Kinh tế Trung Quốc: Ranh giới «mỏng» giữa dân sự và quân sự
Ngày 12/11/2020, tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh cấm đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc có liên hệ với Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân. Quân đội chiếm trọng lượng đến cỡ nào trong guồng máy kinh tế Trung Quốc ? Đâu là ranh giới giữa khu vực dân sự và quân sự tại nước này ? Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, phân tích về tầm mức quan trọng của một đòn mới Washington nhắm vào Bắc Kinh.
Lệnh cấm chính thức có hiệu lực kể từ ngày 11/01/2021, tức chưa đầy một chục ngày trước khi Donald Trump trao chìa khóa của Nhà Trắng cho Joe Biden. Các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ, doanh nghiệp và tư nhân có giao dịch với những công ty Trung Quốc trong tầm ngắm của chính quyền Washington sẽ phải rút khỏi các doanh nghiệp Trung Quốc trước tháng 11/2021.
Từ vế kinh tế đến an ninh
Trong cuộc họp báo, nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh đây là một bước tiến nhằm ngăn cản Trung Quốc « khai thác càng lúc càng nhiều tư bản của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa các hoạt động quân sự, tình báo và những hệ thống an ninh đe dọa trực tiếp » đến những quyền lợi của Hoa Kỳ, đến những binh chủng của Mỹ đồn trú ở hải ngoại.
Vẫn theo Donald Trump, cần chấm dứt việc tư bản của Mỹ giúp Trung Quốc « phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, nâng cao trình độ các vụ tấn công trên mạng nhắm vào Hoa Kỳ, vào dân Mỹ ». Ông Trump cũng đã ghi nhận, do các doanh nghiệp Trung Quốc phải hỗ trợ cho bên quân đội và tình báo, đầu tư của Mỹ sẽ « gián tiếp tăng cường sức mạnh cho cỗ máy quân sự, tình báo và an ninh » của ông khổng lồ châu Á này.
Trong một thông cáo cùng ngày 12/11/2020, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien đã gióng tiếng chuông báo động tương tự, khi cho rằng vô tình « các quỹ đầu tư Mỹ và quỹ hưu trí của Hoa Kỳ góp phần tăng cường sức mạnh quân sự cho Trung Quốc » và sắc lệnh của tổng thống Trump nhằm bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi cảnh tiếp tay với đối thủ, để rồi chính các phương tiện quân sự hiện đại của Trung Quốc lại nhắm vào « các công dân, các tập đoàn của Mỹ qua các chiến dịch tấn công tin học và đe dọa trực tiếp đến cơ sở hạ tầng cốt lõi, đến kinh tế và quân đội của Hoa Kỳ, cùng các đồng minh »Publicité
Vậy đâu là những công ty Trung Quốc trong tầm ngắm của Nhà Trắng ? Các tờ báo tài chính Anh, Mỹ à Pháp đưa ra danh sách bao gồm khoảng 30 thực thể trong các lĩnh vực, từ hàng không (AVIC) đến giao thông trên biển, từ xây dựng đến năng lượng hạt nhân, như hai tập đoàn quốc gia Trung Quốc CNNC và CGN ; các tập đoàn viễn thông và công nghệ cao (China Mobile hay China Telecom …), và đương nhiên là tập đoàn xuất khẩu vũ khí Norinco. Không ít trong số này tham gia các sàn chứng khoán ở Hồng Kông và qua nhiều trung gian cũng được niêm yết giá trên thị trường tài chính New York.
Riêng Lầu Năm Góc từ mùa hè vừa qua đã thiết lập một danh sách các tập đoàn Trung Quốc mà các nhà đầu tư Mỹ cần tránh xa. Trong số này gồm các tập đoàn trực tiếp đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Trung Quốc, như China Telecom hay một tập đoàn tư nhân nhưng phục vụ quyền lợi cho bên quân đội, như Huawei Technologies chuyên về các trang thiết bị viễn thông, hoặc Hikvision Digital, một nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc về các phương tiện giám sát qua màn hình.
Ranh giới giữa dân sự với quân sự càng lúc càng nhạt mờ
Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp, Antoine Bondaz trước hết lưu ý, thật ra rất khó thẩm định trọng lượng của quân đội trong các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Nhưng đã có nhiều thay đổi sâu rộng trong những thập niên qua : Khoảng 20-30 năm trước, quân đội kiểm soát nào là khách sạn, bệnh viện … Nhưng rồi ông Tập Cận Bình đã cải tổ theo hướng giảm thiểu vai trò của quân đội trong lĩnh vực kinh tế. Vấn đề giờ đây là các công ty tư nhân và cả các hãng của nhà nước đều có thể tham gia vào các hoạt động trong ngành quốc phòng.
Antoine Bondaz : « Xưa kia, chỉ có các tập đoàn lớn của nhà nước mới được quyền cung cấp trang thiết bị cho Giải Phóng Quân Nhân Dân, nhưng kể từ thập niên 1990 và những năm 2000 thì đã có một sự thay đổi lớn. Một số hãng tư nhân bắt đầu được quyền làm ăn với bên quân đội. Thí dụ như quân phục, giày dép … cho các quân nhân. Nhưng gần đây hơn, các công ty tư nhân ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là về mặt công nghệ. Cùng lúc bên quân đội cần thâu tóm công nghệ cao, cần những phát minh mới của tư nhân. Do vậy, cộng tác giữa các hãng tư nhân và các công ty thuần túy phục vụ cho bên dân sự với bên quân đội càng lúc càng lớn. Chính điểm này nằm trong tầm ngắm của Hoa Kỳ. Bởi vì từ khi Bắc Kinh cải tổ guồng máy quân sự, ngay cả các hãng tư và có thể là những công ty khởi nghiệp cũng đóng góp vào nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ».
Vẫn theo ông Bondaz, quân đội càng lúc càng thâu tóm các dữ liệu thông tin của bên dân sư :
Antoine Bondaz : Ở đây đặt ra vấn đề hội nhập hai vế dân sự và quân sự. Kể từ 2015, điều này đã trở thành một chiến lược quốc gia được ông Tập Cận Bình chủ xướng. Càng lúc càng có nhiều sự hợp tác giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, giữa bên dân sự và quân sự. Tháng 8/2018, Bắc Kinh đã ban hành một đạo luật bắt buộc các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu dân sự và quân sự phải trao đổi và cung cấp các dữ liệu cho lẫn nhau. Các thông tin được trao đổi đó bao gồm từ các kết quả nghiên cứu khoa học đến dữ liệu về nhân sự hay các loại trang thiết bị được sử dụng …
Điều đó có nghĩa là các trung tâm nghiên cứu nước ngoài khi cộng tác với phía Trung Quốc – và mặc dù đó không phải là những cơ quan trực thuộc nhà nước Trung Quốc hay quân đội nước này, thế nhưng khi mà các đối tác Trung Quốc đó cộng tác với bên quân đội, thì đâu đó giới nghiên cứu và khoa học quốc tế gián tiếp cộng tác với các lực lượng quốc phòng Trung Quốc. Đó là ý nghĩa của sắc lệnh mà tổng thống Trump vừa ban hành, cấm các doanh nghiệp Mỹ giao dịch, đầu tư vào các cơ sở Trung Quốc có liên hệ với bên quân đội nước này ».
Thêm một đòn đau đối với Bắc Kinh
Vậy sắc lệnh của tổng thống Mỹ cấm đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc có ý nghĩa nào cả về kinh tế lẫn chiến lược đối với Hoa Kỳ trước đã ? Chuyên gia Antoine Bondaz cho rằng vế chiến lược có phần quan trọng hơn và đó mới chính là điều khiến Bắc Kinh nhức nhối :
Antoine Bondaz : « Đúng là ở đây có hai khía cạnh khác nhau liên quan đến các khoản đầu tư. Nhưng nhìn rộng ra hơn, trước hết quyết định này liên quan đến các chương trình hợp tác về mặt kỹ thuật và khoa học. Mục tiêu của sắc lệnh lần này nhằm cho thấy là Washington ý thức về liên hệ chặt chẽ giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự của Trung Quốc và Mỹ muốn hạn chế tối đã các chương trình hợp tác đó, bởi vì chung cuộc điều này giúp cho Trung Quốc củng cố thêm sức mạnh quân sự.
Nói cách khác, vấn đề ở đây liên quan đến các lĩnh vực quân sự và an ninh quốc gia. Do vậy, Washington một mặt trừng phạt hay cấm đoán các tập đoàn Mỹ cộng tác với các hãng Trung Quốc có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến cách lĩnh vực an ninh, phòng thủ của quốc gia châu Á này. Mặt khác, sắc lệnh của Donald Trump còn là một tín hiệu gửi tới các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt là châu Âu, là phải dè chừng Trung Quốc.
Kế tới, khía cạnh thứ nhì mới là về mặt kinh tế, bởi vì hợp tác với các công ty tư nhân Trung Quốc để rồi góp phần tăng cường sức mạnh quân sự cho nước này, tức là tăng cường khả năng cạnh tranh của Trung Quốc để đối chọi lại với Mỹ. Điều này không có lợi cho Hoa Kỳ (…) Tuy nhiên, thuần túy về kinh tế mà nói, tới nay đầu tư của Mỹ vào các doanh nghiệp Trung Quốc hãy còn hạn chế, thành thử thiệt hại đối với các công ty Hoa Kỳ không là bao. Nhưng đây là hồi chuông báo động trước những dự án hợp tác trong tương lai với Trung Quốc về mặt kỹ thuật và khoa học ».
Tuy nhiên, quyết định gần đây của Nhà Trắng tránh để phía Mỹ rơi vào cảnh « nối giáo cho giặc », tăng cường thêm khả năng quân sự của Trung Quốc để tấn công vào các quyền lợi của Hoa Kỳ, chỉ có hiệu quả nếu như Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Chuyên gia Bondaz cho rằng đây là một đòn đau chính quyền Trump tấn cho Bắc Kinh trước khi mãn nhiệm :
Antoine Bondaz: «Trung Quốc lệ thuộc vào công nghệ Mỹ và Bắc Kinh ý thức được nhược điểm này. Từ đó Trung Quốc đã liên tục cho ra đời các kế hoạch như Made in China 2025… Bắc Kinh đã và đang triển khai chiến lược tăng cường sự tự chủ về mặt công nghệ. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc đã mở rộng hợp tác với các trung tâm nghiên cứu với các tập đoàn của phương Tây từ với Mỹ, Úc, Canada hay châu Âu… Vấn đề đặt ra cho phía Bắc Kinh là các đối tác của Trung Quốc ngày càng thận trọng. Các điều kiện để cộng tác càng lúc càng bị siết chặt thêm, tránh để Trung Quốc nắm bắt được các bí quyết công nghệ của phương Tây để rồi bản thân Trung Quốc trở thành một đối thủ của những quốc gia này về mặt an ninh cho đến đến địa chính trị hay kinh tế».
24/11/20
Nhận xét
Đăng nhận xét