Báo cáo Đồng Tâm và nỗ lực minh bạch hóa cho tư pháp Việt Nam

  | 

VOA Tiếng Việt 30/09/2020

Hai nhà hoạt động vừa cho ra mắt ấn phẩm mới nhất của Báo cáo Đồng Tâm nhằm lưu giữ sự thật vụ việc trong tranh chấp đất đai với nỗ lực minh bạch hóa nền tư pháp Việt Nam và vận động quốc tế cho các nạn nhân, bởi vì “càng nhiều người biết về Đồng Tâm, càng có nhiều cơ hội đạt được công lý cho những người dân Việt Nam”.

Báo cáo Đồng Tâm dài 128 trang với 11 chương và 6 phụ lục, trình bày song ngữ Anh – Việt, do đồng tác giả là nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang ở Việt Nam và nhà hoạt động dân chủ Will Nguyễn ở Hoa Kỳ thực hiện.

Trang bìa Báo cáo Đồng Tâm, phiên bản thứ ba, do Nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động Will Nguyễn thực hiện, công bố ngày 25-9-2020.

Hôm 30/9, ông Will Nguyễn cho VOA biết về mục đích ra đời Báo cáo Đồng Tâm được đăng tải trên trang Luật khoa Tạp chí hôm 25/9:

Mục đích của Báo cáo là thách thức phiên bản xử kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà hoạt động Will Nguyễn

“Mục đích của Báo cáo là thách thức phiên bản xử kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, cung cấp cho mọi thông tin trực tiếp từ chính dân làng Đồng Tâm.

“Đặc biệt, nhà báo Phạm Đoan Trang có mối quan hệ khá tốt với những người địa phương, cho nên khi chị ấy thu thập được thông tin thì tôi rất vui khi dịch thông tin này ra tiếng Anh đến thế giới, bao gồm người Việt ở hải ngoại, các nhóm nhân quyền quốc tế, các quan chức chính phủ và các nhà lập pháp.

“Tôi tin rằng nếu tôi có thể giúp sửa chữa sự bất công bằng một cách nào đó để giúp đỡ người yếu thế, những người bị áp bức hoặc những người bị thiệt thòi… thì tôi sẽ làm.

“Cũng giống như lúc tôi giúp những người biểu tình vào tháng 6/2018, viết Báo cáo này với chị Đoan Trang là điều chính nghĩa”.

Bà Phạm Đoan Trang phát biểu trên đài SBS hôm 28/9 về mục đích viết Báo cáo Đồng Tâm:

“Chúng tôi muốn ghi lại vì Cộng sản không sợ gì bằng việc bị ghi lại và bị phê bình. Khi bị ghi lại họ sẽ cảm thấy không an tâm.

“Chúng tôi cũng hy vọng rằng cộng đồng người Việt có thể dùng Báo cáo này như một công cụ để vận động cho người dân Đồng Tâm nói riêng và vận động cho các vấn đề đất đai hay nhân quyền Việt Nam nói chung”.

Nhà hoạt động dân chủ Will Nguyễn, người bị chính quyền Việt Nam bắt giam và truy tố về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” khi tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018, cho VOA biết thêm kỳ vọng của ông khi đưa thông tin về Đồng Tâm ra thế giới:

“Bằng cách đưa thông tin ra thế giới, tôi hy vọng nhiều người sẽ hiểu rằng ở Việt Nam tất cả các hệ thống đều chống lại người dân như thế nào: Cảnh sát, truyền thông, hệ thống tư pháp … tất cả đều do một đảng kiểm soát. Tình trạng này có đúng không? Có công bằng không? Bạn có muốn sống trong một xã hội như vậy không? Dĩ nhiên là KHÔNG.

Càng nhiều người biết về Đồng Tâm, càng có nhiều cơ hội đạt được công lý cho những người dân Việt Nam.

Nhà hoạt động Will Nguyễn

“Tôi thường nói với các bạn trẻ Việt Nam, cả người trong nước và ngoài nước: Nếu bạn muốn cải thiện cộng đồng của mình, hãy làm một điều gì đó, không quan trọng việc lớn hay nhỏ, chỉ cần là một điều tích cực. Như vậy vẫn tốt hơn là không làm gì cả!

“Những nỗ lực nhỏ theo thời gian sẽ dẫn đến sự thay đổi to lớn. Và với Báo cáo Đồng Tâm cũng vậy: càng nhiều người biết về Đồng Tâm, càng có nhiều cơ hội đạt được công lý cho những người dân Việt Nam”.

Báo cáo đăng hình CSCD tấn công vào Đồng Tâm ngày 09-01-2020. Hình do một người dân Đồng Tâm ẩn danh cung cấp cho Nhóm làm Báo cáo.

Nội dung của báo cáo xoay quanh vụ đụng độ giữa lực lượng công an và người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vào đêm mồng 8, rạng sáng mồng 9/01/2020 khiến ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm và ba công an, thiệt mạng. Báo cáo cũng nêu các diễn biến sau đó cho tới hết phiên xét xử sơ thẩm từ ngày 7-14/9/2020 vừa qua khi hai người dân bị nhà cầm quyền Việt Nam tuyên án tử hình và 27 người khác bị án tù từ tù treo đến tù chung thân.

Báo cáo Đồng Tâm cung cấp cả thông tin nhanh lẫn kiến thức có giá trị dài hạn cho người đọc, như: Hỏi nhanh đáp gọn (Chương 2), Bối cảnh vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm (Chương 3), Đối sách của chính quyền: thông tin bất nhất và đàn áp (Chương 5), Các điểm còn gây tranh cãi trong vụ tấn công (Chương 6), và đặc biệt, Các vi phạm của cơ quan tố tụng đối với chính luật pháp Việt Nam (Chương 9), Các vi phạm xét theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (Chương 10).

Báo cáo về Đồng Tâm được chuyển tới dân biểu Mỹ

Báo cáo cũng nêu 5 khuyến nghị bao gồm việc kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công bằng và khách quan về vụ Đồng Tâm.

Khi được hỏi về kết quả bước đầu của việc vận động quốc tế cho nạn nhân Đồng Tâm, ông Will Nguyễn cho biết:

“Chúng tôi đã chuyển Báo cáo cho đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, cũng như Liên minh Âu châu. Họ thông báo rằng họ đang theo dõi chặt chẽ vụ việc.

Phía Mỹ cho biết họ có thể sẽ nêu vụ Đồng Tâm trong Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ sắp tới.

Ông Will Nguyễn

“Phía Mỹ cho biết họ có thể sẽ nêu vụ Đồng Tâm trong Đối thoại Nhân quyền Việt –Mỹ sắp tới”.

Nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết trên Facebook rằng Báo cáo Đồng Tâm đầu tiên được công bố vào ngày 16/01, một tuần sau khi diễn ra vụ đụng độ Đồng Tâm.

“Vào ngày 24/6, ba trong số năm tác giả và biên tập viên của Báo cáo đã bị bắt. Đó là chị Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương -Trịnh Bá Tư”, hơn bốn tháng sau khi nhóm công bố phiên bản thứ hai, nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-dong-tam-va-no-luc-minh-bach-hoa-cho-tu-phap-vietnam/5603259.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù