VNCH không phải là ngụy quyền, không làm tay sai và không bán nước


Thảo Dân (Danlambao) – “Mặt trận ca” (ca khúc chính thức) của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, sau này trở thành “chính phủ ca” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có câu: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước…”
Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa luôn sử dụng những từ ngữ xấu xa nhất để gán cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Đó là “ngụy quyền”, “tay sai thực dân đế quốc”, “bán nước”.
Một số tác giả nước ngoài chống lại sự can dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam được trích dẫn quan điểm tương tự:
“Giáo sư Noam Chomsky, làm việc tại Học viện công nghệ Massachusetts(MIT) đã đánh giá về VNCH: “Chính phủ Nam Việt Nam đã trở thành nơi ẩn nấp của những người Việt Nam từng đi theo Pháp trong cuộc chiến đấu chống lại nền độc lập của đất nước họ. Chính phủ Nam Việt Nam không có cơ sở thành trì trong nhân dân. Nó đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị, trên thực tế nó là sự tiếp tục chế độ thuộc địa của Pháp”". (Trích “Cảnh giác những luận điệu thâm hiểm, xảo trá” của Thiên Hạ)
Ngay cả Lầu Năm Góc cũng nhận xét: “Không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam Việt Nam… Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ”.
Craig A. Lockard nhận xét rằng “trong sự khinh thường của những người Mỹ mà họ phục vụ, Việt Nam Cộng hòa chỉ là công cụ thực hiện việc phê chuẩn (?), nếu không phải là thường bị loại ra khỏi sự chỉ đạo của Mỹ(?). Việt Nam Cộng hòa hiếm khi đưa ra chính sách lớn, họ thậm chí còn không được tham khảo ý kiến về quyết định của Mỹ năm 1965 đưa một lực lượng lớn quân vào tham chiến trên bộ.” (Trích “Việt Nam Cộng hòa”, Wikipedia )
Sự thật thế nào? Có phải ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, là sự “sáng tạo của Hoa Kỳ”, là “bù nhìn”; nghĩa là do Hoa Kỳ dựng nên làm Tổng thống để sai bảo, làm hại dân hại nước, và tồi tệ hơn, để bán nước?
Đệ nhất Cộng hòa với Tổng thống Ngô Đình Diệm
Ông Ngô Đình Diệm là thượng thư Bộ Lại (tương đương Bộ Nội vụ) trong triều đình Quân chủ nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại, được bầu làm Tổng thư ký đứng đầu ủy ban cải cách hành chính. Ông đề xướng hai điểm cần tu chính với chính quyền bảo hộ Pháp: một là thống nhất Trung và Bắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884, buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ khâm sứ Trung Kỳ và thống sứ Bắc Kỳ, thu về thành một Viện Tổng trú sứ (résident général) ở Huế;  hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề kể cả chính trị, để canh tân lối cai trị. Vì các đề xướng không được chấp nhận, ông từ chức Thượng thư Bộ Lại ngày 12 tháng 7 năm 1933, chỉ sau 3 tháng nhậm chức. Ông Ngô Đình Diệm lên án Hoàng đế Bảo Đại “chẳng là gì mà chỉ là công cụ trong tay người Pháp”, và đã vứt bỏ các huân chương, chức tước được Bảo Đại trao. Sau đó người Pháp đã dọa bắt và lưu đày ông.
Ông Ngô Đình Diệm đã nổi cơn thịnh nộ vì ông Eugène Châtel, người vừa nhậm chức khâm sứ Trung Kỳ, đã cùng với Phạm Quỳnh, Tổng lý Ngự tiền văn phòng, muốn bãi bỏ quyền xử án của các hàng quan lại địa phương.
Ông Ngô Đình Diệm đẩy mạnh các hoạt động dân tộc chủ nghĩa qua việc gặp gỡ và giao lưu với các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu – một người bạn của ông, là nhà hoạt động chống thực dân mà ông kính trọng.
Ngoài ra ông Ngô Đình Diệm ngấm ngầm ủng hộ Hoàng thân Cường Để đang sống lưu vong tại Nhật nhằm thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp. Ông bị xem là quá khích giống như các ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam. Năm 1933, ông Diệm vào Sài Gòn cùng với các ông Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim… tổ chức phong trào của trí thức Nam và Trung Kỳ vận động chính giới Pháp tại Paris bãi nhiệm Pierre Pasquier – Toàn quyền Đông Dương. Việc không thành, ông bị Pasquier trục xuất khỏi Huế và chỉ định cư trú tại Quảng Bình. Tuy nhiên, sau cái chết của Pasquier năm 1934, viên toàn quyền mới Eugene René Robin đã bãi bỏ sự chỉ định của Pasquier. Ông Diệm vào Huế dạy tại trường Thiên Hựu (Providence) do anh ông là Ngô Đình Thục làm Giám học.
Thời kỳ 1942-1944, ông Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo tổ chức Đại Việt Phục hưng Hội, dựa Nhật chống Pháp. Tháng 7 năm 1944, mật thám Pháp phá vỡ tổ chức này và vây bắt ông ở phủ Cam.
Sau khi Bảo Đại thoái vị ngày 25 tháng 8 năm 1945, Mặt trận Việt Minh giành chính quyền, ông Ngô Đình Diệm cùng với một số người thân trong gia đình bị Việt Minh bắt ở Tuy Hoà, Phú Yên. Về sau ông Hoàng Quốc Việt thả và đưa ông ra Hà Nội theo chỉ thị của ông Hồ Chí Minh.
Gặp ông Hồ Chí Minh, ông Ngô Đình Diệm hỏi lý do giết anh và cháu của ông thì được ông Minh giải thích rằng đó một hành động tự phát của du kích địa phương do đất nước đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sau đó, ông Minh mời ông Diệm giữ chức thủ tướng vì cho rằng ông có tài lãnh đạo. Ông Diệm trả lời rằng ông chỉ đồng ý lời mời đó với điều kiện ông được Việt Minh thông báo về tất cả mọi hành động của họ. Ông Minh từ chối yêu cầu này. Do đó ông Diệm từ chối hợp tác với ông Minh.
Tháng 2 năm 1948, ông Ngô Đình Diệm và các lãnh đạo phe quốc gia gặp nhau tại Sài Gòn để thảo ra một kế hoạch đàm phán với Pháp cho nền độc lập của Việt Nam.
Khi cựu hoàng Bảo Đại sống lưu vong ở Hồng Kông điều đình với Pháp để ký hiệp định Pháp – Việt, ông Diệm sang Hồng Kông thuyết phục cựu vương kiên định trong “vấn đề độc lập dân tộc”. Ông cũng vận động các quan chức Pháp nhượng bộ thêm về chủ quyền của Việt Nam.
Sau khi cựu hoàng Bảo Đại ký hiệp định với Pháp ở Hạ Long theo đó Việt Nam được hưởng một nền độc lập hạn chế, ông Ngô Đình Diệm tỏ ra thất vọng. Ông từ chối lời mời làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam của ông Bảo Đại với lý do “không tin người Pháp, càng không tin vào nền độc lập nửa vời mà Pháp vẽ ra”
Ngày 16 tháng 6 năm 1949 ông Ngô Đình Diệm cho đăng một tuyên bố phủ nhận Hiệp ước Elysée, đòi quyền tự trị cho Việt Nam. Ðồng thời, ông cũng thông báo không có ý định hợp tác với Việt Minh và kêu gọi một phong trào chống thực dân mới, tuyên bố viễn kiến về một cuộc cách mạng xã hội: “Thứ đến, nên biết rằng cuộc tranh đấu hiện tại không phải chỉ là một cuộc chiến đấu cho độc lập Tổ quốc về phương diện chính trị mà thôi, mà còn là một cách mạng xã hội để đem lại độc lập cho nông dân và thợ thuyền Việt Nam”.  
Sau đó, ông Ngô Đình Diệm cùng anh là Giám mục Ngô Đình Thục và người em là Ngô Đình Nhu thành lập Đảng Xã hội Thiên Chúa giáo. Ông Diệm muốn áp đảo cả Pháp và Việt Minh.
Năm 1950, Việt Minh cố gắng giết ông trên đường ông đi thăm Giám mục Ngô Đình Thục tại Vĩnh Long. Ông theo ôngThục đi Vatican, rồi sau đó sang Nhật gặp hoàng thân Cường Để đang sống ở đấy.
Trong thời gian ở Nhật, ông Ngô Đình Diệm gặp tướng Douglas MacArthur chỉ huy quân Mỹ tại Nhật để thuyết phục Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, nhưng không được ủng hộ. Theo lời khuyên của ông Wesley Fishel, giáo sư chính trị Đại học Michigan, ông Diệm sang Hoa Kỳ để thuyết phục Tổng thống Mỹ Eisenhower ủng hộ Việt Nam độc lập nhưng cũng không thành công vì Mỹ đang bận tham chiến tại Triều Tiên và không muốn làm mất lòng người Pháp. Đây cũng là thời kỳ ông Ngô Đình Diệm gặp Hồng y Spellman, người đồng ý làm trung gian để ông có cơ hội diện kiến những nhân vật quan trọng trong chính giới Hoa Kỳ. Qua trung gian của Hồng y Spellman, ông Diệm đã gặp gỡ và tranh thủ được tình  cảm của dân biểu Walter H. Judd, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, nhất là Thượng nghị sĩ John F. Kennedy .
Nhờ sự giúp đỡ của ông Wesley Fishel, ông Ngô Đình Diệm làm cố vấn tại đại học Michigan. Ông và ông Fishel hợp tác soạn thảo một dự án trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam.
Năm 1952, ông Fishel viết thư gửi US Mutual Security Agency (Cơ quan An ninh Hỗ tương Hoa Kỳ) cho rằng Việt Nam cần sự giúp đỡ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như “khoa học cảnh sát”, “vấn đề ngoại thương” và “nghiên cứu về việc chọn theo các thể chế dân chủ”.
Các quan hệ cá nhân của ông Ngô Đình Diệm thiết lập được trong thời gian sống lưu vong giúp ông giành được sự ủng hộ chính thức của Hoa Kỳ.
Đầu năm 1954, trong khi Pháp đang gặp khó khăn tại Điện Biên Phủ, cựu vương Bảo Đại liên tục nhờ người chuyển lời tới ông Diệm đang ở Hoa Kỳ, yêu cầu ông trở về nước thành lập chính phủ mới. Ông Diệm tiếp tục từ chối các lời mời ấy với lý do không tin tưởng vào người Pháp.
Ngày 16 tháng 6 năm1954, Quốc trưởng Bảo Đại gặp ông Ngô Đình Diệm tại Pháp, tiếp tục thuyết phục ông Diệm. Ông đồng ý trở về nước làm Thủ tướng với điều kiện chính phủ do ông thành lập được toàn quyền về chính trị và quân sự. Ông Bảo Đại đồng ý với yêu cầu ấy.  Sau đó ông Diệm về nước, chính thức được bổ nhiệm làm thủ tướng.
Ngày 7 tháng 7 năm1954, ông Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới với nội các gồm 18 người.
(Trích “Ngô Đình Diệm”, Wikipedia)
Sau này cựu vương Bảo Đại viết trong hồi ký của mình:
“Từ những gì tôi biết về ông, tôi biết rằng ông Diệm là một người khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín và xu hướng thiên về Thiên Chúa của ông. Nhưng, trong hoàn cảnh hiện tại, không có một lựa chọn nào tốt hơn. Ông được người Mỹ biết đến, và họ đánh giá cao tính không khoan nhượng của ông. Trong mắt họ, ông là người xứng đáng với chức vụ đó nhất, và Washington sẽ không dè xẻn trong việc ủng hộ ông. Bởi vì quá khứ [của ông Diệm] và bởi vì sự hiện diện của người em ông ở vị trí hàng đầu của “Phong trào Công đoàn Quốc gia”, ông sẽ có được sự cộng tác của những người quốc gia thế lực nhất, những người đã hạ bệ ông Tâm và ông Bửu-Lộc. Cuối cùng, cũng vì tính không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông là người ta có thể trông cậy được trong việc chống lại chủ nghĩa cộng sản. Đúng, ông chính là người cần thiết cho hoàn cảnh như vậy.”
Các sử gia vẫn chưa tìm ra được một tài liệu hoặc bằng chứng nào cho thấy Hoa Kỳ đã bí mật đưa ông Ngô Đình Diệm vào chức vụ Thủ tướng năm 1954.
Cựu hoàng Bảo Đại kể lại chi tiết chuyện ông cho mời ông Ngô Đình Diệm:
“Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.” 

“Thưa hoàng thượng, không thể được ạ.Tôi xin trình ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…” 

“Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.” 

Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông Ngô Đình Diệm đáp:
 
“Thưa hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.”
 
Vua Bảo Đại cầm lấy tay ông Ngô Đình Diệm, kéo ông sang phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá.
 
Trước thánh giá nhà vua nói với ông Ngô Đình Diệm:
 
“Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.” 

Ông Ngô Đình Diệm đứng yên lặng một lúc lâu nhìn nhà vua, rồi nhìn lên Thánh giá, nói với giọng nghẹn ngào:
 
“Tôi xin thề.” …
 
“Sau Hội nghị Genève, tất cả mọi người đều xa lánh tôi. Người Anh, người Mỹ, người Pháp đều không biết đến tôi nữa. Không ai còn đến gặp tôi.
 
Chính là sau cuộc gặp gỡ này tôi đã trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm.”
( Trích “Con rồng Việt Nam”, hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại )
Sau khi ông Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ, Pháp và Hoa Kỳ có ý định truất phế ông.
Pháp không có thiện cảm với ông Ngô Đình Diệm. Ngoại trưởng Pháp Faure cho rằng Diệm “không chỉ không có khả năng mà còn bị tâm thần… Pháp không thể chấp nhận rủi ro với ông ta” (Trích “Chiến tranh VN” của Wikipedia)
Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower cử ông Joseph Lawton Collins thay thế ông Donald Heath làm đại sứ tại Việt Nam. Tướng Pháp Paul Ély thuyết phục J. Lawton Collins chống Diệm. J. Lawton Collins chỉ trích Diệm yếu kém và đề nghị Mỹ tìm cách thay thế Diệm.
Collins đề nghị ông Phan Huy Quát lên thay thế ông Diệm. Ngày 27/4/1955, Ngoại trưởng Mỹ Dulles gửi điện cho tướng Collins: “Tướng Collins và Ely phải thông báo cho ông Diệm biết rằng vì lý do ông không thành lập được một chính phủ liên hiệp có cơ sở rộng rãi và ông bị người Việt chống đối, chính phủ Hoa kỳ và Pháp không còn đủ tư thế để ngăn ngừa việc ông phải từ chức. Những đức tính yêu nước của ông vẫn có giá trị tiềm năng lớn đối với Việt Nam, và chúng ta hy vọng rằng ông sẽ hợp tác với bất kỳ chính phủ mới nào được chỉ định…”
Mật điện này lọt ra ngoài, Thủ tướng Diệm biết được nên đã ra lệnh tấn công Bình Xuyên trong lúc ông Collins còn đang trên đường về Sài gòn khiến Mỹ không thể hỗ trợ lực lượng nào tại Việt Nam gây sức ép buộc ông từ chức.
Cuộc chiến giữa quân đội dưới quyền tướng Nguyễn Văn Hinh, cảnh sát dưới quyền  Lại Văn Sang, quân đội các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo với quân đội trung thành với thủ tướng Ngô Đình Diệm diễn ra rất ác liệt.
Nhờ dẹp tan âm mưu duy trì ảnh hưởng của Pháp và lực lượng các giáo phái, và nhờ vận động sự  ủng hộ của chính giới Hoa Kỳ trước đó, cuối cùng  ông Ngô Đình Diệm mới được chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ:
Ngày 22 tháng10 năm 1960, Tổng thống Mỹ Eisenhower gửi thư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm “Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một tình huống nguy hiểm đến độ mà nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ quá là nhanh chóng…”
(Trích “Ngô Đình Diệm” của Wikipedia )
Các sự việc lịch sử kể trên cho thấy ông Ngô Đình Diệm không phải do Hoa Kỳ đào tạo và đưa về nước mà do chính cựu hoàng Bảo Đại chọn và đề cử.
Sau vụ đảo chánh hụt 11 tháng 11 năm 1960, và vụ bỏ bom dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2 năm 1962, đại sứ Mỹ Durbrow gây áp lực đòi ông Diệm cải tổ, nới rộng tự do dân chủ. Nhưng ông Diệm không phải loại người dễ bị khuất phục, càng áp lực, ông càng cứng rắn.
Ngày 19 tháng 1 năm 1961, trước ngày tuyên thệ nhậm chức, trong cuộc họp tại Bạch ốc, Tổng thống sắp mãn nhiệm Eisenhower nói với Tổng thống đắc cử Kennedy: “Hoa Kỳ đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập của Lào. Nếu Lào thất thủ, đó là một thảm cảnh lớn, và chẳng bao lâu sau sẽ đến lượt Nam VN, Căm Bốt, Thái Lan và Miến Điện bị sụp đổ. Đó là toàn thể kế hoạch của cộng sản tại Đông Nam Á, và cần phải chặn đứng tại Lào. Hoa Kỳ không thể để cho cộng sản tham dự bất cứ loại chính phủ liên hiệp nào ở Lào – đó sẽ là điều chí tử cho quyền lợi của Hoa Kỳ tại toàn thể Á châu nếu để điều này xẩy ra”.
Tổng thống Eisenhower còn nói rằng, nếu không được các nước đồng minh hợp tác để giữ Lào, thì Mỹ phải đơn phương bảo vệ Lào bằng mọi giá.
Vừa thất bại ở Cuba, chỉ cách Florida 100 dặm, ông Kennedy không dám đơn phương bảo vệ Lào- một nơi hẻo lánh, cách xa biển, và cách Mỹ nửa vòng địa cầu. Ông Kennedy đành theo đề nghị của ông Averell Harriman, chọn giải pháp trung lập cho Lào. Là Đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa thời Đệ nhị Thế chiến, khi Liên Xô là đồng minh của Hoa Kỳ, có lẽ ông Harriman nghĩ là có thể tin vào sự hợp tác của Liên Xô để bảo đảm nền trung lập của Lào. Ông Harriman tới Sài Gòn thuyết phục anh em ông Diệm chấp nhận thỏa hiệp ở Lào, nhưng đã bị phản đối kịch liệt.
Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị các tướng lãnh lật đổ, nhiều chánh khách Hoa kỳ không còn ủng hộ ông. Nhưng tướng John O’Daniel vẫn giử quan điểm về ông: “Diệm là một lãnh tụ vĩ đại nhất của Việt Nam, một vị anh hùng của dân tộc ông, và là một người cha của đất nước ông như Washington đã trở thành người cha của chúng ta”.
(Trích “Kỳ nhân gặp sát nhân” của Đinh Từ Thức)
Stanley Karnow, trong “Vietnam: A History” (New York : Viking, 1991), tr. 251 thì cho rằng
“(Ông Diệm) là một bù nhìn tự giật giây lấy và giật giây luôn cả chúng ta (Mỹ) nữa.”
Tóm lại:
- Ông Ngô Đình Diệm vốn là một quan lại trong triều đình Quân chủ Việt Nam, làm tới chức Thượng thư, trẻ tuổi, có tài, yêu nước. Ông đã tranh đấu với thực dân Pháp để mở rộng quyền cho triều đình, mở rộng sự tự do cho nhân dân Việt Nam. Vì tranh đấu thất bại nên ông từ chức.
- Ông Ngô Đình Diệm đã tích cực hoạt động chống Pháp và chống Việt Minh Cộng sản; từng bị Pháp và Việt Minh Cộng sản bắt.
- Ông Ngô Đình Diệm đã đến Hoa Kỳ để vận động sự giúp đỡ xây dựng thể chế dân chủ cho Việt Nam; ban đầu thất bại, sau thành công.
- Chính vua Bảo Đại đã đề cử ông đứng ra thành lập chính phủ chứ không phải Hoa Kỳ. Sau đó ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý, thành lập nền đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam. (Hoa kỳ chỉ  ủng hộ ông sau khi ông dẹp tan được lực lượng quân đội và cảnh sát thân Pháp cùng các giáo phái)
- Ông Ngô Đình Diệm đã có nhiều bất đồng với chính phủ Hoa Kỳ về dân chủ, cách tiến hành cuộc chiến chống Cộng sản.
Những hoạt động của ông Ngô Đình Diệm cùng những sự kiện xảy ra cho thấy ông không do Hoa Kỳ dựng lên và không  phải là tay sai của Hoa Kỳ như lời vu cáo của Cộng sản VN và những người ngoại quốc chống lại sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam..
Đệ nhị Cộng hòa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Hoa Kỳ không hề chọn ông Nguyễn Văn Thiệu làm lãnh đạo  Việt Nam Cộng Hòa
Năm 1963, khi quân đội làm đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu khi ấy là Đại tá Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, tham gia lực lượng đảo chính. Đảo chính thành công, ông được thăng Thiếu tướng Uỷ viên Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Đầu năm 1965 ông được thăng Trung tướng. Sau đó ông tham gia nội các Trần Văn Hương, rồi nội các Phan Huy Quát. Hội đồng tướng lĩnh đã bầu ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia.
(Trích “Việt Nam Cộng Hòa”, Wikipedia)
Ngày 3 tháng 9 năm 1965, cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến được tổ chức, 118 đại biểu thuộc nhiều thanh phần đắc cử.
Ngày 1 tháng 4 năm 1967, Quốc hội Lập hiến ban hành hiến pháp, thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa.
Trong cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống và Quốc hội diễn ra ngày 3 tháng 9 năm 1967 với 11 liên danh tranh cử trong đó có những ứng cử viên như chính trị gia kỳ cựu như Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương, liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với 35% số phiếu (Về nhì là liên danh của luật sư Trương Đình Dzu với 17%.)
Cuộc bầu cử ngày 3 tháng 10 năm 1971 liên danh Dương Văn Minh rút lui, ông Nguyễn Cao Kỳ từ chối ra tranh cử nên cuộc bầu cử chỉ có duy nhất một liên danh là Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương. Liên danh này đắc cử với 94% số phiếu.
Thành tích nổi bật nhất của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong những năm cầm quyền là sắc luật 003/60 “Người cày có ruộng”, ban hành tại Cần Thơ, là một trong những chương trình cải cách điền địa thành công nhất ở các nước đang phát triển. Chương trình này tạo ra một tầng lớp tiểu nông đông đảo, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nông dân hăng hái sản xuất, năng suất lao động trong sản xuất lúa gạo tăng, đời sống của nông dân được cải thiện. Tờ Washington Evening Star gọi đó là “Tin tức tốt đẹp nhất đến từ Việt Nam kể từ khi kết  thúc sự chiếm đóng của người Nhật”. Còn tờ New York Times cho rằng “Có lẽ đây là cuộc cải cách ruộng đất không cộng sản mang nhiều tham vọng và tiến bộ nhất của thế kỷ 20″.
Tổng thống Hoa Kỳ Johnson không thể sai bảo ông Nguyễn Văn Thiệu
Trong bài viết “Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hòa bình cho Việt Nam” của Công Chính đăng trên báo Thanh Niên ngày 3 tháng 1 năm 2017 với nội dung về ứng cử viên Nixon tìm cách phá hoại hòa đàm do TT Johnson chủ trương nhằm rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Bài báo cho biết cuối tháng 10 năm 1968 có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ chấp nhận tham gia vào các cuộc đàm phán ở Paris, mang lại cho TT Johnson cái cớ để ngưng ném bom và xúc tiến hòa đàm.
Ông Nixon lúc ấy là ứng cử viên của đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống lo sợ nếu Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận hòa đàm, cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Humphrey của đảng Dân  chủ. Vì thế ông Nixon tìm cách vận động Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chối tham gia đàm phán. Để làm điều ấy ông Nixon nhờ bà Anna Chennault, người gây quỹ của đảng Cộng hòa liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa.
Theo tờ The New York Times, ông Nixon còn tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan để nhờ ông này khuyên nhủ ông Nguyễn Văn Thiệu từ chối hòa đàm.
Bài báo viết ngay sau khi đưa ra tuyên bố ngưng ném bom vào ngày 31 tháng 10 năm 1968, TT Johnson được báo cáo rằng chính quyền Sài Gòn sẽ không tham gia đàm phán. Và kết quả sau đó ông Nixon đắc cử tổng thống.
Trong một cuộc trò chuyện sau đó với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Everett Dirksen, ông Johnson đã nguyền rủa Nixon: “Đây là tội phản quốc”. Các phụ tá của Johnson cũng hối thúc ông công khai “bàn tay vấy máu” của Nixon.”
Đọc loạt bài kể trên, người ta thấy điều gì?
Ông Johnson là đương kim Tổng thống Hoa Kỳ; nếu ông Nguyễn Văn Thiệu là tay sai của Hoa Kỳ, sao ông Johnson không “sai bảo” ông Thiệu làm theo theo ý ông ấy, buộc phải hòa đàm?
Bài báo “Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hòa bình cho Việt Nam” còn cho biết “đâu đó vẫn còn vài nhà nghiên cứu cho rằng nếu Nixon không chủ động can thiệp, thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn đơn phương rút khỏi hòa đàm”.
Thông tin này cho thấy Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu độc lập với Hoa Kỳ.
Dưới đây là các chứng cớ nữa cho thấy ông Thiệu không phải là tay sai của Hoa Kỳ:
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chống lại việc ký kết hiệp định Paris
Bài tường thuật cuộc phỏng vấn cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của ký giả của  tờ Tuần báo Đức Der Spiegel do nhà văn Phạm Thị Hoài dịch cho thấy sự cương quyết của TT Nguyễn Văn Thiệu chống lại dự thảo hiệp định Paris mà Hoa Kỳ muốn ông chấp thuận.
Nếu ông Nguyễn Văn Thiệu là tay sai của Hoa Kỳ, sao ông không ngoan ngoãn nghe lời “ông chủ”? Sao ông chống lại “ông chủ”?
Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hay ai đó (giáo sư, ký giả, học giả…) là người Việt Nam hay nước  ngoài cho rằng các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đều do Mỹ dựng lên, làm tay sai cho Mỹ có thể lập luận rằng “nhưng cuối cùng ông Thiệu cũng vẫn phải ký hiệp định Paris, chứng tỏ ông vẫn phải nghe lời Mỹ, do đó ông vẫn cứ là tay sai”?
Lập luận ấy không có sức thuyết phục. Tuy chống lại dự thảo hiệp định, cuối cùng Tổng thống Thiệu vẫn phải ký vì 2 lý do: Hoa Kỳ tỏ rõ thái độ sẽ cắt toàn bộ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa nếu Tổng thống Thiệu vẫn cương quyết giử lập trường không ký; thứ hai, Tổng thống Thiệu tin vào lời hứa của Tổng thống Nixon sẽ sử dụng vũ lực can thiệp nếu Cộng sản Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Có người dựa vào diễn văn cuối cùng của ông Thiệu rằng Hoa Kỳ còn viện trợ thì còn chống lại Cộng sản, viện trợ nhiều thì khả năng kháng cự cao, viện trợ ít thì khả năng kháng cự ít để cho rằng ông Thiệu là tay sai của Mỹ. Đây là lập luận “cãi lấy có, cố vơ phần thắng về mình”. Qua văn phong, ngữ điệu của ông Thiệu, ai cũng thấy được sự hằn học, “chửi” Mỹ đã phản bội Việt Nam Cộng Hòa. Câu nói trên của ông chỉ nêu lên thực tế không thể phủ nhận rằng không có viện trợ của Hoa Kỳ ông không thể chống lại Cộng sản.
Tình rạng thực tế không có viện trợ của Hoa Kỳ chính thể miền Nam không thể tồn tại không hề chứng minh các nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa là do Mỹ dựng lên, làm tay sai cho Mỹ như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vu cáo, như phát biểu đầy cảm tính của các giáo sư, nhà báo Mỹ và những người “phản chiến”.
Tình trạng bi đát ấy chỉ cho thấy rằng các chính phủ miền Nam không tự lực tự cường, ỷ lại vào viện trợ của Hoa Kỳ.
Thực ra, cho rằng “Việt Nam Cộng Hòa không thể tồn tại nếu không có viện trợ Mỹ” là một phát biểu mập mờ với tâm ý xấu. Người trung thực và lương thiện sẽ phát biểu: “Không có viện trợ Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa khó mà tồn tại trước sự tấn công ác liệt của Cộng sản miền Bắc”.
Còn những lời chửi rủa của Tổng thống Nixon, của cố vấn an ninh quốc gia Kissinger?
Có lẽ Cộng sản Việt Nam và những người ủng hộ họ lấy đó làm bằng chứng để cho rằng Việt Nam Cộng Hòa do Mỹ dựng lên?
Thật nực cười khi nghĩ như vậy. Không phải lời phát biểu nào của các nhà lãnh đạo Pháp, Hoa kỳ cũng nghiêm túc, thí dụ Đại sứ Pháp có lần tuyên bố “Ngô Đình Diệm là người  tâm thần”
Ý thức bình đẳng với Tổng thống  Nixon của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Lòng yêu nước và ý thức độc lập, bình đẳng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đối với Tổng thống Nixon thể hiện trong trích đoạn dưới đây từ bài tường thuật cuộc trả lời phỏng vấn của tờ tuần báo Đức Der Spiegel tháng 12 năm 1979.
Spiegel: Kissinger đưa ra bình luận một cách chua cay trong cuốn sách của mình về nhiều chính trị gia lớn. Nhưng ông ta có vẻ giành nhiều sự miệt thị đối với ông. Mặc dù ông ta ngưỡng mộ sự “thông minh”, “lòng dũng cảm” và “nền tảng văn hoá” của ông. Ông ta chăm chú đến “sự điều hành tàn bạo”, “xấc láo”, “sự ích kỷ độc ác” và “thủ đoạn gần như điên cuồng” của ông khi làm việc với người Mỹ. Ông nói gì về những gán ghép này trong hồi ký của Kissinger?
Ông Thiệu: Tốt hơn là tôi không trả lời. Tôi thà không nói gì về ông ta. Ông ấy có thể nghĩ bất cứ điều gì ông ta thích về tôi, tốt hoặc xấu. Tôi thích nói về những gì đã thật sự xảy ra giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam hơn.
Spiegel: Phải chăng ông đã đem đến cho ông ta một lý do nào đó để viết về ông theo một cách coi thường như thế này?
Ông Thiệu: Có thể ông ta ngạc nhiên vì phải làm việc với một người quá thông minh và tài giỏi. Cũng có thể có vài điều phải làm với tính phức cảm tự tôn của một người quá tự phụ. Có thể ông ta không thể tin rằng một người đối thoại Việt Nam lại bình đẳng với một người tự cho rằng mình rất quan trọng.
Để tôi kể anh nghe một chuyện khác, tôi cảm thấy thật buồn cười tại đảo Midway vì tôi không thể nào tưởng tượng nổi những người như thế lại cực kỳ đê tiện. Trong dịp đó, ông Nixon, ông Kissinger, phụ tá của tôi và tôi họp tại nhà của một sỹ quan hải quân Mỹ. Có ba cái ghế thấp và một cái cao hơn. Ông Nixon đã ngồi ở ghế cao hơn.
Spiegel: Giống như phim “Nhà độc tài vĩ đại”của Chaplin? Trong đó, Hitler đã ngồi ở một cái ghế cao để ông ta có thể nhìn xuống Mussolini đang ngồi tại nghế thấp hơn.
Ông Thiệu: Nhưng tôi đã tìm một cái ghế khác cao ngang bằng cho tôi trong giờ nghỉ để cùng cấp với Nixon. Sau cuộc họp Midway, tôi nghe từ vài người bạn Mỹ của tôi rằng Kissinger không bao giờ trông đợi Tổng thống Thiệu trở thành một người như ông ta.
Cũng trong cuộc phỏng vấn ấy, ông Nguyễn Văn Thiệu đã nói lên rằng Việt Nam Cộng Hòa không phải là tay sai của Hoa Kỳ:
Spiegel: Kinssinger phàn nàn trong cuốn sách của mình rằng ông đã đối đãi với ông ta thật tệ hại trong cách cư xử cá nhân của mình, rằng ông đã bỏ cuộc hẹn lướt ván, Nixon thậm chí còn nói thêm, theo Kissinger, ông ta nói ông là “một thằng chó đẻ” (*) và nói: “tàn bạo là bình thường,… sẽ không bao giờ được nhìn thấy, nếu… không đi cùng”.
Ông Thiệu: Xin lỗi nhưng tôi không có gì để nói về điều đó. Tôi được giáo dục đầy đủ và tôi từ chối trả lời những lời bình phẩm mất lịch sự và khiếm nhã như vậy.
Nếu tôi không tiếp đãi Tiến sĩ Kissinger và Đại sứ Bunker, đó đơn giản là vì chúng tôi chưa đạt đến một điểm để có thể tiếp tục thảo luận với họ. Họ mất 4 năm vậy tại sao buộc tôi phải trả lời trong một giờ. Nếu người Mỹ có thể bỏ ra thời gian thì tại sao tôi lại không thể? Chúng tôi có thể phù hợp với họ nếu chúng tôi là những người ba phải, cái gì cũng đồng ý (chỉ biết vâng dạ). Nhưng tôi không phải là một người ba phải và người miền nam không phải là một quốc gia của những người ba phải, Quốc hội chúng tôi không phải là một Quốc hội của những người ba phải. Tôi phải bàn bạc với họ.
Spiegel: Tiến sĩ Kissinger viết rằng thái độ của ông đối với ông ta về cơ bản được xác định là “căm thù một cách độc địa”
Ông Thiệu: Không. Tôi chỉ bảo vệ lợi ích của đất nước tôi. Chắc chắn là có những cuộc tranh luận nảy lửa nhưng thái độ của tôi luôn luôn kiềm chế bởi động cơ yêu nước.
Tại sao quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào miền Nam mà không cần ký hiệp ước với Việt Nam Cộng Hòa?
Theo tuyên bố của chính phủ Mỹ, Việt Nam Cộng hòa bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công quân sự là trái với Hiệp định Genève, và chính phủ Mỹ tuyên bố lý do việc quân đội Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam là để bảo vệ Việt Nam Cộng hòa theo những điều khoản của Hiệp ước SEATO do Việt Nam Cộng hòa được đặt dưới sự bảo hộ quân sự của SEATO. (Tổng thống Mỹ có quyền đưa quân trợ giúp Việt Nam Cộng hòa theo quy định của Hiến pháp Mỹ và theo Hiệp ước SEATO đã được Thượng viện Mỹ chấp thuận. Hơn nữa Quốc hội Mỹ đã ban hành nghị quyết ngày 10 tháng 8 năm1964 cho phép quân đội Mỹ được hoạt động tại Việt Nam và ủng hộ những hành động của Tổng thống Mỹ đối với Việt Nam. Chính vì thế Tổng thống Mỹ có quyền điều quân đến Việt Nam mà không cần tuyên bố chiến tranh của Quốc hội Mỹ.)
(Trích “Chiến tranh Việt Nam” của Wikipedia)
Tại sao Hoa Kỳ nắm quyền điều khiển cuộc chiến?
Các tướng lĩnh Mỹ nắm quyền trên chiến trường chống lại quân Cộng sản là chuyện khó tránh nếu không muốn nói là đương nhiên, vì Hoa Kỳ đổ quân tham gia vào cuộc chiến. Họ không giao sinh mạng binh sĩ họ cho người Việt Nam. (Cũng nên biết là hiện nay, tướng lĩnh Mỹ cũng nắm quyền chỉ huy liên quân Mỹ Hàn và dân Hàn Quốc cũng muốn vậy)
Đảng và nhà nước Cộng sản miền Bắc vu cáo lính Việt Nam Cộng Hòa đánh thuê cho Mỹ  dựa vào lính miền Nam mặc quân phục Mỹ, sử dụng súng Mỹ, “được Mỹ trả lương” là không đúng. Lính đánh thuê được người thuê tuyển mộ để thực hiện nhiệm vụ do người thuê đặt ra. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa là quân đội của chính phủ và nhân dân miền Nam, có mục đích bảo vệ lãnh thổ chống lại mọi cuộc xâm lược. Quân đội này chống lại quân Cộng sản xâm nhập từ nhà nước Cộng sản miền Bắc (Điều này phù hợp với lập trường chống lại chủ nghĩa Cộng sản của Hoa Kỳ nên Hoa Kỳ viện trợ). Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chống lại quân Trung Cộng đánh chiếm đảo Hoàng Sa (Điều này không phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ nên Hoa Kỳ không yểm trợ). Vả lại sự lệ thuộc trong lãnh vực quân sự của miền Nam với Hoa Kỳ cũng tương tự sự lệ thuộc của Cộng sản miền Bắc với Liên Xô, Trung Cộng: bộ đội Cộng sản Bắc Việt cũng đội nón cối do Trung quốc sản xuất, cầm súng của Liên Xô, được 2 nước ấy trả lương qua viện trợ.
Dựa vào một vài phát biểu của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói về lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa , nước Việt Nam Cộng Hòa trong một vài tình huống đặc biệt như  “đồ chó đẻ”, “kẻ tâm thần”, “con đẻ”, “sự sáng tạo của Hoa kỳ” để cho rằng Việt Nam Cộng Hòa do Hoa Kỳ dựng lên, lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa là tay sai thì thật là nực cười. Mọi người đều biết những phát biểu ấy chỉ thể hiện tâm lý tự phụ của nước lớn, bộc lộ sự bực bội nhất thời.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã từng gọi Thủ tướng Canada Pierre E. Trudeau là “lỗ đít” (“an asshole”), “thằng chó đẻ” (son of a bitch), “đồ trí thức tự cao” (pompous egg-head)
(Trích “Nixon tapes include testy Trudeau chat”, Lee-Anne Goodman, The Canadian Press, Published on Mon Dec 08 2008).
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia trong tài liệu “Ngô Đình Diệm” viết:
Pháp không có thiện cảm với Ngô Đình Diệm, Ngoại trưởng Pháp Faure cho rằng Diệm “không chỉ không có khả năng mà còn bị tâm thần… Pháp không thể chấp nhận rủi ro với ông ta”
Nhận định quan điểm của giáo sư Mỹ Noam Chomsky, của “Lầu Năm Góc”, của Craig A. Lockard
Về quan điểm của giáo sư Mỹ Noam Chomsky.
Chúng ta biết chính thể Việt Nam Cộng Hòa là hậu thân của “Đế quốc Việt Nam” (chính phủ Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng, không có quân đội). Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được ông Ngô Đình Diệm thành lập, ban đầu rất yếu, trong đó một số cấp chỉ huy đã từng phục vụ trong quân đội Pháp; tuy nhiên họ không còn phục vụ cho Pháp vì quân Pháp đã rút khỏi Việt nam (Trừ tướng Nguyễn Văn Hinh, tướng Nguyễn Văn Vỹ – các vị tướng này đã chống lại ông Ngô Đình Diệm, cuối cùng bị quân đội ủng hộ ông Ngô Đình Diệm đánh bại). Vài sĩ quan cấp thấp hơn được  lưu dụng vì tinh thần phục vụ đất nước. Hầu hết quân nhân trong quân đội VNCH do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyển mộ.
Điều đáng lưu ý là trong chuyến thăm Pháp tháng 4 năm 1946, ông Hồ Chí Minh có nêu lên lập trường của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong đó “Về quan hệ quân sự: Việt Nam có quân đội của mình. Những nhà chuyên môn Pháp sẽ giúp đỡ để phát triển và huấn luyện quân đội Việt Nam”.
Đồng ý cho thực dân Pháp giúp đỡ để phát triển và huấn luyện quân đội Việt Nam trong khi chửi Việt Nam Cộng Hòa nhờ Hoa kỳ giúp đỡ để phát triển và huấn luyện quân đội có phải là mâu thuẫn?
Về quan điểm “Chính phủ Nam Việt Nam không có cơ sở thành trì trong nhân dân”: 
Ông Noam Chomsky đã phớt lờ sự thật hầu hết dân thành thị đều theo Việt Nam Cộng Hòa. Ở nông thôn, khi chiến tranh xảy ra, dân chạy về phía Việt Nam Cộng Hòa. Nếu sự thật như ông Noam Chomsky viết, năm 1968 quân Cộng sản mở cuộc “tổng tiến công, tổng nổi dậy” vào 42 tỉnh thành miền Nam, dân chúng nổi dậy đứng về phía quân Cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ từ lúc ấy. Cũng có người giải thích dân chạy về phía VNCH vì sợ rằng nếu ở lại vùng quân CS chiếm đóng, chiến tranh lại bùng nổ khi quân VNCH tái chiếm. Lập luận ấy có vẻ có lý; tuy nhiên, nếu dân ủng hộ chế độ CS, tại sao khi quân CS toàn thắng năm 1975, dân đã ồ ạt bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy?
Về quan điểm VNCH “đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị”: 
Đây là lời hồ đồ. Không hề có một chứng cứ nào chính phủ VNCH áp đặt sư cao, thuế nặng, vơ vét của cải của dân. Ngược lại, trừ vùng chiến sự, cuộc sống dân chúng tương đối sung túc, lương một người đi làm có thể nuôi đủ gia đình.
Về kết luận của ôngNoam Chomsky, rằng “trên thực tế nó là sự tiếp tục chế độ thuộc địa của Pháp”:
Rõ ràng đây là lời vu khống. Sự thật cho thấy ông Ngô Đình Diệm là người chống Pháp từ trước khi xây dựng nền Đệ nhất Cộng hòa, và ông đã dẹp tan lực lượng thân Pháp, rút Việt Nam Cộng Hòa khỏi khối Liên hiệp Pháp, buộc binh sĩ Pháp rời khỏi miền Nam.
Với quan điểm được trích dưới danh nghĩa “Lầu năm góc”:
Nhờ sự trợ giúp của Hoa Kỳ Việt Nam Cộng Hòa mới đứng vững trước sự tấn công của quân Cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đó là sự thật. Nhưng cho rằng “Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ” là hàm hồ, sai sự thật. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa do những người quốc gia không Cộng sản xây dựng nên.
Về phát biểu của Craig A. Lockard
Trong quan hệ với Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ thường làm áp lực để các chính phủ miền Nam mở rộng dân chủ. Ông Ngô Đình Diệm chống lại áp lực ấy, và cả các chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ, (như việc trung lập Lào, đổ quân Mỹ tham chiến). Chính sách lớn là Ấp chiến lược rất hiệu quả (bị Hoa Kỳ cho rằng hạn chế dân chủ, nhân quyền; khi chính phủ Ngô Đình Diệm lật đổ, chính sách này bị bãi bỏ)
Năm 1965 Hoa Kỳ (và sau đó các nước đồng minh)  mang quân tham chiến mà không cần tham khảo ý kiến của Việt Nam Cộng Hòa là dựa trên hiệp ước Seato theo đó Việt Nam Cộng Hòa đương nhiên được bảo vệ.
Những tác giả đứng về phía Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ.
Wikipedia đã không khách quan khi không hề trích dẫn quan điểm của những tác giả đứng về phía Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Dưới đây là một vài ý của họ:
Edward Miller, trong tác phẩm “Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam” (Cambridge: Harvard University Press, 2013) cho rằng “hầu hết các cứ liệu cho rằng Diệm được sự hỗ trợ của cộng đồng Thiên chúa giáo Hoa Kỳ, đứng đầu là hồng y Francis Spellman, hay bởi sự vận động bí mật của CIA, sự ủng hộ của các quan chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ như John Foster Dulles… là thiếu thuyết phục vì không có chứng cứ xác đáng.
 
Miller thấy rằng những tài liệu giải mật của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chỉ nói lên được một hiểu biết mơ hồ về Diệm cho đến tháng 5/1954. Theo Miller, Bảo Đại quyết định chọn Diệm vào chức vụ Thủ tướng là bởi ông hoàng này công nhận rằng Diệm “là một người tốt nhất cho công việc, bởi vì sự không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông ấy có đủ năng lực để chống lại chủ nghĩa cộng sản… Ông ấy thực sự là một người rất thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.”
 
Diệm đã chứng minh lời của quốc trưởng nhận xét về năng lực của mình là không sai. Trong thời kỳ hậu hiệp định Geneva, phớt lờ chiến lược hòa giải và cải tổ của Hoa Kỳ, Diệm đã trấn áp và dẹp tan những đối thủ chính trị của Diệm mà không có bất kỳ một sự thỏa hiệp nào để kiểm soát thành công quân đội quốc gia, giành lấy quyền lực từ những viên tướng thân Pháp, thực hiện chương trình kiến quốc của ông.
 
Diệm thực sự là một trong những nhân vật xuất chúng và năng động nhất trong số các nhà chính trị ở Đông Dương”.
Miller cũng nêu lên Tổng thống Ngô Đình Diệm bất đồng với Mỹ về chương trình xây dựng nông thôn, về lực lượng Bảo an, ấp chiến lược, về dân chủ, và cuối cùng “Diệm muốn Mỹ viện trợ vũ khí và các nguyên vật liệu khác nhưng không chấp nhận sự việc các cố vấn Mỹ can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam”.
GS Keith Weller Taylor, trong bài viết “How I Began To Teach About The Vietnam War” cho rằng Hoa Kỳ lật đổ ông Ngô Đình Diệm chứng tỏ ông không phải là tay sai.
“…Về chính phủ Ngô Đình Diệm, quan điểm phổ thông được lưu truyền rằng ông ta bất tài và là tay sai của Mỹ. Quan điểm đó ngày càng khó đứng vững…
 
Hoa Kỳ ủng hộ việc đảo chánh ông Diệm chính vì ông không là tay sai và đã chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong chính phủ của ông… Mãi tới gần đây người ta mới bắt đầu nghiêm túc thẩm định lại trường hợp Ngô Đình Diệm và nhận ra là ông biết hơn hẳn mấy ông cố vấn Mỹ đầy thiện chí mà lầm lạc là phải làm gì cho sự tồn vong của quốc gia còn quá non trẻ của ông…”
Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Hồ Chí Minh cũng đã xác nhận rằng nhà lãnh đạo miền Nam khi ấy là “một người yêu nước theo cách của ông ta” và “với cá tính độc lập, Ngô Ðình Diệm rất khó hợp tác với Mỹ vì Mỹ muốn kiểm soát mọi chuyện.”
(Lời kể lại của Ramchundur Goburdhun, Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Ðình chiến, được Ellen J. Hammer dẫn trong A Death in November (New York: E.P. Dutton, 1987), tr. 222. )
Tướng John O’Daniel  phát biểu về Tổng thống Ngô Đình Diệm: “Diệm là một lãnh tụ vĩ đại nhất của VN, “một vị anh hùng của dân tộc ông”, và là “một người cha của đất nước ông, như Washington đã trở thành người cha cua chúng ta”.
Stanley Karnow, trong “Vietnam: A History” (New York : Viking, 1991), tr. 251. thì cho rằng
 “(Ông Diệm) là một bù nhìn tự giật giây lấy và giật giây luôn cả chúng ta (Mỹ) nữa.”
Kết luận
Ông Ngô Đình Diệm là một người có tài và yêu nước, đã hết lòng tranh đấu cho độc lập của Việt Nam. Hoa Kỳ không hề đưa ông lên vị trí lãnh đạo mà chính cựu hoàng Bảo Đại chỉ định làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam ngày 7 tháng 7 năm 1954.
Ông làm Tổng thống sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 10 năm 1955, là người thành lập nền – Cộng – hòa – thực – sự đầu tiên của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống sau khi liên danh giữa ông và ông Nguyễn Cao Kỳ thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống và Quốc hội diễn ra ngày 3 tháng 9 năm 1967 và tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 10 năm 1971. Ông đã lèo lái đất nước trong những năm chiến tranh ác liệt chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa Cộng sản do nhà nước miền Bắc phát động.
Trong hoàn cảnh phải chống trả trước sức tấn công mãnh liệt của nhà nước Cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dù không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu vẫn cương quyết đánh quân Trung Cộng khi họ chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974.
Cả hai chính phủ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa đều là chính phủ hợp pháp, chính danh, không hề nghe theo Hoa Kỳ làm điều gì có hại cho đất nước, không nhượng đất, không bán rẻ tài nguyên quốc gia cho ngoại bang.
Đảng Cộng sản Việt Nam và người ủng hộ họ cho rằng “không có viện trợ Mỹ, miền Nam không thể tồn tại” ; nói thế chỉ là một nửa sự thật. Đầy đủ sự thật là “Không có viện trợ Mỹ, miền Nam không thể tồn tại vì không có vũ khí để tự vệ trong khi bị miền Bắc tấn công”
Không có viện trợ Liên Xô, Trung Cộng miền Bắc không thể đánh miền Nam và miền Nam khi ấy tồn tại mà không cần viện trợ Mỹ; hơn thế nữa, còn thịnh vượng hơn cả miền Bắc vì miền Nam có vựa lúa lớn nhất nước, có mỏ dầu ngoài khơi, có nền kinh tế thị trường.
Các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không phải là ngụy quyền, không làm tay sai cho Hoa Kỳ, không bán nước. Đảng , nhà nước Cộng sản Việt Nam đã vu cáo như thế để che đậy âm mưu xâm chiếm miền Nam hòng áp đặt chủ nghĩa Cộng sản lên cả nước.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?