Điểm Báo Pháp ngày 28-4-2015
Nepal sau thiên tai. Ảnh ngày 25/04/2015REUTERS/Danish Siddiqui
Theo RFI
ngày 28-04-2015 17:39
Mạng xã hội : công cụ cứu trợ mới cho Nepal
Ba ngày sau động đất, Kathmandu chìm trong đổ nát. Báo chí Pháp tiếp tục thông tin về thiệt hại không ngừng tăng. Trong khi chờ đợi cứu trợ quốc tế, người dân Nepal sử dụng mọi phương tiện còn lại, trong đó có internet, để giúp đỡ nhau.
Dưới tựa đề : « Lòng tương ái giữa người Nepal sau động đất », Le Figaro cho biết cộng đồng quốc tế không ngừng thông báo gửi viện trợ tới Nepal. Hôm qua, bầu trời Kathmandu gần như bị tắc nghẽn. Nhiều máy bay phải bay vòng trên thành phố để chờ được hạ cánh. Bốn chiếc máy bay cứu trợ Ấn Độ buộc phải ngược về nước. Vấn đề khó khăn nhất là việc phân chia và vận chuyển hàng cứu viện tới các vùng gặp nạn do cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi hoàn toàn bị phá hủy. Người dân Nepal buộc phải dùng phương tiện truyền thông duy nhất còn hoạt động được : internet.
Trên trang Facebook, nhiều nhóm tình nguyện viên được thành lập và kêu gọi quyên góp. Ưu tiên hàng đầu là nước uống đóng chai, dụng cụ cứu hộ, đồ hộp và các máy lọc nước. Họ cũng đưa ra những địa chỉ quyên góp. Các nạn nhân có thể tới lấy những gì họ cần. Những người sử dụng internet còn tạo trên Google Docs danh sách các nơi có thể tạm trú, hoặc cung cấp thuốc men và lương thực miễn phí tại thủ đô và các vùng lân cận.
Một người Pháp sống tại Kathmandu cho biết rất nhiều người vẫn ngủ ngoài trời do sợ còn trấn động. Người dân chia sẻ những gì họ có, lều trại, chăn màn nhưng họ bắt đầu thiếu lương thực và nước. Phần lớn thủ đô không có điện nước, thậm chí gỗ để hỏa thiêu người chết cũng bắt đầu cạn kiệt. Lo ngại bệnh tật cũng bắt đầu xuất hiện. Hàng nghìn người chen chúc trên những chiếc xe khách rời thủ đô về nông thôn.
Facebook, Google và OpenStreetMap cũng tích cực hoạt động để giúp đỡ những người bị nạn. Đây là thông tin trên tờ Libération trong bài : « Các mạng xã hội giúp đỡ người sống sót và tìm kiếm người chết ».
Ông chủ của trang Facebook thông báo đưa ra hệ thống « Safety Check » cho phép người sử dụng mạng xã hội biết người thân của mình nằm trong vùng nguy hiểm có được an toàn hay không. Nhờ vào dữ liệu của một cơ quan theo dõi động đất của Mỹ, USGS, Facebook có thể gửi thông báo tới những người nằm trong vùng bị nạn, với hai câu hỏi : Bạn có ở vùng bị ảnh hưởng không ? Nếu có, bạn có được an toàn không ? Ngay cuối tuần vừa qua, công cụ tìm kiếm Google đã đưa ra Google Person Finder, đã được áp dụng sau thảm họa sóng thần tại Haiti. Tại một trang giành cho động đất, có hai nút : « Tôi tìm người » và « Tôi có thông tin về người nào đó ».
Ngoài ra, rất nhiều nhóm chuyên viên tin học (geek) tình nguyện đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ thông tin cho hoạt động của mình. Standby Task Force, cũng được thành lập sau trận động đất tại Haiti, là một ví dụ. Khoảng 80 thành viên của tổ chức này, kết hợp với hai mạng lưới khác OpenStreetMap và Humanity Road, hoạt động sau màn hình máy tính từ thứ Bẩy vừa qua. Họ tập hợp những yêu cầu giúp đỡ đăng trên các mạng xã hội, xử lý các thông tin trên, lập bản đồ và gửi ngay cho các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại chỗ. Vai trò của các mạng này là cung cấp và cập nhật các bản đồ giúp các nhân viên cứu trợ có thể tới các vùng bị nạn. Dự định sẽ ngừng hoạt động vào thứ Năm tới, nhưng Standby Task Force sẽ tiếp tục giai đoạn hai với mục đích khoanh các làng bị cô lập và các tòa nhà sụp đổ.
Sinh viên Mỹ vay nợ chồng chất
Hơn 40 triệu sinh viên Mỹ có một người bạn chung, Sally Mae. Tổ chức này quản lý tiền nợ của sinh viên mà theo ước tính, tới cuối năm 2014, tổng nợ lên tới 1160 tỉ đô la. Báo Le Monde phân tích tình hình này dưới tựa đề : « Nợ của sinh viên Mỹ tăng không phanh ».
Bài viết mở đầu với trường hợp của một sinh viên ngành luật, ra trường năm 30 tuổi và anh cũng phải trả nợ trong khoảng thời gian như thế. Sau hai năm tốt nghiệp, anh ta vẫn chưa tìm được công việc luật sư đúng ngành đào tạo.
Mỗi sinh viên Mỹ mượn tiền đi học sẽ nợ trung bình khoảng 30 000 đô la. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng nợ chồng chất này là việc tăng học phí đại học cho giai đoạn một (college). Trong vòng 30 năm, học phí tăng tới 1 120%, gấp 2 lần so với chi phí y tế và gấp 4 lần so với lương thực. Riêng tiền học phí hàng năm đã lên tới vài chục ngàn đô la, thêm vào đó là tiền thuê nhà và sinh hoạt phí.
Lý do thứ hai là liên bang cắt giảm tới 40% trợ cấp cho các trường đại học. Trước năm 1970, các khoản tiền này đóng vai trò quan trọng giúp sinh viên khó khăn có thể học tập và gia nhập tầng lớp trung lưu. Thế nhưng, hiện nay, ngay cả có học bổng, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải chi trả khoảng 40% học phí.
Lý do thứ ba là các trường đầu tư mạnh, vừa về cơ sở hạ tầng lẫn chương trình học, để có thể tiếp tục cạnh tranh và thu hút sinh viên. Kết quả là nhiều trường đại học bị nợ gấp đôi trong vòng 10 năm. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới học phí của sinh viên.
Tuy nhiên, học phí tăng không đồng nghĩa với chương trình học được cải thiện. Rất nhiều nghiên cứu nêu lên những bất cập trong trường đại học, ví dụ, sinh viên chỉ học 5 giờ mỗi tuần, 45% sinh viên không có tiến bộ về các kĩ năng tư duy phân tích, khả năng soạn thảo… Năm 2013, gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 1 dưới 25 tuổi đã không tìm được việc làm. Thậm chí, các sinh viên tốt nghiệp các trường nổi tiếng cũng khó có thu nhập cao cho phép trả các khoản vay nợ.
Dù vậy, các trường đại học Mỹ không ngừng tuyển sinh. Mùa khai giảng năm 2015, sẽ có 21,26 triệu sinh viên theo học, tăng hơn 40% so với năm 2000. Tấm bằng đại học sẽ vẫn là công cụ quý giá để thực hiện giấc mơ Mỹ.
Tokyo-Washington thắt chặt quan hệ trước đe dọa từ Bắc Kinh
Trước sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, thủ tướng Abe tới thuyết phục vai trò của Nhật Bản tại Châu Á trước Nghị viện Mỹ. Chưa bao giờ hai nước lại cần nhau đến vậy. Tờ Les Echos phân tích chiến lược của thủ tướng Nhật Bản trong bài : « Tokyo-Washington thắt chặt quan hệ trước đe dọa từ Bắc Kinh ».
Sau chiến tranh lạnh, Trung Quốc không phải là mối đe dọa tức thời vì quốc gia này phát triển chiến lược « trỗi dậy hòa bình ». Bắc Kinh cho biết không có ý định can thiệp vào tình hình thế giới hay tranh chấp vị trí tối cao của Hoa Kỳ tại khu vực, mà chỉ tập trung đưa đất nước ra khỏi thời Trung Cổ.
Chính các mối đe dọa khác trong khu vực khiến hai cường quốc kinh tế thế giới thắt chặt quan hệ. Trong đó phải kể tới việc Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo trong không phận Nhật Bản vào năm 1990, tiếp theo là các vụ thử tên lửa hạt nhân. Sau thời gian phát triển hòa bình, Trung Quốc chuyển sang chiến lược « trỗi dậy hung hãn » cùng với việc tranh chấp biên giới và lãnh thổ, đồng thời gây căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông.
Tổng thống Abe hiểu rằng thái độ hung hãn của Trung Quốc là mối đe dọa cho Nhật Bản. Từ khi tái cử, vào cuối năm 2012, ông không ngừng tăng cường chuẩn bị để đối mặt với những căng thẳng do Bắc Kinh gây ra. Ông cũng đã cho thông qua ngân sách quốc phòng, đồng thời cho phép các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản xuất khẩu trang thiết bị quân sự để giảm bớt chi phí phát triển cho quân đội nước này. Ông cũng đã vận động để đưa lại vào Hiến Pháp điều khoản cho phép quân đội nước này can thiệp giúp đỡ một đất nước bị đe dọa.
Tại Washington, ông sẽ phải thuyết phục các nghị sĩ Hoa Kỳ hình ảnh một nước Nhật hồi sinh. Bốn hồ sơ chính sẽ được hai nhà lãnh đạo đàm phán : vai trò của Nhật trong hợp tác quân sự song phương ; phát triển tầu cao tốc Nhật tại California ; hồ sơ hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vai trò của Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Tổng thống Afghnistan công du New Delhi
Chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Afghanistan được báo Le Monde đánh giá là « tế nhị ». Từ khi nhậm chức năm 2014, ông Ashraf Ghani ưu tiên tới Trung Quốc và Pakistan, trong khi đó ông chỉ gặp thủ tướng Ấn Độ bên lề một hội nghị thượng đỉnh tại Nepal cách đây 6 tháng.
Le Monde cũng nhận định trong chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ, ông Ashraf Ghani phải thuyết phục được New Delhi. Các cuộc gặp gỡ song phương sẽ tập trung chủ yếu tới vai trò của Ấn Độ trong việc ổn định hòa bình tại Afghanistan. Quân đội nước này phải một mình chống lại phe Taliban từ khi khối NATO rút hết quân vào cuối năm ngoái.
Từ năm 2011, hai quốc gia này đã kí hiệp định đối tác chiến lược. Theo đó, Ấn Độ cam kết huấn luyện cho lực lượng an ninh và cung cấp vũ khí cho Afghanistan. Song tổng thống Ashraf Ghani đã tạm ngừng hiệp định này. New Delhi thắc mắc liệu còn đóng vai trò chủ đạo tại Afghanistan hay không ? Và liệu Afghanistan chỉ muốn giải quyết vấn đề Taliban với Pakistan ?
Mối quan hệ của Afghanistan với Trung Quốc có thể cũng là một vấn đề nhạy cảm. Bắc Kinh luôn tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc muốn tổng thống Ghani hậu thuẫn trong cuộc đấu tranh chống người Hồi giáo cực đoan Duy Ngô Nhĩ tại vùng tự trị Tân Cương. Đổi lại, Trung Quốc đóng vai trò trung gian giữa chính phủ Kaboul và phe Taliban tại Afghanistan. Mối quan hệ với nước này càng được thắt chặt từ tháng 2 vừa qua, sau cuộc đàm phán chiến lược tại Kaboul gồm ba bên Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan. Cách đây 8 ngày, Trung Quốc và Pakistan vừa kí một hợp đồng xây dựng « con đường tơ lụa » mới.
Thất nghiệp tại Pháp lại tăng
Thất nghiệp tại Pháp lại tăng trong tháng 3 vừa qua và vượt ngưỡng 3,5 triệu người. Mọi nỗ lực của chính phủ không hề mang lại kết quả, mà ngược lại, theo bài xã luận trên Le Figaro, ngân sách thâm hụt thêm 9 tỉ euro để tạo việc làm mới từ khi tổng thống Hollande nhậm chức.
Le Figaro cũng nêu các giải pháp của tám chủ doanh nghiệp để đảo ngược tình trạng thất nghiệp trong bài : « Thất nghiệp : những cải cách mà ta chưa thử ». Còn theo bài báo : « Tuổi già, nghề tương lai » trên tờ Libération, sẽ có rất nhiều việc làm mới từ 2012 đến 2022 nhờ… người cao tuổi. Thế hệ sinh ra thời kì « babyboom » sẽ nghỉ hưu, đồng thời đẩy mạnh nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.
Nhận xét
Đăng nhận xét