Olympic, truyền thông và sự khen chê đoàn Việt Nam
- Phan Ngọc
- Gửi cho BBC từ TP.HCM
Olympic Tokyo dù còn một tuần nữa mới bế mạc nhưng gần như đã khép lại với đoàn Việt Nam khi những niềm hy vọng lớn nhất đều sớm dừng cuộc chơi.
Việc đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương tại Olympic năm nay là điều không quá bất ngờ, nhưng bên cạnh đó, có những diễn biến bên lề lại ít ai có thể lường trước được - như phản ứng gay gắt của một bộ phận giới truyền thông trước thành tích của các VĐV.
Truyền thông thiếu tôn trọng VĐV?
"Ánh Viên về bét ở nội dung 800m tự do" - đó là dòng tít của tờ VNExpress sau khi Ánh Viên hoàn thành phần thi của mình ở cự ly 800m tự do nữ, qua đó khép lại hành trình của mình tại Olympic Tokyo 2020.
Đúng là thành tích của Ánh Viên xếp cuối cùng trong số các VĐV tham dự nội dung trên, nhưng rõ ràng tác giả có rất nhiều lựa chọn tốt hơn cụm từ "về bét" như "về cuối" hoặc chọn một dòng tít nhẹ nhàng, tránh đề cập thành tích cụ thể và vẫn hoàn toàn có thể khái quát nội dung muốn truyền tải một cách khách quan nhất.
"Vào bán kết 400m rào đầy kịch tính, Quách Thị Lan làm nên lịch sử" - đó là dòng tít được đăng tải sáng 31/7 trên báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Ở nội dung 400m rào nữ, Quách Thị Lan về thứ 5 ở lượt chạy của mình, sau đó VĐV về thứ 4 bị loại do phạm luật, Quách Thị Lan nhờ vậy được đôn lên thứ 4 và giành vé đi tiếp vào loạt chạy bán kết.
Thành tích của Quách Thị Lan là rất đáng khích lệ nhưng nó đã đến tầm để được gọi là "lịch sử" như cách trang VOV chạy tít?
Hai dòng tít - một của VNExpress, một của VOV - chính là điển hình cho cách truyền thông khai thác thông tin về các VĐV Việt Nam suốt nhiều năm qua chứ không chỉ ở riêng kỳ Olympic này: khi thì sẵn sàng tâng bốc, phóng đại thành tích của VĐV lên, lúc lại sẵn sàng sử dụng những từ ngữ mang tính chì chiết, chỉ trích hay nói cách khác là "dìm" VĐV xuống khi họ thất bại.
Có thể mục đích chính của người làm truyền thông chỉ là tương tác, nhưng người đọc, người xem thì khác, nếu không theo dõi sâu sát hành trình của VĐV (phần đông nằm trong trường hợp này), họ hoàn toàn có thể bị định hướng theo quan điểm của truyền thông, từ đó có những góc nhìn lệch lạc về VĐV.
Không nói đâu xa, một thực trạng đáng buồn là bên dưới những chủ đề bàn luận về thành tích của các VĐV Việt Nam tại Olympic Tokyo, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều những lời chỉ trích, gièm pha hay thậm chí "xét lại" VĐV.
"Tiến Minh chỉ gặp thời", "Ánh Viên được đầu tư bao nhiêu tiền của mà thành tích vẫn không đi lên" hay "HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh chỉ là ăn may" - những quan điểm phổ biến như trên chính là hệ quả từ cách khai thác thông tin chỉ chăm chăm vào mục đích tăng tương tác của truyền thông.
Thiết nghĩ, thất bại với mỗi VĐV tự nó đã vô cùng cay đắng nên truyền thông và dư luận nếu không chia sẻ được thì đừng nên xoáy sâu thêm, một lẽ nữa, ngoài bóng đá nam, chắc chắn phần đông chúng ta ngày thường chẳng thiết tha gì với các môn thể thao khác, vậy đã không đồng hành cùng những Ánh Viên, Tiến Minh, Hoàng Xuân Vinh suốt hành trình của họ thì chúng ta lấy cớ gì chỉ trích, chì chiết họ khi thất bại?
Bài toán với thể thao Việt Nam
Quay trở lại thành tích của đoàn Việt Nam tại Olympic Tokyo, đây là kỳ Olympic đầu tiên kể từ Athens 2004, chúng ta rời đại hội mà không giành bất cứ huy chương nào.
Dù vậy, thực tế điều đáng lo ngại nhất với thể thao Việt Nam sau kỳ Olympic trên đất Nhật Bản không phải về mặt thành tích mà là việc đây chắc chắn là kỳ Olympic cuối cùng của Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến Minh hay cả Thạch Kim Tuấn.
Nhìn vào lứa kế cận, ngoài Nguyễn Huy Hoàng môn bơi, phần còn lại gần như là "vùng trắng" khi chúng ta chưa thể tìm ra những cái tên xứng tầm để thay thế.
Ngành thể thao sẽ phải đối mặt với một bài toán khó từ hệ quả của kỳ Oympics Tokyo năm nay: bài toán về sự lựa chọn hướng phát triển trong những năm tới.
Nhiều năm qua, ngành thể thao luôn kiên trì với chính sách đầu tư trọng điểm, tức là ở một số môn trọng điểm, chúng ta sẽ tìm ra một số cá nhân trọng điểm để tập trung đầu tư, hay nói theo cách dân gian là tìm và nuôi "gà chọi".
Tuy nhiên, thành tích của Ánh Viên - VĐV tiêu biểu cho chính sách trên - cho thấy chính sách này không hẳn là còn phù hợp nữa.
Siobhan Haughey - VĐV bơi lội người Hồng Kông - vừa làm nên lịch sử cho thể thao nước này khi giành liên tiếp hai huy chương bạc ở các nội dung 100m và 200m tự do.
Siobhan Haughey từng giành huy chương bạc nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ tại Olympic trẻ 2014, người giành huy chương vàng khi ấy chính là Ánh Viên.
Sau giải đấu này, cả hai đều được ngành thể thao hai nước cho đi tập huấn dài hạn ở Mỹ, tuy nhiên, nếu Siobhan Haughey được tạo điều kiện trở thành sinh viên và đầu quân cho đội bơi của trường tham dự hệ thống NCAA vốn là cái nôi đào tạo những VĐV hàng đầu trên khắp nước Mỹ, thì chương trình tập huấn cụ thể của Ánh Viên trên đất Mỹ ra sao nhiều năm qua vẫn không rõ ràng, thậm chí có một số phóng viên thạo tin nói rằng thực chất Ánh Viên chỉ tập ở Mỹ theo đúng nghĩa đen, còn bài tập, chương trình huấn luyện hoàn toàn được thiết kế bởi HLV Đặng Anh Tuấn.
Câu chuyện chứng minh rằng ngay cả khi chúng ta tập trung đầu tư trọng điểm cho VĐV với mục tiêu giành huy chương Olympic thì nhiều nước khác cũng sẵn sàng làm như vậy và họ rõ ràng còn làm tốt hơn với tiềm lực vượt trội.
Vậy không đầu tư trọng điểm nữa thì ngành thể thao còn phương án nào ? Đó là đầu tư một cách căn cơ, mở rộng cơ hội cho tất cả, hướng đến một nền thể thao phát triển bền vững.
Cái khó của phương án này là ngành thể thao sẽ phải gác lại câu chuyện thành tích trong một khoảng thời gian nhất định, điều có vẻ khó với tư duy lãnh đạo cũng như đặc thù văn hóa, xã hội của Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét