Đọc báo Pháp – 29/09/2020

 Đọc báo Pháp – 29/09/2020

Cuộc tranh luận Trump – Biden: Những đòn tấn công chỉ là vô dụng?  – Thùy Dương

Một chủ đề được các báo Pháp hôm nay quan tâm là cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden.

Tờ báo thiên hữu Le Figaro dành cả bài xã luận « Những đòn tấn công vô dụng » và hồ sơ nhiều trang cho cuộc đấu tay đôi giữa hai đối thủ Trump – Biden.

Đối với tổng thống đương nhiệm Donald Trump, thành công và thất bại cứ nối đuôi nhau theo kiểu « hết mưa lại đến nắng ». Sau khi chỉ định thêm một thẩm phán có lập trường bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện, Donald Trump lại dính vào vụ tai tiếng trốn thuế có thể làm hoen ố danh tiếng của ông trong bối cảnh chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ là diễn ra cuộc đối đầu trực diện trên truyền hình giữa Donald Trump với đối thủ Joe Biden. Theo điều tra của New York Times, trong hai năm đầu tiên ở Nhà Trắng, nhân vật quyền lực nhất hành tinh chỉ đóng có 750 đô la thuế/năm, trước đó ông không đóng xu nào trong vòng 10 năm.

Nhóm vận động tranh cử của ứng viên Dân Chủ Joe Biden đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ và đưa ra khẩu hiệu mới : « Tôi đóng thuế nhiều hơn cả Donald Trump ». Thế nhưng, liệu vụ tai tiếng này có làm lung lay tinh thần của những người ủng hộ vị tổng thống sắp mãn nhiệm hay không ? Tác giả bài xã luận của Le Figaro khẳng  định « chắc chắn là không ».

Các cuộc khảo sát đã cho thấy không có điều gì trong năm 2020 đầy biến động này, kể cả con số 200.000 người chết vì dịch bệnh Covid-19, phiên tòa luận tội để truất phế ông Trump hay các vụ bạo động chống nạn bạo lực của cảnh sát, làm thay đổi đáng kể ý định bỏ phiếu của cử tri Mỹ. Họ được cho là đã có quyết định ủng hộ hay chống lại Trump, tỉ lệ cử tri chưa có ý định rõ ràng thấp một cách bất thường, chỉ Vì thế, theo Le Figaro, không chắc là những đòn tấn công trực diện của hai « võ sĩ » ngoài 70 tuổi Trump và Biden trên « sàn đấu truyền hình » tối hôm nay có thể tác động nhiều đến kết quả cuộc đua tới đây. Tờ báo thiên hữu kết luận là cho đến nay, không vụ tai tiếng hay thất bại nào làm giảm sự nổi tiếng, được lòng dân của tổng thống Donald Trump, cũng không có thành công nào củng cố thêm sức mạnh cho ông. Donald Trump chỉ cần chứng minh là số người ủng hộ ông chiếm hơn một nửa số cử tri Mỹ !

Covid-19 : Chính phủ nào cũng phạm sai lầm, nhưng ở mức độ khác nhau

Trong khi Le Figaro tập trung vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, thì hồ sơ lớn của báo Le Monde hôm nay dành để nói về đại dịch Covid-19 trong bối cảnh virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên khắp hành tinh, sau khi bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc cách nay 10 tháng.

Le Monde giới thiệu bài phỏng vấn sử gia về lĩnh vực y tế, Patrick Zylberman, theo đó điểm khác biệt lớn nhất giữa đại dịch Covid-19 với các đại dịch khác trong quá khứ nằm ở cuộc chiến chống dịch : Lần đầu tiên thế giới chọn sức khỏe trước kinh tế, lần đầu tiên thế giới chấp nhận để nền kinh tế tạm thời ngưng trệ để cứu sức khỏe cộng đồng. Hệ quả của đại dịch đối với nền kinh tế là rất quan trọng, khiến GDP và các chỉ số kinh tế khác suy giảm, nhưng cũng tạo ra những thay đổi bước ngoặt, đặc biệt là về phương thức làm việc từ xa.

Covid-19 cũng giúp Mỹ và Tây Âu ngưng ảo tưởng theo đó các nước giàu đã thoát khỏi các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm. Cùng với dịch SARS 2003, đại dịch Covid-19 cho thấy tất cả các nước, bất kể giàu nghèo, đều có thể bị dịch bệnh tác động, kể cả những dịch bệnh quy mô lớn.

Đối với sử gia Patrick Zylberman, mặc dù chính phủ các nước đều mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong cách đối phó với dịch bệnh, nhưng chất lượng quản lý khủng hoảng cũng thay đổi từ nước này sang nước khác.

Về vac-xin phòng bệnh, sử gia cho rằng cuộc đua toàn cầu về điều chế vac-xin ngừa virus corona một lần nữa chứng tỏ vai trò của vac-xin trong bối cảnh sự nghi ngờ về mức độ an toàn và hiệu quả của vac-xin đang dần ăn sâu bám rễ ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng ở Pháp. Và chính quyền các nước phải hết sức lưu ý giải quyết vấn đề này, không để xảy ra thảm họa.

OMS : Muốn bảo vệ bệnh nhân, phải bảo vệ nhân viên y tế

Nói đến cuộc chiến chống dịch Covid thì không thể không nói đến đội ngũ nhân viên y tế, những người trên tuyến đầu và cũng là những người chịu nhiều rủi ro nhất. Le Monde nhắc lại là trong một báo cáo hồi đầu tháng 09, Tổ Chức Y Tế thế Giới (WHO) cho biết có khoảng 7.000 nhân viên y tế, bác sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên dọn dẹp vệ sinh … đã thiệt mạng vì virus corona.

Theo thống kê của WHO, đội ngũ nhân viên y tế chỉ chiếm 3% dân số thế giới (2% ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình), nhưng tỉ lệ lây nhiễm bệnh lên đến 14%, thậm chí là 35% ở một số quốc gia. Đó là chưa nói đến chuyện các số liệu này thường thấp hơn thực tế do một số nước không đủ khả năng hay không muốn thống kê đầy đủ.

Không chỉ đối phó với nguy cơ lây nhiễm, nhân viên y tế còn chịu áp lực từ nhịp độ công việc quá cao, sức ép từ giới lãnh đạo, nỗi sợ làm lây virus cho bệnh nhân hoặc gia đình. Có nhiều người khủng hoảng tâm lý đến mức tự tìm đến cái chết để được giải thoát. Vì thế, WHO lưu ý muốn bảo vệ sự an toàn của người bệnh thì phải bảo vệ lực lượng nhân viên y tế, kêu gọi chính phủ các nước giảm tải công việc cho đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ họ về tâm lý.

Trong khi đó, tổ chức nhân quyền Amnesty International nói đến tình trạng thay vì được tăng cường bảo vệ, nhiều nhân viên y tế lại bị buộc phải giữ yên lặng, thậm chí bị tấn công, cho thôi việc, bị bỏ tù vì cáo buộc « tuyên truyền thông tin sai lệch » về dịch bệnh, hay chỉ đơn giản vì họ dám phê phán điều kiện lao động và việc thiếu thiết bị bảo hộ y tế …

Pháp : Ngân sách 2021 cao kỷ lục để đối phó với khủng hoảng Covid-19

Về thời sự nước Pháp, nổi trội nhất trên báo kinh tế Les Echos là hồ sơ ngân sách Nhà nước 2021. Les Echos gọi đó là « ngân sách ngoại hạng để đối phó với khủng hoảng », « ngân sách của mọi kỷ lục ».

Dự thảo tài chính cho năm 2021 đã được bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire và bộ trưởng đặc trách Ngân sách công Olivier Dussopt giới thiệu trước Hội Đồng Bộ Trưởng vào hôm qua 28/09, theo đó, cả thâm hụt ngân sách (-6,7%) và nợ công (16,2% GDP) đều ở mức cao kỷ lục do tác động của cuộc khủng hoảng còn kéo dài. Để tránh tăng thuế, chính phủ Pháp quyết định vẫn tiếp tục bám vào chính sách kiểm soát chi tiêu công : 58,3% GDP so với tỉ lệ 62,5% của năm 2020.

Di dân : Cơn ác mộng Lesbos

Về hồ sơ di dân, đặc phái viên báo Công Giáo La Croix đưa độc giả đến với nỗi thống khổ của di dân trại tị nạn Kara Tepe trên đảo Lesbos, Hy Lạp, qua bài phóng sự « Cơn ác mộng Lesbos ».

Sau khi trại tị nạn Moria bị hỏa hoạn thiêu rụi, trại tị nạn Kara Tepe được dựng khẩn cấp với khoảng 1.100 căn lều cho 10.000 di dân. Nơi đây từng là một trường bắn quân sự, thời tiết khắc nghiệt, không loài cỏ cây nào mọc nổi. Kara Tepe không có hệ thống cấp nước, hiếm khi có điện, không có sân chơi cho trẻ em, một chút không gian trống giữa các lán trại cũng không có …

Có ba nhóm người chính sống trên đảo : cư dân địa phương, di dân và nhân viên các tổ chức phi chính phủ. Không khí tại Lesbos hiện đang rất căng thẳng, với những mâu thuẫn giữa cư dân địa phương và di dân. Người dân nơi đây liên tiếp đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp, rồi đến khủng hoảng di dân quốc tế và nay là khủng hoảng Covid-19. Tình tương thân thương ái với di dân không còn, nhất là khi trên đảo bắt đầu xảy ra nạn trộm cắp, thêm vào đó nỗi sợ di dân mang mầm bệnh đến còn khiến người dân địa phương có thái độ thù hằn với di dân.

Ngoài ra, còn phải kể đến những căng thẳng giữa dân địa phương và nhân viên các tổ chức phi chính phủ, giữa các tổ chức phi chính phủ và chính quyền Hy Lạp …

Covid-19 : Bệnh nhân mất khứu giác kéo dài

Về lĩnh vực khoa học, sức khỏe, Le Figaro quan tâm đến chứng mất khứu giác kéo dài ở nhiều bệnh nhân Covid-19. Theo một nghiên cứu ở châu Âu, khoảng 70% bệnh nhân Covid-19 mất khứu giác cho dù không phải là các ca bệnh nặng. Khoảng 50% bệnh nhân lấy lại được khứu giác sau nửa tháng, 80-90% bệnh nhân hồi phục khứu giác sau 2 tháng. 10-20% phải mất nhiều tháng mới lấy lại khứu giác.

Một bác sĩ cho biết khi so sánh kết quả chụp cộng hưởng từ não bộ của những bệnh nhân Covid-19 không bị mất khứu giác và nhóm bệnh nhân bị mất khứu giác, các bác sĩ ghi nhận những điểm khác biệt ở hành khứu giác, điều đó có nghĩa là virus corona đã tác động đến trung khu thần kinh và hành khứu giác.

Để khứu giác được hồi phục, các bệnh nhân có thể tự tập luyện bằng cách ngửi 5 mùi : giấm, quế, vanille, húng tây/cỏ xạ hương, và đinh hương, 2 lần mỗi ngày, buổi sáng trước khi ăn và buổi tối. Các nhà khoa học hiện giờ vẫn chưa biết chứng mất khứu giác vì Covid-19 sẽ kéo dài bao nhiêu lâu nhưng có một điều chắc chắn là càng để lâu, chứng mất khứu giác càng ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và có thể dẫn đến trầm uất.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200929-cu%E1%BB%99c-tranh-lu%E1%BA%ADn-trump-biden-nh%E1%BB%AFng-%C4%91%C3%B2n-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-ch%E1%BB%89-l%C3%A0-v%C3%B4-ngh%C4%A9a

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Việt Nam : Kinh tế kháng cự được với suy thoái do dịch bệnh gây ra.

Số liệu do Tổng Cục Thống Kê công bố ngày 29/09/2020 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III/2020 là 2,62%. Xuất khẩu phục hồi đã thúc đẩy đất nước thoát dần khỏi tình trạng suy thoái do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Dù vậy, giới quan sát ghi nhận đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý III trong vòng gần một thập niên qua.

(AFP) – Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục vi phạm lệnh cấm vận.

Hội Đồng Bảo An LHQ ngày 28/09/2020 khẳng định trong suốt 5 tháng đầu năm 2020, Bình Nhưỡng đã vượt quá mức cho phép nhập khẩu dầu hàng năm là 500.000 thùng. Các chuyên gia LHQ dựa vào các hình ảnh vệ tinh, các số liệu cho rằng « các tầu chở dầu của chế độ Bình Nhưỡng và các tầu dầu mang cờ hiệu nước ngoài vẫn tiếp tục luồn lách các lệnh cấm vận ». Báo cáo không nêu rõ quốc gia nào là nguồn gốc của những hàng xuất khẩu bất hợp pháp sang Bắc Triều Tiên. Ngoài dầu hỏa, các mặt hàng được giao còn có cả những sản phẩm khác như xe hơi cao cấp và rượu. Nga và Trung Quốc, hai đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng, ngay lập tức bác bỏ kết luận của báo cáo, cho đó chỉ là những « giả định và ước lượng ».

(RFI) – Volkswagen sẽ đầu tư 15 tỷ euro cho sản xuất xe ô tô điện ở Trung Quốc.

Thông báo này của hãng xe Đức được đưa ra ngày 28/09/2020, vài ngày sau khi Trung Quốc gây bất ngờ cho thế giới khi cam kết giảm khí thải cacbon từ đây đến năm 2060. Việc phát triển xe ô tô điện là một phần trong chiến lược này.

(Reuters) – Hàn Quốc: Viên chức bị Bình Nhưỡng hạ sát muốn đào thoát qua Bắc Triều Tiên. 

Người công chức Hàn Quốc vừa bị lính Bắc Triều Tiên giết hại trên biển vào tuần trước đã nói với lính Bắc Triều Tiên rằng ông dự định đào thoát qua ra miền Bắc. Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc vào hôm nay, 29/09/2020 đã tuyên bố như trên, cho biết là họ đã căn cứ vào hình ảnh giám sát video quay được, cũng như các thông tin tình báo quân sự và tài liệu lưu trữ. Người đứng đầu cơ quan điều tra và tình báo của Tuần Duyên Hàn Quốc còn nói rằng nạn nhân đang mắc nợ 58 triệu won (tương đương 41.000 euro), nhưng không xác định là phải chăng người đó tìm cách bỏ trốn vì lý do nợ nần hay không.

(AFP) – Ngoại trưởng nhóm « Bộ Tứ » Mỹ sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Tokyo. 

Theo bộ Ngoại Giao Nhật Bản hôm nay, 29/09/2020, ngoại trưởng bốn nước Mỹ, Úc, Ấn và Nhật sẽ gặp nhau vào ngày 06/10 tới đây tại Tokyo để thảo luận về vấn đề dịch Covid-19 và củng cố hợp tác. Đây sẽ là một cuộc gặp trực diện hiếm họi trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay. Trong cuộc họp báo thường kỳ, ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi, cho rằng đây là “thời điểm thích hợp cho ngoại trưởng các nước cùng quan điểm họp mặt để trao đổi về cách xử lý các vấn đề xuất hiện từ lúc virus corona lan rông, và các vấn đề khu vực”.

(AFP) – Ngăn chặn tàn phá thiên nhiên : Khoảng 60 lãnh đạo quốc gia ra thông cáo chung kêu gọi « hành động khẩn ».

Hôm qua, 28/09/2020, một ngày trước tuần lễ Đa Dạng Sinh Học tại New York, lãnh đạo hàng chục quốc gia đã ra tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế « hành động ngay lập tức », để ngăn chặn đà tàn phá thiên nhiên, tiêu diệt các giống loài sinh vật hiện nay. Tàn phá thiên nhiên bị chỉ ra là thủ phạm làm gia tăng nghèo đói, khí hậu bị hâm nóng và điều kiện cho sự xuất hiện của các loại dịch bệnh đáng sợ như Covid-19.

(AFP) – Pháp : Nghi phạm vụ tấn công bằng dao gần, trụ sở báo Charlie Hebdo cũ, cho biết đã khai tên giả.

Hôm nay, 29/09/2020, nghi phạm thừa nhận đã khai tên và tuổi giả. Nghi phạm cho biết tên thật là  Zaheer Hassan Mahmoud, chứ không phải là Hassan Ali, tên giả đã sử dụng từ khi nghi phạm nhập cảnh vào Pháp năm 2018. Tuổi thật được khai là 25, chứ không phải là 18 như khai báo trước đó. Nghi phạm đưa ra thông tin mới về danh tính gần 96 giờ sau khi bị tạm giữ, tức gần hết thời hạn tạm giữ theo quy định. Cơ quan công tố quốc gia chống khủng bố yêu cầu tạm giam Zaheer Hassan Mahmoud.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 29/9:

Bắc Kinh lại tổ chức cùng lúc

nhiều cuộc tập trận; Tranh luận: Biden

sẽ tấn công Trump bằng hai ‘vũ khí’

Lục Du

Sáng nay, thứ Ba (29/9), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Bắc Kinh lại tổ chức cùng lúc nhiều cuộc tập trận

Bắc Kinh đã bắt đầu đồng thời tổ chức 5 cuộc tập trận quân sự dọc theo bờ biển Trung Quốc vào thứ Hai (28/9), đây là lần thứ hai trong hai tháng họ thực hiện các cuộc tập trận đồng thời như vậy, theo Reuters.

Hai trong số các cuộc tập trận đang được tổ chức gần quần đảo Hoàng Sa, một cuộc tập trận diễn ra ở Biển Hoa Đông và một cuộc diễn tập quân sự nữa ở Biển Bột Hải, Cục An toàn Hàng hải cho biết trong một thông báo trên trang web của họ.

Ở phần phía nam của biển Hoàng Hải, quân đội Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận bao gồm hoạt động bắn đạn thật từ thứ Hai đến thứ Tư, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết trong một thông báo khác.

Reuters cho hay, chính quyền Trung Quốc thường tổ chức các cuộc tập trận quân sự theo định kỳ, nhưng hiếm khi diễn ra nhiều cuộc tập trận cùng một lúc như thế này.

Tranh luận: Biden sẽ tấn công Trump bằng hai ‘vũ khí’

Tổng thống Trump và đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng Joe Biden sẽ có cuộc tranh luận đầu tiên vào tối thứ Ba (29/9, giờ Mỹ). Theo AP, cuộc tranh luận này sẽ cung cấp một nền tảng lớn để ông Trump và ông Biden vạch ra tầm nhìn hoàn toàn khác nhau của họ về một quốc gia đang đối mặt với nhiều vấn đề.

AP dự đoán, vấn đề về đại dịch viêm phổi Vũ Hán có thể sẽ là chủ để chính trong cuộc tranh luận. “Nếu Biden không thể buộc tội ông Trump về tất cả những gì tổng thống Mỹ đã làm, thì (đó) sẽ là thất bại lớn”, Steve Schmidt, trợ lý chiến dịch cấp cao trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 của Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và cũng là người thường xuyên chỉ trích ông Trump, nhận định.

Ngoài ra, những cáo buộc về trốn thuế của ông Trump hay việc ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm đề cử ứng viên thẩm phán tối cao cũng có thể là một chủ điểm để ông Biden tấn công đối thủ.

Bốn năm trước, nhiều người nhìn nhận rằng Đảng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã chiếm ưu thế trước ông Trump trong ba cuộc tranh luận, nhưng rốt cuộc cựu đệ nhất phu nhân đã thua trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11. Vào năm 2012, Mitt Romney đã đè bẹp Barack Obama trong lần tranh luận đầu tiên nhưng lại yếu thế trong các trận tái đấu.

Thủ tướng Đức đã tới thăm ông Navalny ở bệnh viện

Reuters đưa tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm ông Alexei Navalny tại bệnh viện Berlin nơi vị chính trị gia đối lập Nga đang được điều trị vì bị đầu độc, vụ việc mà Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Hai (29/9) gọi là “một cuộc tấn công giết người”.

“Đó là một chuyến thăm ông Navalny trong bệnh viện với tính chất cá nhân”, phát ngôn viên của bà Merkel, Steffen Seibert, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ, đồng thời từ chối tiết lộ chi tiết nội dung và thời lượng cuộc gặp.

Trong khi đó, ông Navalny viết trên Twitter rằng đó là “một cuộc gặp gỡ và trò chuyện riêng tư với gia đình”. Ông nói thêm: “Tôi rất biết ơn Thủ tướng Merkel đã đến thăm tôi trong bệnh viện”.

Theo Reuters, bình luận của ông Scholz và tin tức về chuyến thăm ông Navalny của Thủ tướng Merkel có thể sẽ gây khó chịu cho Moscow, lực lượng đã bác bỏ kết luận của các chuyên gia Đức, Pháp và Thụy Điển rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ở Nga vào tháng trước.

Úc, Nhật lo ngại sự hiện diện của Trung Quốc trong RCEP

Úc và Nhật đang tham gia vào cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của 15 quốc gia thuộc châu Á – Thái Bình Dương để hướng tới một Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, Nikkei sáng thứ Ba (29/9) cho hay Úc và Nhật bên cạnh những hi vọng thì đều tỏ ra lo ngại với một hiệp ước có sự hiện diện của Trung Quốc.

Một quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cơ quan giám sát các cuộc đàm phán RCEP, cho biết: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng [thỏa thuận cuối cùng] không giống như thể Nhật Bản đang tham gia vào một sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu”.

Sự bất an của Úc có thể còn gay gắt hơn, do mối quan hệ của nước này với Trung Quốc đã nhanh chóng xấu đi. Căng thẳng về cáo buộc can thiệp chính trị của Bắc Kinh, vấn đề 5G và các vấn đề khác đã đưa mối quan hệ Trung-Úc đến điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Khi RCEP lần đầu tiên được công bố tại hội nghị cấp cao ASEAN năm 2012, nó bao gồm một cường quốc mới nổi khác: Ấn Độ. Nhóm được xây dựng như một không gian hợp tác bao gồm hơn 3,5 tỷ người và khoảng một phần ba GDP toàn cầu, vượt qua Liên minh Châu Âu và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Năm 2016, Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính RCEP sẽ tạo ra lợi ích thu nhập toàn cầu trị giá 260 tỷ USD.

Mỹ tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Mỹ và Hàn Quốc vẫn cam kết thúc đẩy nỗ lực phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại với Bắc Hàn, phái viên hạt nhân hàng đầu của Washington cho biết hôm thứ Hai (28/9), theo Yonhap.

“Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiếp tục cam kết hoàn toàn về ngoại giao như một cách để đạt được hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, tiến tới phi hạt nhân hóa, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho tất cả người dân Triều Tiên và đem lại mối quan hệ bình thường hóa giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên “, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nói với các phóng viên.

Phát biểu của ông được đưa ra ngay sau khi ông và người đồng cấp Hàn Quốc, Lee Do-hoon, có cuộc thảo luận. Nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã đánh giá cao một “ý tưởng sáng tạo” mà ông Lee đề cập trong cuộc họp.

“Nhưng chúng tôi không thể tự mình làm điều đó. Mỹ và Hàn Quốc không thể tự mình làm được. Chúng tôi cần CHDCND Triều Tiên tham gia và chúng tôi vẫn cởi mở thảo luận với họ khi họ đã sẵn sàng”, ông nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-29-9-bac-kinh-lai-to-chuc-cung-luc-nhieu-cuoc-tap-tran-tranh-luan-biden-se-tan-cong-trump-bang-hai-vu-khi.html

 

Điểm tin thế giới tối 29/9:

Quan chức Hàn Quốc:

Triều Tiên đã thiêu thi thể người bị bắn

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (29/9) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Quan chức Hàn Quốc: Triều Tiên đã thiêu thi thể người bị bắn

Yonhap đưa tin, lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc hôm nay khẳng định Triều Tiên đã ra lệnh hỏa thiêu thi thể của quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc bị bắn.

 

“Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác minh qua thông tin tình báo đặc biệt rằng Triều Tiên đã ra lệnh cho các quan chức của họ tẩm xăng và hỏa thiêu thi thể”, lãnh đạo đảng đối lập Quyền lực Nhân dân (PPP) Joo Ho-young cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài Hàn Quốc YTN, đề cập vụ một quan chức Bộ Đại dương và Nghề cá nước này bị lính Triều Tiên bắn chết ở vùng hải giới.

“Đó không phải những gì Bộ Quốc phòng tự đánh giá, mà là thông tin họ nghe được chính xác thông qua tình báo đặc biệt”, ông Joo nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 nói rằng một quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Đại dương và Ngư nghiệp mất tích khỏi con tàu 499 tấn trưa 21/9 khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Sau đó, Seoul hôm 25/9 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xin lỗi về vụ việc. Tuy nhiên,

Bình Nhưỡng tuyên bố các binh sĩ chỉ đốt những vật liệu trôi nổi gần người đàn ông, không thiêu xác người này.

Tổng thống Philippines bất bình với Facebook

Reuters cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 28/9 nói rằng Facebook cần xem lại mục đích hoạt động ở Philippines khi không giúp chính phủ nước này làm điều có ích cho dân.

“Nghe này Facebook, chúng tôi cho phép các ông hoạt động ở đây với hy vọng các ông có thể giúp chúng tôi. Nhưng giờ đây, khi chính phủ không thể tán thành hay ủng hộ điều gì đó vì lợi ích của người dân, thì mục đích của các ông tới đất nước tôi là gì?”, ông Duterte phát biểu trên truyền hình hôm 28/9.

Tuyên bố trên được ông Duterte đưa ra sau khi Facebook hôm 22/9 thông báo xóa một loạt tài khoản ảo, trong đó có các tài khoản từ Philippines, được cho là chuyên chia sẻ nội dung ủng hộ Tổng thống và những lời chỉ trích nhắm vào nhóm vũ trang chống chính phủ Quân đội Quốc gia Mới (NPA).

Facebook cho rằng một số tài khoản ảo này có liên quan tới quân đội và cảnh sát Philippines, tuy nhiên, họ đều phủ nhận.

Mỹ giam giữ người Canada gửi thư chứa chất độc cho Tổng thống Trump

Reuters đưa tin, ngày 28/9, H. Kenneth Schroeder Jr., một thẩm phán liên bang Mỹ ở Buffalo, New York ra lệnh giam giữ Pascale Cecile Veronique Ferrier, 53 tuổi, một cư dân của tỉnh Quebec, Canada. Người phụ nữ bị bắt vì tình nghi gửi bức thư chứa chất độc ricin cho Tổng thống Donald Trump.

Kenneth Schroeder cho biết ông đã xem xét bằng chứng của chính phủ cho thấy Ferrier đã mang gần 300 viên đạn vào thời điểm bà bị bắt khi cố gắng nhập cảnh vào Mỹ hồi đầu tháng, cũng như dấu vết của ricin được tìm thấy tại nhà của Ferrier ở Quebec.

Veronique Ferrier sẽ được áp giải đến Washington, DC, nơi bà bị truy tố.

Bộ trưởng Quốc phòng: Không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sắp gây chiến với Đài Loan

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Yen De-fa hôm nay nói trước nghị viện: “ĐCSTQ vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích chống lại Đài Loan, nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng phát động một cuộc chiến toàn diện”.

Ông Yen cho biết thêm, một trong những dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra là quân đội từ các vùng đất liền của Trung Quốc bắt đầu đổ bộ dọc theo phía đông, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó đang xảy ra.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Yen De-fa, các lực lượng của Đài Loan đang duy trì tinh thần chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong thời bình và chưa tăng cường mức độ cảnh giác. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và nền dân chủ của hòn đảo.

Thủ tướng Su Tseng-chang cũng phát biểu trước nghị viện, cảnh báo những kẻ tấn công sẽ phải trả giá đắt vì người dân Đài Loan kiên trì bảo vệ bản thân và lãnh thổ của họ.

Thị trưởng Romania tái đắc cử nhiệm kỳ 3 dù đã qua đời

AP đưa tin, thị trấn Deveselu ở Romania hôm 28/9 đã công bố kết quả bầu cử với phần thắng thuộc về thị trưởng Ion Aliman, 57 tuổi. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 của ông Aliman. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ông Aliman đã qua đời 2 tuần trước đó vì biến chứng của viêm phổi Vũ Hán.

Nhiều người dân sau đó đã ra thăm mộ và thắp nến tưởng niệm ông Aliman. Một người đàn ông nói: “Đây là chiến thắng của ông. Chúng tôi biết ông sẽ tự hào về chúng tôi. Hãy yên nghỉ nhé. Ông là thị trưởng đích thực của chúng tôi”.

Ông Aliman, một cựu quan chức hải quân, qua đời hôm 17/9 tại một bệnh viện ở Bucharest. Tên của ông đã được in trên phiếu bầu cử và không thể xóa đi. Một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-29-9-quan-chuc-han-quoc-trieu-tien-da-thieu-thi-the-nguoi-bi-ban.html

 

Tạp chí kinh tế

Dầu lửa : Tổ chức OPEP đã đánh mất hào quang

Thanh Hà

« Đoàn kết là sức mạnh ». 60 năm trước 5 quốc gia sản xuất thành lập Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa OPEP/OPEC để làm đối trọng với 7 tập đoàn khai thác dầu khí đa quốc gia của Âu-Mỹ.  Tổ chức này đã ít nhiều thành công trong việc áp đặt luật chơi cả về mặt kinh tế lẫn chính trị với quốc tế. Sáu thập niên sau, hào quang của OPEP nhạt phai nhưng vẫn là cột trụ của thế giới.

Các điều kiện y tế không cho phép nên Bagdad đã phải hoãn lại vô hạn định chương trình kỷ niệm 60 năm OPEP. Ngày 14/09/1960, năm nước gồm Ả Rập Xê Út, Iran, Irak Koweit và Venezeuala sáng lập

Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Khẩu Dầu Lửa với mục đích giành lại chủ quyền kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên quốc gia trong tay các đại tập đoàn dầu khí đa quốc gia. Bước sang thập niên 1970, Libya, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, rồi Algeri, Nigeria, Equador và Gabon đã tham gia khối OPEP. Trong thời kỳ vàng son, OPEP kiểm soát đến 50 % thị trường dầu khí bán ra trên toàn cầu. Nhờ vậy năm 1973 OPEP đủ sức áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào các quốc gia nào ủng hộ Israel trong cuộc chiến Kippour. Giá dầu trên thế giới tăng vọt.

Bên cạnh mục tiêu giành lại quyền khai thác các nguồn tài nguyên cốt lõi của đất nước, phân chia đồng đều hơn với 7 « ông lớn » trong ngành công nghiệp dầu khí của thế giới khi đó với những tên tuổi như Mobil, Texaco hay Shell, Standard Oil, tiền thân của Chevron …  5 sáng lập viên OPEP còn nhắm tới việc ổn định giá dầu.

Jean Pierre Favennec, một chuyên gia về năng lượng của Pháp giảng dậy tại trường IFP ngoại ô Paris nhắc lại : nhờ có OPEP mà cho đến trước khủng hoảng dầu lửa 1973 giá dầu đã liên tục ổn định ở mức 3 đô la một thùng. Một thành công khác của các quốc gia dầu lửa, đó là thành lập hoặc tăng cường sức mạnh cho các tập đoàn dầu khí quốc gia, đẩy mạnh kỹ thuật lọc dầu mở rộng thị phần quốc tế.

OPEP và tham vọng chính trị

Nhưng bên cạnh các mục tiêu thuần túy kinh tế đó, OPEP còn là một công cụ chính trị lợi hại như giải thích của nhà báo Nicolas Barré nhật báo kinh tế Les Echos. Thậm chí với năm tháng, vế chính trị có phần trở nên quan trọng hơn :

« Đối với những quốc gia chống đối Washington như Iran hay Venezuela, OPEP là một công cụ để không chế Hoa Kỳ. Trong khối này đây là hai nước cưỡng lại mạnh mẽ hơn cả các áp lực của Mỹ để hạ giá dấu. Nhưng với năm tháng, ảnh hưởng của Teheran và Caracas giảm dần. Trong trường hợp của Iran, thì do lượng dầu sản xuất bị giảm đi mất phân nửa ; trong trường hợp của Venezuela khả năng sản xuất chỉ còn 1/4 so với ban đầu. Về phần Ả Rập Xê Út, thị phần của Riyad nhảy vọt đang từ 7 % lên thành 35 % để rồi vương quốc này trở thành cột trụ của toàn khối. Như đã biết, Ả Rập Xê Út là một đồng minh của Mỹ và Riyad có khuynh hướng chiều ý Washington.

Một thí dụ cụ thể là ngày 22/06/2018 chỉ cần tổng thống Trump tung ra một tin nhắn trên Twitter cũng đủ để OPEP chấp nhận cung cấp thêm 1 triệu thùng dầu một ngày. Tương tự như vậy tháng 4/2020, ông Trump cũng đã được toại nguyện khi muốn khối OPEP khóa van dầu để giữ giá vàng đen trên thị trường, tránh đe dọa đến ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. Washington dọa rút quân khỏi Ả Rập Xê Út là đủ để Riyad răm rắp thỏa mãn những đòi hỏi của Hoa Kỳ và lập tức giảm lượng dầu cung ứng cho thế giới ».

Trong lịch sử dầu lửa, 1973 được coi là một cột mốc quan trọng khi mà tổ chức OPEP đã bất ngờ sử dụng năng lượng hóa thạch này như một loại vũ khí chính trị. Benjamin Louvet, chuyên gia về năng lượng thuộc cơ quan tài chính OFI-AM Paris không ngần ngại cho rằng với cú sốc dầu lửa 1973 « quyền lực đã thay ngôi » và được tập trung trong tay Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa. Đó cũng là thời điểm ảnh hưởng OPEP không ngừng gia tăng. Vẫn theo chuyên gia này, một trong những nhà kiến tạo thành công đó là đại tá Kadhafi. Sau Qatar năm 1961 đến lượt Indonesia và Libya gia nhập tổ chức OPEP vào năm 1962. Trong thập niên đầu OPEP vẫn khó tìm động thuận.

1969 đại tá Kadhafi lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính, ông đã lớn tiếng đòi 21 tập đoàn dầu khí khai thác tài nguyên của Libya phải tăng giá dầu. Khi đó Libya đang trong thế mạnh, cung cấp đến 30 % dầu cho châu Âu và đấy cũng là thời điểm « thị trường đã khá căng » do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn như ghi nhận của Benjamin Louvet. Lập tức đòi hỏi của tân lãnh đạo Libya được thỏa mãn. Các nước xuất khẩu dầu lửa khác noi giương Tripoli. Đương nhiên 7 « ông lớn » của ngành dầu khí quốc tế đã tìm cách phản công, với một chiến lược xưa như trái đất đó là « chia để trị ». Trái với mong đợi, OPEP khi đó tỏ ra đoàn kết hơn bao giờ hết mà thành cộng rõ rệt nhất là « cú sốc dầu lửa năm 1973 »

Ảnh hưởng của OPEP đã bị thu hẹp

Mặc dù thế giới lệ thuộc vào dầu của OPEP nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi và là cuộc thử lửa đầu tiên đối với Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa. 1978-1979 bắt đầu có những dấu hiệu OPEP bị suy yếu. Iran, một trong 5 sáng lập viên trong khối, bước vào một cuộc cách mạng và ngành công nghiệp dầu khí nước này đã bị rối loạn vì các cuộc đình công kéo dài. Phương Tây vội vã tích trữ dầu, đẩy giá vàng đen lên cao. Gần như cùng lúc Ả Rập Xê Út giảm mức cung ứng. Tháng 9/1980 hai anh em một nhà của tổ chức OPEP là Iran và Irak khơi mào chiến tranh. Tất cả những yếu tố trên cộng lại đẩy giá dầu lên tới 40 đô la một thùng. Nhưng lần này, cơn sốt dầu nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEP. Đó là chưa kể thế giới bắt đầu hướng tới những nguồn năng lượng khác. Nicolas Barré của tờ Les Echos giải thích :

« Cú sốc dầu lửa năm 1973 là điểm khởi đầu cho các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân. Chiến lược năng lượng nguyên tử của Pháp xuất phát từ đó. Giờ đây đến lượt năng lượng tái tạo khuynh đảo thế thượng phong của các loại năng lượng hóa thạch. Thế nhưng OPEP vẫn chưa bị khai tử, nhất là kể từ khi khối này mở rộng câu lạc bộ đón nhận thêm 10 thành viên mới trong khuôn khổ OPEP +. Dù vậy tiếng nói quan trọng nhất trong số các nguồn cung ứng dầu lửa giờ đây không phải là Ả Rập Xê Út hay Nga mà là Mỹ. Mỹ đã trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới. Về mặt chính trị, OPEP đã mất đi cái thế chính trị của hơn nửa thế kỷ trước ».

Nhà báo Claire Fages chuyên theo dõi thị trường nguyên và nhiên liệu trên trên thế giới của đài RFI phân tích thêm :

« Vào những năm 1990 thị trường dầu lửa càng lúc càng bị thị trường tài chính chi phối. Thêm vào đó mạng lưới cung cấp đã được mở rộng với những nguồn sản xuất quan trọng như Nga, Mêhicô hay Na Uy, Anh Quốc … Rồi gần đây nhất, kể từ đầu những năm 2000 là dầu đá phiến của Mỹ. 13 thành viên của tổ chức OPEP giờ đây chỉ còn kiểm soát có 1/3 thị trường toàn cầu. Từng là một sáng lập viên ban đầu, Venezuela hiện tại không còn khả năng xuất khẩu. Iran thị liên tục bị việt vị vì các đợt trừng phạt dồn dập của Hoa Kỳ. OPEP bị chia rẽ vì những hiềm khích ngoại giao, vì thái độ ích kỷ tranh giành thị phần, tổ chức này không còn có trọng lượng như xưa. Cuối 2016 trong khuôn khổ nhóm OPEP +, Ả Rập Xê Út đã mời Nga và 9 quốc gia cùng hợp tác để giữ giá vàng đen. Thế nhưng cũng phải vất vả lắm nhóm này mới giữ được giá dầu ở khoảng 40 đô la một thùng, nhưng đó là chưa kể hiệu ứng Covid-19 gây nên, nhu cầu tiêu thụ của thế giới suy sụp ».

OPEP vẫn là trụ cột

Bước vào tuổi sáu 60, OPEP phải tiếp tục vượt qua nhiều thử thách xuất phát từ ngay trong nội bộ như trường hợp của Iran hay Venezuela hiện tại, cho tới những nguồn cạnh tranh càng lúc càng thúc bách như dầu đá phiến của Hoa Kỳ cũng như các nguồn năng lượng tái tạo. Thêm vào đó là những trồi sụt bất thường của nhu cầu tiêu thụ quốc tế. Dù vậy tới nay, dưới sự dẫn dắt của Ả Rập Xê Út, OPEP vẫn là đối tác quan trọng nhất của thế giới. Khối này cũng là nguồn cung cấp sản phẩm có giá thành thấp đến nỗi không mấy ai có thể cạnh tranh lại nổi, kể cả Nga và nhất là dầu đá phiến của Mỹ bị cho là quá đắt so với dầu của Ả Rập Xê Út chẳng hạn. Riyad có giá thành dưới ngưỡng 10 đô la một thùng dầu.

Chuyên gia Benjamin Louvet, cơ quan tài chính OFI-AM nêu ra ba yếu tố cho thấy chớ vội khai tử Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa. Thứ nhất dầu đá phiến Mỹ chưa có được uy tín với khách hàng như các loại dầu truyền thống từ trước tới nay. Điểm thứ nhì là về chất lượng có quá nhiều khác biệt giữa các loại dầu, cho nên ngay nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Mỹ cũng vẫn cần phải nhập dầu của Trung Đông. Điểm thứ ba ông Louvet lưu ý là cho tới hiện tại khối OPEP vẫn đang kiểm soát đến 3/4 dự trữ dầu của thế giới và cung cấp 42 % dầu cho nhân loại. Khó có thể phủ nhận được điều này. Đó là chưa kể OPEP đã mở rộng vòng tay và liên kết với một số nhà sản xuất nặng ký khác như là Nga hay Mêhico.

Lá chủ bài quan trọng nhất của OPEP vẫn là chủ trương nhóm này đã đặt ra ngay từ khi bắt đầu hình thành : « đoàn kết ». Hiện tại van dầu đang tắc nghẽn vì những lý do khác nhau tại ít nhất ba trong số các thành viên là Iran, Venezuela và Libya. Nhìn rộng ra hơn sự đoàn kết trong nhóm OPEP + cũng thường xuyên bị đe dọa. Nhưng quá khứ cho thấy, trong sáu thập niên qua, các thành viên sớm muộn gì cũng đã luôn vượt được lên trên những hiềm khích chính trị (chiến tranh Iran-Irak trong 8 năm), tôn giáo (giữa các nước Hồi Giáo theo hệ phái Suni và Shia) vì lợi ích chung. Bằng chứng rõ rệt nhất là quyết định cắt giảm mạnh khối lượng cung cấp để giữ giá dầu nhằm đối phó với hậu quả dịch Covid-19 làm suy sụp thị trường dầu lửa toàn cầu.

OPEP vẫn là khối duy nhất có thể nhanh chóng điều chỉnh mức sản xuất và xuất khẩu để ổn định thị trường dầu lửa cho thế giới. Thành công hay thất bại của Tổ Chức Các Nhà Xuất Khẩu Dầu Lừa trong những thập niên sắp tới tùy thuộc sự đoàn kết đó.

https://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20200929-d%E1%BA%A7u-l%E1%BB%ADa-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-opep-%C4%91%C3%A3-%C4%91%C3%A1nh-m%E1%BA%A5t-h%C3%A0o-quang

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?