Tin Việt Nam – 28/11/2018

Tin Việt Nam – 28/11/2018

Ông Trần Huỳnh Duy Thức từ chối thức ăn trại giam,

nói ‘chết cũng không nhận tội’

Ngày 28/11, thân nhân của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án ở trại giam số 6 Nghệ An về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, xác nhận với VOA về tình trạng sức khỏe nghi “bị đầu độc” của ông vào cuối tuần rồi, đồng thời cho biết trong cuộc điện thoại về nhà hôm 27/11, ông Thức khẳng định rằng “dù có chết cũng không nhận tội”.
Trong đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và lãnh đạo quản lý trại giam, luật sư của ông Thức, LS. Ngô Ngọc Trai, dẫn thông tin từ phía gia đình cho biết trong cuộc gặp hàng tháng với ông Thức vào ngày 24/11, ông cho biết trước đó 4 ngày, khi thức dậy vào buổi sáng, ông bị “chóng mặt chao đảo, đo huyết áp thì kết quả rất cao (150/110), mồ hôi tuôn ra rất nhiều, nước uống vào bị ộc ra, có lẫn một vài sợi máu tươi”.
“Khi anh nằm nghỉ một chút thì bỗng rất nhiều mật vàng, mật xanh trong người trào ta, khiến quay cuồng đầu óc. Nhân viên y tế của trại giam khám, nói anh bị ‘tuần hoàn não’ và cho uống 2 viên thuốc, nhưng ngay lập tức lại trào ra hết. Đến 7h sáng, huyết áp trở lại bình thường và có thể ăn sáng, ăn trưa bình thường, nhưng cả ngày hôm đó anh rất mệt. Sáng hôm sau thì sức khoẻ anh trở lại bình thường cho đến hôm nay”, lá đơn của LS. Ngô Ngọc Trai cho biết thêm.
Trao đổi với VOA tối 28/11, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em của ông Trần Huỳnh Duy Thức, xác nhận thông tin trên và cho biết:
“Mặc dù ảnh không nói bị vấn đề gì, do cái gì mà ảnh bị, nên ảnh nhờ gia đình kiểm tra với bác sĩ giúp. Nhưng thông tin gia đình biết được vào buổi thăm gặp ảnh hôm thứ Bảy là ảnh nói ảnh không dám nhận cơm của trại giam, mà chỉ ăn mì gói thôi. Nếu trại giam không cho nước sôi để ăn thì ảnh ăn sống, nên gia đình biết là ảnh đang bị một vấn đề gì đó và trong trại giam đang rất gây khó khăn cho ảnh, thậm chí có thể là gây ngộ độc cho ảnh”.
Vẫn theo thông tin từ phía gia đình, giám thị trại giam còn hạn chế và không cho ông Thức nhận thư, cũng không cho ông gửi thư bằng phát chuyển nhanh, thậm chí thông báo sắp tới sẽ xem xét cấm hẳn việc dùng nước sôi, đèn pin, máy đo huyết áp và máy đo đường huyết.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho VOA biết thêm:
“Hôm qua, ảnh có gọi về gia đình theo tiêu chuẩn 5 phút. Do thời gian không đủ nên ảnh không nói về tình trạng sức khỏe của ảnh vào ngày hôm qua như thế nào, mà chỉ nói với gia đình rằng ‘Cho dù em có chết đi nữa thì em cũng không nhận tội đâu’, ảnh nói với chị gái như vậy thì gia đình biết rằng ảnh đang bị trong trại giam ép buộc nhận tội hay thế nào đó mà rất căng thẳng cho ảnh”.
Kỹ sư-doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị chính quyền Việt Nam kết án 16 năm tù giam, 5 năm quản chế vào tháng 1/2010 với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trong thời gian ở tù, ông nhiều lần tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi trong trại giam, ép ông phải nhận tội để đổi lại lệnh đặc xá hay buộc ông phải đi tị nạn ở nước ngoài.
“Cho tới bây giờ, gia đình biết chắc chắn rằng ảnh vẫn rất kiên định với ý chí của ảnh là không đi nước ngoài. Ý chí của ảnh không thay đổi. Ảnh không nhượng bộ, không nhận tội và cũng không xin đặc xá”, ông Tân nói với VOA.
Trong bài viết thông báo về tình trạng nghi bị “đầu độc” của ông Thức trên trang Facebook cá nhân, LS. Lê Công Định nói thông tin về ông Thức “hoàn toàn phù hợp” với điều mà một nhà ngoại giao nước ngoài nói với ông gần đây rằng chính quyền Việt Nam đang dùng hình thức “tra tấn tinh thần” ông Thức nhằm buộc ông nhận tội để được trả tự do.
Trong đợt kiểm điểm lần đầu tiên về tình trạng thực thi Công ước chống tra tấn tại Việt Nam trước Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc ở Geneva vào giữa tháng này, Việt Nam khẳng định không có tù nhân lương tâm, không có tình trạng biệt giam hay quản thúc tại gia và cương quyết “nghiêm trị” hành vi tra tấn.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-tran-huynh-duy-thuc-tu-choi-thuc-an-trai-giam-noi-chet-cung-khong-nhan-toi/4678164.html

Trần Huỳnh Duy Thức có thể trong tình thế ‘nguy kịch’

Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức nói với BBC rằng đang tiếp tục kêu gọi trả tự do cho ông trong khi ông Thức vừa có những biểu hiện giống ‘bị trúng độc’.
“Hôm qua (27/11), anh Thức có gọi điện về nhà năm phút theo quy định của trại giam. Nhưng không kịp nói gì về sức khỏe của mình.”
“Anh Thức chỉ nói dù có chết anh ấy cũng không nhận tội,” ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức nói với BBC hôm 28/11.
Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù
Gia đình vui vì Trần Huỳnh Duy Thức ngưng tuyệt thực’
Chính khách khắp nơi kêu gọi VN cải thiện nhân quyền
“Trong cuộc gọi về anh Thức chỉ hát một bài hát mừng sinh nhật cha do anh Thức tự sáng tác trong trại giam thì đã hết giờ.”
“Qua lời nhắn nhủ của anh Thức cùng thông tin từ lần gia đình gặp anh mới đây nhất, gia đình chúng tôi đang lo ngại rằng anh Thức bị trúng độc dù em tôi không trực tiếp nói điều này.”
‘Có khả năng bị trúng độc’
Theo ông Trần Huỳnh Duy Tân, gia đình ông vào thăm Trần Huỳnh Duy Thức hôm thứ Bảy 24/11.
Tại buổi gặp gỡ này, ông Thức thuật lại tình hình sức khỏe và cách quản lý trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An đối xử với ông.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, là một kỹ sư và doanh nhân theo đạo Phật, sống tại TP Hồ Chí Minh, theo hồ sơ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông sáng lập ra EIS, một công ty chuyên về cung cấp dịch vụ internet cho điện thoại di động ở Việt Nam có chi nhánh ở Singapore và Mỹ.
Ông sau đó trở thành một nhà hoạt động và tập trung vào việc viết blog về tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam và góp ý cho chính phủ về các hướng cải cách.
Ông cũng thành lập phong trào Con Đường Việt Nam, một tổ chức nhằm cổ xúy các giá trị của nhân quyền và dân chủ.
Năm 2009, ông Thức bị án tù 16 năm với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
“Anh Thức nói hôm thứ Ba anh bị giống như ngộ độc. Hôm đó bỗng nhiên anh bị chóng mặt, xây xẩm, mồ hôi tuôn ra rất nhiều.”
“Anh uống nước vào thì ói ra mật xanh mật vàng. Đáng chú ý là mỗi lần ói lại lẫn chút máu.”
“Sau đó bác sỹ trại giam vào khám cho anh Thức rồi kê cho anh hai viên thuốc. Anh uống nhưng rồi cũng ói ra hết. Bác sỹ trại giam nói anh bị tuần hoàn não.”
“Trong thời gian gặp gia đình để nói chuyện, luôn có 5 – 6 cán bộ trại giam ngồi giám sát xung quanh. Có khi họ ngăn không cho nói những gì họ không muốn. Nên anh Thức có thể không muốn nói ra.”
“Thời điểm đó nhìn sắc diện anh Thức vẫn bình thường, nhưng chỉ dựa vào bên ngoài thì không thể nào biết được. Qua những thông tin anh kể thì chúng tôi đang vô cùng lo lắng về khả năng anh bị trúng độc.”
“Anh Thức nói anh không dám ăn thức ăn của trại giam cung cấp mà chỉ ăn mì gói. Anh cũng kể quản lý trại giam gây khó khăn cho anh, như không cho anh dùng nước sôi khi thấy anh chuyển sang ăn mì gói. Họ cũng thông báo sắp tới sẽ cấm hẳn dùng nước sôi, đèn pin, máy đo huyết áp và đường huyết… Anh nói đây là những cung cấp sinh hoạt tối thiểu ở trong tù, nay cũng không còn nữa.”
“Những hình thức gây khó khăn này là để nhằm gây áp lực buộc anh nhận tội.”
Cũng theo ông Tân, kể từ lần ông Thức tuyệt thực gần đây nhất diễn ra hồi tháng 8/2018, kéo dài hơn 30 ngày, các cơ quan chưc năng liên quan hoàn toàn im lặng trước các yêu cầu của luật sư và gia đình về việc xem xét thả tự do cho ông.
“Gia đình tôi sẽ tiếp tục làm việc với luật sư để yêu cầu cơ quan chức năng trả lời về tình trạng sức khỏe của anh Thức. Đồng thời kêu gọi mọi người tiếp tục lên tiếng để bảo vệ cho anh Thức trong tình trạng nguy kịch như vậy,” ông Trần Huỳnh Duy Tân nói với BBC.
Luật sư nói gì?
Luật sư của ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Ngô Ngọc Trai, bày tỏ ý kiến cá nhân về sự việc của ông Thức trên Facebook cá nhân ngày 28/11.
Theo đó, luật sư Ngô Ngọc Trai viện dẫn Luật thi hành án hình sự, về “chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân”, để thấy rằng “những phản ánh của ông Thức thông qua gia đình thăm gặp cho thấy ông Thức đang bị bệnh và cần được khám chữa điều trị kịp thời.”
“Chúng tôi đề nghị Giám thị trại giam số 6 cho thực hiện việc khám chữa bệnh và chữa trị đối với ông Thức theo đúng chính sách nhân đạo mà pháp luật đã quy định.”
Ngô Ngọc Trai 13 hours ago
Vụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư có ý kiến
Kính gửi:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ kiểm sát thi hành án hình sự – Vụ 8 )
- Ông Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý trại giam
- Ông Trần Bá Toan, Giám thị Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An
Công ty luật TNHH Công Chính kính gửi tới Quý cơ quan lời chào trân trọng!
Đơn vị chúng tôi nhận lời mời từ gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức, mời tư vấn pháp lý trong việc đề nghị đặc xá trả tự do cho ông Thức, là người đang chấp hành án về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999.
Ông Thức bị xét xử mức án 16 năm tù giam và 05 năm quản chế tại địa phương, tới nay ông Thức đã thụ án được 10 năm tù và đang thi hành án tại Trại giam số 6 Công an tỉnh Nghệ An. Mới đây, bắt đầu từ ngày 01/01/2018 Bộ luật hình sự mới ban hành năm 2015 có hiệu lực, trong đó Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân có điểm mới thay đổi so với trước, phân biệt hành vi phạm tội với hành vi chuẩn bị phạm tội và đưa ra mức án nhẹ cho hành vi chuẩn bị. Nhận thấy điểm mới này phản ánh đúng việc làm của ông Thức và có lợi cho ông Thức, chúng tôi đang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết đặc xá trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Về phản ánh mới đây của ông Thức từ trại giam
Từ phía gia đình cho luật sư biết: Chiều nay, 24/11/2018, gia đình anh Thức đến trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, thăm anh theo định kỳ hàng tháng. Sau khi đọc bài hát viết tặng cha mình, anh Thức nói ngay rằng cách đây 4 ngày (tức thứ Ba 20/11vừa rồi), lúc 5h15 khi thức dậy vào sáng sớm
hàng ngày, anh thấy chóng mặt chao đảo, đo huyết áp thì kết quả rất cao (150/110), mồ hôi tuôn ra rất nhiều, nước uống vào bị ộc ra, có lẫn một vài sợi máu tươi.
Khi anh nằm nghỉ một chút thì bỗng rất nhiều mật vàng, mật xanh trong người trào ta, khiến quay cuồng đầu óc. Nhân viên y tế của trại giam khám, nói anh bị “tuần hoàn não” và cho uống 2 viên thuốc, nhưng ngay lập tức lại trào ra hết. Đến 7h sáng, huyết áp trở lại bình thường và có thể ăn sáng, ăn trưa bình thường, nhưng cả ngày hôm đó anh rất mệt. Sang hôm sau thì sức khoẻ anh trở lại bình thường cho đến hôm nay.
Tuy nhiên, từ hôm đó anh không dám dùng thức ăn mà trại cung cấp, vì không còn an toàn nữa. Thấy anh dùng mì gói, trại giam lại không phát nước sôi cho anh như từ trước đến nay vẫn làm.
Anh Thức cho biết giờ đây Ban giám thị trại giam chỉ thị gây khó khăn cho anh rất nhiều, trái ngược hẳn trước đây. Cán bộ quản giáo chỉ đơn giản bảo “lãnh đạo quyết định, không cần căn cứ gì hết” để trả lời các phản đối và yêu cầu viện dẫn luật của anh Thức.
Họ hạn chế và không cho anh Thức nhận thư nữa, cũng không cho gửi thư bằng phát chuyển nhanh. Họ còn thông báo rằng sắp tới sẽ xem xét cấm hẳn dùng nước sôi, đèn pin, máy đo huyết áp và máy đo đường huyết. Anh Thức hỏi căn cứ pháp lý thì họ không trả lời.
“Những gì cơ bản cho sinh hoạt tối thiểu trong tù như trước đây đã mất hết rồi, không còn gì nữa”,
anh Thức cho biết vậy.
Cuối buổi gặp anh Thức đề nghị các luật sư can thiệp khẩn cấp giúp chấm dứt tình trạng nguy hiểm, trong đó có khả năng bị đầu độc, mà anh đang đương đầu.
Căn cứ Luật thi hành án hình sự
Điều 48. Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân
2. Phạm nhân bị ốm, bị thương thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở chữa bệnh cấp huyện. Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương để điều trị; trại giam phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do cơ sở chữa bệnh chỉ định.
Trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội xây dựng hoặc bố trí một số buồng riêng trong cơ sở chữa bệnh để điều trị cho phạm nhân.
Những phản ánh của ông Thức thông qua gia đình thăm gặp cho thấy ông Thức đang bị bệnh và cần được khám chữa điều trị kịp thời. Do vậy chúng tôi đề nghị Giám thị trại giam số 6 cho thực hiện việc khám chữa bệnh và chữa trị đối với ông Thức theo đúng chính sách nhân đạo mà pháp luật đã quy định. Ngoài ra chúng tôi đề nghị các nhân viên quản lý trại giam có thái độ ứng xử đúng mực, tôn trọng người đang phải thi hành án, Luật thi hành án hình sự nghiêm cấm những hành vi sách nhiễu trong thi hành án hình sự, nghiêm cấm xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án (Điều 9 Luật thi hành án hình sự).
Đề nghị bố trí cho phép luật sư thăm gặp ông Thức
Trước đây chúng tôi đã gửi 3 lần văn bản đến Giám thị Trại giam số 6 đề nghị bố trí thời gian địa điểm cho phép luật sư được gặp người cần được tư vấn bảo vệ pháp lý là ông Thức, để nắm bắt ý kiến nguyện vọng của ông Thức nhưng đều không nhận được phản hồi từ Giám thị trại giam.
Nay chúng tôi một lần nữa căn cứ:
Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định về chế độ thăm gặp của phạm nhân đối với người không phải là nhân thân như sau: Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị được gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết.
Thông tư 07/2018/TT-BCA hướng dẫn về việc thăm gặp phạm nhân, trong đó quy định về trường hợp người không phải là nhân thân thăm gặp phạm nhân như sau: Cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc thân nhân khác ngoài những người được quy định tại khoản 1 điều này được thăm gặp phạm nhân nếu Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân và yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Để thực hiện vai trò của luật sư tư vấn pháp lý, để quyền lợi của ông Trần Huỳnh Duy Thức được bảo vệ theo đúng các quy định pháp luật. Chúng tôi đề nghị ông Trần Bá Toan, Giám thị Trại giam
số 6 thu xếp cho luật sư được gặp ông Trần Huỳnh Duy Thức. Cụ thể thời gian nào có thể được thì Trại giam thông báo trả lời cho chúng tôi được biết.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Vụ kiểm sát thi hành án hình sự (vụ 8) và Cục cảnh sát quản lý trại giam, trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, thực hiện việc kiểm sát các hoạt động giam giữ và xử lý những hành vi việc làm chưa đúng mực của nhân viên quản giáo đối xử với phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức, kiểm soát và yêu cầu việc thực thi công vụ tôn trọng nhân phẩm con người và đảm bảo sức khỏe cho phạm nhân.
Rất mong được quan tâm giải quyết.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
“Ngoài ra chúng tôi đề nghị các nhân viên quản lý trại giam có thái độ ứng xử đúng mực, tôn trọng người đang phải thi hành án, Luật thi hành án hình sự nghiêm cấm những hành vi sách nhiễu trong thi hành án hình sự, nghiêm cấm xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án (Điều 9 Luật thi hành án hình sự).”
Ông Trai cũng “đề nghị bố trí cho phép luật sư thăm gặp ông Thức” và cho hay công ty luật của ông – nơi được gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức ủy nhiệm tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan – “đã gửi 3 lần văn bản đến Giám thị Trại giam số 6 đề nghị bố trí thời gian địa điểm cho phép luật sư được gặp người cần được tư vấn bảo vệ pháp lý là ông Thức, để nắm bắt ý kiến nguyện vọng của ông Thức nhưng đều không nhận được phản hồi”.
“Chúng tôi đề nghị ông Trần Bá Toan, Giám thị Trại giam số 6 thu xếp cho luật sư được gặp ông Trần Huỳnh Duy Thức. Cụ thể thời gian nào có thể được thì trại giam thông báo trả lời cho chúng tôi được biết.”
“Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Vụ kiểm sát thi hành án hình sự (vụ 8) và Cục cảnh sát quản lý trại giam, trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, thực hiện việc kiểm sát các hoạt động giam giữ và xử lý những hành vi việc làm chưa đúng mực của nhân viên quản giáo đối xử với phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức, kiểm soát và yêu cầu việc thực thi công vụ tôn trọng nhân phẩm con người và đảm bảo sức khỏe cho phạm nhân,” ông Ngô Ngọc Trai viết.
Quan tâm của cộng đồng quốc tế
Tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức là một trong số nội dung được Tiến sỹ Nguyễn Quang A đề cập tại buổi điều trần công khai hôm 10/10 về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Vietnam (EVFTA) tại Nghị viện châu Âu.
Theo đó, ông Quang A cho hay tình hình nhân quyền của Việt Nam đang “xấu đi”, đồng thời kêu gọi chính quyền thả tự do do ông Trần Huỳnh Duy Thức, một “doanh nhân cực kỳ thông minh” và là người “ủng hộ EVFTA”.
“Ông ấy là một tài sản quý giá. Đừng để tài sản quý giá đó bị lãng phí ở trong tù”, ông Quang A phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ, hôm 10/10.
Trước đó, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã gửi thư ngỏ thúc giục chính phủ Việt Nam thực hiện những bước cải thiện đáng kể trong hồ sơ nhân quyền trước khi có thể được phê chuẩn để tham gia Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Trong thư ngỏ này, các dân biểu châu Âu cũng êu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhiều nhà bất đồng chính kiến như Trần Huỳnh Duy Thức, ông Thích Quảng Độ; blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hóa, và nhiều nhà hoạt động khác.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46367883

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy mãn hạn tù

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy vừa mãn hạn tù ba năm và trở về nhà ở Khánh Hòa hôm 27 tháng 11.
Bà Nguyễn Thị Nay, thân mẫu của Nguyễn Hữu Quốc Duy, loan tin trong cùng ngày; và cho biết con trai 33 tuổi rời khỏi Trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào sáng ngày 27/11.
Một thân hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Nay là Chị Nguyễn Lai, xác nhận tin Nguyễn Hữu Quốc Duy đã mãn án về nhà như sau:
“Hôm thứ hai tôi có gọi Chị Nay thì Chị ấy có báo là hôm qua thứ ba 27 tháng 11, thì em Nguyễn Hữu Quốc mãn hạn tù và được thả. Tôi mới nói là hèn chi an ninh nó canh nhà mình vì nó không muốn mình đi đón. Mà đi ra Đà Nẵng thì cũng cần thời gian di chuyển. Sáng nay Chị Nay có tiếp tục gọi điện cho Chị, nhưng tôi lại không bắt máy, vì ở ngoài đường không nghe chuông, chắc là Chị Nay báo Duy đã về.”
Nguyễn Hữu Quốc Duy cùng người em họ là Nguyễn Hữu Thiên An bị công an tỉnh Khánh Hoà bắt ngày 28/8/2015 vì xịt sơn các mẫu tự “ĐMCS” lên tường của một đồn công an, Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An được trả tự do sau đó 3 ngày.
Tuy nhiên, Duy và An bị công an bắt lại vào ngày 21/11/2015 và bị giam giữ để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Duy bị biệt giam 9 tháng, không được tiếp xúc gia đình và luật sư muốn chọn.
Phiên xử sơ thẩm vào ngày 23/8/2016 đã kết án Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù giam  với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999.
Ngoài việc xịt sơn lên tường một đồn công an như vừa nêu, Nguyễn Hữu Quốc Duy còn sử dụng mạng xã hội Facebook để bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân về tình hình đất nước, xã hội Việt Nam hiện nay.
Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, ngay sau phiên xử đã kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho Duy và bày tỏ sự quan tâm và lo ngại về việc nhà cầm quyền Việt Nam kết án Duy chỉ vì anh đã bày tỏ chính kiến của mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prisoner-of-conscience-nguyen-huu-quoc-duy-was-released-from-prison-11282018074811.html

Sài Gòn: Chặt cây xong, lại kêu thiếu cây xanh!?

Cần khoảng 1.000 năm mới có đủ cây xanh
Phải cần khoảng… 1.000 năm thành phố Hồ Chí Minh mới thực hiện xong quy hoạch công viên cây xanh. Số liệu vừa nói được đưa ra tại Phiên họp giải trình về thực hiện quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức tại Sài Gòn hôm 27 tháng 11 năm 2018.
Theo báo cáo của Sở quy hoạch – kiến trúc trình Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ đầu tư xây dựng công viên cây xanh tại Sài Gòn thời gian qua chỉ đạt trung bình 9,8 hecta mỗi năm, được cho là rất ít so với quy hoạch là hơn 11 ngàn hecta. Với tiến độ này, Sài Gòn cần khoảng 1.000 năm mới có đủ 11 ngàn hecta cây xanh.
Báo cáo này cũng cho thấy việc đầu tư xây dựng công viên cây xanh là rất ít, chủ yếu là cải tạo, nâng cấp các công viên hiện hữu và cây xanh ven đường. Ngoài ra, cũng có một số công viên được đầu tư xây dựng mới, nhưng chỉ với quy mô nhỏ, gắn với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở như công viên phục vụ nhu cầu hàng ngày của cộng đồng dân cư khu vực đó.
Chưa thấy họ trồng cây gì cả, mà thấy xung quanh họ cứ chặt cây quá trời. Đoạn đường Tôn Đức Thắng thì họ mới chặt xong để làm đường gì đó, trồng thì ít mà chặt quá nhiều.
-KTS Trần Đình Nam

Cũng theo báo cáo, tính từ năm 2012 đến nay, tổng diện tích quy hoạch công viên cây xanh được đầu tư xây mới là gần 70 hecta, trong đó công viên công cộng chỉ tăng hơn 10 hecta.
Từ Sài Gòn, Kiến trúc sư Trần Đình Nam đưa ra nhận xét:
“Chưa thấy họ trồng cây gì cả, mà thấy xung quanh họ cứ chặt cây quá trời. Đoạn đường Tôn Đức Thắng thì họ mới chặt xong để làm đường gì đó, trồng thì ít mà chặt quá nhiều.”
Một bạn trẻ hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ:
“Cây xanh là tổng quan làm bóng mát cho công trình, chắn gió và lọc không khí. Nó tạo ra đối lưu về không khí. Mấy ông nội này làm thì tự duyệt với nhau chứ có cho dân biết đâu! Thành phố Sài Gòn vẫn đang thiếu cây xanh trầm trọng.”
Trong khi Sài Gòn đang thiếu mảng xanh trầm trọng thì vào ngày 23 tháng 3 năm 2016, thành phố Hồ Chí Minh lại ra thông báo đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Mục tiêu để triển khai các dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son…
Trước đó, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ để xây dựng ga tàu điện ngầm.
Khi đó, nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn đã tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng để phản đối việc chặt cây cổ thụ, những người phản đối giương biểu ngữ với những nội dung ‘Vì một thành phố trong lành, đừng chặt cây’; Tôi yêu cây, cây yêu tôi, chặt cây là một tội ác’… các bạn trẻ có hành động rất quyết liệt, đề nghị ngưng chặt cây và đi gắn những chiếc nơ vàng cho hàng cây.v.v…
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 27/11/2018, chị Thúy Nguyễn, người từng nhiều lần lên tiếng phản đối chặt cây xanh cho biết:
“Những cây xanh mà được bảo vệ là bảo vệ được lá phổi của người dân, nhất là trẻ con và người già. Nhà nước mà chặt cây xanh thì rất là bức xúc và toàn dân phải lên tiếng để làm sao có thể bảo vệ cây xanh cho tốt hơn. Kể cả nhà nước có quy hoạch thì phải nhìn dân trước, tại vì nếu thành phố mà không có cây xanh, thì rất là khắc nghiệt, và không thể nào bảo vệ sức khỏe cho dân được.”
Một người dân sống ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, nhật xét với Đài Á Châu Tự Do:
“Cây từ một trăm tuổi trở lên thì đã thành di tích rồi. Cây trên đường Tôn Đức Thắng là một hàng cây xà cừ cổ rất là đẹp, giống như ở phố cổ Hà Nội. Muốn chặt bỏ hay di dời thì đúng ra cần phải hỏi ý kiến của người dân. Có thể nói đây là hàng cây, con đường đẹp nhất nhì thành phố Hồ Chí Minh.”
Quy hoạch chệch choạc
Hiện trạng này cho thấy vấn đề quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh không đồng bộ, chệch choạc. Một phía thì quy hoạch công viên cây xanh nhưng tiến độ quá chậm, dẫn đến việc thiếu mảng xanh trầm trọng. Trong khi đó việc quy hoạch phát triển giao thông đô thị lại tàn phá nhiều cây xanh cổ thụ tại Sài Gòn.
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, hiện sống tại Sài Gòn, chuyên nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn không gian văn hóa đô thị, nhận xét:
Nếu mình so với Singapore thì chắc chắn thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ hội trồng được cây xanh, chứ đâu phải tại nhu cầu phát triển mà phải chặt cây xanh.
-KTS Trần Đình Nam
“Tôi nghĩ rằng ở đất nước nào cũng có việc là phải phát triển. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trong sự phát triển đó hy sinh cái gì. Có thể phải hy sinh một số di sản nào đấy, một số cây xanh nào đấy, nhưng thực sự đã tính toán hết chưa? Thực sự đã đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích lâu dài của đô thị lên trên chưa?”
Tuy nhiên, Kiến trúc sư Trần Đình Nam thì cho rằng vì nhu cầu phát triển mà chặt cây là không đúng:
“Tôi thấy chặt cây vì nhu cầu phát triển cũng không đúng. Vì ví dụ như Singapore, cũng là một nước phát triển, cái cách họ sử dụng quỹ đất rất là tốt, họ vẫn giữ được nhiều quỹ đất để cho cây xanh. Singapore có 5 triệu dân mà chỉ có 700 cây số vuông. Trong khi thành phố Hồ Chí Minh có 10 triệu dân mà có tới 2.000 cây số vuông. Thành ra quỹ đất của thành phố Hồ Chí Minh vẫn có rất nhiều. Nếu mình so với Singapore thì chắc chắn thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ hội trồng được cây xanh, chứ đâu phải tại nhu cầu phát triển mà phải chặt cây xanh.”
Theo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cần thay đổi tư duy, nếu cứ trông cậy ngân sách nhà nước thì rất khó triển khai các dự án công viên cây xanh.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Trần Đình Nam thì cho rằng, trách nhiệm là ở bộ phận quản lý, phải tính toán quy hoạch, phải phân chia chức năng đất chặt chẽ, thì mới dành được một khoảng đất lớn để trồng cây xanh. Theo ông, nếu mà còn tính toán kiểu đất đai phung phí, không sử dụng đúng mục đích, hoặc cứ quy hoạch xây dựng các khu nhà ở làm tập trung dân quá đông tại đô thị, thì không thể có đất cho cây xanh.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/saigon-cut-trees-then-call-for-lack-of-trees-11272018140437.html

Phát hiện sai phạm tại dự án Lọc dầu Nghi Sơn

Cơ quan Kiểm toán Nhà Nước Việt Nam phát hiện sai phạm tại dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và đề nghị Bộ Công An vào cuộc điều tra.
Tin được loan đi ngày 28 tháng 11, theo đó Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Nguyễn Quang Thành đã ký công văn gửi đến Bộ Công an yêu cầu điều tra làm rõ một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nêu rõ khi kiểm toán để xác nhận thông tin tài chính của tài khoản công nợ nội bộ giữa Công ty mẹ PVN với Ban Quản lý Dự án năm 2017, KTNN phát hiện Ban Quản lý Dự án và một số cá nhân đã chuyển tiền vào tài khoản của Công ty mẹ PVN, số dư đến ngày 31/12/2017 là hơn 8.5 tỷ đồng. KTNN phát hiện sai phạm liên quan đến việc chuyển số tiền trên khi kiểm tra hồ sơ và giải trình của PVN.
Cũng theo KTNN, Ban quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi ngân hàng để nhận chênh lệch lãi suất khoảng 22,1 tỷ đồng bằng cách sử dụng nguồn vốn cấp của PVN và nguồn tiền thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi trong ngân hàng thông qua các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn nhưng trên sổ sách chỉ phản ánh tiền lãi không kỳ hạn để nhận ngoài tiền chênh lệch lãi suất.
Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn được phê duyệt ngày 5/4/2008 với công suất thiết kế 8,4 triệu tấn dầu thô mỗi năm với tổng mức đầu tư 6,15 tỷ USD.
Năm 2013, dự án này được Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn thay đổi tổng mức đầu tư dự án lên 9 tỷ USD, vốn điều lệ 2,4 tỷ USD trên cơ sở tổng chi phí được xác định là 9,2 tỷ USD.
Một quan chức PVN trước đây là ông Đinh La Thăng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ năm 2008 đến 2011. Ngày 8 tháng 12 năm 2017, ông Thăng bị tạm đình chỉ chức đại biểu Quốc hội, bị khởi tố và tạm giam do những sai phạm khi giữ chức Chủ tịch PVN.
Qua hai lần xét xử hai vụ án khác nhau, ông Đinh La Thăng bị tuyên hai bản án 13 năm tù và 18 năm tù cùng tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra ông còn phải bồi thường 600 tỷ đồng cho Nhà nước trong vụ PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và 30 tỷ đồng trong vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposal-to-investigate-violations-at-nghi-son-refinery-project-under-pvn-11282018074914.html

Khởi tố Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân

 thành phố Nha Trang

Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành khởi tố, khám nhà và nơi làm việc của ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang, Lê Huy Toàn, về cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Truyền thông trong nước loan tin này ngày 28 tháng 11, theo xác nhận của một lãnh đạo Công an tỉnh Khánh Hòa.
Tin cho biết, ông Toàn bị khởi tố về những sai phạm liên quan đến dự án khu đô thị Hoàng Long (phường Phước Long, thành phố Nha Trang) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư xây dựng và địa chất U.P.G.C làm chủ đầu tư. Hiện ông Toàn bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Liên quan đến vụ án này, trước đó có nhiều người đã bị bắt và khởi tố.
Trong đó có bà Vũ Thị Mai Hương – nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phước Long và ông Nguyễn Đức Cường – cán bộ dịa chính phường Phước Long bị khởi tố với tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Khánh Hùng cũng bị Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố với tội danh “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Hai nhân viên của Công ty U.P.G.C là ông Đỗ Thế Vinh và Nguyễn Ngọc Khánh cũng bị khởi tố với tội danh “Giả mạo trong công tác”.
Những người vừa bị khởi tố trên đều dính líu đến việc ký xác nhận và hợp thức hóa các hồ sơ giả để những hồ sơ này đủ điều kiện được nhận bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Phía Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang sau đó đã hủy 49 quyết định cấp đất tái định cư sử dụng hồ sơ giả này.
Dự án khu đô thị Hoàng Long nằm ở phía Tây thành phố Nha Trang, với tổng diện tích là 25,79 hecta và được chấp thuận đầu tư từ tháng 2 năm 2015. Nhưng đến nay, theo báo mạng CafeLand thì chỉ có một vài căn nhà mới được xây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prosecuting-vice-chairman-of-peoples-committee-of-nha-trang-11282018073416.html

Nếu đảng xóa tên tôi

vì vấn đề Sơn Trà thì đáng buồn!

Ngày 21 tháng 11, truyền thông trong nước cho biết Quận Ủy Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng đang tiến hành thủ tục để xóa tên đảng viên đối với ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Thành phố Đà Nẵng vì lý do không chuyển hồ sơ và không sinh hoạt đảng một thời gian. Nhân dịp này, ông Huỳnh Tấn Vinh dành cho RFA cuộc nói chuyện ngắn về vấn đề này.
RFA: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về quyết định của Quận ủy Hải Châu về đề nghị xóa tên Đảng viên của ông?
Huỳnh Tấn Vinh: Tôi cho rằng đó là quyết định bình thường bởi vì một người không còn gì trong tổ chức thì chuyện gạch tên cũng bình thường thôi ạ.
RFA: Ông đã đưa ra quyết định không sinh hoạt đảng từ năm 2014, vậy tại sao ông không tuyên bố ra khỏi Đảng như một số Đảng viên kỳ cựu khác trong thời gian gần đây?
Huỳnh Tấn Vinh: Tôi cho rằng chuyện đó bình thường trong nội bộ của Đảng thôi, tôi muốn lặng lẽ trong chuyện này và tôi không muốn làm những khó khăn cho tổ chức Đảng thôi.
RFA: Tại sao quyết định xóa tên Đảng viên của ông lại diễn ra trong thời điểm này, ông có suy nghĩ lý do vì sao không?
Huỳnh Tấn Vinh: Đó cũng là câu hỏi tôi muốn hỏi vì sao vậy. Tôi không biết tại sao.
RFA: Thưa ông, vậy có phải những lên tiếng công khai của ông trên mạng xã hội và báo chí thời gian gần đây liên quan đến bán đảo Sơn Trà nó tác động trực tiếp đến quyết định này không, thưa ông?
Huỳnh Tấn Vinh: Tôi cố gắng để không nghĩ rằng, việc đó nó liên quan đến bán đảo Sơn Trà nhưng thật sự nó liên quan đến Sơn Trà thì đó là một điều đáng buồn.
RFA: Quyết định ra khỏi Đảng thì ông có nghĩ nó tác động như thế nào đến các hoạt động xúc tiến du lịch bảo vệ môi trường và cụ thể là bán đảo Sơn Trà ông đang thực hiện không?
Huỳnh Tấn Vinh: Tôi nghĩ rằng điều đó nó không tác động lớn, bởi vì theo ý kiến cá nhân tôi và xu thế của dư luận thế giới hiện nay, thì phát triển du lịch là phải phát triển bền vững. Và Sơn Trà phải bảo vệ nó để góp phần phát triển bền vững cho bán đảo Sơn Trà.
RFA: Quyết định này có ảnh hưởng gì đến chức Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng của ông không, thưa ông?
Huỳnh Tấn Vinh: Tất nhiên là nó có ảnh hưởng ở mức độ nào đó, nhưng thật ra theo điều lệ các quy chế của Hiệp hội Du lịch của Việt Nam và của Hiệp hội Du lịch thì chức danh Chủ tịch Hiệp hội du lịch không nhất thiết phải là Đảng viên.
RFA: Ông có lường trước được những khó khăn nào sắp tới trong cuộc sống vì quyết định này không?
Huỳnh Tấn Vinh: Tất nhiên là có, bởi vì tất nhiên việc đó nó xảy ra trong nhiều năm rồi khoảng 4-5 năm rồi, bây giờ tôi cho rằng chuyện đó bình thường thôi nhưng cái điều công bố trên báo chí thì tôi cho rằng nó là chuyện không được bình thường. Bởi vì rất nhiều Đảng viên không còn sinh hoạt Đảng nữa nhưng chưa rời Đảng thì cũng bình thường thôi. Mà câu hỏi được đặt ra là vì sao tại sao thời điểm này đối với trường hợp của Huỳnh Tấn Vinh.
RFA: Ông nghĩ gì về phong trào từ bỏ Đảng của các Đảng viên trong thời gian gần đây, thưa ông?
Huỳnh Tấn Vinh: Đó là quyết định riêng của mỗi người, tôi xin lỗi không có ý kiến gì về việc này.
RFA: Ông có nói rằng lý tưởng của Đảng không còn phù hợp với ông. Vậy lý tưởng khi ông gia nhập Đảng lúc trước với hiện nay khác nhau như thế nào, thưa ông?
Huỳnh Tấn Vinh: Tôi cần suy nghĩ đối với câu hỏi này có lẽ những điều tôi muốn nói đều thể hiện trên trang FB cá nhân của mình, anh có thể tham khảo trên FB Song Bien Tan Vinh.
RFA: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi.
Trên Facebook cá nhân của mình vào ngày 21/11, ông Huỳnh Tấn Vinh viết về quyết định của Quận uỷ Hải Châu như sau: “Thật ra mình không muốn mọi chuyện quá ồn ào gây khó xử cho tổ chức nên đã lặng lẽ ra khỏi đảng từ năm 2014.
Vì sao ư? Vì những điều đang diễn ra không còn phù hợp với lý tưởng ban đầu mà mình đã tin đã theo, đã chiến đấu, bị thương như một người lính và gia nhập đảng ở chiến trường K. từ 1980.
Nếu đảng Cộng sản dũng cảm thay đổi theo hướng tốt hơn: vì Nhân dân, vì đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Biết đâu, ngày đó mình sẽ xem lại.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/if-the-party-remove-my-name-because-ofthe-problem-son-tra-sad-11272018135922.html

Những nan đề của ngành năng lượng Việt Nam

Kính Hòa RFA
Ngày 26/11/2018, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đưa tin rằng Việt Nam cần số tiền rất lớn, đến 150 tỉ đô la Mỹ để đầu tư sản xuất năng lượng. Các nhà máy điện chạy bằng than vẫn sẽ được xây dựng mặc dù gây ô nhiễm nhưng có giá thành rẻ.
Nguồn thủy điện ở Việt Nam đã được khai thác hết công suất, trong khi các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời gặp phải khó khăn vì có giá thành đắt hơn điện chạy bằng than. Giải pháp điện hạt nhân đã bị loại bỏ vì lo ngại không an toàn.
Trước đó vài ngày truyền thông trong nước lại đưa tin là Tổng công ty than và khoáng sản Việt Nam không cung cấp đủ than cho một số nhà máy nhiệt điện chạy than ở miền Bắc khiến cho các nhà máy này có thể phải ngưng hoạt động sắp tới đây.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bình, người đứng đầu Ủy ban kinh tế trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng Việt Nam rất khó có thể huy động được nguồn vốn lớn để xây dựng các cơ sở điện năng của quốc gia.
Như vậy Việt Nam đang đứng trước nhiều nan đề phải giải quyết để có thể đảm bảo nguồn năng lượng cho quốc gia trong thời gian sắp tới đây.
Đầu tiên là vấn đề ô nhiễm.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học Cần Thơ cho chúng tôi biết:
Chính quyền ở các địa phương hiện nay rút kinh nghiệm từ việc ô nhiễm của các nhà máy điện chạy than tại Bình Thuận, gây ô nhiễm và có thể dẫn tới bất ổn xã hội, nên họ không muốn nhà máy điện chạy than đặt trong địa phương của mình.
Các nhà máy điện chạy than tại Bình Thuận là cụm nhà máy điện than Vĩnh Tân, gây ra ô nhiễm không khí và nguồn nước từ khi bắt đầu được xây dựng đến nay. Việc này gây ra nhiều cuộc biểu tình bạo động trong những năm gần đây.
Chính quyền ở các địa phương hiện nay không muốn nhà máy điện chạy than đặt trong địa phương của mình.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.
Theo thông tin của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, dự án xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Đồng bằng Sông Cửu Long có thể không hoàn thành vì hiện nay đã có hai địa phương là Long An và Bạc Liêu đã phản đối không muốn những nhà máy này xây tại địa phương mình.
Vấn đề giá thành của điện tái tạo.
Trước sự ô nhiễm của nhiệt điện chạy bằng than, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng những nguồn điện tái tạo từ gió và nắng mặt trời, như các dự án điện gió tại Bình Thuận, Bạc Liêu, điện mặt trời tại Tây Ninh.
Tuy vậy theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế tại Hà Nội, giá cả của loại điện này hiện vẫn còn cao:
Giá thành điện gió vẫn cao hơn loại điện từ than, thành ra phải bù lỗ từ ngân sách, và bù lỗ như thế nào?”
Việc bù lỗ này thể hiện ở chổ là nhà nước Việt Nam sẽ mua điện từ các trại gió và điện mặt trời với giá cao hơn điện từ các nhà máy điện chạy bằng than, và như thế, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, những nhà đầu tư nhà máy điện chạy than không đồng ý.
Việc giá điện than thấp cũng có nguồn gốc từ việc giá than đá mà Việt Nam nhập cảng từ Indonesia có giá rẻ, do Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đã cùng nhau hạ thuế của nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu.
Một giải pháp được đưa ra để không bù lỗ và khuyến khích đầu tư vào điện tái tạo là tăng giá điện.
Theo ông Lê Anh Tuấn và Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, giá điện sẽ được tăng lên, chậm nhất là sang năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Đến than cũng bắt đầu thiếu.
Ngay cả khi chấp nhận phải có những nhà máy điện chạy than trong cơ cấu năng lượng của mình, Việt Nam lại đang đối mặt với một vấn đề mới là Tổng công ty than và khoáng sản không cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy điện chạy than như nêu ở trên.
Từ nhiều năm nay Việt Nam là một quốc gia vừa xuất khẩu than đá và lại vừa nhập khẩu than đá. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Việt Nam xuất khẩu than loại tốt (anthracite) và nhập than loại rẻ và xấu hơn từ Indonesia để chạy nhà máy điện. Tuy nhiên ông nói với chúng tôi rằng ông không hiểu tại sao lại có sự chênh lệch về xuất nhập khẩu than đá đó.
Giá thành điện gió vẫn cao hơn loại điện từ than, thành ra phải bù lỗ từ ngân sách, và bù lỗ như thế nào?
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Chúng tôi không liên lạc được với Tổng Công ty than và khoáng sản Việt Nam để hỏi về việc thiếu hụt than hiện nay, và tại sao lại nhập than xấu để chạy nhà máy điện.
Bất định khi điều chỉnh cơ cấu kinh tế.
Một giải pháp được đưa ra để giảm lượng điện năng tiêu thụ đó là loại bỏ các ngành công nghiệp tiêu tốn quá nhiều năng lượng.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn:
Có những ngành tiêu thụ điện năng rất nhiều như luyện kim và đóng tàu, nên xem lại là có hiệu quả kinh tế hay không, nếu không thì nên mạnh dạn loại bỏ.”
Tuy nhiên ông nói thêm là việc định ra ngành công nghiệp nào Việt Nam cần giữ, ngành nào cần bỏ đi là không dễ dàng, vì nó phụ thuộc vào hướng đi của nền kinh tế thế giới, mà Việt Nam lại là một quốc gia nhỏ, không có ảnh hưởng nhiều đến định hướng đó, mà ngược lại bị định hướng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng việc sử dụng điện năng có hiệu quả đang được bàn cãi và phải có giải pháp trong thời gian tới đây.
Theo ông giải pháp tốt nhất cho Việt Nam hiện nay trong việc giải quyết nguồn năng lượng là các nhà máy điện chạy bằng khí, vừa rẻ vừa không gây ô nhiễm, nhưng không biết được nguồn khí của Việt Nam sẽ thiếu hụt như thế nào trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Việt Nam đang dự thảo một kế hoạch năng lượng mới, trong đó rút tỉ lệ điện than xuống thấp hơn tỉ lệ dự định hiện nay cho năm 2030 là trên 50%. Nhưng việc này vẫn đang được tranh cãi.
Đối với các chuyên viên của Bộ Công thương thì vẫn phải duy trì điện than vì giá thành rẻ. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nói với báo chí Việt Nam thì nếu tìm được giải pháp tốt thì vẫn có thể khắc phục được vấn đề ô nhiễm của điện than.
Đối với những người lo ngại về nguồn ô nhiễm thì khó lòng xóa bỏ hết sự ô nhiễm khi chạy nhà máy điện than, và việc này sẽ ảnh hưởng lâu dài lên nền kinh tế.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-dilemmas-energy-11272018114218.html

“Vụ” Trịnh Xuân Thanh sa lầy!

Nguyễn Ngọc Già
Báo VNExpress ngày 8/11/2018 cho hay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói [1]: ”…Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 sau khi ông này bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố ông Thanh tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh đã về nước đầu thú để mong “được hưởng sự khoan hồng” sau khi “trốn lại Đức”, theo đơn xin tự thú hồi tháng 7/2017. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức lại cho rằng ông bị “bắt cóc trên đất Đức” – điều Việt Nam “rất lấy làm tiếc”.
Đây là lần đầu tiên, phía Việt Nam chính thức lên tiếng, cho rằng Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”để “mong hưởng sự khoan hồng”, không hề có chuyện ”bắt cóc” nào xảy ra tại Đức.
Trịnh Xuân Thanh bị kết 2 án chung thân “…vì cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)…” - theo VNExpress.
Mới đây, báo Đồng Tháp loan tin [2]: ”Ông Đường Hùng Cường – tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư – thương mại Dầu khí Nghệ An bị bắt do liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài” và “…tại văn phòng Công ty cổ phần đầu tư – Thương mại dầu khí Nghệ An tại tầng 24 chung cư dầu khí thuộc phường Quang Trung, TP.Vinh, ông Trần Đình Quang – phó tổng giám đốc thường trực công ty, nói với PV: “Chúng tôi cũng nghe đồn vụ này nhưng đến nay chưa có cơ quan nào thông báo chính thức. Trong cơ quan có người biết, người cứ tưởng tổng giám đốc đi công tác”.
Cũng theo thông tin mà báo Đồng Tháp dẫn từ nguồn báo Tuổi Trẻ – do phóng viên Vũ Toàn săn tin – cho hay: “… ông Quang cho biết thêm ngày 21/11, trước khi rời cơ quan, tổng giám đốc nói với chúng tôi là đi công tác tại Hà Nội”.
Vô hình chung, báo chí Việt Nam đã chính thức công nhận Trịnh Xuân Thanh “trốn ra nước ngoài” với sự tổ chức có liên quan đến ông Đường Hùng Cường.
Trong khi đài RFA cho hay [3]: “…Mạng báo Tuổi Trẻ ngày 27/11 dẫn nguồn tin giấu tên từ Công an Nghệ An cho hay, việc bắt giữ thực hiện bởi Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an sau đó cùng với công an tỉnh này khám xét nhà ông Cường tại xóm 17, xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An). Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc thường trực công ty dầu khí Nghệ An lại cho biết, chưa nhận được thông báo chính thức từ Công an về việc bắt ông Cường…” thì “Tuổi Trẻ” đã gỡ bỏ bài báo này cả trên facebook và trên báo online.
Cũng theo RFA: ”…Ngày 31/7/2017, báo chí nhà nước loan tin việc nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đột nhiên xuất hiện tại Trực ban hình sự Bộ Công an tại Hà Nội đầu thú. Nước Đức sau đó cáo buộc các mật vụ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Thanh tại Berlin hôm 23/7 năm ngoái. Vụ việc này gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Châu Âu như Đức, Slovakia…”.
“Nan đề” Trịnh Xuân Thanh.
Hiện nay Trịnh Xuân Thanh bị 2 án chung thân với tội danh không liên quan đến việc “trốn ra nước ngoài”.
Đã bắt Đường Hùng Cường vì liên quan tới việc đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, tức Cường thuộc tội “tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” – điều 120 BLHS 2015.
Như vậy nhà cầm quyền VN ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”:
- Nếu không xử Trịnh Xuân Thanh tội “”trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” – điều 121 BLHS 2015, để chứng tỏ Thanh được “hưởng sự khoan hồng của đảng & nhà nước”, nhà cầm quyền VN nhất định không có căn cứ cáo buộc Đường Hùng Cường phạm tội theo điều 120 BLHS. Tất nhiên, Cường phải được thả ra. Có thể nói, “nếu không xử Thanh tất không xử Cường”, cho nên việc bắt rồi thả Cường (nếu có) là một việc rất ngô nghê của nhà cầm quyền VN! Trong khi đó, nhà cầm quyền VN không thể lý giải với quốc nội và quốc tế về việc tội phạm Nguyễn Hải Long đang thụ án tại Đức vì có liên quan đến đường dây “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh.
- Nếu buộc phải xử Trịnh Xuân Thanh theo điều 121 BLHS 2015, dù án treo hay một vài năm tù cũng không có ý nghĩa, bởi Thanh đang mang 2 án chung thân. Trong khi đó, việc xử Đường Hùng Cường hoàn toàn khả thi. Tất nhiên, ”xử Thanh ắt xử được Cường”, cũng trở thành một việc làm rất ngớ ngẩn của nhà cầm quyền VN, bởi nguyện vọng của Thanh rất rõ: “Xin hưởng lượng khoan hồng” và “về Đức sống với vợ con”. Khốn nỗi! Chính việc xử Cường & Thanh theo điều 120, 121 BLHS 2015 càng cho thấy lập luận Trịnh Xuân Thanh có “đơn xin tự thú” hoàn toàn bị đánh đổ.
Không lẽ Trịnh Xuân Thanh và Đường Hùng Cường sẽ là “tù nhân lương tâm” (?)
Các tội theo điều 120, 121 vốn thuộc chương XIII – “Tội xâm phạm an ninh quốc gia” trong BLHS 2015.Hầu hết những ai bị kết án theo loại tội danh này, bấy lâu nay đều được gọi là “tù nhân lương tâm”, ví dụ: 109 (tức 79 luật cũ),117 (tức 88 luật cũ).
Vì thế, Trịnh Xuân Thanh và Đường Hùng Cường nghiễm nhiên “gia nhập” hàng ngũ những người tù thường được gọi là “tù nhân lương tâm”.
Việc này ắt sẽ gây ra tranh cãi rất lớn đối với quốc nội và quốc tế về thuật ngữ “tù nhân lương tâm”, vốn đã định hình và được công nhận phổ quát trên toàn thế giới gần 60 năm qua.
Các tổ chức HRW, Freedom House, UNHRC v.v… luôn lên tiếng cho các “tù nhân lương tâm” sẽ phải hành xử như thế nào nếu như Đường Hùng Cường và Trịnh Xuân Thanh bị kết tội “xâm phạm an ninh quốc gia”?.
Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm sẽ xoay sở ra sao với Trịnh Xuân Thanh và Đường Hùng Cường một khi cả hai người này bị kết án “xâm phạm an ninh quốc gia” và họ vốn cũng không hề gây bạo lực gì cả?
Nan đề đối ngoại
Sự việc Trịnh Xuân Thanh vốn rắc rối càng trở nên sa lầy, khi gắn với Đức, Slovakia v.v…
Cách đây không lâu, mạng xã hội và báo chí cho rằng Đức yêu cầu Việt Nam trả Trịnh Xuân Thanh về cho họ kèm theo lời xin lỗi, hứa không tái phạm để đổi lại EVFTA được thành công.
Châu Âu nói chung và Đức Quốc nói riêng vốn nổi tiếng là những quốc gia có pháp luật nghiêm minh cùng văn hóa sống rất kỷ luật. Thế cho nên, thật khó thuyết phục họ “bỏ qua” cho nhà cầm quyền VN về vụ Trịnh Xuân Thanh, bởi ba chữ “tạo tiền lệ” có thể ám ảnh họ về cách hành xử của những nước độc đảng toàn trị.
Dường như những ai liên quan đến “sự việc” Trịnh Xuân Thanh nên học về “Công pháp quốc tế” để hiểu rõ thế nào là những con người văn minh cần phải có trong thế kỷ 21!
Nguyễn Ngọc Già
[1] https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/bo-ngoai-giao-len-tieng-viec-duc-va-viet-nam-dam-phan-ve-trinh-xuan-thanh-3836388.html
[2] http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE190A3C/Bat_tong_giam_doc_lien_quan_duong_day_dua_Trinh_Xuan_Thanh_ra_nuoc_ngoai.aspx
[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ceo-arrested-for-helping-txt-fled-vn-11272018084746.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/the-problem-of-trinh-xuan-thanh-case-11282018111639.html

Đại sứ Nhật cảnh báo

về dự án metro Bến Thành-Suối Tiên

Các doanh nghiệp Nhật sẽ dừng thi công dự án metro Bến Thành-Suối Tiên nếu Việt Nam không thanh toán tiền cho một số hạng mục đã hoàn thành của dự án này.
Truyền thông trong nước trích dẫn nguồn từ Đại sứ quán Nhật cho biết Đại sứ Umeda Kunio, vào hạ tuần tháng 11, đã gửi thư với nội dung cảnh báo vừa nêu đến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trong dự án metro Bến Thành-Suối Tiên.
Trong lá thư gửi đến Chính quyền Việt Nam, Đại sứ Umeda Kunio bày tỏ quan ngại về số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn cho dự án metro Bến Thành-Suối Tiền lên đến hơn 100 triệu đô la Mỹ (USD), tính đến ngày 16/11/18; đồng thời nhấn mạnh rằng dự án sẽ buộc phải ngừng thi công nếu vấn đề này không được giải quyết đến cuối tháng 12 tới đây.
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên là một trong những công trình giao thông trọng điểm và quan trọng tại TP.HCM, được triển khai vào tháng 3 năm 2007 và được khởi công từ tháng 8 năm 2012. Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên kéo dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư gần 210 triệu Yên, tương đương gần 42 ngàn tỷ đồng, chiếm 88,4%. Vốn từ ngân sách TP.HCM chiếm 11, 6% tổng mức đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài Chính đã ký kết với JICA 3 hiệp định vay vốn gần 32 ngàn tỷ đồng.
Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư cho rằng nguyên nhân dự án metro Bến Thành-Suối Tiên bị đội vốn là do tăng khối lượng xây dựng vì Việt Nam chưa có các quy chuẩn để xác định chính xác áp dụng trong đường sắt đô thị.
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên được dự kiến hoàn thành và hoạt động trong năm 2018. Tuy nhiên, dự án này vẫn còn bị chậm về tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japan-ambassador-warns-to-stop-benthanh-suoitien-metro-project-11282018080238.html

Các bị cáo vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ

đột ngột ngã bệnh trước ngày tuyên án

Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, người đang phải hầu tòa ở Phú Thọ trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ trên mạng, phải nhập viện vì lý do sức khỏe yếu.
Truyền thông trong nước ngày 28 tháng 11 dẫn phát biểu của luật sư bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh, cho biết hiện sức khỏe ông Vĩnh rất yếu và đang nhập viện điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, cũng theo luật sư này thì đến ngày tòa tuyên án ông Vĩnh sẽ cố gắng có mặt; còn không thì buộc phải xin tuyên án vắng mặt.
Cũng tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Dương một trong những người điều hành đường dây đánh bạc đề nghị tạm hoãn thi hành án đối với Dương vì lý do mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Dương mắc 1 trong 4 chứng viêm gan khó chữa nhất thế giới nhưng căn bệnh này của Dương chưa có bệnh án nên không đưa được vào hồ sơ bổ sung để cơ quan chức năng xem xét. Vì vậy luật sư cho rằng vì bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo nên có thể xem xét hoãn thi hành án và hội đồng xét xử yêu cầu xác định tình trạng sức khỏe khi phiên tòa kết thúc.
Phiên xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang trong quá trình nghị án. Đến ngày 30/11 tới đây, Hội đồng xét xử của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ ra tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ án này.
Trong một vụ án khác không liên quan, vào ngày 28/11 Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP HCM mới công bố xong cáo trạng truy tố Phan Văn Anh Vũ tức Vũ Nhôm, chủ tịch công ty xây dựng Bắc Nam 79 và ông Trần Phương Bình nguyên tổng giám đốc ngân hàng Đông Á cùng với 24 bị cáo khác.
Theo chủ tọa phiên tòa cho biết, Vũ nhôm và Nguyễn Thị Ái Lan nguyên trưởng phòng quán lý tài sản nợ của ngân hàng Đông Á được cách ly tại trạm giam khi tòa xét hỏi các bị cáo khác và việc trích xuất hai bị cáo này sẽ được sắp xếp sau. Bởi vì hai bị cáo này không thừa nhận cáo trạng.
Trong vụ án, Vũ nhôm bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 355 BLHS 2015 với khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân, với lý do chiếm đoạt tài sản của ngân hàng Đông Á DAB với số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Vũ Nhôm bị tòa sơ thẩm tuyên 9 năm tù với cáo buộc ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’. Phiên phúc thẩm vào cuối tháng 10, giảm cho ông này 1 năm xuống còn 8 năm cho tội danh này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-latest-developments-of-the-online-gambling-trial-11282018074920.html

Ông Trần Bắc Hà bị bắt ở Campuchia?

Trong dư luận ở Việt Nam hôm 28/11 xuất hiện tin nói ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV, bị Việt Nam bắt giữ khi ở Campuchia.
‘Rất khó để dẫn giải ông Trần Bắc Hà’
Đảng CS: 12 đại án của năm 2017
Ông Trần Bắc Hà có thời gian là lãnh đạo 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, từng được xem là lãnh đạo quyền lực của giới tài chính.
Cuối tháng Sáu ông bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản khai trừ do sai phạm “nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV”.
Trong ngày 28/11 các nguồn tin nói ông Hà đã bị bắt tại Campuchia, mặc dù chính phủ Việt Nam chưa xác nhận.
Cũng có tin chưa chính thức là ông Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc BIDV, bị bắt khi ở tỉnh An Giang.
Trước đó, ông Lục Lang cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói là vi phạm “nghiêm trọng” và bị kỷ luật đảng bằng hình thức Cảnh cáo.
Trên mạng xã hội lập tức có các bình luận.
Ông Phạm Việt Thắng đưa tin về hai vụ bắt giữ.
Phạm Việt Thắng
BẮT B HÀ VÀ L LANG
Anh B Hà bị bắt tại Campuchia. Anh L Lang, đồng hương B Hà, cũng đã bị tóm.
Riêng con trai anh B Hà cũng đã ở trong tấm ngắm, và sớm vào lò.
Ngoài việc thất thoát ở ngân hàng B, dự án nuôi bò có vốn hàng nghìn tỷ đồng, cũng đã nuốt của ngân hàng này cả nghìn tỷ.
Lưới trời lồng lộng!
Nhà báo Mạnh Quân của báo Dân Trí nói: “Quyền lực, ngông nghênh một thời, thế mà cũng đến lúc sa cơ, lỡ vận., chui lò, làm thanh củi nhỡ …”
Bố gìa sa lưới
Hồi xưa, khi cùng làm ở báo Sài Gòn Tiếp thị, bạn Lan Anh (FORBES) đã tỏ ý rất ngạc nhiên khi một lần phỏng vấn, bị anh Trần Bắc Hà dọa chỉ đạo cho công an bắt.
Đại khái, khi đó Lan Anh gọi điện phỏng vấn, có ý hỏi ý kiến của ông Bắc Hà về tình trangj lạm phát tăng mạnh, ông TBH bảo: -Thực ra Việt Nam là mẫu mực trong việc chống lạm phát,
Vốn hay đùa, Lan Anh nói: – Cũng rất có kinh nghiệm tạo ra lạm phát nữa chứ?
Không hiểu sao, anh TBH tức điên lên và bảo: Cô đừng có láo, tôi kêu công an gô cổ cô lại. Cái báo SGTT nhà cô toàn đi nói xấu Chính phủ.
Lan Anh hết sức ngạc nhiên tại sao một lãnh đạo ngân hàng lại có thể chỉ đạo công an bắt phóng viên được. Gọi điện cho mình, hỏi thất thanh: Ôi Quân ơi ông này là thế nào mà dọa bắt cả tớ mới ghê?
Nhưng thời điểm đó (2011), quả thực, thế của anh TBH rất mạnh. Chuyện trên chỉ là rất nhỏ. Có quá nhiều giai thoại về anh TBH. Có người kể anh phang cả cái ghế vào người Phó chủ tịch tỉnh Bình Định, chửi, mắng quan chức hàng cấp tỉnh như chửi người làm …
Nhưng giờ thì …có thông tin cho biết anh vừa bị bắt ở CPC. Thôn gtin này chắc sẽ sớm được đăng tải trên các báo sáng mai, và có thể ngay tối nay.
Quyền lực, ngông nghênh một thời, thế mà cũng đến lúc sa cơ, lỡ vận., chui lò, làm thanh củi nhỡ
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46378166

Ông Trọng nhắc lực lượng công an

đừng ham chức tước’, ‘vật chất chỉ là phù vân’

Khánh An-VOA
Phát biểu tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương hôm 28/11, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao nỗ lực của lực lượng công an trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, đồng thời nhắc nhở lực lượng này giữ mình trong sạch, liêm chính, “đừng ham chức tước, địa vị” vì “vật chất chỉ là phù vân”.
“Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh quốc gia được chỉ đạo triển khai quyết liệt, giữ vững an ninh chính trị, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa. Công tác phòng chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra”, TTXVN dẫn lời ông Trọng khen lực lượng công an trong buổi họp có mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước, mặc dù có một số tiêu cực, nhưng ông không vì thế mà phủ nhận công lao đóng góp của lực lượng công an trong việc “góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ được lòng dân yên, chính trị xã hội ổn định, đất nước phát triển”.
“Vừa rồi, nhiều nước sang thăm, mong muốn học tập kinn nghiệm của Việt Nam”, ông Trọng nói.
Ngoài ra, Tổng bí thư-Chủ tịch nước của Việt Nam cũng đặc biệt khen ngợi lực lượng công an về nỗ lực “tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế” và cho đây là “điểm sáng” của Đảng ủy Công an Trung ương trong năm 2018.
“Tại sao ông Trọng lại nói như vậy?”, TS. Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát tình hình thời sự-chính trị Việt Nam nói. “Điều đầu tiên cần nói là ông ấy là đồng tác giả của chủ trương tái cơ cấu Bộ Công an. Chủ trương này đã được đưa ra 4, 5 năm rồi nhưng tới đầu năm 2018 mới làm được”.
“Cuối năm 2017, chính ông Trọng là người đưa ra chủ trương tái cơ cấu Bộ Công an. Việc đầu tiên của tái cơ cấu là xóa bỏ 6 tổng cục trong Bộ Công an, trong khi đó lại duy trì toàn bộ số tổng cục trong Bộ Quốc phòng. Thứ hai, giảm bớt số tướng bên Bộ Công an, nhưng vẫn giữ nguyên số tướng bên Bộ Quốc phòng”, TS. Phạm Chí Dũng nói với VOA.
Theo nhà nghiên cứu này, Bộ Công an là một cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch chống tham nhũng, vốn hay được gọi là “chiến dịch đốt lò”, của ông.
“Cho tới nay, ông Trọng đã nắm được hai cứ điểm quan trọng nhất trong Bộ Công an là cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan an ninh điều tra, do người của ông Trọng là Thượng tướng-Thứ trưởng Lê Quý Vương và Thượng tướng-Thứ trưởng Bùi Văn Nam nắm hai cơ quan này”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Trong giai đoạn “chiến dịch đốt lò” đang bước vào giai đoạn mới, mà theo nhận định của TS. Phạm Chí Dũng là “mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, sát máu hơn”, thì sự tiếp sức của Bộ Công an là một “điều kiện cần”. Chính vì vậy, ông Trọng mới có những lời “ve vuốt” đối với Bộ Công an, bất chấp những bê bối xảy ra trong Bộ này trong năm nay.
“Đây chẳng qua chỉ là một động tác chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng đối với Bộ Công an mà thôi. Còn thâm sâu trong đầu ông ấy nghĩ gì thì không hẳn như lời ông nói”, TS. Phạm Chí Dũng nhận định thêm.
Bên cạnh những lời khen ngợi, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp ngày 28/11 cũng nhắc nhở lực lượng công an “không được ngủ quên trên vòng nguyện quế” trước tình hình “âm mưu chống phá của các thế lực thù địch còn lâu dài”, “suy thoái trong nội bộ còn âm ỉ”, “tình trạng khiếu kiện đông người” và cả vấn đề “an ninh mạng”.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng lực lượng công an “trọng liêm, trọng chính, trọng đức”.
“Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian, còn vật chất chỉ là phù vân… Cha ông đã tổng kết: Danh thơm còn mãi, đùng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ xu nịnh”, TTXVN dẫn lời ông Trọng nói.
Đây là kỳ họp Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đầu tiên kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, lên kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước vào cuối tháng trước. Ông là lãnh đạo thứ hai của đảng Cộng sản Việt Nam, sau Hồ Chí Minh, giữ hai chức vụ cùng một lúc.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trong-nhac-luc-luong-cong-an-dung-ham-chuc-tuoc-vat-chat-chi-la-phu-van/4677983.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?