Các giải pháp ứng phó với Trung Quốc tại Biển Đông

 Giang Nguyễn

2021-07-30

Các giải pháp ứng phó với Trung Quốc tại Biển ĐôngBộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin là viên chức cao cấp đầu tiên của nội các Tổng thống Joe Biden đến thăm Đông Nam Á.
 TR / Vietnam News Agency / AFP

“Lực lượng thống nhất”

Tại Hội thảo về Biến Đông lần thứ 11 do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế & Chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington DC, tổ chức hôm 30 tháng 7, diễn giả chính, Dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ Elaine Luria (đại diện tiểu bang Virginia, Đảng Dân Chủ) nhận định:

“Nếu chúng ta cho thấy rằng Hoa Kỳ cùng với tất cả các đồng minh trong khu vực là một lực lượng thống nhất thì tôi nghĩ điều này có thể tạo áp lực khiến Trung Quốc cảm thấy rằng giải pháp ngồi vào bàn tham gia đàm phán tốt hơn là các hành động hung hăng và xây dựng căn cứ quân sự”.

Dân biểu Luria là Phó chủ tịch Ủy ban Hạ Viện về Dịch vụ Vũ trang và là cựu chiến binh Hải quân từng phục vụ nhiều năm tại Thái Bình Dương. Quốc hội Hoa Kỳ đang trong quá trình lập ngân sách cho năm tài chính 2022. Một trong những câu hỏi các dân biểu, thượng nghị sĩ đang cân nhắc là ngân sách dành cho Hải quân Hoa Kỳ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn lướt là mối quan tâm hàng đầu.

Dân biểu Luria cho biết Hải quân Trung Quốc hiện có khoảng 360 tàu và có kế hoạch tăng con số này lên 425 cho đến cuối thập niên này, trong khi Hải quân Hoa Kỳ hiện có 297 tàu. Theo bà, điều này và các hành động trong khu vực cho thấy Trung Quốc mới là kẻ quân sự hóa Biển Đông, không phải là Hoa kỳ như lập luận của Bắc Kinh thường nêu ra.

“Răn đe tích hợp”

Dân biểu Luria và các diễn giả nhắc nhiều đến khái niệm “răn đe tích hợp”, một khái niệm đã được Bộ trưởng BỘ QUỐC PHÒNG HOA KỲ Lloyd Austin đề cao khi nói đến nhu cầu hợp tác giữa các đồng mình, cũng như phối hợp giữa các bộ chỉ huy và khả năng của Hoa Kỳ.

Bà Luria bày tỏ mong muốn thấy Hoa Kỳ có một lực lượng răn đe thường trực tại khu vực. Bà giải thích:

“Một lực lượng răn đe và một lực lượng cơ động có thể hình thành một vòng cung lớn, bao vây toàn bộ khu vực từ Djibouti đến Diego Garcia đến Singapore, Guam và Nhật Bản và trải rộng trên một khu vực rộng lớn hơn nữa. Lực lượng răn đe là lực lượng luôn hiện diện tại khu vực, trong khi lực lượng cơ động thì độc lập và có khả năng di động khắp thế giới và sẽ bao gồm các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ nhằm có thể đáp ứng khi cần thiết và ở nơi cần thiết”.

Giáo sư Zack Cooper, nhà nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), đồng quan điểm với dân biểu Luria. Ông lập luận rằng Hoa Kỳ phải duy trì sự hiện diện thường trực để vừa răn đe đối với Trung Quốc, vừa cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ đối với các đối tác và đồng minh. Hiển nhiên, ông nói, sự hiện diện này bao gồm khu vực Đông Nam Á, chứ không chỉ ở Okinawa, Guam hay Diego Garcia, những nơi mà Mỹ có căn cứ.

“Hoa Kỳ có cam kết hiệp ước với Philippines và chúng ta đã làm rõ rằng hiệp ước đó có hiệu lực tại Biển Đông. Rất có thể một sự cố xảy ra ở đây sẽ cần dùng đến hiệp ước đó. Câu hỏi được đặt ra, do các hành động bất nhất của chính quyền Duterte trong thời gian qua, là liệu Hoa Kỳ thực sự có thể thực hiện được cam kết đó hay không. Vì vậy quan điểm cá nhân của tôi là điều mà Hoa Kỳ cần nhất trong khu vực là những cơ sở mà quân sự Mỹ có thể tiếp cận. Chúng ta cần khả năng vận hành các lực lượng trong khu vực, không chỉ thỉnh thoảng ở một vài nơi”.

Giáo sự Zack Cooper ghi nhận rằng Biển Đông ít được nhắc đến hơn trong thời gian qua so với vài năm trước, một phần vì các bên hầu như đã chấp nhận hiện trạng tại đây.

Tuy nhiên, diễn giả thứ ba, Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương, Phó viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định rằng hiện trạng do Trung Quốc tạo ra là bất hợp pháp và theo ông, Biển Đông phải là trọng tâm của một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành công của Hoa Kỳ.

2018-04-13T022729Z_1129634530_RC122B397340_RTRMADP_3_CHINA-MILITARY-XI.JPG
Tàu chiến và máy bay chiến đấu của Hải quân Trung Quốc trong một lần diễn tập ở Biển Đông vào ngày 12/4/2018. Reuters

Công cụ pháp lý

Tiến sĩ Dương đánh giá sự việc Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cách đây năm năm là một hành động ‘dũng cảm’. Về khả năng Việt Nam áp dụng công cụ pháp lý tương tự, ông khẳng định:

Chính phủ Việt Nam không bao giờ nói rằng chúng tôi từ bỏ công cụ pháp lý này. Cho đến nay chúng ta để nó như một giải pháp tùy thuộc vào tình hình ở Biển Đông. Tôi tin rằng quyến lợi hàng hải của chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc”.

Kết thúc hội thảo, giáo sự Cooper nói, trong thời gian trước mặt, sẽ phải chờ đợi xem liệu chính quyền Biden sẽ dành nguồn lực và ngân sách để thực hiện chiến lược răn đe và củng cố quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực như thế nào.

Hội thảo vừa nói diễn ra vào khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, viên chức cao cấp đầu tiên của nội các Tổng thống Joe Biden vừa có chuyến thăm Đông Nam Á. Chuyến công du ba quốc gia trong khu vực gồm Singapore, Philippines và Việt Nam, được các chuyên gia đánh giá cao trước thái độ bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông lâu nay. Đặc biệt các nhà phân tích ghi nhận trong ngày cuối của chuyến công du, hai Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Philippines đã tuyên bố duy trì Hiệp Ước về các Lực Lượng Thăm Viếng (VFA), cho phép Mỹ tiếp tục duy trì quân tại Philippines và tiếp cận các căn cứ tại đây.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?