Làm thế nào để trở thành Olympians?
VOA blog - 30/07/2021
Cách đây 53 năm (vì Olympic 2020 bị hoãn lại một năm), tại Thế Vận Hội 1968 ở Mexico City, vận động viên Robert Beamon của Mỹ đã thực hiện một cú nhảy xa (long jump) đi vào lịch sử, 8.90 mét. Xa, gần như bay. Cho đến nay, hầu như mọi bộ môn thi đấu tại Thế Vận Hội đã được lập nên kỷ lục mới, ngoại trừ kỷ lục của Beamon.
Thật ra kỷ lục này đã bị Mike Powell, cũng người Mỹ, phá vào năm 1991 tại Tokyo, cách đây 30 năm, nhưng nó không thuộc kỷ lục của Olympic.
Một thời xem Carl Lewis chạy nhanh và nhảy xa, tôi không thể ngờ được khả năng vượt bực của con người, nhất là các kỷ lục tại các Thế Vận Hội. Cái mà không ngờ hơn là kỷ lục của Beamon, vẫn chưa ai phá được trong suốt 13 Thế Vận Hội qua.
Các nhà khoa học và tâm lý học đã liên tục nghiên cứu về các vận động viên Olympians. Họ không phải là siêu nhân, nhưng họ quả là phi thường. Để đạt được huy chương vàng, bạc hay đồng, của mọi bộ môn, những người vô địch này (Champions) phải là thiện xạ, ưu tú nhất trong thành phần ưu tú (the best of the best). Họ phải thắng những đồng đội trong cùng nước của mình, cũng là những người cực kỳ khỏe mạnh và tài năng, và phải thắng cả hàng trăm những người vô địch của các quốc gia khác. Sự thắng bại có khi chỉ chênh lệch nhau trong tích tắc, như trong bộ môn chạy ngắn, hay bơi lội, v.v… như 100 mét, hay 200 mét, chỉ là một hay vài phần trăm của một giây.
Tính chất cấu thành của một người vô địch là gì? Làm sao họ đạt được thành tích, kỷ lục phi thường đó? Có phải vì môi trường/nuôi dưỡng (nurture), hay thể/bản chất (nature), hay tâm lý (như chánh niệm)? Hay cả ba?
Đầu tiên, tất nhiên là sự rèn luyện. Không ai tự nhiên sinh ra mà trở thành vô địch. Trong mọi lĩnh vực đều vậy, từ khoa học, văn học, triết học, v.v… đến thể thao. Tất cả đều phải rèn luyện không ngừng. Rèn luyện đến mức độ nó đi vào tiềm thức, trở thành tự động. Trở thành đặc tính tự nhiên của họ. Theo một nghiên cứu chuyên ngành, thì đối với vận động viên thể thao chuyên nghiệp, họ phải dành nhiều thời gian cho ‘thực hành có chủ đích’ (deliberate practice, được định nghĩa là tham gia vào các hoạt động được tạo ra một cách cụ thể để cải thiện hiệu suất trong một lĩnh vực nào đó). Chỉ riêng đối với vận động viên bơi lội, trung bình họ phải bỏ ra 7.500 tiếng đồng hồ. Nếu mỗi ngày dành 4 tiếng thì mất 1875 ngày, tức hơn 5 năm trời liên tục, không có ngày nghỉ. Nếu 2 tiếng mỗi ngày thì mất 10 năm. Đó là chưa kể sự tập luyện khác, ngoài ‘thực hành có chủ đích’, cho từng bộ môn khác nhau và từng cá nhân khác nhau.
Tuy vậy, không phải ai cũng giống nhau. Có người chỉ dành hơn 3.000 tiếng thực hành có chủ đích mà vẫn đạt huy chương vàng. Điều đó, đối với những nhà nghiên cứu, có nghĩa là tập luyện chỉ là một phần để trở thành vận động viên ưu tú (elite athlete), để chiến thắng. Phần quan trọng khác phải đến từ chất tố cấu thành người đó, tức DNA của vận động viên đó. Theo tiến sĩ Zach Hambrick, nghiên cứu của trường đại học Sydney năm 2005, đã đưa đến kết luận quan trọng như sau.
“Không có nghi ngờ gì rằng các yếu tố môi trường như đào tạo và dinh dưỡng là điều cần thiết cho sự phát triển của một vận động viên ưu tú. Tuy nhiên, những yếu tố này một mình vẫn chưa đủ; hầu hết chúng ta không bao giờ có thể đạt được tính cách vận động viên ưu tú, cho dù chúng ta có tập luyện chăm chỉ. Cũng giống như khuynh hướng di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định tính nhạy cảm của một người đối với các bệnh đa yếu tố như tiểu đường và ung thư, thành tích thể thao ưu tú là một kiểu hình thức thể dục phức tạp được xác định chủ yếu bởi tiềm năng di truyền.”
Cũng theo Zach Hambrick, các nhà nghiên cứu tại Úc cho biết kết quả đột phá vào năm 2003 rằng ‘thể gen ACTN3 có liên quan đến thành tích thể thao ưu tú của con người’.
Tóm lại, theo nghiên cứu thì có bằng chứng chắc chắn rằng sự khác biệt về khả năng di truyền góp phần vào sự khác biệt trong thành công thể thao.
Tuy thế, sự tập luyện và gen thôi cũng chưa giải thích hoàn toàn vì sao những vận động viên có thể chất gần như nhau và tập luyện gần như nhau, nhưng vẫn có người thắng người thua, trong lúc thi đấu.
Yếu tố quan trọng, và mang tính quyết định, giữa các vận động viên ưu tú, là tâm lý. Trong tâm lý, yếu tố quyết định là chánh niệm/ý thức (mindfulness, self-awareness).
Nhà khoa học về nhận thức (cognitive scientist), tiến sĩ Sian Beilock, nhận định rằng tâm trạng (mindset) của một người, dù là vận động viên, hay bất cứ ai đang phải trình bày, thực hiện một việc gì đó trước công chúng, đặc biệt như trong thi đấu thể thao, mang tính quyết định. Beilock cho biết các nghiên cứu của bà, và người khác, về khoa học thần kinh, để tìm hiểu các bộ phận trong bộ não hoạt động ra sao, nhất là khi lo âu, căng thẳng, và nếu mang tâm lý chủ bại, thì tâm trạng đó ảnh hưởng ra sao lên kết quả sau cùng. Tâm trạng này quan trọng trong những giây phút quyết định, nhất là ngay trước hay trong khi thi đấu. Beilock cho rằng ‘Khi chúng ta lo sợ mất đi thứ mà chúng ta hằng mong đợi, thì nỗi sợ thất bại này có xu hướng khiến chúng ta có nhiều nguy cơ làm hư chuyện hơn.’
Trong bài Ted Talk năm 2017, Beilock trình bày nghiên cứu của mình và đi sâu vào đề tài ‘Tại sao chúng ta bị “ngột thở” khi bị áp lực - và cách tránh nó’. Theo Beilock thì khi chúng ta lo lắng quá, nó làm cho chúng ta quá tập trung, chú ý quá nhiều đến những gì chúng ta đang làm; khi lo lắng làm sao thực hiện tốt nhất, chúng ta thường cố gắng kiểm soát các khía cạnh của những gì chúng ta đang làm tốt nhất, trong khi lẽ ra nó nên để cho chế độ tự động trong người làm lấy. Những điều này nằm ngoài nhận thức có ý thức của mình, và kết quả là chúng ta làm hỏng chuyện.
Beilock cho rằng từ thể thao, đến học vấn, như toán học, chúng ta cần tập luyện kỹ càng và tốt nhất trong tình huống căng thẳng, áp lực, để bộ não dần dần làm quen với lo lắng. Nhờ tập luyện đến cùng, và khi hiểu ra được nguyên nhân của sự lo lắng, sợ hãi, và biết cách chế ngự nó, thì lúc vào thi đấu với tâm trạng bình tĩnh, bình an, kết quả sau cùng sẽ khác.
Nhưng tất cả chúng ta, kể cả những người phi thường như Olympians, đều là con người cả. Sông có khúc, người có lúc. Chánh niệm có nghĩa là thật sự hiểu biết cơ thể mình, tâm trạng mình. Nhưng ai cũng có nhược điểm. Nên cũng phải biết nói ‘Không’, biết từ chối. Naomi Osaka phải từ bỏ giải French Open, từ chối tham dự các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông mà khiến cô ấy lo lắng, chỉ vì cô muốn bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình. Gymnast Simone Biles, vận động viên thể dục tốt nhất mà Mỹ từng có, cách đây hai ngày đã quyết định rút lui trong trận quyết định, vì cô hiểu tâm trạng của mình không thể đưa đến kết quả tốt nhất mà cô mong muốn. Biles nói: “Tôi chỉ cảm thấy rằng nó sẽ tốt hơn một chút nếu ngồi xuống ghế sau, để làm việc về ý thức/chánh niệm của mình.” Nhận định của Biles được ủng hộ cũng nhiều, nhưng cũng có những người chê bai phê phán.
Tờ The New York Times cho biết Steve Magness, một huấn luyện viên cho các vận động viên Olympic và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản, “Real Toughness”, nhận định rằng thi đấu là tất cả về ý thức (performance is all about self-awareness). Magness nói: “Chúng ta có một quan niệm sai lầm cơ bản về ý nghĩa của sự cứng rắn. Nó không phải là cái nghiến răng của chúng ta để vượt qua mọi thứ; đó là có không gian để đưa ra lựa chọn đúng đắn bất chấp áp lực, căng thẳng và mệt mỏi.”
Nói chuyện trước công chúng, đi thi cử, tập luyện thể thao để thi đấu bất cứ nơi nào, kể cả Thế Vận Hội, hay tập luyện trong quân đội trước khi ra chiến trường, v.v… đều có thể áp dụng các kiến/công thức này. Một người lãnh đạo chính trị, hay một người vô địch thể thao, cần phải luôn giữ được sự bình tĩnh, thay vì lo lắng, trước mọi tình huống. Bởi khi bình tĩnh thì mới sáng suốt. Lúc đó phần não lý trí (Pre-frontal cortex) sẽ chủ động. Nếu lo lắng, lo sợ, thì phần não cảm xúc (Amygdala) sẽ lấn chiếm.
Tóm lại, dựa trên các nghiên cứu nói trên, tôi cho rằng bí quyết thành công sau cùng cần cả ba yếu tố: thể lực, tập luyện và não trạng. Đối với vận động viên Olympians, chắc chắn phải có sức khỏe và sự dẻo dai, phải có gen của vận động viên ưu tú, nhất là các bộ môn đòi hỏi thể lực, mà phần lớn là vậy tại Thế Vận Hội. Tập luyện một cách bền bỉ, dưới mọi tình huống khó khăn nhất, để chịu đựng, gia tăng kỹ năng và độ kiên trì đòi hỏi cho bộ môn đó. Sau cùng là não trạng phát triển (growth mindset). Không nên quá lo lắng chuyện thắng hay thua, mà cố gắng hết sức để cho phần não tự động/tiềm thức điều khiển lấy. Nghĩa là phải có ý thức cao để điều khiển não bộ, nhất là phần cảm xúc, để từ đó có thể khai dụng được tiềm thức. Thay đổi tâm trạng này nhiều lần trong một số bộ môn thể thao, như Tennis, Badminton, v.v… đòi hỏi khả năng hồi phục (Resilience) qua tập luyện không ngừng.
Nói thì dễ. Cái gì cũng vậy. Nhưng làm thì mới khó. Và không có gì khó hơn thi đấu với hàng ngàn vận động viên trong quốc gia mình từ nhỏ đến lớn trong suốt sự nghiệp thể thao, đến hàng trăm vận động viên trên toàn cầu. Olympians quả thật là phi thường, và vô địch, ngay cả khi họ không đem huy chương nào về. Họ xứng đáng được sự hâm mộ, ngưỡng phục và ủng hộ của tất cả chúng ta, nhất là sự nỗ lực bền bỉ tập luyện và thi đấu, từ năm này qua tháng nọ, để đại diện cho quốc gia mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét