Người vợ điếc chạy chợ 20 năm lo cho chồng mù và hai con

 Mạnh Mường | 11-08-2023 - 10:58 AM

(Tổ Quốc) - Đã hơn 20 năm, bất kể mưa nắng, chị Huệ ở thôn La Tinh đều đặn đạp xe hàng chục cây số, nhặt nhạnh từng mớ rau, chạy chợ nuôi chồng mù và 2 con.

Hai mươi năm nhặt nhạnh từng mớ rau nuôi 4 miệng ăn

Chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1974) bị điếc từ bé, được mai mối rồi nên duyên với anh Nguyễn Đình Lượng (SN 1980) bị mù từ bé. Họ có với nhau hai người con, 1 trai và 1 gái.

Cả gia đình đang sống trong căn nhà nhỏ ở xóm 1, thôn La Tinh, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ngôi nhà ở gần đình làng La Tinh, được một bà cụ không con cái trong họ để lại cho.

Chúng tôi biết đến hoàn cảnh này trong dịp về khảo sát, xác minh để hỗ trợ làm nhà cho chị Nguyễn Thị Đoài (cũng thuộc thôn La Tinh), một người mù, sống đơn độc, nghèo khổ, đang mắc ung thư xương. Chị Đoài lại chính là chị gái của anh Lượng. Chính quyền địa phương cho biết, cả hai chị em đều là Hội viên hội người mù huyện Hoài Đức.

Anh Lượng không những bị mù từ nhỏ, mà còn thêm chứng thần kinh không ổn định, nên không có công việc làm, phải phụ thuộc vào khoản trợ cấp người khuyết tật.

Anh Nguyễn Đình Lượng (SN 1980) và chị gái bị mù từ bé. Hiện sống phụ thuộc vào trợ cấp

Hơn 20 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, chị Huệ đều đặn đạp xe hàng chục cây số, ra chợ đầu mối nhặt nhạnh từng mớ rau, cọng hành, từng quả cà, trái chanh rồi lại mang đi bán lại từng thứ ở mạn Ngã Tư Sở.

Hơn 3 giờ sáng, khi chồng con còn đang say giấc, chị Huệ lục đục dậy, chuẩn bị cho chuyến chạy chợ như thường ngày. Hành trang của chị là chiếc nón lá, chiếc làn cũ và chiếc xe đạp cọc cạch đã không còn phanh.

Anh Lượng nghe tiếng vợ chuẩn bị đồ cũng quờ quạng nhổm dậy. Anh hết men ra cửa đứng rồi lại lần lựa vào giường ngồi. Cả hai vợ chồng không ai nói với ai lời nào.

Người vợ điếc chạy chợ 20 năm lo cho chồng mù và hai con - Ảnh 2.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1974), anh Nguyễn Đình Lượng (SN 1980) ở thôn La Tinh 1, xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội.

Gần 4 giờ sáng, chị Huệ lọc cọc dắt xe ra cửa. Chúng tôi quyết định theo chân người phụ nữ này, để xem hành trình mưu sinh, nuôi cả gia đình từ bao năm nay của chị ra sao.

Người phụ nữ và chiếc xe đạp lầm lũi đi trong đêm, qua những con đường làng có nhiều khúc quanh, qua những cánh đồng vắng tanh rồi mới ra đến đường lớn mạn Hà Đông.

Chúng tôi đã nhiều lần thót tim, khi chứng kiến cảnh chị Huệ nhảy khỏi chiếc xe đạp để tránh cho kịp những chiếc xe tải chở nặng, chạy ẩu.

Điểm đến của chị Huệ là một chợ đầu mối nông sản ở Hà Đông. Đạp xe đến nơi thì chị vội vã gửi xe rồi đi nhặt nhạnh rau, củ quả ở các sạp quen.

Chị Tống Thị Sâm (50 tuổi) ở chợ đầu mối rau quả này nói rằng, đã hơn 5 năm nay cung cấp rau cho chị Huệ:

"Ở chợ, mọi người thấy nó (chị Huệ - PV) khổ khổ, lại điếc đặc, ai cũng thương, nhưng không ai biết chồng nó bị mù đâu. Bình thường, nhập rau cho nó, chị cũng chỉ lấy giá gốc thôi, thi thoảng rau củ về hơi dập môt tí thì cũng cho nó bán kiếm thêm", chị Sâm miệng nói, tay thoăn thoắt lựa nhanh túi cà tím rồi dí vào tay, nói tặng chị Huệ, đem đi mà bán.

Chị Nguyễn Thị Hằng (53 tuổi) bán trà đá trong chợ biết chị Huệ nhiều năm nay cũng bảo rằng: "hôm nào nó chả gửi xe đạp ở đây, cũng biết là nó khổ nhưng không biết là đến mức ấy."

Người vợ điếc chạy chợ 20 năm lo cho chồng mù và hai con - Ảnh 3.

Chị Tống Thị Sâm (50 tuổi) ở chợ đầu mối rau quả của Hà Đông, Hà Nội.

Con gái ngừng học, muốn kiếm tiền để mẹ được sống tử tế hơn

Khi chúng tôi hỏi chuyện bà con ở quanh thôn La Tinh thì ai ai cũng hết lời khen chị Huệ tần tảo, chịu khó. Chị ra khỏi nhà từ mờ sáng, có hôm tối mịt mới lại về đến nhà, nên thời gian gặp con cái, ăn bữa cơm gia đình cũng thưa thớt.

Bà Lê Thị Hòa (70 tuổi) cùng xóm, nhiệt tình dẫn chúng tôi vào thăm nhà anh Lượng, chị Huệ rồi vồn vã cho biết: "chúng tôi người làng, cái gì chả biết, nhà Lượng khổ từ thời bố mẹ, tới đời chúng nó rồi giờ con cái vẫn khổ, ăn chả đủ ăn, thi thoảng bà con trong xóm xin được yến gạo lại chia cho."

Người vợ điếc chạy chợ 20 năm lo cho chồng mù và hai con - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Hòa (70 tuổi) hàng xóm của gia đình anh Lượng, chị Huệ ở thôn La Tinh.

Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 30m2 của gia đình 4 người, có 2 cửa ra vào nhưng một cửa luôn đóng vì không đủ lối đi, chiếc giường nơi anh Lượng nằm cùng chính là nơi khách ngồi. Rất nhiều mảng tường bị bục, chực rơi xuống. Cửa sổ không có song chắn, bên ngoài bức tường nhà mục ải vì mưa ngập, lâu ngày đã ngấm đẫy nước.

Căn nhà cấp 4, rộng 30m2, của ông bà cụ không có con cái, làm từ những năm 1980. Trước khi mất, họ đã để lại cho vợ chồng anh Lượng, chị Huệ.

Nhà được chủ cũ làm từ những năm 1980, sau khi được cho về ở thì vợ chồng anh Lượng, chị Huệ cũng có sửa sang lại vài lần. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng căn nhà đã hư hại quá nhiều mà không thể cải tạo lại vì móng và tường nhà đã không còn trụ vững.

Chị Huệ cứ ước mơ rằng, rồi tới một lúc nào đó, sẽ làm lại ngôi nhà mới cho chồng và các con. Nhưng chính bản thân chị cũng thừa nhận là, với những xe rau hàng ngày, tiền ăn còn chưa đủ thì không biết đến bao giờ chị mới có thể đủ tiền xây dựng lại căn nhà kiên cố hơn.

Rất nhiều mảng tường nhà bị bục, chực rơi, cửa sổ không có song chắn, bên ngoài bức tường nhà mục ải vì mưa ngập, lâu ngày đã ngấm đẫy nước.

Cũng do gia đình quá khó khăn, mà con gái lớn của chị Huệ phải từ bỏ ước mơ đại học để đi làm thuê, kiếm tiền phụ với mẹ, nuôi em trai năm nay vào cấp 3.

Cô bé từng xót xa, bày tỏ rằng, lúc quyết định dừng việc học cháu đã rất hụt hẫng nhưng không thể chia sẻ ra với ai.

'Nhà cháu nghèo quá, mẹ cháu chưa ngày nào được nghỉ ngơi. Thậm chí lúc sắp sinh em cháu thì mẹ vẫn đạp xe hàng chục cây số đi bán từng bó rau..

Ước mơ của cháu là có thể kiếm tiền nuôi em ăn học, để mẹ cháu bớt khổ. Cho mẹ cháu cuộc sống tử tế hơn. Cả đời mẹ đã khổ quá rồi.

Cháu cố gắng lắm nhưng hiện tại cũng chỉ đủ đóng tiền điện cho gia đình và đóng tiền học cho em cháu thôi."

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch Hội người mù huyện Hoài Đức:

"Đây là một trường hợp vô cùng khó khăn, éo le. Cả anh Lượng và chị gái đều là hội viện Hội người mù. Bố mẹ mất sớm, một anh trai cũng mất cách đây ít năm. Anh Lượng không những hỏng mắt mà thần kinh cũng không được ổn định, nên thỉnh thoảng lại lên cơn rồi đập phá. Anh Lượng sống dựa vào trợ cấp thôi. Mọi việc trong gia đình, lo cho con cái học hành đều một tay chị Huệ lo cả."

Người vợ điếc chạy chợ 20 năm lo cho chồng mù và hai con - Ảnh 7.

Từ phải qua trái là: ông Bùi Trọng Minh - Phó chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội; anh Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch Hội người mù huyện Hoài Đức; ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đông La, huyện Hoài Đức trong buổi trò chuyện, chia sẻ về các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Đông La.

00:03:24

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1974), anh Nguyễn Đình Lượng (SN 1980) và 2 người con đã nỗ lực không ngừng, nhưng mọi thứ phía trước còn quá khó khăn. Nỗi khao khát lớn lao của họ là có được ngôi nhà kiên cố nhưng điều đó đối với họ ngày càng xa vời.

Rất mong Quý nhà hảo tâm chung tay, giúp đỡ gia đình chị Huệ

Thông qua chương trình XÂY NHÀ CHO NGƯỜI MÙ NGHÈO

Số tài khoản: 12410008685555. BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP.

Xin ghi rõ nội dung: Ủng hộ chị Huệ, anh Lượng xây nhà

Hotline: 0943.113.999

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?