Quang Hải đầu quân cho Pau FC: Cơ hội nhiều nhưng thách thức không ít
- Phan Ngọc
- Gửi tới BBC từ Tp HCM
Như vậy là cuối cùng bến đỗ mới của Nguyễn Quang Hải cũng đã được hé lộ khi CLB Pau FC đang thi đấu tại Ligue 2 - giải hạng nhì Pháp công bố chiêu mộ thành công cầu thủ này với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm, bắt đầu từ mùa giải 2022-2023.
Khác với các CLB được đồn đoán sẽ là đội bóng mới của Quang Hải trước đó như Sturm Graz (Áo), Nimes Olympique hay Metz (Pháp)…, Pau FC có vẻ là một lựa chọn vừa sức nơi Quang Hải có thể được trao nhiều cơ hội thi đấu, bản thân người đại diện của cầu thủ này cũng khẳng định Quang Hải lựa chọn Pau FC thay vì các CLB khác có tiềm lực tốt hơn vì ưu tiên hàng đầu của cầu thủ này khi xuất ngoại là được chơi bóng.
Rõ ràng, xét khía cạnh vừa phân tích thì cơ hội được ra sân của Quang Hải trong màu áo CLB mới là khá sáng sủa, tất nhiên có cơ hội để thể hiện là một chuyện, còn tận dụng được cơ hội hay không lại là chuyện khác, thách thức cho Quang Hải không hề ít, nhất là khi cầu thủ này lựa chọn châu Âu nói chung và Pháp nói riêng là điểm đến chứ không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Người chuyển giới bị hạn chế tham gia giải bơi nữ quốc tế
Kỳ vọng lên Quang Hải
Sự quan tâm của dư luận thời gian qua xung quanh thương vụ xuất ngoại của Quang Hải đủ để nói lên mức độ kỳ vọng của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ vào cầu thủ này, ngoài việc lựa chọn một CLB Pháp để thi đấu, một lý do nữa khiến vụ chuyển nhượng Quang Hải làm tốn nhiều giấy mực của báo chí là bởi lịch sử xuất ngoại không mấy khả quan của cầu thủ Việt Nam, với phần lớn các thương vụ xuất ngoại mang nặng yếu tố thương mại hơn là chuyên môn.
Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại không ít, nhưng thành công thì chẳng được bao nhiêu, cụ thể đếm nhanh từ vụ chuyển nhượng Lê Huỳnh Đức sang Trung Quốc khoác áo CLB Chongquin Lifan năm 2001 thì đến nay ít nhất phải diễn ra hơn 10 thương vụ xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam, nhưng để lại dấu ấn thuần túy về chuyên môn thì chỉ gói gọn trong hai cái tên Lê Công Vinh và Đặng Văn Lâm.
Ngoài Công Vinh và Văn Lâm, đã có rất nhiều cầu thủ Việt Nam được kỳ vọng lớn khi xuất ngoại như nhóm cầu thủ thuộc lứa HAGL - JMG khóa 1 Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng nhưng rốt cuộc chẳng để lại dấu ấn gì và lặng lẽ hồi hương khi hết hạn hợp đồng.
Gần đây nhất là trường hợp của Đoàn Văn Hậu, hậu vệ trái này được CLB Hà Lan SC Heerenveen hỏi mượn 1 năm từ CLB Hà Nội nhưng chỉ chủ yếu khoác áo đội trẻ và không tạo được đủ ấn tượng để được giữ lại.
Quyết định dũng cảm của Quang Hải
Ở tuổi 25, Quang Hải rất dũng cảm khi quyết định xuất ngoại và điểm đến lại không phải các nền bóng đá mạnh hơn của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản mà lại là Pháp với một CLB đang thi đấu ở giải hạng nhì.
Ở hầu hết các thương vụ xuất ngoại gần đây, cầu thủ thường xuất ngoại khi còn rất trẻ, như nhóm cầu thủ HAGL được đưa sang J-League 2 năm 2016 khi mới 21 tuổi, Văn Hậu rời CLB Hà Nội sang Hà Lan thi đấu khi mới 20 tuổi.
Với độ tuổi trẻ như vậy, dù thương vụ xuất ngoại có không thành công như kỳ vọng thì ít nhất người ta vẫn có thể "bàn lùi" kiểu cầu thủ đã học hỏi được nhiều điều cũng như khi trở về nước còn nhiều thời gian và không gian để phát triển.
Nhưng với Quang Hải thì khác, ở tuổi 25, tiền vệ này xuất ngoại khi đã ở vào độ chín của sự nghiệp và không thể đặt mục tiêu học hỏi khi ra nước ngoài thi đấu nữa, Quang Hải chỉ có hai con đường: hoặc thành công và tiến đến những cột mốc mới; hoặc thất bại và phải chấp nhận một bước lùi lớn cho sự nghiệp của mình.
Cơ hội và thách thức cho Quang Hải
Thương vụ Quang Hải được phía Pau FC chính thức công bố hôm 29/6, nhưng từ vài ngày trước đó, thông tin về việc Pau FC sẽ là đội bóng mới của Quang Hải đã được tiết lộ từ tờ báo thể thao hàng đầu nước Pháp L'Equipe.
Những thông tin về đội bóng Pau FC ngay lập tức được cộng đồng mạng Việt Nam đổ xô tìm kiếm và một trong những khía cạnh được bàn tán nhiều nhất là việc Pau FC là một CLB nhỏ bé với sân vận động có sức chứa vỏn vẹn hơn 4000 chỗ ngồi.
Đó là một chi tiết thoạt nghe có vẻ không tích cực lắm nhưng thực chất cơ hội lớn nhất của Quang Hải lại nằm ở đây, bởi chính ra ở một CLB với tiềm lực khiêm tốn không cho phép họ sở hữu nhiều ngôi sao trong đội hình như vậy, khả năng được ra sân thi đấu của Quang Hải mới tăng lên đáng kể so với các CLB lớn hơn.
Vị trí thi đấu cũng là một khía cạnh cộng hưởng mà ở đó chúng ta có thể thấy cơ hội được ra sân của Quang Hải là tương đối khả quan, những cầu thủ tấn công như Quang Hải luôn là ưu tiên khi thay đổi người so với các vị trí nơi hàng phòng ngự vốn cần đặt cao yếu tố ổn định và an toàn, thêm một tín hiệu lạc quan nữa là từ mùa giải sắp khởi tranh tới đây, FIFA chính thức tăng số lần thay đổi người mỗi trận từ 3 lần lên 5 lần.
Tất nhiên, đi cùng với cơ hội sẽ luôn là thách thức, có thể dễ dàng kể ra các thách thức quen thuộc với cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại như khả năng giao tiếp, thích nghi với môi trường xã hội và văn hóa khác biệt so với Việt Nam.
Ngoài ra, nói gì thì nói dù Pau FC có vẻ là một lựa chọn vừa sức nhưng suy cho cùng nó chỉ vừa sức khi so với những lựa chọn khác, còn phải thẳng thắn thừa nhận đẳng cấp chơi bóng ở giải hạng nhì Pháp vẫn cao hơn rất nhiều V-League với những đòi hỏi khắt khe về tốc độ, thể lực và tư duy xử lý trái bóng.
Ở Việt Nam, Quang Hải có thể xem là một "thiên tài" bóng đá, là cầu thủ "trăm năm có một", nhưng để hy vọng tìm được chỗ đứng tại Pau FC, tiền vệ này phải thật sự nỗ lực, chăm chỉ tập luyện và không loại trừ khả năng cần thêm chút ít yếu tố may mắn nữa.
Nhận xét
Đăng nhận xét