Chiến tranh 1954-1975 trong chiến tranh lạnh trên thế giới
Trần Gia Phụng
29-5-2018
Chiến tranh 1946-1954 chấm dứt với hiệp định Genève ngày 20-7-1954, chia hai nước Việt Nam ngang theo sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17.
Bắc Việt Nam (BVN) là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), theo chủ nghĩa cộng sản (CS), do Hồ Chí Minh và đảng Lao Động cai trị. Đảng Lao Động tức đảng Cộng Sản Đông Dương cải danh năm 1951. Nam Việt Nam (NVN) là Quốc Gia Việt Nam (QGVN), do Bảo Đại làm quốc trưởng và Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Ngày 26-10-1955, QGVN được đổi thành Việt Nam Cộng Hòa, theo tổng thống chế, do Ngô Đình Diệm làm tổng thống.
Tuy VNDCCH do đảng Lao Động điều khiển, đã ký hiệp định Genève, đình chỉ chiến sự, chia hai đất nước, nhưng đảng Lao Động không từ bỏ tham vọng bành tướng chủ nghĩa CS, và ngay từ sau hiệp định Genève, đảng Lao Động liền dùng quân du kích còn cài lại ở NVN, nổi lên quấy phá khắp nơi, chuẩn bị ngày nổi dậy.
Chiến tranh lần nầy là cuộc chiến tranh bành trướng của chủ nghĩa CS xuống NVN và từ đó đe dọa các nước Đông Nam Á, kéo dài từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975, khi quân đội BVN chiếm được Sài Gòn. Chiến tranh 1954-1975 ở Việt Nam rơi đúng vào cao điểm chiến tranh lạnh trên thế giới.
NGUỒN GỐC CHIẾN TRANH LẠNH
Chiến tranh lạnh là tình trạng tranh chấp căng thẳng giữa hai khối tư bản và cộng sản sau thế chiến thứ hai (1939-1945). Nguyên sau thế chiến thứ hai, các nước trên thế giới chia thành hai khối: 1) Thứ nhứt là Hoa Kỳ cùng các nước theo chủ nghĩa tư bản. 2) Thứ hai là Liên Xô cùng các nước theo chủ nghĩa CS. Giữa hai khối về sau phát sinh ra khối thứ ba là các nước trung lập, đứng giữa hai khối, không chống bên nào, ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, không kể tư bản hay CS.
Chiến tranh lạnh manh nha từ việc Liên Xô đưa quân phong tỏa thành phố Tây Berlin ngày 24-6-1948. Nguyên vào cuối thế chiến thứ hai tại Âu Châu, Đức đầu hàng ngày 7-5-1945. Đức bị chia thành ba khu vực cho ba cường quốc thắng trận là Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô. Pháp không được xem là nước thắng trận. Anh và Hoa Kỳ ở phía tây nước Đức; Liên Xô ở phí đông nước Đức. Anh và Hoa Kỳ chia lại cho Pháp một vùng đất sát với biên giới Pháp. Thủ đô Berlin cũng được chia như thế. Berlin nằm trong lãnh thổ Đông Đức, nên các nước Tây phương muốn tiếp tế cho Tây Berlin, phải qua không phận hay đường bộ xuyên Đông Đức do Liên Xô kiểm soát.
Ngày 16-4-1948, Tây Âu thành lập khối kinh tế O.E.E.C. (Organization for Europen Economic Co-operation) gồm 16 nước là Austria, Belgium, Denmark, France, Greece, Iceland, Ireland, Italy, Luxemburg, the Netherlands, Norway, Portugal, Sweden, Switzerland, Turkey, United Kingdom.
Do tranh chấp kinh tế, nhứt là do O.E.E.C. muốn vận động thành lập thêm một khối quân sự chống Liên Xô, nên Liên Xô phong tỏa đường tiếp tế Tây Berlin ngày 24-6-1948, gây khủng hoảng Berlin. Đồng thời để đối đầu với khố O.E.E.C., Liên Xô lập khối kinh tế COMECON (Council for Mutual Economic Assistance) tháng 1-1949 gồm các nước cộng sản Đông Âu là Bulgaria, Czechoslovakia, the German Democratic Republic, Hungary, the Mongolian People’s Republic, Poland, Rumania, U.S.S.R. [Liên Xô].
Hai bên đông tây thương thảo. Liên Xô ngưng phong tỏa Tây Berlin ngày 11-5-1949. Tình hình căng thẳng Berlin tạm chấm dứt. Chiến tranh lạnh mở màn.
Hai khối tư bản và CS đối đầu nhau, tranh chấp quyết liệt trên tất cả các lãnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự, nhưng hai bên tránh đụng độ trực tiếp với nhau vì cả hai bên đều thủ đắc võ khí nguyên tử, sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra thì cả hai bên đều thiệt hại thảm khốc.
Hoa Kỳ thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 16-7-1945, thả xuống hai thành phố Hiroshima (6-8-1945) và Nagasaki (9-8-1945), khiến Nhật Bản đầu hàng ngày 14-8-1945. Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 29-8-1949, cân bằng lực lượng nguyên tử với Hoa Kỳ. Cộng sản thành công ở Trung Hoa, thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (thường được gọi là Trung Cộng) ngày 01-10-1949, tăng cường sức mạnh cho khối CS. Mười lăm năm sau, Trung Cộng thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 16-10-1964, càng làm tăng uy thế của khối CS.
CHIẾN TRANH LẠNH TẠI Á CHÂU
Trong chiến tranh lạnh, các cường quốc trong hai khối viện trợ, bán võ khí cho các phe lâm chiến tại các nước xảy ra tranh chấp nội bộ, tạo thành những điểm nóng địa phương. Tiêu biểu cho điểm nóng địa phương đầu tiên ở Á Châu với sự trợ lực và góp lửa của các cường quốc trong hai khối, là chiến tranh Triều Tiên hay Cao Ly và khủng hoảng eo biển Đài Loan.
Triều Tiên nằm ở đông bắc Trung Hoa, sau thế chiến thứ hai bị chia thànhh hai khu vực chiếm đóng ở vĩ tuyến 38. Phía bắc do Liên Xô; phía nam do Hoa Kỳ.
Tại miền nam, Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) đắc cử tổng thống lâm thời ngày 20-7-1948, và đứng đầu Cộng Hòa Triều Tiên (Republic of Korea) khi chế độ Cộng Hòa Triều Tiên chính thức được thành lập ngày 15-8-1948, thủ đô là Hán Thành (Seoul).
Tại miền bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea) được thành lập ngày 9-9-1949 do Kim Il-sung làm chủ tịch và đảng Lao Động (tức đảng CS) độc quyền cai trị, thủ đô là Bình Nhưỡng (Pyong-yang).
Ngày 25-6-1950, với sự hậu thuẫn của khối cộng sản, Bắc Triều Tiên (BTT) xâm lăng Nam Triều Tiên (NTT), chiếm Hán Thành. Theo lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc (LHQ), tướng Mac Arthur (Hoa Kỳ) cầm đầu quân đội LHQ đến giúp NTT ngày 12-9-1950, đẩy lui Bắc quân, tái chiếm Hán Thành, và vượt vĩ tuyến 38, đến sông Áp Lục (Yalu River), vùng biên giới Mãn Châu (Trung Cộng).
Ngày 26-11-1950, khoảng 250,000 quân Trung Cộng vượt biên giới, giúp BTT, đẩy lui quân LHQ xuống phía nam, chiếm Hán Thành. Đại tướng Mathew Ridgway (Hoa Kỳ) thay đai tướng Mac Arthur, cầm quân LHQ, đẩy lui quân BTT khỏi vĩ tuyến 38 tháng 1-1951. Cuộc thương thuyết bắt đầu tháng 7-1951 và hai bên ký kết hiệp ước Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27-7-1953, lấy vĩ tuyến 38 chia hai Triều Tiên. Phía bắc là Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (People’s Republic of Korea), thủ đô là Bình Nhưỡng (Pyong-yang). Phía nam là Cộng Hòa Triều Tiên (Republic of Korea), thủ đô là Hán Thành (Seoul).
Điểm đáng chú ý trong cuộc chiến nầy là quân LHQ lấy công làm thủ, đánh bắc thủ nam, tiến quân qua phía bắc vĩ tuyến 38 để đánh BTT, vừa đe dọa BTT, vừa chận đứng một cách hữu hiệu nguồn tiếp tế của cộng sản BTT cho quân du kích cộng sản ở NTT. Khi đó, du kích cộng sản NTT không còn được tiếp viện, không thể tiếp tục hoạt động. Hiệp ước Bàn Môn Điếm được xem là một mẫu mực để giải quyết chiến tranh 1946-1954 ở Việt Nam, đưa dến hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17.
Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, Hoa Kỳ gởi Đệ thất hạm đội đến bảo vệ Đài Loan (Taiwan) tức Trung Hoa Dân Quốc (THDQ), eo biển Đài Loan, hai quần đảo Kim Môn (Kinmen) và Mã Tổ (Mazu). Hai quần đảo nầy nằm cách hải cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Cộng khoảng 15 Km, trong khi cách bờ biển Đài Loan khoảng 270 Km, nhưng hai quần đảo nầy lại thuộc chủ quyền của Đài Loan.
Tháng 9-1954, Trung Cộng mở cuộc pháo kích hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ. Đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhứt. Đài Loan rất nhỏ so với lục địa Trung Cộng, nhưng lúc đó THDQ (Đài Loan) nhờ Hoa Kỳ bảo trợ, vẫn là thành viên thường trực của tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong khi CHNDTH hay Trung Cộng rộng lớn hơn rất nhiều, vẫn chưa được vào LHQ.
Ngày 2-12-1954, Hoa Kỳ và THDQ ký Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương (Sino-American Defence Treaty) tại Đài Bắc (Taipei) và có hiệu lực từ ngày 3-3-1955. Trước việc Hoa Kỳ quyết chí bảo vệ Đài Loan, Trung Cộng đành chịu ngồi vào bàn hội nghị thương lượng tháng 4-1955, và cuối cùng cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhứt chấm dứt vào đầu tháng 5-1955.
VIỆT NAM ĐI VÀO CHIẾN TRANH LẠNH
Trong khi đó, sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953, Trung Cộng rảnh tay ở Triều Tiên, dồn nỗ lực giúp Việt Minh và đảng Lao Động ở Việt Nam trong chiến tranh 1946-1954. Nhờ sự giúp đỡ về mọi mặt của Trung Cộng, Việt Minh và đảng Lao Động mới thành công năm 1954.
Đối thủ của Trung Cộng ở Triều Tiên là Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn ngày 7-4-1954, tổng thống Hoa Kỳ là Dwight D. Eisenhower đưa ra thuyết domino, theo đó ông cho rằng khi một nước bị CS chiếm, thì các nước lân bang dần dần sẽ bị mất vào tay CS, nghĩa là một quân cờ domino sụp đổ, thì các quân cờ domino khác cũng sụp theo. Sau hiệp định Genève (20-7-1954) vận dụng thuyết địa lý chính trị nầy, Hoa Kỳ can thiệp vào các nước Đông Nam Á, nhằm ngăn chận sự bành trướng của CS.
Trước sự bành trướng của CS tại Á Châu, đại diện ba nước Australia (Úc), New Zealand (Tân Tây Lan), United States of America (USA) (Hoa Kỳ) họp tại San Francisco (Hoa Kỳ) ngày 1-9-1951, ký hiệp ước thành lập khối quân sự ANZUS, nhằm hợp tác phòng thủ nếu xảy ra các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương được xem là ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của mỗi nước và các nước khác trong khu vực. Khối ANZUS không lập lực lượng quân sự riêng, chỉ họp hằng năm cấp bộ trưởng ngoại giao để duyệt xét tình hình và họp bất thường khi một trong ba nước thành viên yêu cầu vì an ninh bị đe dọa.
Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Hoa Kỳ vận động ký kết Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Collective Defence Treaty) tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, ngày 8-9-1954. Từ đó ra đời TỔ CHỨC LIÊN PHÒNG ĐÔNG NAM Á (Southeast Asia Treaty Organization, SEATO), gồm các nước (theo thứ tự ABC) Australia, France, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thailand, United Kingdom (Anh), và United States of America.
Trong phụ bản của hiệp ước, ba nước Cambodia, Lào và Việt Nam được sắp trong nhóm lãnh thổ được bảo vệ. Hoa Kỳ dựa vào phụ bản hiệp ước nầy để minh chứng sự ủng hộ của họ đối với các chế độ chống cộng ở Đông Nam Á.
Riêng NVN, Hoa Kỳ giúp đỡ tổng thống Ngô Đình Diệm xây dựng và củng cố Việt Nam Cộng Hòa, nhằm biến Việt Nam Cộng Hòa thành “tiền đồn chống cộng” ở Đông Nam Á. Sự giúp đỡ của Hoa Kỳ khiến cho khối CS quan tâm, nhứt là Trung Cộng vì Trung Cộng e ngại sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ sẽ đe dọa đến nền an ninh của Trung Cộng. Trung Cộng càng yểm trợ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tấn công VNCH, vừa chống Hoa Kỳ từ xa, vừa thực hiện âm mưu bành trướng xuống Đông Nam Á. Thế là chiến tranh 1954-1975 ở Việt Nam từ từ đi vào chiến tranh lạnh mà chẳng được để ý.
KẾT LUẬN
Vì quyền lợi, vì tham vọng bành trướng và vì an ninh quốc gia, dựa trên chủ nghĩa chính trị, hai khối tư bản và cộng sản chống nhau trên thế giới và hậu thuẫn cho các phe lâm chiến ở khắp nơi. Có thể nói hai khối tư bản và cộng sản tương khắc nhưng tương sinh (chống nhau nhưng nhờ nhau mà phat triển). Nơi nào có các lực lượng CS gây hấn, thì các nước tư bản đến giúp đỡ theo thuyết domino. Nơi nào được các nước tư bản giúp đỡ, thĩ các nước CS kiếm cách gây hấn
Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 nằm trong trường hợp đó.
https://baotiengdan.com/2018/05/29/chien-tranh-1954-1975-trong-chien-tranh-lanh-tren-the-gioi/
Nhận xét
Đăng nhận xét