TQ bất an khi Apple âm thầm rời đi
Việc Apple chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến vị thế "công xưởng thế giới" của nước này mà còn tác động đến đời sống người dân.
Tim Cook đến thăm công nhân lắp ráp iPhone tại nhà máy Luxshare vào năm 2017.
Ngày 7/9, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ Prasa tuyên bố Apple đã chuyển tám xưởng đúc từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Đây chỉ là một bước tiến nhỏ của quá trình chuyển giao công nghệ.
Xiao He, một công nhân làm trong dây truyền sản xuất của Apple tại Giang Tô chưa từng nghĩ những tin tức quốc tế như trên lại có mối liên hệ mật thiết đến cuộc sống của mình.
Những cuộc tháo chạy trong âm thầm
Hai tháng trước, Xiao xin vào làm việc tại xưởng đúc Wistron. Nơi này tuyển một lượng lớn lao động ngắn hạn vào mùa cao điểm để làm một số công việc tay chân không đòi hỏi kỹ thuật cao. Hợp đồng kéo dài từ một tuần đến ba tháng, tiền lương được thanh toán hàng ngày. Điều này giúp công ty tiết kiệm được lượng lớn chi phí nhân công, họ cũng không cần đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả công nhân.
Xiao He là một trong những công nhân như thế này. Anh đoán trước công việc sẽ rất nhàm chán nhưng luôn tự động viên bản thân rằng mọi thứ sẽ sớm qua đi. Một tuần sau, Xiao bắt đầu thấy chán hẳn, "mọi thứ trở nên buồn tẻ và tình cảm con người bị nghiền nát bởi dây chuyền sản xuất máy móc", Xiao He ví von.
Từ đồng nghiệp, Xiao biết Luxshare mới mua lại dây chuyền sản xuất Wistron. Điều đó đồng nghĩa với việc Xiao sẽ mất việc, tuy nhiên, anh vẫn chưa thật sự hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra.
Sau khi Wistron bán lại nhà máy sản xuất iPhone ở Trung Quốc, họ đã quay lại nhận đơn đặt hàng mới của Apple tại Ấn Độ và bắt đầu tuyển dụng trên quy mô lớn. Vài ngày sau, Foxconn, một công ty OEM (đối tác sản xuất thiết bị gốc) cho Apple tiết lộ dữ liệu. Năm ngoái, khoảng 75% sản lượng của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng năm nay, con số giảm xuống còn 70%.
Thông tin này đã dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi: "Có phải Trung Quốc đang mất vị thế là công xưởng thế giới" trên mạng xã hội Trung Quốc.
Mất mát nhiều hơn một danh xưng
Foxconn, nhà máy gia công lớn nhất thế giới, cũng đang rút dần khỏi Trung Quốc. Li Junqi, Chủ tịch công ty, nói với báo giới nước này rằng chiến lược của họ vẫn "bám rễ" ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khách hàng toàn cầu, Foxconn cũng có cơ sở sản xuất và trung tâm R&D khắp 11 quốc gia. Chiến dịch đã được bắt đầu từ mười năm trước.
Trước đây, hầu hết sản phẩm của Apple như iPhone, iPad được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, sau đó được xuất khẩu đi khắp thế giới. Trong tương lai, mọi thứ có thể sẽ khác. Một số nguồn tin cho biết Apple có thể tiếp tục rút thêm dây chuyền sản xuất khỏi nhà máy Trung Quốc. Họ dự tính chỉ để lại 30% để phục vụ cho thị trường nước này. Điều đáng nói, Apple không phải hãng duy nhất lên kế hoạch rời bỏ Trung Quốc, các tên tuổi lớn khác còn có Samsung, Toshiba, LG, Compal...
Danh xưng "công xưởng thế giới" có vẻ không liên quan gì đến cuộc sống thường ngày của nhiều người dân Trung Quốc. Nhưng thực tế, nó có tác động vô cùng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội.
Ví dụ, sau khi Foxconn xây nhà máy ở Trịnh Châu vào 10 năm trước, công ty đã tuyển dụng 130.000 lao động một năm, giúp Trịnh Châu giải quyết một lượng lớn lao động thất nghiệp. Một năm sau, giá trị xuất khẩu thương mại gia công và sản phẩm cơ điện của tỉnh này đã tăng 50%. Đến năm 2019, tổng xuất khẩu của Foxconn Trịnh Châu đạt 219,9 tỷ nhân dân tệ, tổng nhập khẩu là 113,8 tỷ nhân dân tệ, chiếm 81% tổng xuất nhập khẩu của tỉnh.
Sự xuất hiện của những nhà máy như Foxconn còn thu hút thêm nhiều nhà cung ứng của họ đến định cư, mang đến cho các tỉnh nghèo một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh, giúp kích thích kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp không nhỏ cho doanh thu của chính phủ.
Nhưng không chỉ một mình chính phủ Trung Quốc nhận ra điều này. Các quốc gia khác cũng sớm nhận thấy tiềm năng từ các nhà máy, xưởng gia công. Trước đây Trung Quốc dựa vào nguồn lao động giá rẻ và chính sách ưu đãi thuế để thu hút các thương hiệu, nhà sản xuất nước ngoài đến xây dựng nhà máy, dần dần hình thành lên các khu công nghiệp hoàn chỉnh. Từ đó vị thế "công xưởng thế giới" của Trung Quốc ngày càng được củng cố. Giá trị sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chiếm 30% so với thế giới, trong đó xuất khẩu phụ tùng ôtô, thiết bị gia dụng và robot dịch vụ chiếm hơn 30%, ngành công nghiệp quang điện đạt 70%.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 và căng thẳng trong thương chiến Mỹ Trung đã phá vỡ sự cân bằng này. Mỹ bắt đầu áp thuế cao hơn đối với các mặt hàng được xuất khẩu từ Trung Quốc. Trong hai năm qua, Tim Cook luôn đau đầu về việc iPhone lắp ráp tại Trung Quốc thường phải chịu thuế cao hơn khi về Mỹ. Điều này cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp Mỹ khác.
Các nhà sản xuất không còn lựa chọn nào khác là tìm cách chuyển đến các nước lân cận. Cisco là một trong những công ty đầu tiên chuyển nhà máy từ Quảng Tây, Trung Quốc sang Việt Nam. Luxshare đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở Ấn Độ, Việt Nam từ vài năm trước. Wang Laichun, Chủ tịch Luxshare, cho biết họ sẽ tiếp tục chuyển các dây chuyền sản xuất về Việt Nam và các nước khác để giải quyết vấn đề thuế quan tại Trung Quốc. Theo kế hoạch của Luxshare, Việt Nam sẽ đảm nhiệm 1/3 công xuất của tập đoàn trong tương lai.
Các nước đang phát triển khác cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Ấn Độ mới đây đã công bố chiến lược thu hút đầu tư mới. Chính phủ nước này hứa hẹn sẽ trợ cấp khoảng 6 tỷ USD ưu đãi và diện tích lớn đất giá rẻ để thu hút các công ty điện tử đến lập nhà máy.
Tháng 6 vừa rồi, Việt Nam và EU đã ký hiệp định EVFTA, cam kết hủy bỏ 99% thuế nhập khẩu từ châu Âu. Trên thực tế, Samsung đã liên tục đóng cửa những nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc và chuyển một phần sang Việt Nam.
Một điểm đến khác là Mexico. Tháng 7, Mexico và Mỹ đã ký kết một hiệp định thương mại với mức thuế 0% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Nơi đây cũng có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Foxconn hiện có năm nhà máy ở đây từ trước.
Giám đốc điều hành một cơ quan bất động sản địa phương cho biết, công ty của ông đã giúp hai công ty Trung Quốc di dời đến một cụm công nghiệp ở Mexico. "Các nhà sản xuất Trung Quốc muốn duy trì thị phần ở Bắc Mỹ thì không còn lựa chọn nào tốt hơn là đến Mexico", người này nói.
Những biện pháp tạm thời
45 năm trước, người sáng lập Foxconn, Guo Taiming đã gây dựng đế chế của mình từ một xưởng thuê nhỏ bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục sau đó vươn mình rộng lớn khắp thế giới. Từ những năm 1990, sự trỗi dậy của ngành sản xuất ở Trung Quốc là biểu tượng rõ ràng nhất cho quá trình toàn cầu hóa. Nhưng Trung Quốc không thể giữ mãi vị thế này.
Việc Mỹ cắt đứt chuỗi cung ứng của Huawei hoặc những cấm vận lên TikTok, WeChat ở nước ngoài đang đặt ngành công nghệ của Trung Quốc vào tình thế hiểm nguy chưa từng thấy.
So với nhiều thập kỷ trước, vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc đã thay đổi. Mỗi quốc gia đều đang cố gắng xây dựng cho mình những nền tảng công nghệ, kinh tế riêng và Trung Quốc muốn tiếp tục con đường toàn cầu hóa thì phải tìm cách len lỏi và cạnh tranh để nắm bắt được cơ hội, loại bỏ sự hoài nghi của các đối tác.
Nhận xét
Đăng nhận xét