Tin khắp nơi – 29/11/2018

Tin khắp nơi – 29/11/2018

TT Trump bất ngờ hủy cuộc gặp

với TT Nga Putin ở Argentina

TT Trump hôm 29/11 bất ngờ hủy cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin của Nga, trước đó đã được ấn định diễn ra bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires.
Đài CNN dẫn lời Tổng thống Trump nói:
“Dựa trên những sự việc đã xảy ra cho thấy các tàu và thủy thủ Ukraine không được Nga thả về lại Ukraine, tôi đã quyết định rằng tốt hơn hết cho mọi bên, là tôi hủy cuộc gặp đã ấn định từ trước ở Argentina với Tổng Thống Vladimir Putin. Tôi mong chờ một cuộc gặp thượng đỉnh có ý nghĩa ngay sau khi tình hình này được giải quyết.”
Trước đó trong cùng ngày, Tổng thống Trump nói ông ‘rất có thể’ sẽ gặp Tổng Thống Putin tại hội nghị G20 ở Argentina vào cuối tuần này, dù ông cảm thấy bất bình về những hành động của Nga chống lại Ukraine.
Reuters dẫn lời Tổng thống Trump nói với các nhà báo vào lúc ông đáp máy bay sang Buenos Aires:
“Tôi có thể sẽ gặp Tổng Thống Putin. Họ (phía Nga) muốn cuộc gặp diễn ra. Tôi nghĩ đây là một thời điểm tốt cho cuộc gặp mặt.”
Lúc đó, ông Trump cho biết ông sẽ nhận báo cáo mới nhất về tình hình căng thẳng trong khu vực sau khi Nga chặn bắt các tàu Ukraine gần Crimea hôm Chủ nhật, và tùy theo nội dung phúc trình, quyết định ông sẽ làm gì.
Trước đó vài giờ, đài CNN đưa tin điện Kremlin đã xác nhận Tổng thống Mỹ và Tổng
Các quan hệ giữa Washington và Moscow rơi vào tình trạng căng thẳng nhất tính từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh dưới thời chính phủ Tổng Thống Obama, người đã áp đặt các biện pháp chế tài để trừng phạt Nga sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Các cơ quan tình báo Mỹ tố cáo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, điều mà Nga nhiều lần bác bỏ. Một công tố viên đặc biệt đang tiến hành điều tra xem liệu chiến dịch vận động bầu cử của Tổng thống Trump có thông đồng với Moscow hay không, ông Trump đã bác bỏ cáo buộc này.
Dịp này, ông Trump còn cho biết ông sẵn sàng gặp Thái Tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê-út ở Argentina, nhưng lịch làm việc của ông đã đầy kín. Ông Trump đang chịu áp lực của quốc hội Mỹ, đòi trừng phạt Thái tử Salman về vai trò có thể có của ông trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-bat-ngo-huy-cuoc-gap-voi-tt-nga-putin-o-argentina/4679835.html

Mỹ: Một di dân chết trong trại tạm giam di trú

Sau gần một năm bị giam giữ, một tháng tuyệt thực, và một lệnh trục xuất, ông Mergensana Amar 40 tuổi đã chết trong trại giam giữ của cơ quan di trú Mỹ trong tháng này.
Ông ấy đã được tháo các thiết bị hỗ trợ sự sống 10 ngày sau khi ông ấy bị phát hiện đã bất tỉnh trong buồng giam tại Trung tâm Giam giữ Tây Bắc ở Tacoma, Washington, và bảy ngày sau khi máy ghi nhận tia hoạt động não cuối cùng của ông ấy.
Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan (ICE) hôm 26/11 đã loan báo rằng công dân Nga này đã chết vì ‘tổn thương não thiếu ô-xy do bị ngạt’, cơ quan này tường thuật hồi tuần trước.
Văn phòng Giám định Y khoa của Hạt Pierce, tiểu bang Washington, phán quyết rằng Amar tự sát bằng cách treo cổ. Amar được tìm thấy trong phòng giam của ông vào ngày 15/11 và đã bị tuyên bố chết não vào ngày 18/11, theo ICE. Ông đã sống nhờ các thiết bị hỗ trợ sự sống cho đến ngày 24/11. Tuy nhiên, ICE đã nêu ngày tử vong chính thức là 18/11.
Amar vào Mỹ mà không có giấy tờ đàng hoàng, theo ICE. Ông đã tuyệt thực từ tháng Tám cho đến 16/10 để phản đối việc giam giữ và chuẩn bị bị trục xuất dự định vào tháng 11.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 trong khi đang tuyệt thực, Amar đã nói trên trang tin tức địa phương CrossCut rằng ông đến từ Buryatia, Nga, và ông xin tị nạn sau khi đến cửa khẩu San Ysidro, California, hồi tháng 12 rồi.
Ông nói rằng những kẻ đầu trọc ở Nga đã đánh đập và đe dọa ông và rằng ông đã bị bỏ tù vì các hoạt động đòi tự do cho độc lập Buryatia. VOA không thể kiểm chứng độc lập những tuyên bố này.
Trường hợp một tù nhân qua đời trong trại giam di trú là hiếm gặp – cơ quan này đã bắt giữ hơn 100.000 người mỗi năm. Nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng vấn đề chăm sóc y tế ở các cơ sở của ICE là không đầy đủ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-m%E1%BB%99t-di-d%C3%A2n-ch%E1%BA%BFt-trong-tr%E1%BA%A1i-t%E1%BA%A1m-giam-di-tr%C3%BA/4679177.html

Luật bảo vệ công tố viên đặc biệt

bị đình trệ tại Thượng viện

Luật bảo vệ cuộc điều tra của văn phòng công tố viên đặc biệt về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đã bị đình trệ tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư, khiến Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jeff Flake thực hiện đúng tuyên bố của ông là biểu quyết chống lại các đề cử tư pháp cho đến khi dự luật này được xúc tiến.
Phó Tổng thống Mỹ đồng đảng Cộng hòa Mike Pence đã được gọi tới trong tư cách chủ tịch thượng viện để biểu quyết chuẩn thuận Thomas Farr làm Thẩm phán Khu vực Liên bang ở North Carolina, sau khi ông Flake biểu quyết “không.”
Ông Flake là một người ủng hộ mạnh mẽ luật bảo vệ này, được gọi là Đạo luật Độc lập và Chính trực của Công tố viên Đặc biệt. Luật này nếu được thông qua sẽ gây khó khăn hơn cho Tổng thống Donald Trump trong việc làm suy yếu cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016.
Luật này này đã được chuẩn thuận ở cấp ủy ban với sự ủng hộ của cả hai đảng.
Ông Trump đã gọi cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người cũng đang điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa Moscow và ban vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump, là một cuộc săn lùng phù thủy (hàm ý ông bị bức hại chính trị). Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và ông Trump phủ nhận bất kì sự thông đồng nào đã xảy ra.
Lãnh đạo phe Cộng hòa Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã nói hôm thứ Ba rằng ông “có lẽ” sẽ ngăn chặn một nỗ lực mới nhằm đưa dự luật này ra để biểu quyết, gọi đó là “một giải pháp cho một vấn đề chưa tồn tại.”
Với phe Cộng hòa nắm đa số trong Thượng viện Hoa Kỳ, các ứng cử viên của ông Trump sẽ được chuẩn thuận mà không vấp phải nhiều sự chống đối.
Ông Farr đã bị các nhóm có chủ trương ôn hòa và cấp tiến phản đối vì các lập trường của ông về quyền dân sự. Khi còn là luật sư đại diện bang North Carolina vào năm 2014, ông đã bênh vực luật đăng kí cử tri của bang này mà các tổ chức dân quyền nói là cố tình chèn ép phiếu bầu của cử tri thiểu số.
https://www.voatiengviet.com/a/luat-bao-ve-cong-to-vien-dac-biet-bi-dinh-tre-tai-thuong-vien/4679147.html

Điều tra nghi án Nga :

Trump lại tấn công công tố viên Mueller

Thụy My
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/11/2018 khi trả lời New York Post, đã so sánh cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller với thời kỳ đen tối trước đây, và không loại trừ khả năng ân xá cho Paul Manafort, cựu giám đốc chương trình tranh cử bị ông Mueller buộc tội.
Một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai đảng cố gắng đưa ra một dự luật để bảo vệ vị chưởng lý, nhưng không thành công.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
« Tổng thống Trump vẫn thường xuyên chỉ trích công tố viên Mueller, nhưng từ vài ngày qua đã tỏ ra hung hăng hơn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Post, ông Donald Trump so sánh công tố viên Robert Mueller với John Mc Carthy, người mà trong thập niên 50 đã quấy nhiễu hàng trăm nhân vật bị nghi ngờ là có thiện cảm với Cộng sản.Trên Twitter, tổng thống Mỹ đã đăng một tấm ảnh photoshop, trong đó công tố viên Mueller đứng sau song sắt nhà tù, vì tội phản quốc.
Sự tấn công này khiến Quốc Hội e ngại, và ba thượng nghị sĩ đã cố gắng thông qua một luật để bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller. Nhưng dự luật này đã bị một thượng nghị sĩ Cộng Hòa bác bỏ, không đưa ra bỏ phiếu.
Ông Jeff Flake, thượng nghị sĩ Cộng Hòa của tiểu bang Arizona lấy làm tiếc về việc này, và cho rằng Nhà Trắng thực sự đe dọa công việc của công tố viên đặc biệt. Ông nói : « Bộ trưởng Tư Pháp đã bị cách chức, và thay thế bằng một người rõ ràng chống đối cuộc điều tra của ông Mueller. Tổng thống Trump mỗi ngày đều viết Twitter để chế giễu ông, và tôi không thể hiểu được tại sao các đồng nghiệp mình không làm gì hơn để bảo vệ công tố viên đặc biệt ».
Trong khi chờ đợi thuyết phục được các đồng nghiệp khác, thượng nghị sĩ Jeff Flake, sẽ về hưu vào cuối tháng 12, đã quyết định phản đối tất cả các thẩm phán được Nhà Trắng đề nghị bổ nhiệm, và phải được Thượng Viện thông qua ».
Ông Trump tỏ ra giận dữ sau khi George Papadopoulos, cựu cố vấn ngoại giao năm 2016 bị tạm giam, và ông Paul Manafort lại chịu thêm một cáo buộc mới, chứng tỏ quyết tâm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Báo chí Mỹ nhận định ông Mueller đã tiến gần đến kết luận, sau khi nhận được bản khai của tổng thống Donald Trump.
Theo một số nhà bình luận, kết luận sẽ nghiêm khắc đối với ông Trump, tuy không khởi tố. Cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ đã kéo dài 18 tháng qua, và Donald Trump đòi hỏi kết thúc sớm để không đầu độc nhiệm kỳ của ông.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181129-dieu-tra-nga-trump-lai-tan-cong-chuong-ly-mueller

Nancy Pelosi tiến gần hơn

tới chức chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ

Nancy Pelosi đã được đề cử bởi các nghị sĩ đồng đảng Dân chủ của bà hôm thứ Tư để trở thành chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, nhưng bà có thể đối diện với thách thức lớn từ chính những nghị sĩ trong đảng của bà trong cuộc biểu quyết chính thức vào tháng 1.
Bà Pelosi, người làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này từ năm 2007 đến năm 2011, giành được đề cử của phe Dân chủ với tỉ lệ biểu quyết 203-32. Bà sẽ cạnh tranh với một ứng cử viên Đảng Cộng hòa vào đầu tháng 1 khi toàn thể Hạ viện biểu quyết.
Bà sẽ cần khoảng 218 biểu quyết thuận để giành chức vụ này khi phe Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1 sau khi họ giành ghế từ phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 6 tháng 11. Bà Pelosi đang cố tái lập một thành tích hiếm hoi là trở thành chủ tịch Hạ viện cho một nhiệm kì nữa không liên tục.
Một nhóm nhỏ trong phe Dân chủ phản đối bà Pelosi, một dân biểu 78 tuổi chủ trương tự do đại diện khu vực thành phố San Francisco, lập luận rằng đảng cần giới lãnh đạo mới, trẻ hơn, nhưng nhóm chống đối bà đã không thể đưa ra một đối thủ để thách thức bà.
Trong vài tuần tới, bà Pelosi sẽ cố gắng thuyết phục đủ một số lượng người chống đối quay sang ủng hộ bà để xác lập chiến thắng vào tháng 1. Hôm thứ Tư, bà đạt tiến bộ khi giành được sự ủng hộ của một nhóm nhỏ các nghị sĩ Dân chủ lập trường trung dung thuộc khối “Problem Solvers” (Những người Giải quyết Vấn đề) bằng việc đồng ý hậu thuẫn những cải cách trong cách thức mà Hạ viện hoạt động.
Phe Cộng hòa, những người mà vào năm sau sẽ là thiểu số trong Hạ viện lần đầu tiên sau tám năm, dự kiến sẽ biểu quyết chống lại bất kì ứng cử viên Dân chủ nào làm chủ tịch Hạ viện.
https://www.voatiengviet.com/a/nancy-pelosi-tien-gan-hon-toi-chuc-chu-tich-ha-vien-hoa-ky/4678773.html

Bà Hyde-Smith của ĐCH chiếm ghế nghị sĩ cuối cùng

trong bầu cử giữa kỳ 2018

Ứng cử viên Cindy Hyde-Smith của Đảng Cộng hòa đã thắng cử trong cuộc bầu cử lại để giành chiếc ghế Thượng nghị sĩ đại diện cho bang Mississippi ở miền nam Hoa Kỳ.
Bà Hyde-Smith đoạt được 54% phiếu bầu hôm 27/11, đánh bại ứng cử viên Mike Espy của đảng Dân chủ.
Bà nói với những người ủng hộ rằng chiến thắng này là về “các giá trị bảo thủ của chúng ta”, mà bà cam kết sẽ mang theo tới Washington.
Bà nói: “Tôi muốn mọi người biết rằng, bất kể quý vị bầu chọn ai, tôi sẽ luôn luôn đại diện cho tất cả mọi người dân Mississippi. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ, cố gắng hết sức mình để làm cho Mississippi tự hào về thượng nghị sĩ đại diện cho quý vị.”
Đây là cuộc bầu cử cuối cùng trong các cuộc bầu cử giữa kỳ vào Thượng viện Mỹ năm 2018. Như vậy, đảng Cộng hòa sẽ nắm đa số 53-47 tại Thượng viện khi quốc hội tái triệu tập vào tháng Giêng năm 2019, so với đa số 51-49 hiện nay.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên trong tám năm, sau khi đoạt ít nhất 38 ghế trong cuộc đầu phiếu ngày 6/11 vừa rồi, trong khi chưa được định đoạt kết quả chung cuộc tại hai đơn vị bầu cử sát nút.
Như vậy, bà Hyde-Smith sẽ kết thúc hai năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của cựu nghị sĩ Thad Cochran sau khi ông này từ chức vì lý do sức khỏe. Chiếc ghế nghị sĩ này sẽ được bầu lại vào năm 2020.
Cuộc bầu cử lại tại Mississippi, thành trì cực kỳ bảo thủ của đảng Cộng hòa, được tổ chức vì cả Hyde-Smith, một người da trắng, và Mike Espy, một người da đen, đều không giành được đa số phiếu trong cuộc đua với hai ứng cử viên khác diễn ra cách đây ba tuần.
Mississippi có một lịch sử lâu đời bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa. Chưa có một thượng nghị sĩ da đen nào được bầu tại đây trong hơn một thế kỷ. Nhưng những bình luận mà Hyde Smith đưa ra trong chiến dịch tranh cử đã làm dấy lên những nghi hoặcvề kết quả, khiến Tổng thống Trump phải tổ chức hai cuộc tập hợp tại bang này để thể hiện sự ủng hộ của ông.
Ông Trump chúc mừng bà Smith trên Twitter đêm thứ Ba.
“Xin chúc mừng Thượng nghị sĩ Cindy Hyde-Smith về chiến thắng lớn của bà. Chúng tôi rất tự hào về bà!”
Mississippi là một trong 11 tiểu bang miền Nam ly khai khỏi Hoa Kỳ vào những năm 1860 vì lập trường ủng hộ quyền của các chủ đồn điền trắng sở hữu nô lệ. Cuộc ly khai dẫn đến cuộc nội chiến chết người đã kết thúc với sự thất bại và sự đầu hàng của miền Nam vào năm 1865.
Nhưng các tranh chấp chủng tộc vẫn diễn ra trong nhiều thập niên ở Mississippi, với những cuộc treo cổ người da đen và tình trạng phân biệt chủng tộc trong hầu hệt mọi khía cạnh của cuộc sống, gồm cả trường học, nhà hàng mãi đến những năm 1960.
Bà Hyde-Smith lập tức bị đả kích khi bà nói rằng nếu một người ủng hộ mời bà đi dự “một cuộc treo cổ công khai, bà sẽ ngồi ở hàng ghế đầu.”
Sau đó bà xin lỗi ” bất cứ ai cảm thấy bị xúc phạm”, nhưng sau đó xuất hiện một số hình ảnh về bà khoe những kỷ vật của Liên minh miền Nam thời Nội chiến.
Bà Hyde-Smith nói đối thủ của bà, ông Espy đã hiểu nhầm những phát biểu của bà. Nhưng ông Espy mạnh mẽ phản bác.
“Không ai bóp méo lời bình luận của bà, bởi vì bà phát biểu trực tiếp, những lời đó thoát từ cửa miệng bà. Tôi không biết những gì trong trái tim của bạnbà nhưng tất cả chúng ta đều biết những gì thoát ra từ miệng của bà. Lời phát biểu đó phương hại tới tiểu bang của chúng ta.”
Trong một bình luận khác, Hyde-Smith đề nghị “có lẽ nên siết chặt hơn” để sinh viên đại học có khuynh hướng cấp tiến ‘gặp khó khăn hơn một tí’ khi đi bầu.
Hôm 26/11, chính quyền tiểu bang đã phải gỡ xuống hai giây thòng lọng và 6 biểu ngữ với những ngôn từ đầy hận thù được tìm thấy trong khuôn viên tòa nhà quốc hội bang Mississippi.
Đảng Cộng hòa mô tả ông Espy là người không theo sát tình hình thực tế của tiểu bang, nơi ông từng phục vụ trong tư cách dân biểu, và họ cho rằng ông thiếu óc phán xét. Ông Espy từng đối mặt với những cáo buộc về tham nhũng thời còn là Bộ trưởng Nông nghiệp, mặc dù sau đó, ông đã được trắng án.
https://www.voatiengviet.com/a/hyde-smith-chiem-ghe-nghi-si-cuoi-cung-trong-bau-cu-giua-ky-2018/4678207.html

Pompeo, Mattis kêu gọi các nhà lập pháp

giữ gìn quan hệ với Ả-rập Saudi

Hai thành viên cao cấp trong Nội các của Mỹ hôm thứ Tư kêu gọi các thượng nghị sĩ không hạ cấp quan hệ với Ả-rập Saudi vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhưng các nhà lập pháp từ cả hai đảng nói rằng họ không thể nhắm mắt là ngơ trước những bản tin cho biết người cai trị đất nước này trên thực tế có dính líu trong vụ giết người vào tháng trước.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman đứng đằng sau vụ giết người, dường như mâu thuẫn với một thẩm định của CIA về cái chết của ông Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul.
“Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy thái tử có dính líu, cộng đồng tình báo hay bất cứ ai khác đều không có. Không có bằng chứng,” ông Mattis nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc.
Ông Mattis cho biết ông đã đọc tất cả các báo cáo tình báo của Mỹ về vụ việc và một bản chép lại thứ được nói là một đoạn ghi âm vụ giết người.
Sau những lời kêu gọi liên tục từ các thành viên Quốc hội đòi Mỹ có phản ứng mạnh mẽ về cái chết của ông Khashoggi, cả ông Mattis và ông Pompeo báo cáo với Thượng viện trong một phiên điều trần kín về Ả-rập Saudi, vụ giết hại ông Khashoggi vào ngày 2 tháng 10 và cuộc chiến ở Yemen.
Đưa ra những phát biểu tương tự những phát biểu của Tổng thống Donald Trump, họ nói rằng việc hạ cấp quan hệ của Mỹ với đồng minh Ả-rập Saudi sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
Ông Pompeo thừa nhận với các nhà lập pháp rằng cuộc xung đột ở Yemen – trong đó Ả-rập Saudi can dự sâu – đã gây thiệt hại đáng kể cho thường dân, nhưng lập luận rằng Ả-rập Saudi là một đối trọng quan trọng với Iran trong khu vực.
“Rộng hơn nữa, hạ cấp quan hệ với Ả-rập Saudi sẽ là một sai lầm nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ, và của các đồng minh của chúng ta,” ông Pompeo nói trong phần phát biểu được soạn sẵn trình bày trước Thượng viện. “Vương quốc này là một thế lực hùng mạnh cho sự ổn định trong một vùng Trung Đông đầy bất ổn.”
Ông Pompeo nói với các phóng viên sau phiên điều trần rằng không có bằng chứng trực tiếp nào liên kết Thái tử Mohammed với vụ sát hại ông Khashoggi.
Tuy nhiên, ông Pompeo và ông Mattis dường như không thuyết phục được những tiếng nói hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Thượng viện, trong đó có một số thượng nghị sĩ đồng đảng Cộng hòa của ông Trump. Họ nói họ tin rằng không có hành động nào sẽ gửi một thông điệp nguy hiểm hơn cho thế giới.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói sau phiên điều trần rằng tất cả mọi người trong phòng đều thấy rõ thái tử chịu trách nhiệm về cái chết của ông Khashoggi.
“Chúng ta có vấn đề ở đây. Chúng ta hiểu rằng Ả-rập Saudi là một đồng minh, ở một mức độ nhất định, và là một quốc gia bán quan trọng,” ông Corker nói. “Chúng ta cũng có một vị thái tử hành xử mất kiểm soát.”
Ông Corker cảnh báo rằng Quốc hội sẽ hành động nếu chính quyền không hành động. “Tôi nghĩ rằng 80 phần trăm của những người rời khỏi buổi điều trần sáng nay không cảm thấy một phản ứng thích hợp sắp được đưa ra,” ông Corker nói.
Ông Trump đã bác bỏ một thẩm định của CIA rằng thái tử đã ra lệnh giết ông Khashoggi. Ông tuyên bố hồi tuần trước rằng Mỹ vẫn là một “đối tác kiên định” của Ả-rập Saudi và nói rằng không rõ liệu thái tử có hay biết kế hoạch hạ sát ông Khashoggi hay không.
Những phát biểu này tiếp tục làm các thành viên Quốc hội tức giận. Họ đã yêu cầu một cuộc điều tra về sự dính líu tiềm năng của thái tử.
Nhiều thượng nghị sĩ tức giận vì Giám đốc CIA Gina Haspel đã không được tham gia cuộc điều trần, điều mà họ đã yêu cầu.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người mà gần đây là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Trump trong Quốc hội, nói rằng ông muốn biết liệu thẩm định của CIA có củng cố quan điểm của ông rằng vụ giết người không thể xảy ra nếu thái tử không biết hay không.
Ông Graham nói ông sẽ không biểu quyết về bất kì vấn đề quan trọng nào, bao gồm cả các dự luật chi tiêu phải được thông qua, cho đến khi CIA trình bày chi tiết với các thượng nghị sĩ về vụ giết hại ông Khashoggi.
https://www.voatiengviet.com/a/pompeo-mattis-keu-goi-cac-nha-lap-phap-giu-gin-quan-he-voi-a-rap-saudi/4678768.html

Reuters: Nhà Trắng được yêu cầu

điều tra hoạt động của ZTE ở Venezuela

Hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hôm thứ Tư yêu cầu chính quyền Trump điều tra liệu ZTE Corp, tập đoàn viễn thông của Trung Quốc, có vi phạm các chế tài của Mỹ hay không bằng cách giúp Venezuela thiết lập một cơ sở dữ liệu theo dõi hành vi người dân của họ, Reuters đưa tin.
Hãng tin này cho biết một bức thư do thượng nghị sĩ Chris Van Hollen và Marco Rubio đồng kí tên yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao, tài chính và thương mại Mỹ xác định liệu ZTE có làm việc với các cá nhân bị định danh trong các chế tài của Mỹ, sử dụng các linh kiện của Mỹ một cách phi pháp hoặc giúp chính phủ Venezuela phớt lờ các tiến trình dân chủ và nhân quyền hay không.
Bức thư này, theo sau một cuộc điều tra của Reuters về cơ sở dữ liệu và một chương trình thẻ căn cước có liên quan của Venezuela được đăng tải vào ngày 14 tháng 11, được trao cho các quan chức nội các hôm thứ Tư, Reuters dẫn lời các trợ lí cho hai thượng nghị sĩ này nói.
ZTE, trong năm nay đã trả 1 tỉ đôla cho chính phủ Mỹ liên quan đến hoạt động kinh doanh bị chế tài ở Iran và Triều Tiên, không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Bộ Thông tin Venezuela không trả lời yêu cầu bình luận, hãng tin này cho biết. Tổng thống Nicolas Maduro, người đang chật vật ứng phó với siêu lạm phát và một nền kinh tế đang rơi tự do, từ lâu đã lập luận rằng các chế tài của Mỹ là một phần trong “chiến tranh kinh tế’ của Washington nhằm lật đổ chính phủ cánh tả của ông.
Các quan chức tại Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ không trả lời các yêu cầu bình luận vào sáng ngày thứ Tư, Reuters nói.
Ông Van Hollen theo Đảng Dân chủ và ông Rubio theo Đảng Cộng hòa là những người lớn tiếng ủng hộ các biện pháp trước đây của Mỹ nhắm vào ZTE.
Công ty này, trong đó một công ty nhà nước Trung Quốc là cổ đông lớn nhất, bị nhiều quan chức phương Tây cáo buộc là giúp Trung Quốc xuất khẩu các chiêu thức do thám và các trang thiết bị cho các chính phủ độc tài trên khắp thế giới.
Reuters cho biết ZTE đang hợp tác ngày càng nhiều với chính phủ Venezuela trong các dự án khác nhau ở đó, chủ yếu là liên doanh với Compania Anonima Nacional Telefonos de Venezuela, hay Cantv, một công ty viễn thông nhà nước.
Nhiều quan chức cao cấp của Venezuela, bao gồm cả ông Maduro và Chủ tịch Cantv Manuel Fernandez, đã bị Washington chế tài về điều mà các chính quyền Mỹ liên tiếp coi là hành vi độc tài và vi phạm nhân quyền của chính phủ nước này.
Reuters nói cả ông Fernandez lẫn nữ phát ngôn viên của Cantv đều hồi đáp yêu cầu bình luận.
https://www.voatiengviet.com/a/reuters-nha-trang-duoc-yeu-cau-dieu-tra-hoat-dong-cua-zte-o-venezuela/4678766.html

Số người nhập cư vào Mỹ giảm

xuống tới mức thấp nhất trong 10 năm

Số người nhập cư trái phép ở Hoa Kỳ vào năm 2016, đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
Sử dụng dữ liệu của chính phủ, trung tâm nghiên cứu phi đảng phái này kết luận rằng từ năm 2007 và 2016, số lượng người nhập cư không có giấy tờ tại Hoa Kỳ đã giảm từ đỉnh điểm là 12,2 triệu xuống còn 10,7 triệu.
Pew cho rằng số người nhập cư giảm mạnh, xuống 1,5 triệu – là do số người Mexico vượt biên sang Hoa Kỳ bất hợp pháp đã giảm.
Tuy nhiên, số người nhập cư từ El Salvador, Guatemala và Honduras tìm cách băng biên giới sang Mỹ bất hợp pháp qua ngã Mexico, đã khiến cho Trung Mỹ trở thành khu vực duy nhất có số người nhập cư gia tăng trong thời gian 10 năm nghiên cứu.
Số người Trung Mỹ không có giấy tờ hợp lệ ở Hoa Kỳ tăng khoảng 375.000 người, từ 1,5 triệu vào năm 2007 lên tới 1,85 triệu vào năm 2016.
Những vụ bắt bớ người đến từ Trung Mỹ ở biên giới Mỹ-Mexico cũng tăng, từ 54.000 vào năm 2007 lên tới 165.000 vào năm 2017. Nhưng Trung tâm Pew nhận định con số này vẫn chưa đạt đỉnh đỉểm của nó là 239.000 người trong năm 2014.
Trong khi biên giới Mỹ-Mexico là trọng tâm chú ý của chính quyền Tổng thống Trump và giới truyền thông trong những tuần gần đây, Pew nói rằng hầu hết những người nhập cảnh Hoa Kỳ với thị thực hợp pháp vẫn lưu lại Hoa Kỳ sau khi visa của họ đã hết hạn.
“Tỷ lệ những người có khả năng ở lại quá hạn thị thực có thể đã tăng đáng kể trong thời gian từ năm 2007 tới 2016, tới mức thành phần này có thể chiếm hầu hết số những người nhập cư trái phép gần đây trong năm 2016,” báo cáo cho biết.
Báo cáo mới nhất còn cho thấy hơn 700.000 người có thị thực đã hết hạn lẽ ra nên rời khỏi Hoa Kỳ trong năm tài chính 2017. Trung tâm nghiên cứu Pew nói 90% số người ở quá hạn visa đến từ các quốc gia khác hơn là Mexico và Trung Mỹ.
Trục xuất
Các vụ trục xuất – đạt đỉnh điểm vào năm 2013-, có thể đóng một vai trò trong việc giảm số di dân không có giấy tờ hợp lệ.
Pew lưu ý rằng những vụ trục xuất đã tăng dưới chính quyền Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama – từ 211.000 vào năm 2003 lên tới mức kỷ lục là 433.000 người vào năm 2013, theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa.
Trong năm tài chính 2016, số người nhập cư vẫn duy trì ở mức hơn 300.000 người, hầu hết đến từ Mexico và ba quốc gia Tam giác Bắc Trung Mỹ.
Báo cáo dẫn tỷ lệ giảm 17% từ năm 2016 tới năm 2017, nói rằng: “Các vụ trục xuất hình như đã giảm từ đó, dựa trên các số liệu thống kê hạn chế”.
“Gần 230.000 di dân bất hợp lệ đã bị trục xuất, tính cả sự giảm sút số người bị giam giữ ở biên giới Mỹ-Mexico, cũng như một tỷ lệ tăng trong số người bị bắt bên trong nội địa Hoa Kỳ.”
https://www.voatiengviet.com/a/so-nguoi-nhap-cu-vao-my-giam-xuong-muc-thap-nhat-trong-10-nam/4678383.html

Mỹ đưa tàu chiến qua Eo biển Đài Loan

Lần thứ ba trong năm, Mỹ hôm 28/11 triển khai hai tàu chiến qua Eo biển Đài Loan.
Reuters nói rằng bất chấp phản đối của Trung Quốc, quân đội Mỹ đã gia tăng tần suất vượt qua vùng biển chiến lược này.
Hãng tin Anh cho rằng hành động trên có thể gây thêm căng thẳng với Bắc Kinh, nhưng nhiều người ở Đài Loan coi đó là dấu hiệu ủng hộ từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ra tuyên bố nói rằng việc tàu khu trục USS Stockdale và tàu hậu cần Pecos qua Eo biển Đài Loan “chứng tỏ cam kết của Mỹ vì một vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
XEM THÊM:
Trung Quốc áp lực lên Tổng thống Đài Loan sau thất bại bầu cử
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng đây là hoạt động bình thường qua vùng biển quốc tế ở Eo biển Đài Loan, và các lực lượng của hòn đảo đã theo dõi động thái này.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong buổi họp báo hôm 29/11 rằng Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại tới Hoa Kỳ.
Ông Cảnh được Reuters trích lời kêu gọi Bắc Kinh “tránh gây tổn hại tới hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan và quan hệ Mỹ – Trung”.
Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang nói đã biết rõ hành động của Mỹ, và gọi Đài Loan là “vấn đề quan trọng nhất và nhạy cảm nhất” trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Cuộc tuần tra của Mỹ diễn ra trước cuộc gặp dự kiến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại Argentina, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-%C4%91%C6%B0a-t%C3%A0u-chi%E1%BA%BFn-qua-eo-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%A0i-loan/4679414.html

Thượng nghị sĩ kêu gọi Mỹ xác định

vụ giết hại người Yohingya

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio hôm 28/5 kêu gọi chính phủ Mỹ “ngay lập tức xác định xem liệu các vụ sát hại người Hồi giáo Rohingya có phải là thảm sát do các lực lượng an ninh Miến Điện gây ra hay không”.
Trên Twitter, ông Rubio viết rằng “đây là bước đi sống còn tiến tới công lý và trách nhiệm”.
Trong khi đó, Forbes dẫn bài viết của nhà nghiên cứu của Heritage Foundation nói rằng “gần 800 nghìn người tị nạn Rohingya ở Bangladesh đang hồi phục chấn thương vì điều Liên Hiệp Quốc coi là thảm sát, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh”.
XEM THÊM:
Aung San Suu Kyi: Hào quang và bóng tối
Bài viết đăng trên trang web của tạp chí Mỹ viết tiếp: “Hơn một năm kể từ khi tội ác hàng loạt xảy ra ở Miến Điện, nhưng chính phủ Mỹ vẫn chưa ra tuyên bố xác định các tội ác”.
Theo nhà nghiên cứu này, có năm lý do để Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ra tuyên bố xác định về các vụ giết người.
Và việc đó sẽ giúp Mỹ chống lại các cáo buộc cho rằng Hoa Kỳ không quan tâm tới nhân quyền, theo Forbes.
https://www.voatiengviet.com/a/th%C6%B0%E1%BB%A3ng-ngh%E1%BB%8B-s%C4%A9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-m%E1%BB%B9-x%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%A5-gi%E1%BA%BFt-h%E1%BA%A1i-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-yohingya/4679738.html

Achentina đón tiếp thượng đỉnh G20

trong khủng hoảng kinh tế

Thụy My
Lần đầu tiên trong lịch sử, Achentina đón tiếp nguyên thủ các cường quốc G20 trong hai ngày 30/11 và 01/12/2018, trong lúc tình hình kinh tế suy sụp. Tổng thống trung hữu Mauricio Macri, sẽ tái ứng cử vào năm 2019, tuy uy tín đang xuống dốc, hy vọng sẽ tìm được sự ủng hộ trong dịp này.
Thông tín viên Mounia Daoudi ở Buenos Aires gởi về bài tường trình :
« Nền kinh tế thứ ba châu Mỹ la tinh đang rất tệ hại, cho đến nỗi buộc lòng phải kêu gọi đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), tuy tổ chức này bị Achentina căm ghét từ cuộc khủng hoảng năm 2001, và đã chấm dứt mọi liên hệ từ hơn 10 năm qua.
Hai cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra chỉ trong vài tháng, với đồng peso đã bị mất đi phân nửa giá trị so với đồng đô la, đã khiến cho một nền kinh tế đang yếu ớt phải quỵ lụy.
Bản thân những con số nói lên tất cả. Suy thoái trong năm nay sẽ lên đến 2,6% ; lạm phát thì đã vượt quá 30%, gây thiệt hại nặng nề cho sức mua của người dân Achentina, vốn có đến 27% đang sống dưới ngưỡng nghèo khó. Và tình hình sẽ không cải thiện được với ngân sách khắc khổ vừa được thông qua. Đây là biện pháp duy nhất của tổng thống Mauricio Macri để có thể vay được của IMF 50 tỉ euro, nhằm ổn định nền kinh tế đất nước.
Thế nên tổng thống Achentina đang trong vị thế khó khăn khi đón tiếp các đồng nhiệm đến dự thượng đỉnh G20. Nếu hội nghị thành công, thì sẽ là một niềm an ủi nho nhỏ cho ông Macri, trước cuộc khủng hoảng trầm trọng đang diễn ra tại Achentina ».
An ninh nghiêm ngặt tại G20
Đất nước này trở thành trung tâm chú ý : đón tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đoàn đại biểu Mỹ đến Buenos Aires lên đến 800 người, và Washington bố trí tại Uruguay, bên kia bờ sông Rio de la Plata 8 phi cơ, một hàng không mẫu hạm được điều đến Nam Đại Tây Dương. Tổng cộng có 15.000 khách đến Achentina, trong đó có 3.000 nhà báo.
Về mặt an ninh, Buenos Aires huy động lực lượng 24.000 người ; đóng cửa nhiều trạm xe điện ngầm và một sân bay, một phần thủ đô Achentina, nơi diễn ra hội nghị, được phong tỏa chặt chẽ.
Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với đồng nhiệm Nga dự kiến vào trưa thứ Bảy 01/12, kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng theo tin giờ chót ông Trump đã hủy bỏ. Một cuộc gặp khác rất được chờ đợi là giữa Donald Trump với Tập Cận Bình, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gay gắt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181129-achentina-don-tiep-thuong-dinh-g20-trong-khung-hoang-kinh-te

Brazil sẽ không tổ chức thượng đỉnh khí hậu COP 25

Thanh Phương
Ngày 28/11/2018, Brazil thông báo sẽ không tổ chức thượng đỉnh về khí hậu COP 25 vào năm 2019, theo yêu cầu của tổng thống tân cử Jair Bolsonaro, một nhân vật vẫn hoài nghi về biến đổi khí hậu.
Brazil thông báo như trên vào lúc sắp khai mạc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP 24 tại Katowice, Ba Lan, tháng 12/2018.
Từ Rio de Janeiro, thông tín viên François Cardona tường trình :
« Ông Jair Bolsonaro đã thừa nhận trong một cuộc họp báo: chính ông đã muốn Brazil rút lại đơn xin tổ chức hội nghị COP 25. Theo lời tổng thống tân cử, không thể để cho việc bảo vệ môi trường ngăn cản sự phát triển của Brazil.
Trong thời gian tranh cử, ông Jair Bolsonaro từng tuyên bố ủng hộ việc phát triển ngành nông phẩm và ngành khai thác mỏ ở vùng Amazon. Bộ trưởng Nông Nghiệp tương lai, Tereza Cristina, gần đây vẫn đứng đầu một nhóm nghị sĩ ủng hộ các đại địa chủ ở Brazil.
Về phần ngoại trưởng Ernesto Araujo, ông giải thích rằng Brazil từ bỏ ý định tổ chức thượng đỉnh COP 25 vì lý do cắt giảm ngân sách. Nhưng là một nhân vật cực kỳ bảo thủ, ông Araujo đã từng coi biến đổi khí hậu chẳng khác gì « giáo điều Mác-xít » và ông không tin vào những lời cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tranh cử, ông Jair Bolsonaro đã dọa rút Brazil ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu, nhưng sau đó đã đổi ý do bị chỉ trích nặng nề. Ông cũng vẫn chưa bổ nhiệm bộ trưởng Môi Trường. Trong khi đó, vào năm 2017, nạn phá rừng ở vùng Amazon đã tăng thêm 13% ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181129-brazil-se-khong-to-chuc-thuong-dinh-khi-hau-cop-25

Lãnh đạo Ukraine kêu gọi Nato gửi tàu trợ giúp

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thúc giục Nato gửi tàu tới Biển Azov sau vụ đụng độ trên biển ngoài khơi Crimea.
Putin nói Ukraine dàn dựng vụ đụng độ trên biển
Ông nói với tờ báo Đức Bild rằng ông hy vọng các tàu sẽ được đưa đến để “hỗ trợ Ukraine và đưa đến an ninh”.
Hôm Chủ Nhật, Nga nã đạn vào ba tàu của Ukraine và bắt thủy thủ đoàn ở khu vực Eo biển Kerch nối Biển Đen với Biển Azov.
Nato tỏ ý “hỗ trợ đầy đủ” Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của khối.
Trong lúc quan hệ hai bên đang xấu đi, hôm thứ Tư Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc ông Poroshenko tạo ra “sự khiêu khích” trên biển để tăng mức tín nhiệm cá nhân trước khi Ukraine có kỳ bầu cử vào năm 2019.
Tổng thống Poroshenko đã áp lệnh thiết quân luật dọc các vùng biên giới của Ukraine trong thời gian 30 ngày để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Ông Poroshenko nói gì?
Trong cuộc phỏng vấn với Bild, ông Poroshenko nói Vladimir Putin muốn “chiếm biển [Azov]“.
“Đức là một trong các đồng minh gần gũi nhất của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia trong khối Nato nay sẽ sẵn sàng tái phối trí các tàu hải quân tới Biển Azov để trợ giúp Ukraine và đưa đến an ninh,” ông nói.
“Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách hung hăng này của Nga. Trước tiên là Crimea, rồi đông Ukraine, nay thì ông ta muốn Biển Azov. Cả nước Đức cũng cần tự hỏi minh: Ông Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu như chúng ta không chặn ông ta lại?”
Hôm thứ Hai, người đứng đầu khối Nato Stoltenberg kêu gọi Nga thả tàu và thủy thủ Ukraine, và nói Moscow cần phải nhận thấy “những hậu quả của các hành động của mình.”
Ông nói khối sẽ tiếp tục cung cấp “hỗ trợ chính trị và thực tế” cho Ukraine, một quốc gia đối tác của Nato.
Nato không có phản ứng tức thời trước tuyên bố mới nhất của ông Poroshenko.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46371607

Ngoại trưởng Nga: Mỹ khích lệ

hành động khiêu khích của Ukaine

Mỹ nên ngừng khuyến khích các hành động khiêu khích của Ukraine và thay vào đó ngay lập tức làm trung gian hòa giải cho Kiev và những người nổi dậy tại những khu vực của Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói với các phóng viên ở Geneva hôm 28/11.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nói các tàu chiến của Ukraine hôm 25/11 đã phớt lờ luật hàng hải khi họ tìm cách đi vào eo biển Kerch nhằm tạo ra một vụ rùm beng với mục đích chính trị trong nước của họ và rằng việc Mỹ khích lệ những hành động đó làm “tôi vô cùng chán nản.”
Nga hôm 26/11 bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine cùng với 23 thủy thủ tại eo biển Kerch – nằm giữa biển Azov và Biển Đen. Việc Nga bắt tàu chiến Ukraine này đã làm dấy lên những chỉ trích và lo ngại từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov hôm 27/11 nói với báo chí rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ tuyên bố lập trường của ông về tình hình này trong một vài ngày tới và rằng “sẽ là sai lầm nếu hạ giảm tầm quan trọng và sự nguy hiểm của những sự khiêu khích như vậy,” theo hãng tin nhà nước Nga TASS.
Ukraine gọi việc bắt giữ của Nga là một “hành động gây hấn” và nói rằng vụ việc này vi phạm hiệp ước năm 2003 giữa hai nước, theo đó cho phép các nước tự do sử dụng eo biển Kerch và Biển Azov.
Nga nói rằng các tàu chiến này vi phạm lãnh hải của họ trên Biển Đen và rằng các tàu đó “đã tiến hành các hành động nguy hiểm,” theo CNBC. Nga cũng cho biết các tàu của Ukraine không đáp lại các hướng dẫn của ban quản lý biên giới của cơ quan an ninh liên bang Nga và hạm đội Biển Đen yêu cầu họ dừng lại.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 26/11 cho rằng Ukraine đã vi phạm luật hàng hải và “luật quốc tế” và nói rằng Nga không nghi ngờ gì rằng “quan chức Ukraine biết về việc này.”
Bộ trưởng Lavrov hôm 27/11 nói rằng: “Tôi nghĩ chúng ta chưa nhìn thấy hết mọi thứ liên quan đến những hệ lụy của những hành động khiêu khích (hôm 26/11).”
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-nga-my-khich-le-hanh-dong-khieu-khich-cua-ukraine/4678254.html

Ukraine: Nga phong tỏa cảng ở Biển Azov

Bộ trưởng phụ trách về cơ sở hạ tầng của Ukraine, Volodymyr Omelyan, hôm 29/11 thông báo rằng hai cảng của nước này ở Biển Azov là Berdyansk và Mariupol đã bị Nga phong tỏa.
Reuters dẫn lời quan chức này nói thêm rằng hàng chục tàu bè đã bị cấm cập cảng và rời đi.
Ông Omelyan viết trên Facebook rằng tổng cộng có 35 tàu đã bị ngăn tiến hành các hoạt động bình thường và chỉ có các tàu tiến tới các cảng của Nga trên Biển Azov được phép cập cảng.
XEM THÊM:
Ngoại trưởng Nga: Mỹ khích lệ hành động khiêu khích của Ukaine
Quan chức này được trích lời nói rằng việc làm của Nga nhằm “đẩy lui Ukraine khỏi lãnh thổ của chúng tôi”.
Cảng ở Azov thường là nơi cập bến của các tàu hàng chở ngũ cốc và thép.
Nga đã giữ ba tàu hải quân Ukraine và thủy thủ đoàn hôm 25/11 gần bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập năm 2014.
Moscow cáo buộc Ukraine xâm nhập trái phép vào vùng biển của Nga. Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ hoàn toàn tố cáo này.
https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-nga-phong-t%E1%BB%8Fa-c%E1%BA%A3ng-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-azov/4679572.html

Liệu biển Azov sẽ là một dạng “Biển Đông” của Nga ?

Minh Anh
Chủ Nhật 25/11/2018, Nga bắt giữ ba tầu chiến của Ukraina sau một cuộc va chạm giữa hải quân hai nước tại eo biển Kertch. Sự việc cho thấy Matxcơva đang kiểm soát gần như hoàn toàn vùng biển Azov mà Nga và Ukraina từng ký kết thỏa thuận « cùng quản lý ». Câu hỏi đặt ra : Liệu biển Azov có phải là « ao nhà » của Nga, giống như Trung Quốc đang tham vọng kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông ?
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự cố vừa xẩy ra sẽ không đẩy Nga rơi vào trường hợp giống như Trung Quốc tại Biển Đông. Và những gì Nga đang làm tại biển Azov chỉ làm cho Trung Quốc phải mơ đến tại Biển Đông. Từ việc sáp nhập bán đảo Crimée, xây cầu nối bán đảo với lãnh thổ Nga, rồi dần dần kiểm soát eo biển Kertch và vùng biển Azov… tất cả những bước đi này của Nga chỉ gặp phải những phản ứng dè dặt từ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.
Khác với Trung Quốc, Nga tin chắc rằng tranh chấp tại biển Azov sẽ không biến thành một thất bại ngoại giao quốc tế như những gì Trung Quốc đang hứng lấy khi đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Theo nhận định của đô đốc James Foggo, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại châu Âu, trong một buổi hội thảo ở Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Washington, hồi tháng 10/2018, được tờ Defense News trích dẫn, có một sự khác biệt rất lớn giữa hai cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Azov.
Nếu như những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị tòa án Quốc tế La Haye và nhiều nước khác bác bỏ, thì chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kertch và biển Azov lại được xác định rất rõ ràng và được quốc tế thừa nhận.
Vùng lãnh hải này là biển nội địa, nửa kín và được quản lý theo điều khoản số 123 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, quy định Nga và Ukraina phải « hợp tác trên mọi lĩnh vực hàng hải, kể cả việc tiếp cận eo biển ».
Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chuyện Hoa Kỳ hay nhiều nước phương Tây điều tầu chiến qua lại eo biển Kertch nhân danh « tự do lưu thông hàng hải » như tại Biển Đông, bởi vì mọi ý định và mục đích tại vùng nước và eo biển này đều liên quan đến quyền sở hữu và tài phán của Nga và Ukraina.
Luật lệ quốc tế nêu rõ mọi giải pháp đều phải thông qua các thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraina, nhất là vì cả hai nước đã ký kết một đồng thuận về việc hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan đến eo biển.
Tuy nhiên, căn cứ theo bản thỏa thuận gốc giữa Nga và Ukraina liên quan đến eo biển, thì Kiev vẫn có thể mời tầu chiến Hoa Kỳ hay NATO ghé thăm các cảng biển nước này.
Trong khuôn khổ văn bản này, ngày 29/11/2018, tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã đề nghị các nước thành viên trong khối NATO và nhất là Đức triển khai tầu chiến tại Biển Azov nhằm hỗ trợ nước này đối phó với Nga.
Chỉ có điều một chiến dịch như thế rất có thể sẽ bị xem như một hành động « khiêu khích »và có nguy cơ gánh lấy những đòn trả đũa từ Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181129-lieu-bien-azov-se-la-mot-dang-bien-dong-cua-nga

Gruzia : Cựu đại sứ Pháp

trở thành nữ tổng thống đầu tiên

Thụy My
Bà Salomé Zourabichvili, 66 tuổi, cựu đại sứ Pháp tại Tbilissi, ứng cử viên của đảng cầm quyền Giấc Mơ Gruzia, ngày 29/11/2018 đã chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử được tổ chức hôm 28/11, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Gruzia. Bà tuyên bố Gruzia « đã chọn lựa châu Âu ».
Theo kết quả mới nhất được Ủy ban Bầu cử công bố, bà Salomé Zourabichvili đạt được 59,6% số phiếu ; bỏ xa đối thủ Grigol Vashadze của đảng Phong trào Quốc gia với 40,4%. Ngày 29/11, Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE) công nhận hai ứng cử viên đã có thể tranh cử một cách tự do trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, cho dù đối lập cho rằng có gian lận.
Sinh tại Pháp trong một gia đình người Gruzia nhập cư, bà Salomé Zourabichvili được bổ nhiệm làm đại sứ Pháp tại Tbilissi năm 2003. Năm 2004, bà nhập quốc tịch Gruzia và được tổng thống Mikheil Saakachvili mời tham gia chính phủ với chức ngoại trưởng ; nhưng một năm sau, bà bị cách chức dù nhiều ngàn người biểu tình phản đối. Ra tranh cử tổng thống lần này, bà Salomé Zourabichvili được nhiều cử tri ủng hộ. Dù nói chưa thật chuẩn ngôn ngữ của cha ông, nhưng nhà cựu ngoại giao thông thạo tiếng Pháp, Anh, Ý, Đức, Nga.
Bộ Ngoại Giao Pháp đã gởi lời chúc mừng đến bà Salomé Zourabichvili, cho biết sẵn sàng hợp tác để tăng cường quan hệ hai nước.
Đây là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp cuối cùng tại đất nước vùng Kavkaz thuộc Liên Xô cũ, trước khi chuyển sang chế độ đại nghị. Cho dù chức vụ tổng thống chỉ mang tính đại diện, nhưng cuộc bầu cử lần này mang ý nghĩa đặc biệt. Bà Salomé Zourabichvili ủng hộ châu Âu, cho biết trong những chuyến công du đầu tiên sẽ dành cho Bruxelles, Berlin, Paris và các nước vùng Baltic.
Cuộc bầu cử được Liên Hiệp Châu Âu và NATO chú ý theo dõi, vì Gruzia đang muốn gia nhập. Hai ứng cử viên tổng thống khác biệt về quan điểm trong quan hệ với Matxcơva.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181129-gruzia-cuu-dai-su-phap-tro-thanh-nu-tong-thong-dau-tien

Thâu tóm cảng biến trên thế giới:

TQ đang phá vỡ vòng vây của Mỹ và đồng minh

Trung Quốc đang đẩy mạnh các bước đi nhằm thể hiện vai trò một cường quốc biển, từng bước phá vỡ thế bao vây của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông. Bên cạnh tăng cường sức mạnh hải quân, Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào hạ tầng cảng biển trên quy mô toàn cầu. Từ giữa năm 2016 đến nay, các công ty của Trung Quốc đã công bố những khoản đầu tư trị giá khoảng 20 tỉ USD vào 9 cảng lớn ở nước ngoài, tăng gấp đôi so với năm 2015. Theo số liệu nghiên cứu của Tập đoàn Economist, đến hết tháng 9/2017, các công ty Trung Quốc đã nắm quyền đầu tư hoặc sở hữu cảng biển tại 34 quốc gia, với 12 kế hoạch đầu tư cảng biển tại 8 quốc gia khác trong thời gian tới.
Sáng kiến “Vành đai – Con đường” và các cảng biển mà Trung Quốc có cổ phần ở châu Âu.
Chiêu bài Trung Quốc dùng để thâu tóm các cảng biển
Đầu tiên, Trung Quốc sử dụng nguồn vốn vay, giúp hỗ trợ tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng mà các nước nghèo cần, đổi lại Bắc Kinh yêu cầu được tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của những nước này, từ khoáng sản tới cảng biển. Đáng chú ý, thay vì cung cấp các khoản trợ cấp hoặc các khoản vay ưu đãi, Trung Quốc hỗ trợ các khoản vay liên quan đến dự án lớn với lãi suất thị trường, không minh bạch, ít đánh giá tác động tới môi trường và xã hội.
Thứ hai, không như cách thức cho vay của các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), những tài sản thế chấp cho khoản vay của Trung Quốc là các tài sản quan trọng mang tính chiến lược và có giá trị lâu dài (kể cả đôi khi không đem lại lợi ích về mặt ngắn hạn). Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về cách sử dụng các khoản vay cũng như viện trợ đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm giành lấy ảnh hưởng trên thế giới. Thỏa thuận về khoản nợ cũng làm gia tăng một số cáo buộc gay gắt nhất về Sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng các chương trình cho vay và đầu tư toàn cầu đang mở rộng “chiếc bẫy nợ” mà Trung Quốc giăng ra với những quốc gia yếu kém trên thế giới, làm gia tăng tham nhũng và các hành vi chuyên quyền tại các nền dân chủ vẫn còn đang phải đấu tranh.
Thứ ba, Trung Quốc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư, đấu thầu để mua lại chính thức các cảng biển chiến lược trên thế giới như Tập đoàn phát triển cảng Merchants, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc; Công ty Trung Quốc như Cosco Shipping Ports…
Thứ tư, Trung Quốc dùng tiền tệ để thao túng chính trường một số nước kém phát triển, từ đó đạt được những lợi ích cần thiết. Trong các cuộc bầu cử năm 2015 của Sri Lanka, các khoản thanh toán lớn từ quỹ xây dựng cảng Trung Quốc được rót thẳng vào các hoạt động và công tác vận động bầu cử cho ông Rajapaksa, người đã chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc và được coi là đồng minh quan trọng trong nỗ lực chuyển hướng tầm ảnh hưởng khỏi Ấn Độ ở khu vực
Nam Á.Các nghiên cứu do chính phủ tiến hành đã kết luận rằng cảng biển ở Hambantota không hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên ông Rajapaksa bật đèn xanh cho dự án và sau đó tuyên bố là Trung Quốc đã nhập cuộc. Khoản vay lớn đầu tiên mà Sri Lanka nhận là 307 triệu USD từ Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được khoản vay, Sri Lanka buộc phải chọn công ty Cảng Trung Quốc (CHEC) làm đơn vị thi công.
Vị trí địa lí những cảng biển được Trung Quốc thuê
Trung Quốc thường chọn các cảng biển nước sâu, có vị trí địa chiến lược quan trọng, đáp ứng đủ điều kiện để các tàu quân sự Trung Quốc neo đậu. Châu Phi đang là mục tiêu đầu tư mang tính lịch sử của Trung Quốc. Lục địa này là nơi Trung Quốc khai thác tài nguyên khoáng sản và là thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc. Trong khi đó, các cảng biển ở khu vực châu Á đều nằm dọc theo Ấn Độ Dương hoặc Biển Ả Rập và tất cả lúc đầu đều được khai thác cho mục đích thương mại nhưng đi kèm với “các lợi ích quân sự tiềm năng”. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang ngày càng lo lắng rằng Trung Quốc có thể dùng sự ảnh hưởng về mặt kinh tế ở các cảng biển để tạo ra các ảnh hưởng chính trị lên các quốc gia thành viên. Đây là lý do vì sao một bộ khung quy định kiểm soát các hoạt động đầu tư nước ngoài trên toàn EU đang được thảo luận.
Không những vậy, Trung Quốc cũng tích cực tìm kiếm các cảng biển nằm ở gần khu vực Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi giúp Bắc Kinh kiểm soát và độc chiếm vùng biển này. Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia cho rằng, Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến vị trí chiến lược của Campuchia trong ASEAN cũng như trong khu vực sông Mê Kông, giáp Biển Đông. Đó là sân sau quan trọng nhất cho các tính toán chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Mục đích của Trung Quốc đằng sau những cảng biển nước ngoài:
Thứ nhất, việc thâu tóm các cảng biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại quốc tế, giúp nước này giải quyết tình trạng dư thừa hàng hóa trong nước bằng việc thúc đẩy xuất khẩu. Từng bước biến những nước bản địa trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn đạt được các lợi ích chiến lược, bao gồm mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao, đảm bảo tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích thế giới sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn và đạt được lợi thế trước các cường quốc khác trên thế giới.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để quân đội Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc từng góp 8.000 lính cho lực lượng gìn giữ hòa bình dự bị của LHQ. Theo công ty chuyên về nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ và tập đoàn, doanh nghiệp thương mại (Stratfor) của Mỹ, trong vòng 5 năm qua, có một xu hướng mà Stratfor quan sát được là lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động tích cực hơn hẳn. Số lượng nhiệm vụ được triển khai là rất cao và dự đoán sẽ còn tăng lên nữa. Có điều là các hoạt động nhộn nhịp của Hải quân Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi khả năng hậu cần hạn chế trên phạm vi thế giới. Cụ thể là khả năng tiếp tế trên đường, tức là các tàu có thể tiếp nhiên liệu ngay trên biển hoặc có các cảng phục vụ công tác tiếp tế nhu yếu phẩm và bảo trì. Dù Trung Quốc có đội tàu tiếp vận lớn thứ hai thế giới, họ vẫn chỉ đảm bảo được việc tiếp tế trong khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đầu tư mạnh để đóng các con tàu tiếp vận mới, Trung Quốc đang tích cực phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại. Trước hết là tăng khả năng hậu cần cảng biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tiếp đó là tăng khả năng hoạt động của các hạm đội Trung Quốc trên toàn cầu để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển.
Thứ tư, Trung Quốc tích cực triển khai các biện pháp thâu tóm cảng biển quốc tế để tìm cách thúc đẩy xu hướng di dân. Khi xây dựng cảng nước sâu Trung Quốc sẽ đưa công nhân từ trong nước tới những nước bản địa. Những công nhân này sẽ lấy vợ, sinh con và lập thành những cộng đồng Hoa kiều ở nước bản địa. Đó là cách di dân, tạo công ăn việc làm cho công nhân trong nước.
Thứ năm, việc đầu tư xây dựng các hải cảng ở nước ngoài là một phần trong chiến lược xây dựng “Chuỗi ngọc trai trên biển” của Trung Quốc. Đây là kế hoạch xây dựng vành đai căn cứ quân sự chạy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương và tới tận bờ biển châu Phi. Với việc kết nối thành công các hệ thống cảng biển trên, Trung Quốc sẽ phá vỡ thế bao vây của Mỹ và các nước đồng minh đang tạo ra ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Các cảng nước sâu đang xây dựng tại Campuchia có thể chứa hầu hết các tàu khu trục và chiến hạm khác của hải quân Trung Quốc. Đó là một phần trong mạng lưới các cảng Trung Quốc đầu tư ở châu Á, đặc biệt là ở Sri Lanka, Pakistan, Myanmar, Bangladesh, Thái Lan và Indonesia. Những hải cảng này đóng vai trò vô cùng quan trong trong việc theo đuổi mục tiêu thống trị khu vực.
Thứ sáu, các cảng thương mại có thể xây dựng với mục tiêu dần dần phát triển thành các “điểm hỗ trợ chiến lược” có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong việc kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Washington, việc đầu tư vào các cảng biển có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hải quân tầm xa của Bắc Kinh.
Thứ bảy, việc nắm quyền kiểm soát các cảng biện gần căn cứ quân sự của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc có thể theo dõi chặt chẽ các hoạt động tàu của Mỹ, biết được các hoạt động bảo trì, có quyền truy cập vào các thiết bị di chuyển đến và từ các địa điểm sửa chữa và tương tác một cách tự do với các thủy thủ của chúng tôi trong các giai đoạn kéo dài.
Thứ tám, nâng cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Việc mua những cảng mới này cũng giúp Trung Quốc tham gia sâu hơn vào nền chính trị và kinh tế của thế giới. Mặc dù số tiền mà nước này đã bỏ ra có thể nhiều đến mức vô lý, điều mà Trung Quốc đang nhận lại được là chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế mà họ có thể duy trì trong nhiều thập kỷ, tạo ra một mô hình kinh tế địa chính trị mới. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã luôn nở nụ cười và nói về các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế như dự án hàng hải của Trung Quốc đang tạo ra các mặt trận mới của thế kỷ 21, nơi lợi thế về kinh tế là vũ khí chủ đạo.
Trung Quốc đã thâu tóm thành công nhiều cảng biển quan trọng trên thế giới
Tại Sri Lanka, Trung Quốc sử dụng khoản nợ 1,1 tỷ USD để đối lấy cảng biển chiến lược Hambantota trong 99 năm. Cảng Hambantota nằm giữa tuyến đường giao thương giữa Ấn Độ Dương, kết nối châu Âu, châu Phi, Trung Đông tới châu Á. Cho dù đã nhượng cảng, hiện nay Sri Lanka mắc nợ Bắc Kinh nhiều hơn bao giờ hết, bởi lãi suất cao trên các khoản vay hiện tại. Năm nay (2018), nước này nợ gần 13 tỷ USD, trong khi tổng thu ngân sách dự báo dưới 14 tỷ USD.
Tại Australia, Tập đoàn Landbridge thuộc Trung Quốc chi 388 triệu USD để thuê cảng nước sâu Darwin của với thời hạn 99 năm. Theo đó, Landbridge Group sẽ thuê đất thuộc Cảng Darwin và cơ sở hạ tầng của bến cảng East Arm bao gồm căn cứ quân sự cung ứng hải quân Darwin, bến cảng Fort Hill trong 99 năm.
Tại Campuchia, Tập đoàn ở Thiên Tân là Tianjin Union Development Group (UDG) Trung Quốc chi 3,8 tỉ USD thuê cảng nước sâu tại tỉnh Koh Kong của Campuchia. Dự án cải tạo cảng này này có tên là Dara Sakor, bao gồm kế hoạch xây một sân bay quốc tế, các bệnh viện, trường quốc tế, khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao, đã được lãnh đạo quân sự của hai nước thông qua vào năm 2008, với thời hạn sử dụng là 99 năm. Dự án trên có diện tích 360 km2, chiều dài lên tới 90 km, chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh vào cảng Sihanoukville vốn bị bỏ hoang trước kia. Theo Trung tâm Nhân quyền Campuchia, từ năm 1994 đến 2012, đã có 4,6 triệu ha đất được Campuchia cho Trung Quốc thuê trong 99 năm mà mỗi ha chỉ đáng giá vài đô la Mỹ. Riêng diện tích đất nông nghiệp Campuchia bị người Trung Quốc thuê đã lên tới 2,14 triệu ha, chiếm hơn một nửa diện tích đất canh tác của quốc gia này. Tại Malaysia, các công ty Trung Quốc cũng đầu tư mạnh cho 4 cảng biến ở Malaysia, cụ thể 7,2 tỷ USD cho cảng Melaka Gateway, 2,84 tỷ USD cho cảng Kuala Linggi, 1,4 tỷ USD cho cảng Penang và 177 triệu USD cho các dự án cảng Kuantan. Tại Indonesia, công ty Ningbo Zhoushan Port của Trung Quốc dự định đầu tư 590 triệu USD cho Kalibaru – dự án mở rộng Tanjung Priok – cảng biển lớn nhất nước này.
Tại Myanmar, Trung Quốc đầu tư 7,3 tỷ USD tại cảng nước sâu Kyauk Pyu, nằm ở mũi phía Tây của bang Rakhine, phía Tây Myanmar. Tuy nhiên, sau những cảnh báo về các dự án được Trung Quốc rót vốn tại Sri Lanka và Pakistan, Chính phủ Myanmar đã thu nhỏ quy mô dự án xây cảng trên xuống còn khoảng 1,3 tỷ USD. Tập đoàn CITIC của nhà nước Trung Quốc, đơn vị phát triển chính của dự án, cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và 1,3 tỷ USD đã được chi cho “giai đoạn đầu” của dự án xây cảng Kyauk Pyu. CITIC cho biết thêm rằng dự án này được chia thành 4 giai đoạn, song không nói cụ thể về các giai đoạn tiếp theo. Được biết, Kyauk Pyu là một điểm khởi đầu cho một đường ống cung cấp dầu và khí đốt dài 770 km cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường ống dẫn dầu này sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, từ đó tránh được nút giao chiến lược qua Eo biển Malacca. Theo kế hoạch ban đầu, Kyauk Pyu sẽ có khả năng cạnh tranh với các cảng như Manila hay Valencia ở Tây Ban Nha. Tiến trình xây dựng trên cảng và một đặc khu kinh tế kèm theo, với tổng trí giá ước tính lên tới 10 tỷ USD, dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Một khu công nghiệp rộng khoảng 1.700 ha trị giá 2,3 tỷ USD đã được lên kế hoạch nhằm thu hút các ngành lọc dầu và dệt may. Trước việc trên, các nhà phân tích nhận định Chính phủ Myanmar đang đứng trước tình thế khó xử trong việc đàm phán lại dự án với Trung Quốc. Nước này đang ngày càng phụ thuộc vào sự ủng hộ ngoại giao từ Bắc Kinh khi mà họ đang đối mặt với những chỉ trích của phương Tây về cách đối xử với cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine và cần sự giúp đỡ của Bắc kinh để chấm dứt các cuộc xung đột sắc tộc ở khu vực biên giới. Nhưng nhiều người ở Myanmar cũng cảnh giác với việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tại châu Âu, Trung Quốc bắt đầu in dấu chân ở 3 cảng biển lớn nhất ở châu Âu: Euromax ở Rotterdam, Hà Lan (Trung Quốc sở hữu 35%); Antwerp tại Bỉ (sở hữu 20%) và Hamburg, Đức (Trung Quốc chuẩn bị xây dựng một nhà ga mới).
Tại Brazil, China Merchants Port Holdings đã mua 90% cổ phần của nhà khai thác cảng TCP Participacoes (Brazil), với giá gần 1 tỷ USD.
Tại Pakistan, Chính quyền Pakistan cho biết hoạt động vận hành của cảng biển Gwadar đã đươc giao cho công ty cảng nước ngoài Trung Quốc (COPHC) quản lý theo hợp đồng cho thuê thời hạn 40 năm. Tại Hy Lạp, Trung Quốc dùng khoản nợ 436 triệu USD để “thu nợ” cảng Piraeus ở Địa Trung Hải. Tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng 2 cảng mới ở Haifa và Ashdod. Trước đó, đã có thông báo rằng tỉnh Giang Tô đã chi 300 triệu USD để xây dựng một khu thương mại tự do xung quanh cảng Khalifa ở Abu Dhabi.
Tại Djibouti, Trung Quốc thuê cảng với giá 20 triệu USD một năm. Hiện Bắc Kinh đã triển khai căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại nước này.
Ngay cả tại Mỹ, nơi cảng biển là lĩnh vực bị cấm đối với các nhà đầu tư nước ngoài, China Merchants Group vẫn sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ tại những cảng ở Houston và Miami thông qua việc mua lại Terminal Link, một công ty vận tải biển của Pháp.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang nắm quyền kiểm soát cảng Chittagong ở Bangladesh, cảng Kirkenes của Na Uy, cũng như các cảng khác ở Iceland, Thailand, Indonesia, Hy Lạp, Ma-rốc, Tây Ban Nha, Ý, Bờ Biển Ngà, Ai Cập và nhiều nước khác.
Những mục tiêu kế tiếp của Trung Quốc
Theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu, có 8 quốc gia có nguy cơ thương tổn bởi nợ Trung Quốc, bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan, và Tajikistan. Tại Thái Bình Dương, các nước như Vanuatu, Papua New Guinea và Tonga đều đang nợ Chính phủ Trung Quốc hàng tỉ USD. Các nước này có vị trí địa lý nằm bao quanh các nước đồng minh của Mỹ là Australia, New Zealand. Vanuatu – nước cách bờ biển Australia khoảng 2.500km – cũng đã vay ít nhất 270 triệu USD từ Trung Quốc trong vòng 10 năm qua, chiếm đến 35% tổng GDP của nước này.
Trong khi đó, một vài quốc gia khác, từ Argentina, Namibia tới Lào đều “kẹt” trong bẫy nợ Trung Quốc, buộc phải lựa chọn giải pháp cho Trung Quốc thuê tài sản để xóa nợ. Khoản nợ khổng lồ của Kenya có nguy cơ buộc nước này biến cảng Mombasa – cửa ngõ Đông Phi – thành một cảng Hambantota thứ hai.
Tác động của các cảng biển Trung Quốc đã thâu tóm đối với các nước
Đối với Mỹ, việc Trung Quốc liên tục thâu tóm các cảng biển ở khu vực Đông Nam Á có thể sẽ đe dọa an ninh quốc gia và ảnh hưởng đến quan hệ quân sự, chính trị chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc.
Đối với Australia, Trung Quốc kiểm soát cảng Darwin sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Australia, vì cảng biển Darwin là nơi gần nhất để nước này tiến vào Biển Đông – tuyến hàng hải trị giá 5 nghìn tỷ USD/năm, nơi Trung Quốc đang muốn độc chiếm với các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi. Vấn đề an ninh còn được đặt ra khi Australia có kế hoạch tuần tra cùng với Mỹ, trong đó có khả năng tàu chiến hai nước cùng xuất phát từ cảng Darwin. Ngoài ra, mỗi năm, hàng nghìn thủy quân lục chiến cùng máy bay chiến đấu Mỹ tập trận và hơn 15 nghìn binh sỹ (chiếm 2/3 quân lực Australia) đồn trú tại đây.
Singapore sẽ là quốc gia trong khu vực ASEAN bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu các cảng nước sâu của Trung Quốc được phát triển mạnh tại Campuchia. Singapore sẽ bị mất thị phần hàng hóa và không thể cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Bởi lẽ con đường biển vòng qua eo biển Malacca đến Singapore hiện nay khá xa và không thật sự an toàn.
http://biendong.net/diem-tin/24989-thau-tom-cang-bien-tren-the-gioi-tq-dang-pha-vo-vong-vay-cua-my-va-dong-minh.html

Những đề xuất của TQ với Mỹ

có thể phá vỡ bế tắc thương mại

Chuyên gia của Nhà Trắng cho rằng, hai bên có thể đạt thỏa thuận nếu Trung Quốc đưa ra được ý tưởng mới và thay đổi thái độ.
Cuối tuần này, Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ – Donald Trump sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina. Ngoài đề xuất các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn, ông Tập có thể đưa ra cách giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, SCMP trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.
Một trong số đó là tăng mở cửa thị trường – động thái được coi là dễ dàng nhất với Trung Quốc. “Đây là vấn đề Chính phủ Trung Quốc chịu ít sức ép nhất”, người này cho biết, “Nó như một khoản thanh toán quá hạn thôi”.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng – Larry Kudlow đến nay vẫn khẳng định “có khả năng” đạt thỏa thuận nếu Trung Quốc đưa ra các ý tưởng mới và thay đổi thái độ. Dù vậy, những bình luận này lại đi ngược với sự bi quan trong phát biểu mới nhất của ông Trump hồi đầu tuần, rằng ông sẽ khó hoãn tăng thuế với hàng Trung Quốc. Trả lời SCMP, Kudlow cho biết tham gia cuộc gặp của nhà hai lãnh đạo cuối tuần này còn có quan chức thương mại hai nước.
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về việc Trung Quốc chậm mở cửa thị trường, can thiệp để phát triển các ngành công nghệ cao trong nước, và hỗ trợ hào phóng cho các công ty nội. Đáp lại, Bắc Kinh đã giảm ca tụng Made in China 2025 – kế hoạch biến họ thành một nền kinh tế công nghệ cao, đồng thời cam kết giảm dần giới hạn sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực. Dù vậy, những động thái này vẫn được cho là chậm chạp và chưa đủ mạnh tay.
Nguồn tin trên cho biết Trung Quốc sẽ không bỏ mặc các công ty quốc doanh. Tuy nhiên, họ sẽ cần gỡ bỏ các chính sách và quy định pháp lý đang tạo lợi thế cho các công ty này, để cào bằng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân và công ty ngoại. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể ngừng hỗ trợ tín dụng cho các công ty quốc doanh đã niêm yết và loại bỏ các chính sách công nghiệp mâu thuẫn, kém hiệu quả.
“Nếu căng thẳng với Mỹ có thể xoa dịu, nó sẽ tạo ra môi trường bên ngoài ổn định, để lãnh đạo đối phó các rủi ro hiện tại trong nền kinh tế Trung Quốc”, nguồn tin cho biết. Các nhà phân tích đã cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nửa đầu năm tới, khi thất nghiệp tăng cao và dòng vốn rút ra mạnh lên.
Tại Mỹ, tăng trưởng quý IV có thể cũng chậm lại, sau khi bật cao trong quý III. Việc này có thể gây sức ép lên thị trường chứng khoán vốn đã biến động tại đây.
Nguồn tin trên cho biết cả ông Trump và ông Tập đều không muốn nhận trách nhiệm cho việc kinh tế đi xuống vì chiến tranh thương mại. “Các đề xuất của Trung Quốc có thể chỉ được đưa ra một lần này thôi, và là rất chân thành rồi. Nếu Mỹ từ chối chấp nhận, chúng ta sẽ xem ai có thể chịu thiệt hại kinh tế lâu hơn”, người này cho biết.
Phần lớn nhà phân tích cho rằng kết quả tốt nhất hai lãnh đạo có thể đạt được cuối tuần này là ngừng áp thêm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, sự đình chiến này có thể chỉ là tạm thời. Mỹ đến nay vẫn cáo buộc Trung Quốc có các hoạt động thương mại không công bằng, và đe dọa nâng thuế từ 10% lên 25% năm tới với 200 tỷ USD hàng nước này.
SCMP trích lời một nguồn tin từ Mỹ cho biết thuế nhập khẩu chỉ là một phần nhỏ. Tăng giám sát đầu tư và kiểm soát chặt chuyển giao công nghệ với các công ty Trung Quốc sẽ vẫn được tiến hành, dù có đàm phán thương mại hay không. “Nói một cách căn bản, chính sách của Mỹ với Trung Quốc không thể quay về trạng thái tĩnh như trước năm 2016 được”, người này cho biết.
Về phía Trung Quốc, rủi ro được cho là thuế nhập khẩu chỉ có thể bị trì hoãn và sẽ tái áp đặt nếu Mỹ bất mãn với phản ứng của Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc thì vẫn khẳng định hai nước là cơ hội của nhau, chứ không phải thách thức, và họ nên là đối tác hơn là đối thủ.
http://biendong.net/doc-bao-viet/24999-nhung-de-xuat-cua-tq-voi-my-co-the-pha-vo-be-tac-thuong-mai.html

Xã hội chủ nghĩa Trung Quốc : Mô hình lừa đảo

Tú Anh
Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa hay thực chất là một chế độ tư bản do một đảng tự xưng là « Cộng Sản » lãnh đạo ? Ngày 04/05/2018, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx, chủ tịch Tập Bình tuyên bố : « Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ Mác-xít ». Cùng hòa điệu, cố vấn Vương Hỗ Ninh, lý thuyết gia của chế độ khẳng định : « Tư tưởng Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21 ». Hư thực ra sao ?
Theo giáo sư Mác-xít Gérard Dumesnil và cũng là giám đốc nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp cho rằng « xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Quốc », nôm na là một thủ đoạn « treo đầu dê bán thịt chó » mà chính bản thân ông và nhiều nhà trí thức Mác-xít Tây phương cũng bị gạt.
RFI tiếng Việt giới thiệu một số trích đoạn trong bài phỏng vấn do đồng nghiệp RFI ban Hoa ngữ thực hiện.
Bẫy lừa trí thức
RFI :Năm nay 76 tuổi, giáo sư Gérard Dumesnil hiện vẫn hoạt động trong phong trào ATTAC, một tổ chức vì hoạt động của xã hội công dân vận động đánh thuế chuyển ngân, có mặt tại 38 quốc gia. Thông thạo tiếng Quan thoại, chuyên gia chủ nghĩa Mác có một thời gian hợp tác với đại học Trung Quốc và được trọng vọng cộng tác với một số tạp chí chuyên đề kinh tế – chính trị và tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp Trung Quốc. Vì sao thất vọng ? Ông chia sẻ kinh nghiệm.
Gérard Dumesnil : Bắt đầu từ thập niên 2000, cho đến 2010 thì lần đầu tôi được mời giảng dạy trong một tháng tại đại học Phúc Đán (Fudan) ở Thượng Hải. Sau đó, tôi được mời tham dự các cuộc hội thảo, trao đổi kiến thức…
Tháng dạy học ở Phúc Đán, với sinh viên bậc tiến sĩ triết học, diễn ra rất tốt đẹp. Tuy nhiên, các cuộc hội thảo mà tôi được tham dự, phải nói là rất thất vọng. Thứ nhất là vì tình hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc. Thứ hai, theo nhãn quan chính trị của chế độ hiện nay đối với chủ nghĩa Mác, thì một nhà nghiên cứu Mác-xít như tôi là kẻ đáng ngờ, không đáng tin cậy. Do vậy, một thời gian sau, tôi ngưng cộng tác, không đi Trung Quốc nữa.
RFI :Trong một chương trình của đài phát thanh văn hóa France Culture, cùng với đồng nghiệp Pháp Dominique Levy, giáo sư Gérard Dumesnil có than phiền là bị phía Trung Quốc gài bẫy, đánh lừa. Đánh lừa như thế nào và với dụng ý gì ?
Gérard Dumesnil: Vâng, tôi bị họ lừa. Bởi vì lúc đầu tôi không thể nghĩ ra mưu mô của Trung Quốc. Bước thứ nhất, người của họ tiếp xúc với tôi một cách lịch sự, ca tụng các công trình nghiên cứu của tôi.
Để không làm mất thời giờ, tôi xin nêu hai trường hợp cụ thể là hai tạp chí Anh ngữ do những người Trung Quốc tự xưng là « Mác-xít » chủ biên dành cho giới độc giả trình độ hàn lâm, đại học. Hai tạp chí đó là World Review of Political Economy và Internatinal Critical Forum, cả hai đều bằng tiếng Anh. Họ mời tôi cộng tác viết bài nhất là chủ đề về « lợi ích rút ra từ những tác phẩm của Karl Marx » để tìm hiểu thế giới ngày nay. Đó cũng là chủ đề của số báo đầu tiên mà tôi viết một cách tận tâm.
Sau khi tạp chí được phát hành thì tôi thấy được đòn lừa của họ : Những bài đăng trong tạp chí, và các tác giả, được giới thiệu là « công cuộc tiếp nối tiến trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa » theo mô hình Trung Quốc. Khẳng định như vậy là trái với ý tôi. Bản thân tôi, theo chủ nghĩa Mác, chưa bao giờ tôi tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chưa hết, sau đó họ giăng một chiếc bẫy khác. Khi được mời tham gia, đóng góp tham luận các cuộc hội thảo. Một lần tôi được giải thưởng, phần thưởng « hạng nhì ». Còn « giải nhất »được trao cho một ông giáo sư gì đó và được giới thiệu là « lý thuyết gia số một của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Quốc ».
Tôi hiểu ra là người ta lừa tôi tham gia một phong trào có chỉ đạo, có ngân sách dồi dào để tổ chức các cuộc hội thảo đó đây trên khắp thế giới, núp dưới danh nghĩa trao đổi về chủ nghĩa Mác. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở châu Âu, châu Mỹ cũng đã tham gia một cách hứng khởi bởi vì họ nghĩ rằng chủ nghĩa Mác chưa hết thời. Có ngờ đâu, chúng tôi bị lừa phục vụ một chiến lược chính trị có tài trợ dồi dào, để biện minh, quảng cáo cho cái gọi là « Chủ nghĩa Mác theo mô hình Trung Quốc » mà tôi không tin. Do vậy, tôi nghĩ rằng tốt hơn là không nên chơi với Trung Quốc.
Nói xuôi, làm ngược
RFI:Vì sao chủ nghĩa xã hội mang nét đặc thù Trung Quốc mà Bắc Kinh quảng cáo lại không thể gọi là có liên quan đến chủ nghĩa Mác ? Đâu là điểm khác biệt cốt lõi giữa mô hình Trung Quốc và Mác-xít ?
Gérard Dumesnil : Bởi vì những lý thuyết của Đặng Tiểu Bình, theo đó, Trung Quốc sẽ phát triển các lực lượng sản xuất phối hợp với tư bản chủ nghĩa lúc khởi đầu. Sau đó, Trung Quốc sẽ đạt được vị trí của một quốc gia phát triển, như Mác dự báo, điều kiện tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Tôi cho đây là thuyết trò hề của Đặng Tiểu Bình. Bởi vì Trung Quốc hiện nay đang hình thành, đúng hơn là có một thành phần đang tự chuyển biến thành một giai cấp thống trị « phức hợp » : sản xuất theo phương pháp tư bản nhưng do đảng quản trị. Chính những kẻ nắm đặc quyền là những kẻ làm giàu kinh khủng rõ rệt nhất. Do vậy, tôi không tin là đến một lúc nào đó, có thể đảo ngược tiến trình « đặc quyền tóm thu đặc lợi » để lợi nhuận được chia đều, xây dựng xã hội công bằng như Karl Marx chủ trương.
Chính sách hiện nay của chế độ Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng là nếu muốn thực hiện xã hội chủ nghĩa theo chủ trương Mác-xít thì phải có một cuộc cách mạng bạo lực dữ dội (lật đổ giai cấp thống trị).
Không có trường phái Mác-xít tại Trung Quốc
RFI : Đầu tháng 05/2018, chính quyền Trung Quốc tổ chức trọng thể 200 năm ngày sinh của ông tổ chủ nghĩa cộng sản. Trong dịp này, ông Tập Cận Bình khẳng định là Trung Quốc luôn « giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác » mà « người giữ đền » là đảng Cộng Sản Trung Quốc. Thế mà, sau khi triệt hạ được các đối thủ tiềm tàng, « tư tưởng » của chủ tịch Trung Quốc được ghi vào cương lĩnh của đảng Cộng Sản và Hiến Pháp. Chưa hết, cố vấn của chủ tịch Tập Cận Bình là Vương Hỗ Ninh, cũng xuất thân từ đại học Phúc Đán, tuyên bố « tư tưởng Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21 ».
Có đúng vậy hay không và vì sao Bắc Kinh chi thật nhiều tiền để nghiên cứu Mác-xít ?
Gérard Dumesnil : Đối với tôi, đó là tuyên bố lừa đảo. Thế nào là xã hội chủ nghĩa theo Karl Marx ? Là xóa bỏ bất công, ít ra là xoa dịu được sức ép của giai cấp bóc lột. Trung Quốc của Tập Cận Bình không đi theo con đường này. Tập Cận Bình lặp đi lặp lại cái gọi là chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.
Tôi cũng không nghĩ là có một trường phái Mác-xít tại Trung Quốc với thực tâm cập nhật hóa, canh tân học thuyết của Karl Marx. Trái lại là đằng khác, chính quyền Trung Quốc chi ra những món tiền lớn để tuyên truyền, để lý giải cho đường lối chính trị hiện nay. Trong khi đó, tại Trung Quốc, không có một nỗ lực, một sáng kiến nào từ giới triết gia, kinh tế gia hay sử gia để canh tân tư tưởng của Mác. Những điều họ phát biểu trong các cuộc hội thảo nghe qua rất thảm hại. Thật là đáng tiếc cho Trung Quốc.
Nhân chứng sống : Sinh viên Trung Quốc
Những phân tích trên đây của chuyên gia « Mác-xít » Pháp về sự khác biệt giữa lời nói và hành động của chế độ Trung Quốc. Quan điểm của giáo sư Gérard Dumesnil phần nào được thực chứng : Bắc Kinh trấn áp mọi sáng kiến thực hành tư tưởng Mác vào đời sống.
Từ hai tháng nay, hơn 70 sinh viên Trung Quốc được đào tạo về chủ nghĩa Mác đã bị công an câu lưu, là những nhân chứng sống. Ngày 24/09, tại đại học Quảng Đông, 60 sinh viên bị bắt. Từ ngày 09 đến ngày 13/11, công an bắt thêm hơn một chục sinh viên mới tốt nghiệp cũng ở Quảng Đông và Vũ Hán. Cho đến nay, khoảng 30 người còn bị giam hoặc bị quản chế tại gia. Tội của những người trẻ này là lập hội thực hiện lý tưởng Mát-xít, giúp đỡ giai cấp công nhân tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181129-xa-hoi-chu-nghia-trung-quoc-mo-hinh-lua-dao

Lo ngại TQ, Nhật muốn sở hữu hàng không mẫu hạm

Nhật Bản dự tính sẽ sở hữu ít nhất một hàng không mẫu hạm, lần đầu tiên kể từ Thế Chiến II, nhằm chống lại việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về hàng hải ở Thái Bình Dương, theo Guardian.
Dẫn lại tin của các cơ quan báo chí khác, tờ báo Anh cho biết rằng chính quyền Tokyo sẽ nâng cấp hai tàu chở trực thăng để có thể vận chuyển và là nơi cất cánh của các chiến đấu cơ.
Kế hoạch này dự kiến sẽ được bao gồm trong bạch thư về quốc phòng mới, dự kiến sẽ được công bố vào tháng tới.
Theo Guardian, việc sửa chữa lại tàu dài 248 mét, lớp Izumo, vốn có thể chở tới 14 máy bay trực thăng, đồng nghĩa với việc Nhật sẽ có hàng không mẫu hạm đầu tiên kể từ sau Thế Chiến II.
Nhưng những người chỉ trích cho rằng việc đó vi phạm hiến pháp chủ hòa của Nhật, vốn quy định rằng quân đội chỉ đảm nhiệm vai trò phòng thủ.
Nikkei, tờ báo chuyên về tài chính của Nhật, đưa tin rằng Tokyo dự kiến sẽ mua 100 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ trị giá gần 9 tỷ đôla, một năm sau khi Tổng thống Trump kêu gọi Nhật mua thêm vũ khí từ Hoa Kỳ.
Trong bạch thư quốc phòng năm ngoái, Nhật Bản nhận định rằng Trung Quốc đã đóng và sở hữu hàng không mẫu hạm nhằm cho phép nước này mở rộng vào vùng Thái Bình Dương gần các đảo ở phía tây nam của Nhật.
https://www.voatiengviet.com/a/lo-ng%E1%BA%A1i-tq-nh%E1%BA%ADt-mu%E1%BB%91n-s%E1%BB%9F-h%E1%BB%AFu-h%C3%A0ng-kh%C3%B4ng-m%E1%BA%ABu-h%E1%BA%A1m/4679636.html

Hàn Quốc buộc Mitsubishi bồi thường

cho lao động cưỡng bức thời chiến

Thụy My
Tối cao Pháp viện Hàn Quốc ngày 29/11/2018 buộc tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường cho 28 người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Tokyo lập tức phản đối bản án.
Tòa án Tối cao đồng ý với phán quyết của Tòa Phúc thẩm năm 2013, buộc Mitsubishi bồi thường 80 triệu won (62.800 euro) cho từng người trong nhóm 23 nguyên đơn khiếu kiện. Ngoài ra, tập đoàn Nhật còn phải bồi thường 150 triệu won (117.750 euro) cho mỗi thành viên của một nhóm 5 nguyên đơn khác.
Hai nhóm nguyên đơn này sau khi bị bác đơn ở Nhật Bản đã kiện tại Hàn Quốc, đa số khẳng định bị giáo viên người Nhật lừa sang, nhưng khi đến Nhật Bản họ lại bị đưa vào nhà máy làm việc với đồng lương rẻ mạt, thay vì đi học.
Tập đoàn Mitsubishi cho rằng bản án vừa tuyên « hết sức đáng tiếc ». Ngoại trưởng Nhật Taro Kono ngay lập tức ra thông cáo cho rằng quyết định của Tối cao Pháp viện Hàn Quốc « hoàn toàn không thể chấp nhận được », « phá vỡ cơ sở pháp lý trong quan hệ hữu nghị Nhật-Hàn ».
Theo số liệu của Hàn Quốc, khoảng 780.000 công dân nước này đã bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ quân Nhật chiếm đóng, chưa kể các « phụ nữ giải sầu ». Tokyo khẳng định các tranh chấp kiểu này đã được giải quyết bằng thỏa ước năm 1965, đã giúp tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trong đó có cả các khoản bồi thường. Tuy nhiên, tư pháp Hàn Quốc vẫn cho rằng thỏa thuận trên không liên quan đến những lao động làm việc trong xưởng máy Nhật.
Trước đó, vào tháng 10/2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc cũng đã buộc tập đoàn Nhật Nippon Steel & Sumitomo Metal đền bù cho bốn nạn nhân lao động cưỡng bức, mỗi người 100 triệu won.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181129-han-quoc-buoc-mitsubishi-boi-thuong-cho-lao-dong-cuong-buc-thoi-chien

Phương Tây bỏ lỡ bước nhảy của TQ

qua Myanmar vào vịnh Bengal

Trung Quốc và Myanmar sẽ đẩy nhanh việc xây dựng một hành lang kinh tế từ biên giới hai nước đến Vịnh Bengal.
Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Ning Jizhe, đã thỏa thuận trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo không chính thức của Myanmar Aung San Suu Kyi và các cuộc họp làm việc với 11 bộ, ngành liên quan. Chuyến thăm của quan chức Trung Quốc diễn ra vào những ngày 24 — 27 tháng Mười một.
Hai bên nhất trí phối hợp các kế hoạch phát triển, thúc đẩy việc xây dựng một hành lang kinh tế và phát triển hợp tác trong các dự án trọng điểm chung. Hành lang kinh tế Trung Quốc — Myanmar dài 1700 km từ Côn Minh đến khu kinh tế đặc biệt tại cảng Kyaukpyu thuộc bang Rakhine. Việc xây dựng một cảng nước sâu và một khu công nghiệp với sự tham gia của Trung Quốc là những dự án thí điểm của hành lang này. Một dự án khác là xây dựng tuyến đường sắt trong tương lai sẽ liên kết tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với bờ biển Vịnh Bengal, chạy gần như song song với hệ thống đường ống dẫn khí và ống dẫn dầu hiện có.
Các dự án cảng và đường sắt trong những năm gần đây đã bị đóng băng. Trong tháng Mười — tháng Mười một, hai bên đã đồng ý quay trở lại với công việc này một lần nữa và chuẩn bị một nghiên cứu khả thi. Có một mong muốn chung để thực hiện các dự án trong điều kiện minh bạch tối đa, trên cơ sở cạnh tranh và kiểm soát chặt chẽ các chi phí ước tính. Có thể những đột phá
trong hướng này sẽ thúc đẩy hai bên thực hiện một dự án điện quy mô lớn. Đây là việc xây dựng đường dây tải điện từ Trung Quốc đến các khu vực ven biển của Myanmar, đi qua các khu vực đang trong tình trạng bất ổn giữa các bộ tộc và các nhóm vũ trang. Tuy nhiên chuyên gia của Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Aida Simonia không coi đây là một trở ngại nghiêm trọng cho việc thực hiện dự án. Theo bà, chính quyền hoàn toàn kiểm soát tình hình và có thể đảm bảo sự an toàn của các công trình xây dựng trong tương lai.
Dưới chế độ quân sự ở Myanmar, phương Tây, với lý do vi phạm nhân quyền, cắt đứt tất cả các mối quan hệ kinh tế và tài chính với nước này. Khi đó, Trung Quốc với tầm nhìn xa lợi dụng điều này gia tăng mạnh sự hiện diện của mình trong nền kinh tế Myanmar. Phương Tây đã bỏ lỡ bước nhảy của Trung Quốc vào Myanmar, và khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép phương Tây hợp tác với Myanmar, tất cả các lĩnh vực có lợi nhuận thực sự đã bị dòng vốn Trung Quốc chiếm giữ.
Bây giờ, có vẻ như tình hình được lặp lại. Myanmar lại một lần nữa bị cô lập quốc tế, xung đột với phương Tây trên vấn đề những người tị nạn Rohingya. Trong bối cảnh này, Myanmar lại tích cực hướng tới Trung Quốc. Theo dự báo của chuyên gia Aida Simonia, Hoa Kỳ sẽ không thể ngăn chặn việc thực hiện các dự án Myanmar — Trung Quốc. Phương Tây dường như chậm trễ một lần nữa — Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện kinh tế của mình ở Myanmar, và có lợi cho đất nước này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24992-phuong-tay-bo-lo-buoc-nhay-cua-tq-qua-myanmar-vao-vinh-bengal.html

Sri Lanka ký thỏa thuận với TQ

để nâng cấp cảng giữa hỗn loạn chính trị

Sri Lanka hôm 29/11 ký hai hợp đồng trị giá nhiều triệu đôla với các công ty Trung Quốc để thực hiện dự án nâng cấp cảng giữa tình huống rối loạn chính trị đã làm dấy lên những nghi vấn về tính chính danh của chính phủ, cũng như tính hợp pháp của các thỏa thuận.
Theo Reuters, hòn đảo đầy dẫy nợ nần này từ lâu đã là mục tiêu của dự án đầy tham vọng “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm kết nối Trung Quốc với các nước khắp Châu Á và xa hơn nữa, trong khi cường quốc khu vực là Ấn Độ cũng đang cạnh tranh để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhưng cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra vì Tổng thống Maithripala Sirisena quyết định thay thế Thủ tướng Ranil Wickremesinghe với ông Mahinda Rajapaksa, người đã bị Quốc hội bãi nhiệm, đã làm dấy lên những nghi vấn về ai là người có thẩm quyền chính đáng để làm quyết định tại nước này.
Các nước khác vẫn chưa công nhận chính phủ mới, và đảng của ông Wickremesinghe đã tuyên bố rằng bất kỳ quyết định nào đưa ra bởi nội các của ông Rajapaksa đều là bất hợp pháp.
Một quan chức của Cơ quan cảng nhà nước Sri Lanka nói với Reuters rằng Sri Lanka đã ký hai hợp đồng với các công ty Trung Quốc trị giá trên 50 triệu đôla vào ngày 29/11 sau khi các thỏa thuận được phê chuẩn bởi nội các gây tranh cãi của ông Rajapaksa hồi tuần trước.
Một trong những bộ trưởng trong nội các của ông Rajapaksa xin giấu tên xác nhận với Reuters rằng các thỏa thuận đã được nội các Sri Lanka phê chuẩn, trong khi các tài liệu mà hãng thông tấn này đọc được cho thấy các thỏa thuận đã được dàn xếp để được thông qua một cách chiếu lệ tại cuộc họp.
Các hợp đồng liên hệ gồm một dự án trị giá 32 triệu đôla nhằm nâng cao năng lực bến cảng Jaya Container Terminal (JCT) ở Colombo với công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc, và một hợp đồng trị giá 25,7 triệu đôla để mua ba cần cẩu từ công ty JCT Shanghai Zhenhua Heavy Industries cho cùng dự án đó, theo lời giới chức cảng.
Khi được hỏi về thỏa thuận này, cựu phát ngôn viên nội các của chính quyền Wickremesinghe, Rajitha Senaratne, nói với Reuters: “Chắc chắn cúng tôi sẽ phải kiểm tra lại. Họ không có quyền về mặt pháp lý để làm quyết định”.
Giới chức cảng cho biết những lời gọi thầu dẫn đến các thỏa thuận đó đã được quảng cáo trên các tờ báo nhà nước, như thông lệ ở Sri Lanka, và sau đó được gửi một hội đồng do nội các bổ nhiệm cách đây nhiều tháng.
Ấn Độ, quốc gia chiếm khoảng 80% hoạt động kinh doanh vận tải của Colombo, nêu quan ngại về sự gia tăng các dự án Trung Quốc tại Colombo.
New Delhi đã hối thúc Sri Lanka trao hợp đồng trị giá khoảng 1 tỷ đôla cho một công ty điều hành một bến cảng nước ngoài thứ nhì ở Colombo.
Nhưng thỏa thuận đó đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Sirisena và Thủ Tướng Wickremesinghe ngay trước khi ông này bị cách chức. Trong cuộc tranh cãi, ông Sirisena quả quyết rằng Sri Lanka không thể giao thêm bất cứ tài sản nào khác cho người nước ngoài.
Bất ổn định chính trị và nền kinh tế èo uột đang đặt ra những câu hỏi về khả năng Sri Lanka có thể thanh toán những món nợ lớn bên ngoài đã được dùng để tài trợ cho công cuộc tái thiết đất nước sau khi kết thúc cuộc nội chiến năm 2009. Các số liệu chính thức cho thấy Sri Lanka đang nợ Trung Quốc khoảng 8 tỷ đôla, trong đó có các công ty và ngân hàng có liên hệ với nhà nước Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/sri-lanka-ky-thoa-thuan-voi-tq-de-nang-cap-cang-giua-hon-loan-chinh-tri/4679613.html

Lo ngại an ninh, New Zealand “cấm cửa”

hãng viễn thông TQ

Cơ quan tình báo New Zealand đã cấm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất của nước này sử dụng các thiết bị của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei vì lo ngại ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Spark New Zealand, công ty viễn thông lớn nhất của New Zealand, ngày 28/11 cho biết công ty này đã bị cấm sử dụng các thiết bị của tập đoàn Huawei Trung Quốc để trang bị cho các tháp mạng di động 5G sau khi Cơ quan An ninh Viễn thông Chính phủ New Zealand (GCSB) vào cuộc. GCSB cho biết nếu Spark sử dụng các thiết bị của Huawei, điều này sẽ “gây ra những rủi ro rất lớn tới tới an ninh quốc gia” của New Zealand.
Andrew Hampton, tổng giám đốc GCSB – cơ quan tình báo hàng đầu của chính phủ New Zealand, cho biết GCSB đã phát hiện “nguy cơ an ninh nghiêm trọng” khi xem xét kế hoạch mua thiết bị từ tập đoàn Huawei của Spark. Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan tình báo New Zealand Andrew Little nói rằng Spark có thể làm việc với các nhà chức trách để giảm thiểu nguy cơ, song không nêu rõ đó là nguy cơ nào.
Spark gọi quyết định của cơ quan tình báo New Zealand về việc cấm sử dụng thiết bị và công nghệ của Huawei là “đáng thất vọng”. Spark sẽ đưa ra quyết định về bước đi tiếp theo sau khi xem xét các lý do liên quan đến an ninh như trong tuyên bố của ông Hampton. Spark hy vọng có thể hoàn tất mạng lưới 5G trước tháng 7/2020.
Theo luật của New Zealand, các công ty viễn thông bắt buộc phải thông báo cho các cơ quan an ninh về những thay đổi trong mạng lưới hoạt động của họ. Theo GCSB, cơ sở hạ tầng viễn thông rất dễ trở thành mục tiêu để các nước bên ngoài tìm cách do thám, can thiệp hoặc là nơi để tội phạm tấn công các doanh nghiệp cũng như công dân New Zealand.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc là một trong số ít các hãng, bên cạnh Ericsson của Thụy Điển và Nokia có trụ sở tại Phần Lan, có khả năng sản xuất các thiết bị để phục vụ cho mạng lưới 5G toàn cầu.
Không chỉ New Zealand
Sau thông báo của New Zealand, Huawei hôm qua cho biết tập đoàn này “đang xem xét tình hình” và cam kết sẽ “xử lý tích cực bất kỳ mối lo ngại nào cũng như phối hợp cùng các bên để tìm ra phương hướng”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về quyết định của New Zealand.
“Chúng tôi hy vọng chính phủ New Zealand tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại New Zealand, và hành động nhiều hơn để tăng cường lòng tin và hợp tác song phương”, ông Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Theo RT, New Zealand không phải quốc gia duy nhất lo ngại về các vấn đề an ninh khi hợp tác với Huawei – công ty đặt trụ sở tại phía nam Trung Quốc. Tại Anh, một quy trình giám sát đã được thiết lập để kiểm tra các lỗi về an ninh của các thiết bị do Huawei cung cấp. Hồi tháng 7, báo cáo chính phủ Anh cho biết Anh chỉ có thể đảm bảo một cách “hạn chế” rằng thiết bị của Huawei không hưởng tới an ninh quốc gia.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump hồi tháng 8 đã ký sắc lệnh cấm bất kỳ cơ quan nào của chính phủ sử dụng công nghệ do Huawei cung cấp. Theo Thời báo Phố Wall, Mỹ cũng bắt đầu vận động hành lang các đồng minh để thuyết phục họ không sử dụng thiết bị của Huawei.
Australia cũng đưa ra cảnh báo và phản đối việc sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng lưới 5G mới của nước này. Đáp lại, Trung Quốc đã công khai chỉ trích động thái của chính quyền Australia.
http://biendong.net/doc-bao-viet/24997-lo-ngai-an-ninh-new-zealand-cam-cua-hang-vien-thong-tq.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?