Vầng hào quang trong di sản văn hoá nhân loại
- Matthew Wilson
- BBC Culture
Xuất hiện đầu tiên là trong nghệ thuật tôn giáo Iran cổ đại, qua sự thông thương của Con đường Tơ lụa, biểu tượng vầng hào quang đã lan rộng khắp các nền văn hoá trên thế giới với tốc độ đáng kinh ngạc. Matt Wilson tìm hiểu câu chuyện biểu tượng đơn giản này đã kết nối với Chúa Jesus, Đức Phật, và Thần Mặt trời Apollo ra sao.
Thiên Chúa giáo, giáo, Ấn giáo, Hoả giáo và thần thoại Hy Lạp thường được biết đến như các nền tôn giáo hoàn toàn khác biệt, được xác định bởi nét đặc trưng riêng.
Lịch sử nhân loại dưới tán cây bồ đề
Tuy nhiên, nếu nhìn vào, ta sẽ thấy các tôn giáo này đều có một biểu tượng chung, đó là vầng hào quang.
Vầng hào quang tỏa quanh đầu một đấng thiêng liêng thể hiện sức mạnh thánh thần của Ngài là điều được khắc họa trong các tác phẩm nghệ thuật khắp nơi trên thế giới.
Có nhiều cách thể hiện khác nhau, như là vầng hào quang có những tia nhọn vươn ra (như của Tượng Nữ thần Tự do), hay dưới dạng quầng lửa (như trong một số tác phẩm nghệ thuật thời Đế chế Hồi giáo Ottoman, Đế chế Mughal, và Đế quốc Ba Tư), thế nhưng hình ảnh phổ biến và đặc sắc nhất vẫn là quầng hào quang tròn.
Tại sao biểu tượng này được hình thành? Người ta phỏng đoán rằng ban đầu nó có thể được thiết kế theo mô-típ vương miện. Hoặc nó có thể là biểu tượng cho ánh sáng rực rỡ toả ra do thần thái của đấng thánh thần. Mà có thể đó chỉ là một phụ kiện đơn giản trên người.
Lại có thêm một ý hài hước khác là nó có nguồn gốc từ các tấm bảo vệ gắn cố định vào các bức tượng thần để chim không đậu lên trên đầu tượng rồi xả phân chim bừa bãi lên đó.
Việc tìm hiểu ý nghĩa ban đầu của vầng hào quang trong các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo đưa chúng ta trở lại thời gian khoảng Thế kỷ 1 trước Công nguyên (TCN).
Dù vào thời điểm đó vầng hào quang chưa xuất hiện trong bất kỳ tôn giáo nào, nhưng chỉ sau vài thế kỷ nó đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trên khắp lục địa Á-Âu.
Có vẻ như vầng hào quang được sáng tạo ra bởi các nghệ thuật truyền thống từ rất sớm.
Ở Ai Cập cổ đại, thần mặt trời Ra được miêu tả với vòng tròn lớn phía trên thay vì phía sau đầu, tượng trưng cho Mặt Trời.
Trong khi đó, một số đồ tạo tác từ thành phố Mohenjo-daro (ở thung lũng Indus), được tạo ra vào khoảng thời thập niên 2000 trước Công nguyên, có hình dạng giống như những tia hào quang.
Tuy nhiên, những tia sáng này tỏa ra khắp nơi trên cơ thể của các vị thánh thần chứ không chỉ ở trên đầu họ.
Giống như trong các tác phẩm nghệ thuật của Hy Lạp cổ đại, thỉnh thoảng cũng có những vương miện ánh sáng lấp lánh trên đầu các anh hùng thần thoại để phô trương sức mạnh thần thánh.
Nhưng có lẽ vầng hào quang tròn như hình cái đĩa là một sáng tạo ra đời muộn hơn và là kết tinh của những ý tưởng tôn giáo độc đáo.
Những ví dụ sớm nhất của vầng hào quang hình đĩa xuất hiện vào những năm 300 trước Công nguyên trong nghệ thuật tôn giáo của Iran cổ đại.
Nó được xem như là một biểu tượng đặc trưng của thần Mithra, vị thần ánh sáng trong Hoả giáo của Iran cổ đại.
Người ta đã tranh cãi rằng định nghĩa ánh hào quang của thần thánh (còn được gọi là 'Khvarenah') trong Hoả giáo có liên hệ mật thiết đến tia sáng Mặt Trời, và vầng hào quang chính là để tượng trưng cho phẩm hạnh của thần Mithra, giống vòng tròn Mặt Trời trên đầu thần Ra.
Về mặt lịch sử nghệ thuật, tốc độ ấn tượng mà vầng hào quang hình đĩa tròn lan rộng trên khắp các nền văn hoá khiến nó trở nên nổi bật như một biểu tượng tôn giáo.
Vào khoảng năm 100 sau Công nguyên - chỉ vài trăm năm sau khi được tạo ra - nó đã xuất hiện ở những vùng đất xa xôi như thị trấn El Djem của Tunisia, thành phố Samosata của Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố Sahri-Bahlol của Pakistan.
Đến những năm 400, vầng hào quang đã được đưa vào trong các tác phẩm nghệ thuật Thiên Chúa giáo ở Rome và Phật giáo ở Trung Quốc.
Bằng cách nào đó, chỉ trong vài thế kỷ, vầng hào quang đã trở thành biểu tượng phổ quát về thánh thần linh thiêng trong các nền tôn giáo ở lục địa Á-Âu.
Vậy ảnh hưởng của vầng hào quang đã lan rộng ra khắp thế giới và giữa các nền tôn giáo ra sao?
Biểu tượng đầy tính tôn giáo này bắt đầu từ cái nôi ra đời, Iran, đã vươn ra phía tây và phía đông, lan đến một số đế chế hùng mạnh nhất khi xưa.
Vào Thế kỷ thứ 1, người Ấn-Scythia (tức người Saka, dân du mục từ Iran) và người Kushan (từ Bactria, Afghanistan) tới xâm chiếm các vùng đất phía đông nam, là nơi nay thuộc Pakistan, Afghanistan, và miền bắc Ấn Độ.
Cả hai đế chế, vốn có bề dày lịch sử văn hoá Iran cổ đại, đều đã mang theo hành trang loại tiền đúc có hình thần Mithra với vầng hào quang trên đầu.
Vị thần trẻ trung, quyến rũ với ánh hào quang toả rực rỡ đã có sức cuốn hút rõ ràng đối với ngày càng nhiều người dân xung quanh dãy núi Hindu Kush.
Ảnh hưởng của vị thần này lớn đến mức mà hình tượng Đức Phật - ngay cả từ những hình ảnh sớm nhất về Ngài, chẳng hạn như tượng thờ Bimaran (có thể đã có từ cuối Thế kỷ 1) - cũng có một vầng hào quang như của thần Mithra.
Thần Mithra cũng chiến thắng trái tim của Đế chế La Mã vốn tới xâm lược vùng đất phía tây - đến mức mà đạo thờ thần Mithra đã phát triển thành một tôn giáo lớn của La Mã.
Sau này, thần Mithra cũng ảnh hưởng đến hình tượng một vị thần La Mã khác - Sol Invictus (Thần Mặt Trời Bất Bại).
Cả hai vị thần này (Mithra và Sol Invictus) đều kết hợp vẻ ngoài nam tính quyến rũ với thần lực có được từ tia sáng và quyền năng của Mặt Trời, và do đó họ được những nhân vật quyền lực nhất trong xã hội, đặc biệt là các Hoàng đế La Mã, sùng kính.
Hoàng đế Constantine (tại vị năm 306-337) nhận thức được tầm ảnh hưởng sâu sắc của biểu tượng vầng hào quang, thế nên ông và những người kế vị của mình đã ngang nhiên chiếm hữu nó và phô trương uy lực của bản thân thông qua các bức chân dung nhà vua với vầng hào quang rực rỡ.
Sau đó, với sự dung nạp ngày càng tăng của Thiên Chúa giáo trong thời Đế chế La Mã, các nghệ sĩ bắt đầu miêu tả Chúa Jesus với vầng hào quang, thứ biểu tượng nay được thừa nhận là cao quý nhất, thiêng liêng nhất của các vị thánh thần.
Vầng hào quang trở thành biểu tượng mới trong Thiên Chúa giáo từ khoảng năm 300, hơn hai thế kỷ sau khi xuất hiện trong Phật giáo.
Đó là tín hiệu cho thấy sự biến chuyển của Thiên Chúa giáo từ một tôn giáo thiểu số thành một cơ cấu quyền lực chính thức ở xã hội phương Tây.
Kể từ đó, vầng hào quang đã mãi mãi gắn liền với nghệ thuật Thiên Chúa giáo, dẫu cho đã trải qua ít nhiều thay đổi theo năm tháng.
Thỉnh thoảng hình ảnh Đức Chúa Cha xuất hiện với vầng hào quang hình tam giác, Chúa Jesus với vầng hào quang hình thập giá và các thánh thần với vầng hào quang hình vuông.
Phật giáo, Kỳ Na giáo và Ấn giáo cùng tồn tại một cách hoà thuận ở Ấn Độ trong thiên niên kỷ thứ nhất, và ba nền tôn giáo này đều chia sẻ các ý tưởng và biểu tượng nghệ thuật, trong đó gồm cả vầng hào quang.
Tác phẩm sớm nhất về vầng hào quang trong nghệ thuật tôn giáo Ấn Độ đến từ hai trung tâm sáng tạo nghệ thuật lớn nhất, Gandhara (ở biên giới Pakistan và Afghanistan) và Mathura (cách Dehli 90 dặm về phía nam).
Các ý tưởng giao thoa
Vào cuối thời cổ đại và trong thời Trung Cổ, Gandhara nằm ở trung tâm của một mạng lưới các tuyến giao thương trải dài đến Trung Quốc ở phía đông và Địa Trung Hải ở phía tây.
Các tu viện Phật giáo xuất hiện dọc theo các tuyến đường này, dọc theo các giao lộ then chốt của các tuyến giao thương, đóng vai trò là những nhà trọ tôn giáo.
Những nhà trọ này cung cấp cho các thương nhân chỗ nghỉ chân, cầu nguyện và phục hồi sức khoẻ, và rồi trở thành bước đệm để cầu nối đưa Phật giáo theo đường bộ đến Trung Hoa, nơi các nghệ sĩ đã tái hiện các hình tượng tôn giáo.
Đến những năm 500, biểu tượng vầng hào quang đã xuất hiện trong nghệ thuật ở Triều Tiên và Nhật Bản, cho thấy sức ảnh hưởng của Phật giáo cũng đã lan tới những vùng này.
Một mô-típ tương tự cũng đã giúp Ấn giáo lan rộng ra khắp châu Á, bằng các tuyến giao thương đường bộ và đường biển, mang tinh thần tôn giáo và phong cách nghệ thuật đến Indonesia, Malaysia và các vùng lãnh thổ Đông Nam Á khác.
Những tuyến đường thương mại tấp nập nối liền Đông - Tây vào cuối thời cổ đại và Trung Cổ thường được nhắc tới là "Con đường Tơ lụa", đặt tên theo các mặt hàng xa xỉ được buôn bán dọc theo nó.
Ngoài những hàng hoá, sản phẩm 'độc, lạ', con đường này còn chuyên chở theo nó cả tôn giáo, tri thức và các biểu tượng tinh thần.
Vầng hào quang hình đĩa biểu tượng cho sự giao thoa của những ý tưởng đã tồn tại trong quá khứ xa xưa.
Nó khởi đầu nhằm biểu tượng cho thần lực của mặt trời trong Hoả giáo, và đã nhanh chóng lan ra khắp lục địa Á-Âu bởi các đế chế cổ đại, và rồi sau đó theo mạng lưới giao thương lan đến mọi ngóc ngách trên thế giới.
Ngày nay, tại Thế kỷ 21 này, vầng hào quang cũng là một lời nhắc nhở sâu sắc về di sản văn hoá chung của nhân loại.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
Nhận xét
Đăng nhận xét