CDC Hoa Kỳ: Biến thể Delta cực nguy, nhưng vaccine vẫn giúp cứu người
BBC
Hai tài liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 tại Mỹ đã thay đổi vì biến thể Delta rất dễ lây lan.
Pfizer lại nhấn mạnh 'nên tiêm thêm liều bổ trợ thứ ba'
Một tài liệu nội bộ của CDC cho rằng biến thể Delta có khả năng lây lan như bệnh thủy đậu.
Theo bài này, ngay cả những người đã được tiêm phòng nhưng dính Delta - các ca đột phá - vẫn có thể làm lây biến thể Delta sang người khác.
Tài liệu nội bộ có tựa đề "Cải thiện thông tin liên lạc xung quanh sự đột phá vaccine và hiệu quả của vaccine", nói rằng biến thể này yêu cầu một cách tiếp cận mới để giúp công chúng hiểu được mối nguy hiểm.
"Hãy thừa nhận chiến tranh đã thay đổi," tài liệu nói.
Văn bản nội bộ này được báo Washington Post đưa tin đầu tiên và sau đó CDC xác nhận là văn bản có thật.
Tài liệu này nói những người được tiêm chủng đầy đủ nhưng dính virus, vẫn có thể làm lây biến thể Delta theo tốc độ tương tự như những người chưa được tiêm chủng.
Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, đã xác nhận tính xác thực của tài liệu và nói với kênh CNN:
"Điều này là nghiêm trọng. Đó là một trong những loại virus dễ lây truyền nhất mà chúng tôi biết."
Tuy nhiên, tài liệu của CDC đánh giá những người được tiêm chủng an toàn hơn, với nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong giảm 10 lần và nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng giảm tới ba lần.
"Vaccine ngăn ngừa hơn 90% bệnh nặng, nhưng có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc lây truyền," tài liệu nói.
Bài thuyết trình chưa công bố của CDC cho biết biến thể Delta có khả năng lây truyền tương tự như bệnh thủy đậu, trung bình mỗi người bị nhiễm sẽ lây nhiễm cho tám hoặc chín người khác.
Nghiên cứu công bố của CDC
Trong khi đó, một phân tích khoa học được CDC công bố hôm thứ Sáu về một đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Massachusetts do biến thể Delta cho thấy rằng ba phần tư số người bị dính virus ở đó, đã được tiêm phòng đầy đủ.
Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) là một phần bằng chứng củng cố giả thuyết rằng những người được tiêm chủng nhưng dính virus - các ca đột phá - vẫn có thể lây cho người khác biến thể Delta.
Nghiên cứu mới công bố tập trung vào các cuộc tụ tập đông người ở Barnstable, Cape Cod, Massachusetts, vào đầu tháng Bảy.
Nghiên cứu theo dõi 469 ca nhiễm Covid-19 ở đó, và thấy 346 trường hợp trong số đó, là ở những người được tiêm chủng đầy đủ.
Phần lớn trong số đó có các triệu chứng và gần như tất cả đều có biến thể Delta.
Tuy nhiên, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo và chỉ có 5 người phải nhập viện, cho thấy mục tiêu của vaccine là giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh vẫn thành công.
Dữ liệu, được nêu chi tiết trong Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC, là mấu chốt khiến CDC Hoa Kỳ đã rút lại suy nghĩ về đeo khẩu trang, và nay tuyên bố rằng ngay cả người tiêm phòng cũng cần đeo khẩu trang trong nhà trong một số trường hợp.
Nhắc lại rằng CDC trước đó đột ngột nới lỏng hướng dẫn về khẩu trang vào tháng 5, viện dẫn bằng chứng ngày càng tăng cho thấy vaccine có hiệu quả chống lại các biến thể.
CDC Hoa Kỳ đã bị chỉ trích trong tuần này vì đã thay đổi hướng dẫn khẩu trang mà không công bố dữ liệu. Báo cáo được phát hành hôm thứ Sáu đã công bố dữ liệu đó.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky nói: "Phát hiện này gây lo ngại và là một khám phá quan trọng dẫn đến khuyến nghị khẩu trang cập nhật của CDC".
"Khuyến cáo đeo khẩu trang đã được cập nhật để đảm bảo người được tiêm chủng sẽ không vô tình truyền virus cho người khác, bao gồm cả những người thân yêu chưa được tiêm chủng hoặc bị suy giảm miễn dịch."
Paul A. Offit, một chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, bình luận:
"Mọi người nên yên tâm rằng nếu họ được tiêm chủng đầy đủ, họ rất có thể được bảo vệ khỏi bệnh nặng hoặc nguy kịch, loại bệnh có thể khiến họ phải nhập viện hoặc tử vong do virus này gây ra. Vaccine cứu sống ta."
Nhưng CDC đang vất vả làm sao để thông báo với công chúng rằng virus có thể phá vỡ hàng rào phòng vệ của vaccine, rằng việc phá vỡ này xảy ra nhanh hơn dự báo trước đây, tuy rằng bệnh có xu hướng nhẹ nếu bạn đã tiêm vaccine đủ.
Khi Pfizer và Moderna đưa ra kết quả vào cuối năm ngoái cho thấy vaccine của họ có thể ngăn ngừa hơn 90% các trường hợp có triệu chứng, kết quả này tốt hơn mong đợi.
Nhưng kể từ đó, virus không chỉ thay đổi mà còn có nhiều biến thể dễ lây lan hơn. Hành vi của mọi người cũng thay đổi, khi tham gia các bữa tiệc và các sự kiện xã hội. Những hoạt động đó, cùng với các biến thể, đặt ra một thử nghiệm khó hơn nhiều đối với vaccine.
Mặc dù vaccine vẫn có khả năng bảo vệ cao giúp khỏi bệnh nặng hay tử vong, nhưng dữ liệu mới tại Mỹ có thể có tác động quanh câu hỏi khi nào mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Andrew Noymer, một nhà dịch tễ học tại Đại học California tại Irvine, bình luận: "Mặc dù hầu hết các trường hợp không phải nhập viện, nhưng nghiên cứu này rất quan trọng đối với việc đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng."
"Nếu các ca được tiêm phòng có thể bị dính bệnh (và có khả năng lây lan, dựa theo các nghiên cứu khác), thì khả năng miễn dịch cộng đồng trở nên giống một ảo ảnh."
Gregg Gonsalves, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, nói với The Washington Post:
"Báo cáo này chứng minh rằng việc chủng ngừa SARS-CoV-2 là không hoàn hảo, đặc biệt là trong môi trường có một biến thể rất dễ lây lan, trong một nhóm lớn tiếp xúc gần gũi, ngay cả khi hầu hết đã được tiêm vaccine."
Ông nói tiếp: "Tin tốt ở đây: Nếu bạn đã tiêm phòng, hạn chế tụ tập nhóm đông người và đeo khẩu trang, rất có thể bạn sẽ không sao."
Vaccine vẫn là một lá chắn đáng tin cậy chống lại virus. Tại Mỹ, khoảng 97% số người nhập viện vì Covid-19 là những người không được tiêm chủng, theo dữ liệu từ CDC.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 61.300 trường hợp mới hàng ngày trong tuần trước.
Biến thể Delta cũng là biến chủng của virus SARS-CoV-2 (Corona) được phát hiện phổ biến trong các ca dương tính Covid-19 tại TP.HCM, Việt Nam.
4 chủng virus Corona mới được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.
WHO đã gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Delta (còn được gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus Corona chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ.
Theo báo chí, biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại TP.HCM vào ngày 18/05/2021 với 2 ca nhiễm tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (quận 3), ngày 18/5.
Nhận xét
Đăng nhận xét