Cơn bão trong chén trà

    
000_Hkg10250077-620
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc vào ngày cuối cùng của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội hôm 28 tháng 1 năm 2016.
AFP photo

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-01-29
 
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã kết thúc hôm 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội, dù được cho là sôi động đến phút cuối nhưng kết quả nhân sự tứ trụ hoàn toàn không bất ngờ. Vì chính Đài RFA, cũng như báo chí nước ngoài đã đưa tin chính xác về danh sách này trước khi Đại hội khai mạc. Cuộc họp báo cũng như diễn từ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 của Tổng Bí thư tái cử Nguyễn Phú Trọng có vẻ không được dư luận chờ đợi đúng như tầm quan trọng đáng lẽ phải có.
Vẫn theo con đường XHCN
Theo báo chí chính thức, trong diễn văn bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa sẽ trọng dân, gần dân, vì dân, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy. Nhưng ông vẫn tán tụng việc vận dụng và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc chủ nghĩa xã hội.
Lập luận của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy sẽ không có thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam vì Đảng Cộng sản quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Con đường mờ ảo mà chính ông Trọng từng nhìn nhận là đến cuối thế kỷ 21 này không biết đã có xã hội chủ nghĩa hoàn thiện ở Việt Nam hay không. Đặc biệt tại Đại hội Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương khóa 11 kêu gọi cải cách thể chế chính trị theo kịp đổi mới kinh tế. Ông nói rằng, 30 năm đổi mới kinh tế vừa qua có nhiều thành tựu, nhưng từ 70 năm qua cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đảng CSVN vẫn giữ nguyên chưa hề thay đổi.
Thông thường dấu ấn của nhà lãnh đạo sẽ đậm nét trong chương trình hành động của tổ chức chính trị mà người này đứng đầu. Người đọc báo có thể cảm nhận điều này qua thông báo kết quả Đại hội 12 với ngoại giao đoàn tại Hà Nội của ông Hoàng Bình Quân, ủy viên Trung ương Đảng. Theo báo điện tử Lao Động, Đại hội chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Hiện nay người ta cũng khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng kinh tế tư nhân đã được xác định có một vai trò quan trọng động lực cho sự phát triển kinh tế.
- PGSTS Ngô Trí Long
Xin nhắc lại trước ngày Đai hội 12 diễn ra, Trung Quốc đã có một số hành động được cho là lợi dụng lúc Việt Nam bận rộn để thực hiện mưu đồ bá quyền, như cho máy bay đáp xuống đảo nhân tạo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc lấn chiếm của Việt Nam. Trung Quốc gia tăng các vụ đâm tàu trấn áp ngư dân Việt Nam trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và ngay trước Đại hội Đảng Bắc Kinh đưa giàn khoan HD 981 vào sát cửa vịnh Bắc bộ. Nhận định về những hành động của Trung Quốc vào thời gian trước khi Đại hội Đảng diễn ra, học giả Đinh Kim Phúc nhà nghiên cứu Biển Đông từ Saigon phát biểu:
Việc Trung Quốc từng bước lấn chiếm trái phép, xây dựng đảo nhân tạo rồi đưa máy bay vào Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng âm mưu bá quyền độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Điều đó đánh động cho tất cả những ai còn ảo tưởng cho tình hữu nghị hòa bình đồng chí với Trung Quốc.”
Giới bình luận cho rằng qua Đại hội 12, Đảng Cộng sản Việt Nam không có chủ trương giảm bớt ảnh hưởng với Trung Quốc để nghiêng qua phía Hoa Kỳ. Nói chuyện với chúng tôi tối 28/1/2016, từ Hà Nội TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam phủ nhận ý kiến cho rằng kết quả Đại hội 12 cho thấy Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn nữa từ Trung Quốc. TS Trần Công Trục nói chính sách đối ngoại của Việt Nam nhất quán. Ông đánh giá cao việc Bộ Chính trị mới có thêm các Ủy viên trẻ, đặc biệt là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trong quan hệ với Trung Quốc, TS Trần Công Trục nhận định:
“Từ trước tới nay trong quan hệ của Trung Quốc có thể có chuyện này chuyện nọ, nhưng về mặt cơ bản tôi cho rằng, giữa Việt Nam và Trung Quốc chúng tôi luôn luôn giữ thế bình đẳng và không để cho Trung Quốc dùng chính sách sức mạnh của mình để có thể bắt nạt, để có thể khống chế, để có thể điều khiển người Việt Nam chúng tôi theo cách thức của họ.”
000_Hkg10250028-400
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong ngày cuối đại hội đảng, 28/1/2016. AFP photo

Trở lại thông báo kết quả Đại hội Đảng lần thứ 12 với ngoại giao đoàn tại Hà Nội, theo báo điện tử Lao Động, về chính trị, Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng, tiếp tục phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo tin này, về phát triển kinh tế xã hội, Đại hội chủ trương vừa đạt tăng trưởng cao hơn, vừa chú trọng chất lượng tăng trưởng gắn với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, phát huy vai trò của thị trường và các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, vai trò của khoa học công nghệ và nhân tố con người, đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo PGSTS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, Việt Nam đã bước tới giai đoạn không thể quay lưng với đổi mới thể chế. Tuy Việt Nam vẫn theo mô thức kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng dù muốn dù không sẽ vẫn phải tôn qui tắc kinh tế thị trường. Vấn đề kinh tế Nhà nước là chủ đạo, mà trong kinh tế Nhà nước nổi bật là khối doanh nghiệp nhà nước sẽ phải được làm rõ để điều chỉnh. PGSTS Ngô Trí Long nhận định:
“Hiện nay người ta cũng khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng kinh tế tư nhân đã được xác định có một vai trò quan trọng động lực cho sự phát triển kinh tế. Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước phải hiểu nó dưới góc độ, không phải cái gì cũng dùng ưu đãi đặc biệt đối với thành phần này mà cũng phải tồn tại sự cạnh tranh bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác.”
Bất kể ông nào lên làm Tổng bí thư thì đất nước Việt Nam không còn là đất nước Việt Nam trước đại hội 12 nữa. Đại hội 12 này tạo ra một bước ngoặt.
- TS Vũ Hồng Lâm
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, với danh sách Ban chấp hành Trung ương mới gồm 180 ủy viên chính thức và 20 dự khuyết, ít ra cũng cho thấy một vài sự kiện đáng chú ý. Đó là ngoài sự ra đi sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ có 14 nhân vật gồm 13 Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ từ giã chính trường vì không là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa 12. Ngược lại hai nhân vật trẻ được gọi là thái tử Đảng đã chắc ghế Trung ương Ủy viên, đó là ông Nguyễn Thanh Nghị 39 tuổi là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nghị trở thành Bí thư Tỉnh Kiên Giang gần đây. Thái tử Đảng thứ hai là ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Nguyễn Xuân Anh là con trai ông Nguyễn Văn Chi nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa 10.
Theo SaigonTimes Online, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn trong độ tuổi và được Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 giới thiệu và có tên trong danh sách bầu ủy viên trung ương khóa mới; tuy nhiên bà đã không đủ số phiếu quá bán cần thiết để tái đắc cử. Bên cạnh đó, ông Huỳnh Phong Tranh Tổng Thanh tra Chính phủ tuy đã quá tuổi nhưng là 1 trong 4 trường hợp đặc biệt được giới thiệu tái cử. Nhưng ông Tranh cũng không đủ số phiếu để được ở lại.
Giới quan sát cho rằng, trường hợp của bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không được vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12, đồng nghĩa với việc bà sẽ không có tên trong chính phủ sắp tới khi ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm Thủ tướng. Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng đã không bỏ qua sự trì trệ yếu kém của ngành y tế với rất nhiều vụ bê bối bị đưa lên báo chí, giọt nước tràn ly chính là vụ hỗn loạn ở Hà Nội liên quan tới việc người dân cả nước thiếu tin tưởng một loại vắc xin miễn phí, mà ngành y tế sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em. Thay vào đó những người có khả năng tranh nhau một suất vắc xin dịch vụ phải trả tiền, do vắc xin dịch vụ chỉ có giới hạn nên sự chen lấn tranh giành dẫn tới hỗn loạn ở một điểm tiêm tại Hà Nội.
Bước ngoặt
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã bế mạc, mọi công việc đã hoàn tất. Các đảng viên đảng Cộng sản nay đã biết rõ những ai sẽ lãnh đạo mình trong 5 năm tới. Nhưng điều trớ trêu là người dân Việt Nam hoàn toàn đứng bên lề trong việc lựa chọn các nhân vật lãnh đạo quốc gia và bộ máy trung ương.
Điều còn lại là cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng đã trở thành công khai trong mùa Đại hội 12, khi truyền thông phi chính thức được sử dụng.
“Bất kể ông nào lên làm Tổng bí thư thì đất nước Việt Nam không còn là đất nước Việt Nam trước đại hội 12 nữa. Đại hội 12 này tạo ra một bước ngoặt. Bước ngoặt đấy là bởi vì những gì người ta đấu tranh với nhau ở trong đảng, và người ta tung ra ngoài mạng xã hội lần đầu tiên trong mấy chục năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả những cái đó khiến hình ảnh của đảng ở bên trong được người bên ngoài nhìn thấy. Tất nhiên có những cái mình thấy ở bên ngoài là nhiễu, nhiều thông tin là sai, thế nhưng cái người ta nhìn thấy là sự đấu tranh rất khốc liệt ở trong đảng được tung ra bên ngoài để tất cả mọi người cùng nhau chiêm ngưỡng.”
Đó nhận định của TS Vũ Hồng Lâm thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương tại Hawaii Hoa Kỳ khi trả lời Kính Hòa Ban Việt ngữ Đài RFA. Chúng tôi xin mượn lời TS Vũ Hồng Lâm để kết thúc mục đọc báo trên mạng tuần này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?