Đọc báo Pháp – 28/11/2018


Đọc báo Pháp – 28/11/2018

Pháp : TT Macron và phong trào Áo Vàng:

 Đối thoại khó khăn

Tổng thống Pháp Macron đối thoại với những người Áo Vàng bất mãn với chính phủ ra sao là chủ đề xuất hiện trên hầu như toàn bộ trang nhất báo Pháp ra ngày hôm nay 28/11/2018. Về thời sự thế giới, đề tài được chú ý nhất là tình hình căng thẳng trên Biển Azov giữa Nga và Ukraina.
Về thời sự nóng bỏng của nước Pháp là phản ứng của người đứng đầu nước Pháp trước phong trào Áo Vàng chống tăng thuế và đời sống đắt đỏ đang dâng cao, có lẽ nhật báo thiên hữu Le Figaro là tờ đã tóm lược được rõ nhất tình hình trong hàng tựa lớn trang nhất : « Cuộc đối thoại chẳng ai nghe ai giữa Macron và những người Áo Vàng », bên trên một bức ảnh cho thấy tổng thống Pháp hùng hồn phát biểu, cạnh khẩu hiệu « Cùng nhau thay đổi ».
Le Figaro: Cuộc đối thoại giữa những người điếc
Le Figaro giải thích bên dưới : « Để đáp ứng đòi hỏi của phong trào phản kháng, tổng thống Pháp đã mở ra một đợt tham khảo ý kiến dân chúng một cách rộng rãi, và phác họa khả năng điều chỉnh thuế nhiên liệu một cách uyển chuyển. » Thế nhưng, tờ báo Pháp ghi nhận : « Theo cuộc thăm dò Opinion Way của chúng tôi, 76% người Pháp cho rằng các biện pháp trên không đủ. »
Đối với Le Figaro, với những đề nghị kể trên, tổng thống Macron đang tìm cách tranh thủ thời gian, gọi nôm na là « câu giờ », trong khi chờ đợi tìm ra được lối thoát cho một cuộc khủng hoảng đang ngày càng bám rễ tại Pháp. Đấy sẽ là một thách thức lớn đối với ông Macron vì lẽ, theo Le Figaro, vị tổng thống không hề muốn thay đổi hướng đi mà ông đã vạch ra.
Libération: Thực tế nghiệt ngã đối với Jupiter
Nhật báo thiên tả Libération cũng dành trang nhất cho hồ sơ Macron và phong trào Áo Vàng, nhưng chạy tựa hóm hỉnh « Thần Jupiter trở lại trần gian – Jupiter revient sur terre », chơi chữ trên từ Jupiter là biệt hiệu mà báo giới chỉ tổng thống Macron, và « sur terre », nghĩa bóng là thực tế. Theo Libération, phong trào Áo Vàng đã buộc tổng thống Pháp phải đối mặt với thực tế là cải tổ đất nước theo hướng ông mong muốn không phải là dễ.
Theo nhật báo Pháp, ông Macron đã tìm cách nối lại đối thoại với các tầng lớp bình dân tại Pháp. Thế nhưng các tuyên bố của ông về chính sách năng lượng đã không làm cho giới bảo vệ môi sinh thỏa mãn, và lại có nguy cơ không đủ để trấn an cơn giận của những người Áo Vàng.
Trong bài xã luận, Libération giải thích : « Những câu trả lời cụ thể nhất đã bị đẩy lùi ba tháng, sau những cuộc thảo luận rải rác nhằm giảm nhiệt chứ không cho thấy bất kỳ một nhượng bộ lớn nào khác, ví dụ như phân bổ của cải tốt hơn và một chính sách thuế công bằng có sức thuyết phục hơn ».
Theo tờ báo Pháp, quyết định trì hoãn ba tháng mới trả lời này có thể kích động phong trào phản đối thay vì hạ nhiệt. Trước mắt thì những người Áo Vàng, được phong trào đối lập phụ họa, đã tố cáo là những đề nghị được đưa ra chưa đủ.
La Croix: Vì một nền sinh thái nhân dân
Riêng nhật báo Công Giáo La Croix thì có vẻ thông cảm với các khó khăn của tổng thống Macron. Trang nhất của tờ báo cũng được dành cho bài diễn văn hôm qua của tổng thống Pháp, cũng trên nền cùng bức hình với tờ Le Figaro, nhưng với một tựa đề tích cực : « Tổng thống bảo vệ một “nền sinh thái của nhân dân” ».
La Croix nêu bật là đối mặt với phong trào Áo Vàng, ông Macron đã loan báo ý định giảm thiểu tác động của thuế nhiên liệu, nhưng không bãi bỏ loại thuế này, đồng thời khởi động một chiến dịch « hội ý » trên quy mô lớn.
Trong bài xã luận, tờ báo cho rằng ai cũng thấy là vào lúc này, lời nói dù hay cách mấy, cũng không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tổng thống Pháp hiện đang vấp phải một khó khăn kép : Nhượng bộ như người tiền nhiệm trên việc đánh thuế bảo vệ môi trường, qua đó tặng cho những người biểu tình một thắng lợi mang tính chất biểu tượng, là một điều dễ làm. Tuy nhiên, khi mua một sự bình an trước mắt như vậy, ông sẽ làm suy yếu nghiêm trọng mục tiêu dài hạn : thay đổi lối sống sao cho bảo vệ được môi trường một cách tốt hơn.

Căng thẳng Nga Ukraina :

Chỉ vì uy tín hai tổng thống suy sụp

Về thời sự quốc tế, các báo dĩ nhiên quan tâm đến tình hình căng thẳng trên Biển Azov giữa Nga và Ukraina, cho rằng dù cả hai bên đều cứng giọng với nhau, nhưng khó có khả năng bùng lên chiến tranh.
Trong bài viết mang tựa đề « Thị trấn Taman không tin là chiến tranh sẽ nổ ra với Kiev », phóng viên báo Le Figaro đã đến thị trấn nhỏ bé này của nước Nga, bên bờ biển Azov để tìm hiểu xem người dân ở đó nghĩ gì về sự cố vừa xẩy ra giữa Hải Quân Nga và Ukraina.
Câu trả lời của người dân tại đấy rất rõ ràng : Không thể có chiến tranh vì người Ukraina dư biết rằng họ không có phương tiện hải quân để đối phó với hạm đội Nga. Ngư dân tại Tarman không ngần ngại đổ lỗi cho chính quyền Kiev là bên gây sự.
Theo ghi nhận của Le Figaro, Matxcơva đã tố cáo tàu quân sự Ukraina là xâm nhập lãnh hải Nga một cách bất hợp pháp. Phía Ukraina thì cho biết đã báo trước cho phía Nga biết, nhưng cơ quan an ninh Nga FSB lại khẳng định rằng không hề nhận được thông báo nào.
Đối với Le Figaro, việc chỉ số uy tín của cả hai tổng thống Nga và Ukraina tuột dốc có thể là nguyên nhân tạo nên căng thẳng bất ngờ trên biển Azov. Tờ báo viết : « Matxcơva cũng như một phần của phe đối lập Ukraina chống lại tổng thống Petro Porochenko, thì cáo buộc ông này thổi bùng căng thẳng để nâng cao uy tín, trong viễn cảnh một cuộc bầu cử khó khăn vào tháng ba năm 2019, khi ông muốn làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai ».
Còn ở Kiev, thủ đô Ukraina, và trong số thành phần đối lập tại Nga, thì chính Vladimir Putin là bên sinh sự. Lý do cũng là nhằm nâng cao uy tín của mình trong mắt người dân Nga. Theo Le Figaro, dù vẫn còn ở mức cao là 66%, nhưng chỉ số tín nhiệm của ông Putin đã suy sụp từ vài tháng nay, xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Hòa giải liên Triều : Sau thể thao là văn hóa

Về châu Á, nhật báo Le Monde có một viết lý thú về một dấu hiệu mới liên quan đến tiến trình hòa giải Nam Bắc Triều Tiên. Bài viết mang tựa : « Môn đấu vật Ssireum đưa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc xích lại gần nhau ở Unesco ».
Theo Le Monde, mới đây, bộ môn đấu vật Triều Tiên đã được đưa vào danh sách Di Sản Văn Hóa phi vật thể của nhân loại. Điểm đáng nói là cả hai nước từng là anh em thù địch, lần này lại cùng đệ đơn chung lên UNESCO. Theo nhận định của tổng giám đốc cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc, bà Audrey Azoulay, việc hai quốc gia này chấp nhận đưa cùng một đơn là điều chưa từng thấy và đây là « một bước tiến đầy biểu tượng trên con đường hòa giải liên Triều ».
Theo ghi nhận của Le Monde, cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng trong thời gian qua đều rất năng nổ tại Liên Hiệp Quốc, nhưng theo kiểu việc ai, người nấy làm. Lần này thì cả hai đã quyết định chung sức hành động. Biểu hiện hòa giải trong lãnh vực văn hóa này đã nối tiếp theo những động thái đoàn kết trong thể thao như hai đoàn Nam Bắc Triều Tiên cũng diễn hành trong lễ khai mạc các sự kiện thể thao quốc tế lớn, hoặc là thành lập những đội thể thao hỗn hợp đi tranh tài với nước khác.
Về trường hợp môn đấu vật ssireum, Le Monde chú ý đến một chi tiết lý thú : Viết tên môn võ này như thế nào khi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có hai cách viết khác nhau khi dùng chữ viết tiếng la-tinh để phiên âm. Bắc Triều Tiên thì viết là « ssirum », còn Hàn Quốc thì gọi là « ssireum ».
Trên vấn đề này Unesco đã quyết định : Cách viết của Bắc Triều Tiên sẽ đi trước cách viết của Hàn Quốc trong các văn kiện chính thức, vì Bình Nhưỡng là bên đã đệ đơn ghi danh trước.

Bằng chứng móc ngoặc

 giữa Trump, WikiLeaks và Nga ?

Cũng về thời sự quốc tế, báo Libération đã có một bài viết với tựa đề rất giật gân « Phải chăng đây là bằng chứng cho thấy có sự móc ngoặc giữa Trump, Wikileaks và Nga ? ».
Tờ báo Pháp đã giới thiệu phóng sự điều tra được đồng nghiệp Anh The Guardian công bố hôm 27/11, tiết lộ rằng cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Donald Trump, là ông Paul Manafort đã từng ba lần tiếp xúc với ông Julian Assange, sáng lập viên WikiLeaks, trang web đã công bố các bức email có hại cho ứng cử viên Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đối với Libération, hiện còn quá sớm để có kết luận dứt khoát, nhưng thông tin của The Guardian đã có tác dụng như một quả bom. WikiLeaks đã bác bỏ thông tin của The Guardian, còn luật sư của ông Manafort thì từ chối trả lời.

Tin đọc nhanh

(AFP) - Hoa Kỳ : 8 tin tặc bị truy tố, đa số là người Nga. 
Theo tin từ bộ Tư Pháp Mỹ vào hôm qua 27/11/2018, tám người này bị truy tố vì đã lừa đảo hàng chục triệu đô la thông qua những hệ thống quảng cáo trá hình trên mạng rất phức tạp. Trong số bị truy tố, có 5 người người Nga, một người Nga gốc Ukraina và 2 người Kazakhstan. Theo FBI, nạn nhân của 8 kẻ lừa đảo này là các xí nghiệp. Tính ra các công ty đã chi 29 triệu đô la cho các quảng cáo hư ảo. Đến giờ thì có 3 người bị bắt ở nước ngoài đang chờ dẫn độ. Những người còn lại không tìm thấy.
(AFP) -Hoa Kỳ : Đảng Cộng Hòa mở rộng thêm đa số ở Thượng Viện với thắng lợi của ứng cử viên ở bang Mississipi. 
Nữ thượng nghị sĩ mãn nhiệm của đảng Cộng Hòa Cindy Hyde-Smith đã đánh bại đối thủ đang Dân Chủ Mike Espy ở vòng hai vào hôm qua, 27/11, với tỉ lệ 55% phiếu bầu. Như thế Đảng Cộng Hòa của tổng thống Trump giành được 53 ghế ở Thượng Viện trên tổng số 100, cho khóa họp tới đây, bắt đầu từ tháng Giêng 2019, trong lúc hiện nay chỉ giữ 51 ghế.
(Reuters) -Đông Âu : Số người bị SIDA tăng kỷ lục trong năm 2017.
Đã có hơn 130.000 người bị nhiễm SIDA ở Đông Âu vào năm ngoái, một con số kỷ lục cho vùng này, theo báo cáo của Tổ Chức Y Tế Giới (OMS, WHO) và Trung Tâm Phòng Bệnh Châu Âu (CEPCM). Nếu tính tổng cộng 53 quốc gia trong khu vực Châu Âu của OMS, thì có đến gần 160.000 người bị nhiễm vi rút HIV vào năm ngoái, một con số quá cao. Do đó cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các chính phủ tại vùng này phải có biện pháp thích ứng. Một trong nguyên nhân khiến bệnh SIDA dai dẳng ở Châu Âu là việc phát hiện quá trễ những người mang vi rút, làm gia tăng khả năng lây nhiễm.
(Reuters) - Liên Hiệp Quốc : Syria phải trả lời về những nạn nhân chết khi bị giam.
Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về tội ác chiến tranh Syria yêu cầu chế độ Damas phải nói rõ với gia đình của những người mất tích và trao trả thi hài những người bị hành quyết hoặc chết vì tra tấn. Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 28/11/2018 cho là « sẽ không có hoà bình tại Syria nếu công lý không được sáng tỏ ».
 (AFP) - Tham mưu trưởng liên quân Sri Lanka bị bắt để điều tra.
Theo lệnh của một thẩm phán ở Colombo, tham mưu trưởng liên quân Sri Lanka, đô đốc Ravindra Wijegunaratne đã bị câu lưu trong một tuần lễ, kể từ hôm nay, để điều tra về vụ « mất tích của 11 thanh niên Tamoul » từ năm 2008 đến 2009, trong cuộc nội chiến. Tướng Ravindra bị tố cáo bao che cho một sĩ quan thuộc cấp, chỉ huy tình báo hải quân, bắt nhốt tùy tiện 11 thanh niên. Tất cả đều biệt tích từ 10 năm nay.
(AFP) - Nhân viên Google phản đối công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc. 
Hôm qua 27/11/2018, hàng trăm nhân viên Google đã công khai đòi ban lãnh đạo tập đoàn này từ bỏ dự án công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc, một công cụ tuân thủ các quy định của Bắc Kinh về kiểm duyệt Internet. Dự án được biết dưới tên « Dragonfly ». Nhiều tổ chức nhân quyền như Amnesty International cũng đã đòi Google rút lại dự án này.
(AFP) - Hoa Kỳ trừng phạt đệ nhất phu nhân Nicaragua. 
Hôm qua, 27/11/2018, bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin thông báo chính phủ Mỹ đã ban hành các trừng phạt đệ nhất phu nhân Nicaragua kiêm phó tổng thống Rosario Murillo, trong khuôn khổ chiến dịch chống nạn tham nhũng và những vi phạm nhân quyền của chế độ tổng thống Daniel Ortega.
(AFP) - Pháp sẽ hoàn trả tiền mua bao cao su. 
Quỹ bảo hiểm y tế sẽ hoàn trả một phần tiền mua bao cao theo toa bác sĩ, nhằm đẩy mạnh việc phòng chống SIDA và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, giới là trong giới trẻ. Đây là thông báo của bộ trưởng Y Tế Pháp Agnès Buzyn hôm qua, 27/11/2018 trên đài phát thanh France Inter. Số ca lây nhiễm HIV mới tại Pháp hiện vẫn rất cao, khoảng 6.000 ca/năm, trong đó có từ 800 đến 1.000 ca là những người dưới 25 tuổi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?