Một góc nhìn người Việt từ Florida trước thảo luận truyền hình Trump-Biden
Vài ngày trước tranh luận truyền hình đầu tiên của các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 29/09 giờ miền Đông Hoa Kỳ, các vấn đề hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải đối mặt đã được nêu ra.
Sau cuộc tranh luận lần đầu giữa ứng viên đảng Cộng hòa, đương kim tổng thống Donald Trump và ứng viên của đảng Dân chủ tối 29/09 ở Cleveland, Ohio, hai ông sẽ còn đối mặt thêm hai lần nữa, vào ngày 15/10 ở Miami, Florida và 22/10 ở Nashville, Tennessee.
Hai ứng viên phó tổng thống, đương kim phó tổng thống Mike Pence và thượng nghị sĩ Kamala Harris cũng sẽ có cuộc tranh luận truyền hình ngày 7/10 ở Salt Lake City, Utah.
Các cuộc tranh luận này đều được tổ chức vào 21:00-22:30 giờ miền Đông Hoa Kỳ (02:00-03:30 BST).
Các vấn đề được nêu ra là 'thành tích' của các ứng viên Donald Trump và Joe Biden, vai trò của Tối cao Pháp viện Liên bang, Covid-19, bạo loạn chủng tộc và kinh tế.
TS Phạm Đỗ Chí, thành viên của Nhóm TAPA (Vietnamese Americans for “Trump As President Again”) ủng hộ TT Donald Trump, trả lời BBC vì sao ông nghĩ ông Trump là ứng viên xứng đáng hơn ông Joe Biden:
BBC News Tiếng Việt:Thưa tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, trước khi đi vào các vấn đề lớn liên quan đến cuộc tranh luận đầu giữa hai ứng viên tổng thống, xin ông mô tả không khí tại Florida, nơi ông đang sống hiện ra sao?
Chỉ còn gần 5 tuần là đến ngày bầu cử trọng đại của nước Mỹ, tôi nhận thấy không khí nóng hực hẳn lên trong những cuộc tranh luận cá nhân hay trên các phương tiện truyền thông. Nhưng điểm đặc biệt nhất là vắng bóng các “signs” quảng cáo của hai ứng cử viên Tổng thống ở trên các bãi cỏ trước nhà, như trong các mùa tranh cử trước đây. Tôi thấy có thể giải thích là do không khí bạo loạn thiếu an ninh của nhiều thành phố Mỹ hiện nay, dân chúng cảm thấy cần “kín đáo” hơn về quan điểm chính trị, “pro” (ủng hộ) hay “against” (chống lại) các ứng cử viên năm nay.
Cũng xin kể luôn rằng nhân cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống đầu tiên này, chúng tôi tóm tắt một số vấn đề quan trọng đang được đặt ra, theo quan điểm của của tôi và các cộng sự từ TAPA, tổ chức đã và đang đứng ra làm các hoạt động ủng hộ cho ông Donald Trump, thì có bốn điểm chính theo thứ hạng ưu tiên:
Một làluật pháp và trật tự phải được thiết lập lại với bốn năm nữa của TT Trump.
Hai là nền kinh tế PHẢI được lãnh đạo bởi TT Trump để thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay và thất nghiệp nặng nề do đại dịch gây ra.
Ba là về chính sách đối ngoại: Hoa Kỳ phải mạnh mẽ và quả quyết trở lại, để đảo ngược sự hung hăng của Trung Quốc (TQ) trong các vấn đề kinh tế (qua vấn đề thương mại không công bằng) và các hoạt động quân sự ở Biển Đông, đặc biệt đáng chú ý với việc chống lại Việt Nam, Đài Loan và Philippines.
Tương tự như vậy, hiện nay chúng tôi đã có nhận thức đầy đủ và mạnh mẽ chống lại sự “xâm lăng” từng bước của chủ nghĩa xã hội trong xã hội Mỹ, đặc biệt là trong giới trẻ.
Chính sách của TT Trump nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc cộng sản trên khắp châu Á: công khai lên án chủ nghĩa xã hội, bày tỏ sự thân thiện với Đài Loan, ủng hộ mạnh mẽ nền dân chủ ở Hong Kong, và phủ nhận yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, làm vươn lên hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Châu Á, những bạn bè và những người thân của chúng tôi.
Và bốn là an ninh biên giới: đây cũng là một vấn đề quan trọng vì chính quyền Biden sẽ dung túng cho người nhập cư bất hợp pháp, và các chi tiêu lớn cho giới này thông qua các chương trình “entitlements” ở các tiểu bang miền Tây, để sau này dễ mua thêm phiếu bầu ở cấp quốc gia và địa phương, như đã thấy trong những năm qua và có thể xảy ra qua các cuộc bầu cử sắp tới.
BBC News Tiếng Việt: Cuộc sống và kinh nghiệm của một người Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ có được khả quan hơn không kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống?
Cuộc sống của người Mỹ gốc Á châu đã được cải thiện đáng kể dưới thời TT Trump với một nền kinh tế mạnh, cung cấp nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm trước khi cơn đại dịch xảy ra. Và chúng tôi đặt hy vọng cùng niềm tin mạnh mẽ rằng chỉ với những chính sách đã tuyên bố của TT Trump mới có thể giúp tất cả chúng ta thoát khỏi cuộc suy thoái hiện tại một cách nhanh chóng.
Ngược lại, một chính quyền Biden với việc cổ xúy tăng thuế má, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ kéo dài suy thoái này lâu hơn cho đến năm 2021 và xa hơn nữa.
Cá nhân chúng tôi, gồm công việc và đời sống kinh tế, được khả quan hơn dưới thời TT Trump trong ba năm rưỡi vừa qua. Quan trọng nhất, chúng tôi cảm thấy yên tâm với lương hưu của mình nhờ thị trường chứng khoán Mỹ đã lên mạnh mẽ và có dấu hiệu ổn định nếu TT Trump được tiếp tục trong nhiệm kỳ tới.
Xin chỉ đơn giản tóm tắt rằng đối với Người Mỹ gốc Á, nếu không phải là đúng cho cả Người Mỹ bản xứ, phương châm chính ("Motto") cho cuộc bầu cử này là: Việc Làm và Lương Hưu. Bạn nên suy nghĩ lại, nếu bạn đã từng nghĩ đến việc thay đổi quan điểm, để ủng hộ cho ứng cử viên Biden.
BBC News Tiếng Việt: Ông nghĩ sao về những chỉ trích rằng ông Trump “bất xứng”, vì sự điều hành quốc gia, các phát biểu bất ổn về dịch Covid-19, về chủng tộc mà phe phê phán ông ấy nói là chỉ đổ dầu vào lửa cho tình hình xung khắc chủng tộc ở Mỹ?
Chúng tôi nghĩ rằng đây là một ngộ nhận to lớn gây ra bởi giới truyền thông thiên tả ở Hoa Kỳ từ ngày đầu của nhiệm kỳ TT Trump. Họ đã phủ nhận hoàn toàn các thành công to lớn của CP Trump cho nền kinh tế tăng trưởng cao (3%-4%), nạn thất nghiệp thấp kỷ lục (3.5% vào tháng 2/2020) trước đại dịch, đã giúp cho xã hội tương đối ổn định với công ăn việc làm cho các nhóm thiểu số v.v…
Khi nạn dịch COVID-19 bắt đầu vào tháng 1/2020, do sự dấu diếm nguồn gốc và các tin tức sai lệch (disinformation) của Trung Quốc, Tổng thống Trump đã ra các quyết định mạnh mẽ ngăn chặn lập tức các chuyến bay từ TQ, và sau đó từ Âu châu, bất chấp những phản đối ban đầu từ chính ông Biden và các lãnh tụ Đảng Dân chủ khác. Các chỉ trích về tuyên bố ban đầu của TT Trump, làm nhẹ bớt tình hình nguy hiểm của nạn dịch, là bất công. Vì ở cương vị một nhà lãnh đạo, ông không thể gây “panic” (hoảng loạn) có thể làm xáo trộn thị trường chứng khoán và nền kinh tế một cách vô ích và quá sớm.
Một thời gian ngắn sau, lúc nạn dịch đã được hiểu rõ hơn, Chính phủ Trump đã nhanh chóng quyết định các biện pháp ngăn chặn, như sản xuất các dụng cụ y tế phòng chống, xét nghiệm và chữa trị, mà khó một chính phủ Dân chủ tại chức có thể bì kịp. Không cần phải nói thêm, triển vọng gần về các loại vắc-xin phòng ngừa bệnh dưới sự thúc đẩy tích cực của Chính phủ Trump sẽ giúp ích cho tiến trình này.
Chỉ trích là TT Trump đã “đổ dầu vào lửa” cho những tuyên bố về xung khắc chủng tộc lại càng bất công hơm nữa bởi nhóm truyền thông thiên tả. Các bạo loạn liên tiếp xảy ra từ cái chết đáng tiếc của một người da màu không phải do lỗi của ông. Thái độ cương quyết lập lại trật tự và những tuyên bố cứng rắn trong vấn đề này của Tổng thống Trump dần được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ. Chính ông Biden cũng nhận ra và đã phải thay đổi lập trường, từ khuyến khích biểu tình ban đầu đến kêu gọi chấm dứt bạo động.
BBC News Tiếng Việt: Tình hình chung hiện ra sao, ông thấy lo ngại điều gì và định làm gì? Nhất là trước cuộc tranh luận 29/09?
Trong thời gian ngắn còn lại trước bầu cử, tình hình chung là mọi người e ngại sự gian lậu trong bầu cử có thể xảy ra, do việc Đảng Dân chủ đòi hỏi và thúc dục việc bầu bằng thư thay vì ra phòng phiếu bầu trực tiếp—nhất là trong những tiểu bang có lãnh đạo thuộc Đảng này. Diễn biến mới nhất tạo sự e ngại như chính Tổng thống Trump nói là đã tìm thấy một số phiếu bầu trước qua đường bưu điện bỏ cho ông bị vứt trong thùng rác.
Cũng trong tinh thần này, việc TT Trump đề nghị gấp rút ứng cử viên Bà Amy C. Barrett thay thế Bà Ruth B. Ginsburg vừa mất để bổ sung kịp thời cho Tối Cao Pháp Viện Mỹ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong trường hợp có khúc mắc gian lận hay chậm trễ xảy ra do đếm phiếu bằng thư gửi qua bưu điện, Tòa sẽ đóng vai trò quyết định ai là người thắng cử.
Trong phạm vi hoạt động của nhóm chúng tôi, TAPA đang tổ chức những buổi họp mặt cuối tuần, nhất là trong các tiểu bang “chiến trường” nơi có nhiều người Việt, khuyến khích người Mỹ gốc Việt đi bầu đông và trực tiếp, thay vì gửi phiếu bầu bằng thư.
BBC News Tiếng Việt: Các chính sách của TT Trump theo ông đã và đang tác động đến Việt Nam, Trung Quốc ra sao? Nếu tái đắc cử ông Trump sẽ làm gì?
Về phương diện chính sách đối ngoại trong quá khứ cũng như tương lai của Hoa Kỳ, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nhất thái độ cứng rắn của TT Trump với TQ qua việc siết chặt “Thế Cờ Vây Kinh Tế” như đã làm từ hai năm qua, cũng như các biện pháp quân sự quyết liệt ở Biển Đông từ vài tháng nay để bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng.
Việc này cũng sẽ đóng vai trò tích cực cho việc bảo toàn lãnh thổ của Việt Nam chống lại sự hung hãn bành trướng của TQ, từ lâu đã công khai xây dựng bất hợp pháp các căn cứ quân sự trên lãnh hải VN, hay ngăn chặn quyền khai thác dầu khí và ngư nghiệp của Việt Nam. Sự ủng hộ của chúng tôi là tất yếu với TT Trump, vì sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quê hương xưa cũ của chúng tôi.
Chính thái độ rõ ràng này của TT Trump cũng khiến ông Biden phải thay đổi dần thái độ, mới đây cũng đã phải tuyên bố chính thức sẽ “cứng rắn với TQ”, vì ông hiểu dân chúng Mỹ từ nay đã rất cương quyết đề phòng chống lại Trung Quốc dù dưới bất cứ chính phủ mới nào. Từ chính sách thương mại bất công lợi dụng của Trung Quốc, không tôn trọng sở hữu trí tuệ, xâm nhập an ninh mạng và các hoạt động gián điệp, hay mới đây dấu diếm hay loan truyền tin thất thiệt về đại dịch COVID-19 đã gây tổn hại nặng nề về sinh mạng và kinh tế cho Mỹ...
Tuy nhiên chúng tôi vẫn không thể chấp nhận thái độ nửa vời của ông Biden với TQ, những tuyên bố mơ hồ ngây thơ với chính sách TQ (kiểu đại loại như “TQ là bạn tốt của Mỹ”...)...
Một chính quyền Biden sẽ thiên về Trung Quốc và giúp cho Trung Quốc mỗi ngày càng tăng ảnh hưởng trong đời sống của Hoa Kỳ, đó là tôi chưa đề cập đến nguy cơ của việc “mua ảnh hưởng hiện tại” của Trung Quốc trong các chính trị gia và giới truyền thông Mỹ.
Nhìn xa hơn nữa, chúng tôi e ngại sự xâm nhập của Chủ nghĩa Xã hội vào đất nước Hoa Kỳ, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc qua các khía cạnh khác về xã hội, giáo dục và văn hoá, như bài diễn văn mới đây của Tổng thống Trump trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 75 đã nêu rõ.
Theo thiển ý, chỉ có Tổng thống Trump mới ngăn chặn được các xu hướng này cho 4 năm tới đây trong nhiệm kỳ mới có thể của ông.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Cựu Chuyên gia cao cấp IMF hiện sống tại Florida, Hoa Kỳ.
́Xem thêm về Bầu cử Mỹ trên BBC News Tiếng Việt:
Tổng thống Hoa Kỳ được bầu như thế nào?
Giải thích về bầu cử và hệ thống chính trị Mỹ:
McConnell hứa chuyển giao quyền lực 'có trật tự:
Nhận xét
Đăng nhận xét