Bản án sơ thẩm vụ Đồng Tâm gây bất bình trong công luận thế nào?
VOA - BẠN ĐỌC LÀM BÁO
22/9/2020
Nông dân Đồng Tâm tại phiên tòa ở Hà Nội kết thúc hôm 14/9/2020. VNA via Reuters
Thiện Ý
Tin tổng hợp giới truyền thông trong và ngoài Việt Nam cho hay, ngày 14-9-2020 vừa qua, Tòa án thành phố Hà Nội, sau một tuần xét xử, đã đưa ra bản án sơ thẩm đối với 29 người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; về các tội “Giết người” (Điều 123 BLHSVN) hoặc “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330 BLHSVN).Bản án sơ thẩm đã gây bất bình và phản đối mạnh mẽ trong công luận Việt Nam và quốc tế.
- Bản án sơ thẩm vụ án Đồng Tâm thế nào?
- Phản ứng của công luận Việt Nam và quố tế ra sao?
Đó là nội dung bài viết và thuyết trình này.
I - Bản án sơ thẩm vụ án Đồng Tâm thế nào?
1 - Diễn tiến vụ kiện
Từ khiếu kiện đất đai, dẫn đến vụ án hình sự xin tóm lược như sau:
(1) - Từ khiếu kiện đất đai
Vụ tranh chấp đất đai Đồng Tâm giữa người dân và chính quyền nổi lên từ năm 2016. Tình hình bắt đầu căng thẳng từ tháng 11/2016 khi UBND huyện Mỹ Đức căng dây khắp khu vực 59h ở tây Đồng Sênh, san gạt một số mặt bằng và cắm biển 'Vùng cấm - Khu vực quân sự'".
Từ năm 2017–2019: ông Lê Đình Kình (đại diện cho dân Đồng Tâm) nhiều lần gửi đơn lên Thanh Tra Chính Phủ đề nghị xem xét tính chính xác của kết luận của Thanh tra Hà Nội, khẳng định 59ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm từ bao đời nay, không phải đất quốc phòng. Mảnh đất này tiếp giáp với mảnh 47,36ha đã được giao cho Bộ Quốc Phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.
Theo người dân Đồng Tâm, các cán bộ địa phương đã lập lờ khi báo cáo về hai khu đất này khiến chính quyền hiểu nhầm khu 59ha cũng trùng với khu 47,36ha đã được giao cho Bộ Quốc Phòng từ lâu.
(2) Dẫn đến các vụ án hình sự
Trong khi chính quyền chức năng vẫn chưa giải quyết khiếu kiện về 59 ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm, thì vào rạng sáng ngày 9-1-2020, khoảng 2 giờ sáng, lực lượng cưỡng chế đã xâm nhập làng Hoành, Xã Đồng Tâm. Vụ đụng độ được nói là diễn ra vào lúc 4 giờ sáng. Một thông cáo của Bộ Công an cho biết vụ đụng độ chết người xảy ra khi lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn bị tấn công bởi những người dân chống đối ‘sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng’. Thông tin này công luận cho là giả tạo, phi lý. Vì không lẽ ‘lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn’ vào lúc 4 giờ sáng lại bị tấn công khi dân làng Hoành, xã Đồng Tâm còn ngủ. Thế nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam và khởi tố 29 nông dân về hai tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”.
Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm kéo dài từ ngày 7-14/9 là người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Họ bị bắt rạng sáng 9/1 sau khi công an đột kích vào thôn Hoành, với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân trong nhiều năm qua. Vụ đột kích dẫn đến hậu quả là ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị công an bắn chết, nhiều người bị bắt giam; phía công an có 3 người thiệt mạng.
Trong 5 ngày đầu xét xử (từ ngày 7 đến ngày 11/9/2020), đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra cáo trạng và đề nghị mức án phạt tù cho các bị cáo; với 13 luật sư biện hộ cho 29 bị cáo và 2 luật sư của chính phủ bảo vệ quyền lợi cho những người bị hại là 3 công an thiệt mạng vì té xuống một “giếng kỹ thuật” khi tham gia (kế hoạch mật mang bí số 419), tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào đêm rạng sáng ngày 9-1-2020. Thế nhưng trong cáo trạng khởi tố trước Tòa, đã cáo buộc cho 3 trong số 29 bị cáo là đã đổ xăng, ném lựu đạn xuống giếng giết chết 3 công an này. Vì thế 3 bị cáo này đã bị truy tố về cả 2 tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”.
Kết quả sau 2 ngày nghị án, theo tường thuật của báo Người Lao động và báo Giao Thộng trong nước, thì:
- Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào chiều 14/9 tuyên án tử hình hai ông Lê Đình Công, 56 tuổi, và Lê Đình Chức, 40 tuổi, án chung thân cho Lê Đình Doanh con Lê Đình Chức vì phạm tội “giết người”
- Ngoài hai án tử hình, một án chung thân vừa nêu, Tòa cũng tuyên các mức án từ 15 tháng tù treo đến án tù nhiều năm cho 27 người khác bị quy là phạm tội “chống người thi hành công vụ” Tiêu biểu như Bùi Viết Hiểu, 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến, 13 năm tù; và Nguyễn Văn Tuyển, 12 năm tù.
Như vậy là, từ một vụ khiếu kiện đất đai ở Đồng Tâm, phải giải quyết theo thủ tục hành chánh, pháp lý; nay đã biến nông nhân thành tội nhân trong một vụ án hình sự mang tính trừng phạt, răn đe…
II - Phản ứng của thân nhân các bị cáo, các luật sư biện hộ và công luận Việt Nam và quốc tế thế nào?
Chúng tôi ghi nhận phản ứng điển hình về vụ án và bản án sơ thẩm Đồng Tâm.
1 - Phản ứng của thân nhân các bị cáo.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, các luật sư biện hộ cho hay là các bị cáo sẽ kháng án. Bà Nguyễn Thị Duyên vợ của Lê Đình Uy nhận mức án 5 năm tù, đã nói với VOA rằng “Gia đình chúng tôi không đồng ý, không chấp nhận các bản án của tòa. Người thân của chúng tôi không làm gì phạm tội, không giết người. Công an không có bằng chứng là chú tôi, bố tôi giết người”. Bà nhấn mạnh, rằng bất cứ bản án nào của tòa đối với ai trong vụ án này cũng là “oan sai” và gia đình sẽ “đấu tranh”.
Nói về việc ông Lê Đình Kình bị bắn chết trong vụ đột kích, bà Duyên cáo buộc rằng công an “đã giết” ông. “Cụ chết rất oan trái”, bà Duyên nói với VOA, “Gia đình và người dân Đồng Tâm bất ngờ, không chấp nhận cái chết tức tưởi của cụ”.
2 - Phản ứng của các luật sư biện hộ cho các bị cáo
Luật sư Đặng Đình Mạnh một trong các luật sư bào chữa cho các bị cáo, trên Facebook cá nhân đã đăng ảnh “đơn khiếu nại” gửi chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội về “hành vi tố tụng trái pháp luật của thẩm phán chủ tọa phiên tòa”. Trong đó viết rằng “lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với các bị cáo do mình bào chữa” và “yêu cầu thẩm phán Chủ tọa phiên tòa [ông Trương Việt Toàn] cùng HĐXX [Hội đồng Xét xử] phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa”.
Luật sư Lê Văn Luân, một luật sư khác biện hộ cho các bị cáo, cũng viết trên mạng xã hội về “tiền lệ” này, mà ông nói là “chưa từng gặp trong các phiên toà trước đây”. Chiều ngày 8/9, Luật sư Lê Văn Luân cho biết trên Facebook rằng ông vừa làm đơn đề nghị được tiếp cận chứng cứ mà tòa đề cập. Luật sư Luân viết: “Những chứng cứ này các luật sư đã không được tiếp cận và không được liệt kê trong danh sách các vật chứng trong tài liệu vụ án.”
Trong khi đó, tập thể các luật sư tham gia bào chữa như LS. Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Văn Miếng, Nguyễn Hà Luân… cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ vụ án, và liên tục đưa ra các dữ kiện cho thấy có quá nhiều “vấn đề” về chứng cứ, lời khai, quá trình điều tra và thủ tục tố tụng.
Biên bản phiên tòa chiều ngày thứ nhất (07/9/2020) và sáng ngày xử thứ hai (08/9/2020) mà LS. Ngô Anh Tuấn công bố cho thấy hầu hết các bị cáo, mặc dù được cách ly khỏi các bị cáo liên quan khác, nhưng khi được hỏi về bản cáo trạng đều cho rằng nó “không đúng” hay “sai sự thật”.
Theo tường thuật của LS. Đặng Đình Mạnh, khi ông đặt câu hỏi chung cho toàn bộ 29 bị cáo rằng “Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay”, thì chỉ có 10 cánh tay giơ lên, còn lại 19 người không giơ tay. Ls Mạnh kết luận trên trang Facebook: “Có lẽ, họ có nhiều điều muốn nói hơn là cái giơ tay”.
(3) - Phản ứng công luận Việt Nam trong và ngoài nước
Công luận trong và ngoài Việt Nam thỉ tỏ ra bất bình, phẫn nộ, phản đối mạnh mẽ về vụ án với bản án sơ thẩm vụ án Đồng Tâm tuyên ngày 14-9-2020.
Ông Nguyễn Hùng, tác giả bài viết “Đồng Tâm và phiên tòa ô nhục” đăng tải trên VOA cho rằng, phiên xử 29 người dân Đồng Tâm trong vụ chính quyền vô cớ xông vào tư gia của người cha, ông hay thủ lĩnh tinh thần của họ (Lê Đình Kình) giữa đêm khuya dẫn tới cái chết của bốn người Việt (3 công an, một người dân) chẳng có thể dùng từ gì khác là nát như tương để mô tả. Ông phẫn nộ và chua xót viết “Và 45 năm sau khi kết thúc cuộc chiến giữa người Việt Nam để ngư ông Trung Quốc đắc lợi ở Hoàng Sa, anh em trong nhà lại giết nhau vì mảnh đất ngoài đồng trong khi cướp biển vẫn rình rập.
Chết bốn mạng người chưa xong, người ta còn muốn trả thù để ba mạng công an phải đổi cho bằng được ba mạng dân. Đất nước văn hoá bốn ngàn năm và khát khao muốn sánh vai với các cường quốc năm châu mà sao chỉ thi đua xuống đáy thế này?”
Ông Hùng cho rằng, diễn tiến các phiên Tòa và bản án cho thấy tinh thần thượng tôn luật pháp không được tôn trọng; và biện minh cho các hành động của những nông dân Đồng Tâm bị kết tội, chỉ là quyền tự vệ chính đáng khi bị công an bất ngờ tấn công trái phép vào ban đêm khi mọi người còn đang ngủ.
Nhà báo trong nước Osin Huy Đức, tác giả “Bên thắng cuộc” đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng “Nếu, vụ án được nhìn nhận một cách khách quan, phải có điều tra độc lập để xem xét tính hợp pháp của việc đang đêm ‘xâm phạm chỗ ở’ của các công dân Đồng Tâm, thì mới có thể đánh giá các hành vi tiếp theo là phạm tội hay không phạm tội”.
TS. Nguyễn Quang A – nhà hoạt động vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam – đề nghị “phải hủy phiên toà và điều tra sự phạm pháp của công an”.
(4) - Phản ứng của quốc tế
Kể từ khi xảy ra vụ xung đột chết người, rất nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ nhiều nước đã yêu cầu nhà chức trách Việt Nam cho phép tiến hành điều tra độc lập vụ án. Thế nhưng cho đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng thì Tóa án Việt Nam đã xét xử và đưa ra bản án bất công, vô nhân đạo và nặng nề cho các nông dân Đồng Tâm bị bắt và khởi tố hình sự chỉ vì khiếu nại kêu oan về đất đai bị trưng thu trái phép.
VOA đã nhắc lại lời của Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu Virginie Battu-Henriksson từng nói với VOA tiếng Việt sau ngày công an tấn công vào Thôn Hoành, Xã Đồng Tâm đêm rạng sáng ngày 9-1-2020; rằng tổ chức này “quan ngại” về hành động “dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng” ở Đồng Tâm. Và rằng “Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”. Bà Battu-Henriksson nói thêm, bày tỏ kỳ vọng rằng “chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) bày tỏ quan ngại về vi phạm thủ tục tố tụng trong phiên xử Đồng Tâm, cùng lúc giới luật sư tiếp tục lên tiếng về quyền bào chữa cho các bị cáo trong vụ án gây nhiều tranh cãi.
Tổ chức HRW cũng ra thông báo kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm cả giới ngoại giao, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi các phiên toà xử 29 công dân Đồng Tâm về cáo buộc “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Thông báo viết “Nạn tra tấn và bức cung vốn vẫn phổ biến trong các trại giam của công an trong khi khái niệm tòa án độc lập còn xa vời, và các bản án được đảng Cộng sản định sẵn là các đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam,”
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW nói, lực lượng an ninh Việt Nam cần chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi thân nhân của các bị cáo.Ông cũng viết trên Twitter rằng có đến 10 người bị tạm giữ bên ngoài phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020.
Trong phát biểu của mình ngày 7/9, ông Robertson nói rằng HRW rất lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng dành cho 29 người dân Đồng Tâm đang bị xét xử.
Bài tới chúng tôi sẽ nhận định “Vì sao bản án sơ thẩm vụ án Đồng Tâm gây bất bình và tranh cãi gay gắt của công luận?
Thiện Ý
Houston, ngày 21-9-2020.
Nhận xét
Đăng nhận xét