Úc yêu cầu Trung Quốc xin lỗi vì đăng hình ảnh giả mạo ‘kinh tởm'
0 tháng 11 2020, 13:13 +07
Úc đã yêu cầu Trung Quốc xin lỗi về việc đăng một bức ảnh giả mạo trên tài khoản Twitter của chính phủ, mô tả hình ảnh một binh sĩ Úc sát hại một trẻ em Afghanistan.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Scott Morrison nói rằng Bắc Kinh nên cảm thấy "cực kỳ xấu hổ" vì đã chia sẻ hình ảnh "kinh tởm".
Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nước đang leo thang.
Hình ảnh này bóng gió về tội ác chiến tranh của một số binh sĩ Úc.
Cảnh báo: Câu chuyện có chứa hình ảnh gây tổn thương.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng một tấm ảnh đã được chỉnh sửa có nội dung thể hiện một người lính Úc với con dao đẫm máu bên cạnh một đứa trẻ. Đứa bé đang ôm một con cừu.
Đài ABC của Úc đưa tin rằng hình ảnh này dường như ám chỉ đến những tin đồn vô căn cứ về việc những người lính tinh nhuệ của Úc đã dùng dao để sát hại hai thiếu niên Afghanistan. Tuy nhiên, cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào củng cố tin đồn này.
Dòng tweet viết: "Sốc trước việc binh lính Úc sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi cực lực lên án những hành vi như vậy và kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm."
Úc cũng đã yêu cầu Twitter xóa bài đăng khỏi nền tảng này, mô tả đó là "thông tin xuyên tạc".
Ông Morrison mô tả bài đăng trên là "thực sự kinh tởm, xúc phạm sâu sắc, cực kỳ vô nhân đạo".
"Chính phủ Trung Quốc nên cảm thấy vô cùng nhục nhã về bài đăng này. Điều đó hạ thấp họ trong mắt cộng đồng quốc tế" ông nói.
"Đó là một hình ảnh giả mạo và là sự sỉ nhục khủng khiếp đối với lực lượng quốc phòng của chúng ta."
Ông nói thêm rằng Úc đã thiết lập một quy trình minh bạch để điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh, như là một quốc gia "dân chủ, tự do" được mong đợi.
Đấu khẩu leo thang
Ông Morrison tiếp tục bằng việc thừa nhận rằng có những căng thẳng "chắc chắn" giữa hai nước, nhưng nói: "Đây không phải là cách đối phó với việc này."
Ông cảnh báo Bắc Kinh rằng các quốc gia khác trên thế giới đang dõi theo các hành động của họ đối với Úc.
Quan hệ song phương đã nhanh chóng xấu đi trong năm nay sau khi Úc dẫn đầu cuộc kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch virus corona, và cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra về cáo buộc việc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề của Úc.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã áp đặt một loạt đòn kinh tế - bao gồm thuế và cấm vận các hoạt động kinh doanh - đối với khoảng một chục mặt hàng nhập khẩu từ Úc bao gồm rượu vang, lúa mạch và thịt bò.
Úc đã mô tả hành động của Trung Quốc là "áp bức kinh tế".
Đây là điểm thất mới nhất trong mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa hai đối tác thương mại lớn này.
Tuần trước, ông Triệu Lập Kiên nói rằng bản báo cáo tội ác chiến tranh đã "phơi bày hoàn toàn sự đạo đức giả về nhân quyền và tự do mà các nước phương Tây luôn hô hào".
Nhưng dòng tweet của ông Triệu đã gây chấn động cho Scott Morrison, khiến ông không còn dùng ngoại giao nữa. Vị thủ tướng cho rằng chính phủ Trung Quốc nên "nhục nhã" về bài đăng này và mô tả đây là một "kinh tởm và sự sỉ nhục khủng khiếp".
Đây là dấu hiệu khác cho thấy mọi thứ đã trở nên tồi tệ như thế nào giữa Canberra và Bắc Kinh, ngay lúc quan hệ đang hai nước cực kỳ căng thẳng và các nhà xuất khẩu của Úc đang lo sốt vó về những mức thuế quan khác mà họ sẽ chịu từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Thủ tướng thừa nhận rằng giữa hai nước có những vấn đề nhưng dòng tweet này, ông nói, đã đi quá xa.
Đầu tháng này, đại sứ quán Trung Quốc tại Úc đã lưu hành một danh sách đến các phương tiện truyền thông địa phương, nêu rõ 14 chính sách trên lĩnh vực mà họ cho rằng Úc đã hành động theo hướng làm trầm trọng thêm quan hệ đôi bên.
Những điều này bao gồm quyết định của Úc ngăn các dự án đầu tư của Trung Quốc, cấm công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia đấu thầu 5G và "sự can thiệp vô cớ liên tiếp vào các vấn đề Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan của Trung Quốc".
Úc cho biết họ sẽ không thay đổi quan điểm chính sách của mình.
Hôm thứ Hai, ông Morrison xác nhận rằng yêu cầu của Australia về các cuộc gặp với các bộ trưởng cấp cao của Trung Quốc tiếp tục bị cự tuyệt.
Nhận xét
Đăng nhận xét