Nhật dọa bỏ ngang thi công dự án Metro ở Sài Gòn
Người Việt Online
30/11/2018
Nếu không kịp thanh toán tiền cho nhà thầu, tuyến metro số 1 ở Sài Gòn có thể bị bỏ ngang. (Hình: Thanh Niên)
30/11/2018
Nếu không kịp thanh toán tiền cho nhà thầu, tuyến metro số 1 ở Sài Gòn có thể bị bỏ ngang. (Hình: Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Quá chậm trễ trong việc thanh toán số nợ $100 triệu, nhà thầu Nhật dọa sẽ ngừng thi công tuyến metro số 1 nếu đến cuối Tháng Mười Hai, 2018, việc thanh toán không được giải quyết.
Truyền thông Việt Nam từ mấy ngày nay đề cập tới một bức thư của Đại Sứ Nhật Bản Umeda Kunio gửi cả chính quyền thành phố Sài Gòn lẫn nhà cầm quyền CSVN cảnh cáo “Áp lực lên các nhà thầu Nhật Bản đã đến mức giới hạn,” nên tuyến metro số 1 của thành phố Sài Gòn (Bến Thành-Suối Tiên) đang đứng trước nguy cơ bị dừng thi công vì thiếu tiền.
Đây là dự án ì ạch suốt 12 năm qua kể từ khi được “bấm nút khởi công” dự trù khánh thành và bắt đầu hoạt động từ năm 2016 nhưng đến giờ vẫn còn dở dang, không biết khi nào xong. Nay đối diện với áp lực bỏ cuộc của nhà thầu Nhật Bản.
Theo báo Thanh Niên, vấn đề chậm trễ thanh toán tiền cho các nhà thầu của Nhật khi thi công dự án dường sắt số 1 ở Sài Gòn “đã được đề cập đến nhiều lần trong các cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đang làm phát sinh nhiều vấn đề.” Đến nay, thêm một lần nữa, họ phải lên tiếng cảnh cáo.
Dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được thực hiện bằng vốn vay tín dụng ưu đãi (ODA) của Nhật Bản từ năm 2007. Tuy nhiên, việc chậm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh khiến dự án chưa được phân bổ ngân sách từ Tháng Mười, 2017. Theo tờ Thanh Niên, Đại Sứ Umeda Kunio thúc chính quyền Sài Gòn thúc Bộ Chính Trị và Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN “sớm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh phân bổ ngân sách cho dự án.”
Vì những thủ tục hành chính và những quy định kiểm soát đầu tư lằng nhằng rối rắm, quy định chấp thuận đầu tư với những khoản tiền lớn phải qua Quốc Hội chấp thuận, một phần là để ngăn chặn tham nhũng, mà rất nhiều dự án đã bị chậm trễ dẫn đến “đội vốn.” Năm ngoái, tin cho hay dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên từ 17,000 tỷ đồng (hơn $728 triệu) ban đầu bị đội vốn thêm 30,000 tỷ đồng (hơn $1.28 tỷ).
Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Hình: Zing)
Chính quyền Sài Gòn đã từng tạm ứng tiền thanh toán cho nhà thầu nhưng dù vậy vẫn phải được sự đồng ý từ trung ương và cũng không đủ, dẫn đến con số nợ lên khoảng $100 triệu.
Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Hình: Zing)
“Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối Tháng Mười Hai mà các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công,” báo Thanh Niên dẫn nội dung bức thư của Đại Sứ Umeda Kunio.
“Việc ‘khát’ vốn ODA, chậm phân bổ vốn cho tuyến metro số 1 đã được thành phố báo cáo các bộ, ngành cấp trung ương từ cách đây hơn một năm nhưng đến giờ này, những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo thành phố nhiều lần nhấn mạnh dự án không thiếu tiền, có sẵn 35,000 tỷ đồng và chỉ chờ các cấp thẩm quyền gật đầu là số vốn này sẵn sàng được sử dụng. Thế nhưng do vướng thủ tục, ‘cái gật đầu’ này chờ mãi vẫn chưa thấy,” báo Thanh Niên cho hay.
Tờ báo này dẫn lời ông Lê Xuân Nghĩa, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, nhận định thủ tục luôn là nút thắt lớn nhất đối với tất cả các dự án được triển khai tại Việt Nam: “Trước đây, có nhiều dự án chậm trễ như vậy khiến mọi người nghi ngờ có thể do nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế vấn đề nằm ở cơ chế của nước ta. Thủ tục quá lằng nhằng, rắc rối, chậm chạp khiến các nước không thể chịu nổi.”
Ông nghĩa nêu ra hai hệ lụy là “Thứ nhất, về mặt tài chính, dự án càng để lâu thì hiệu quả tài chính càng suy giảm nghiêm trọng. Thứ hai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của không chỉ người dân mà với cả các nhà đầu tư nước ngoài. Dân chúng cảm thấy thành phố không thể có khả năng làm chủ một dự án lớn, còn nhà đầu tư thì e ngại, ‘sợ’ không dám ‘dây vào.’”
Dự án Metro số 1 của Sài Gòn có thể hoàn tất vào năm 2020 nếu tiền bạc được giải ngân kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, không thấy có gì bảo đảm. (TN)
---------
---------
Nhận xét
Đăng nhận xét