Đại hội XII dưới góc nhìn của Giáo sư Chu Hảo
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-01-29
Mặc Lâm: Thưa GS Đại hội XII đã kết thúc và diễn tiến của nó như ông đã thấy rất kịch tính. Dư luận trong và ngoài nước bị cuốn hút theo từng ngày với từng kết quả của cuộc bầu bán. Nhìn chung Đại Hội XII lần này GS thấy có gì đặc biệt hơn so với những đại hội trước đây?
GS Chu Hảo: Tôi thấy nó có nét đặc biệt, tức là Ban tổ chức Đại hội đã tổ chức công tác nhân sự rất chặt chẽ, bài bản. Nói là dân chủ thì tôi cũng không đồng tình lắm bởi vì cách bầu cử từ xưa tới nay tuy bỏ phiếu nhiều lần nhưng không khí cũng chưa hẳn dân chủ trong bầu cử. Không những trong Đàng đâu mà ở ngoài cũng thế. Tuy nhiên việc bầu cử lần này thì phải nói là lần đầu tiên toàn dân được theo dõi khá đầy đủ qua những thông tin có vẻ minh bạch hơn đấy là điều đáng mừng. Thứ hai nữa là những gì mà Ban tổ chức họ dàn dựng và định hướng thì đều đạt được mục đích cả chứng tỏ rằng công tác chuẩn bị họ làm hết sức bài bản, chu đáo.
Trong quá trình diễn ra rất nhiều thông tin ngoài luồng, chính thống thì cũng có, những dự báo này khác. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng là tính minh bạch và giải trình thông tin tương đối đầy đủ. Trong suốt quá trình họp nó không thật là đầy đủ để mà mọi người có thể phán đoán suy luận vì vậy rất nhiều phán đoán và suy luận đều trật lất hết! Chứng tỏ lòng mong muốn của nhiều người trong cũng như ngoài nước đều quan tâm. Chứ còn dựa trên những thông tin không chính thức mà phán đoán hay kết luận thì nhiều khi nó cũng không đúng.
Cho đến bây giờ thì những gì mà Ban Tổ chức Đại hội dự kiến thì đều đạt được cả, duy còn động tác cuối cùng nữa tức là ngày mai Ban Chấp hành Trung ương mới bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư thì coi như hoàn chỉnh kế hoạch của Ban tổ chức đề ra.
Mặc Lâm: Thưa GS trong những ngày qua dư luận trong nước cũng như báo chí thế giới đưa tin một cách dày đặc về cuộc đấu giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng với cảm tình dành cho ông Dũng chiếm ưu thế hơn thấy rõ. Thế nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng chọn con đường rút lui êm thấm làm cho người ta đặt câu hỏi phải chăng nghị quyết 244 đã buộc ông Dũng phải tự chon giải pháp về hưu, hay là phía sau còn có sức ép nào khác nữa thưa GS?
GS Chu Hảo: Riêng tôi thì tôi có cảm nhận rằng đấy là do sức ép của 244 mà đến bây giờ thì tôi vẫn giữ cái quan điểm rằng cái 244 đó thể hiện một tinh thần chưa thật dân chủ. Nó vi phạm những nguyên tắc tối thiểu điều lệ của chính Đảng Cộng sản mà tôi đã từng biết. 244 bao trùm lên tất cả còn về sau này có một số những động thái chứng tỏ có vẻ như là có dân chủ thế nhưng cái dân chủ đấy chỉ để bảo vệ điều xem ra không được dân chủ lắm là 244.
Mặc Lâm: Hầu hết trong kỳ Đại hội lần này mọi người chú tâm vào Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vì cho rằng ông ấy quá thân cận với Trung Quốc và vì vậy không ít người cho là nếu ông Trọng tiếp tục nắm chức TBT một lần nữa thì nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc càng nặng nề hơn. GS nghĩ sao về những quan điểm như vậy?
GS Chu Hảo: Điều này đúng là dư luận của dân chúng và xã hội là như vậy, nó ở hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất ông Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo điển hình bảo vệ quan điểm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết cũ và theo mô hình Mác Lênin. Ông Trọng từng nhiều lần tuyên bố Việt Nam với Trung Quốc có đồng ý thức hệ Cộng sản. Điều đó đã gây ra sự quan ngại rất lớn đối với những người quan tâm đến sự phát triển của đất nước.
Bởi vì nhìn đại thể mà nói tuy còn có Đảng Cộng sản ở nhiều nước vẫn đang tồn tại. Tuy rằng cái ý thức hệ Cộng sản cũng như cái quan điển về chủ nghĩa xã hội cũng còn có nhiều nước còn níu kéo, tuy nhiên thực tế lịch sử đã phát triển đều thấy rằng cái chủ nghĩa Mác Lênin đã rất lỗi thời và lịch sử đã bỏ qua thế mà Tổng bí thư luôn luôn trung thành với cái đó, Qua đó để thấy rằng những mối giao lưu và quan hệ với Trung Quốc đều dựa trên những cơ sở đó thành ra rất nhiều tầng lớp nhân dân cũng như nhân sĩ trí thức lúc nào cũng lo lắng, không an tâm về điều đó.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo Sư.
Nhận xét
Đăng nhận xét