Đọc báo Pháp – 30/11/2020

Đọc báo Pháp – 30/11/2020

Pháp: Chính phủ Macron trong thế kẹt của dự luật an ninh – Trọng Nghĩa

Tựa lớn trang nhất các báo Pháp ra ngày 30/11/2020 hầu như đều được dành cho tình hình được tờ Le Monde dự báo là đang biến thành khủng hoảng chính trị tại Pháp, với những cuộc biểu tình rầm rộ cuối tuần qua chống bạo lực cảnh sát và dự luật “an ninh toàn diện” mà chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron mong muốn.

Trong lúc Le Monde nhìn sự việc một cách khách quan với hàng tựa trang nhất: “Cảnh sát: Macron đối mặt với một cuộc khủng hoảng đang biến thành chính trị”, thì Le Figaro lại thấy là: “Hành pháp đang tìm cách thoát ra khỏi cái bẫy của điều 24” trong dự luật mới về an ninh. Riêng Libération thì gay gắt hơn cả, cho rằng tổng thống Pháp Macron đang phải vẫy vùng “Trong cái rọ của luật an ninh toàn diện”.

Le Monde: “Khủng hoảng chính trị” đang manh nha

Đối với Le Monde, rõ ràng là một cuộc khủng hoảng chính trị đang manh nha tại Pháp, với chính quyền đang chịu áp lực của công luận và phe đối lập, với sự rạn nứt lộ rõ thêm ngay trong nội bộ của đảng cầm quyền.

Tờ báo độc lập Pháp ghi nhận trước tiên là sau vụ một nhà sản xuất âm nhạc người da đen ở Paris bị cảnh sát đánh đập, tổng thống Macron đã lên tiếng trên mạng Facebook ngày 27/11, để nói lên tâm trạng “xấu hổ” của nước Pháp trước sự kiện này.

Họa vô đơn chí, vụ đánh đập đó lại xẩy ra ngay sau chiến dịch giải tỏa một cách thô bạo một khu lều trại mà một nhóm dân nhập cư dựng lên tại quảng trường République ở trung tâm Paris. Hai vụ tai tiếng liên tiếp đã đẩy bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin vào một tình thế tế nhị.

Sức ép trên chính quyền Macron lại càng tăng khi vào Thứ Bảy 28/11, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc chống lại dự luật về “an ninh toàn diện”, bị cho là bóp nghẹt quyền tự do tại Pháp.

Hậu quả trước mắt là ngay trong nội bộ phe đa số đang cầm quyền tại Pháp, căng thẳng cũng bùng lên gay gắt trên nội dung dự luật, đặc biệt là điều 24 hạn chế quyền của người dân được ghi hình lực lượng an ninh. Trả lời Le Monde, ông Pascal Canfin, nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước đương quyền, đã chỉ trích những người theo “đường lối Darmanin” là đã “phá vỡ thế cân bằng trong các cử tri ủng hộ phe đa số” tại Pháp.

Le Figaro: “Cái bẫy của Điều 24”

Cùng một quan điểm với đồng nghiệp Le Monde về tình hình chính trị đang xấu hẳn đi tại Pháp, nhưng nhật báo cánh hữu Le Figaro lai đi xa hơn, cho rằng chính quyền của ông Macron đang bị lọt vào trong một cái bẫy.

Theo tờ báo, hành pháp đang cố tìm cách cứu vãn một điều luật – điều 24 – đang gây chia rẽ trong phe đa số, phẫn nộ nơi cánh tả và gây hoang mang dư luận, nhưng việc rút bỏ lại nêu bật thất bại của chính phủ.

Diễn biến tình hình trong những ngày qua, theo Le Figaro, quả là không thuận lợi cho chính quyền Macron chút nào. Thoạt đầu, những người phản đối dự luật “an ninh toàn diện” chỉ tập trung vào Điều 24 gây tranh cãi, thế nhưng chỉ ít lâu sau, đối tượng phản đối đã lan rộng ra toàn bộ văn bản.

Ngay cả trong phe đa số, nhiều người đã hoài nghi về khả năng duy trì nguyên trạng của dự luật, thậm chí có người đi xa hơn nữa, đề nghị rút lại toàn bộ dự luật. Còn trong phe đối lập cánh tả thì khỏi nói, từ cựu tổng thống François Hollande cho đến Jean-Luc Mélenchon của đảng Nước Pháp Bất Khuất hay Yannick Jadot thuộc đảng Xanh, tất cả đều cho rằng phải rút lại dự luật.

Còn bên cánh hữu, nơi văn bản được ủng hộ nhiều hơn, không có ai nuôi ảo tưởng về tương lai dự luật, bắt đầu với điều 24, mà theo Xavier Bertrand, một lãnh đạo của đảng Những Người Cộng Hòa, “đã bị chính phủ chôn vùi”.

Le Figaro đã trích lời khuyên của Adrien Quatennens, một dân biểu cảnh tả đồng thời là lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất: “Có một thời điểm mà ta phải biết cách lùi lại”. Tờ báo cũng nêu bật nhận định cay độc của thượng nghị sĩ Philippe Bas, một lãnh đạo của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, theo đó chính phủ Macron “có tài tự tạo ra các cuộc khủng hoảng chính trị”.

Libération: “Cái rọ của luật về an ninh toàn diện”

Có cái nhìn phê phán hơn cả đối với chính quyền Pháp là nhật báo cánh tả Libération, cho rằng sau những hành vi lệch lạc hàng loạt của cảnh sát và các cuộc biểu tình lớn vào cuối tuần qua, chính phủ lại đang “chơi trò” để cho tình hình tệ hại thêm, thay vì thu hồi điều luật gây bất bình.

Theo Libération, sở dĩ chính quyền tiếp tục để tình hình sa lầy thay vì xem xét việc rút lại Điều 24, đó là vì làm như vậy sẽ khiến bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin bị suy yếu.

Đối với tờ báo, để tình hình xấu đi thêm là một nước cờ mạo hiểm, sau những cuộc biểu tình tập hợp hơn 500.000 người trên toàn quốc, theo ban tổ chức (theo cảnh sát là 146.000 người) để bảo vệ “các quyền tự do”.

Hiện nay, đòi hỏi thu hồi Điều 24 của luật “an ninh toàn diện” đã lôi kéo biết bao nhà báo thuộc mọi xu hướng xuống đường, từ báo Cộng Sản L’Humanité, cho đến báo cánh hữu Le Figaro. Theo Libération, dự luật được Quốc Hội Pháp sơ bộ thông qua cách nay 10 ngày, đã được bộ trưởng Bộ Nội Vụ Gérald Darmanin hết sức ủng hộ, nhưng vẫn bị giới phản đối coi là một nỗ lực ngăn chặn việc phổ biến hình ảnh về cảnh sát, tức là hình ảnh về những hành vi bạo lực tiềm tàng.

Libération đã tỏ ý tiếc rằng cho đến lúc này, chính quyền Pháp vẫn chưa cho thấy là đã có được một chiến lược rõ ràng để thoát ra khỏi  một vũng lầy mà chính họ đã lao vào.

Trang nhất Les Echos và La Croix

Vào lúc các đồng nghiệp chú ý đến thời sự nóng bỏng, hai tờ Les Echos và La Croix đã dành tựa trang nhất cho chủ đề truyền thống của mình.

Nhật báo kinh tế Les Echos đã nhấn mạnh đến vòng đàm phán Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc đang tiến vào giai đoạn nước rút qua hàng tựa lớn “Brexit: Hiệp đấu cuối cùng”.

Theo tờ báo, các nhà đàm phán của cả Bruxelles lẫn Luân Đôn đều cho rằng tuần này sẽ mang tính quyết định. Có điều những bế tắc dai dẳng chưa được giải quyết đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đàm phán thất bại, với kịch bản đáng ngại cho cả hai bên là một tiến trình Brexit không thỏa thuận.

Nhật báo Công Giáo La Croix thì chạy hàng tựa lớn đầy hoan hỉ: “Thánh lễ đang tìm lại được con chiên”, nêu bật sự kiện là trong số các biện pháp giảm nhẹ phong tỏa vì dịch Covid-19, có việc các thánh lễ được phép có người tham dự trở lại.

Tờ báo nhắc lại rằng Tham Chính Viện Pháp vừa ra phán quyết bác bỏ giới hạn 30 người hiện diện tại các buổi lễ mà chính phủ Pháp ấn định, cho đấy là một biện pháp “quá đáng”. Thế nhưng theo La Croix, bản thân những người Công Giáo Pháp đã ít nhiều tự thích ứng với hạn chế nói trên.

Le Monde: Kinh nghiệm cay đắng của Lễ Tạ Ơn tại Canada

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, dù ở Pháp, châu Âu, hay ở Mỹ, Canada, viễn cảnh các cuộc tụ tập đông người nhân những ngày lễ cuối năm truyền thống đã khiến dư luận tại các nước phương Tây ớn lạnh. Trong bài “Kinh nghiệm cay đắng của Lễ Tạ Ơn tại Canada”, báo Le Monde đã gióng lên lời báo động về nguy cơ dịch bệnh bùng lên trở lại.

Theo tờ báo Pháp, chỉ cần một ngày lơ là là đường cong lây nhiễm có thể tăng vọt, và đó chính là kinh nghiệm xương máu mà Canada vừa phải gánh chịu. một bài học có giá trị cảnh báo đối với phần còn lại của thế giới, vào lúc mà các gia đình đang chuẩn bị gặp lại nhau nhân các ngày lễ cuối năm.

Nhân dịp Lễ Tạ Ơn Thanksgiving của Canada, ngày 12/10 vừa qua, người dân Canada được hưởng ba ngày nghỉ cuối tuần, một thời điểm thuận lợi cho việc đoàn tụ gia đình xung quanh các món ăn truyền thống. Thế nhưng, những cuộc tụ tập này đã tạo điều kiện cho dịch Covid-19 lan mạnh trở lại tại Canada.

Theo ghi nhận của Le Monde, tính đến giữa tháng 9, khi Canada đang gánh chịu làn sóng Covid thứ hai, trung bình có khoảng hơn 800 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày và tổng số ca nhiễm tại Canada chỉ là hơn 138.000.

Đến ngày 12 tháng 10, đúng ngày Lễ Tạ Ơn, Canada đã bị 181.864 ca nhiễm, một con số đã tăng vọt hai tuần sau đó, với 220.213 người bị nhiễm virus vào ngày 27/10.

Santiago Perez, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh Viện Đa Khoa Kingston, Ontario, giải thích: “Sự gia tăng này đến từ nhiều yếu tố, nhưng tác động của các cuộc họp mặt gia đình vào ngày Lễ Tạ Ơn là một thực tế: Kể từ hôm đó trở đi, chúng tôi đã mất kiểm soát về đà lây lan của đại dịch”.

Vào ngày 27 tháng 10, một quan chức Y Tế Công Cộng Canada đã công nhận: “Ở một số khu vực, chúng tôi biết rằng các cuộc tụ tập vào cuối tuần lễ Thanskgiving đã góp phần làm tăng số ca mà chúng tôi đang gặp hôm nay”. Cùng ngày, các bang Ontario, British Columbia và Alberta đã phá kỷ lục về số ca nhiễm hàng ngày, và Canada đã vượt qua mốc 10.000 người chết kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Bất chấp những khuyến cáo duy trì giãn cách xã hội, bố mẹ, con cái đã tận hưởng những giây phút gặp lại nhau sau nhiều ngày xa cách, thanh niên thì không ngần ngại tụ tập vui chơi tại các nhà hàng, quán bar, hợp đêm… khiến cho các biện pháp chống dịch không còn hiệu quả.

Một ví dụ cụ thể được Le Monde nêu bật: Ở thị trấn York, vùng ngoại ô Toronto, chính quyền địa phương đã ban hành một thông báo giải thích quá trình theo đó, trong một đại gia đình gồm mười hai người, đã có đến 10 thành viên, trong đó có ba trẻ sơ sinh, đã bị nhiễm bệnh sau cuộc họp mặt vào ngày Lễ Tạ Ơn.

Càng gần đến những ngày lễ cuối năm, Canada lại càng lo ngại lập lại kinh nghiệm cay đắng của Lễ Tạ Ơn. Với tổng số 347.466 ca nhiễm được ghi nhận vào thứ Tư, 25 tháng 11 và mức tăng 5.193 trường hợp lây nhiễm hàng ngày trong tuần trước, các cơ quan công quyền đang cố gắng chuyển đi thông điệp là sẽ không thể có một lễ “Giáng Sinh bình thường”.

Nghị sĩ Pháp lo lắng về nguy cơ buôn bán nội tạng ở Trung Quốc

Cũng trên Le Monde, tình hình Trung Quốc đã được chú ý với sự kiện khoảng 60 dân biểu Pháp công khai bày tỏ thái độ lo ngại về việc chế độ Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục lấy nội tạng từ các tử tù, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố là đã cải tổ hệ thống cấy ghép nội tạng của họ.

Theo Le Monde, trong mạng lưới không minh bạch và tàn nhẫn của hệ thống đàn áp Trung Quốc, nhiều vùng tối vẫn tồn tại, trong đó có vấn đề mổ lấy nội tạng mà không có sự đồng ý trước của những người bị giam giữ.

Kể từ năm 2015, Trung Quốc đã chính thức cấm việc lấy nội tạng của các tù nhân bị kết án tử hình. Nhưng có nhiều nghi vấn về quy mô to lớn của các hoạt động ghép nội tạng được thực hiện ở các cơ sở tư nhân, cũng như công cộng, ở Trung Quốc, những cơ sở đang phá vỡ mọi kỷ lục về số nội tạng có được nhanh chóng để cấy ghép cho bệnh nhân.

Các tổ chức phi chính phủ theo dõi về nhân quyền ở Trung Quốc luôn thận trọng trên chủ đề này, vì đây là vấn đề rất khó điều tra. Joshua Rosenzweig, chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức Amnesty International cho biết: “Ân Xá Quốc Tế từ lâu đã nêu bật vấn đề minh bạch trong ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, với lịch sử lâu đời là sử dụng nội tạng của tù nhân, đặc biệt là tử tù… Thế nhưng những tuyên bố chính thức của chính quyền rất khó được kiểm chứng.”

Việc Trung Quốc giữ bí mật về số vụ hành quyết được thực hiện trong nước – các vụ hành quyết được các tổ chức phi chính phủ ước tính khoảng một nghìn mỗi năm, dựa trên dữ liệu tư pháp công khai – đang nuôi dưỡng các giả thuyết.

Đã xuất hiện những nghi ngờ về việc lấy nội tạng từ các thành viên bị giam cầm của Pháp Luân Công, phong trào tôn giáo bị cấm ở Trung Quốc, mà các nhóm bảo vệ  phong trào ở phương Tây đã nêu lên từ mấy năm qua. Tương tự như vậy, quy mô của chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, bị giam cầm hàng loạt trong các trại tạm giam và trong các nhà tù, làm dấy lên lo ngại rằng các thành viên của nhóm dân tộc này bị lấy nội tạng.

Cho dù vẫn không có gì chắc chắn, nhưng cần tăng cường cảnh giác, theo 60 nghị sĩ Pháp. Vào ngày 15 tháng 9, các vị dân biểu này đã đệ trình một dự luật nhằm đạt được sự minh bạch hơn trong hợp tác khoa học giữa các cơ sở của Pháp và Trung Quốc

Bản giải thích lý do của dự luật nhắc lại sự tương phản giữa Pháp và Trung Quốc về việc hiến tạng. Sự thiếu hụt hiện có ở Pháp và thời gian chờ đợi trung bình (ba năm) đã khiến cho từ 15% đến 30% bệnh nhân chết trước khi họ có thể được cấy ghép.

Ở Trung Quốc, ngược lại, cấy ghép nội tạng là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận rất cao. Thời gian chờ đợi trung bình được cho là chỉ 12 ngày cho một ca cấy ghép, tại “một trong 146 bệnh viện được Bộ Y Tế Trung Quốc chứng nhận có khả năng thực hiện ca cấy ghép”. Do đó, đã nẩy sinh nhiều nghi ngờ về nguồn gốc của nội tạng được hiến và sự đồng ý thực sự của người tặng.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201130-ph%C3%A1p-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-macron-trong-th%E1%BA%BF-k%E1%BA%B9t-c%E1%BB%A7a-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-an-ninh

Tin tổng hợp

(AFP) – Chủ tịch Cuba lên án chính quyền Donald Trump đánh phá cách mạng. 

Tuyên bố với hàng trăm đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Cuba trong cuộc mít-tinh hôm 29/11/2020, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho rằng sư kiện một nhóm nghệ sĩ thuộc phong trào San Isidro cố thủ trong một ngôi nhà đòi quyền tự do phát biểu trong suốt 10 ngày cho đến khi bị an ninh giải tán là nỗ lực sau cùng của chính quyền Donald Trump “đánh phá cách mạng”. Bị các tổ chức phi chính phủ lên án chà đạp nhân quyền, chính quyền La Habana hôm qua đã huy động Đoàn Thanh Niên Cộng Sản xuống đường phản công.

(RFI) – Bầu cử địa phương ở Brazil: Tổng thống Bolsonaro thừa nhận thất bại.

 Kết quả bầu cử vòng hai diễn ra ngày 29/11/2020 cho thấy phe trung hữu đã thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu được cho là trắc nghiệm đối với tổng thống Jair Bolsonaro. Các ứng viên được ông ủng hộ phần đông đã bị đánh bại.

(Reuters) – Một nhà máy lọc dầu của Irak trúng hai tên lửa của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. 

Cơ sở lọc dầu bị trúng tên lửa hôm qua 29/11/2020 là Sinya, có khả năng khai thác 30.000 thùng dầu/ngày. Daech đã ra thông cáo nhận trách nhiệm về vụ oanh kích. Theo nhà chức trách Irak, không có ai bị thương.

(AFP) – Tại Úc, các vụ cháy rừng khủng khiếp đã thiêu rụi 74.000 ha – 40% diện tích rừng ở Fraser Island. 

Đây là 1 hòn đảo được xếp hạng di sản thế giới. Lực lượng cứu hỏa Úc đang nỗ lực khống chế các đám cháy hoành hành suốt 6 tháng qua. Nhiệt độ cao và thời tiết khô hạn không phải là thách thức duy nhất cho lính cứu hỏa, các khu vực phía bắc hòn đảo rất khó tiếp cận để họ triển khai hoạt động.

(AFP) – Nga : Tập đoàn dầu khí Gazprom thất thu 2,7 tỷ euro trong quý III.

Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga hôm nay, 30/11/2020 thông báo đang trong tình trạng báo động đỏ. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu và giá dầu khí tụt giảm mạnh.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201130-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 30/11:

FBI có động thái điều tra gian lận bầu cử Mỹ; Ông Biden bị thương khi chơi với chó

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới ngày thứ Hai (30/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Bầu cử Mỹ năm 2020 có thể trở thành ‘vụ trộm tổng thống lớn nhất’ kể từ năm 1824. Đó là nhận định của cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich. Theo ông, những dữ liệu bất thường ngày càng được phát hiện nhiều hơn cho thấy điều đó. Ông thúc giục cơ quan lập pháp của các tiểu bang cần kiểm phiếu lại. Cựu dân biểu đã dẫn một bài viết của Basham liệt kê mười “điểm đặc biệt” thiếu “lời giải thích thuyết phục”, sau đó nói rằng “Basham nói rõ rằng cuộc bầu cử gần như chắc chắn đã bị đánh cắp ở 5 bang. Mọi người Mỹ nên lo lắng về hành vi trộm cắp” [Breitbart].

FBI có động thái điều tra gian lận bầu cử Mỹ. Một nhà nghiên cứu và cũng là một thành viên trong chiến dịch của Tổng thống Trump 2016, ông Braynard, cho biết FBI đã tiếp xúc ông để tìm hiểu các bằng chứng gian lận phiếu bầu trong kỳ bầu cử năm nay. Ông cho biết sẽ gửi toàn bộ dữ liệu mà ông có cho cơ quan này vào thứ Ba (1/12) [Epoch Times].

Ông Biden bị thương khi chơi với chó. Ứng viên Dân chủ đã bị trẹo mắt cá chân khi đang chơi đùa với chú chó của mình vào hôm Chủ nhật (29/11). Chiến dịch của “Tổng thống truyền thông” cho biết để tránh các rủi ro ông Biden sẽ được các bác sĩ kiểm tra vết thương vào chiều Chủ nhật. Nhóm của ông Biden đã tìm cách cản trở các phóng viên tìm hiểu về sự việc này [Epoch Times].

Thống đốc thuộc Đảng Dân chủ ca ngợi chính quyền Trump. Thống đốc bang New Jersey, ông Phil Murphy, đã ca ngợi những nỗ lực của nội các Trump vì đã thúc đẩy việc nghiên cứu để sớm có vắc xin Covid. Xuất hiện vào sáng Chủ nhật trên “Fox News Sunday”, ông Murphy đồng ý với khách mời Bret Baier rằng Chiến dịch Warp Speed tìm kiếm vắc xin phòng chống viêm phổi Vũ Hán của Tổng thống Trump xứng đáng được ghi nhận công [Daily Caller].

Campuchia lần đầu phát hiện ổ dịch Covid trong cộng đồng. Tổng giám đốc các trại giam Chhem Savuth cùng 5 thành viên gia đình đã được xác định nhiễm viêm phổi Vũ Hán, khiến gia đình ông trở thành cụm dịch đầu tiên trong cộng đồng tại Campuchia. Ông Chhem Savuth đã tiếp xúc với nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Hun Sen, trong đó có ít nhất hai thứ trưởng, bộ trưởng tư pháp cùng một số quan chức cảnh sát [Khmertimeskh].

Ông Trump lần đầu trả lời phỏng vấn sau bầu cử. Hôm 29/11, Tổng thống Trump đã tham gia chương trình “Sunday Morning Futures” của kênh truyền hình Fox News. Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump chỉ trích quyết định của thẩm phán trong các vụ kiện gian lận bầu cử mà nhóm của ông đang tiến hành. Tổng thống Mỹ cho biết tòa địa phương đã không cho nhóm của ông đưa ra bằng chứng lấy lý do rằng vì không hợp lệ, vì thế nhóm của ông sẽ theo đuổi vụ kiện lớn hơn [Fox News].

Bà Powell yêu cầu hủy xác nhận kết quả bầu cử tại Georgia. Nữ luật sư đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho các quan chức của tiểu bang Georgia phải hủy chứng nhận kết quả bầu cử và bảo vệ dữ liệu pháp lý trên các máy bỏ phiếu trong lúc luật sư khiếu nại về tính xác thực của cuộc bầu cử tại tiểu bang này [Epoch Times].

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có chuyến thăm bất ngờ tới Somalia. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller đã thực hiện việc này vào thứ Sáu (27/11). Người phát ngôn Ngũ Giác Đài Anton Semelroth cho biết, từ căn cứ Djibouti, ông Miller đã bay tới Somalia để bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sự ủng hộ đối với những người lính Mỹ đang công tác tại Mogadishu – thủ đô và thành phố lớn nhất Somalia [Epoch Times].

Người biểu tình Thái Lan phản đối nhà vua kiểm soát quân đội. Ngoài điều này, trong cuộc tuần hành Hôm Chủ nhật (29/11) họ còn cáo buộc chế độ quân chủ Thái Lan tạo điều kiện cho quân đội thống trị đất nước trong nhiều thập kỷ. Các cuộc biểu tình ở Thái Lan đã kéo dài kể từ tháng 7, đưa ra 3 yêu sách chính bao gồm Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phải từ chức, cần thay đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ của Vua Maha Vajiralongkorn [Reuters].

Canada điều tra công ty Trung Quốc mua mỏ vàng ở Bắc Cực. Chính phủ Canada sẽ rà soát lại thương vụ công ty Trung Quốc mua lại mỏ vàng ở khu vực chiến lược của nước này ở Bắc Cực. Công ty khai thác vàng Sơn Đông, thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc phải chờ thêm 45 ngày để biết họ có thể mua lại công ty TMAC Resources, đơn vị khai thác vàng ở Canada hay không. Công ty Sơn Đông đã chi 165 triệu USD để mua lại dự án khai thác vàng của TMAC ở vịnh Hope [SCMP].

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-30-11-fbi-co-dong-thai-dieu-tra-gian-lan-bau-cu-my-ong-biden-bi-thuong-khi-choi-voi-cho.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn