Điểm báo Pháp ngày 30-1-2016
Hoa Kỳ: Khi các ứng viên « phản hệ thống » hâm nóng cuộc bầu cử sơ bộ
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (T) và tỉ phú Donald Trump (P) hiện đang dẫn đầu bảng các cuộc thăm dò cho hai phe Dân chủ và Cộng hòa.REUTERS/Dominick Reuter et Brian Snyder
Cuộc đua giành chức ứng viên chính thức ra tranh cử tổng thống Mỹ bắt đầu vào thứ Hai 01/02 tới đây. Cuộc khai màn được cho là sẽ rất náo nhiệt ngay trong lòng đảng Cộng hòa. Nhà tỉ phú Donald Trump thong dong dẫn đầu bảng thăm dò, nhưng đồng thời cũng gieo nhiều mối bất hòa. Le Figaro (số ra ngày 30/01/2016) trên trang nhất nhận thấy là, trong cuộc đua sơ bộ lần này tại Hoa Kỳ, « các ứng viên phản hệ thống đang làm chao đảo các cuộc bầu cử sơ bộ ».
Tại sao gọi là ứng viên « phản hệ thống » ? và tại sao là « các ứng viên » ? Bởi vì, Le Figaro cho rằng có đến hai gương mặt nổi bật đại diện cho từng bên đang làm xáo động các cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ. Trên trang hai, trong bài viết đề tựa « Hoa Kỳ : thời khắc của những người chống đối trong một đất nước trong cơn phẫn nộ », nhật báo cố gắng mô tả lại nét tương phản của từng người, đồng thời nêu bật những phương pháp tranh cử « phản chính thống » của hai ứng viên này.
Một bên là phe Cộng hòa, với một Donald Trump, 69 tuổi, một nhà tỉ phú có bộ tóc màu vàng óng kỳ khôi và phong cách như người làm trò ảo thuật đường phố. Một người dành cả đời cho việc xây dựng cao ốc và khách sạn hạng sang. Những khách sạn mang tên ông với hàng chữ to chẳng chút khiêm tốn.
Còn bên kia, phe Dân chủ là một Bernie Sanders, 74 tuổi, một nhà diễn thuyết kỳ cựu cũng đang gây xáo trộn. Với mái tóc bạc « nổi loạn », tự cho là theo trường phái « dân chủ xã hội », và có dáng dấp của một vị « giáo sư đang giảng bài » hơn là một ứng viên đang trong chiến dịch vận động.
Nhưng chính họ lại là những người thu hút đông đảo người hâm mộ nhất, chấp nhận nhẫn nại hàng giờ trong giá tuyết để nghe họ nói. Chính họ đang khơi dậy niềm đam mê khi một bên nói về sự « cứng rắn » và « khôi phục vĩ đại », và bên kia là một cuộc « cách mạng chính trị chống lại giới tài phiệt ». Một sự nổi dậy của quần chúng và chủ nghĩa dân túy, đòi hỏi một sự thay đổi triệt để, Le Figaro nhận xét.
Với nhật báo Pháp, ông Trump còn là một « nhà tỉ phú của người dân », như tựa bài viết trên trang 4. Đây quả là một điều nghịch lý. Vị doanh nhân này lúc nào cũng đồng điệu với tầng lớp bình dân hơn là với lớp chính trị gia. Bởi một lẽ đơn giản, ông mang đến những giấc mơ cho tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ, những người luôn yêu thích người giàu.
Còn về phần « Bernie Sanders, ứng viên ‘xã hội’ đang làm lung lay Clinton » như hàng tựa nhận định trên trang 3, nhờ vào cách nói chuyện « bình dân », tài « hóm hỉnh » và khiếu « tự chế nhạo », mà ông có thể « lôi kéo đám đông », mê hoặc « giới trẻ và những người trẻ hơn ».
Theo phân tích của nhiều nhà quan sát, hiện tượng Donald Trump và Bernie Sanders biểu hiện cho hai mặt của cùng một phong trào đoạn tuyệt. Cả hai đã làm tan vỡ những phương thức truyền thống của các đảng chính trị và tiến gần đến sự đứt đoạn đó bằng cách chối bỏ hệ tư tưởng xung quanh. Cả hai cùng tấn công vào Wall Street, Sanders với cuộc cách mạng xã hội của mình, còn Trump thì từ chối tham gia.
Mặc dù là ủng hộ giới đồng tính và phá thai, Sanders trong một chừng mực nào đó, cũng như Trump, chống lại trọng tâm chiến lược của đảng, chủ trương bảo vệ các cộng đồng thiểu số. Với một tư tưởng mang tính phổ quát, đối với Sanders, đó phải là một cuộc chiến giai cấp, chống lại các bất công, chứ không nhằm bảo vệ một nhóm thiểu số đặc trưng nào như phụ nữ, người da màu hay người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Ngược lại, Trump giống như Sanders, cũng không muốn tấn công vào hệ thống an sinh xã hội và hưu bổng.
Nhật Bản lại cho thêm chút hạt nhân vào năng lượng
Tại Nhật Bản, gần năm năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima, lò phản ứng số 3 tại trung tâm khai thác Takahama đã được tái vận hành vào ngày hôm qua 29/01/2016. Kansai Electric Power (Kepco) dự trù tái khởi động lò số 4 trong vòng một tháng. Bài giải mã trên Libération « Nhật bản khởi động lại hạt nhân trong lĩnh vực năng lượng », tập trung giải thích ba câu hỏi chính.
Thứ nhất, tình trạng các trung tâm hạt nhân Nhật Bản hiện nay ra sao ?
Sau tai nạn 11/03/2011, Nhật Bản cho ngưng hoạt động hết 54 lò phản ứng. Trong đó có 11 lò bị xem như là không thể vận hành được nữa do tình trạng bất ổn, nguy hiểm hay quá cũ kỹ. Trong số 43 lò còn lại, chỉ có 2 lò tại trung tâm Sendai, tỉnh Kagoshima (nam) đã được khởi động lại vào tháng 8 và 11/2015.
Hiện Cơ quan Quản lý Hạt nhân ARN đang nghiên cứu khả năng cho ba lò hạt nhân khác của Kepco và tiến hành công tác kiểm tra tại trung tâm Ikata, do tập đoàn năng lượng Shikoku Electric Power (nam) quản lý.
Thứ hai, vì sao Nhật Bản thúc đẩy nhanh việc tái khởi động lĩnh vực hạt nhân ?
Theo Libération, nguyên nhân chính của việc quay trở lại với hạt nhân là do vấn đề tài chính. Riêng trong năm 2013, Tokyo đã phải chi ra 69 tỷ euro để nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch (chất đốt, khí ga, dầu hỏa..). Từ năm 2011, Nhật Bản chuyển hẳn sang nhiên liệu, làm cho chi phí điện tăng thêm 20%, và làm lệch cán cân thương mại.
Cuối cùng, liệu Tokyo có rút được kinh nghiệm từ Fukushima hay chưa ?
Tờ báo cho rằng Cơ quan Quản lý Hạt nhân ARN phải thuyết phục được niềm tin của người dân. Họ vẫn chưa quên được công tác quản lý tại hại của Tepco tại Fukushima và chưa cảm thấy hài lòng các tuyên bố của chính phủ, luôn khẳng định là các chuẩn an toàn mới là những quy định « nghiêm ngặt nhất trên thế giới ».
Một trong những bài học của thảm họa là phải nhắm đến các kế hoạch sơ tán khẩn cấp ở một bán kính 30 km trong trường hợp xảy ra tai nạn. Nhưng ARN lại không có thực thi một quyền kiểm soát nào lên các kế hoạch do chính quyền địa phương thiết lập, vốn dĩ gặp nhiều khó khăn do thiếu sự hỗ trợ và các thông tin từ các công ty điện lực.
Iran giữ vững lập trường trên hồ sơ Syria
Le Monde tiếp tục quan tâm đến chuyến công du Châu Âu đầu tiên của tổng thống Iran. Sau hai ngày đến thăm nước Pháp, ông Hassan Rohani đã dành cho Le Monde, kênh truyền hình France 24 và kênh phát thanh France Culture một buổi trao đổi đặc biệt.
Ngoài các câu hỏi liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao với Ả Rập Xê Út, tổng thống Iran cho rằng bình thường hóa quan hệ với Mỹ trong trước mắt chưa thể tiến đến do những bất đồng tồn đọng từ 37 năm qua. Trong ngắn hạn, ông nghĩ là sẽ rất khó giải quyết hết các mối bất hòa đó.
Dù vậy ông cũng nhìn nhận là Hoa Kỳ đang có những thay đổi về chính sách trong khu vực Trung Cận Đông. Washington cũng thấy là chỉ có Iran mới có khả năng chống lại quân khủng bố. Khác với các nước Hồi giáo khác trong khu vực, Iran là quốc gia duy nhất có tổ chức bầu cử dân chủ thường xuyên.
Trong cuộc chiến chống Daech tại Syria và Irak, tổng thống Iran cho rằng không nhất thiết phải đi theo liên minh quốc tế có sự tham gia của Hoa Kỳ và Pháp. Điều quan trọng nhất theo ông là phải có sự phối hợp hành động với chính phủ Irak. Ông nhắc lại là « Nếu không có sự hỗ trợ của Iran, nhiều thành phố khác của Irak có lẽ đã rơi vào tay quân thánh chiến ».
Cuối cùng, đối với hồ sơ Syria, ông Rohani khẳng định lập trường ủng hộ chế độ Bachar al-Assad, bất chấp các tội ác chế độ này gây ra, theo như quan điểm của phương Tây. Theo ông, trong ngắn hạn không có giải pháp nào khác (ngoài ông Bachar al-Assad). Nếu muốn chống lại quân khủng bố, « cần phải giúp đỡ quân đội Syria ». Đây cũng chính là tít lớn trên trang nhất của Le Monde.
Pháp : Chống khủng bố, một năm thất bại
Chưa biết rồi tình hình chống khủng bố tại Syria và Irak, cũng như tại nhiều nơi khác sẽ đi đến đâu, nhưng tại Pháp thì đó là « một năm thất bại ». Tít lớn trên trang nhất tuần san L’Express.
Tờ báo dành ra 10 trang để bàn về chủ đề này. Câu hỏi đặt ra, liệu Pháp đã làm hết mình để chống lại mối đe dọa thánh chiến, khi nhìn lại từ vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo cho đến vụ khủng bố thảm thương 13/11/2015 tại Bataclan. Điều tra của L’Express cho thấy có rất nhiều sơ hở trong cuộc chiến này.
Y tế : Zika và kháng thuốc kháng sinh, hai mối bận tâm lớn
« Zika : Dịch bệnh bùng phát lây lan » là hàng tít báo động trên trang nhất của Le Monde. Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán sẽ có 4 triệu ca nhiễm virus này tại châu Mỹ trong năm 2016. Virus Zika, được truyền từ loài muỗi vằn, gây nhiễm bệnh tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hai vùng hải ngoại của Pháp là Guyan và Antilles. Còn tại lục địa, Pháp đã phát hiện được 5 ca nhiễm bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nhanh, Tổ chức Y tế Thế giới triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào thứ Hai, 01/02/2016.
Một hồ sơ y khoa khác cũng đáng chú ý là hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Tuần san L’Obs ở một góc nhỏ trên trang nhất đặt câu hỏi : « Chấm dứt thuốc kháng sinh ? ». Giới y khoa thế giới đang lo âu kể từ khi giáo sư Lưu Kiến Hoa (Jian-Hua Liu), trường Đại học Nông nghiệp Quảng Đông, Trung Quốc phát hiện loại vi khuẩn mang gien đột biến mà ông đặt tên là MCR-1, tại một trại nuôi heo công nghiệp ở Thượng Hải.
Theo quan sát của ông gien đột biến MCR-1 cho phép con « siêu vi khuẩn » này có thể chống chọi được với các loại kháng sinh mạnh nhất, nhất là loại kháng sinh colistin. Loại kháng sinh này được chỉ định khi tất cả những kháng sinh khác không có hiệu quả. Nói một cách khác là kể từ giờ không tồn tại loại kháng sinh nào mạnh nhất nữa trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn, đó là vì loại gien MCR-1 này phát tán một cách rất là dễ dàng.
Bằng cấp nào mang đến việc làm ?
« Những loại bằng cấp tạo ra việc làm », L’Obs thông báo trên trang nhất. Để giải thích rõ, tuần san dành đến 25 trang, nhắm hướng dẫn cho 750.000 học sinh trung học sắp thi tú tài năm 2016. Từ đây cho đến ngày 20/03/2016, các em phải điền mẫu nguyện vọng vào các trường đại học, trung học. L’Obs liệt kê giúp các em học sinh và gia đình các lĩnh vực nhiều hứa hẹn nhất, những nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất và các ngành đào tạo tốt nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét