Tôi đã trải qua thời kỳ khốn khó nên tôi hiểu rằng khi ai đó cứu ta, có thể nói là từ địa ngục, suy nghĩ thường trực trong đầu tôi, đó là phải trả ơn, và không có cách nào tốt hơn khi ta mặc quân phục”.
Ngoài ra, vị tướng này còn cho biết rằng ông nhập ngũ để trải nghiệm tinh thần đồng đội cũng như để tri ân cha ruột mình và những người nhận nuôi ông ở Mỹ cũng là gia đình quân nhân yêu nước.
Ta phải trả ơn đất nước đã cho chúng ta cơ hội thứ hai trong cuộc đời. Tôi đã trải qua thời kỳ khốn khó nên tôi hiểu rằng khi ai đó cứu ta, có thể nói là từ địa ngục, suy nghĩ thường trực trong đầu tôi, đó là phải trả ơn, và không có cách nào tốt hơn khi ta mặc quân phục.
Tướng Thể nói.
Trong buổi lễ thăng tướng năm ngoái, ông Thể dùng tiếng Việt để gửi lời cảm tạ các quân nhân Việt Nam Cộng hòa:
“Tôi chân thành cảm kích và lấy làm vinh hạnh về sự hiện diện của quý vị trong buổi lễ ngày hôm nay, đặc biệt đối với các cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tôi xin thành thật có vài lời để tri ân họ về sự hy sinh cao cả và chiến đấu dũng cảm, bất khuất và kiên cường để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như duy trì an ninh cho toàn dân trong suốt 20 năm. Và đồng thời, tôi xin nêu lên niềm cảm phục của tôi về bao năm chịu đựng lưu đày, khổ sai, khốn khổ và ly tán của các cựu chiến sỹ cũng như gia đình của họ”.
Ông Thể được phong hàm Sĩ quan Lục quân năm 1987 từ trường Võ bị Quân sự Virginia. Năm 2011, ông nhận bằng cao học về nghiên cứu chiến lược tại Đại Học Chiến Tranh Lục Quân ở tiểu bang Pennsylvania.
Ông từng xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ ở nước ngoài tại Bosnia, Kosovo và Afghanistan. Với các thành tích trên, ông Thể từng được trao giải thưởng về lãnh đạo đặt theo tên của Tướng Douglas MacArthur.
Sau 20 năm, tất cả các thành viên trong gia đình ông Thể giờ đã đoàn tụ và hiện sinh sống trên khắp Hoa Kỳ.
Khi được hỏi về ý nghĩa của “giấc mơ Mỹ” đối với mình, ông Thể nói:
Một trong những điều tốt đẹp ở Mỹ đó là chúng ta có cơ hội dành cho tất cả mọi người mà tự do đem lại. Cơ hội ở đất nước này không bao giờ hết, và nếu ta sẵn lòng gắng sức làm việc, vì bất kỳ công việc nào, ta sẽ thành công.
Tướng Thể nói về giấc mơ Mỹ.
“Giấc mơ Mỹ mà tôi đã trải qua đều gắn với các cơ hội và nỗ lực hết mình. Một trong những điều tốt đẹp ở Mỹ đó là chúng ta có cơ hội dành cho tất cả mọi người mà tự do đem lại. Cơ hội ở đất nước này không bao giờ hết, và nếu ta sẵn lòng gắng sức làm việc, vì bất kỳ công việc nào, ta sẽ thành công”.
Tướng Lập Thể cũng không quên gửi lời nhắn nhủ tới những thanh niên Mỹ gốc Việt muốn gia nhập quân ngũ: “Bạn sẽ làm một việc cao cả hơn bản thân mình và thuộc về một tổ chức được người dân Mỹ hết sức tôn trọng. Với những người trẻ muốn gia nhập quân ngũ, tôi khuyến khích các em đi theo con đường đó”.
Theo các nhà quan sát, việc ông Thể trở thành chuẩn tướng trong Vệ binh Quốc gia là điều hiếm, vì số quân nhân gốc Việt trong lực lượng này không nhiều như trong các binh chủng khác của lục quân hay hải quân.
Vệ binh Quốc gia là lực lượng dự bị của Lục Quân Hoa Kỳ, với kinh phí hoạt động chính là từ các tiểu bang trên nước Mỹ.

Người Việt ở Houston gắng gượng trong bão lũ

 280817_3a
Người Việt tại nhiều vùng của tiểu bang Texas đối mặt với tình trạng nhà cửa bị ngập lụt, giữa lúc có tin nhiều người không dám ra đường vì rắn và cá sấu.
Anh Antin Huỳnh, sống ở một vùng thôn quê ngoại ô thành phố Houston, nơi hứng chịu thiệt hại do cơn bão Harvey gây ra mấy ngày qua, nói rằng đường xá, nhà cửa xung quanh khu vực của anh bị ngập nặng và có xuất hiện cả rắn và cá sấu ở phía nam thành phố.
Anh kể lại:
“Khu vực này mưa nhiều. Mưa kéo dài 3-4 ngày nay gây ngập lụt. Tất cả các cơ sở công ăn việc làm, trường học đã đóng cửa một tuần nay. Có một vài cá sấu bơi qua khi nước ngập đường, tràn vào khu vực có dân cư.”
Tại khu phía bắc của thành phố, nhà của anh Khoa Ngô rất may mắn không bị lụt, nhưng nhà của bạn anh, cũng ở gần đó, thì bị ngập rất sâu.
Anh cho biết:
“Nhà mình không bị gì hết, nhưng cô bạn của mình cũng ở gần đây thôi bị ngập vì ở khu vực thấp hơn – nước dâng lên trên mức cảnh báo ngập lụt – 12 feet (3,6 mét). Đây là một vụ ngập kỷ lục.”
Anh Khoa cho biết thêm về hoàn cảnh của người dân vùng ngập lụt: “Nếu đi vào nước thì có thể gặp rắn và kiến lửa. Cá sấu thì hiếm hơn nhưng cũng có thể xảy ra. Nếu ra vùng ngoại ô thì thấy nhiều đàn bò lên trên đường để trốn nước, do đó lúc lái xe thì phải cẩn thận.”
Anh Khoa còn cho hay rằng bạn bè của anh phải di chuyển vào khách sạn ở tạm, chờ nước rút xuống, sửa chữa nhà cửa rồi mới dọn vào ở lại.
Là chủ một doanh nghiệp ở Houston, anh Khoa hôm 28/8 nói rằng khách hàng của anh không ai ra đường cho nên văn phòng của anh phải đóng cửa.
“Mình xem tình hình và hỏi tất cả nhân viên, biết rằng nhiều người còn bị kẹt, không vào văn phòng được. Khách hàng không tới nên mình đóng cửa luôn hôm nay.”
Ông Đặng Quốc Việt, một thành viên cộng đồng người Việt tại thành phố Houston nói rằng dù cơn bão gây ngập lụt nghiêm trọng khắp cả thành phố. Tuy nhiên, theo ông, đến sáng ngày 28/8, cũng rất may mắn là chưa có tin về thương vong trong cộng đồng người Việt.
Ông nói:
“Cho đến thời điểm này thì mọi sự điều tốt đẹp, mặc dù cơn bão gây tác hại rất lớn, lụt lội ngập nhà cửa rất nhiều. Một điều may mắn cho tất cả mọi người là chính quyền địa phương của Hoa Kỳ luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng và hỗ trợ tích cực.”
Ông Việt chia sẻ thêm:
“Hầu hết người Việt trong cộng đồng không bị ảnh hưởng nặng lắm. Số người di tản hầu hết là dân địa phương. Hiện tại các trung tâm cứu nạn, trại lánh nạn rất đông người. Tôi chưa có thông tin nào về trường hợp người Việt bị bắt buộc phải di tản.”
Theo nhận định của anh Antin Huỳnh, cơn bão Harvey dù gây mưa kéo dài nhưng không nguy hiểm bằng bão Katrina năm 2005.
“Cơn bão này không mạnh như cơn bão Katrina, nhưng cơn bão này gây ngập nước trên diện rộng.”
Bão Harvey di chuyển vào bang Texas tối 25/8 với sức gió lên tới 210 km/h. Đây là cơn bão mạnh nhất Mỹ phải hứng chịu trong 12 năm và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào bang Texas trong hơn 50 năm qua.
Tính đến tối 27/8, cơn bão làm nhất 5 người thiệt mạng, 14 người bị thương, và khoảng 240.000 người phải sống trong tình trạng không có điện.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ ngày 27/8 cho biết lượng mưa tại nhiều khu vực ở thành phố Houston trong 48 giờ trước đó là 76 cm. Dự báo, mưa lớn sẽ còn tiếp diễn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành tuyên bố thảm họa cho bang Texas và dự kiến sẽ tới bang này vào ngày 29/8 để kiểm tra thiệt hại do bão Harvey gây ra.

Dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam khiến Mỹ, Anh quan ngại

Các cơ quan phòng bệnh và du lịch của Mỹ và Anh khuyến cáo du khách đến Việt Nam đề phòng sốt xuất huyết trong lúc căn bệnh do muỗi lan truyền này tăng mạnh ở trong nước mùa hè năm nay.
Theo thống kê của Việt Nam, nói tính đến giữa tháng 8/2017, có hơn 90.000 trường hợp lây nhiễm, trong đó có 24 ca tử vong, cao hơn 60% so với năm ngoái.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Sài Gòn, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đà Nẵng và Hà Nội.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, gọi tắt là CDC, của Hoa Kỳ vừa ra thông báo khuyến cáo du khách đến Việt Nam phải chú ý áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt để đề phòng lây nhiễm sốt xuất huyết.
Thông báo của CDC nói rằng sốt xuất huyết có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, muốn ói, ói mửa, ngứa, đau nhức mắt, khớp xương và bắp thịt.
Cơ quan này cho biết rằng hiện không có thuốc ngừa hoặc thuốc điều trị sốt xuất huyết tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, thông báo của chính phủ Anh, công bố ngày 22/8 và tới ngày 28/8 vẫn có hiệu lực, nói rằng số ca lây nhiễm sốt xuất huyết tăng mạnh ở Việt Nam, phần lớn là ở các tỉnh phía nam, nhưng dịch bệnh mới đây cũng tăng mạnh ở miền bắc, nhất là tại Hà Nội.
Du khách nên làm theo chỉ dẫn của cơ quan quốc gia phụ trách về sức khỏe khi đi du lịch của Anh, và phải áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt.
Thông báo này cũng nói rằng các loại virus khác do muỗi lan truyền gây bệnh sốt rét và viêm não Nhật Bản cũng xảy ra ở Việt Nam, nhất là vào mùa mưa.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có từ 50 tới 100 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Đại học Oxford và Tổ chức Wellcome Trust nói mỗi năm có đến 390 triệu ca lây nhiễm sốt xuất huyết trên thế giới.

Cơ chế sử dụng nhân tài ở Việt Nam ‘dậm chân tại chỗ’

Thủ tướng Việt Nam một lần nữa nhắc đến việc phải trọng dụng nhân tài, kể cả Việt kiều, trong khi một kinh tế gia Áo gốc Việt nổi tiếng về phản biện xã hội nói rằng cơ chế của nhà nước về sử dụng người tài “dậm chân tại chỗ hoặc tệ đi” trong 5-10 năm qua.
Báo chí trong nước dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hôm 28/8: “Chúng ta cần tạo những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước, kể cả đối với kiều bào nước ngoài”.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào” về phát triển kinh tế xã hội nói chung và về phát triển khoa học, công nghệ nói riêng. Theo ông, việc này “góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Lời phát biểu của ông Phúc được đưa ra tại lễ công bố “Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017″. Cuốn sách nói về 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu.
Nhìn chung khu vực nhà nước trong vòng 5, 10 năm qua vẫn còn rất là kém trong chuyện thu hút người tài. Có lẽ người tài hoặc là không muốn làm việc trong khu vực nhà nước hoặc không vào làm việc được nếu như người tài đấy không có quen thân hoặc con ông cháu cha.
Tiến sĩ Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang
Việc trọng dụng nhân tài dường như được thủ tướng đương nhiệm rất coi trọng. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi đầu tháng 4 năm ngoái, ông Phúc cho báo chí biết trong số 6 trọng tâm điều hành chính phủ của ông, trọng dụng nhân tài là một thành phần trong trọng tâm thứ nhì, đứng ngay sau trọng tâm thứ nhất là “ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Trong suốt hơn một năm nắm quyền, vị thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đến thu hút, trọng dụng nhân tài.
Ba tháng sau lễ nhậm chức, trong một phiên họp nội các, ông Phúc phát biểu về công tác nhân sự rằng việc các cơ quan nhà nước tổ chức thi tuyển là “để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà”. Ông nói thêm, “Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”.
Khi còn là phó thủ tướng, ông Phúc từng làm xôn xao dư luận khi thẳng thắn chỉ ra rằng “có 30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, với hàm ý số người không có năng lực trong các cơ quan nhà nước chiếm tỉ lệ rất lớn.
Tháng 8/2016, trong một lần gặp gỡ cử tri, Thủ tướng Phúc khẳng định để có bộ máy đủ sức đưa đất nước đi lên “thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi” và nói thêm rằng “do vậy dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền”.
Đầu tháng 1 năm nay, tại một hội nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phúc từng nói đến việc cần phải “tạo những thể chế thông thoáng trong phát huy, sử dụng nhân tài”, mà theo ông là bao gồm cả “người chưa vào đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những diễn biến trái với mong muốn của vị thủ tướng. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, nói với VOA:
“Nhìn chung khu vực nhà nước trong vòng 5, 10 năm qua vẫn còn rất là kém trong chuyện thu hút người tài. Có lẽ người tài hoặc là không muốn làm việc trong khu vực nhà nước hoặc không vào làm việc được nếu như người tài đấy không có quen thân hoặc con ông cháu cha. Qua khảo sát PAPI mà chúng tôi làm, là chỉ số về sự hài lòng của người dân, thì thấy phần lớn người dân phản ảnh là nếu không có quan hệ cá nhân, không có quen thân, không có phong bì thì không thể xin vào khu vực nhà nước được. Rõ ràng với cơ chế như thế, chúng ta sẽ loại người tài ra bên ngoài”.
Vị tiến sĩ kinh tế người Áo gốc Việt nói ngoại lệ hiếm hoi là thành phố Đà Nẵng. Địa phương này trả những mức lương rất cao và có chế độ coi trọng người tài rất cụ thể, trong khi hầu hết các tỉnh thành khác không làm tương tự.
Ông Giang, người tham gia một số cuộc nghiên cứu, khảo sát ở Việt Nam, bình luận thêm rằng cá nhân ông thấy trong nhiều năm qua cơ chế sử dụng người tài của nhà nước “vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí còn tệ đi” và đó là “vấn đề rất lớn khi quốc gia muốn phát triển”.
Cái quan trọng nhất là phải bỏ đi, phải diệt trừ chủ nghĩa vị thân, con ông cháu cha … làm sao phải công phá được những lô cốt là các chính quyền địa phương và các bộ ngành. Tôi nghĩ mình ông thủ tướng chắc sẽ không làm được
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Đối với những người không có mối quan hệ, tình hình là như vậy. Trong khi đó, những năm gần đây, có những người còn rất trẻ được bổ nhiệm thần tốc vào những vị trí rất cao trong các cơ quan hay tập đoàn nhà nước Việt Nam. Công chúng đã kết nối việc bổ nhiệm này với thực tế là những người đó có bố hoặc chú, bác là các quan chức cấp cao.
Nhiều người bình luận trên báo chí và mạng xã hội rằng việc con cháu quan chức thành đạt là điều bình thường ở nhiều nước ngoài vì họ có cơ chế tranh cử hoặc thi tuyển công khai, minh bạch. Còn với thực tế ngược lại ở Việt Nam, đã nổi lên những nghi vấn về sự thăng tiến nhanh chóng của các “con quan”, “cháu quan”.
Tiến sĩ Giang cho rằng bên cạnh việc cần phải cải thiện sự công khai, minh bạch, công cuộc thu hút nhân tài của Thủ tướng Phúc còn phải đối mặt với lực cản lớn từ tính cục bộ của các địa phương và bộ ngành:
“Cái quan trọng nhất là phải bỏ đi, phải diệt trừ chủ nghĩa vị thân, con ông cháu cha, nepotism [gia đình trị], và phải công khai, minh bạch hóa tất cả các quy trình tuyển người, đánh giá, thi cử công chức, tuyển chọn, v.v… Nói như ông thủ tướng thì rất dễ, nhưng từ việc nói đấy đến chỗ thực hiện là một khoảng cách rất là dài. Vì làm sao phải công phá được những lô cốt là các chính quyền địa phương và các bộ ngành. Tôi nghĩ mình ông thủ tướng chắc sẽ không làm được”.
Trong lời phát biểu hôm 28/8, ông Phúc cũng lưu ý đến việc cần “trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của đồng chí, đồng bào” về phát triển kinh tế xã hội.
Tiến sĩ Giang một lần nữa chỉ ra rằng giữa những hô hào của người đứng đầu chính phủ với các động thái của các bộ ngành, địa phương có một khoảng cách lớn.
Theo lời tiến sĩ, chỉ riêng vài tháng gần đây, nhiều điều thể hiện rằng ý thức lắng nghe từ phía chính quyền “rất là thấp”, thậm chí không đếm xỉa đến các ý kiến của các nhà khoa học hoặc các tổ chức xã hội dân sự.
Ông Giang nêu ra một loạt các ví dụ, từ dự án phát triển du lịch gây hại môi trường, cảnh quan ở Sơn Trà, Đà Nẵng, đổ chất thải ở nam trung bộ, cho tới dự định xây cáp treo vào Hang Én, gần Sơn Đoòng, Quảng Bình.
Vị phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng cảnh báo rằng việc không lắng nghe sẽ dẫn đến những phản ứng xấu:
“Khi mà người ta có cảm giác không được lắng nghe, người ta sẽ bức xúc, sẽ phản ứng tiêu cực, hoặc là sẽ chán nản. Những người giỏi và bình tâm thì chán nản. Những người hay thích sa vào chuyện chửi đổng, chửi bới sẽ còn giận dữ hơn nữa. Tóm lại sẽ thiệt cho đất nước mà thôi”.

Tên lửa BrahMos,

vũ khí răn đe của Việt Nam với Trung Quốc

Để đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Biển Đông, Việt Nam nay đang trông chờ vào một loại vũ khí có tính răn đe rất mạnh, đó là tên lửa siêu thanh BrahMos của Ấn Độ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/08 vừa qua, khi được hỏi về thông tin của báo chí quốc tế rằng Việt Nam vừa nhận lô tên lửa BrahMos của Ấn Độ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã gián tiếp xác nhận thông tin này với tuyên bố: “ Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước.”. Thế nhưng, sau đó Bộ Ngoại Giao của Ấn Độ lại cho rằng thông tin về việc Việt Nam tiếp nhận tên lửa BrahMos là “ không đúng”.
Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, thái độ dè dặt của Ấn Độ trong vụ bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam là do tình hình căng thẳng hiện nay giữa New Delhi với Bắc Kinh. Trên thực tế, Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ và trông chờ rất nhiều vào các vũ khí của Ấn Độ để tăng cường tiềm lực quân sự trước đà lớn mạnh của Trung Quốc.
Trong phần tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
TS Lê Hồng Hiệp, Singapore
RFI :Thưa anh Lê Hồng Hiệp, anh có thể giải thích vì sao phía Ấn Độ lại rất dè dặt về thông tin liên quan đến tên lửa BrahMos giao cho Việt Nam, trong khi phía Việt Nam thì không ngần ngại công bố tin này?
TS Lê Hồng Hiệp : Nhìn vào bối cảnh hiện tại chúng ta có thể hiểu được tại sao phía Ấn Độ dè dặt và không chủ động công bố thông tin, trong khi phía Việt Nam thì có vẻ sẳn sàng hơn trong việc công bố thông tin này ra bên ngoài. Về phía Ấn Độ thì chúng ta thấy là quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc hiện đang rất căng thẳng với cuộc đối đầu ở Doklam, gần biên giới Bhutan. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng Ấn Độ thận trọng, để căng thẳng không tăng thêm một nấc, vì ai cũng biết rằng Việt Nam mua tên lửa BrahMos này là nhằm phòng thủ trước sức mạnh đang lên của hải quân Trung Quốc, vì vậy mà họ có một sự dè dặt nhất định.
Trong khi đó Việt Nam có thể thoải mái hơn trong việc cung cấp thông tin ra bên ngoài, vì chúng ta biết rằng mục đích của Việt Nam khi trang bị các vũ khí trong đó có tên lửa BrahMos là nhằm răn đe Trung Quốc trên Biển Đông là chủ yếu. Để răn đe thành công thì có hai nguyên tắc cơ bản nhất: Thứ nhất là có một năng lực răn đe khả tín, tức là có một loại vũ khí đủ để gây ra tổn hại cho đối phương. Thứ hai là sau khi có năng lực răn đe đó thì phải để cho đối tượng mà chúng ta răn đe biết về năng lực của chúng ta.
Điều này cũng lý giải là trong thời gian trước đây Việt Nam rất dè dặt trong việc công khai các thông tin về hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, nhưng trong thời gian gần đây thì Việt Nam thường xuyên cung cấp các thông tin này ra bên ngoài để tăng cường hiệu quả răn đe. Tôi nghĩa trong trường hợp tên lửa BrahMos này thì cũng tương tự như vậy.
RFI : Tên lửa BrahMos nói riêng và các vũ khí, thiết bị quân sự nói chung của Ấn Độ có tầm quan trọng như thế nào đối với nền quốc phòng của Việt Nam ?
TS Lê Hồng Hiệp : Hiện tại Ấn Độ cũng là cường quốc về quốc phòng và cũng có các chương trình phát triển vũ khí trong nước, cũng như với sự  liên kết với các nước bên ngoài, cụ thể như trong chương trình sản xuất tên lửa BrahMos là hợp tác với Nga. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí chủ yếu là từ Nga. Việt hợp tác, trao đổi vũ khí với Ấn Độ là rất phù hợp với với Việt Nam, vì có sự tương thích giữa các vũ khí do Ấn Độ sản xuất, với các vũ khí mà Việt Nam đang sử dụng.
Riêng tên lửa BrahMos là loại vũ khí mà từ lâu Việt Nam đã tìm cách sở hữu, mặc dù có một trục trặc trong việc xin cấp phép từ phía đối tác Nga, nhưng những trở ngại này đã được hóa giải. Tên lửa này sẽ có sự đóng góp quan trọng trong sự phòng thủ bờ biển cũng như phòng thủ đảo của Việt Nam, vì với tầm bắn khoảng 400 đến 450 km, nó có thể giúp Việt Nam vừa phòng thủ bờ biển, vừa bảo vệ được các căn cứ quân sự ở Trường Sa một cách hiệu quả.
Ấy là chưa kể tên lửa BrahMos này có tốc độ rất cao và có thể bay rất thấp, cách mặt nước biển chỉ khoảng 3 hoặc 4 mét, cho nên rất khó bị phát hiện và như vậy là một loại vũ khí phòng thủ lợi hại của Việt Nam.
Việc Việt Nam mua thành công các tên lửa BrahMos này sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ của Việt Nam, đồng thời cho thấy có sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Việt Nam, làm cơ sở cho hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ, đặc biệt là trong lĩnh quốc phòng trong thời gian tới.
RFI : Việt Nam có thể trông chờ những gì từ Ấn Độ trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông vẫn gay gắt ? Ngược lại, đối với Ấn Độ thì Việt Nam có vai trò như thế nào trong chính sách « Act East » ?
TS Lê Hồng Hiệp : Như tôi đã nói, Ấn Độ có những lợi ích song trùng với Việt Nam rất là lớn và cũng là một đối tác ngoại giao lâu đời, từ thời những năm 1950. Chính vì vậy giữa hai bên có sự tin tưởng lẫn nhau rất là lớn. Ấn Độ cũng là một cường quốc lớn trên thế giới, nên  sự hợp tác với Ấn Độ về ngoại giao lẫn chiến lược có thể giúp Việt Nam có được vị thế mặc cả với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, nhìn từ phía Ấn Độ thì Việt Nam cũng là một quốc gia quan trọng trong chính sách « Hành động hướng Đông » của thủ tướng Modi. Ấn Độ đang cố gắn gia tăng sự can dự của họ với các nước láng giềng phương Đông và đặc biệt là trong khu vực ASEAN, mà trong ASEAN thì Việt Nam cũng là một quốc gia quan trọng, có tiếng nói, có vị thế càng ngày càng lớn, đóng vai trò như là cửa ngỏ, giúp Ấn Độ thâm nhập khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
RFI :  Các công ty dầu khí Việt Nam có thể đóng một vai trò như thế nào để giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền và các nguồn tài nguyên của mình ở Biển Đông ?
TS Lê Hồng Hiệp : Hiện tại, công ty ONGC Videsh, công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ, cũng đang tham gia thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực bể Trầm Tích, Phú Khánh, ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Dự án này là nằm trong chiến lược của Việt Nam là kéo các công ty dầu khí của các cường quốc lớn tham gia hoạt động trên vùng biển Việt Nam, để biến lợi ích của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông thành lợi ích của các cường quốc này, giúp chống lại các áp lực của phía Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có những hành động chèn ép Việt Nam, ảnh hưởng đến lợi ích Việt Nam, thì các hành động này cũng đồng thời ảnh hưởng đến các lợi ích của những cường quốc đó và trong này thì có trường hợp của Ấn Độ.
Cũng có những báo cáo nói rằng các lô mà công ty ONGC Videsh đang thăm dò thì ít có triển vọng tìm thấy dầu khí, nhưng các đối tác Ấn Độ vẫn kiên trì tham gia thăm dò các lô ở đây, chủ yếu là vì mục đích chiến lược và chính trị, tức là để duy trì sự can dự của Ấn Độ trong khu vực Biển Đông, cũng như giúp Việt Nam gia tăng vị thế của mình trên hồ sơ Biển Đông.
Đây cũng là vai trò rất quan trọng mà Ấn Độ có thể thực hiện để giúp Việt Nam đối phó với các áp lực từ phía Trung Quốc, cũng như giúp tăng cường quan hệ Việt Ấn. Giữa hai nước, trong thời gian qua, những hợp tác về ngoại giao, chính trị và quân sự, chiến lược đã phát triển rất tốt. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế thì còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển Việt Nam cũng là một phương thức để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương trong thời gian tới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?