NATO chào đón Phần Lan, Thụy Điển; công khai lo ngại cả Nga, Trung Quốc

 3 giờ trước

Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các nhà lãnh đạo NATO tại bữa tối ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các nhà lãnh đạo NATO tại bữa tối ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6

NATO đã xác nhận rằng Thụy Điển và Phần Lan sẽ chính thức được mời tham gia liên minh quân sự và kêu gọi Nga phải "ngay lập tức" rút khỏi Ukraine.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự ra đời năm 1949, đang họp thượng đỉnh tại Madrid, Tây Ban Nha.

Trong một tuyên bố dài, NATO nói: "Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, và đồng ý ký các nghị định thư gia nhập."

"Chúng tôi hoan nghênh việc ký kết bản ghi nhớ ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển."

Thổ Nhĩ Kỳ đã rút quyền phủ quyết trong NATO, cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự hôm 28/6.

Ba quốc gia nói họ đã nhất trí bảo vệ an ninh của nhau, kết thúc tranh cãi.

Yêu cầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là yêu cầu các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ các nhóm chiến binh người Kurd và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Lính Canada tham gia tập trận NATO tại Latvia

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,

Lính Canada tham gia tập trận NATO tại Latvia

Tuyên bố của NATO ngày 29/6 nói: "Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ khiến họ an toàn hơn, NATO mạnh hơn và khu vực châu Âu-Đại Tây Dương an toàn hơn."

"An ninh của Phần Lan và Thụy Điển có tầm quan trọng trực tiếp đối với Liên minh, kể cả trong quá trình gia nhập."

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo: "Cuộc chiến chống Ukraine của Tổng thống Putin đã phá vỡ hòa bình ở châu Âu và tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai".

Ông nói: "NATO đã đáp trả bằng sức mạnh và sự đoàn kết."

Nga nói đang theo đuổi một "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine để loại bỏ những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm. Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga đã xâm lược đơn phương.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhắc lại với các nhà lãnh đạo NATO rằng Kyiv cần nhiều vũ khí và tiền hơn, và nhanh hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba ca ngợi "lập trường rõ ràng" của NATO đối với Nga và nói kết quả hội nghị thượng đỉnh chứng tỏ "có thể phải đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết".

Chụp lại video,

Quốc gia nào lo ngại sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga sau Ukraine?

NATO vẫn mở cửa cho Ukraine?

Đáng chú ý, Văn kiện Khái niệm Chiến lược, vừa công bố ngày 29/6, dường như vẫn để ngỏ khả năng cho Ukraine gia nhập NATO một ngày nào đó.

Văn kiện có đoạn viết như sau: "An ninh của các quốc gia mong muốn trở thành thành viên của Liên minh gắn liền với an ninh của chính chúng tôi."

"Chúng tôi hết sức ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác chính trị với những nước muốn tham gia Liên minh, giúp tăng cường khả năng phục hồi của họ trước sự can thiệp của kẻ xấu, xây dựng năng lực của họ và tăng cường hỗ trợ thiết thực của chúng tôi để thúc đẩy khát vọng của họ ở châu Âu-Đại Tây Dương."

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển quan hệ đối tác của mình với Bosnia và Herzegovina, Georgia và Ukraine để thúc đẩy lợi ích chung của chúng tôi đối với hòa bình, ổn định và an ninh châu Âu-Đại Tây Dương."

"Chúng tôi khẳng định lại quyết định mà chúng tôi đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 và tất cả các quyết định tiếp theo đối với Georgia và Ukraine."

Ở Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO đã đưa ra quyết định chính trị rằng Ukraine và Georgia sẽ có thể trở thành thành viên của Liên minh.

Đức, Pháp đã bác bỏ áp lực từ Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush để cho hai nước Kế hoạch hành động thành viên, bước đầu tiên để gia nhập.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO khi đó xoa dịu bằng cách đưa ra lời cam kết sẽ mời cả hai nước gia nhập liên minh vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest vào tháng Tư 2008, NATO khi ấy nói họ hoan nghênh nguyện vọng trở thành thành viên của Ukraine và Georgia, đồng thời nói rằng các nước này sẽ trở thành thành viên của NATO.

NATO khi đó còn nói rằng cả hai quốc gia đã có những đóng góp quý giá cho các hoạt động của Liên minh và hoan nghênh các cải cách dân chủ ở Ukraine và Georgia.

Nhưng tại hội nghị Bucharest, do bất đồng giữa các thành viên, nên NATO không đưa ra kế hoạch cụ thể, cũng như không nói cụ thể khi nào thì Ukraine và Georgia có thể gia nhập.

Nga là 'đe dọa trực tiếp'

Một thông cáo của NATO gọi Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh".

NATO đã ban hành tài liệu Khái niệm Chiến lược mới, tài liệu đầu tiên kể từ năm 2010, nói rằng một "Ukraine độc lập mạnh mẽ là điều cần thiết cho sự ổn định của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương".

Văn kiện Khái niệm chiến lược của NATO, vừa thông qua tại Madrid, nói về Nga như sau:

"Liên bang Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của Đồng minh, và hòa bình và ổn định trong khu vực châu Âu-Đại Tây Dương."

"Nga tìm cách thiết lập các phạm vi ảnh hưởng và kiểm soát trực tiếp thông qua ép buộc, lật đổ, xâm lược và thôn tính."

"Nga sử dụng các phương tiện thông thường, không gian mạng và kết hợp để chống lại chúng tôi và các đối tác của chúng tôi."

Văn kiện nói: "NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào đối với Liên bang Nga."

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả các mối đe dọa và hành động thù địch của Nga một cách thống nhất và có trách nhiệm."

"Chúng tôi sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe và phòng thủ cho tất cả các Đồng minh, nâng cao khả năng phục hồi trước sự cưỡng ép của Nga và hỗ trợ các đối tác của chúng tôi chống lại sự can thiệp và xâm lược ác ý."

"Trước những chính sách và hành động thù địch, chúng tôi không thể coi Liên bang Nga là đối tác của mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng giữ các kênh liên lạc cởi mở với Moscow để quản lý và giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng cường tính minh bạch."

"Chúng tôi tìm kiếm sự ổn định và khả năng dự đoán trong khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và giữa NATO và Liên bang Nga. Bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ của chúng ta đều phụ thuộc vào việc Liên bang Nga ngừng các hành vi gây hấn và tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế."

Zelensky, trong một video phát biểu với hội nghị thượng đỉnh, nói Ukraine cần 5 tỷ USD mỗi tháng cho quốc phòng và tự vệ.

Chụp lại video,

Giải đáp các câu hỏi về chủ đề Phần Lan và Thụy Điển có ý định gia nhập Nato

Trong khi đó, một quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ hôm thứ Tư đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nhắm đến việc chiếm phần lớn Ukraine nhưng kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong thời gian tới là một cuộc xung đột kéo dài.

"Nói tóm lại, bức tranh vẫn còn u ám", Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia, nói trong một hội nghị ở Washington.

NATO lần đầu nêu tên Trung Quốc

NATO lần đầu tiên đã chỉ ra Trung Quốc là một trong những ưu tiên chiến lược của NATO trong thập niên tới.

"Về cơ bản, Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự, bao gồm vũ khí hạt nhân, bắt nạt các nước láng giềng, đe dọa Đài Loan ... giám sát và kiểm soát công dân của chính họ thông qua công nghệ tiên tiến, đồng thời truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch của Nga", Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói ngày 29/6.

"Trung Quốc không phải là kẻ thù của chúng tôi," Stoltenberg nói, "nhưng chúng tôi phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà Trung Quốc đặt ra."

Văn kiện Khái niệm chiến lược mười năm của NATO có ngôn ngữ gay gắt nhất nhắm vào Nga, nhưng việc đề cập Trung Quốc đã mang ý nghĩa lớn.

Tài liệu năm 2010 không nhắc gì về Trung Quốc.

Văn kiện Khái niệm chiến lược của NATO, vừa công bố, viết: "Tham vọng công khai và các chính sách cưỡng bách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng tôi."

"Trung Quốc sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường dấu ấn và quyền lực toàn cầu của họ, nhưng lại không rõ ràng về chiến lược, ý định và xây dựng quân đội của họ."

"Các hoạt động mạng và hỗn hợp mang tính chất độc hại của CHND Trung Hoa và những luận điệu đối đầu và sai lệch thông tin nhắm tới các đồng minh và làm tổn hại đến an ninh của Liên minh."

"Trung Quốc tìm cách kiểm soát các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, cơ sở hạ tầng quan trọng và vật liệu chiến lược và chuỗi cung ứng. Họ sử dụng đòn bẩy kinh tế để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược và nâng cao tầm ảnh hưởng."

"Họ cố gắng phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, kể cả trong lĩnh vực không gian, mạng và hàng hải. Chiến lược đào sâu quan hệ đối tác giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Nga và nỗ lực củng cố lẫn nhau của họ nhằm gây hại cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đã đi ngược lại với các giá trị và lợi ích của chúng tôi."

Văn kiện nói: "Chúng tôi vẫn cởi mở trong việc giao thiệp mang tính xây dựng với CHND Trung Hoa, bao gồm cả việc xây dựng tính minh bạch có đi có lại, nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của Liên minh."

"Với tư cách là Đồng minh, chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc có trách nhiệm để giải quyết những thách thức mang tính hệ thống do CHND Trung Hoa đặt ra đối với an ninh khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và đảm bảo khả năng lâu dài của NATO trong việc đảm bảo quốc phòng và an ninh của các Đồng minh."

"Chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức chung, nâng cao khả năng phục hồi và sự chuẩn bị của chúng tôi, đồng thời bảo vệ chống lại các chiến thuật và nỗ lực cưỡng chế của CHND Trung Hoa để chia rẽ Liên minh."

"Chúng tôi sẽ ủng hộ các giá trị chung của chúng tôi và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm cả quyền tự do hàng hải."

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Madrid, các nhà lãnh đạo thế giới từ các quốc gia hiện không phải là thành viên của Nato - bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với Phần Lan và Thụy Điển, những quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập liên minh - tham dự với tư cách quan sát viên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?