Mắt dân có thể thành đèn pha soi tham nhũng?
Diễm Thi
Theo RFA
Chính phủ muốn biến con mắt của người dân thành 'những ngọn đèn pha' để tham nhũng không có chỗ ẩn nấp. Liệu điều này có thực sự khả thi khi việc tố cáo tham nhũng từ phía dân chúng và những người liên quan lâu nay không được lắng nghe đến nơi đến chốn?
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng dự kiến diễn ra vào ngày 30 tháng 6 năm 2022. Trước đó vài ngày, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu với truyền thông nhà nước rằng: “Phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã từng dạy chúng ta”.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu nhận định với RFA về câu nói của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc:
“Đây là điều mà đảng, chính phủ và nhà nước Việt Nam mong muốn hướng tới. Đó là công dân có quyền đặt ra và tìm hiểu về hoạt động của những công chức nhà nước, những người mà có thể có các hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho cá nhân mình hoặc cho nhóm của mình. Điều đó có ghi hết trong hiến pháp và trong luật của Việt Nam nhưng trong thời gian vừa qua việc thực thi chưa đi vào nề nếp.
Đôi khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự để ý hay là chưa thực sự lắng nghe ý kiến của quần chúng Nhân dân. Ông Trưởng ban nội chính trung ương nói điều đó có thể coi là một bước chuyển biến của cơ quan thực thi pháp luật trong việc lắng nghe nhiều hơn những ý kiến giám sát của quần chúng Nhân dân trong việc phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, hy vọng tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức quyền trong bộ máy công quyền ở Việt Nam sẽ giảm thiểu và dần mất đi.”
Một số người dân mà RFA trò chuyện đều coi lời nói của ông Phan Đình Trạc là mị dân, bởi người dân chẳng có gì trong tay để chống tham nhũng, tiêu cực trong khi nhà nước có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng xuống đến tỉnh, thành. Thực tế còn cho thấy có những trường hợp người dân tố cáo tham nhũng trở thành nạn nhân bị trù dập.
Cấp cao nhất có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, được thành lập vào ngày 1 tháng 2 năm 2013 do Tổng bí thư ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Cấp thấp hơn có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành với các bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban. Chỉ trong tháng 6 năm 2022, hàng loạt ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành được tỉnh ủy nhiều địa phương thành lập như tỉnh ủy Long An hôm 13/6; tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu hôm 16/6; tỉnh ủy Sóc Trăng hôm 22/6; tỉnh ủy Tây Ninh hôm 24/6; tỉnh ủy Lào Cai hôm 26/6… Đến ngày 29/6, thống kê được truyền thông Nhà nước đưa ra cho thấy có 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có cơ quan phòng,chống tham nhũng cấp tỉnh, thành.
Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Ban Bí thư ký ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố vào đầu tháng 6 năm 2022.
Anh Quang, một kỹ sư xây dựng ở TP.HCM nói với RFA với tư cách một người dân, về phát biểu của ông Phan Đình Trạc:
“Cả một ban phòng chống tham nhũng tiêu cực của trung ương cũng có rồi. Vừa rồi còn thành lập các ban phòng chống tham nhũng tiêu cực ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đầy đủ cả. Lập ra để làm gì mà bây giờ mà bảo Nhân dân? Họ có công cụ chống tham nhũng gì trong tay đâu. Họ chỉ nhìn thấy bằng hình ảnh trực quan. Ví dụ ông cán bộ nhà nước đó hoặc quan chức nhà nước đó từ trước đến nay nghèo khổ không có gì hết trong khi có chức vụ mà lương thì theo bảng lương của nhà nước không quá mười lăm, mười bảy triệu đồng thì lấy đâu ra mà ổng có những cái tài sản lớn như ô tô hay những biệt phủ hàng trăm triệu đồng?
Mọi thứ nó sờ sờ ra đó. Mấy ông cứ theo đó mà mấy ông truy ra. Quy định của đảng và nhà nước đối với cấp nào thì phải kê khai tài sản. Bây giờ qua một năm kiểm tra lại thấy tài sản tăng lên là nhờ cái gì? Đó là những công cụ, những tài liệu để xác định người đó có tham nhũng hay không chứ có gì khó đâu mà bắt Nhân dân soi xét. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban nội chính trung ương nói như thế là mị dân!”
Pháp luật Việt Nam quy định rõ: “Người dân được làm những việc pháp luật không cấm. Cán bộ, đảng viên được làm những việc pháp luật cho phép”. Người dân và quan chức đều có quyền làm giàu nhưng phải chính đáng, hợp pháp. Nhiều quan chức Việt Nam khi bị bắt, người dân mới vỡ lẽ ra họ có khối tài sản kếch xù.
Mới hồi tháng trước, cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà bị bắt giam gây chú ý dư luận vì khối tài sản quá lớn, nhiều hơn là lý do bị bắt. Theo truyền thông Nhà nước, tài sản của ông Hà gồm căn biệt thự đang ở được ước đoán có giá gần trăm tỉ đồng cùng dàn cây cảnh độc, lạ và 4 chiếc ô tô đắt tiền, gồm: 1 chiếc SUV hiệu Lexus LX570 có giá từ 8 - 10 tỉ đồng tùy phiên bản; 1 chiếc Lexus ES 250 giá từ 2,6 tỉ đồng; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA 2.0 giá từ 1,2 tỉ đồng; 1 chiếc Mercedes E 300 giá từ gần 2,9 tỉ đồng.
Những tài sản đó không phải là tài sản được cất giấu trong nhà băng ở nước ngoài, mà là tài sản ai cũng có thể thấy, không cần đến ‘ngọn đèn pha’ từ Nhân dân như lời nói của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Ông Võ Minh Đức, một sĩ quan chính trị nói với RFA về phát biểu của ông Trạc:
“Cái biện pháp đó tôi thấy là không khả thi. Thậm chí người mà tố cáo phanh phui tiêu cực trong chính cơ quan (có người tiêu cực –NV) đã lãnh hậu quả chỉ vì đấu tranh, chỉ vì phanh phui tiêu cực nói gì đến dân. Nhân dân mà lên tiếng còn bị khủng bố nữa là khác.
Ông ấy là quan nên nói theo cái kiểu làm quan. Nói đại, nói bừa, nói cho có nói để tuyên truyền. Họ muốn tỏ cho dân thấy rằng họ quyết tâm chống tham nhũng đến cùng. Chỉ là mị dân. Người dân cũng chả dại mà làm cái việc đó mặc dù người ta cũng căm ghét việc tham nhũng.
Tất cả những người cán bộ đảng viên có quyền có chức ở trong bộ máy hành chính nhà nước không có ông nào nghèo hết, trong khi thu nhập lương công khai theo cấp bậc ai cũng biết. Ai cũng khai ba đời xuất thân là thành phần nông nhân và bần cố nông. Thế tiền của ở đâu ra mà xây những căn nhà hơn chục tỷ như thế?”
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra hôm 11 tháng 8 năm 2021, ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài phát biểu khá dài. Ở đoạn gần cuối bài, khi nói về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” ông Trọng nhắc lại một câu làm nhiều người để ý: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”
Nhận xét
Đăng nhận xét