|
Ảnh minh họa: Tàu cá nằm bờ tại Quảng Ngãi - AFP |
Hơn 50% tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không thể ra khơi vì giá xăng dầu tăng quá cao. Tác động của tình trạng này ra sao và Chính phủ đã làm gì để hỗ trợ?
Thống kê hơn phân nửa số tàu cá của ngư dân phải nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao do chính Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đưa ra hôm 24/6/2022.
Từ tháng 12 năm 2021 đến nay giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới… Nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản theo Bộ NN-PTNT, trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản là dầu diesel 0.05S đã tăng giá 65%, từ 17.579 đồng/lít lên 29.020 đồng/lít.
Giá dầu tăng đã dẫn đến 40 đến 55% tàu cá không thể ra khơi, vì chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45 đến 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản. Bộ NN-PTNT cho biết thêm.
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27/6, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, cho biết:
“Từ trước đến nay chưa bao giờ mà giá xăng dầu lên cao đến như vậy. Hiện nay giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng và ngư dân vẫn tiếp tục đậu nhà. Họ phải chờ đến khi nào có tin về một nguồn cá có thu nhập lớn thì họ mới dám đi. Dù hiện nay du lịch của Việt Nam cũng đã quay trở lại, bình quân giá cá cũng có tăng lên chút ít, tuy nhiên nó vẫn chưa đủ để bù cho giá xăng dầu tăng. Ảnh hưởng rất lớn đến những ngành nghề phục vụ nghề cá trên bờ như cung cấp nước đá, cung ứng xăng dầu, chế biến hải sản, giữ xe… Ngoài ra, một ảnh hưởng rất là lớn nữa là chúng ta không có đủ số lượng tàu bè để bảo đảm sự hiện diện của chúng ta trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Cũng trong ngày 24/6, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ LĐTB-XH hỗ trợ cho thuyền viên tàu cá. Cụ thể, các thuyền viên làm việc trên tàu cá nếu bị tạm ngừng hoạt động vì giá nhiên liệu tăng sẽ được hỗ trợ sáu tháng theo mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019 của Chính phủ.
Một chủ tàu cá giấu tên đánh bắt xa bờ ở Quảng Ngãi, khi trả lời RFA cho biết những chi phí của một chuyến đánh bắt:
“Đi tốn 8.000 lít dầu, 500 cây nước đá, rồi gạo nước thứ gì cũng đắt hết. Chuyến đi một tháng nếu trời êm, còn trời động một tháng rưỡi. Giá dầu cao quá thì tàu bạn chắc cũng không đi biển vì tổn phí nhiều quá. Hồi kia ví dụ giá dầu rẻ mà cá có giá thì đi một phiên một tháng, bây giờ giá dầu lên rất lo có đủ tổn phí hay không? Bây giờ giá dầu lên điện lên giá vàng lên, cái gì cũng lên chắc dân đói quá biết nói với ai đâu.”
Theo báo chí Nhà nước, công văn của Bộ NN-PTNT đề nghị hỗ trợ ngày 24/6 không nhắc đến việc hỗ trợ cho chủ tàu phải nằm bờ vì giá dầu tăng. Một người thu mua hải sản ở một cảng cá khu vực phía Nam không nêu tên, cho biết tàu cá nếu không ra khơi thì không có tiền để đóng lãi suất ngân hàng:
“Cả một cái cảng cá một năm nay gần như là sạch hơn cả nhà mình. Tôi ở cảng này 20 năm, từ ngày thành lập tới giờ, chỉ thấy năm nay là hết sức khó khăn, đầu tiên là dịch bệnh, bây giờ quay qua giá dầu. Bà con ở đây hầu hết vay ngân hàng, khoảng 97 %, mà nếu không làm được thì lãi suất ngân hàng tiền đâu đóng. Nếu đậu tàu ở nhà, thì ngân hàng thế nào cũng lại kéo nhà, kéo ghe… rất là khó. Mà giá dầu như thế này mà còn kéo dài, thì tôi khẳng định năm nay bà con ngư dân sẽ gặp rủi ro rất lớn.”
Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam hiện có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, nhu cầu xăng dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng. Với giá dầu tăng, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.
Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng - ông Trần Văn Lĩnh cho biết đã có kiến nghị với Chính phủ về tình trạng tàu cá không thể ra khơi vì giá dầu tăng. Tuy nhiên ông Lĩnh cho biết không nhận được phản hồi tích cực:
“Hội nghề cá cũng đã đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế phí bảo vệ môi trường cho xăng dầu giảm xuống… nhưng vừa rồi Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thông qua giải pháp này, vì Quốc hội đang mãi lo tính toán cân đối thu chi ngân sách. Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chỉ nhận được sự phản hồi như thông cảm hay thông tin, còn về chính sách thì chúng tôi chưa nhận được một sự phản hồi nào. Việt Nam đã tham gia tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nên dường như không có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân. Cũng có những hỗ trợ khác Nhà nước không công bố, ví dụ như hỗ trợ cho tàu thuyền ra biển tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo, nhưng rất ít, không đáng kể.”
Ngư dân Việt Nam không chỉ gặp khó khăn do giá dầu tăng hay dịch bệnh tác động đến giá hải sản. Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 8, là mùa khai thác vì là thời gian cá biển tập trung nhiều ở các ngư trường, thì ngư dân Việt lại vướng phải lệnh Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt trên Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền toàn bộ.
Nhận xét
Đăng nhận xét