Hạnh phúc là gì?
VOA blog - Phạm Phú Khải
29/7/2021
Bí quyết của hạnh phúc là lòng tự trọng, tinh thần lạc quan, tư duy hướng ngoại, và khả năng kiểm soát mục đích cuộc sống. Hình minh họa.
Đại dịch Covid-19 có lẽ là một trong những thử thách lớn nhất cho toàn nhân loại trong thế kỷ qua. Nhưng thử thách nào cũng thường mang lại cơ hội. Trong giai đoạn tạm thời, nó tốt cho môi trường thiên nhiên, kể cả không khí trong lành hơn, theo Medical News Today và National Geographic. Nhưng sau khi cuộc sống trở lại bình thường thì chưa hẳn.
Covid-19 cũng là cơ hội để tĩnh tâm, tu thiền. Dễ gì có được cơ hội thấy cuộc sống chậm hơn chút để suy nghĩ, thay vì chạy theo công việc và những ưu tiên không khi nào chấm dứt như trước thời đại dịch. Nghĩ về nhu cầu của con người, về nhân sinh quan “sinh, lão, bệnh, tử”.
Phải chăng nghĩ về hạnh phúc vào lúc này là điều vớ vẩn!
Hạnh phúc
Thời xưa, lẫn thời nay, hạnh phúc luôn là mục đích cao cả nhất để con người truy tìm. Vật chất đầy đủ, với bạc tỷ trong tay, có làm cho một người hạnh phúc miên viễn không? Có vợ đẹp, chồng tốt, con ngoan, có làm cho một người hạnh phúc miên viễn không?
Công thức hạnh phúc đã được đưa ra nhiều, thế nhưng nó vẫn chưa là lời giải cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, Hạnh phúc là Thực tế/Mong đợi. Mong đợi càng ít thì hạnh phúc càng nhiều. Một người cảm thấy hạnh phúc vì những gì mình nhận được hơn những gì mong đợi. Còn mong đợi nhiều mà không đạt được thì sẽ khó làm cho một người cảm thấy hạnh phúc. Công thức này có triết lý nhà Phật trong đây. Tham sân si gây ra bất hạnh, phiền não, khổ đau cho con người. Con người nên chấp nhận những gì mình có, nên “an nhiên, tự tại”, để dứt sạch mọi ưu tư phiền não.
Tuy triết lý thật hay, nó chỉ áp dụng, và hiệu nghiệm, cho một thiểu số người trên thế gian này. Bởi có mấy ai lĩnh hội được để rồi có thể thức tỉnh và giác ngộ, để tách mình ra khỏi giòng chảy của cuộc đời này? Họa may nếu tu thiền ở một nơi nào đó, tách rời hoàn toàn khỏi sự bon chen cuộc sống; hay như đóa hoa sen, sống ngay trong giòng đời mà có khả năng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”; hay sống trong một cộng đồng lý tưởng nào đó lấy chân thiện mỹ, lấy nhân bản, làm nền tảng để đối xử với nhau. Trong thời đại toàn cầu hóa và kỹ nghệ tin học, cách ly về vật lý/thể chất thì còn có thể, nhưng cách ly hoàn toàn với những biến chuyển xã hội trong tầm quốc gia và quốc tế, thì khó thể nào.
Một hai thế kỷ trước, phần lớn nhân loại vẫn thiếu ăn thiếu mặc. Nạn trộm cắp vì những thứ căn bản nhất như miếng cơm manh áo xảy ra thường xuyên ở mọi nơi. Chỉ mấy thập niên về trước, vật chất còn khó khăn, đặc biệt là tại Việt Nam. Khi túng thiếu, những gì mình có được, bằng chính sức lao động, hay một chén cơm, một chiếc áo len, do người khác ban tặng, đều được trân quý. Tôi còn nhớ mỗi năm Tết đến được ba mẹ cho tiền mua giầy/dép, mua một bộ đồ mới, thì lòng hân hoan vui sướng khó tả. Khi mình không có gì hết thì cái gì mình cũng quý. Còn thời nay, nhìn con cái bây giờ cái gì chúng cũng có. Áo quần thì cả chục, hay vài chục bộ. Giầy dép cũng thế. iPad, iPhone, Surface Pro v.v… đều có. Thế hệ lớn lên hôm nay chắc chẳng bao giờ biết đói là gì. Rốt cuộc, chẳng có cái gì chúng quý cả. Tuy có gần như tất cả những gì cần thiết trong thời đại nay, và tuy chưa bao giờ biết đói là gì, nhất là so với mấy thập niên trước, tôi không rõ con người có hạnh phúc hơn không. Nhìn các con các cháu của tôi, chúng rất dễ bị tổn thương vì một lời nói, một cử chỉ. Phải chăng sự tổn thương của con người tỷ lệ thuận với nền văn minh?
Trong thời đại dịch Covid-19, hạnh phúc càng là một món hàng quý hiếm. Những vấn đề liên quan của Covid-19 như công ăn việc làm, mua sắm, đi lại, v.v… và tình trạng bị phong tỏa nhiều lần, tạo ra nhiều bất định hơn trong cuộc sống. Cảm giác căng thẳng hay lo lắng do đại dịch gây ra chồng chất thành nhiều tầng. Con người khắp nơi dễ bị trầm cảm hơn nữa. Tại Anh, 1 trong 5 người lớn bị trầm cảm được ghi nhận vào tháng 6 năm 2020, tăng gấp hai so với trước đại dịch. Không chỉ người lớn, thanh biên và trẻ em, từ 5 đến 19 tuổi, trước khi đại dịch xảy ra, 1 trong 8 người được chẩn đoán là có tình trạng bệnh lý tâm thần. Hạnh phúc, vì thế, lại càng quan trọng hơn trong đời sống con người hôm nay.
Cũng vì tính xã hội trong con người - sự tương quan và tương tác giữa con người với nhau - nên dù bản chất/tính cách của chúng ta giống nhau đi nữa, môi trường khác sẽ làm cho chúng ta suy nghĩ và hành động khác.
Hạnh phúc là tương đối?
Nhiều người tin là vậy. Lập luận nghe rất hợp lý và xác đáng. Chẳng hạn, nếu một người tại Việt Nam làm ra được 20 đô la Mỹ một ngày, trong khi đại đa số những người chung quanh người đó chỉ làm được 5, 10 đô, thì người làm ra 20 đô hẳn sẽ hài lòng hơn, và cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng nếu làm việc ở một nơi khác, làm ra 100 đô la Mỹ một ngày, trong khi đại đa số người chung quanh làm ra 150, 200 đô la, hay hơn, thì cũng cùng một người đó sẽ không hài lòng. Rất có thể chính người này sẽ không cảm thấy hạnh phúc chút nào.
Giáo sư Ruut Veenhoven, người dầy công nghiên cứu về đề tài này, đã viết bài luận văn dài 28 trang có tên “Hạnh phúc có phải là tương đối?” (Is happiness relative?), đăng vào tháng 2 năm 1991 trên tạp chí Social Indicators Research. Veenhoven cho biết, quan niệm này đã được các triết gia thời cổ Hy Lạp công nhận, và nó đã được biện minh trong các lãnh vực kinh tế, chính trị học, xã hội học và tâm lý học trong các thập niên 1970s và 1980s.
Theo Veenhoven, lý thuyết này biện luận rằng hạnh phúc không phụ thuộc vào những gì tốt khách quan, mà là sự so sánh chủ quan. Lý thuyết “hạnh phúc là tương đối” dựa trên ba định đề:
(1) hạnh phúc là kết quả của sự so sánh, mà sự so sánh ít nhiều đến từ tâm trạng một người, bao gồm sự đánh giá dựa trên nhận định rằng cuộc sống nên là gì, và tiêu chuẩn của cá nhân người đánh giá như thế nào; (2) tiêu chuẩn so sánh điều chỉnh theo nhận định của một người về thực tế; chẳng hạn, nếu điều kiện sống thay đổi thì tiêu chuẩn cũng thay đổi, hay ngược lại; (3) tiêu chuẩn so sánh là những cấu trúc tùy ý, do bộ não của mỗi cá nhân tạo nên, không nhất thiết thích hợp với những yêu cầu thực tế của đời sống.
Trên cơ sở những định đề này, lý thuyết dự đoán rằng:
(a) hạnh phúc không phụ thuộc vào chất lượng thực sự của cuộc sống, (b) những thay đổi trong điều kiện sống theo hướng tốt hay xấu chỉ ảnh hưởng trong thời gian ngắn đến hạnh phúc, (c) con người hạnh phúc hơn sau thời gian khó khăn, (d) mọi người thường trung lập về cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, giáo sư Veenhoven cho rằng các định đề tuy không hoàn toàn sai hay thật, nó đều hơi quá đáng. Veenhoven biện luận rằng, đối với cảm giác hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc chỉ phụ thuộc một phần vào sự so sánh thôi. Một phần lớn khác, hạnh phúc phụ thuộc vào sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý sinh học bẩm sinh không điều chỉnh theo hoàn cảnh. Veenhoven kết luận mọi người không thể hạnh phúc trong cơn đói triền miên, nguy hiểm và cô lập, ngay cả khi họ chưa bao giờ biết đến điều gì tốt hơn và nếu những người hàng xóm của họ tồi tệ hơn. Cho nên đối với việc hạnh phúc phụ thuộc vào sự thỏa mãn nhu cầu, nó không phải là tương đối.
Phải chăng lập luận của Veenhoven mang chúng ta trở lại 50 năm trước bài này, Tầng Nhu cầu của Maslow (Maslow's Hierarchy of Needs), biện luận rằng nhu cầu căn bản tối thiểu của con người, trước tiên là nhu cầu sinh lý, như nước, thực phẩm, quần áo, nghỉ ngơi, trước khi đến nhu cầu về an toàn, an ninh v.v…
Hạnh phúc và đau khổ
Bạo hành gia đình, mà phụ nữ thường là nạn nhân (tuy đàn ông cũng là nạn nhân nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với phụ nữ), là vấn đề của con người từ xưa nay. Nhưng trong thời đại dịch, nó gia tăng đáng kể.
Theo Cục thống kê Úc (Australian Bureau of Statistics), 1 trong 6 phụ nữ (1.6 triệu) đã trải nghiệm bạo hành thể xác hoặc tình dục từ tuổi 15 trở lên, trong khi 1 trong 16 đàn ông bị (0.5 triệu). Trong thời kỳ khủng hoảng, như thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng. Theo bản khảo sát với 15 ngàn phụ nữ Úc thì có 5% tất cả phụ nữ, và 10% phụ nữ đang chung sống với người phối ngẫu, đã chịu đựng nạn bạo hành thể xác hoặc tình dục. Đại dịch Covid-19 đã làm cho năm 2020 là năm tồi tệ nhất về bạo hành gia đình tại Úc, theo các chuyên gia nhận định.
Tại châu Á, theo The Asia Foundation, bạo lực đối với phụ nữ là một trong những hình thức bạo lực chết người nhất, thế nhưng nó vẫn bị các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách coi thường.” Nghiên cứu cho biết, có những nơi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nữ kéo dài trong suốt cuộc đời.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những phụ nữ, hay bé gái, bị bạo hành nhưng vẫn tiếp tục chọn sống với người gây ra bạo lực? Câu trả lời là có rất nhiều lý do, mà chủ yếu vẫn là nỗi lo sợ. Trở ngại rất lớn là do những ràng buộc từ gia đình, xã hội, tôn giáo đến văn hóa. Nhưng nhu cầu đời sống là trở ngại thực tế khó vượt qua. Trong những xã hội mà coi thường nữ giới, nạn nhân bạo hành thường không có phương tiện, khả năng, vật chất, chỗ ở, v.v… để tự lo liệu cho mình. Họ không có bao nhiêu chọn lựa nếu bỏ đi. Có khi họ có cả bầy con nheo nhóc phải chăm lo. Sự phụ thuộc vào nhu cầu cuộc sống hàng ngày là trở ngại quá to lớn để họ vượt qua. Ở lại với một kẻ bạo hành thì có khi nhu cầu căn bản vẫn đáp ứng, còn bỏ đi thì mọi sự đều bấp bênh và bất định.
Dù bị bạo hành, nhưng so với người khác, vẫn bớt khổ hơn, dù là tương đối. Phải chăng đây là một an ủi, dù nguỵ biện hay đớn đau?
Hạnh phúc, và đau khổ, quả là hai mặt của cuộc sống, của con người trên thế gian này.
Hạnh phúc và tương lai
Không ai, dù có trúng số bạc triệu, dù có lên được không gian, dù có làm hoàng đế một cõi, có thể vui sướng hạnh phúc mãi với những thành tựu nhất thời.
Bởi hạnh phúc không phải là một giá trị, hay một cái gì đó, nhất định.
Viện Bảo tàng Hạnh phúc tại Anh viết như sau: “Hạnh phúc là hơn cảm giác tốt. Khi chúng ta thăng hoa, chúng ta đang tích cực tham gia với bản thân, với công việc, với thế giới và với những người khác. Cảm giác viên mãn ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng phục hồi của chúng ta, đồng thời mở rộng cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, hành động và kết nối.”
Đan Mạch, một trong các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất, đã xây dựng viện Bảo tàng Hạnh phúc đầu tiên trên thế giới, ra mắt vào ngày 14 tháng 7 năm 2020. Trong một tuyên bố, Viện Bảo tàng Hạnh phúc cho biết: “Tất cả chúng ta dường như đang tìm kiếm hạnh phúc - nhưng có lẽ chúng ta đang tìm kiếm sai chỗ. Chúng ta đã trở nên giàu có hơn với tính cách là xã hội nhưng thường thất bại trong việc trở nên hạnh phúc hơn. Vì vậy, Viện Nghiên cứu Hạnh phúc đã quyết định tạo ra một bảo tàng nơi chúng tôi có thể mang lại hạnh phúc cho cuộc sống”.
Theo báo cáo về chỉ số hạnh phúc toàn cầu dựa trên khảo sát năm 2020 thì Đan Mạch đứng thứ ba về hạnh phúc. Các nước Bắc Âu, nhất là Scandinavia, đứng đầu chỉ số hạnh phúc: Finland, Iceland, Denmark, Switzerland, Netherland, Sweden, Germany, Norway, New Zealand, Austria là 10 quốc gia đứng đầu bản; Úc thứ 12, Mỹ 14.
Đến viện Bảo tàng Hạnh phúc của Đan Mạch, người ta sẽ được biết thêm về tính địa lý, chính trị, não bộ/thần kinh, và lịch sử của hạnh phúc.
Giáo sư tâm lý David G. Myers cho rằng bí quyết của hạnh phúc là lòng tự trọng, tinh thần lạc quan, tư duy hướng ngoại, và khả năng kiểm soát mục đích cuộc sống; nó sẽ giúp cho một người tìm được hạnh phúc. Myers biện luận rằng, tuy hạnh phúc một phần phụ thuộc vào cá tính của một người, như tính cách hướng ngoại, ổn định về cảm xúc, cởi mở, dễ chịu và tận tâm, chúng ta có thể ảnh hưởng đến số phận của chính mình. Chúng ta vừa là những người sáng tạo vừa là những sinh vật trong thế giới xã hội của chúng ta. Chúng ta có thể là sản phẩm của quá khứ, nhưng chúng ta cũng là kiến trúc sư của tương lai. Tính cách của một người không phải được lập trình giống như màu sắc của mắt. Những khuynh hướng mà chúng ta mang theo khi bước vào thế giới để lại chỗ cho ảnh hưởng của cách nuôi dưỡng và cả những nỗ lực của chính chúng ta. Những gì chúng ta làm ngày hôm nay định hình thế giới của chúng ta và chính chúng ta ngày mai.
Nhận định này không làm cho tôi suy nghĩ đến hạnh phúc của mình. Tuy không có gì mới cả, nó lại làm tôi suy nghĩ miên man về tương lai của đất nước Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét