Bản tin ngày 30-11-2020

 BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM có bài phỏng vấn ThS Hoàng Việt về chiến lược sắp tới của chính quyền Biden ở Biển Đông: Mục tiêu chống Trung Quốc sẽ không bị đảo ngược. Ông Việt bình luận: “Mối quan tâm của Mỹ với Biển Đông gắn liền với vấn đề TQ, vì thế dù đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ cũng sẽ không thay đổi chính sách đối với Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Có chăng là ông Biden sẽ thay đổi chính sách đối với châu Âu và Trung Đông, nơi ông Trump đã đánh mất khá nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ”.

Cũng liên quan đến chiến lược chống TQ của ông Biden, VnExpress có bài: Biden trước sức ép cạnh tranh quân sự từ Trung Quốc. Tin cho biết, “tại Washington hiện nay có lẽ rất ít người nghĩ đến mối quan hệ nồng ấm và đối thoại nhiều hơn với Trung Quốc dưới thời Biden, khi lưỡng đảng đều thường xuyên lên án những động thái của nước này, tạo nên áp lực chính trị buộc tổng thống thứ 46 của Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Rộ tin Mỹ đưa công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 vào danh sách đen. Reuters dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cơ quan này chuẩn bị đưa thêm 4 công ty TQ vào danh sách bị coi là liên quan đến quân đội TQ, nâng tổng số công ty trong danh sách này lên 35 công ty. Trong số 4 công ty này có Tổng công ty dầu khí Hải Dương TQ (CNOOC), chính là nơi sở hữu giàn khoan Hải Dương 981, từng hoạt động trái phép trong vùng biển VN.

RFA có bài: Chính sách Biển Đông của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Bài nói rằng, “từ khi Tập Cận Bình trở thành lãnh tụ số một của Trung Quốc, ông ta đã thể hiện quyền lực cả ở mức độ trong nước và chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách về biển Đông. Điều đó cho thấy, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không thay đổi quan điểm trong vấn đề biển Đông”.

Mời đọc thêm: Mỹ cứng rắn hơn với nạn đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông, nhắm mục tiêu vào Trung Quốc (TG&VN). – Tàu ngầm Trung Quốc chạm đáy vực Mariana – nơi được cho là sâu nhất đại dương và livestream về (CafeBiz). – New York Times: Trung Quốc mang chiến lược ở Biển Đông lên dãy Himalaya (TT).

Chính trường Việt Nam

Tại TP Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị của Quân ủy trung ương, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Hội nghị này được tổ chức để thông qua dự thảo Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quân sự quốc phòng và công tác xây dựng Đảng bộ quân đội năm 2021, báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và một số nội dung khác.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị của Quân ủy trung ương. Ảnh: TTXVN/TT

Một trong các kế hoạch năm 2021: “Đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo hướng tập trung, sâu sát, đồng bộ, quyết liệt, nói đi đôi với làm; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội”.

Có ý kiến cho rằng, đây là đòn “dằn mặt” của Tổng – Chủ Trọng nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trước Hội nghị TƯ 14, trong tình hình đang có không ít lời đồn đoán rằng, Thủ tướng Phúc có khả năng sẽ ngồi một trong hai “ghế” của ông Trong trong Đại hội 13. Lời đồn đoán này cũng có cơ sở, vì nhìn lại các diễn biến chính trường từ ngày 25/11 đến nay, có thể thấy chỉ trong 5 ngày, ông Trọng đã tham dự chỉ đạo 3 hội nghị lớn.

Ngày 25/11, ông Trọng chủ trì phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng và hối thúc hoàn thành điều tra 5 vụ đại án. Ngày 27/11, ông Trọng tham dự Hội nghị toàn quốc về kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cũng đề cập một số nội dung liên quan chiến dịch “đốt lò”. Hôm nay thì ông Trọng chỉ đạo hội nghị Quân ủy Trung ương, là lá chắn cao nhất bảo vệ đảng CSVN.

Một người bước đi không vững như ông Trọng mà phải làm chừng ấy việc chỉ trong 5 ngày, cho thấy ông ta lo ngại sẽ mất quyền kiểm soát đảng sau Đại hội 13. Chiến dịch “đốt lò” lúc đầu được khởi động nhằm trấn áp các thế lực “kiêu binh” trong đảng, bảo đảm quyền lực của phe Tổng – Chủ, đang là mối lo ngại, ông không còn quyền hành để thực hiện, khiến một ông già đầu tóc bạc trắng, bệnh tật đầy mình, cứ phải “tham dự” rồi “chỉ đạo” liên tục.

Cũng chuyện “đốt lò”, TAND TP Hà Nội thông báo sẽ xét xử kín vụ án bị cáo Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vào ngày 11/12/2020, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ ra tòa cùng với 3 cựu thuộc cấp: Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, đều là cựu cán bộ công an biệt phái công tác tại UBND TP Hà Nội. Tất cả bị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Tin cho biết, HĐXX có 3 người, gồm một thẩm phán, hai hội thẩm nhân dân. Có hai kiểm sát viên của VKSND TP Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa. “Vụ án được xét xử kín. Bốn luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung gồm Nguyễn Văn Tú, Trương Trọng Nghĩa, Trần Hoàng Anh và Nguyễn Thị Hoài Linh”.

Liên quan đến sự kiện trên, RFA có bài: Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ được xét xử kín vào ngày 11-12. Một số thông tin về phiên tòa xử kín: “Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước… thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo”.

Nhìn lại các vụ xử những nhân vật có thế lực như Đinh La Thăng, hay vụ xử Vũ “nhôm”… có điểm chung là tòa xử bán công khai. Nghĩa là nhà báo “lề đảng” không được đưa tin trực tiếp từ phòng xử án, nhưng vẫn được phép theo dõi diễn biến phiên tòa từ một màn hình truyền dữ liệu hình ảnh, âm thanh từ phòng xử án. Trường hợp bị cáo phát biểu lệch “kịch bản” thì đường truyền dữ liệu bị “trục trặc”, không thì diễn biến phiên tòa được công khai để các báo “lề đảng” có thể cập nhật liên tục.

Còn trường hợp Nguyễn Đức Chung, thì xử kín hoàn toàn nên ngay cả báo chí “lề đảng” cũng chỉ biết được một số diễn biến chính và nội dung bản án. Phải chăng là để đảm bảo Chung “con” không thể để lộ ra bất kỳ thông tin nào có thể gây hại cho chế độ?

Mời đọc thêm: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương (Zing). – Quân ủy Trung ương họp bàn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 2021 (TP). – Việt Nam trước Đại hội Đảng: Yếu tố Trung Quốc và lá bài Hoa Kỳ (RFI). – Kiểm tra, giám sát trong Đảng: Không liêm, không sạch thì không kỷ luật được người khác (THNA).

– Xét xử kín vụ án ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước (TT). – Xét xử kín vụ án ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước (VNF). – Tại sao phải xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung? (Infonet). – Vì sao báo Nhà nước nói thông tin ‘xấu, độc, chống phá Nhà Nước và Đại Hội Đảng’ tăng cao? (RFA).

Lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở VN

Tối nay, Bộ Y tế thông báo khẩn: Phát hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng sau 89 ngày, báo Người Lao Động đưa tin. Đó là bệnh nhân số 1347, được cho là đã nhiễm từ bệnh nhân 1342, được công bố chiều ngày 29/11. Ca bệnh 1342 vốn là một ca dương tính Covid-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh, nhưng âm tính trong lúc cách ly.

Liên quan đến ca bệnh 1342, trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 sau 14 ngày nhập cảnh, theo báo Thanh Niên. Bệnh nhân 1342 ở quận Tân Bình, TP HCM. Ngày 14/11, người này từ Nhật nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VN5301, được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm nhưng kết quả âm tính nên được cho về cách ly tại nhà từ ngày 18/11. Đến ngày 28/11, người này xét nghiệm lại thì kết quả dương tính với Covid-19.

Theo tin từ báo Người Lao Động, từ ngày 18 đến 28/11, bệnh nhân 1342 về sống ở nhà trọ tại phường 2, quận Tân Bình, có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm mẹ và 2 người bạn. Một trong 2 người bạn đó sống cùng phòng trọ với bệnh nhân 1342, chính là ca 1347. Ca này kết thúc giai đoạn gần 3 tháng không có lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam.

Zing đặt câu hỏi: Nam bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM đã đi những đâu? Bệnh nhân 1347 là GV tiếng Anh; từ ngày 16 đến 25/11, người này đi dạy ở Trung tâm Anh ngữ Key English của quận 10 và quận Tân Bình, nghỉ trưa tại phòng trọ cùng ca bệnh 1342 rồi về nhà riêng ở quận 6. “Ngày 22/11, bệnh nhân cùng một người bạn uống cà phê ở Highlands Vạn Hạnh Mall từ 20 đến 21h. Ngày 23/11, bệnh nhân cùng 5 người khác hát karaoke trên đường Thành Thái trong khoảng 22-23h”. Từ 26 đến 28/11, người này đi dạy và về nhà riêng, không tiếp xúc với ca bệnh 1342.

VTV có clip: TP.HCM ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 1347 là ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước đó, Bộ Y tế thông báo, có thêm 3 ca COVID-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh tại Đà Nẵng và Thanh Hoá, VTC đưa tin. Đó là ca 1344, ở quận 2, Sài Gòn. Người này từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc rồi nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng ngày 23/11, có triệu chứng sốt nhẹ vào ngày 29/11 và có kết quả dương tính. Ca 1345 ở Bắc Ninh, từ Nhật nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 27/11, được xác nhận dương tính hôm nay. Ca 1346 ở Hà Tĩnh, từ Nhật nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 28/11, được xác nhận dương tính hôm nay.

Mời đọc thêm: Bộ Y tế thông báo khẩn về ca mắc COVID-19 lây nhiễm từ người cách ly (VTV). – Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau 89 ngày (VNN). – Một thanh niên ở TP HCM nhiễm nCoV (VNE). – TP.HCM phong tỏa nơi bệnh nhân COVID-19 từng tới, xét nghiệm 111 người (TT). – Khẩn: Có tới gần 200 người liên quan tới giáo viên dạy tiếng Anh nhiễm COVID-19 (VietTimes). – Việt Nam có thêm 3 người nhập cảnh mắc Covid-19 (Zing). – “Đại dịch” là từ khóa của năm 2020 (VOV).

Mưa lũ tái diễn ở Nam Trung Bộ

Sau khoảng 2 tuần tạm lắng, lại xảy ra mưa lớn kéo dài, Nam Trung bộ – Tây Nguyên tiếp tục ngập nặng, sạt lở, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ở Phú Yên, ông Trần Quốc Sách, chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, cho biết sáng nay, mưa lớn kéo dài suốt 2 ngày đêm, khiến nước các con sông ở xã này dâng cao: “Hiện đã có hơn 30 nhà dân dọc sông Trong, sông Bánh Lái bị ngập lụt, người dân phải sơ tán. Chúng tôi đang đi kiểm tra, nếu lũ tiếp tục lớn phải di dời những gia đình vùng trũng thấp đến nơi cao để trú tránh”.

Nước lũ gây ngập cầu đường bộ ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Ảnh: Duy Thanh/TT

Ở Đắk Lắk, xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi: “Bắt đầu từ sáng 29-11, nhiều khu vực tại xã Hòa Lễ, Hòa Phong xảy ra tình trạng sạt trượt đất từ trên núi chắn ngang các tuyến đường dân sinh, gây nguy hiểm cho các hộ dân”. Ông Lê Văn Long, chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, mưa kéo dài suốt 3 ngày qua, lượng mưa xấp xỉ 170mm.

Đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc tỉnh lộ 12. Ảnh: Tâm An/TT

Trước đó, nhà nghiên cứu khí tượng Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo, sẽ có mưa lớn kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ từ ngày 29/11 đến hết ngày 1/12. Ông Huy cho biết: “Tôi đang đứng ở bãi biển Quy Nhơn quan sát mây và gió thấy chúng kéo liên tục từ biển vào nhưng ít gây mưa gần bờ biển. Các đám mây lớn ở độ cao từ 300m trở lên di chuyển tốc độ nhanh về phía Tây. Khi gặp phải các địa hình cao hơn 300m sẽ gây mưa lớn ở các khu vực này”.

Trang Hành Tinh Titanic viết: Cập nhật tình hình mưa to – xối xả lúc 17:40 ngày 30/11. Theo đó, “không ảnh từ vệ tinh Himawari-8 (Nhật Bản) và vệ tinh hồng ngoại của NOAA (Mỹ) lúc 17:40 ngày 30/11 (giờ Việt Nam) vẫn cho thấy nhiều cụm mây được đùn lên và đang chuẩn bị ập vào Khánh Hòa – Phú Yên – Bắc Ninh Thuận đêm nay. Từng đợt mưa to đến xối xả vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, các bạn nhé. Hãy cố chịu đựng hết đêm nay”.

Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều cụm mây đang tiến vào khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Ảnh: NOAA/FB Hành Tinh Titanic

Do mưa lũ đột ngột, nước dâng nhanh, 45 du khách TP HCM và người dẫn đường mất liên lạc trên núi Khánh Hòa, theo báo Người Lao Động. Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, xác nhận thông tin này chiều nay và cho biết, huyện đã cử đội cứu hộ tìm cách tiếp cận đoàn người gồm 36 du khách và 9 người dân dẫn đường leo núi, khám phá núi Tà Giang ở xã Thành Sơn, hiện đang mất liên lạc.

Tin cho biết, “đoàn này đi xe giường nằm từ TP HCM đến huyện Khánh Sơn. Sau đó thuê 9 người dân địa phương dẫn đường, phụ mang đồ đạc đi trekking (đi bộ băng rừng). Đến thứ bảy (28-11), mưa bắt đầu lớn khiến nước lũ dâng cao, nhóm này bắt đầu mất liên lạc với người thân, do trên núi không có sóng điện thoại”.

VTV có clip: Trung Bộ và Tây Nguyên mưa to, nguy cơ cao có lũ quét.

Ngày 28/22/, VnExpress có bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: ‘Thiệt hại mưa lũ miền Trung không thể tính bằng con số’. Ông Hiệp cho biết: “Bao nhiêu người mất đi sinh kế, phải rời bỏ quê hương. Tôi đi thực tế, chứng kiến nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng, có nơi như trở về thời kỳ đổ đá. 10 năm nữa cũng chưa phục hồi như trước đây được. Dù nhà nước có cấp ngay 30.000 tỷ đồng vẫn không thể tái thiết được như cũ”.

Mời đọc thêm: Cập nhật tình hình mưa to – xối xả từ rạng sáng ngày 30/11/2020 (FB Hành Tinh Titanic). – 36 du khách TP.HCM mắc kẹt trên núi Tà Giang (Zing). – Đắk Lắk: Mưa lũ làm sập nhà dân, hàng trăm ha ngập úng (PLTP). – Quảng Nam mưa lớn, Quốc lộ 40B bị chia cắt, thủy điện đang xả lũ (NLĐ). – Nhiều xã miền núi Quảng Nam bị chia cắt do mưa lớn (VNE). – Mưa lũ lớn ở Khánh Hòa, nhiều nơi ngập lụt nặng, 1 người bị cuốn trôi (LĐ). – Dân Nha Trang “vật lộn” di chuyển trên những con đường ngập chìm trong nước (TP).

***

Thêm một số tin: Hoãn phiên tòa xét xử thi sĩ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch (RFA). – CSW lên tiếng về việc ông Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực (VOA). – Biden công bố đội ngũ báo chí cấp cao toàn nữ — Úc yêu cầu Trung Quốc xin lỗi vì đăng hình ảnh giả mạo ‘kinh tởm’ (BBC). – Thủ tướng Úc đòi Bắc Kinh xin lỗi vì phát ngôn và ảnh giả mang tính xúc phạm (RFI). – TQ-Úc có căng thẳng sau thuế rượu vang? (BBC).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?