Chỉ vì thành tích là ‘hết sức quan trọng’
Trân Văn
30-11-2018
Mười ngày sau khi xảy ra chuyện một giáo viên ở Quảng Bình buộc các học sinh của mình tát đồng môn, ông Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, chính thức khẳng định, hành động đó phản giáo dục, vi phạm pháp luật và cam kết sẽ xử lý nghiêm minh.
Chuyện ở Quảng Bình không phải là scandal đầu tiên liên quan tới giáo dục – đào tạo. Trước nay, gần như tất cả những scandal liên quan tới giáo dục – đào tạo đều xuất phát từ áp lực về thành tích đối với cả cá nhân (giáo viên, viên chức giáo dục – đào tạo) lẫn tập thể (trường, các cơ quan quản lý giáo dục từ địa phương tới trung ương) và xa hơn nữa.
Giống như các ngành khác, giáo dục – đào tạo cũng bị thành tích chi phối từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Tuy nhiên thành tích dù trở thành chứng bệnh trầm kha vẫn không phải là lõi. Chỉ trích, lên án “bệnh thành tích” là thấy cây mà không thấy rừng vì chỉ trị chứng mà không triệt căn.
Khi thành tích trở thành chỉ tiêu, yếu tố quyết định sự thành – bại, thậm chí sống còn trong sự nghiệp của một cá nhân, ví dụ như giáo viên, học sinh tất nhiên trở thành công cụ để giáo viên sử dụng sao cho có lợi nhất đối với mình. Chuyện buộc học sinh tát bạn cùng lớp, chẳng phải chỉ xảy ra ở Quảng Bình.
Xét cho đến cùng những quyết định, lối hành xử kiểu đó là vì lợi ích của chính giáo viên dưới áp lực phân loại – xếp hạng dựa trên thành tích của tập thể mà giáo viên phải chịu trách nhiệm. Tương tự, một hiệu trưởng xin đừng làm lớn chuyện không phải vì lợi ích toàn trường dưới góc độ sư phạm mà vì quản lý – điều hành, nâng một trường từ bình thường thành trường đạt “chuẩn quốc gia” sẽ mở ra nhiều con đường khác cho chính hiệu trưởng bước tới.
Thực trạng giáo dục – đào tạo như hiện nay là vì học sinh, giáo viên, ngay cả viên chức giáo dục – đào tạo cũng là công cụ để tạo ra các thành tích từ thấp đến cao cho những viên chức cấp cao hơn. Công trạng cá nhân quyết định thành tích tập thể, thành tích tập thể đồng nghĩa với công trạng cá nhân lãnh đạo và cứ thế hướng lên tới đỉnh. Chẳng riêng giáo dục – đào tạo, tất cả các lĩnh vực khác đều được quản lý – điều hành theo kiểu như thế.
Ví dụ về kinh tế. Bất kể các chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam nhiều lần khuyến cáo, tăng trưởng chỉ có ý nghĩa khi sự phát triển của một quốc gia thật sự bền vững, dân chúng có thể dựa vào các thành tựu kinh tế để mưu cầu hạnh phúc cho mình, cũng vì vậy đừng chạy theo tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa – diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định). Có chuyên gia như Lorenzo Fioramonti – Giáo sư về Kinh tế Chính trị ở Nam Phi, đưa ra hàng loạt ví dụ nhằm giúp loại bỏ những ngộ nhận về tăng trưởng GDP, chẳng hạn: Nếu mọi người khỏe mạnh thì số liệu tăng trưởng kinh tế không thay đổi, song nếu tất cả đổ bệnh thì GDP sẽ tăng nhờ chi tiêu cho thuốc men, bệnh viện. Nếu đốn toàn bộ cây cối để bán thì GDP sẽ tăng vọt nhưng giữ – chăm sóc cây cối thì không…
Tuy nhiên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, vẫn đổ tiền vào những công trình vô bổ như quảng trường, tượng đài để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đã định. Thậm chí hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam còn tuyên bố: Nếu tăng trưởng GDP thấp thì đó là một cái tát vào mặt chính phủ! Để giữ thể diện cho cả chính phủ lẫn mình, ông Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào việc tính toán GDP, cho dù lối tính toán đó vô giá trị và dễ làm Việt Nam lạc hướng.
Tại sao tại Việt Nam, chỉ tiêu, thành tích, trở thành hết sức quan trọng?
Chỉ có một lý do, thành tích bất kể thật – giả là tiêu chí duy nhất để xem xét, lựa chọn, cất nhắc, kể cả khoan thứ một cá nhân, cho nên Trịnh Xuân Thanh mới thăng tiến như diều gặp gió sau khi được công nhận là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới hồi 2011, lúc làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”) chỉ bị phạt 12 năm tù nhờ có Huân chương Lao động, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Tuy là phạm nhân, Phan Văn Vĩnh vẫn được hệ thống bảo vệ pháp luật biệt đãi nhờ là Anh hùng Lực lượng vũ trang,…
Cuối cùng, khối thành tích của các cá nhân như thế, các tập thể như thế từ thấp đến cao và sự trung thành, vâng phục tuyệt đối của những cá nhân, tập thể này với đảng CSVN trở thành bằng chứng chứng minh sự tài tình, sáng suốt của tổ chức này vẫn còn đủ để tiếp tục lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Đó là lý do, dẫu ai cũng thấy lĩnh vực giáo dục Việt Nam đã cũng như đang thế nào, công chúng thất vọng ra sao nhưng ngày 3 tháng 11 vừa qua, tại buổi gặp đại diện ngành giáo dục – đào tạo và những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện của niên khóa trước, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thản nhiên tuyên bố: Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay!
***
Dưới lá cờ vẻ vang của đảng CSVN, con người chỉ là công cụ, phẩm giá là thứ xa xỉ, không cần thiết nên trẻ con không cần phải có cả ý thức tự trọng lẫn sự tôn trọng phẩm giá của người khác thành ra dễ dàng chấp nhận chuyện bị người khác lăng mạ và không bận tâm khi được lệnh thi nhau làm nhục đồng loại.
Scandal 231 cái tát ở Quảng Bình làm nhiều người phẫn nộ như đã từng phẫn nộ nhưng có bao nhiêu người phẫn nộ khi chứng kiến người khác bị hành hung giữa thanh thiên, bạch nhật, công an không can thiệp, không muốn tiếp nhận vì ảnh hưởng đến thành tích bảo vệ trật tự, trị an? Bao nhiêu người đòi nghiêm trị – chấm dứt tình trạng công an đối xử với công dân như súc vật, thậm chí không cho những cô gái mại dâm mặc quần áo để chụp ảnh – khoe thành tích? Bao nhiêu người dị ứng khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn xem nhân phẩm như đồ vật, có thể dùng các biện pháp phi nhân để…. “phục hồi”?
Một quốc gia mà phẩm giá không được tôn trọng, các quyền căn bản – vốn được xem như tất nhiên của một con người vẫn là thứ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thì chắc chắn ở quốc gia đó không có gì quý.
Nhận xét
Đăng nhận xét