Liệu có thể cấm cá nhân mua nhà ở nước ngoài để có quốc tịch, tẩu tán tài sản?
03:55 |
RFA
Hai người Việt Nam trong Hồ sơ Cyprus, công bố ngày 24/8/2020 gồm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và doanh nhân Phạm Nhật Vũ. RFA Edited
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) sở dĩ lấy ý kiến dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn cá nhân đầu tư bất động sản tại nước ngoài, là để hạn chế rủi ro về pháp lý, an ninh... Vì Nghị định 83 về đầu tư ra nước ngoài hiện hành không có hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài. Do đó, từng có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở này để mua quốc tịch, rửa tiền và để tẩu tán tài sản...
Khó kiểm soát
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 28/9, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Nghị định này chưa rõ ràng:
“Tôi thấy đây là biện pháp hành chính mà tác động của nó cần phải được kiểm định, bởi vì khả năng người ta chuyển tiền qua nhiều kênh khác nhau thì không thể cấm được. Thí dụ với các đối tác thì họ có thể chuyển tiền cho nhau trong cùng một công ty, tiền ra nước ngoài rồi thì mua gì khó có thể cấm được. Cho nên ý tưởng ngăn chặn những người có nguồn tiền không rõ ràng, ra nước ngoài mua nhà, đầu tư để có quốc tịch nước ngoài, thì có thể thông cảm. Nhưng về biện pháp thì tôi nghĩ cần phối hợp kiểm soát thu nhập, kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài... Đặc biệt chuyển ngoại tệ bằng các kênh ngầm, thì nghị định mới có tác dụng. Chứ bây giờ biểu cấm thì kiểm tra bằng cách nào? Và bằng cách nào có thể xác minh? Cái đó tôi thấy chưa rõ”.
Cho dù có luật cấm thì một khi đã là một nhu cầu tự nhiên tất sẽ có những dịch vụ chợ đen cung cấp các hỗ trợ cần thiết để thực hiện việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài.
TS. Nguyễn Huy Vũ
Việc Bộ KH&ĐT đề xuất nghị định này cũng dễ hiểu, do những năm qua, xuất hiện nhiều thông tin về việc cán bộ, Đại biểu Quốc hội có quốc tịch nước ngoài do có tiền đầu tư tại nước sở tại. Mới nhất là trường hợp Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, đại diện cho cử tri đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đã bị Al Jareeza phanh phui là quan chức đã mua “hộ chiếu vàng” của Cyprus bằng cách chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư.
Hay vào năm 2016, Bà Nguyệt Hường, khi đó là Đại biểu Quốc hội, nhưng có cả quốc tịch Malta... Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bà đã lặng lẽ xin từ bỏ tư cách Đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 28/9 từ Na Uy qua tin nhắn, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc cấm đầu tư bất động sản ra nước ngoài là một điều không khả thi và không hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân:
“Thứ nhất là việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài một cách hợp pháp là một nhu cầu tự nhiên của một nhóm các nhà đầu tư liên quan đến các hoạt động kinh doanh, sinh sống của họ. Cho dù có luật cấm thì một khi đã là một nhu cầu tự nhiên tất sẽ có những dịch vụ chợ đen cung cấp các hỗ trợ cần thiết để thực hiện việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài. Các hoạt động chợ đen này tất sẽ có lót tay những quan chức. Và khi có tiền thì đến lượt các quan chức lại muốn đầu tư bất động sản ra nước ngoài để rửa tiền và định cư. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp tục vì các quan chức muốn hỗ trợ đầu tư bất động sản ra nước ngoài để họ còn có thể kiếm chác”.
Và thứ hai theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, là muốn điều tra các cá nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài thì cần phải có sự hợp tác ở nước sở tại. Nhưng không nước sở tại nào lại đi dại dột công khai danh tính những nhà đầu tư ở nước mình vì nếu làm vậy thì họ khác nào xua đuổi những nhà đầu tư tiềm năng khác, vì thường những nhà đầu tư không ai muốn các thông tin riêng tư liên quan đến các hoạt động kinh doanh của mình, bị người khác công bố mà không có sự cho phép của mình.
Hình minh hoạ. Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cand.com.vn
Cũng trong dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài vừa đề xuất, Bộ KH&ĐT đã bổ sung quy định các trường hợp cá nhân cụ thể không được đầu tư ra nước ngoài gồm cán bộ công chức, sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước... và các trường hợp khác theo Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với RFA hôm 28/9, cho biết ý kiến của mình:
“Tôi thấy nghị định này sẽ ngăn chặn tình trạng một số cán bộ của cơ quan công quyền có hai quốc tịch cùng lúc nhờ chuyển tiền ra nước ngoài. Tôi cho rằng cần có quy định chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc đối với việc đầu tư ra nước ngoài của cán bộ công chức, sĩ quan... đây là những đối tượng dễ bị lợi dụng chính sách để kiếm lời và tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Trong dự thảo, các biện pháp nêu ra tôi thấy rất cần thiết, và cũng phù hợp hệ thống pháp luật của Việt Nam như Luật cán bộ công chức, Luật phòng chống tham nhũng, Luật đầu tư... Nếu như chúng ta đã có những luật này, mà không làm triệt để thì sẽ có nguy cơ cán bộ vi phạm rồi chuyển tiền ra nước ngoài, bỏ trốn ra nước ngoài...”.
Ảnh hưởng những người đầu tư chính đáng?
Tuy nhiên đối với Nghị định ‘Cấm cá nhân mua nhà đất nước ngoài’ để ngăn chặn cá nhân đầu tư bất động sản tại nước ngoài nhằm mua quốc tịch, rửa tiền hay tẩu tán tài sản... nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp phù hợp để không làm ảnh hưởng đến những người đầu tư chính đáng.
Trả lời báo chí nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc cấm cá nhân nhưng lại cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài chưa có nhiều tác dụng. Vì cá nhân muốn đầu tư sẽ lập công ty rồi mua nhà đất ở nước ngoài, nhập quốc tịch xong giải thể công ty.
Muốn điều tra các cá nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài thì cần phải có sự hợp tác ở nước sở tại. Nhưng không nước sở tại nào lại đi dại dột công khai danh tính những nhà đầu tư ở nước mình vì nếu làm vậy thì họ khác nào xua đuổi những nhà đầu tư tiềm năng khác.
TS. Nguyễn Huy Vũ
Để tìm hiểu thêm, Đài RFA hôm 28/9 liên lạc Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính độc lập, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng trong và ngoài nước, và được ông cho biết ông ủng hộ việc cấm cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản và cho phép doanh nghiệp chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Tôi đồng ý quan điểm này, nếu doanh nghiệp chỉ mua bất động sản để kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, bất động sản công nghiệp... Tất cả bất động sản mang tính chất kinh doanh thì tôi ủng hộ. Tôi không ủng hộ mua bất động sản tiêu dùng, chẳng hạn một doanh nghiệp chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà ở cho nhân viên. Riêng với cá nhân, nếu chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản, nhưng có lợi cho Việt Nam thì tôi ủng hộ, chẳng hạn như mua chứng khoán, hoặc đầu tư vào những dự án đem lại lợi nhuận và chuyển về lại Việt Nam, đồng thời quảng bá thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài thì tôi ủng hộ. Còn nếu cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản như một vài quan chức đã làm, hoặc qua việc đó để lấy thẻ xanh hay quốc tịch nước ngoài thì tôi không đồng ý, vì việc đó không có lợi gì cho Việt Nam, mà còn tốn kém ngoại tệ của Việt Nam”.
Trở lại với ý kiến, Liệu Bộ KH&ĐT có thể kiểm soát việc cấm cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà đất, nhằm có quốc tịch hay rửa tiền, tẩu tán tài sản... Thì Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng:
“Hoàn toàn không dễ kiểm soát, dù Việt Nam đã có luật quản lý ngoại hối, chỉ cho phép chuyển tiền dưới một số điều kiện, một số công việc, và đồng thời Việt Nam cũng có luật phòng chống rửa tiền. Nhưng hiện tại có rất nhiều đồng tiền kỹ thuật số, chẳng hạn như đồng Bitcoin và các tổ chức giúp chuyển tiền ra nước ngoài, nên việc kiểm soát là không dễ”.
Do đó theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cho dù Việt Nam có đưa ra bao nhiêu luật đi nữa, thì cũng không thể nào tiêu trừ được hiện tượng chuyển tiền ra nước ngoài để mua quốc tịch hay rửa tiền, tẩu tán tài sản...
Nhận xét
Đăng nhận xét