Covid: Đang chậm hơn Lào, Việt Nam cần đa dạng hóa cách tiêm vaccine để tăng tốc
- Nguyễn Giang
- bbcvietnamese.com
Một trong những thách thức lớn cho chính phủ Việt Nam và Quốc hội nhiệm kỳ này là làm sao đẩy nhanh chương trình tiêm chủng chống Covid.
So với Campuchia (63,33 liều trên 100 người), Lào (24,43/100) thì số người Việt Nam chính thức được tiêm quả là thấp: 4,53 liều/100 người, tính đến 22/07 (xem bảng cuối bài).
Theo Bộ Y tế thì tại TP.HCM, sau 6 ngày triển khai tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5, mới chỉ tiêm được 221.289 liều.
Trung bình tiêm khoảng 36.881 liều/ngày, mỗi điểm tiêm trung bình tiêm cho 59 người/ngày.
Tôi không có số liệu cho London (9 triệu dân) để so sánh với TP HCM, nhưng Anh Quốc trên cả nước đã có lúc đạt tốc độ tiêm 800 nghìn mũi một ngày, trên 67 triệu dân (tháng 5/2021).
Hiện nay ở England, vì đa số người lớn đã được tiêm nên con số giảm xuống 170 nghìn liều thứ nhì một ngày.
Hà Nội vừa công bố một số điểm tiêm.
Còn Vinh (Nghệ An) mới lập hai điểm tiêm ở hai trường tiểu học, quá ít cho dân số nửa triệu.
Những ví dụ này cho thấy chương trình tiêm chủng của Việt Nam còn quá chậm và thiếu động lực.
Tiêm nhanh hơn lây nhiễm
Cuộc chạy đua của Việt Nam cũng như các nước là làm sao đẩy số người được tiêm chủng hàng ngày tăng nhanh hơn số lây nhiễm Covid.
Đó là chiến lược duy nhất, cần đặt là ưu tiên số một cho cả nước, trên mọi vấn đề khác.
Về tổng thể, điểm sai đầu tiên là danh sách 16 hạng mục ưu tiên theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT.
Vì những quy định khác thường, chồng chéo về chức danh, nhu cầu thực tiễn trong danh sách 16 đối tượng ưu tiên theo khiến công tác tiêm chủng thiếu liền lạc, xuyên suốt.
Chẳng hạn, người có bệnh mãn tính và trên 65 tuổi xếp số 9/16, rất thấp, và ngược xu hướng của thế giới.
Một nhóm rất lạ là "chức sắc tôn giáo" (không hề có ở Âu Mỹ), xếp gần chót bảng (14).
Nhưng nếu như họ đi chống dịch, như TP HCM mời hơn 400 tu sĩ tham gia công tác này, thì sẽ được đẩy lên nhóm 2- những người tham gia chống dịch?
Lúc đó, hơn 400 ni cô, sơ, sư và linh mục cũng sẽ được tiêm, bất kể họ ở tuổi nào? Tiêm thế có phải "chen hàng" không?
Người nước ngoài sống ở Việt Nam nếu không thuộc các ngành nghề và nhóm dân cư Quyết định 3355 nêu trên thì họ được tiêm ở đâu?
Trang Facebook UK in Việt Nam sau khi đăng tin Anh tặng VN vaccine thì có người hỏi ngay 'Công dân Anh khi nào được tiêm ở Việt Nam?"
Mới nhất, 300 công dân Ba Lan ở TP HCM đăng công khai lời khẩn cầu để chính phủ gửi họ cho vài trăm liều vaccine mà Ba Lan có thừa, và "họ sẵn sàng trả tiền cho mọi chi phí vận chuyển, bảo quản".
Lý do là các công dân Ba Lan ở Việt Nam chưa thấy có cơ hội được tiêm vaccine, theo bài của Jakub Balinski trên trang của đài Tokfm.pl(29/07) .
Khác VN, trên thế giới chọn Nhóm lứa tuổi là tiêu chuẩn chính bất kể tư cách công dân để quản lý việc 'vaccine roll-out', vừa đơn giản, vừa tạo cảm giác "công bằng" bởi chẳng ai đổi được tuổi của mình.
Không phải chỉ Việt Nam mà Indonesia cũng bị phê phán khi "tiêm ưu tiên cho người 18-59 tuổi", với giải thích rằng đây là nhóm ở độ tuổi lao động.
Bị phê phán, Bộ Y tế Indonesia lại nói là vì thiếu thuốc, nhóm 18-59 được tiêm vaccine Sinopharm, và họ sẽ xem vaccine nào an toàn cho người trên 60 thì sẽ ưu tiên tiêm cho họ, theo Reuters.
Xét cho cùng vì tình hình khó khăn, thiếu vaccine, các nước nghèo đều phải cố xoay xở.
Việc Anh Quốc gửi 9 triệu liều vaccine cho các nước 'dễ bị tổn thương' gồm cả Indonesia và Việt Nam là tin mừng nhưng là thực tế thế giới đang coi các quốc gia này bị tụt hậu, cầm giúp gấp.
Danh sách 16 nhóm ưu tiên của Việt Nam tự nó đã không còn ý nghĩa, và không đáp ứng được nhu cầu nên cần chuyển dần sang tiêu chí mới, "tiêm chủng đại trà" ở bất đâu có thể được
Đây cũng là việc chính phủ Biden nêu ra cho dân Mỹ từ tháng 7/2021: "Ai trên 12 tuổi cũng đều được quyền tiêm ở tiểu bang của họ", theo New York Times (29/07).
Hoa Kỳ đạt con số 89,7% người trên 65 tuổi đã tiêm một liều, và 79,9% ở lứa tuổi này đã nhận hai liều nhưng vẫn phải thúc đẩu tiêm đại trà vì một số không nhỏ dân Mỹ phản đối tiêm vaccine (anti-vaxxer).
Đây chính là thách thức cho chính quyền Biden, như nhà dịch tễ học Lynn Goldman từ trường George Washington University nói trên kênh NPR gần đây.
Bà nêu ví dụ con số gần 200 người Mỹ tử vong tại bang Maryland "đều là những người không tiêm vaccine".
Cổ vũ cho tiêm đều, tiêm nhiều và tạo niềm tin vào vaccine
Những ngày qua, tuy thế việc triển khai tiêm ở Việt Nam đã có tăng tốc, và các nhóm cao niên cũng bắt đầu được mời đi.
Trả lời phỏng vấn của chương trình Outside Source trên kênh BBC tại Anh của biên tập viên Chris Ancil hôm 30/07, tôi khen ngợi chính phủ Việt Nam đã bám sát "lợi thế địa chính trị" để nhận vaccine từ Hoa Kỳ, Anh Quốc cho tiêm đại trà, và dùng vaccine TQ chỉ ở một số địa phương biên giới.
Cá nhân tôi nghĩ tiêm vaccine nào cũng tốt hơn là không, nhưng trong một xã hội còn nghi ngại nguồn vaccine Trung Quốc thì điều tốt cho kế hoạch chung là dùng các loại vaccine tạo được niềm tin.
Cũng trong tinh thần đó, làn sóng bêu riếu, thậm chí "tổng sỉ vả" một số công dân Việt Nam được tiêm "chen hàng" đã đi quá đà.
Đồng ý là một số điều vô lý trong danh sách tiêm chủng 16 đối tượng tạo cảm giác bất công, và con cái quan chức dễ "chen hàng".
Nhưng chúng ta cần thấy bức tranh chung là làm sao tiêm càng nhanh, càng nhiều, ai cũng được, để giảm đi nguy cơ lây nhiễm Covid, và cứu thêm mạng người.
Chuyện phạt tiền một cô gái tiêm chen hàng ở Hà Nội "để làm gương" thực ra không cần thiết, nhắc nhở là đủ.
Khi trên thế giới đang có nhiều triệu người ở Mỹ, Pháp, Đức, thế giới Hồi giáo chống vaccine, thì ví dụ "muốn được tiêm bằng mọi giá" ở VN là điều cần được đề cao, miễn là có cách giải thích hợp lý.
Ví dụ, một khi đã đem các lọ vaccine ra khỏi tủ đông âm độ thì sẽ phải được tiêm cho hết. Việc công nhận một số người được tiêm "ngoài danh sách, lứa tuổi ưu tiên" đôi khi là điều cần thiết.
Tại Anh, các điểm tiêm đại trà đều thông báo cho dân địa phương đến chiều là có cơ hội "tiêm ké" cho bất cứ ai ra xếp hàng, dù bạn thuộc nhóm lứa tuổi nào, để khỏi phí thuốc.
Tại một trường học gần nhà tôi, các giáo viên được cô chị của một đồng nghiệp làm bác sĩ trong bệnh viện Darenth Valley nhắn tin là "chạy ra nhanh chiều thứ Sáu" có vaccine dư, tiêm ngay.
Có điều bên Anh này họ công khai chuyện đó và ai cũng hiểu những lọ vaccine đã mở ra không thể đóng lại chuyển tới một vùng xa thiếu hàng.
Tóm lại, Anh phân bổ tiêm theo lứa tuổi cho đến khi các nhóm rủi ro cao đã tiêm xong thì gần như mở cửa tháo khoán cho tất cả công dân còn lại, ai chưa kịp tiêm theo giấy mời (qua tin nhắn điện thoại) theo lứa tuổi thì cứ tra trên mạng để tới một trong hàng trăm điểm tiêm quanh một khu dân cư.
Tình nguyện viên, trực thăng, và xe bus tiêm lưu động
Nhưng để làm được việc tiêm nhiều, tiêm nhanh như Anh Quốc và Hoa Kỳ, xin chia sẻ chuyện vận động vào cuộc hàng trăm nghìn tình nguyện viên.
Trang web của Bộ Y tế Anh nói rõ rằng họ mở trang tình nguyện giúp chiến dịch tiêm vaccine là làm theo nhiệm vụ của WHO muốn tiêm 2 tỷ liều cho người dân toàn cầu.
Ở Anh, chiến dịch này gọi là VaccinAid Appeal (xem trang web) đã thu hút 280 nghìn người ở Anh tham gia.
Không cần phải là nhân viên y tế hay sinh viên trường y, học viện y tá bạn mới tình nguyện tham gia được.
Vì việc tổ chức các điểm tiêm chủng cần đủ thứ: từ bố trí, hướng dẫn xe cộ vào bãi đỗ, đẩy xe lăn cho người già, người tàn tật, làm công việc giấy tờ, khuân vác các container đựng lọ vaccine.
Như hôm đi tiêm tại điểm gần nhà, tôi thấy chỉ có một bác sĩ trông coi chừng 7 phòng tiêm - ở một trường tiểu học - còn lại là y tá mặc áo xanh, và những người tình nguyện viên đeo băng trên vai áo.
Nhờ tình nguyện viên đông đảo, xứ Anh (England) đến tháng 7/2021 có 1.900 điểm tiêm vaccine.
Một số sân vận động như của đội bóng West Ham tại London cũng được chuyển thành điểm tiêm...trường học, bệnh xá, nhà văn hóa, nhà thờ, tiệm thuốc...cũng vào cuộc.
Khẩu hiệu của họ là "No need to book, just walk in" (Không cần đăng ký, cứ bước vào! - xem nguồn)
Quân đội Anh cũng vào cuộc lập ra 150 nhóm tiêm lưu động (mobile vaccination team- mỗi nhóm 10 người) trong chiến dịch gọi là Operation Delta Force, dùng cả trực thăng Chinook.
Theo các báo Anh, đây là cách họ học từ Quân đội Mỹ đã tham gia vào việc hậu cần của chương trình tiêm ở Hoa Kỳ.
Ngoài đội tiêm lưu động, các doanh trại quân đội Anh giúp lập điểm tiêm ở nơi họ đóng quân.
Ví dụ, đơn vị Royal Scots Dragoon lập ra một điểm ở Ravenscraig, Lanarkshire, tiêm 1000 mũi một ngày cho dân.
Ngành giao thông Anh còn đưa xe bus ra để lập thành điểm tiêm chủng.
Gọi là 'pop-up vaccination bus' để tới các khu dân cư...ngại tiêm nhằm tạo điều kiện tối đa cho họ không thể từ chối vaccine.
Việc triển khai vaccine ở Hoa Kỳ hiển nhiên cũng dựa vào cả con số đông đảo người tình nguyện.
Điều thú vị, và rất hay của Mỹ là kêu gọi cả người Mỹ sống ở nước ngoài tham gia chương trình tình nguyện này.
Họ có thể đăng ký, theo hướng dẫn ở trang này và khi về nước thì có thể nhanh chóng bắt tay vào việc giúp đẩy nhanh tiêm chủng.
Thời gian tình nguyện cho mọi người Mỹ đều rất linh hoạt: từ một tuần tới 24 tuần.
Việt Nam nên huy động, khuyến khích người dân giúp nhà nước
Tính khẩn cấp của việc chống đại dịch nay khiến nhà nước nên kêu gọi toàn dân giúp nhau, đưa các tổ chức khác cùng giúp nhà nước trong việc triển khai tiêm chủng.
Mở ra hoạt động tình nguyện, đưa quân đội tham gia chỉ là một trong nhiều cách mà tôi nêu ra ở trên.
Quân đội là để đánh giặc, thì Covid là kẻ thù nguy hiểm nhất hiện này còn gì nữa?
Các điểm chốt chặn ở nhiều đô thị tại sao không thể là nơi tiêm vaccine?
Ngoài ra, nhiều hội đoàn, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp...tùy từng mức độ đều có thể giúp cho công tác tiêm chủng khi mà mặt bằng, phòng ốc, nhân sự đã có đó, nay không làm gì.
Tóm lại cần bỏ quan niệm phải là người của ngành y tế mới có kỹ năng, độc quyền tiêm chủng.
Tâm lý của một số quan chức muốn bao cấp cả dịch bệnh, muốn tỏ ra là đang nắm tất cả dù làm không nổi sẽ chỉ gây thêm căng thẳng chung.
Ngược lại, công khai về tầm vóc của khủng hoảng, dựa vào toàn dân để chống dịch, như Anh, Mỹ đang làm chính là biện pháp đã được kiểm nghiệm để đưa VN thoái khỏi gọng kìm Covid.
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét