Nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng vọt: Những quan chức nào ‘làm thuê’ cho Bắc Kinh?
Khủng hoảng bắt đầu từ đáy lòng chế độ, cùng quá nhiều khêu gợi của ngoại bang.
Năm 2015 kết thúc với không chỉ tình hình kinh tế bi đát và số doanh nghiệp phá sản tăng vọt ở Việt Nam, mà con số nhập siêu từ Trung Quốc càng kinh hoàng hơn: 32,3 tỉ USD, tăng tới 12,5% so với năm 2014 và được coi là cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2013 và 2014, số nhập siêu từ Trung Quốc “chỉ” là 23,7 tỷ USD và 28,9 tỷ USD.
Báo chí trong nước kêu rên: “Mua của Trung Quốc từ củ hành đến ôtô!”.
Ba năm đều đặn kích phát số nhập siêu từ Trung Quốc, bất chấp vô số phản ứng của dư luận xã hội, đã là quá đủ. Một lần nữa, những quan chức trưởng bộ ngành liên quan đến nhập khẩu của Việt Nam cần phải bị truy cứu trách nhiệm “thân Trung”.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng là những nhân vật phụ trách bộ ngành liên hệ quá môi răng với hàng nhập từ Trung Quốc.
Kể cả “Thống đốc tỷ giá” Nguyễn Văn Bình…
Dã man!
Vài ba năm trước, nạn nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên đến 24 - 25 tỷ USD hàng năm và bị coi là “dã man”.
Ngay sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam bắt đầu phải bàn luận đến khía cạnh “kinh tế Việt Nam sẽ sống được bao lâu nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc”. Trả lời câu hỏi này là lời tường thuật rất thành thật của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may: nếu không được nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhà máy của họ chỉ tồn tại được vài ba tháng!
Quá đúng. Những nhóm hàng nhập siêu tăng mạnh nhất trong năm 2015 vẫn là sắt thép, kim loại, ôtô, phụ tùng và vật liệu dệt may, da giày... Nhưng không chỉ các nguyên liệu đầu vào cho chế biến, ngay cả những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất là nông sản cũng nhập khẩu Trung Quốc ngày một nhiều.
Một chủ hàng Việt trần thuật trước báo chí: “Hàng Trung Quốc số lượng muốn bao nhiêu cũng có, kích cỡ to và đều, mua về là sử dụng được liền trong khi hàng trong nước thì giá cao, lượng hàng lại không ổn định. Dù là hàng Trung Quốc nhưng khi xay nhuyễn, bán cho các nhà hàng, quán ăn, khách đâu có biết tỏi, gừng xuất xứ từ đâu”.
Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức “ăn dầy” của Việt Nam - những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung Quốc. Tình thế càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung Quốc có thói quen chi dưới gầm bàn “thoáng nhất”!
Không cần nhắc lại, ai cũng biết giới quan chức Việt thuộc loại “ăn đủ” nhất trên thế giới.
Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam lại bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà “không ai biết” được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2015 phải lên đến gần 52 tỷ USD. Con số này gấp gần 300 lần so với mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vào năm 2002!
Một nghiên cứu của Trung tâm WTO còn cho thấy các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu EPC của 77/106 dự án lớn trong các lĩnh vực hóa chất, khai thác chế biến bauxite, xi măng, nhiệt điện... của Việt Nam. Đây là những dự án lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện nên một phần đáng kể nguồn cung năng lượng, các hoạt động của nền kinh tế phụ thuộc vào năng lực, chất lượng và hiệu quả từ các hoạt động của nhà thầu nước này. Phần lớn các dự án lại sử dụng máy móc, vật tư, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc càng khiến tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này thêm trầm trọng. Nhiều nhà máy sau khi đi vào vận hành lại gặp trục trặc, thời gian sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài...
Giới chuyên gia còn thêm đánh giá: với tỉ trọng 60% nguyên phụ liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu từ bỏ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ xoay trở không kịp. Cơ cấu này đang gây khó khăn rất lớn cho việc Việt Nam tham gia vào TPP, ứng với một điều kiện không thể thay đổi của TPP là Việt Nam phải chuyển đổi vùng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc về các nước trong khối TPP.
Vậy là TPP chỉ có thể làm được vài việc cho khả năng thoát Trung về kinh tế. Với quy định nghiêm ngặt của TPP về cơ chế phải nhập nguyên vật liệu từ các nước nội khối TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bắt buộc chuyển đổi dần cơ cấu nhập khẩu từ kênh Trung Quốc sang các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… giãn dần tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc.
Phá hoại?
Nhưng đi đôi với hiện tượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt, phải chăng trong thời gian qua đã có những quan chức tìm cách ngăn cản và phá đám Hiệp định TPP cho Việt Nam? Liệu trong thời gian tới, những quan chức này còn có thể tiếp tục tạo ra những tình huống nan giải hoặc đổ vỡ nào để ngăn cản tiến trình Việt Nam triển khai thực thi các quy định TPP?
Đặc biệt nếu những quan chức này nằm trong những bộ ngành kinh tế liên quan mật thiết đến TPP như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn chuyển đổi kênh nhập khẩu sẽ bị hành hạ không ít bởi chủ kiến chính trị của Bắc Kinh.
Không chỉ “hỏi tội” những bộ trưởng phụ trách trực tiếp bộ ngành liên quan đến nhập khẩu từ Trung Quốc, dư luận xã hội còn đang hướng mối nghi ngờ vào động cơ “ổn định tỷ giá” của Ngân hàng nhà nước. Trong hai năm 2014-2015, cơ quan này đã chỉ phá giá đồng Việt Nam khoảng 5%, quá thấp so với độ mất giá chung của đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, và do vậy đã khiến sức cạnh tranh quốc tế về hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt sụt giảm đáng kể. Nhưng ngược lại, cơ chế duy trì tỷ giá thấp luôn được coi là một cách nhằm làm lợi lớn cho các nhà nhập khẩu, trong đó chủ yếu là các món hàng nhập khẩu quá nhiều “màu” từ Trung Quốc.
Nếu mối nghi ngờ trên của dư luận là có cơ sở, hẳn nhiên những chiến dịch nhập khẩu ồ ạt hàng Trung Quốc, cùng chủ trương cố tình không phá giá hoặc chậm phá giá đồng Việt Nam, có thể bị xem là nhắm đến động cơ phá hoại kinh tế nước nhà.
Kinh tế lại quấn siết chính trị. Tương lai Việt Nam làm sao có thể “thoát Trung” về kinh tế nếu vẫn khư khư ôm chặt mối tình ngang trái giữa hai thân xác chính trị thỗn thện? Dàn nhân sự mới của đảng và chính phủ sau đại hội 12 liệu có muốn giãn bớt mối quan hệ ràng buộc này?
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nhận xét
Đăng nhận xét