Chứng khoán Mỹ tăng “rực rỡ” sau phát biểu của Chủ tịch FED
VNEconomy
S&P 500 và Dow Jones có phiên tăng mạnh nhất 8 tháng, trong khi Nasdaq tăng mạnh nhất hơn 1 tháng...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã giúp thị trường chứng khoán nước này có một phiên tăng điểm mạnh vào ngày thứ Tư, khi ông nói rằng lãi suất cơ bản đồng USD đã đạt gần mức "trung tính".
Tuyên bố này của ông Powell được xem là một tín hiệu cho thấy chu kỳ nâng lãi suất kéo dài 3 năm của FED sắp đi đến hồi kết.
Theo tin từ Reuters, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones có phiên tăng mạnh nhất 8 tháng, trong khi chỉ số Nasdaq tăng mạnh nhất hơn 1 tháng.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, ông Powell nói "có nhiều điều đáng mừng" về triển vọng kinh tế Mỹ, nhưng "tiến độ nâng lãi suất từ tốn của chúng tôi là một sự thực thi nhằm cân bằng các yếu tố tác động lên tăng trưởng".
Trước đó cùng ngày, trong bản báo cáo ổn định tài chính đầu tiên mà FED từng công bố, ngân hàng trung ương này cảnh báo rằng căng thẳng thương mại, Brexit và biến động tại các thị trường mới nổi có thể gây chấn động hệ thống tài chính Mỹ - nơi giá tài sản đã bị "đẩy lên cao".
"Ông Powell đang thừa nhận rằng ông ấy đã tiến gần đến mức lãi suất trung tính. Điều này có nghĩa là sẽ không còn nhiều đợt nâng lãi suất trong tương lai như nhà đầu tư dự báo trước đó", Giám đốc đầu tư Jack Ablin thuộc Cresset Wealth Advisors nhận định. "Đây chắc chắn là một sự thay đổi ngôn ngữ và là một tin tốt đối với giới đầu tư".
Lãi suất "trung tính" là mức lãi suất không gây áp lực suy giảm lên tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không có không tác dụng hỗ trợ tăng trưởng.
Bộ Thương mại Mỹ ngày thứ Tư công bố số liệu điều chỉnh, xác nhận tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Mỹ tăng 3,5%. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại hàng hóa tăng lên, số liệu tiêu dùng được điều chỉnh giảm so với lần công bố sơ bộ, và doanh số bán nhà mới sụt giảm - những tín hiệu cho thấy thời kỳ tăng trưởng kinh tế kéo dài kỷ lục của Mỹ có thể sắp đi đến hồi kết.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 2,5%, đạt 25.66,43 điểm. S&P tăng 2,3%, đạt 2.743,78 điểm. Nasdaq nhảy 2,95%, đạt 7.291,59 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, chỉ có nhóm dịch vụ tiện ích giảm điểm. Các nhóm công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu tăng mạnh nhất, với mức tăng hơn 3%.
Nhóm ôtô và phụ tùng thuộc S&P tăng 1,4% sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đang nghiên cứu thuế quan mới đối với ôtô, sau khi hãng xe General Motors (GM) đưa ra kế hoạch đóng cửa 4 nhà máy và sa thải 15.000 công nhân ở khu vực Bắc Mỹ.
Cổ phiếu hãng phần mềm Salesforce.com tăng 10,3% sau khi hãng công bố lợi nhuận vượt dự báo. Cổ phiếu hãng bán lẻ hàng cao cấp Tiffany sụt 11,8% sau khi công bố doanh thu quý không đạt kỳ vọng do nhu cầu của khách Trung Quốc giảm tốc.
Hai "đại gia" công nghệ Microsoft và Apple tiếp tục có sự rượt đuổi về giá trị vốn hóa. Hôm thứ Ba, Microsoft đã "soán ngôi" vốn hóa của Apple, nhưng phiên này, Apple lại vượt lên dù cổ phiếu Microsoft chốt phiên với mức tăng 4%. Cổ phiếu "quả táo" đạt mức tăng 3,85% khi đóng cửa.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 3,95 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 3,58 lần.
Có tổng cộng 8,04 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,82 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Xem thêm
Nhận xét
Đăng nhận xét