41 năm tù cho 5 bị cáo vụ quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong: Gia đình 'sẽ kháng cáo'
Ông Nguyễn Văn Lâm, bố của binh nhất Nguyễn Văn Thiên nói với BBC News Tiếng Việt hôm 29/6 rằng gia đình ông sẽ kháng cáo quyết định của tòa quân sự "vì nguyên nhân cái chết của Thiên vẫn còn mập mờ và nhiều uẩn khúc".
Hôm 27/6, tòa quân sự Quân sự khu vực Quân khu 5, Bộ Quốc phòng đã tuyên án tội "Cố ý gây thương tích" đối với năm bị cáo liên quan đến cái chết của quân nhân Nguyễn Văn Thiên tại Tiểu đoàn BB50 vào tháng 11 năm ngoái.
Cả năm bị cáo đều bị tuyên tội danh "Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người", trong đó Trần Văn Mạo 9,5 năm; Nguyễn Đình Tâm 9,5 năm; Trần Đức Lợi tám năm; Rmah Tuỳ bảy năm; Ksor Đim bảy năm.
Quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong: Công khai tên 3 người bị bắt
Luật sư Trần Đình Dũng, một trong ba luật sư thiện nguyện của gia đình Thiên nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày tòa tuyên án:
"Gia đình các bị cáo đã bồi thường 145 triệu tiền chi phí mai táng. Toà còn tuyên buộc phải bồi thường thêm tổn thất tinh thần là 90 tháng lương theo mức lương cơ sở (90x 1.490.000đ) tức tầm 134,1 triệu VND."
Còn luật sư Lê Xuân Anh Phú cũng là luật sư cho gia đình Thiên thì nói rằng, Viện Kiểm Sát đề nghị ba bị cáo Trần Văn Mạo, Nguyễn Đình Tâm, Trần Đức Lợi mức án 8-10 năm. Còn hai bị cáo Rmah Tuỳ và Ksor Đim thì 7-8 năm.
Truyền thông Việt Nam không đưa tin về phiên tòa hôm 27/6.
Thông tin mới nhất về vụ quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong trên báo chính thống của Việt Nam là từ 7/1/2022.
Khi đó, Cơ quan điều tra Hình sự Khu vực 5 (Quân khu 5) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 3 bị can 'thực hiện hành vi cố ý gây thương tích' dẫn đến cái chết của anh Thiên.
Quyết định này được đưa ra sau khi gia đình Binh nhất Nguyễn Văn Thiên kiên quyết phản đối kết luận ban của đầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai rằng Thiên chết do 'tự ngã'.
Vật gây án là cái xô nhựa
Theo kết luận giám định mà ông Nguyễn Văn Lâm nhận được, nguyên nhân cái chết của Nguyễn Văn Thiên là chấn thương sọ não kín; Chảy máu lan tỏa màng mềm đại não, máu tụ hố sau, quanh thân não. Cơ chế hình thành thương tích và xác định vật gây thương tích là "tác động trực tiếp với vật tày cứng có cạnh".
Tuy nhiên, trong cáo trạng của Việt Kiểm Sát quân sự khu vực 52 (Quân khu V, Bộ Quốc phòng) thì qua quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra tạm giữ vật chứng gồm:
- Một xô nhựa màu xanh loại 5 lít, miệng xô và đáy xô có đường kính lần lượt là 21,5 cm và 15 cm. Xô cao 19 cm, đã qua sử dụng
- Ba chai nước uống đóng chai bằng nhựa loại 1,5 lít đã qua sử dụng
- Một điện thoại di động NOKIA màu đen đã qua sử dụng
- Một thẻ sim màu trắng
- Một chứng minh nhân dân mang tên Rmah Tùy
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 29/6, Luật sư Lê Xuân Anh Phú phân tích:
"Theo quan điểm của tôi, nếu trả hồ sơ điều tra bổ sung thì sẽ thiết thực hơn vì việc này cũng ảnh hưởng đến dư luận nên cần có một bản án khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Ví dụ như cái xô vật chứng thì không thu giữ được. Các bị cáo khai xô dùng để đánh nạn nhân là không có quai còn xô trong hồ sơ thì có quai. Nếu dùng lực tác động sẽ khác nhau và vì thế, về mặt vật chứng thì hơi khập khiễng. Đáng ra nên thực nghiệm điều tra, lấy đúng cái xô đó, dùng lực tương tự tác động lên vật mô phỏng như cơ thể nạn nhân, xem thử nó có tạo ra một cái lực mà gây dập phần đầu bị sưng nề, khiến da đầu bầm tím hay không."
"Theo mô tả của giám định viên tại phiên tòa, phần đầu bị dập như vậy thì phải có một lực tác động rất lớn, trong khi vật chứng chỉ là xô nhựa, có đường kính rộng khoảng 21 cm. Theo tôi, để thuyết phục thì cần thực nghiệm hiện trường, chứng minh và làm sáng tỏ vụ việc theo trình tự, thủ tục hợp pháp và thuyết phục nhất, để gia đình người bị hại có thể yên lòng. Vì gia đình họ cũng chỉ muốn biết con mình chết như thế nào mà thôi, có đúng với kết luận hay không."
"Nếu như trước đây thực nghiệm điều tra, truy tìm vật chứng cho đầy đủ thì bản án sẽ thuyết phục hơn." ông nêu quan điểm.
Còn ông Lâm, bố nạn nhân thì cho rằng cả 5 bị cáo tại phiên tòa không mô tả lại được quá trình đánh con ông:
"Các luật sư cũng nhận thấy những điểm nghi vấn của vật chứng như cái xô mà đánh con tôi. Các bị cáo nói họ chỉ dùng xô đánh nhưng trong kết quả khám nghiệm lại nói vết thương như vậy phải là vật cứng có cạnh. Ngay cả tư thế đánh mà các bị cáo mô tả lại khi đánh con tôi cũng không hợp lý, vết thương sau đầu của Thiên họ cũng không giải thích được."
Một người thân khác của Nguyễn Văn Thiên cũng đặt nghi vấn tương tự: "Cái xô nhựa mà đánh chấn thương sọ não nhưng xô vẫn còn nguyên vẹn thì rõ ràng không đúng với logic thông thường. Tôi nghĩ cháu mình bị đánh vào đầu bằng báng súng thì mới dẫn đến xuất huyết não như vậy."
Gia đình 'chịu nhiều sức ép'
Về những giấy tờ như giấy báo tử, kết quả khám nghiệm tử thi của Nguyễn Văn Thiên, ông Lâm có nhiều bức xúc:
"Ban đầu họ bảo nguyên nhân cái chết là do đột quỵ, tự té ngã nên tôi không ký vào và tới bây giờ họ cũng chưa làm lại giấy báo tử cho con tôi. Họ nói kết quả khám nghiệm tử thi sẽ có sau 10 ngày, nhưng tận hơn một tháng sau gia đình tôi mới nhận được. Gia tôi phải làm dữ, dọa tự tử thì mới nhận được kết quả giám định."
Một vài người thân trong gia đình chiến sĩ Nguyễn Văn Thiên cũng nói với BBC rằng họ chịu nhiều "sức ép" trong quá trình làm sáng tỏ cái chết của Thiên.
Bà nói với BBC: "Ban đầu bên quân đội dù chưa đưa ra kết quả khám nghiệm tử thi vẫn khăng khăng và bịt miệng chúng tôi, nói rằng cháu tôi chết là do nó tự té, dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ.
"Nhưng gia đình tôi quay hình, đăng ảnh lên mạng để rộng đường dư luận và ai cũng thấy rằng, vết thương bầm tím nhiều chỗ như vậy không thể nào do té ngã mà ra.
"Khi làng xóm đồng lòng muốn mua tủ cấp đông để giữ thi thể cháu Thiên thì họ lại lấy lý do Covid, bắt phải chôn ngay.
"Họ còn làm khó tới thầy cúng mà gia đình mời, bắt sư thầy phải tiến hành lễ động quan nếu không sẽ cắt tên ra khỏi Hội Phật giáo, dù hôm đó là ngày xấu, không nên chôn cất."
Còn ông Lâm kể lại cho BBC rằng, ban đầu ông không biết rằng con mình qua đời:
"Khi tôi nhận điện thọai báo, tôi còn xếp đồ để ở lại nuôi Thiên vì đâu nghĩ nó bị gì. Tới khi họ đưa tôi tới bệnh viện, tôi chạy trước, vào căn phòng phía sau bệnh viện, thấy có người nằm bận quân phục thì giở ra thì đúng là con của mình."
Ông Lâm mô tả những vết bầm ở vùng mặt, đầu, lưng và mạng sườn của con ông:
"Khi đó tôi mới biết con mình bị đánh. Tôi điện về nhà nói con mình bị đánh chết rồi, chứ không phải đột quỵ. Người trong quân đội nói để khâm liệm theo nghi thức quân đội nhưng tôi không chịu, nói đem Thiên về. Ban đầu khi ở bệnh viện, tôi cũng có chụp hình, quay phim nhưng bị bộ đội lấy điện thoại xóa hết nên khi đưa xác Thiên về, anh chị em trong gia đình quay phim, chụp hình lần nữa để làm chứng cứ, đăng lên mạng, kêu gọi sự chú ý của dư luận."
Cuối tháng 11, tại buổi họp báo về vụ việc, đại tá Lê Tuấn Hiền - chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai - khẳng định quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong do đột quỵ, té ngã, xuất huyết não chứ không phải bị đánh như một số thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai còn cam đoan hình ảnh vết bầm, vết mổ trên thi thể anh Thiên là do tự ngã và khám nghiệm tử thi tạo nên, không phải do xô xát, đánh nhau, theo báo Người lao động.
"Bên quân đội của tỉnh Gia Lai cũng đến thắp nhang cho Thiên, an ủi gia đình. Về việc trước đó họ cứ một mực khẳng định con tôi chết do đột quỵ thì sau này họ có nói lại rằng đó chỉ là dự đoán ban đầu. Gia đình tôi đã cố gắng đấu tranh để Thiên chết không oan uổng, cho tới giờ họ mới chấp nhận là con tôi chết do bị đánh." ông Lâm nói với BBC.
'Cái chết của con tôi vẫn chưa sáng tỏ'
Ông Nguyễn Văn Lâm nói với BBC rằng, ông và gia đình chỉ muốn biết con ông - Nguyễn Văn Thiên đã chết như thế nào, những giây phút cuối cùng của Thiên ra sao chứ không muốn nhắm vào ai cả.
Về tội danh mà 5 bị cáo bị truy tố, ông Lâm cho rằng 5 người này đánh hội đồng Thiên và đã có chuẩn bị trước đó thì không phải là cố ý gây thương tích.
"Nếu một người đánh con tôi chết, tôi không tức vì đứa đó có thể lỡ tay, nhưng đây những 5 người, có chuẩn bị sẵn kế hoạch đánh hội đồng nhằm tước đoạt mạng sống người khác thì theo tôi là cố ý giết người."
Tuy nhiên, theo luật sư Phú, dựa vào những chứng cứ từ hồ sơ vụ án thì chỉ có thể truy tố 5 bị cáo với tội "Cố ý gây thương tích" vì căn cứ cho tội danh "Giết người" "vẫn còn yếu".
Ông Lâm bộc bạch:
"Con tôi mất cũng đã mất rồi, tôi đau buồn nhưng không phải ghim hận. Tôi thấy gia đình của 5 đứa đánh con tôi khổ tôi cũng không có ý trút hận lên họ. Nhưng tôi muốn cái chết của con mình phải rõ ràng, tôi muốn biết nó đã phải trải qua đau đớn gì trước khi nhắm mắt. Nếu được rõ tường mọi thứ, tôi sẵn sàng xin giảm án cho 5 bị cáo, để giảm bớt phần gánh nặng cho gia đình họ."
"Như kết luận điều tra và quyết định tòa án như vậy thì cái chết con tôi vẫn chưa sáng tỏ, vẫn còn nhiều khúc mắt nên tôi chưa yên lòng, ruột gan vẫn ấm ức."
"Khi con tôi đi nghĩa vụ là một thanh niên trai tráng mạnh khỏe, nhưng tôi đưa nó về thì lại là một thân xác đầy vết bầm tím khắp người. Con tôi là quân nhân, phục vụ cho đất nước mà bị đánh chết trong chính quân trại của mình, chết trong chính tay anh em của nó. Nên tôi thỉnh cho con mình một danh hạng tử sĩ và giấy xuất ngũ. Gia đình tôi cứ nằm mơ thấy Thiên về, thằng bé cứ đòi giấy xuất ngũ nên tôi mới xin, mong cho nó được yên nghỉ," ông Lâm bày tỏ.
Tóm tắt sự việc
Nguyễn Văn Thiên, sinh năm 1998, trú quán thôn 2, xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai và nhập ngũ ngày 10/02/2020.
Hôm 29/11/2021, Binh nhất Nguyễn Văn Thiên tử vong trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn BB50, Trung đoàn BB991, BCHQS tỉnh Gia Lai.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai ban đầu khẳng định hình ảnh vết bầm và vết mổ trên thi thể quân nhân Nguyễn Văn Thiên là do tự ngã và vết mổ khám nghiệm tử thi tạo nên, không phải do xô xát, đánh nhau.
Sau đó, Đoàn luật sư TP HCM gồm LS Trần Đình Dũng, LS Trương Nguyễn Công Nhân, LS Lê Xuân Anh Phú đứng ra hỗ trợ pháp lý miễn phí cho gia đình Nguyễn Văn Thiên.
Tới ngày 7/1/2022, Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 5 ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 3 bị can gồm Binh nhất Trần Văn Mạo, Binh nhất Nguyễn Đình Tâm, Trung sỹ Trần Đức Lợi, thuộc Trung đội Thông tin (Tiểu đoàn 50) về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo điểm a, khoản 4, Điều 134 Bộ Luật hình sự 2015.
Nhận xét
Đăng nhận xét