Thấy gì từ vụ cô giáo tổ chức đánh học sinh tại Quảng Bình?
Hương Giang (Danlambao) - Mấy ngày qua, báo chí lề đảng và mạng xã hội nóng lên về vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), đưa ra hình phạt cả lớp cùng tát em Hoàng Long Nhật hàng trăm cái vì em này bị "tố" nói tục.
Cô bắt học sinh cùng lớp tát bạn, bạn nào tát không đủ mạnh, cô giáo bắt tát lại, và chính cô là người tát cái tát cuối cùng như một phát súng “ân huệ”, bắn vào đầu tử tù để kết liễu mạng sống con người. Em Nhật bị sưng mặt và chấn thương tâm lý đã được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về nền giáo dục XHCN đang tràn lan về nạn bạo lực học đường. Không những học sinh đánh nhau ngoài đường như bọn giang hồ số má, mà còn ngang nhiên đánh nhau trong lớp học, rồi quay clip tung lên mạng, coi đó như một chiến công.
Còn việc thầy cô đánh học sinh cũng nhiều như cơm bữa. Vụ cô giáo bắt học sinh quỳ, uống nước giẻ lau, kể cả bạo hành tinh thần như chì chiết, mắng nhiếc, hạ nhục. Mới đây một cô giáo ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) tát học sinh gãy răng và rách môi phải nhập viện.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao nhà trường vốn là nơi dạy làm người, lại có thể biến thành giống như trại tù và gieo rắc và nuôi dưỡng thù hận kinh hoàng như vậy?
Trước hết cần khẳng định rằng, nền giáo dục XHCN tại Việt Nam hiện nay là một nền giáo dục thối nát và phi nhân bản.
Chạy theo thành tích
Nền giáo dục XHCN tại Việt Nam hiện nay chỉ lo chạy theo thành tích. Thành tích này không phải là kết quả của một nền giáo dục tốt, mà là thành tích trên giấy để đánh lừa dư luận và nhận khoản tiền khổng lồ của ngân sách đầu tư hàng năm cho ngành giáo dục. Khi nền giáo đục không tốt mà muốn có thành tích tốt thì phải dối trá. Nhà trường lừa dối Phòng Giáo dục, Phòng lừa Sở, Sở lừa Bộ, Bộ lừa Chính phủ, Chính phủ lừa dân. Và cứ thế diễn ra hết năm này qua năm khác. Xã hội được ru ngủ trong cơn bệnh thành tích hoang tưởng do dối trá mà có. Các cuộc kiểm tra chỉ là hình thức, làm cho qua chuyện, ghi biên bản thật tốt, rồi ăn nhậu, nhận bao thư và về.
Áp lực của thứ “bệnh thành tích” đã biến nhà trường thành một tổ chức dối trá, đào tạo ra những thế hệ làm láo, nói láo và báo cáo láo. Một nền giáo dục mà tất cả đều chạy theo thành tích, chạy theo các phong trào thi đua là một nền giáo dục khốn nạn và bế tắc. Dù mỗi lớp có nhiều học sinh yếu kém nhưng đến cuối mỗi năm học giáo viên vẫn đẩy cho lên lớp 100% để đạt chỉ tiêu trên giao. Và đa số kết quả của các kỳ thi THPH tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt từ 98 đến 100%. Điều này thật khốn nạn cho học sinh, khốn nạn cho thầy cô giáo và khốn nạn cho cả tương lai.
Nền giáo dục tẩy não và nhồi sọ
Điều nguy hiểm nhất là họ tẩy não, gieo vào những đầu óc trẻ thơ trong trắng của học sinh tư tưởng hận thù, đưa học thuyết Mác-Lê làm môn chính để giảng dạy trong nhà trường, với cái gọi là “Học thuyết đấu tranh giai cấp”, với câu tuyên ngôn: “Đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội tiến lên”.
Cùng với nền giáo dục nhồi sọ và tẩy não học sinh, họ chia cộng đồng dân tộc ra nhiều thành phần: với nông dân là từ địa chủ, phú nông, trung nông, đến bần cố nông, và họ coi trí thức học sinh là thành phần tiểu tư sản. Từ đó họ đề ra chủ trương với câu khẩu hiệu sắt máu: “Trí-Phú-Địa-Hào: đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Họ gieo mối nghi ngờ để chia rẽ: cha mẹ không tin con cái, anh em không tin nhau, láng giềng chòm xóm nghi ngờ nhau, đi đến đấu tố lẫn nhau như hồi “Cải cách ruộng đất”.
Nhờ việc chia cộng đồng dân tộc ra nhiều thành phần giai cấp, nên họ cài cắm ăng ten khắp mọi nơi, có nhiệm vụ chuyên rình mò dò xét mọi sinh hoạt của người dân, nếu thấy nghi ngờ là lập tức báo cáo. Họ biến mỗi công dân thành những tên mật vụ, chỉ điểm theo dõi. Bọn này chuyên đánh hơi, lùng sục khắp mọi nơi để khống chế người dân và bóp nát mọi sự chống đối, dù là trong ý nghĩ.
Nhà thơ Lê Đạt có câu thơ “Đem bục công an đặt giữa trái tim người” để diễn tả tình trạng này.
Trong các nhà trường, họ tạo ra những đội ngũ chó săn mang danh giám thị, sao đỏ, cờ đỏ, đoàn thanh niên… chuyên săn lùng học sinh vi phạm để ghi tên và phạt. Chúng đánh hơi, lùng sục từ ngoài sân vào trong phòng học để sờ ngực, lột áo, lột tất học sinh ra để kiểm tra đeo bảng tên có đúng không, có xăm trổ hay sơn móng chân không. Có trường còn dám cho đoàn thanh niên làm nhiệm vụ của công an giao thông rượt đuổi theo những học sinh đến trường bằng xe máy bất chấp tai nạn.
Đội Sao Đỏ của cô giáo Thủy tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là ví dụ điển hình. Đội này đã rình mò nghe lén được câu nói tục của em Nhật, liền ghi chép và báo cáo cô chủ nhiệm để lấy thành tích. Và cũng vì phấn đấu để đưa trường đạt chuẩn quốc gia, nên tấn bi kịch đã xảy ra.
Việc giáo viên bạo hành học sinh mới chỉ bộc lộ cái ác một phần. Kẻ thủ ác đằng sau phải là đám lãnh đạo đồ tể mang danh ngành giáo dục, và cấp trên của họ.
Một đất nước với một nền giáo dục phi nhân bản như thế thì làm sao tiến lên để sánh vai cùng các quốc gia khác.
Suy cho cùng, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy cũng là một nạn nhân, một sản phẩm tất yếu của nền giáo dục phi nhân bản này mà thôi.
Có người vì nền giáo dục cộng sản Việt Nam hiện nay như một vườn tiêu bị lây nhiễm rất nặng bệnh chết nhanh chết chậm. Nếu chỉ chặt bỏ một vài cây, hay thậm chí một vùng bị bệnh, thì những nơi còn lại sẽ lây lan, vì nguồn bệnh đã ngấm vào trong đất. Cách duy nhất là phải chặt bỏ toàn bộ vườn tiêu bệnh hoạn này, phải đào tận gốc rễ và đốt đi, sau đó xử lý thuốc trừ bệnh vào đất, và trồng mới lại toàn bộ. Có như thế may ra mới hy vọng cho những mùa sau.
Việc công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khởi tố vụ án với tội danh "hành hạ và làm nhục người khác" xảy ra tại trường THCS Duy Ninh lần này cũng chỉ là hành động nhằm hạ nhiệt trước búa rìu dư luận đang sôi sùng sục.
Xử lý vụ này mà hàng trăm vụ khác vẫn liên tiếp xảy ra theo hướng “vụ sau cao hơn vụ trước”, và ngày càng vươn lên “theo một tầm cao mới”, thì việc khởi tố cô giáo Thủy chỉ là muối bỏ biển.
Dù có chữa được một được một cái nhọt tại Quảng Bình, nhưng làm sao chữa được hết hàng trăm nghìn cái nhọt trên một cơ thể lở lói đầy mình, với một nền giáo dục thối tha nhầy nhụa, với một vị Bộ trưởng “ăn chưa nên đọi, nói chưa nên lời”, thì chỉ là hành động “vuốt mặt che mưa”.
Vì: “Anh có thể lừa một vài người trong một vài lần, nhưng anh không thể lừa được tất cả mọi người trong nhiều lần”.
27.11.2018
Nhận xét
Đăng nhận xét