ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 27-4-2015
Biểu tình trước văn phòng liên lạc Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 17/04/2015, phản đối phiên tòa xử nhà báo Cao Du.REUTERS/Tyrone Siu
Theo RFI
Thụy My
ngày 27-04-2015 18:01
Xã hội dân sự Trung Quốc đang bị bóp nghẹt
Le Figaro hôm nay có bài điều tra mang tựa đề « Xã hội dân sự Trung Quốc đang bị đàn áp đến nghẹt thở ? ». Gần một ngàn nhà tranh đấu đã bị bắt trong một năm qua, và tân Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình – mà người ta hy vọng là một nhà cải cách – nay tỏ ra dị ứng trước mọi chỉ trích.
Tác giả nhận xét, lâu nay Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn kiểm soát chặt chẽ xã hội, bóp nghẹt từ trong trứng nước mọi phản kháng. Tuy nhiên trong thập kỷ vừa qua đã tỏ ra linh hoạt hơn, với sự xuất hiện các không gian tự do trên internet và sự trỗi dậy của xã hội dân sự. Nhưng đó là trước khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào tháng 12/2012.
Tân Đại đế Trung Quốc đã nhanh chóng chôn sâu hy vọng của những người chủ trương tự do, mong ông ta sẽ là một nhà cải cách, đưa đất nước vào con đường mở cửa chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, chính quyền thẳng tay đàn áp những tiếng nói đối lập, và xã hội dân sự không còn có cơ phát triển.
Ai là đối tượng bị trấn áp ? Đó là các nhà đấu tranh cho tự do, cho các quyền dân sự, giáo sư đại học, luật sư, nhà báo, blogger, trí thức. Họ bị câu lưu, bị bỏ tù. Gần một ngàn nhà hoạt động nhân quyền đã bị bắt trong năm ngoái, bằng con số của hai năm trước đó cộng lại – kết quả tệ hại nhất từ hai thập kỷ qua.
Le Figaro nêu ra một số trường hợp tiêu biểu : nổi bật nhất là vụ giáo sư người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti bị kết án chung thân dù ông có chủ trương ôn hòa. Nhà báo Cao Du (Gao Yu), 71 tuổi, bị tù giam vì « tiết lộ bí mật Nhà nước », và không chắc sẽ trụ lại được đến khi ra tù, lúc đó đã 80 tuổi. Luật sư nhân quyền Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang) vẫn đang chờ ngày ra tòa, còn giáo sư Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) đấu tranh chống tham nhũng thì lãnh án bốn năm tù. Trong khi trước đây, rất hiếm khi các luật sư bị bắt giữ.
Mục tiêu của chính quyền là gì ? Theo Le Figaro, thay vì xem xã hội dân sự là một đối tác góp phần vào công cuộc phát triển, chính quyền Bắc Kinh lại coi đây là mối nguy hiểm cho ổn định xã hội. Bởi vì toàn hệ thống chỉ có mỗi một mục đích là đảm bảo cho sự tồn tại và thống trị của Đảng Cộng sản.
Luật sư Mạc Thiểu Bình (Mo Shaoping) cho rằng : « Trung Quốc như một cái nồi áp suất, nếu để một ít hơi nước thoát ra thì có nguy cơ phát nổ ». Còn Nicolas Bequelin, giám đốc Amnesty International vùng Đông Á nhận định: « Chính quyền ngăn cản việc định chế hóa xã hội dân sự, để tránh trở thành một lực lượng…Các tổ chức phi chính phủ (NGO) được làm ngơ cho hoạt động vài năm, cho đến khi ảnh hưởng của họ lớn hơn, trở nên một mối phiền phức thì bị tìm cách giải tán ».
Một câu hỏi khác : luật chống khủng bố sắp được đưa ra liệu sẽ là vũ khí đối phó với các tổ chức phi chính phủ hay không ? Theo báo chí nhà nước, các NGO nước ngoài sẽ bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan an ninh. Họ bị buộc phải có được sự bảo trợ của một cơ quan chính phủ, không được làm gì gây nguy hiểm cho « an ninh quốc gia » và « đạo đức xã hội » - những khái niệm rất mơ hồ.
Liệu chính quyền đã đi quá xa khi trừng phạt năm nhà hoạt động nữ quyền ? Vụ bắt giữ Lý Đình Đình (Li Tingting), Vi Đình Đình (Wei Tingting), Vương Man (Wang Man), Trịnh Sở Nhiên (Zheng Churan) và Vũ Vanh Vanh (Wu Rongrong), tất cả đều dưới 33 tuổi, đã bị quốc tế lên án và gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Các cô bị bắt khi phát truyền đơn tố cáo nạn quấy rối tình dục, và trước đây từng đấu tranh chống bạo lực gia đình, tình trạng thiếu nhà vệ sinh nữ.
Vấn đề cuối cùng được Le Figaro đặt ra là làm thế nào chính quyền có thể kiểm soát được dư luận ? Đảng Cộng sản có hẳn một đạo quân kiểm duyệt phụ trách việc xóa bỏ những thông tin bất lợi trên mạng xã hội, đe dọa đóng cửa những trang web thiếu tích cực. Tháng 9/2011, Tòa án Tối cao Trung Quốc thông báo khung hình phạt ba năm tù cho những ai phổ biến các thông tin « vu khống », được chia sẻ trên 500 lần hay được trên 5.000 lần truy cập.
Chế độ Bắc Kinh cũng vận dụng đến phương pháp hiện đại hơn, trước đây là điều cấm kỵ : tham khảo ý kiến người dân. Chính quyền tung ra nhiều cuộc thăm dò dư luận để tìm hiểu những khát vọng và tâm tư của dân chúng, đánh giá hoạt động của bộ máy điều hành trên nhiều lãnh vực. Nhưng theo Le Figaro, với một dân tộc đa dạng như vậy, bên cạnh đó là sự khác biệt giữa dân thành thị và người nhập cư thiếu phương tiện thông tin, những dân tộc thiểu số không tin tưởng vào Bắc Kinh, có thể khiến kết quả thăm dò sai lệch lớn.
Tờ báo kết luận, bảo đảm sự thịnh vượng cho dân chúng trong khi kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn bình thường hóa sau ba thập kỷ tăng tốc, cùng với việc trấn áp các phong trào muốn đòi được thêm một ít tự do, có vẻ là một thử thách ngày càng phức tạp cho Bắc Kinh.
Phong trào công nhân Trung Quốc lớn mạnh
Cũng về Trung Quốc, nhật báo cánh tả Libération trong bài « Tại Trung Quốc, công nhân đặt điều kiện » cho biết, mặc dù thường xuyên xảy ra những lạm dụng, điều kiện làm việc đang có khuynh hướng được cải thiện và các thương lượng tập thể đang trở nên phổ biến tại nước này, do giới công nhân nắm phần chủ động.
Sự kiện mới tại các nhà máy Trung Quốc, nơi các công đoàn tự do bị cấm đoán, là sự trỗi dậy của ý thức công nhân. Cai Chongguo, Phó giám đốc China Labour Bulletin ở Hồng Kông, chuyên đào tạo cho công nhân Hoa lục các kỹ thuật thương lượng với giới chủ, cho biết : « Trong quá khứ, tôi viết sách nói về các điều kiện làm việc tồi tệ của công nhân Trung Quốc, với đồng lương chết đói và bị bịt miệng. Ngày nay đã thay đổi một cách khó tin : chính những người công nhân đó tổ chức, soạn thảo các yêu sách, đình công, bầu ra những người đại diện, thương lượng và khiến ban giám đốc phải nhượng bộ ».
Tổ chức phi chính phủ này ghi nhận, trong năm 2014 có 1.378 cuộc đình đông ở Hoa lục, so với năm 2013 chỉ có 656 vụ, năm 2012 có 382 vụ và 2011 chỉ có 185 vụ. Và phong trào sẽ còn lan rộng, vì từ đầu năm nay đã diễn ra 345 vụ đình công.
Nếu trước đây các NGO ở Hoa lục chú trọng đến việc hỗ trợ tư pháp cho công nhân, thì nay việc thương lượng tập thể tỏ ra hiệu quả hơn. Yêu sách chủ yếu là đòi tăng lương, nhưng từ một năm qua những cuộc xung đột thường liên quan đến vấn đề trợ cấp bảo hiểm xã hội. Những công nhân nhập cư không muốn quay về quê khi tuổi già đến, đã hiểu được sự quan trọng của hưu bổng.
Cũng theo Cai Chongguo, nếu Bắc Kinh không xuống tay trấn áp, đó là do chính quyền đã hiểu được lợi ích của thương lượng tập thể. Trước hết, họ biết là đàn áp phải trả giá đắt về tài chính cũng như chính trị, vả lại không thể bắt tất cả mọi người. Và nhìn chung, Trung Quốc khi thay đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích tiêu dùng nội địa thì phải tăng lương. Tuy vậy các NGO trợ giúp công nhân cũng thường xuyên bị quấy nhiễu bằng nhiều cách.
Nhật Bản, cường quốc quân sự « mới »
Nhìn sang quốc gia châu Á láng giềng là Nhật Bản, phóng sự của đặc phái viên Le Figaro mô tả « Nước Nhật lấy lại thú vui cường quốc quân sự ». Tác giả nhấn mạnh việc ông Shinzo Abe muốn tăng cường vai trò của quân đội Nhật để đối phó với Trung Quốc và Nga, vào thời điểm ông sẽ là Thủ tướng Nhật đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào thứ Tư tới.
Dù chỉ mang tên là « lực lượng phòng vệ », quân đội Nhật đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Trung Quốc, ngân sách quốc phòng 2015 tăng 2,8% sau nhiều năm liên tiếp cắt giảm. Cánh hữu cầm quyền Nhật Bản cho rằng nước Nhật phải thích ứng với bối cảnh quốc tế đang thay đổi. Tokyo lo ngại sức mạnh đang lên và thái độ hung hăng mới đây của các láng giềng. Một quan chức giải thích : « Nhật Bản đang trải qua một giai đoạn tế nhị : bao quanh là những nước đầy đe dọa, sở hữu lực lượng quân đội đông đảo và bom nguyên tử ».
Trước hết là Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng không ngừng tăng lên từ mười năm qua. Tại Biển Đông, « Trung Quốc cho xây dựng các hải cảng và phi đạo ở Trường Sa. Bắc Kinh muốn thiết lập các căn cứ quân sự để thay đổi nguyên trạng và chiếm lấy các đảo » - quan chức trên nhấn mạnh. Còn tại Biển Hoa Đông, số lượng các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku không ngừng tăng lên.
Tiếp đến là Bắc Triều Tiên, vốn thường xuyên thử vũ khí nguyên tử và bắn hỏa tiễn đạn đạo. Cuối cùng là Nga, vẫn đang tranh chấp quần đảo Kuril với Nhật. Tokyo lo ngại trước việc Matxcơva xích lại gần Bình Nhưỡng, cũng như việc phương Tây trừng phạt khiến Kremli rơi vào vòng tay của Bắc Kinh.
Từ thuyền nhân Việt Nam đến một chuyến tàu cho Libya
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra những vụ đắm tàu chở người tị nạn ở Địa Trung Hải, Le Monde nhắc lại phong trào giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam rất sôi nổi trước đây, kêu gọi « Một chuyến tàu cho Libya » - nơi xuất phát hầu hết những con tàu chở những người liều mình đi tìm miền đất hứa.
Tác giả nhắc nhở : năm 1979 toàn nước Pháp đã lao vào các hoạt động tương trợ, trước thảm kịch nhân đạo đã khiến hai triệu người Việt Nam phải vượt biển trốn khỏi đất nước. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ước lượng có từ 200.000 đến 250.000 thuyền nhân Việt bị chết đuối, hay bị bọn hải tặc, lính tuần duyên Thái Lan và Malaysia sát hại. Các tổ chức phi chính phủ đứng trên tuyến đầu, mọi người, mọi giới đều tham gia. Đặc biệt chiếc tàu Đảo Ánh Sáng đã cứu vớt rất nhiều thuyền nhân Việt tại Vịnh Thái Lan.
Đó là chuyện của 36 năm trước. Còn nay, trước thảm trạng tương tự ở Địa Trung Hải, Le Monde đặt câu hỏi, các nhà trí thức, các NGO, lãnh đạo tôn giáo, thị trưởng, nguyên thủ…đâu cả rồi ?
Bầu cử Tổng thống Kazashstan : Chiến dịch tranh cử ma, ứng viên cuội
Cũng liên quan đến châu Âu, đặc phái viên Le Monde ở Almaty nói về « Cuộc bầu cử tổng thống không có người cạnh tranh tại Kazashstan ». Tổng thống đương nhiệm Noursoultan Nazarbaiev cầm quyền từ 25 năm qua, tuy nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử giả tạo này, vẫn phải đối mặt với tình trạng giá dầu sụt giảm.
Tờ báo ghi nhận một chiến dịch tranh cử ma, với các ứng cử viên bù nhìn. Các pa-nô có hình Tổng thống vẫn hiện diện trên đường phố các thành phố lớn chỉ được lau rửa lại cho dịp này, báo chí rất ít đề cập đến vụ bầu cử, và hai ứng cử viên « địch thủ » thì không ai biết đến. Thậm chí hồi năm 2011, một trong hai người này sau đó còn cho biết là đã bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm.
Theo Le Monde, các mối đe dọa sắp tới đối với ông Nazarbaiev, trước hết là trấn an được giới tinh hoa Kazashstan trước họa xâm lược của Nga, trong khi vẫn tỏ ra trung thành với Matxcơva. Bên cạnh đó, giá dầu sụt giảm cộng với tác động từ tình trạng kinh tế Nga suy sụp, khiến tăng trưởng của Kazashstan trong năm 2015 sẽ chỉ khoảng 1,9%, so với tỉ lệ 6% suốt mười năm qua. Cuối cùng là tương lai của chính ông : Nazarbaiev đã 75 tuổi, sức khỏe có vấn đề. Thay vì tiến cử người kế vị, kịch bản có thể là chia sẻ quyền lực với các phe phái, thông qua việc cải cách các định chế.
Nhận xét
Đăng nhận xét