Tuyên bố về luật đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân...
29-5-2018
Sự việc và nhận định
Tại kỳ họp thứ 5 diễn ra từ ngày 21/5/2018 đến ngày 15/6/2018, Quốc hội khóa XIV đang thảo luận đề án Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu). Theo dự luật này, ngoài các ưu đãi về thuế và chính sách dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, thời hạn cho thuê đất có thể được Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đến 99 năm.
Trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại của thời đại công nghệ thông tin và Internet, các đặc khu hành chính-kinh tế đã là mô hình lỗi thời trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, việc cho thuê đất 99 năm là vết tích từ những nền kinh tế của các nước thuộc địa thời tiền công nghiệp hóa ở thế kỷ trước, mà ngày nay chỉ vài nước còn áp dụng.
Theo luật đất đai được ban hành và sửa đổi qua các thời kỳ thu hút vốn đầu tư khác nhau, thời hạn cho thuê đất tối đa chỉ là 50 năm, tuy nhiên đối với những dự án đầu tư sản xuất đặc biệt quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, thời hạn thuê đất cũng không vượt quá 70 năm. Thời hạn như thế đã là quá dài nếu so sánh với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á và trên thế giới, cũng như quá dài đối với bất kỳ dự án sản xuất hoặc kinh doanh nào, huống chi 99 năm.
Thời hạn thuê đất 99 năm dấy lên mối lo ngại của công luận về an ninh quốc phòng, nhất là khi ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc chiếm diện tích tổng cộng hàng chục ngàn cây số vuông trên biển và đất liền, lại nằm gần những vị trí chiến lược về phòng thủ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc tiến hành chính sách gây hấn trên Biển Đông, chiếm giữ hải đảo và ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự áp sát bờ biển nước ta.
Yêu cầu
Trước việc những ý kiến phản biện về đề án Luật Đặc khu chỉ chiếm thiểu số trên diễn đàn Quốc hội, chúng tôi – các thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và cảm tình viên của Câu lạc bộ – đồng lòng yêu cầu Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội, và các vị Đại biểu Quốc hội, hãy vì quyền lợi quốc gia và tiền đồ của dân tộc, HOÃN và BÃI BỎ việc thảo luận và thông qua Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, với những lý do sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài kể từ khi chính sách đổi mới kinh tế được triển khai vào năm 1986. Nếu trong thời kỳ đầu tiên đó chúng ta còn chưa cần đến mô hình đặc khu hành chính-kinh tế với quá nhiều ưu đãi bất thường như thế, thì vì lý do nào ngày nay chúng ta lại cần đến một mô hình lỗi thời để thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa thời đại công nghệ thông tin và Internet toàn cầu hóa?
Thứ hai, việc cho thuê đất 99 năm hoàn toàn không cần thiết đối với bất kỳ dự án đầu tư kinh doanh hiệu quả nào. Trong hơn 30 năm áp dụng chính sách cho thuê đất tối đa 70 năm, chỉ vài dự án đủ điều kiện hưởng thời hạn thuê đất dài như vậy, nhưng chưa có dự án nào chứng minh sự cần thiết phải cần thời hạn thuê đất kéo dài hơn đến 99 năm. Do vậy, đề xuất kéo dài thời hạn cho thuê đất đến 99 năm rõ ràng thiếu cơ sở khoa học và thực tế.
Thứ ba, thời hạn thuê đất 99 năm thực sự đặt ra mối quan ngại về an ninh quốc phòng mà chúng ta không thể phớt lờ, vì nó hoàn toàn có thể bị lợi dụng để thực hiện các kế hoạch chiếm giữ những vị trí xung yếu về quân sự tại ba vùng đất và biển chiến lược ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhất là trước hiểm họa thôn tính biển đảo và đất liền thường trực của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay. Bài học người Trung Quốc mua đất đai hàng loạt với diện tích lớn ở Đà Nẵng vẫn còn nóng hổi tính thời sự, xét dưới góc độ và mưu toan mở rộng “biên giới mềm” mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang thực hiện.
Chúng tôi rất mong Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội đáp ứng nguyện vọng của toàn dân trong vấn đề hệ trọng này, để xứng đáng là một Quốc hội đại diện nhân dân, chứ không phải là con rối của bất kỳ thế lực nào.
Lập ngày 29 tháng 5 năm 2018
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
https://baotiengdan.com/2018/05/29/tuyen-bo-ve-luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-van-don-bac-van-phong-phu-quoc/
Nhận xét
Đăng nhận xét