Bốn mươi năm Sài Gòn sụp đổ: nhân chứng ngày kết thúc chiến tranh

Theo Dân Luận
Bởi Admin
 
Martin Woollacott
Trần Hồng Tâm phỏng dịch
Khi quân đội Bắc Việt đặt chân vào thủ đô ngày 30 tháng Tư năm 1975, nó đánh dấu cuộc bại trận thương đau nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ. Bốn thập kỷ sau khi ông tường thuật lại những sự kiện cho tờ The Guardian, Martin Woollacott giờ đây phản ánh lại những gì về tương lai của hai quốc gia.
Một ngày sau khi Bắc Việt chiếm Sài Gòn, thành phố thức giấc bằng những bài ca chiến thắng. Vào đêm, những kỹ sư của đoàn quân chiến thắng đã treo lên những chiếc loa khổng lồ, khoảng năm giờ sáng, những bài hát giải phóng véo von, cứ mở đi mở lại liên hồi. Bình minh rực sáng rọi xuống đường phố không người. Bình thường, vào thời điểm này, giao thông đã bắt đầu hối hả. Thế nhưng, giờ đây không một ai biết phải làm gì. Chẳng lẽ đi làm, hay ra chợ mua đồ? Chẳng lẽ đi đổ xăng, hay laị có một cuộc chiến nữa bùng nổ? Đây không phải là Sài Gòn thường nhật, mà là quang cảnh của sự hoang mang đến kinh hoàng. Vai trò của Sài Gòn được thiếp lập lên như là thủ đô của một nước Viêt Nam không cộng sản. Vậy mà chỉ qua một đêm, tất cả đã biến mất. Những người lính đã biến mất, những tướng lãnh, chính khách, công chức khoác những tấm mền đỡ lạnh trên vai, nhấp nhô, lênh đênh theo nhịp sóng của biển cả trên những bong tàu chiến của Hải quân Mỹ, ngoài biển Đông.
Suốt những năm tháng dài của cuộc xung đột, chiến tranh chưa hề đụng đến Sài Gòn ngoại trừ vài trái rocket, đôi vụ gài mìn tại những tiệm ăn, thiết quân luật vào đêm, hay trận đánh vào tầng trệt của tòa đại sứ Mỹ trong dịp Tết 1968. Sài Gòn rung chuyển, nhưng đã thoát được một thảm họa. Và sự thực, khi những bài ca giải phóng vang vọng hắt xuống đường, nó đã thoát hiểm. Có vài người biết Bắc Việt đã chuẩn bị để nghiền nát thành thành phố này bằng pháo binh hạng nặng mở đường, rồi giành lấy từng góc phố, kháng cự ư, sẽ bị giáng trả mạnh hơn. Nếu vị Tổng thống cuối cùng của Nam Việt Nam, tướng Dương Văn Minh không ban hành lệnh hạ vũ khí, có lẽ Sài Gòn đã trở thành một nghĩa địa hoang tàn. Người Việt nói giỡn rằng cộng sản đánh Sài Gòn mà đã “không làm vỡ dù chỉ một chiếc bóng đèn”. Điều này cũng không đúng. Tổn thất rất lớn ở cả hai phía, giao chiến chỉ dừng lại tại cửa ngõ Sài Gòn. Ở khu trung tâm, nỗi sợ sẽ xảy ra cảnh hôi của và vô chính phủ. Stewart Dalby, phóng viên tờ Financial Time, và tôi đang đi trên đường Tự Do, trục chính của Sài Gòn, một người đàn ông nhìn khá hung dữ, áo bỏ ngoài quần, chặn đường chúng tôi. Hắn chỉ vào thắt lưng, ám chỉ hắn có súng, rồi tước ngay chiếc máy chụp hình đắt tiền trên cổ Dalby. Những sự cố như vậy cũng đủ thuyết phục mọi người rằng cộng sản nắm quyền kiểm soát càng sớm càng tốt.
Ngày đầu tiên của thời đại mới, không có người Mỹ trong tòa đại sứ hình ốc đảo nằm trên đại lộ Thống Nhất, chỉ còn lại một đống đồ phế thải của ngày di tản hỗn độn trước đó. Chẳng còn ai trong tòa thị chính. Không một ai trong Nhà hát nơi Quốc hội dùng để hội họp. Không có tổng thống trong dinh. Nguyễn Văn Thiệu đã đi. Người kế nhiệm ông bàn giao lại cho Minh. Minh nói với những sỹ quan Bắc Việt đầu tiên bước vào dinh rằng ông đã sẵn sàng cho công việc bàn giao quyền lực. “Ông không có gì để bàn giao, khi ông tay trắng,” họ đáp lời rồi bước đi. Minh làm tổng thống hai ngày.
Quyền lực của Minh chỉ là hoang tưởng, và Sài Gòn cũng sống trong hoang tưởng những ngày sau đó. Tại vườn Bách Thảo nơi các công dân thường dẫn con tới thư giãn cuối tuần, bạn nghe nhiều tin đồn như thiệt. Người thì bảo “Pháp sẽ trở lại với hai quân đoàn”. Người thì nói “Mỹ sẽ ném bom trở lại.” Người khác phán “phải thành lập chính phủ liên hiệp.” Rồi cuối cùng dường như đến một kết luận chung có vẻ hợp lý “Chúng ta đều là người Việt Nam” được nói ra ở một cử chỉ nằm ở khoảng giữa của hy vọng và tuyệt vọng. Đó là lời an ủi cho nhiều người, nhưng không phải cho những người có địa vị, có mối quan hệ gắn bó với chính phủ, hay với Mỹ. Họ e sợ sẽ có một cuộc trả thù, hay ít nhất cũng bị đóng dấu đen trong lí lịch suốt đời. Dưới mắt chúng tôi, có vài người chẳng có lý do gì để lo âu, nhưng vẫn bị cuốn vào cơn bão táp của hoảng loạn. “Nỗi quá sợ hãi Việt Cộng đã làm cho Sài Gòn mất đi dáng vẻ lanh lợi khôn ngoan của nó,” một nhà báo đã từng viết. Nhưng họ muốn ra đi, và nhiều người đã ra đi, thoạt đầu bằng máy bay, và giây phút cuối cùng bằng trực thăng - khởi thủy của một cuộc tha hương vĩ đại gồm hàng triệu người Việt quyết định rời bỏ đất nước sau năm 1975.
Những sỹ quan Mỹ chỉ huy chiến dịch di tản đành phải đưa ra những quyết định đớn đau. Để tránh hoang mang làm hỏng tuyến phòng thủ của Nam Việt Nam, họ đã giới hạn ở giai đoạn khởi đầu. Sau đó họ đưa ra những lời hứa khá chắc chắn cho những người vẫn còn giữ thái độ “nếu nó tới, chơi tới cùng” (vì tư tưởng này đã giữ cho Nam Việt Nam sống sót ở mọi hình thức tồn tại) tất cả trong số họ sẽ được di tản vào phút cuối. Đây là lời hứa mà người ta đã không thể giữ. “Tiếng kêu gào trong tuyệt vọng của họ qua làn sóng của đài phát thanh CIA đã vò xé trái tim tôi,” Frank Snepp, một nhân viên tình báo tại Sài Gòn, đã viết như vậy nhiều năm sau đó. Một ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ, từ sân thượng của khách sạn Caravelle, tôi và những phóng viên khác nhìn dòng người mỏi mòn, đớn đau để được đưa đến sân thượng của tòa nhà gần đó. Một thảm kịch câm âm thầm, khi những tiếng nổ của động cơ cứ xa dần rồi mất hẳn. Sự thực phũ phàng đã đến, chẳng còn một chiếc trực thăng Mỹ nào trở lại nữa, vĩnh viễn. Tại tòa đại sứ Mỹ, nỗi kinh hoàng không thể nói lên lời. Đám đông tuyệt vọng không còn chỗ đứng van xin để được vào trong. Lính hải quân cho những ai có giấy phép, hoặc có gương mặt trắng trẻo, và đẩy ra những những người khác.
Ngày tiếp theo, xe tăng vào trước, nòng pháo dài vươn ra giống như chiếc mũi của Pinocchio, nhằm thẳng trung tâm thành phố và dinh tổng thống. Có vài chiếc tăng bị lạc đường. Chúng tôi nhìn thấy một chiếc lùi lại, quay đầu, rồ máy lao đến cổng bệnh viện cũ của Pháp, hoàn toàn không phải là mục tiêu quân sự. Rồi khi vừa tới cổng dinh tổng thống, chiếc dẫn đường liều lĩnh lao qua cổng trong nỗi hân hoan nhưng làm James Fenton phải đứng tim, anh là nhà thơ kiêm làm báo người vô tình đã trở thành phóng viên cuối cùng của tờ Washington Post có mặt tại Sài Gòn. Khi lính mới xuất hiện, lính cũ bỏ đi, một cuộc phô diễn cay đắng, cuối cùng: pháo hiệu bắn lên: xanh, đỏ, trắng, cùng đội hình duyệt binh, trước lúc tan hàng.
Những người lính mới, chúng tôi đã nhanh chóng học được cách gọi họ là bo doi (“foot soldiers”) mặc quân phục đồng màu và đội nón cối đã lỗi thời. Trông họ khá thư giãn: cuộc chiến đã qua mà họ còn sống, và họ đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại. Vài ngày sau, có một cuộc duyệt binh, rồi phần lớn họ bị đưa ra khỏi Sài Gòn. Những người được ở lại thì lịch sự, nhưng do dự. Họ ngộ nhận cho là những ai da trắng đều là Liên Xô. Có người dường như rất ngạc nhiên về sự thịnh vượng của Sài Gòn. Họ rất ngưỡng mộ đồng hồ đeo tay, đặc biệt loại có lịch. Họ gọi đó là đồng hồ có cửa sổ. Đồng hồ đeo tay chỉ phát cho sỹ quan cấp tá trở lên trong quân đội Bắc Việt. Nếu đi sóng đôi, họ nắm tay nhau, một hình ảnh cảm động lạ lùng. Nhưng họ dường như được huấn luyện khá nghiêm nghị. Khi có vài người kháng cự, nổ súng vào những người lính miền Bắc tại công viên giữa Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn và dinh tổng thống, các phóng viên chứng kiến cảnh họ phối hợp rất nhịp nhàng. Họ mới vừa đứng nghỉ, hút thuốc một phút trước đó, đã nhanh nhẹn nằm sấp xuống rồi bắn trả một cách điêu luyện, tung ra cú tạt sườn và khóa chặn nhóm tấn công. Cũng nên nhắc lại rằng vào thời điểm đó, thiên hạ thường nói về một đôi quân du kích, trang bị thô sơ đương đầu với lực lượng tinh nhuệ. Điều này đã qua lâu rồi. Đội quân miền Bắc kéo vào Sài Gòn với tất cả trang bị của một quân đội hiện đại, chỉ thiếu máy bay.
Việt Nam là một tay biết lèo lái chính trị quân sự và cả đạo đức rất khôn ngoan trong nhiều năm. Quá nhiều thứ của cuộc chiến chiếm giữ lương tâm của mỗi người. Đôi lúc tưởng như thế giới đã nhầm lẫn tất cả, và tất cả phải được sửa chữa lại tại nơi đây. Rất nhiều điều quan trọng phải được quyết định ở nơi đây: phe nào chiếm ưu thế trong cuộc giao tranh quốc tế giữa cộng sản và không cộng sản; các nước phương Tây sẽ tiếp tục thống trị các cựu thuộc địa hay không; các nước nhỏ có thể đứng lên chống lại những nước lớn không; du kích có thể đánh bại quân đội hiện đại không; một phong trào nổi tiếng - phong trào hòa bình tại tâm điểm của quốc gia tham chiến – có thể làm thay đổi những chính sách của một cường quốc hay không. Những câu hỏi này, liệt kê đơn giản, nhưng rất khó tìm thấy câu trả lời hôm nay, vì chúng xảy ra trong ngày Sài Gòn đột qụỵ. Sự kiện đơn giản rằng cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam là một nhầm lẫn và tội ác - bởi vì, nó đã được thực thi một cách quá sơ sài, được theo đuổi một cách quá ác độc, và bị bỏ rơi một cách quá nhẫn tâm .
Câu chuyện về sự sụp đổ của Nam Việt Nam là một chuỗi những dự báo thất bại đầy tai tiếng. Richard Nixon và Henry Kissinger, thừa biết rằng cuộc chiến vô phương chống đỡ về mặt chính trị, đã đồng ý rút quân, dưới những điều kiện của Hiệp định Paris 1973. Họ hiểu miền Bắc chắc chắn sẽ thắng, nhưng muốn, từ của Kissinger, “khoảng hợp lý” giữa ngày Mỹ ra đi và ngày miền Nam thất bại. Mặc dù đôi khi họ cũng nhảy múa với tư tưởng rằng miền Nam nếu được giúp đỡ cũng vẫn sống sót. Nghĩa là họ trông đợi miền Nam tự tiếp tục chiến đấu sau khi Mỹ rút quân, cốt yếu để cho Mỹ bớt phần xấu xí trước con mắt quốc tế. Âm mưu thâm độc này được phối hợp bởi những tướng lãnh qua làm chính trị của Nixon, sự mở rộng không gian cuộc chiến qua lãnh thổ Cambodia thổi bùng lên ngọn lửa phản chiến. Cú sốc giá dầu năm 1973 vô cùng tai hại và giá tột cùng đắt đỏ của chiến tranh gây ra sự lạm phát – và tất cả những điều này được phủ lên trên sự kiện Watergate bị phanh phui. Một Quốc hội vỡ mộng và nổi loạn đã từ chối ủng hộ cho cuộc chiến, áp đặt lệnh cắt, cắt hết mọi nguồn viện trợ quân sự cho Sài Gòn như đã từng hứa.
Không lay chuyển, nhưng với Nam Việt Nam, không thể giải thích, số đạn dùng cho mỗi khẩu súng phải được cho phép, số phi vụ oanh kích bị giới hạn, phụ tùng thay thế cứ giảm dần sau mỗi tháng. Vào cuối tháng Tám 1974, Trung tướng John E Murray, người chịu tránh nhiệm hậu cần cho quân đội miền Nam tác chiến đã viết thẳng ra rằng “không có một sự trợ giúp đúng đắn Quân lực Việt nam Cộng hòa sẽ bại trận, có lẽ không phải ngay tuần sau hay tháng sau, mà những năm đang tới”. Như là một vấn đề kỹ thuật quân sự, cuộc chiến thực ra khá đơn giản. Miền Nam là một quốc gia dài và hẹp, bởi vị trí địa lý tự nhiên của nó thường xuyên bị hở sườn. Nó phải có hệ thống phòng thủ chắc ở mọi địa điểm, không thể làm được điều này nếu không có phương tiện cơ động nhanh và hỏa lực mạnh do Mỹ viện trợ. Giờ đây, nguồn cung cấp đã khóa chặt.
Tổng thống Thiệu, người không bao giờ có nhiều tính chính đáng, giờ đây lại còn ít hơn. Nền kinh tế miền Nam chao đảo, ông mất sự ủng hộ ngay cả với nhà thờ Công giáo nơi thường giúp đỡ ông. Phật giáo ngày càng trở nên lạnh lùng. Những nguời ôn hòa, trung tính được gọi là “Lực lượng thứ ba” cũng vậy. Nhưng nếu những người miền Nam trong tình trạng nguy ngập thì người miền Bắc cũng có mỗi lo âu riêng của họ. Mặc dù bề ngoài đảng và chính phủ vẫn giữ trạng thái tự tin tuyệt đối vào chiến thắng và ngày thống nhất đến gần, nhưng trong bụng không chắc chắn. Họ cũng có những rắc rối về cung ứng và hậu cần bởi vì Liên Xô và Trung Quốc cũng bớt viện trợ sau Hiệp định Paris. Giống như miền Nam, họ lo lắng về độ tin cậy và động cơ của những đồng minh. George J Veith viết trong Tháng Tư đen tối, lịch sử quân sự của ông trong năm cuối cùng của cuộc chiến, Hà Nội cảm thấy rằng nó chỉ có “một cửa sổ nhỏ của cơ hội để chiến thắng”.
Kế hoạch là một chiến dịch hai-năm có thể mang lại chiến thắng vào năm 1976. Nhưng chiến dịch mở màn ở vùng cao nguyên trung phần đã thành công đến mức họ làm luôn trong năm 1975. Chỉ trong vòng hơn hai tháng. Những lỗi lầm của Thiệu và một vài tướng lãnh của ông đã đưa tình thế đến khốn cùng. Thế nhưng nguyên nhân thiết yếu của sự bại trận quá sớm này phải kể đến sự thiếu hụt nguồn cung ứng và vũ khí hạng nặng. Bắc Việt đang tiến gần đến Sài Gòn, ở cao nguyên trung phần, Huế, Đà Nẵng và nơi khác đang diễn ra những màn rùng rợn của hoảng loạn, hoang mang, vô trật tự, không tuân lệnh, và đảo ngũ, nhưng cũng rất khó cho những trận đánh hiểm hóc với hành động của chủ nghĩa anh hùng cảm tử. Nhưng Nam Việt Nam – “một con rối”, một quốc gia thực sự, hoặc tất cả những gì nó đã là – đã biến mất trong làn khói lửa chiến tranh. Thế giới nghẹn ngào.
Những phóng viên quyết định ở lại Sài Gòn phần lớn là người Pháp, Nhật, vài người Anh và một hai người Mỹ giả vờ là người Canada. Chúng tôi tường thuật về một cuộc chiến, không phải không có nguy hiểm, nhưng cảm thấy khá dễ dàng. Chúng tôi được đưa tới những máy bay và trực thăng năng động của Mỹ, cấp tiền, có nơi ăn chốn ở và được bảo vệ bởi Mỹ hoặc những người lính miền Nam Việt Nam. Bạn có thể ở tận cùng chiến tuyến nơi cực bắc, sát vùng được gọi là Khu phi quân sự một cách mỉa mai, vào buổi sáng, rồi trở laị Sài Gòn, tắm rửa ăn uống vào đầu buổi tối. Giờ đây bất thình lình, chúng tôi trở nên bơ vơ chỉ trong khoảnh khắc. Bảo vệ mạng sống của chúng tôi là hệ thống không lực Mỹ, lính bảo vệ, những nhà phân tích, tùy viên quân sự sứ quán Úc giờ đây biến mất. Nhiều đường dây liên lạc với người Việt cũng đã mất. Những người trợ lý, lái xe, và phiên dịch (có vài người té ra là gián điệp cộng sản vẫn còn đó nhưng giờ đây họ đang trên tận chín tần mây, một cách tự nhiên).
Bắc Việt Nam có vài sỹ quan nói tiếng Anh và Pháp giỏi. Họ giúp đỡ, nhưng rất hiếm khi. Có một dịp, ngay sau lúc tiếp quản thành phố, một đơn vị làm phim của quân đội Bắc Việt lao vào văn phòng của CBS và ra lệnh rằng toàn bộ những thước phim quay trận đánh cuối cùng của cuộc chiến tại Cầu Mới, cửa ngõ thành phố, phải giao nộp ngay. Họ đẫm mồ hôi và rất nóng giận - dường như họ đã đến qúa trễ để quay trận đánh này. Bởi thế, họ muốn chiếm đoạt lại những gì mà cả đoàn phóng viên truyền hình Mỹ đã có được. Tôi chứng kiến cảnh đối đầu và phải kêu cứu đến viên sỹ quan cấp tá Bắc Việt mà chúng tôi đã từng gặp ông trước đó. Ông tới, giải tỏa được tình huống và ra lệnh cho những người đồng chí phải rời đi. Người chánh văn phòng mừng quá, mời ông một ly nước. Ông nhã nhặn từ chối: “Để lần sau, chúng ta sẽ còn có nhiều dịp vui”, với nụ cười gượng. Không ngạc nhiên, chúng tôi đã không bao giờ có.
Bị bỏ lại với những thiết bị cũ kỹ rẻ tiền, chúng tôi thoạt tiên không thể gửi bài, bởi vì bưu điện đã đóng cửa, những đường liên lạc điện thoại viễn liên đã cắt. Khi có thể, chúng tôi gởi bài viết về những ngày cuối cùng mà chúng tôi đã bị kẹt lại. Sau đó, chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không thể làm những gì như đã làm trong quá khứ. Trong đó, chúng tôi viết những bài phê bình chính sách của Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam. Giờ đây tất cả đã biến mất. Những bài phê bình của chúng tôi trở nên vô nghĩa. Vài người chúng tôi đến thăm viếng vài địa điểm đã từng rất quan trọng rồi viết “trước đây và bây giờ”. Một nhóm chúng tôi lái xe dọc quốc lộ 13 tới An Lộc, một thị trấn ở bắc Sài Gòn, nơi diễn ra cuộc vây hãm cam go trong chiến dịch 1972. Chúng tôi băng qua một cảnh tượng rất lạ, nhìn giống như nhiều đại đội giầy quân sự xếp hàng ngay ngắn phủ mặt đường, tựa như chủ nhân của chúng bỗng biến lên thiên đàng. Quân phục của quân đội Nam Việt Nam nằm tung tóe dọc hai bên vệ đường. Có những cảnh tương tư ở nơi khác nữa. Lời giải thích là quân đội Bắc Việt đã ra lệnh đơn vị đầu hàng phải lột bỏ hết quân phục.
Sự châm biếm của những cảnh trông thấy là quá rõ ràng. An Lộc từng là một chiến thắng của Nam Việt, chiến đấu ngoan cường bằng lực lượng dù và biệt động, cùng với sức mạnh của không quân Mỹ, tất cả B-52 có mặt trong vùng đông nam Á được huy động để dội bom vào Bắc quân. Chúng tôi ở đây, trong quanh cảnh, đưa tin về quá khứ, bởi hiện tại quả là kinh khủng. Chúng tôi uống một ly nước lạnh gần một trạm quân sự đã bỏ hoang, và tìm xem nơi nào từng là văn phòng của cố vấn Mỹ, nhưng không thấy, qua những căn hộ, bờ bụi ngoại ô rồi về lại Sài Gòn. Trên đường đi An Lộc, chúng tôi đi qua đại sứ quán Vương quốc Anh, tôi nhận ra người lính bảo vệ, đã lấy quốc kỳ trên nóc nhà xuống, căng ra làm mái che nắng. Nghẹt thở và ngạc nhiên bởi một một cơn tức giận bất thường, tôi bước ra khỏi xe, bước đến thẳng trước mặt họ và đề nghị treo lại lá vào vị trí cũ. Nghĩ tôi là người Liên Xô hay Đông Đức và tưởng tôi cũng có chút quyền lực, họ gấp lá cờ lại.
“Tất cả đó là gì?” tôi tự hỏi. Những người lính kia không có ý sỉ nhục ai. Thực ra, nó cũng chỉ là mảnh vải. Nhưng sự thực, tất cả chúng tôi, ở một mức độ nào đó, vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc chiến xưa, vẫn còn thấm đẫm với tư tưởng quyền uy tây phương mà nó thường dẫn tới những cuộc xung khắc đầy kịch tính và dữ dội. Bởi vậy, thậm chí vài người trong chúng tôi đã từng ủng hộ cho cuộc chiến. Trước lúc thành phố này sụp đổ, Phillip Caputo, một nhà báo Mỹ người đã từng là một sỹ quan hải quân chiến đấu tại Việt Nam đã viết một cuốn sách về kinh nghiệm của ông, tự hỏi cái gì đã xảy ra, giống như một đạo quân lê dương của những hoàng đế La Mã. Ảnh hưởng phương tây trên thế giới, trong biểu tượng cuối cùng của nước Mỹ, đang đến hồi kết thúc chăng? Điều gì đó đã bị xé bỏ và điều gì khác – cái điều không phải “của chúng ta” - sẽ tới thay chỗ của nó. Người Việt, Bắc hay Nam, đang trải qua khoảng khắc đặc biệt trong lịch sử của họ, còn chúng tôi đang ngồi loanh quanh, trích dẫn lòng vòng Edward Gibbon.
Tất nhiên, chúng tôi đã cố gắng tường thuật lại những gì đang xảy ra ở Việt Nam mới. Có đôi thứ hiển hiện rất rõ ràng. Tại mọi khách sạn mà chúng tôi ở, tất cả nhân viên bị triệu tập tới “học tâp” duới nhiều dạng, nhiều kiểu khác nhau. Hoc tap, như nó được gọi, đã đụng chạm đến hết thảy mọi người. Cựu sỹ quan đã bị gọi, từng cấp, từng cấp một. Ít nhất, trong một khoảng ngắn, có một quốc gia riêng biệt của miền Nam không? Chính phủ cách mạng lâm thời đóng vai trò gì, hay nó chỉ là một dạng đặc biệt của luận điệu tuyên truyền trong chiến tranh? Không quá lâu, và rất nhỏ là câu trả lời. Thời gian của chúng tôi quá ngắn, và nhà cầm quyền mới quá mờ ám trong công việc của họ đến nỗi chúng tôi chỉ có những ý niệm lờ mờ về những gì đang xảy ra.
Những nhà báo chúng tôi không phải là những tù nhân, cũng không phải là điệp viên. Vậy mà chúng tôi không được tự quyết định ở laị hay phải ra khỏi Việt Nam. “Họ” quyết định điều này. Chúng tôi ca ngợi họ và những nguyên tắc của họ. Chúng tôi đã nghĩ gì về cuộc cách mạnh trong sạch của họ, nhưng thái độ sơ cứng, máy móc của họ đã làm chúng tôi hụt hẫng. Dường như đã loại ra mọi khả năng hòa giải dân tộc, thậm chí một sự thương lượng hẹp. Phóng viên người Ý, Tiziano Terzani đã viết trong cuốn sách Giải Phóng! (Liberation!) của ông. Ông cảm thấy cả hai “một lời ca ngợi vĩ đại và một nỗi sợ tinh tế” rằng cuộc cách mạng này rất gần với “những ranh giới của vô nhân đạo”.
Một phần lớn của nhóm nhỏ phóng viên Anh tạm trú trong một villa rộng của nhà băng Anh. Nhà băng vẫn giữ người đại diện là một công dân Ý. Ông vui vẻ để chúng tôi mướn. Ông nghĩ rằng sự hiện diện của chúng tôi có thể ngăn cản được những cuộc sách nhiễu, cùng với một con chó lớn, bản tính rất tốt, thân mật bên người như bao nhiêu con chó khác. Vào một buổi tối, lính tuần tra miền Bắc tới, hỏi vài câu lịch sự về tại sao chúng tôi có mặt ở đây, nhưng mắt thì nhìn chằm chằm vào con chó. Cuối cùng hắn xoa bụng bảo “thịt thì ngon lắm”. “Quân khốn kiếp muốn ăn thịt con chó của chúng ta,” chúng tôi giận dữ nói với nhau sau khi hắn đi ra. Một thoáng sau đó, chúng tôi cùng với khoảng 100 phóng viên ở lại Sài Gòn, đã bị tống cổ ra khỏi Việt Nam một cách khá lịch sự, dồn hết vào chiếc máy bay chở khách Liên Xô bay thẳng qua Vientiane, Lào. Trước lúc ra đi, chúng tôi đã cố gắng thu xếp để bảo vệ con chó của chúng tôi, nhưng chúng tôi không mấy lạc quan.
Trở lại Washington, Gloria Emerson của tờ New York Times, có lẽ là một người phản chiến hăng hái nhất trong tất cả những phóng viên Mỹ, quay lại cảnh phấn khởi, tâng bốc ồn ào, hút cigar và tự chúc mừng chiến thắng trong chiến dịch Mayaguez. Tỷ lệ dân chúng ủng hộ Nhà Trắng tăng đáng kể. Mayaguez là một tàu chiến Mỹ, thủy thủ đoàn đã bị bắt tại Cambodia bởi Khmer Đỏ một vài ngày sau khi ngày Sài Gòn thất thủ. Mỹ gởi một lực lượng hải quân tới cứu. Nhưng thực ra, thủy thủ đoàn của tàu Mayaguez không bị đe dọa tính mạng. Chiến dịch có vẻ như nhăng nhố, chẳng cần thiết, nhưng lại như kiêu khích đối thủ về góc độ nhân đạo vào ngày 30 tháng Tư tại Việt Nam và Pnomh Penh. Trên thực tế, nó là một công việc ngu xuẩn. Mỹ đã tổn thất rất nhiều khi đánh Khmer Đỏ, trong khi Khmer Đỏ đang chuẩn bị chống lại ông chủ mới của Nam Việt Nam. Tình báo của nó quá tồi tê, lãng phí vũ khí, và nhân mạng, nó đã che phủ đi tất cả những nhầm lẫn về cuộc chiến vừa kết thúc.
Sự kiện Mayaguez là chỉ dấu đầu tiên cho thấy bạn có thể lấy nước Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng bạn không thể lấy Việt Nam ra khỏi Mỹ. Từ đó, trong vài thập kỷ tiếp theo, Mỹ không bao giờ ngừng tham chiến. Rõ ràng nhất, Mỹ đã cô lập cả chính trị và kinh tế Việt Nam để trả đũa. Sau đó, nó đã trở nên cực đoan tàn bạo bằng cách bênh đỡ tàn quân Khmer Đỏ để chống lại Việt Nam.
Giờ đây hai nước thân thiện như Hồ Chí Minh đã từng hy vọng vào năm 1945. Khi ông thỉnh cầu Mỹ giúp đỡ để giành độc lập từ tay Pháp đã không được trả lời. Nhưng nếu như Mỹ không trừng phạt Việt Nam, tự thân cuộc chiến vẫn xảy ra theo ngả khác. Từ đó, mọi thứ Mỹ làm trên thế giới đã được đặt điều kiện, bởi nỗi sợ của nó về kết qủa theo quan điểm quân sự. Nỗi sợ về một Việt Nam nữa, một cuộc sa lầy nữa, một thất bại nữa. Lòng khát vọng liên tục tìm kiếm những nơi chốn khác giống như Việt Nam để vào cuộc lần nữa, nhưng lần này thắng, một cách trọn vẹn và trong sạch. Mỹ đã từng tìm thấy chiến thắng bồi thường sau đó, gần đây nhất là ở Afghanistan và Iraq. Việt Nam, tựa như bóng ma Hamlet, luôn đeo bám. Chiến tranh thì không bao giờ rời bỏ nước Mỹ, tại nền tảng căn bản nhất, bởi vì nó đã trở thành một phép thử để người Mỹ nhìn nhận đất nước họ thế nào.
Những sỹ quan Mỹ trẻ người đã từng tham chiến tại Việt Nam trở về quyết định xây dựng lên một đạo quân mới. Nó phải là một quân nhân chuyên nghiệp và tự nguyện, và ít chịu áp lực chi phối của dư luận về thương vong. Nó phải là kỹ thuật để thay thế những đôi giầy trên mặt đất. Nhưng nếu phải đặt chân trên đất, đội quân mới vẫn có đủ kỹ xảo phản công mà nó đã thiếu tại Việt Nam. Cuối cùng nó cũng không tham chiến nếu không bảo đảm rằng mọi nguồn lực được cung cấp đầy đủ. Giới hạn nguồn lực, dưới mắt những người lính, là phản bội lại chiến thắng của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Dư luận Mỹ đều nhạy cảm về thương vong của tình nguyện viên giống như người làm quân dịch. Kỹ thuật mới đã phát sinh nhiều rắc rối như nó đã giải quyết. Những chiến lược phản công vẫn còn chưa hiệu qủa. Và một sự bảo đảm rằng việc sử dụng lực lượng không bị hạn chế, một cách đơn giản không xảy ra nữa.
Ít nhất có ba cuộc chiến Việt Nam khác đang tranh giành sự chú ý của người Mỹ, và trong giới nghiên cứu. Cuộc chiến thứ nhất, Mỹ đã có tất cả, nhưng bị thua. Nó đã vứt bỏ chiến thắng bởi thiếu quyết tâm, nền truyền thông tự do của đối lập và một quốc hội ngu xuẩn. Cuộc chiến thứ hai, nó đã thắng bởi vì mục tiêu là ngăn Trung Quốc và Liên Xô tràn xuống đông nam Á, bảo vệ những quốc gia này không rơi vào qũy đạo cộng sản, nó đã thành công. Cuộc chiến thứ ba, sứ mạng đã được thực hiện sơ sài, khá hung hăng, chủ quan cho rằng dựng lên Nam Việt, tương đương như Nam Hàn khá dễ dàng, nên đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cuộc chiến nào đã thực sự diễn ra? Chiến tranh “làm chúng ta khôn ngoan,” Tổng thống George HW Bush nói vào 1988, nhưng “một cách chắc chắn, quy định của giới hạn được đạt tới. Bài học cuối cùng là không có quốc gia vĩ đại nào có khả năng đập vỡ một ký ức.”
Đã một thời, cuộc chiến đã đụng đến gần như mỗi gia đình trên nước Mỹ, coi nó như thứ buffy. Những buffies chỉ là những con voi đất, cao khoảng 2.5 feet, lưng của nó phẳng, dùng để đặt ly nước uống, hay chậu cây cảnh. Chúng nó đã sống trên khắp nước Mỹ như là một nhân chứng câm mà một thế hệ của những người trai tráng bước vào cuộc chiến tại Việt Nam. Được sản xuất tại Việt Nam với số lượng khổng lồ, rồi được gởi trở lại với tốc độ vài ngàn một ngày, tại điểm đỉnh của cuộc xung đột. Hugh Mulligan phóng viên của tờ the Associated Press đã viết vào 1983: “Họ đứng trang nghiêm ngớ ngẩn trên vòng cổng West Point” và “bên hồ bơi ở sân sau của vùng ngoại ô.” Họ có thể mua nó với vài dollars và gởi nó về nhà còn rẻ hơn, cảm ơn Bưu điện Quân lực Mỹ đã miễn phí. Cái tên được viết tắt từ chữ đầu của “Bloody Useless Fucking Elephant” (Con voi khốn kiếp vô dụng khát máu). Nó được chế ra bởi một viên quân bưu khó chịu. Hắn thấy thùng hàng đang bị chiếm bởi lòng thèm muốn những tặng vật này.
Phần lớn những buffies rất lòe loẹt. Nhưng nguyên ủy, nó được làm tại Lái Thiêu, phía bắc Sài Gòn. Nó là những tác phẩm tuyệt đẹp được phối bằng màu xanh nước biển và xanh lá cây nhạt. Giờ đây, Linh Anh Moreau, người con gái của Ron Mareau, một phóng viên lỗi lạc của Newsweek tại Việt Nam, đã viết vào năm 2012 trên blogpost, Lái Thiêu xưa giờ đã mất rồi: “Phần lớn những nghệ nhân người Việt gốc Hoa đã chết hay bỏ đi, mang theo những bí quyết của nghề. Những trai trẻ phải học lấy những bí quyết này, thì họ bị cuốn vào quân đội Nam Việt hay Việt Công, tự nguyện hoăc ép buộc. Bởi vậy câu chuyện về buffies, thoạt đầu thoáng nhìn thấy sáng sủa hơn, sự thực là thêm một câu chuyện nữa về tổn thất thương đau.
Gloria Emerson không thấy sáng sủa hơn. “Mỗi mùa đông đi bộ trên đường phố tại những thành phố khác nhau trên đất Mỹ,” bà viết trong cuốn sách về chiến tranh, Kẻ thắng và Người thua, “Tôi thường nhìn vào những người trai tráng mặc chiếc áo khoác quân đội, vài người còn gắn thêm dòng chữ mà tôi đã biết rõ: Đại bàng tung móng, Tia sét Nhiệt đới. Từ lâu, tôi không thể chịu nổi những loại áo khoác này. Tôi luôn nghi rằng thiên hạ đã moi lên từ những tử sỹ người Mỹ ở Việt Nam, giặt sạch, là ủi, rồi đem bán kiếm lời.
Tội lỗi của những người tham chiến tương ứng với tội lỗi của những người không tham dự. Trong lời thú tội nổi tiếng, James Fallows đã viết về anh và người bạn sinh viên tại Harvard vờ ốm để tránh bị tuyển mộ. Khi những người thanh niên Harvard rời phòng thi, họ thấy “những cậu trai đến từ Chelsea, những thanh niên có tóc đen dầy, thuộc dân lao động đến từ Boston… Họ bước qua từng hàng kiểm tra, như bao nhiêu những con bò mang đi làm thịt…..Trong khi, có lẽ cứ bốn trong năm người bạn của tôi từ Harvard đã được hoãn, ngược lại đã xảy ra với cậu trai của Chelsea. Chúng tôi trở lại Cambridge chiều đó… Cuộc nói chuyện đầy phấn chấn, nhưng có cái gì đó mà không một ai trong chúng tôi muốn nói tới. Chúng tôi hiểu ai sẽ bị giết bây giờ.”
Bách bộ trong vườn bách thảo lần nữa, ngay trước khi Sài Gòn qụy ngã, Peter Kann phóng viên của tờ Wall Street Journal và tôi đi bên một cậu bé khoảng tuổi 13. Em lôi ra từ trong túi một vật trông kỳ lạ. Đó là chiếc trực thăng quân sự Mỹ tý hon được làm ra rất tài tình từ những vật dụng bỏ đi, hộp nhựa đựng bút bi, mẩu kim loại từ vỏ lon bia. Em còn vài cái nữa trong túi. Bé trai bán hàng đầy thuyết phục khi em giải thích bằng tiếng Anh khá mạch lạc đã làm ra nó thế nào. Chúng tôi đã mua hai chiếc. Đặc biệt đối với tờ Wall Street Journal, đây là một thí dụ giáo khoa về tài năng kinh doanh, một loại tài năng không được ưa chuộng ở tân Việt Nam. Tôi cảm thấy mắt mình nhòa đi khi nhìn em bé bỏ tiền vào túi, và tôi nghĩ Kann cũng vậy. Chúng tôi không có lý do gì để giả định rằng bé trai khia có một tương lai đen tối, nhưng Việt Nam từng chịu đựng cuộc chiến khủng khiếp, gần như chắc chắn rằng có một con đường gập ghềnh trước nó. Nói cách khác, Mỹ cũng vậy. Bao nhiêu thương đau, tang tóc đã thuộc về quá khứ, nhưng có một linh cảm, dù mọi chuyện đã kết thúc ở Sài Gòn, tương lai không thể khá hơn.
Phỏng dịch từ: Forty years on from the fall of Saigon: witnessing the end of the Vietnam war by Martin Woollacott; Last modified on Wednesday 22 April 2015, The Guardian.
Trần Hồng Tâm
April 29, 2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?