Bỏ quỹ bình ổn giá xăng lúc này có hợp lý?

Thursday, June 30, 2022 7:35 AM //  ,  , 

Theo RFA 


Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội - AFP 

Bộ Tài chính Việt Nam khi lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giá Sửa đổi đã cho rằng không nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu.Cụ thể, theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua theo giá xăng dầu thế giới, trong khi quỹ bình ổn xăng dầu không đủ lớn, có dấu hiệu cạn kiệt… do đó đề xuất không nên duy trì quỹ bình ổn xăng dầu, mà để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng.



PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, giải thích với RFA hôm 29/6/2022:


“Trong tất cả các quỹ bình ổn giá, hiện nay chỉ còn một quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trước kia vào năm 1993, Nhà nước có quyết định 151 thành lập nhiều quỹ bình ổn giá, nhưng sau một hai năm thực thi thấy không phù hợp với quy luật của thị trường, cũng như không phù hợp với các hiệp định thương mại tự do nên đã hủy bỏ. Đánh giá về quỹ bình ổn giá xăng dầu có rất nhiều ý kiến trái chiều, có quan điểm cho rằng trong cơ chế thị trường không nên có quỹ bình ổn giá, để cho thị trường tự điều tiết. Nhưng Nhà nước muốn phải giữ nó vì trên thị trường xăng dầu chưa có sự cạnh tranh thật sự, còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, buộc Nhà nước phải quy định giá. Mà khi Nhà nước quy định giá thì Nhà nước phải có một lực lượng tài chính để phòng ngừa, khi giá thế giới tăng cao nhà nước xả quỹ đó ra và khi giá thấp thì nhà nước thu một số về xây dựng quỹ.”


PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh ngày nay thì quỹ bình ổn giá xăng dầu có tác dụng đối với Chính phủ khi điều hành vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát. Nhưng đối với các doanh nghiệp thì chẳng có lợi gì, thậm chí bị thiệt, vì tiền quỹ được để lại doanh nghiệp nhưng khi quỹ âm thì Nhà nước không tạm ứng, chỉ khi nào thu lại được quỹ thì doanh nghiệp mới lấy lại được. Như vậy theo ông Long, khi quỹ đó âm thì doanh nghiệp phải vay ngân hàng để bù quỹ.


Theo Bộ Công thương, từ đầu năm 2022 đến ngày 16/6/2022, giá xăng tại Việt Nam đã có 12 lần tăng và ba lần giảm giá. Trong đó, mức chi cao nhất là 1.000 đồng/lít và mức trích cao nhất là 650 đồng/lít.


Cũng theo số liệu của Bộ này, chỉ trong quý I năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỷ, nhưng số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỷ đồng.


PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết thêm ảnh hưởng của quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với người dân:


“Đối với người tiêu dùng thì người ta đã ứng ra một phần trước (khi giá xăng rẻ)… đến khi giá tăng cao thì  quỹ đó sẽ giúp giá giảm bớt. Như vậy cũng chẳng có tác dụng gì với dân. Theo quan điểm của Bộ Công thương trước kia, mỗi lần điều chỉnh là 30 ngày, sau đó rút xuống 15 ngày, còn hiện nay là 10 ngày. Với tần suất 10 ngày thì quỹ bình ổn là cần thiết, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương sắp tới để cho giá trong nước sát với giá thế giới, thì sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng theo hai ba ngày, thậm chí là hằng ngày. Mà đã điều chỉnh hằng ngày thì không cần quỹ bình ổn giá nữa. Cho nên vì lý do đó mà Bộ Tài chính bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu ra khỏi Luật giá.”


Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện phụ thuộc vào giá thế giới, thứ hai phụ thuộc chính sách tài chính của Việt Nam, tức chính sách thuế, thứ ba là phụ thuộc quỹ bình ổn giá. Ông Long cho rằng trong bối cảnh vừa qua, nếu không có quỹ bình ổn, thì giá xăng ở trong nước sẽ tăng bằng giá thế giới, nhưng hiện quỹ bình ổn đã cạn kiệt thì chỉ còn sử dụng được công cụ thuế.


Theo thông tin từ Bộ Tài chính, quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động như công cụ hồ điều hòa, khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao, tức người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA nhận định:


“Đề nghị bỏ bớt qũy bình ổn thì tôi nghĩ nhân dịp này nên cố gắng công bố đầy đủ tất cả các qũy đã được lập ra, do cơ quan nào lập, ai chịu trách nhiệm, chi tiêu như thế nào, công khai minh bạch đến đâu, việc bảo đảm sự giám sát độc lập như thế nào. Tất cả những việc ấy rất cần thiết bởi các qũy đều là tiền của dân, nếu không được công khai minh bạch, không được đảm bảo có sự giám sát của người dân thì chắc chắn người dân không đồng tình.”


Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nêu ý kiến của mình:


“Không nên tồn tại cái quỹ đó, người dân tốn thêm tiền mà không được hưởng lợi gì. Thậm chí nó sử dụng thế nào mình cũng không biết. Không hiểu cái quỹ đó vận hành thế nào, nhưng giá vẫn tăng đều. Vấn đề là sử dụng không minh bạch.”


Dù quỹ bình ổn xăng dầu thực chất không giúp người tiêu dùng giảm chi phí, nhưng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, thì quỹ bình ổn xăng dầu là công cụ chống xăng dầu tăng giá sốc. Tuy nhiên ông Thịnh cho rằng, vấn đề là sử dụng quỹ sao cho phù hợp, linh hoạt, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Vì quỹ chỉ có tác dụng ở những thời điểm nhất định, giúp Nhà nước điều tiết giá và ‘chống sốc’ tăng giá cho người dân chứ không thể là công cụ làm thay mãi được.


Về lâu dài, theo ông Thịnh, khi có thị trường xăng dầu cạnh tranh, giá xăng dầu trong nước theo giá thị trường, có thể bỏ quỹ này đi và thay bằng công cụ khác như kho dự trữ lớn, khi cần điều tiết giá có thể can thiệp bằng kho dự trữ xăng dầu, sử dụng sắc thuế phù hợp để giảm giá... 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?